ơn mưa kiệt sức đang rút lui. Nó rút lui trên mọi mặt trận. Nó cũng có kẻ săn đuổi. Kẻ đó mang tên Mặt trời. Đồng minh cổ xưa của nền văn minh Myrmécéen mãi mới xuất hiện nhưng dù sao cũng xuất hiện kịp thời. Nó nhanh chóng hàn gắn những vết thương toang hoác trên bầu trời. Đại dương thượng tầng thôi không chảy xuống thế giới nữa. Cư dân Bel-o-kan thoát nạn ló đầu ra để sấy mình và sưởi ấm. Một trận mưa cũng giống như một kỳ nghỉ đông mà ở đó cái lạnh bị cái ẩm ướt thay thế. Điều này còn tồi tệ hơn. Cái lạnh khiến chúng thiếp ngủ, nhưng cái ẩm ướt giết chết chúng! Bên ngoài, lũ kiến đang ngợi ca vì tinh tú chiến thắng. Vài con còn ngâm nga khúc tụng ca thắng lợi xưa cổ: Mặt trời, xuyên qua lớp vỏ rỗng của chúng ta, Khuấy động những bắp cơ đớn đau của chúng ta Và hợp nhất những suy nghĩ tản mát của chúng ta. Khắp nơi trong Cấm Thành, lũ kiến hát lại bài ca tỏa mùi này. Bel-o-kan không vì thế mà bớt phần thảm hại. Chút nóc vòm còn sót lại, lỗ chỗ vết do tác động của mưa đá, đang khạc ra những tia nước nhỏ, thứ nước trong suốt điểm những chấm đen đen: xác lũ kiến chết chìm. Tin tức đến từ các đô thị khác cũng không lấy gì làm sáng sủa hơn. Vậy là chỉ cần một cơn mưa rào đã đủ để làm giảm thiểu dân số liên bang kiến đỏ hung trong rừng vốn đầy kiêu hãnh sao? một cơn mưa đơn thuần là đủ để một đế chế đi đến hồi kết ư? Đống đổ nát trên nóc vòm để lộ ra một phòng sưởi nắng, ở đó, lũ kén chỉ còn là những vật thể hình hạt ẩm ướt nằm trong thứ nước bùn sền sệt. Bao nhiêu vú em đã chết vì muốn bảo vệ ấu trùng giữa các chân mình chứ? Vài vú em cứu được ấu trùng bằng cách giơ chúng lên cao quá đầu. Những con kiến gác cổng sống sót hiếm hoi đi dọn sạch các lối vào Cấm Thành. Chúng hốt hoảng đứng nhìn quy mô thảm họa. Bản thân Chli-pou-ni cũng sững sờ trước mức độ thiệt hại. Có thể xây được gì vững chãi đây trong những điều kiện thế này? Trí thông minh thì ích gì nếu một chút nước thôi cũng đủ để mang thế giới quay lại những ngày đầu của nền văn minh kiến? 103 683 cùng lũ kiến nổi loạn rời nơi ẩn náu. Con kiến lính đi về phía kiến chúa ngay lập tức. Sau những gì vừa xảy ra, chúng ta sẽ phải từ bỏ cuộc thập tự chinh chống lại các Ngón Tay. Chli-pou-ni bất động, cân nhắc pheromon. Rồi nó điềm tĩnh cử động râu, trả lời là không được, cuộc thập tự chinh nằm trong số những dự định quan trọng và không gì có thể khiến cuộc thập tự chinh bị xét lại. Nó còn nói thêm rằng những đội quân tinh nhuệ của nó, vốn đang trú trong rễ cây của Cấm Thành, không hề hấn gì và rằng tương tự, lũ bọ hung tê giác cũng đã được dự trữ. Chúng ta phải giết các Ngón Tay và chúng ta sẽ làm thế. Tuy nhiên có sự khác biệt về quy mô: thay vì tám mươi nghìn kiến lính, giờ 103 683 sẽ chỉ còn... ba nghìn lính trong tay. Quân số suy giảm, hẳn là vậy, nhưng rất kỳ cựu và thiện chiến. Tương tự, thay vì bốn phi đội bọ cánh cứng biết bay như dự kiến ban đầu, sẽ chỉ còn một phi đội, trông cậy vào ba mươi đơn vị, thà thế còn tốt hơn không có gì. 103 683 thừa nhận điều này và thu râu về phía sau ra dấu chấp thuận. Nhưng không vì vậy mà nó bớt bi quan về số phận đang chờ đợi đội quân viễn chinh mỏng