gày hôm sau, cả nhà không để cho tôi ngồi yên mà cứ nài tôi làm nến thắp. Quả là một nghề mới đối với tôi. Tôi nhớ mường tượng là đã mường tượng được xem làm nến và tôi cố gắng ôn lại thật kỹ, thật đầy đủ rồi bắt tay vào việc. Tôi cho bóc hết vỏ những quả sáp rồi ném dần vào một nồi nước lớn bắc trên bếp lửa liu riu. Nước nóng làm cho sáp bám quanh hạt chảy ra nổi lên trên thành một lớp nến màu lục, còn hạt nặng thì chìm xuống đáy nồi. Tôi lấy thìa vớt nến đổ dần vào một cái vò sành đặt ngay cạnh. Khi đã gần đầy vò, vợ tôi đưa cho tôi những sợi bấc đã se sẵn bằng sợi vải buồm. Tôi cặp bốn sợi vào một cái que nhỏ, nhúng vào nến lỏng rồi gác ngang lên hai cành cây đặt song song. Chờ cho lớp nến ấy đông lại, tôi lại nhúng nó vào nến lỏng, cứ làm như thế cho đến khi cây nến to lên như ý muốn. Tôi đưa những cây nến ấy ra đặt ngoài suối, trong một nơi râm mát cho cứng lại và lập tức tối hôm đó chúng tôi thắp thử ngay. Vợ tôi vô cùng sung sướng với kết quả đạt được, mặc dù thân những cây nến còn to nhỏ không đều; ánh sáng cũng tạm đủ để kéo dài ngày làm việc của chúng tôi, tăng thêm một số thì giờ mà từ trước đến nay đành chịu bỏ phí mất. Cũng trong thời gian này, tôi đã làm thử thành công một cái xe có bánh để thay thế chiếc xe quẹt chưa tiện dùng trên tất cả mọi địa hình. Tôi đã có cặp bánh xe đem từ tàu về nên công việc có bớt được nhiều khó khăn, vậy mà cũng chỉ mới làm được một thứ phương tiện chuyên chở nặng nề và xấu xí. Tuy hình thù không đẹp, nó cũng rất được việc để chuyển mọi thứ thu hoạch giữa ngày mùa. Trong khi tôi lo tăng thêm đồ dùng thì vợ tôi và lũ trẻ cũng không chịu ngồi không. Họ luôn tay làm hàng trăm việc tô điểm cho xứ sở mới thêm vui thêm đẹp. Họ đã đánh từ vườn ươm ra những cây vùng châu Âu đem đi trồng khắp nơi tùy theo khả năng thích nghi của mỗi thứ. Tôi chỉ giúp những việc nặng nhọc nhất và góp thêm ý kiến hướng dẫn: nên trồng những cây nho kề chân những rễ nổi bên dưới sàn nhà ở, cây dẻ, cây hạt dẻ, cây anh đào thì trồng thành hai dãy ven con đường từ Cầu gia đình đến Tổ chim ưng, sau này sẽ có một đại lộ râm mát để sang Nhà dưới lều. Chúng tôi lại đắp cho con đường này chắc chắn vững chải lên giữa hai hàng cây để mùa nào đi lại cũng dễ dàng. Mấy chiếc xe cút kít không đủ dùng trong việc đắp đường, tôi đóng thêm một cái xe bò nhỏ cho con lừa kéo. Sau đó, công việc chuyển hướng sang khu vực Nhà dưới lều, cơ sở đầu tiên của chúng tôi và sẽ trở nên một khu an toàn trong cơn nguy biến. Cảnh vật ở đây có vẻ tiêu điều. Chúng tôi bèn trống tất cả loại cây cần nhiều ánh nắng như chanh, bưởi, cam, bồ đào, hạnh đào, dâu… để thay đổi bề mặt cho cái miền cằn cỗi này. Chỉ một thời gian không lâu, được chăm nom chu đáo, cây cối lớn lên thì bãi cát nóng bỏng và khô khan sẽ trở thành lùm cây đầy hoa quả. Tuy vậy, Nhà dưới lều không phải là