Phần I

    
anh tư.
 Trời lạnh. Trăng suông, nhạt. Sương dày đặc, loãng dần bay bồng bềnh ngoài cánh đồng. Gò đống hiện ra, ẩn mất. Gió dưới sông nổi lên, hun hút thổi vào hang hốc chồn, cáo, mèo hoang. Cánh đồng Miêu Linh hoang vắng, dài ra, rộng hơn, xa rợn. Đêm thiêng mênh mông, hoang sơ.
Ở mom sông, căn lều đơn độc nơi đất bãi, sông nước, sương gió hồng hoang. Đột nhiên, con miêu kêu khủng khiếp. Eo...eo...eo... Não nùng. Hoang dại. Lập tức, tấu lên rất nhiều tiếng eo... meo... âm... âm... u... u... nhỏ hơn, xa vắng trong gió khuya. Hệt tiếng mèo hoang ở bãi tha ma, ở gò đống ngoài cánh đồng Miêu Linh vẳng lại. Dàn hợp âm tiếng gió, tiếng mèo như quái, như ma kêu khóc xuyên vào sâu thẳm vọng về. Mới đầu nghe đã thấy lành lạnh gáy, sởn gai ốc da gà. Sau càng lắng càng thấy rờn rợn.
Con miêu vọt lên xà lều. Hai mắt như hai hạt bi ve phát quang xanh lét, phóng trong tối tăm, quét đi quét lại. Rồi nó chui qua hồi lều, hít, ngửi. Nó chiếu hai hạt bi ve lên cây, rồi lại đảo xuống đất. Một đồng loại của nó đang bị treo cổ trên bẫy. Thân thẳng duỗi, bất động, lạnh cứng. Dưới cái lỗ tròn sâu như cái lon sữa bò là cái đầu cá rô nướng còn nguyên. Khen khét. Tanh. Rờn rợn rờn rợn mùi chết chóc. Con miêu lại kêu. Thực ra lần này là tiếng gào. Gào gấp gáp run rẩy và quyết liệt như để cho đồng loại biết. Để rồi ngoài xa lại rộ lên... ắng đi... chìm dần trong đêm. Xa xôi, tiếng hoang dã đồng vọng.
Bất chợt người đàn bà giật mình. Một hơi gió lạnh lọt qua khe liếp. Hồn ma mèo, tiếng rắn hút gió, bước chân người đuổi lởn vởn trong đầu chị như ở quanh đây, như ở đâu đó ngợp xa. Người đàn bà gặp lại mình nơi hoang dã xa vợi.
Bốp. Bàn tay mụ quản bếp hằn đỏ năm vệt trên mặt chị: “Đồ ăn hại. Hỏng việc của tao rồi”. “Nó đẹp. Tôi xem, lỡ tay kênh nắp lồng”. “Còn cãi hở”. “Chị không phải bà chủ. Biết thế này tôi cứ ở quán cơm bụi cho rồi”.
Phựt... phựt... Hai hàng cúc áo đứt tung. Xoạc. Vạt áo trước rách toạc. Một khoảng vai trần và vết móng tay xước dài trên ngực chị. “Khốn nạn! Tao còn hơn bà chủ. Lớ xớ vào bếp làm gì?”. Chị im thít, kéo vạt áo rách, ôm chặt tay che ngực. Nỗi oan ức, tủi nhục làm chị khóc tức tưởi. Cô Tâm nấu bếp vỗ về chị: “Thân phận làm thuê có ra cái gì đâu. Cắn răng mà chịu, cháu ạ”. Con miêu đã vọt lên cửa sổ bếp. Quay đầu lại, nó nhìn chị như biết ơn, như ân hận. “Làm khỉ gì thế. Định đuổi hết khách của tôi đi à”. “Anh xem nó đánh xổng con miêu”. Ông chủ vào bếp, đứng chắn trước mặt chị. Ông nuốt nước bọt đánh ực. Ông dán mắt vào ngực chị: “Chết cha tôi rồi. Khách đặt ươm mãi mới được con mèo tam thể chửa. Người ta đến, lấy mèo bao tử hầu họ. Mà mẹ cha cái bọn! Ăn tàn bạo”. Cô Tâm nấu bếp người thấp đậm, có vẻ thương chị dúi cho cái áo cũ. Chị len lén vào góc khuất thay áo. Ông chủ the thé quát thằng Ben, thằng La nhử con miêu chửa. Ông bảo: “Không nhử được thì đánh què nhốt lại”.