manh. Đến đây, Chli-pou-ni rút lui và tiếp tục đi xem xét tình hình. Vài con đập đã giữ lại và cứu được nhiều khu nguyên vẹn. Nhưng thiệt hại quá lớn mà đặc biệt là tình trạng đám kén cùng thế hệ kế tiếp bị tàn sát. Chli-pou-ni quyết định tăng nhịp độ đẻ trứng để tái thiết dân cư đô thị một cách nhanh nhất. Nó vẫn còn hàng triệu tinh trùng tươi trong túi nhận tinh của mình. Và vì cần phải đẻ trứng, nên nó sẽ đẻ trứng. Khắp nơi tại Bel-o-kan diễn ra những hoạt động sửa chữa, nuôi dưỡng, chữa trị, phân tích thiệt hại, kiếm tìm giải pháp. Loài kiến không dễ gì tỏ ra bị khuất phục. 61. NƯỚC CẤT TỪ ĐÁ Tại phòng mình ở khách sạn Bellevue, Giáo sư Maximilien MacHarious đang kiểm tra thứ đựng trong ống nghiệm. Cái chất mà Caroline Nogard đưa lại cho ông đã biến thành thứ chất lỏng màu đen, giống như thứ nước cất từ đá. Có tiếng chuông kêu. Ông đang đợi hai người khác. Đó là một cặp vợ chồng nghiên cứu khoa học người Ethiopia, Gilles và Suzanne Odergin. - Mọi chuyện ổn chứ? ông chồng vừa vào đã hỏi ngay. - Mọi chuyện theo đúng kế hoạch đã đề ra, Giáo sư MacHarious điềm tĩnh trả lời. - Ông chắc không? Không thấy ai nhấc máy điện thoại nhà Salta. - Dào ôi! Chắc họ đang đi nghỉ. - Caroline Nogard cũng không thấy trả lời. - Tất cả bọn họ đã làm việc rất vất vả! Nên thật bình thường khi lúc này họ muốn nghỉ ngơi đôi chút. - Nghỉ ngơi đôi chút à? Suzanne Odergin mỉa mai hỏi. Bà mở túi xách tay và chìa ra nhiều bài viết cắt từ báo tường thuật lại cái chết của anh em nhà Salta và Caroline Nogard. - Vậy là ông chẳng bao giờ đọc báo sao, giáo sư MacHarious? Cánh báo chí miêu tả mấy vụ này như kiểu “câu chuyện giật gân nhất mùa hè”! Và đây là cái mà ông gọi là theo đúng kế hoạch đã đề ra ư? Vị giáo sư tóc đỏ hung không có vẻ gì bối rối trước những tin tức này. - Các vị muốn gì nào? Làm sao tráng được trứng nếu không đập vỡ trứng chứ? Rõ ràng cặp vợ chồng người Ethiopia tỏ ra lo lắng hơn. - Chỉ có điều hãy hy vọng rằng “món trứng tráng” sẽ chín trước khi mọi quả trứng bị làm hỏng! MacHarious mỉm cười. Ông chỉ cho họ thấy cái ống nghiệm đặt trên nệm. - Nó đấy, “món trứng tráng” của chúng ta đấy. Họ cùng nhau chiêm ngưỡng thứ chất lỏng màu đen ánh lên những tia xanh nhạt dịu nhẹ. Giáo sư Odergin hết sức thận trọng cất cái lọ quý hóa vào túi trong áo vest của mình. - Tôi không biết điều gì đang xảy ra, MacHarious ạ, nhưng dù sao cũng xin bảo trọng. - Ông đừng lo lắng. Hai con chó săn của tôi sẽ bảo vệ tôi. - Hai con chó săn của ông á! bà vợ kêu lên. Thậm chí chúng còn chẳng thèm sủa lúc chúng tôi tới nữa. Những kẻ canh gác kỳ khôi làm sao! - Đó là bởi tối nay chúng không ở đây. Bác sĩ thú y giữ chúng lại để kiểm tra. Nhưng ngày mai chúng sẽ ở đây để canh chừng cho tôi, những cận vệ trung thành của tôi. Cặp vợ chồng người Ethiopia rút lui. Giáo sư MacHarious mệt mỏi đi ngủ. 62. NHỮNG KẺ NỔI LOẠN Đám kiến nổi loạn thoát nạn họp nhau lại dưới một bông hoa dâu tây, ven thành Bel-o-kan. Mùi quả thơm sẽ giúp cuộc đối thoại bị nhiễu trong trường hợp một cái râu không mời mà đến tạt qua. 103 683 gia nhập nhóm. Nó hỏi xem lũ kiến nổi loại định làm gì lúc này khi chúng đã