một nơi nghỉ ngơi ngoạn cảnh, mà lại là một chỗ để rút lui khi cần thiết. Ở đó chúng tôi cất giấu khí giới, lương thực và thuốc đạn đủ thứ, cho nên không phải chỉ tô điểm cho tươi đẹp bộ mặt của nó mà đủ. Chúng tôi còn lo củng cố nó thành một pháo đài: trồng đầy một hàng rào dầy những cây lớn có gai bao quanh, đủ sức ngăn ngừa loài dã thú xâm nhập và cũng để chặn đứng bất cứ kẻ thù nào. Chúng tôi cũng tăng sức phòng thủ của chiếc cầu bằng cách đặt những tấm ván bắc ngang có thể cất đi nếu cần cắt đứt sự qua lại. Trên một mô đất ở phía trong lại đặt hai khẩu đại bác nhỏ lấy ở xuồng đem vào. Tất cả những công trình đó chiếm mất của chúng tôi trên ba tháng trời. Trong thời gian đó, ngày chủ nhật nào chúng tôi cũng tổ chức nghỉ ngơi bằng những hoạt động giải trí bổ ích. Tôi rất mừng thấy các con tôi chẳng những không yếu sức đi vì nhiều công việc nặng nhọc như thế, trái lại chúng càng thêm vạm vỡ, rắn rỏi, linh hoạt. Mọi thứ đều tốt đẹp trên xứ sở mới khai phá này, lương thực dồi dào và đảm bảo. Chỉ còn một nhu cầu mới đã bắt đầu phải nghĩ đến, đó là quần áo để thay thế cái cũ. Mặc dầu được bàn tay khéo léo của vợ tôi giữ gìn và vá víu rất mực cẩn thận, áo quần của chúng tôi đã bắt đầu rơi vào tình trạng rách rưới đáng ngại. Tôi nghĩ rằng chiếc tàu bị nạn đã cung cấp cho chúng tôi biết bao nhiêu thứ bổ ích thiết thực cho cuộc sống từ bấy đến nay, chắc thể nào cũng có những hòm quần áo, những cuộn vải, dạ và những thứ cần thiết tương tự. Nhưng những công việc bù đầu bù tai đã làm cho tôi quên khuấy đi mất, chưa trở lại tàu thêm lần nào. Cũng muốn biết tình hình chiếc tàu hồi này ra sao, đồng thời để giải quyết sự cần thiết cấp bách của cả gia đình về áo quần, tôi quyết định trở ra tàu một phen nữa. Chúng tôi đi xuồng lớn sau khi yên ủi vợ tôi và cam đoan đây là chuyến đi cuối cùng. Đến nơi, chúng tôi thấy thân tàu vẫn còn mắc kẹt giữa những hòn đá ngầm không khác lúc đầu mấy tí. Gió và sóng biển chỉ mới gỡ mất dăm tấm ván và đưa vào bờ. Chuyến này chúng tôi lục lọi khắp trong tàu và lại lấy được vô số các thứ cần dùng. Những súc vải và dạ, nhiều thùng nhựa đường. Tất cả những thứ gì có thể tháo ra được như là cửa lớn, cửa sổ, bàn, ghế dài và mọi đồ đạc khác đều được chuyển đi hết. Phải mất nhiều chuyến đi về mới chở hết những chiến lợi phẩm đó. Cuối cùng sau khi đã vét tận đáy chiếc tàu bị nạn, tôi bèn nghĩ cách tận dụng hết cái xác ngoài của nó. Nghĩa là sẽ dùng thuốc nổ phá tung nó ra rồi để cho gió và sóng biển đẩy dần dần vào bờ tất cả những tấm ván, những xà ngang cột dọc… mà chúng tôi không thể nào lấy về được. Nghĩ và làm ngay: một thùng lớn thuốc súng đặt ở đáy tàu với một sợi ngòi dài có thể cháy trong mấy giờ đồng hồ. Sau khi châm ngòi, chúng tôi vội vã quay trở về, cập bến ở Vịnh cứu sống và tạm dỡ mọi thứ lên đó để đem dần về kho. Ai nấy