Con miêu dường như cảm nhận được cuộc săn đuổi mới. Nó vọt nhanh qua cửa sổ, lao xuống vườn. Trèo thoăn thoắt lên cây nhãn, nó ngoe nguẩy ria, nhìn. Nhồm nhoàm, ngả ngớn, các vị khách đang ẩm thực đồng loại nó ở các phòng trên tầng, ở các bàn bày rải rác dưới gốc cây khắp vườn.
Nó nhìn thấy ông chủ xách cái lồng sắt ở trong gông một con mèo bạch, để lên mặt bàn bằng gốc cây cưa phẳng đặt ngay trước tán lá cây nhãn. Ông chủ xoay gông đẩy cái chốt lên cao. Khi cái chỏm đầu con mèo trắng nhô khỏi lỗ tròn ở đỉnh lồng, ông chốt chặt lại. Bốn thực khách mặc com lê màu tối ngồi bết lên bốn cái ghế cũng bằng gốc cây cưa phẳng chầu quanh lồng mèo.
Chát. Dùi đục phang mạnh. Eo. Mèo trắng vẫn kịp gào lên một tiếng. Thân mèo co rút, giật giật. Cả bốn thực khách cười hô hố. Ộc, ộc. Rượu tràn ly.
“Mẹ kiếp! Mưa”. Lắc rắc những hạt bụi nhỏ rơi xuống bát nước chấm, rơi xuống đầu khách. Lành lạnh ở gáy, tóc nhơm nhớp. Vị khách mặt chuột, người nhỏ thó ngước nhìn lên vòm lá: “Nước đái mèo. Trời ơi!”. Ông ôm mặt. Ông dụi mắt. Ông đau nhức. Con miêu phi ngay xuống đất, phóng vèo đến góc vườn. Dường như nó sợ quá vãi đái hoặc phản ứng bản năng tức thì sự dã man với đồng loại.
Tối hôm sau, tối hôm sau nữa, nhà hàng đặc sản tiểu hổ đóng cửa sớm. Lại có ba vị khách quần áo hầm hố bụi bặm đến. Gã râu quai nón chống nạnh, vênh vênh mặt: “Ai thèm lấy lại tiền. Quân tử nhất ngôn”. Ông chủ bảo: “Chỉ tại chú. Chú nhặt nó ở hàng cơm bụi gán cho tôi nên mới ra nông nỗi này”. “Tại đếch gì tôi”. Gã râu quai nón cáu: “Tôi làm phúc. Tưởng nhà ông cũng cần người lắm chứ”. “Người cũng đang cần. Nhưng...”. “Thôi. Lằng nhằng bỏ mẹ. Cho ăn rắn bao tử cũng được. Này! Con bé nhà quê ấy xinh ra phết, chửa chừng chưa bị phá trinh. Ông thế nó thay con miêu chửa bị sổng. Coi như huề”. Gã bên cạnh bảo: “Chuyện làm ăn đấy. Nửa đêm đưa nó lên. Không đùa đâu”. Rồi chúng cười ông ổng. Chúng không thèm nghe nói thêm nửa lời. Chúng kéo ông chủ lên tầng năm. Chúng ăn nhậu và bàn công chuyện mờ ám. Chỉ có trời biết được.
Đã ba ngày đêm, chị tìm cách thoát khỏi nhà hàng có vườn cây hoang dã ở ngoại ô. Hầu như mỗi lần có cơ hội thì cái mặt lì lợm của thằng Ben, thằng La lại hiện ra. Còn ban đêm, chị bị vây bởi những bức tường cao và cái cổng khóa im ỉm. Ở đây chị sợ tất cả. Sợ ông chủ, sợ thằng bảo kê, mụ quản bếp, sợ rắn, sợ chuột... Nhưng ám ảnh, hãi hùng nhất là căn phòng bà chủ ở dãy nhà ngang về ban đêm. Căn phòng ấy không sáng, không tối. Cửa sổ chỉ he hé để vừa đủ ánh sáng nhờ nhờ chiếu vào từ vườn cây. Ở góc khuất nhất, xa ngôi nhà năm tầng và cửa khóa lạnh băng như để trốn, kẻo khách ăn vào nhầm.