bị giảm quân số. Con kiến kỳ cựu nhất trong số chúng, một con kiến vô thần, trả lời: Chúng tôi tuy ít, nhưng chúng tôi không muốn để các Ngón Tay chết. Chúng tôi sẽ làm việc nhiều hơn nữa để nuôi dưỡng họ. Từng cái râu lần lượt dựng lên biểu lộ sự đồng tình. Cơn mưa như trút nước không khiến quyết tâm của chúng suy giảm. Một con kiến hữu thần quay về phía 103 683 và chỉ cho 103 683 cái vỏ kén bướm: Chị ấy, chị phải đi thôi. Vì thứ này. Hãy đi đến nơi tận cùng thế giới cùng cuộc thập tự chinh ấy. Phải mang theo thứ này để phục vụ nhiệm vụ Sao Thủy. Hãy gắng mang một cặp vợ chồng Ngón Tay về, một con khác yêu cầu, chúng tôi sẽ chăm sóc họ để xem liệu họ có thể sinh sản trong tình trạng bị cầm tù được không. Con số 24, con kiến bé nhất trong nhóm, xin được đi cùng 103 683. Nó muốn thấy các Ngón Tay, hít ngửi họ, chạm vào họ. Tiến sĩ Livingstone chưa đủ đối với nó. Đó chỉ là một kẻ thông ngôn. Nó muốn được tiếp xúc trực tiếp với các đức chúa, ngay cả khi hành động tiếp xúc ấy nhằm hủy hoại họ. Nó nằn nì, nó có thể có ích cho 103 683, chẳng hạn mang vác cái vỏ kén trong các trận đánh. Lũ kiến nổi loạn còn lại ngạc nhiên trước sự tự ứng cử này. Tại sao, con kiến ấy thì có gì đặc biệt? 103 683 hỏi. Con kiến trẻ vô tính không để những con khác trả lời và nó lại nằn nì để được đi cùng 103 683 trong chuyến phiêu lưu mới của con kiến lính. 103 683 chấp nhận sự giúp đỡ ấy mà không đặt thêm câu hỏi nào nữa. Nó cảm nhận được những nét mùi tương đồng cho nó hay con kiến số 24 thực sự chẳng có gì xấu xa. Qua chuyến đi, nó lại càng có cơ hội tìm hiểu “thứ tì tật” vốn khiến bạn bè coi thường ấy. Nhưng lại có thêm một con kiến nữa đòi tham gia cuộc hành trình. Đó là con kiến chị của con kiến số 24: con kiến số 23. 103 683 đánh hơi nó rồi cũng chấp thuận. Với nó, đây quả là những đồng minh xuất hiện đúng lúc. Cuộc thập tự chinh sẽ bắt đầu sáng mai, ngay khi những tia nắng đầu tiên ló dạng. Hai chị em con kiến kia chỉ việc đợi 103 683 ở đây. 63. MẠNG SỐNG VÀ CÁI CHẾT CỦA MACHARIOUS Giáo sư Maximilien MacHarious tin chắc mình nghe rõ một tiếng động, ở kia, phía dưới chân giường. Cái gì đó đã kéo ông ra khỏi giấc ngủ và giờ thì ông ở đó, bất động, thần kinh căng thẳng. Rốt cuộc ông cũng bật đèn ngủ lên và quyết định đứng dậy. Rõ ràng, tấm chăn rung rinh bởi những cử động rung rất nhỏ. Dù sao một nhà khoa học cỡ ông cũng không được để cho mình sợ hãi. Trong tư thế bò, ông chui đầu vào chăn trước tiên. Thoạt đầu ông mỉm cười, nửa vui thích, nửa tò mò, và khám phá cái thứ gây ra mấy cử động rung ấy. Nhưng khi cái thứ đó lao vào mặt ông, trong lúc ông kẹt cứng như đang bị vây trong chăn của mình, ông thậm chí không kịp bảo vệ mặt mình nữa. Nếu ai đó ở trong phòng vào thời điểm ấy, hẳn anh ta sẽ thấy mặt giường rung lên như một đêm yêu đương. Nhưng đây không phải một đêm yêu đương. Đây là một đêm chết chóc. 64. BÁCH KHOA TOÀN THƯ SỰ ĐỘT BIẾN: Khi sáp nhập Tây Tạng, người Trung Quốc đã đưa nhiều gia đình Trung Quốc lên đó để chứng tỏ rằng xứ sở này cũng có người Trung Quốc sinh sống. Nhưng ở Tây Tạng, rất khó để chịu được áp suất khí quyển. Áp suất ấy gây choáng váng