đều mệt lử vì suốt cả ngày làm việc quá sức. Tôi bàn với vợ tôi dọn ăn ngoài bãi để nhìn ra chiếc tàu. Chúng tôi ăn uống rất vui vẻ, nóng lòng chờ đợi chiếc tàu nổ tung lên. Mãi đến chiều mới thấy trên mặt biển bốc lên một ngọn lửa cao, chiếu sáng rực mặt nước và chung quanh đó. Một tiếng nổ dữ dội vang đến, đó là tiếng kêu cuối cùng của chiếc tàu chìm xuống biển sâu; mối dây cuối cùng ràng buộc giữa chúng tôi với quê hương thế là đứt đoạn!... Ý nghĩ đó gợi cho chúng tôi một nỗi buồn man mác, cho nên đáng lẽ những tiếng hò reo mừng rỡ thì lại là những tiếng thút thít não ruột quanh tôi. Bản thân tôi cũng không sao cầm được nước mắt. Mối tình cảm gọi là tình quê hương, lòng yêu nước, mối tình cảm đã gắn chặt con người với nơi chôn nhau cắt rốn và với mảnh đất của tuổi thơ bỗng dậy lên vô cùng da diết trong lòng mỗi người. Chúng tôi bùi ngùi và im lặng trở về Nhà dưới lều với cảm giác là chiếc tàu mất đi không khác gì một người bạn già thân thiết của mình mới chết. Tuy vậy, sau một đêm nghỉ ngơi yên tĩnh, nỗi buồn cũng lắng dần dần. Mờ sáng hôm sau, chúng tôi vùng dậy và chạy vội ra bờ biển. Trên mặt biển đã thấy ngổn ngang những mảnh vỡ của chiếc tàu, không phải bỏ nhiều công sức cũng vớt lên được hết. Trong những thứ đó có nhiều nồi hơi loại lớn bằng đồng trước kia đã định đưa đến cho một xưởng lọc. Chúng tôi úp nồi kín lên những thùng thuốc súng để bảo quản cái chất nguy hiểm vô cùng quý giá đó. Một hốc đá xa nhà được chọn làm kho chứa thuốc nổ; lỡ có xảy ra vụ nổ nào cũng không thiệt hại gì lớn. Chúng tôi thu lượm tất cả những thứ có thể dùng được, cất đặt cẩn thận, rồi ngay hôm sau lại trở về Tổ chim ưng. Tới gần tổ chim ưng, thấy hầu hết những cây non mới trồng đều bị gió đánh ngả nghiêng, tôi định hôm sau sẽ sang Mũi hy vọng tiêu tan chặt tre đem về dựng cọc dựa cho chúng. Cả ngày hôm đó trôi qua bình thường nhưng hôm sau khi tôi công bố cuộc đi thì cả nhà đều đòi tham dự. Tôi đồng ý sẽ tổ chức cuộc du lịch gia đình: đóng con lừa và con bò cái vào xe bò, đem theo đầy đủ lương thực và một tấm vải buồm rộng để căng lều trong một chuyến đi dài ngày. Trời rất đẹp, đoàn lữ hành lên đường vui vẻ hát vang. Trước tiên, chúng tôi đi băng qua những cánh đồng khoai tây và sắn, những rặng ổi trĩu quả chín. Lũ trẻ được dịp ăn ổi thả cửa và hái đầy một bao tải đem về để ít hôm nữa mẹ chúng sẽ nấu mứt. Xe bò lăn bánh khó khăn trên đường gồ ghề mặc dù trục đã được bôi nhầy mỡ. Chúng tôi đến khu rừng "muôn chim" và lũ trẻ không ngớt lời tán tụng. Đây cũng là một dịp tốt cho Éc-nét tiên sinh phô bày kiến thức bằng những câu chuyện hấp dẫn lý thú. Vừa nghe chuyện vừa xem chim choc qua lại dưới vòm lá công cộng, chúng tôi thi nhau hái thật nhiều quả sáp ở những bụi chung quanh nhét đầy hai bao tải. Qua dãy cao su, tôi rạch một vài đường sâu vào thân mỗi cây rồi đặt một mảnh vỏ bầu khô để hứng lấy nhựa đem về làm giày không thấm nước cho cả nhà. Tới lùm cọ rồi rẽ trái một chút, chúng tôi bước vào một cánh đồng tươi tốt và màu mỡ không thể tả. Một bên là những nương mía xanh tốt bên một lùm cọ, bên kia là rừng tre; trước mặt là Mũi hy vọng tiêu tan và quá nửa là biển xanh bát ngát tô nền cho bức họa lộng lẫy đó. Chúng tôi tháo hai con vật ra khỏi xe bò rồi sửa soạn để ngủ đêm và sẽ ở lại đây một vài ngày nữa. Ăn uống qua loa rồi ai vào việc nấy: đẵn mía, chặt tre, bóc lá, sảy cành rồi bó lại đem chất lên xe. Vì làm việc hăng say nên lũ trẻ mau đói. Chưa đến bữa ăn tối chúng đã thi nhau nhai mía và đi tìm hái dừa. Không may, chúng không gặp bầy khỉ nào để "nhờ" hái hộ. Chúng đành phải trèo thử lên nhưng thân cây quá trơn nên vừa leo được một đoạn đã mỏi rời tay phải tụt xuống, có vẻ bực mình vì đã thất bại. Thấy thế, tôi bèn đưa cho chúng những đoạn dây da cá mập mang theo. Chúng đeo miếng da nhám đó quấn vào chân rồi lấy một đoạn dây thừng vòng qua thân cây, hai tay nắm chắc lấy hai đầu dây mà nhấc dần lên. Cứ thế, chân bám thân cây, tay níu dây thừng, đứa nào cũng tới ngọn cây khá dễ dàng. Chúng đã giắt sẵn búa nhỏ, lên đến nơi và nhè cuống mà chặt, dừa rơi bồm bộp xuống như mưa. Chúng tôi bổ đôi quả dừa, lấy ra một món tráng miệng tuyệt thú. Phrê-đê-rích và Ruýt-ly hai tay hái dừa, có vẻ tự đắc, nói đùa một vài câu có ý ám chỉ Éc-nét là đoảng bởi vì nhà thông thái ta chỉ có đứng dưới gốc cây mà ngó lên, nhìn người khác chặt dừa. Lúc này hình như nó đang suy nghĩ điều gì nên có vẻ không để ý thấy mình là cái đích của những câu chế giễu đó. Đột nhiên Éc-nét trịnh trọng đứng dậy. Sau khi nhìn lên ngọn một vài cây cọ nào đó một lần nữa, nó vớ lấy một cái chén bằng vỏ dừa và một bình sắt tây có quai xách rồi trịnh trọng tiến lại gần chúng tôi. - Kính thưa quý bà và các quý ông - Nó nói có vẻ hài hước một cách nghiêm trang - Kẻ "đoảng" này xin thú nhận rằng trèo lên cây quả là mệt nhọc và chẳng có gì thích thú. Tuy nhiên việc ấy cũng có vẻ đem lại khá nhiều vinh quang cho những người đã trèo cây. Kẻ "đoảng" này bắt buộc cũng phải thử một keo may ra có nên trò trống gì quang vinh cho mình, đồng thời lại lý thú cho tất cả mọi người chăng! Dứt lời, nó trịnh trọng cúi chào chúng tôi, lấy da cá nhám quấn chân, rồi tiến lại bên một cây cọ đã chú ý xem xét từ lúc nãy. Tôi ngạc nhiên thấy nó leo cây khỏe và tài như thế! Hai đứa kia nhìn nhau cười khi thấy nó lại chọn một cây không có quả. Chúng tinh nghịch đồng tình với nhau chỉ nói cho Éc-nét biết điều đó khi nhà thông thái đã lên tới chót vót ngọn cây. Éc-nét chẳng hề hé miệng trả lời, cứ bình tĩnh ngồi vào giữa đám lá cọ, rút ra cái búa nhỏ, chặt mạnh vào ngọn cây. Từ trên cao rơi xuống một cuộn lá vàng nõn. Tôi nhận ra ngay đó là "bắp cọ", một món ăn tuyệt ngon rất được ưa chuộng ở châu Mỹ. Những người khác, dốt môn sinh vật học hơn Éc-nét, chỉ đón tiếp món quà của nhà bác học bằng những chuỗi cười chế giễu. Tuy nhiên, nhà thông thái nhỏ tuổi ấy vẫn chưa chịu trở xuống. Nó cứ ngồi vững trên cây rất thoải mái và im lặng. Tôi gọi hỏi: - Ma xui quỷ khiến con ngồi làm gì trên ấy nữa? Hay là lại muốn chiếm chỗ cái bắp cọ mới ném xuống? Éc-nét vừa cười vừa trả lời: - Không! Không đâu! Con còn muốn lấy xuống cho cả nhà gia vị để nêm món bắp cọ đấy! Đó là một thứ rượu chát mà mọi người sẽ cho biết ý kiến sau, nhưng bây giờ thì nó cứ chảy chậm rì rì, lâu hơn là con tưởng. Những chuỗi cười chế giễu và những cử chỉ ngờ nghệch của lũ trẻ lại được diễn lại. Nhưng lần này thì tắt khá nhanh khi Éc-nét xuống đến gốc cây, một tay cầm cái chén vỏ dừa, tay kia rót vào chén một thứ nước hồng hồng và trong vắt, đựng đầy nửa bình. Rồi, duyên dáng nó đưa cái chén cho tôi và mời tôi nếm thử. Đúng là nước rượu cọ, thơm ngon không kém rượu sâm-banh, lại có thể bồi bổ sức khỏe nếu uống điều độ. Mỗi người nếm thử một chút nước ngọt êm dịu đó và không tiếc lời khen ngợi Éc-nét. Thằng bé cũng quên hết những lời chế giễu lúc nãy trước niềm vui và những cử chỉ âu yếm vuốt ve của mẹ nó. Mặt trời lặn khá nhanh, chúng tôi dựng lều để nghỉ đêm lại đó. Chúng tôi đương bận tíu tít thì con lừa bình thản gặm cỏ gần đó bỗng tỏ vẻ bồn chồn như có một cảm giác kỳ lạ. Tai vểnh lên, nó hếch mũi đón gió, hí lên một tiếng "hi!hăng!" rợn người rồi chạy vụt đi, đá lung tung sang trái sang phải, rồi chạy thẳng vào rừng tre, biến mất tích. Ngạc nhiên trước sự điên cuồng kỳ quặc như thế, chúng tôi xuỵt chó rượt theo con vật và cũng đổ ra chạy theo vết nó, nhưng chỉ một quãng là mất hút. Mấy con chó cũng không được việc gì hơn. Sau một hồi tìm tòi không có kết quả, chúng tôi đành quay trở về tay không. Sự việc đã xảy ra làm cho tôi phải lo nghĩ ít nhiều. Trước hết, mất con lừa quả là một điều rất không may cho chúng tôi. Sau nữa tôi ngại rằng sự hoảng hốt bất ngờ đó của con vật đáng thương này có thể do một con thú dữ nào đó lại gần gây ra. Để đề phòng tai nạn này, tôi cho đốt một đống lửa lớn ngay trước lều để đuổi thú dữ. Không đủ củi khô, tôi bèn bó mía lại thành đuốc, dựng xuống đất ở hai bên lều, đốt cháy suốt đêm thay củi. Sau bữa ăn tối, chúng tôi chui cả vào trong lều. Ban đêm hơi lạnh, có hơi lửa đưa vào, chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Chúng tôi mặc nguyên áo quần, nằm nhào lên giường rêu mà ngủ, khí giới để ngay cạnh mình. Cả ngày ai nấy đều mệt nhọc nên ngủ rất say. Tuy vậy, tôi vẫn cố gẵng cưỡng lại giấc ngủ và thức canh cho tới rất khuya. Khi đống củi cháy gần hết, tôi đốt những đuốc mía lên. Một lúc sau, yên tâm với ánh sáng chói lòa tỏa khắp quanh lều, tôi ngủ một mạch cho đến sáng hôm sau, không bị quấy rầy chút nào hết.