Sáng, trưa, tối và đêm, bốn bận chị phải mang cơm nước vào hầu bà chủ. Lúc khác cần, bà bấm chuông. Đang làm gì, chị cũng phải bỏ, chạy đến để bà chủ sai bảo. Bà chủ nằm liệt, hố mắt trũng sâu, trắng dã, mặt lì, ít nói. Cô Tâm nấu bếp kể: “Một đêm giông gió. Cây đổ vật vào bể nuôi rắn. Chúng sổng chuồng túa ra khắp vườn, rúc vào gầm cầu thang, chui vào gầm giường. Một con rắn răng vẫn còn rất sắc nhằm vào chân bà chủ mà bổ. Ga rô ngay, hút máu, uống thuốc kịp. Bà chủ không chết, nhưng chân bị rắn cắn cứ teo dần. Bà nằm bẹp, đành phải để nhà hàng tiểu hổ cho chồng và chị quản bếp lo liệu”. Chị thoáng rùng mình, nhớ lại những lần xoa bóp mình mẩy cho bà chủ. Cái mỏm bị cắt cụt đang tím dần, thịt chết, bẹo vào không thấy đau.
Đêm chầm chậm vào sâu. Chị vẫn chập chờn, chập chờn trong giấc ngủ nông. Con miêu từ xó xỉnh nào đó len lén qua khe cửa sổ, chui vào cuộn tròn bên nách chị. Ấm, mềm và nhồn nhột. Chị mơ màng. Chị giật mình: Đã đến giờ ăn đêm của bà chủ.
Trời hơi lạnh. Sương mù mịt vườn cây. Trên tầng năm, cửa sổ phòng nhậu vẫn sáng mờ mờ. Bếp còn đỏ lửa. Một con rắn hổ mang nhốt sẵn trong lồng mây đan mắt cáo ngóc đầu thôi miên lửa. Một con mèo vặt sạch lông, trắng ởn nằm sõng sượt trên nền gạch hoa. “Tôi đang thiu thiu ngủ ông chủ dựng dậy làm thêm cho khách ở tầng năm. Cháo của bà chủ đây”. “Cô múc ít thôi. Hôm nay bà chủ thấy mình khó ở”. Cô Tâm nấu bếp thì thầm: “Này. Cô bảo này, ở đây như hang hùm nọc rắn. Cháu liệu mà giữ lấy thân”.
“Đây rồi. Ớ giời ơi!”. Ông chủ chắn ngay trước mặt chị. Nồng nặc mùi rượu, mùi tanh tưởi: “Cô mang chai rượu này lên tầng năm cho khách”. Chị líu ríu chân tay. Tai ù đi. Đầu mụ mẫm, muốn quỵ. Bát cháo nóng trên tay chị trào ra. “Eo!”. Con miêu ở trên cây đột nhiên kêu như gào, như vực chị dậy. “Tôi cho bà chủ ăn đêm”. “Biết rồi. Xong phải lên ngay. Khách đang chờ. Cầm lấy chai rượu này”. Nói nhát gừng, ông chủ ấn cái chai vào tay chị. Bóng ông loang loáng về nhà tầng.
Ánh điện yếu ớt nhòe nhoẹt. Khu vườn rộng, tối sáng nhập nhòa. Bóng chồn, cáo, trăn, kỳ đà, gấu... nhồi đầy bụng trấu ngồi im ỉm ở gốc, leo nguềnh ngoàng trên cây, bò trên hòn non bộ... Vừa ma quái vừa hoang dã. Chị bước, những bước chân vô lối. Chị lạc đến góc vườn. Chị ngã, dúi vào bể rắn. Rắn thức, nhốn nhào ngóc đầu dậy mổ cục cục vào thành bể, vào nắp lưới mắt cáo. Chị giật nảy người lùi sang bên va phải chuồng mèo. Con trụi lông, con xước mặt, sứt mũi, nằm chen nhau nhung nhúc trong chuồng. Không kêu,  gào, chúng đờ đẫn, vô cảm với thân hình chị, với bóng chị phủ lên chuồng. Gần đó, hai cái ô tô chở mèo, rắn, ba ba lên biên giới đã đóng hàng từ chập tối đậu sát cổng hậu, đổ bóng đen thẫm.
Lõm bõm. Lõm bõm. Rồi lộc cộc... Chị quay lại. Chị nghển người. Chị ngồi bệt xuống. Từng con, từng con chuột chùi chũi dưới ống cống ngầm chui lên. Con nọ nối đuôi con kia lốc nhốc. Mũi đỏ, đít đỏ, lông xám, mốc thếch, lại có con cụt đuôi. Chúng ghếch mõm. Chúng thao láo mắt nhìn chị. Chúng tản ra, dò dẫm trên nền cỏ đầy sương, bò trên bàn ăn, tìm những mẩu thịt, miếng xương còn sót lại. Chúng bò qua bụng, nghếch mõm, vênh váo nhìn cáo, trăn, mèo... nhồi trấu... Đêm, vườn cây đầy tiếng lộc xộc, chít chít lẫn tiếng gió hút ở miệng cống ngầm.