và bệnh phù cho những người không quen. Và do một bí ẩn nào đấy mà không ai rõ, phụ nữ Trung Quốc không thể sinh nở được ở đây trong khi phụ nữ Tây Tạng sinh nở chẳng hề hấn gì tại những ngôi làng cao nhất. Mọi chuyện diễn ra như thể đất Tây Tạng từ chối không cho những kẻ xâm lược bất hợp về mặt hữu cơ sinh sống trên nó. Edmond Wells, Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II. 65. CUỘC HÀNH QUÂN DÀI DẰNG DẶC Ngay lúc bình minh, đám kiến lính đã bắt đầu tụ tập gần cái từng là cổng số 2 mà giờ chỉ còn là một đống cành nhỏ sụt gãy và ẩm ướt. Những con thấy lạnh tập vài động tác duỗi chân nhẹ nhàng cho người bớt cóng và ấm lên. Những con khác mài sắc hàm dưới của mình hoặc bắt chước vẻ mặt hay các hành động lúc chiến đấu. Cuối cùng mặt trời cũng dậy, soi rõ đoàn quân đã trở nên đông nghịt khiến những bộ áo giáp của chúng sáng lên lấp lánh. Không khí phấn khích dâng cao. Tất cả cùng biết mình đang trải qua khoảnh khắc lớn lao. 103 683 xuất hiện. Rất nhiều con nhận ra và chào nó. Con kiến lính đi cùng hai chị em con kiến nổi loạn. Con số 24 mang theo cái kén bướm, qua cái kén ấy có thể thấy lờ mờ một hình dáng tối màu. Cái kén này là gì vậy? một con kiến chiến binh hỏi. Là thức ăn, chỉ là thức ăn thôi, con 24 trả lời. Những con bọ hung tê giác cũng đã tới. Dù chỉ còn ba mươi con nhưng chúng cũng tạo ra hiệu ứng! Lũ kiến chen chúc nhau để chiêm ngưỡng chúng được gần hơn. Lũ kiến thích nhìn chúng bay lên nhưng chúng giải thích rằng chúng chỉ bay khi thực sự cần thiết. Còn giờ chúng bước đi như tất cả các con khác. Chúng đếm lẫn nhau, chúng động viên lẫn nhau, chúng ca tụng lẫn nhau, chúng trao đổi dinh dưỡng với nhau. Phân phát nước mật sâu và những mẩu chân rệp sũng nước, được vớt lên từ những đống đổ nát. Ở loài kiến, chẳng có gì mất đi cả. Chúng ăn cả trứng và nhộng chết. Sũng nước hệt những miếng bọt biển, các mẩu thịt được chuyền đi trong hàng ngũ, được vắt kiệt nước rồi được nghiến ngấu một cách ngon lành. Chúng vừa nuốt xong món hầm nguội ấy thì một tín hiệu nổi lên từ đâu đó, thúc giục chúng sắp hàng theo thứ tự hành quân. Tiến lên chinh phạt các Ngón Tay! Khởi đầu là thế. Lũ kiến tiến bước thành đoàn quân dài dằng dặc. Bel-o-kan đang tung lực lượng vũ trang của mình về phía Đông. Mặt trời bắt đầu tỏa thứ nhiệt dễ chịu. Đám kiến lính cất tiếng hát vang bài ca cổ xưa tỏa mùi: Mặt trời, xuyên qua lớp vỏ rỗng của chúng ta, Khuấy động những bắp cơ đớn đau của chúng ta Và hợp nhất những suy nghĩ tản mát của chúng ta. Khắp xung quanh, những con kiến khác hát theo: Tất thảy chúng ta đều là bụi mặt trời Những chùm sáng nằm trong tâm trí chúng ta Tựa như tâm trí chúng ta sẽ trở thành những chùm sáng vào một ngày nào đó. Tất thảy chúng ta đều là nhiệt. Tất thảy chúng ta đều là bụi mặt trời. Trái đất chỉ cho chúng ta hay con đường đi tới! Chúng ta chạy khắp chốn trên con đường ấy cho đến khi tìm thấy nơi mà ở đó chẳng cần phải tiến bước làm gì nữa. Tất thảy chúng ta đều là bụi mặt trời. Lũ kiến đánh thuê Ponerine không hiểu các pheromon ngôn từ. Vì thế chúng bước theo tiếng hát bằng cách nghiến cuống lá sào sạo. Để tạo ra tiếng nhạc, chúng dịch chuyển đầu nhọn bằng kitin của lồng ngực lên dải kẻ sọc nằm thấp nhất trong các đốt vòng bụng dưới của chúng. Nhờ vậy, chúng phát ra được thứ âm thanh như tiếng dế kêu. Nhưng khô khốc và ít vang hơn. Bài ca chiến tranh kết thúc, lũ kiến im lặng hành quân. Dù bước chân có thể lộn xộn, nhưng nhịp tim đập của con nào cũng đều như nhau. Con nào cũng nghĩ đến các Ngón Tay và những truyền thuyết kinh khủng chúng được nghe kể về loài quái vật ấy. Nhưng được tập hợp lại thành bầy thế này, chúng cảm thấy mình hết sức mạnh mẽ và vui vẻ tiến bước. Ngay cả gió từ lúc thức dậy cũng có vẻ quyết tâm đẩy nhanh cuộc đại thập tự chinh và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ đó. Đi đầu đoàn quân, 103 683 hít ngửi cỏ cùng những cành cây lướt qua phía trên râu nó. Xung quanh có đủ các loại mùi. Những con vật bé nhỏ bỏ trốn vì sợ hãi, những bông hoa sặc sỡ sắc màu tìm cách khêu gợi bằng mùi hương đầy kích thích của mình, những thân cây sẫm màu chắc chắn có che giấu các đội biệt kích thù địch, trong đám dương xỉ đại bàng nấp đầy lũ côn trùng... Phải, tất cả đều ở đó. Hệt như lần đầu tiên. Tất cả đều ở đó, thấm đẫm thứ mùi duy nhất: mùi của cuộc phiêu lưu vĩ đại đang tái bắt đầu! 66. BÁCH KHOA TOÀN THƯ QUY LUẬT PARKINSON: Quy luật Parkinson (không liên quan gì đến căn bệnh cùng tên) cho rằng một doanh nghiệp càng phát triển thì nó càng tuyển mộ những người tầm thường nhưng lại được trả lương cao. Tại sao? Đơn giản là vì các nhà lãnh đạo đương chức sợ phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh. Cách tốt nhất để không tự tạo đối thủ nguy hiểm cho mình là tuyển mộ những người kém năng lực. Và cách tốt nhất để loại bỏ mọi ý đồ nổi dậy ở họ là trả lương cho họ thật cao. Nhờ vậy, các tầng lớp lãnh đạo có thể an tâm hưởng thụ thanh bình lâu dài. Edmond Wells, 67. VỤ ÁN MỚI - Giáo sư Maximilien MacHarious là bậc cây đa cây đề của trường Đại học hóa học Arkansas. Trong chuyến thăm Pháp của mình ông đã đến ở khách sạn này được một tuần, thanh tra Cahuzacq vừa tra cứu một hồ sơ vừa thông báo. Jacques Méliès vừa rảo bước trong phòng vừa ghi chép. Một cảnh sát canh gác thò đầu qua cửa: - Một nữ phóng viên của tờ Tiếng vang Chủ nhật muốn gặp anh, thưa đội trưởng. Để cô ấy vào nhé? - Ừ. Laetitia Wells xuất hiện, vẫn luôn tuyệt vời như vậy trong bộ đồ bằng lụa đen. - Chào đội trưởng. - Chào cô Wells! Cơn gió tốt lành nào mang cô tới đây vậy? Tôi cứ tưởng chúng ta ai phải làm việc người nấy cho đến khi người giỏi nhất giành phần thắng chứ. - Song điều đó không ngăn cản chúng ta gặp nhau ở hiện trường vụ án. Suy cho cùng, khi xem chương trình “Bẫy suy tưởng”, cả hai chúng ta đều phân tích một vấn đề giống nhau... Mà anh đã cho giám định mấy cái lọ của CCG chưa? - Rồi. Theo phòng thí nghiệm, đó có thể là chất độc. Trong đó có cả đống thứ tôi chẳng nhớ tên. Cái nọ độc hại hơn cái kia. Họ nói từ mấy thứ đó sản xuất ra đủ loại thuốc trừ sâu. - Ồ đội trưởng ạ, đến đây thì anh biết bằng tôi rồi đấy. Thế việc khám nghiệm tử thi Caroline Nogard thì sao? - Tim ngừng đập. Chảy máu trong nhiều lần. Vẫn cái điệp khúc ấy. - Hừm... Còn trường hợp này? Lại thêm một vụ khủng khiếp nữa! Nhà khoa học tóc đỏ hung nằm sấp, đầu quay về phía các vị khách đến thăm như thể đó là một bằng chứng cho sự sững sờ và khiếp hãi. Mắt lồi khỏi tròng, miệng mửa ra những thứ chất nhớt kinh tởm không rõ là chất gì khiến bộ râu rậm vấy bẩn, đôi tai vẫn còn rỉ máu... Và một lọn tóc trắng kỳ lạ rũ xuống trán, lọn tóc mà người ta phải kiểm chứng xem liệu nó có tồn tại trước lúc người đàn ông này chết hay không. Méliès còn nhận thấy đôi tay nạn nhân co quắp đặt trên bụng dưới. - Cô biết đây là ai không? anh hỏi. - Nạn nhân mới của chúng ta hẳn là Giáo sư Maximilien MacHarious, chuyên gia thế giới về thuốc trừ sâu. - À ờ, thuốc trừ sâu... Ai lại có thể thấy lợi ích trong việc giết những nhà chế tạo thuốc trừ sâu xuất sắc nhỉ? Họ cùng ngắm cái xác rúm ró của nhà hóa học lừng danh. - Một hiệp hội bảo vệ thiên nhiên chăng? Laetitia gợi ý. - Ừ, thế tại sao lại không phải là chính những con côn trùng? Méliès giễu cợt. Laetitia lắc lắc mớ tóc nâu của mình. - Thực tình thì tại sao lại không chứ. Có điều là đấy, chỉ loài người mới đọc báo chí mà thôi! Cô chìa ra một mẩu tin cắt từ báo trên đó thông báo việc Giáo sư Maximilien MacHarious đến Paris tham dự một hội thảo về vấn đề xâm lấn thế giới của các loại côn trùng. Bài báo thậm chí còn chỉ rõ ông ở khách sạn Bellevue. Jacques Méliès đọc bài báo rồi đưa lại cho Cahuzacq, ông liền xếp nó vào đống hồ sơ của mình. Sau đó anh đi xem xét kỹ lưỡng căn phòng. Được sự có mặt của Laetitia khích lệ, anh muốn chứng tỏ tính chuyên nghiệp tỉ mẩn của bản thân. Vẫn không thấy vũ khí, không thấy vết bẻ khóa, không thấy dấu in trên các tấm kính, không thấy vết thương ngoài da. Hệt như trường hợp anh em nhà Salta và Caroline Nogard: không chút dấu hiệu dù là nhỏ nhất. Cả trong trường hợp này cũng không thấy đoàn ruồi thứ nhất bay đến. Vậy là kẻ sát nhân đã ở lại hiện trường trong vòng năm phút sau khi nạn nhân chết, như để giám sát cái xác hoặc để tẩy rửa căn phòng khỏi mọi dấu vết tố cáo. - Anh thấy điều gì đó à? Cahuzacq hỏi. - Lũ ruồi vẫn còn sợ hãi. Viên thanh tra có vẻ lo lắng. Laetitia hỏi: - Lũ ruồi ư? Lũ ruồi thì có liên quan gì trong chuyện này? Không nóng vội vì đã có lợi thế hơn một chút, đội trưởng đọc cho cô nghe bài diễn văn ngắn của anh về lũ ruồi: - Ý tưởng sử dụng ruồi để giúp giải quyết các vụ án bắt nguồn từ một Giáo sư tên là Brouarel gì đấy. Năm 1890, người ta phát hiện ra một bào thai chết kẹt trong một ống khói lò sưởi ở Paris. Trong vài tháng đó, nhiều người thuê nhà đã thay nhau đến và đi khỏi căn hộ ấy: vậy ai là người trong số họ đã giấu cái xác nhỏ bé kia? Brouarel đã giải đáp câu đố bí ẩn này. Ông lấy trứng ruồi trong miệng nạn nhân, đo thời gian trứng chín và nhờ đó xác định được thời gian bào thai bị vứt vào ống khói lò sưởi là khoảng một tuần. Kẻ gây án bị bắt giữ. Cái nhăn mặt vì kinh tởm mà cô phóng viên xinh đẹp không nén nổi lại khuyến khích Méliès tiếp tục mạch chuyện của mình: - Bản thân tôi cũng vậy, nhờ phương pháp này, một lần tôi đã phát hiện thấy một giáo viên tiểu học vốn chết trong trường nơi ông dạy thực ra là bị ám sát trong rừng rồi mới bị mang vào một phòng học hòng làm cho mọi người tin đó là do học sinh trả thù. Lũ ruồi đã làm chứng theo cách của chúng. Ấu trùng lấy được trên xác nạn nhân rõ ràng là ấu trùng của ruồi trong rừng. Laetitia thầm nghĩ khi có cơ hội, lý thuyết hẳn sẽ có thể được lấy làm đề tài cho một bài báo của cô. Hài lòng với bằng chứng mình đưa ra, Méliès quay lại gần chỗ cái giường. Nhờ chiếc kính lúp có gắn đèn pin, rốt cuộc anh cũng tìm ra một lỗ nhỏ xíu hết sức vuông vắn ở ống quần ngủ của cái xác. Cô phóng viên bước tới chỗ anh. Anh ngần ngại, rồi cuối cùng nói với cô: - Cô có thấy cái lỗ nhỏ kia không? Tôi từng thấy cái lỗ tương tự trên áo vest của anh em nhà Salta. Chính xác là có hình dáng tương tự... ZZZZZzzzzzz... Thứ tiếng động đặc trưng ấy vo vo bên tai đội trưởng. Anh ngẩng đầu lên và nhận thấy có một con ruồi trên trần nhà. Con ruồi bò vài bước, cất cánh rồi bay vòng vòng phía trên đầu họ. Một cảnh sát, khó chịu trước thứ tiếng động này, định xua con ruồi đi nhưng đội trưởng ngăn anh ta lại. Anh dõi theo đường bay của con ruồi và muốn biết nó sẽ đậu ở đâu. - Nhìn kìa! Sau nhiều vòng bay với kết quả là làm suy giảm lòng kiên nhẫn của tất cả các cảnh sát cùng cô phóng viên, con ruồi cũng chịu đậu lên cổ cái xác. Rồi nó trượt xuống dưới cằm. Nó biến mất dưới xác Giáo sư MacHarious. Jacques Méliès tò mò tiến lại gần và lật cái xác lên để xem con ruồi ở đâu. Và thế là anh nhìn thấy các chữ khắc. Giáo sư MacHarious đã thu hết chút năng lượng cuối cùng để nhúng ngón tay trỏ của mình vào đống máu chảy từ tai và viết một từ lên tấm ga trải giường. Sau đó ông đổ sụp người lên đấy, có lẽ để tránh không cho kẻ sát nhân nhận thấy bức thông điệp, có lẽ đúng khoảnh khắc ấy thì ông chết... Tất cả những ai có mặt đều tiến lại gần để đọc các con chữ. Con ruồi đang dùng vòi hút đống máu tạo thành chữ cái đầu tiên: “K”. Tiếp đến, nó hoàn thành nốt các chữ cái còn lại và nó uống các chữ “I”, “Ế” và “N”. 68. THƯ GỬI LAETITIA. “Laetitia, con gái yêu quý của bố, Đừng phán xét bố. Bố không thể chịu đựng nổi việc ở bên con sau khi mẹ con mất bởi mỗi lần bố ngắm nhìn con, người bố thấy lại chính là bà ấy và điều đó hệt như nhát dao nung đến nóng đỏ đâm vào trí não bố. Bố không thuộc típ những người đàn ông vững vàng, những người đàn ông mà không điều gì có thể đụng chạm được tới, những người đàn ông vốn vẫn nghiến răng chịu đựng khi cơn bão nổi lên. Vào những thời điểm như thế, bố thường có xu hướng buông xuôi tất cả và để mình bị cuốn đi như một chiếc lá rụng. Bố biết, bố đã chọn cách xử sự nhìn chung sẽ bị coi là hèn nhát nhất: trốn chạy. Nhưng chẳng điều gì khác có thể cứu được chúng ta, cứu được con và bố. Vậy là con sẽ phải tự mình lớn lên, tự dạy dỗ mình, con sẽ phải tìm thấy ở bản thân sức mạnh cùng những sự bảo vệ thúc đẩy con tiến về phía trước. Đó không phải trường học tồi tệ nhất đâu, còn xa mới là như thế. Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn cô đơn, nên càng sớm nhận ra điều ấy, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ. Hãy tìm lấy đường đi cho chính mình Mọi người trong gia đình bố đều không biết đến sự tồn tại của con. Bố luôn biết cách giữ bí mật những gì thân thương nhất với bố. Lúc con tìm được lá thư này, chắc chắn bố đã chết. Nên đi tìm bố là việc làm vô ích. Bố đã di tặng căn hộ của mình cho anh họ con là Jonathan. Đừng tới đó, đừng nói chuyện với cậu ấy, đừng đòi hỏi gì cả. Bố để lại cho con toàn bộ gia sản khác. Món quà có thể vô giá trị đối với những người bình thường. Thế nhưng nó lại cực kỳ cao quý đối với một tâm hồn ham hiểu biết và dám nghĩ dám làm. Mà ở điểm này thì bố tin con. Đó là sơ đồ của một cỗ máy, cỗ máy này cho phép giải mã ngôn ngữ tỏa mùi ở loài kiến. Bố đặt cho nó cái tên “Đá Hoa thị”, bởi nó tạo ra cơ hội duy nhất kết nối giữa hai loài, hai nền văn minh, cả hai cùng phát triển ở trình độ cao. Tóm lại, cỗ máy là một dịch giả. Qua nó, chúng ta không chỉ có thể hiểu loài kiến mà còn có thể nói chuyện được với chúng. Đối thoại với loài kiến! Con hiểu chứ? Bố chỉ mới bắt đầu sử dụng nó thôi nhưng nó đã mở ra cho bố nhiều triển vọng tuyệt vời tới nỗi những gì bố còn phải trải nghiệm sẽ không đủ nữa. Hãy theo đuổi công trình của bố. Hãy tiếp sức bố. Sau này, con hãy truyền nó thành một người được lựa chọn khác, để không bao giờ nó bị rơi vào quên lãng. Nhưng hãy hành động hết sức kín đáo: còn quá sớm để cho trí thông minh của loài kiến xuất hiện công khai trước loài người. Hãy chỉ nói chuyện này với người nào có ích cho con nhất trong quá trình tiến triển. Có lẽ vào ngày đó, anh họ Jonathan của con đã sử dụng thành công phiên bản nguyên mẫu mà bố để trong hầm. Thực lòng, bố vẫn nghi ngờ chuyện đó, nhưng điều ấy không quan trọng. Về phần con, nếu con đường này can hệ đến con và mời gọi con thì bố nghĩ nó sẽ mang lại cho con những bất ngờ đáng kinh ngạc. Con gái của bố, bố yêu con. Edmond Wells Ghi chú 1. Kèm theo đây là sơ đồ cỗ máy Đá Hoa thị. Ghi chú 2. Cũng kèm theo đây là quyển hai cuốn Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối. Còn một phiên bản khác y hệt nằm tận đáy hầm trong căn hộ của bố. Tác phẩm đề cập đến mọi lĩnh vực kiến thức và dĩ nhiên dành sự ưu ái cho lĩnh vực côn trùng học. Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, đó tựa như một quán trọ Tây Ban Nha, ai cũng có thể tìm được cho mình thứ mình cần tìm trong đó. Mỗi lần đọc lại mang một ý nghĩa khác nhau bởi nó cộng hưởng với cuộc sống của độc giả và hài hòa với cách nhìn thế giới của riêng người ấy. Hãy nghĩ đây là một người chỉ đường, một người bạn mà bố cử đến với con. Ghi chú 3. Con có nhớ hồi con còn bé, bố đã đặt cho con một câu đố không (mà con thì rất thích những câu đố)? Bố hỏi con làm thế nào để xếp được bốn tam giác đều bằng sáu que diêm. Bố đã cho con một câu trợ giúp: ‘Cần phải nghĩ khác đi.’ Con đã phải mất nhiều thời gian nhưng rốt cuộc cũng tìm thấy lời giải. Mở ra không gian ba chiều. Nghĩ khác đi so với mặt phẳng. Dựng một kim tự tháp nổi. Đó là bước đầu tiên. Bố còn một câu đố nữa cho con đây, câu đố của bước thứ hai. Liệu con có thể, cũng với sáu que diêm, xếp thành sáu tam giác đều chứ không phải bốn? Câu trợ giúp cho con thoạt tiên nghe có vẻ ngược lại với câu trước. Nó là: ‘Cần phải nghĩ theo cách giống như cách trước.’ ”