Bát cháo chỉ còn một nửa, chị lách người vào phòng bà chủ. Chị không tin ở mắt mình. Trong ánh điện yếu vàng ệch, chị nhìn thấy lũ chuột đang gặm cái chân gỗ đặt bên giường bà chủ. Một con chui vào trong, chỉ còn thấy cái đuôi lấp ló thò ra. Ba bốn con nữa châu đầu vào mỏm chân teo của bà. Đít đỏ, trụi lông, chổng lên, đầu chúng chúi xuống gặm gặm. “Bà ơ... ơi..!”. Chị hét lên. Choang. Độp. Bát cháo và chai rượu rơi xuống nền nhà. Lũ chuột túa ra, lộc xộc chạy lên bụng, lên mặt bà chủ lọt ra ngoài cửa sổ. Cùng lúc con miêu vút qua hông chị, lao theo ra vườn cây. Bà chủ giật thót ú ớ kêu không thành tiếng. Bà nhìn cái mỏm chân cụt đã teo chuột gặm nham nhở, xương chìa ra trắng hếu. “Mèo... thả mèo ra”. Bà gào. Thảng thốt. Cồn cào... vọng vào đêm vắng.
Rậm rịch chạy. Láo nháo kêu. Chị ào ra vườn cây. Ông chủ ở trên tầng xuống. Thằng Ben ở cổng lớn chạy vào. Cô Tâm nấu bếp chạy lên. Vấp phải chị, cô kéo tay áo lại: “Mấy thằng ở lầu năm nó làm gì cháu? Cô biết ngay mà”. “Khô...ông. Chuột ăn bà chủ”. Chị ngọng líu rồi câm lặng. “Trời ơi! Thoát ra cổng hậu mau”. Cô nấu bếp đẩy chị đi. Chị leo. Chị trèo. Chị ra khỏi vườn cây ngập sương và bóng tối. Chị chạy ra con sông ngoại ô. Chị vấp, ngã, tay quờ phải con miêu đang chạy theo. Chị bế nó lên. Chị cứ ngược triền sông mà chạy. Chạy...
Mông lung. Ám ảnh. Rợn ngợp. Người đàn bà lại thấy mình bị săn đuổi trên cánh đồng hoang. Hổn hển. Gấp gáp. Thình thịch. Như ma lùa, như tiếng chân người đuổi. Chị nghiến răng. Chị cắn vào môi xem mình còn là người hay ma. Đau. Chị trấn tĩnh: “Thần hồn nát thần tính. Xa lắm rồi. Chúng làm sao mà đuổi được”. Dụi mắt. Căng mắt. Đồi Bạch Bát đang ở phía trước mặt. Hai bên là bãi tha ma và cánh đồng Miêu Linh. Ánh đèn lấp loáng, lấp loáng, quét trên năn lác, trên lúa dài đã uốn câu bị cắn gãy gục. Một bóng người đen thẫm nhấp nhô, nhấp nhỏm. Chị bủn rủn chân tay: “Chết con rồi... Cha ơi”. Tiếng kêu không thoát ra khỏi họng.
Bõm. Lõm bõm... như chuột chạy, như mèo hoang săn mồi. Chuột thật. Chuột túa ra lổn nhổn, nháo nhào. Chị chạy va phải chuột. Chuột húc vào chân chị. Phựt. Vút. Mũi tên bay khỏi nỏ, xé gió lao đi. E... eo... Tiếng mèo hoang trúng tên kêu rất thảm. Eo... Con Miêu cũng gào lên, phóng khỏi tay người đàn bà. Hồn bay. Vía bay. Người đàn bà đổ kềnh.
Rụp. Lưới cạn bung ra. Chụp xuống. “Cứu tô... tôi”. Yếu ớt, lọt thỏm vào gió lạnh. Tối tăm mặt mũi, tóc tai rũ rượi, người đàn bà bất tỉnh.
Đèn ló lại lấp lóa. Mắt con miêu bắt đèn loe lóe. Cánh nỏ lại căng, giương lên. Con miêu lùi dần, lùi dần. Phóc. Miêu vọt qua đám lưới bùng nhùng. Người đàn ông giật nảy mình. Lùi một bước. Rồi bước lại gần. “Khốn khổ chưa. Lài ơi. Sao đến nông nỗi này”. (Còn tiếp)
Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh