Chương 11-12

    
uần tới lớp Jorn chuẩn bị đi dã ngoại ở đảo Samet đấy. Có ai muốn đi không?” Chai hét lên thông báo từ phía cuối lớp.
“Sao thời điểm này lại mò ra đảo?” bao nhiêu đứa kêu lên. “Toàn là sóng to gió lớn và cả bão nữa, làm sao mà vui chơi được?”
“Người ta bảo vùng biển ấy nguy hiểm lắm. Năm nào cũng có người chết,” một đứa biết tuốt phản đối.
“Mà đi với lớp Jorn cũng chả hay ho gì đâu. Lũ đấy chỉ giỏi rượu chè với hút cỏ thôi.” Mấy đứa con gái bĩu môi.
“Thôi nào, phải thông cảm cho nhau tí chứ.” Chai đứng dậy đi ra giữa lớp. “Nó đã thuê xe với đặt cọc một đống tiền rồi. Bây giờ chưa được một nửa số ghế. Nó không muốn mời người ngoài – chỉ học sinh trường mình thôi. Cứ nghĩ là mình đi xả xì trét tí trước khi thi thôi mà.”
“Đi thế thì vui vẻ gì?” Bọn con gái không phục. “Nếu mà chỉ mỗi bọn mình đi thì còn chán nữa. Ai ở đây cũng chán ngắt.”
“Nghe này, nghe này,” bọn con trai lập tức tán thành. “Con gái trường này nhạt nhẽo chết đi được, chẳng như con gái nơi khác. Bọn mình mà đi chuyến này, tao đảm bảo khi về cả bọn sẽ bất lực đến hết đời.”
“Cậu nói ai đấy hả? Cẩn thận cái mồm đấy,” một đứa con gái tức lộn tiết.
“Xấu thì đành chịu thôi.” Lũ con trai bắt đầu trêu ngươi.
“Thôi ngay đi!” Chai phát mệt, lắc đầu đi đến bàn tôi. “Cậu thì sao?”
“Eik, đi không?” Tôi nhìn về phía Eik đang bận chép mấy bài tập về nhà.
“Hả?” Eik ngẩng đầu. “Mình phải hỏi bố đã.”
“Porm?” Chai nhìn Porm. “Đừng có nói không đấy.”
“Này, đừng có ép buộc người khác thế chứ!” Porm to tiếng cự lại. “Ừm… Được rồi, mình sẽ đi.”
“Đến lượt cậu đấy.” Chai quay về phía tôi. “Đừng có để mình phải dùng vũ lực.”
“Ô kê thôi,” tôi cứ quyết định đại.
Eik xách theo túi xuất hiện chỉ vài giây trước khi xe buýt lăn bánh. Sự có mặt của nó khiến buổi tụ tập cuối cùng của chúng tôi đầy đủ và mãi mãi không thể nào quên.
“Porm, cậu chắc chắn học kỳ sau chuyển trường à?” ngay sau khi xe buýt rời bến, tôi quay sang hỏi Porm đang ngồi kế bên.
“Nói chuyện khác được không?” nó trả lời, giọng căng thẳng thấy rõ.
“Sao thế?”
“Cái kiểu của cậu cứ như muốn mình biến đi ngay ấy.” Chẳng hiểu sao trông nó lại thất vọng như vậy.
“Làm ơn đi!” Tôi khó chịu. “Muốn mình ném cậu ra khỏi xe buýt hả?”
“Ném đi, Béo.” Eik thò đầu lên. “Mình xung phong làm đồng phạm.”
“Chết đi, đồ khỉ đuôi lợn!” Porm chộp lấy cái gối nhỏ dựa lưng đập vào đầu Eik túi bụi. Eik vội rụt đầu lại, ngồi cười sằng sặc với Chai.
“Porm, xin lỗi,” tôi nói khẽ khi thấy Porm thu mình lại.
“Thôi quên đi,” Porm nói mà không quay sang tôi, ánh mắt chán nản hướng ra cửa sổ. “Đừng nói đến chuyện này nữa.”
Chúng tôi tới Barn Phei trước trưa. Ánh mặt trời vùng biển nóng rát. Gió thổi mạnh mang theo hơi muối mặn từ biển xanh đón chào đám trẻ ranh từ Bangkok. Chúng tôi phấn khích với mọi thứ xung quanh mình – những người dân chài có nước da màu đồng quen đi dưới nắng cháy, dãy thuyền chài nằm xếp hàng trên bờ, các hàng ăn ven đường, cầu tàu vươn dài tới tận chân trời, những con gà nướng đã ngả màu vàng khô lại vì nắng gió.
Bọn con trai thay quần ngay ven đường, từ quần dài thành quần đùi hay quần bơi, lộ ra cả những cẳng chân lông lá xấu xí. Bọn con gái thì vén quần lên đầu gối. Chúng còn đội mũ rộng vành hay che đầu bằng những chiếc khăn mùi soa mỏng bay phấp phới trong gió, và giấu mình trong áo dài tay cứ như sợ chết khiếp nắng và bọt nước.
Con thuyền lớn nom như thuyền giấy khi rời bờ. Biển bắt đầu trải rộng ra ngút tầm mắt, cho đến nơi bầu trời và mặt nước nhập vào làm một. Tiếng hát hò trêu đùa ban đầu dần lắng thành bầu không khí yên lặng căng thẳng. Không ai bảo ai, ánh mắt chúng tôi gặp nhau khi hết đợt sóng này đến đợt sóng khác khiến thuyền bập bềnh không ngừng. Nhiều đứa nôn ọe, say sóng lừ đừ; số khác nằm im như cố dán mình vào sàn thuyền, bọn còn lại thì mải đắm chìm trong thinh lặng.
Chúng tôi khuân bừa đồ xuống khi thuyền cập vào hòn đảo hẻo lánh hứa hẹn sẽ đem lại nhiều tự do hơn bất kì nơi nào. Có một nghĩa địa ở gần đó, và nghe đồn một cô gái vẫn hay lượn lờ bay qua đây vào những đêm trăng. Có thể đó là một con ma trong vùng, cũng có thể chỉ là cái bóng cành cây đu đưa. Dù chúng tôi sợ chết khiếp, khát vọng được riêng tư vẫn trội hơn. Chúng tôi tự nhủ rằng đêm nay trăng khuyết và chiếc vợt chúng tôi sắp làm sẽ đuổi được ma.
Tối đến là thời điểm cô đơn nhất trong ngày. Chúng tôi đốt lửa bên bờ biển, đặt một cái nồi luộc chỗ cua mua từ Barn Phei. Đến khi nước sôi, cả lũ đã gần chết đói. Eik đi dọc bờ biển chụp cảnh hoàng hôn. Thỉnh thoảng, nó dừng lại chờ đợi, lúc khác, nó ngồi xổm trên cát mà bấm máy lia lịa.
“Mình biết là ngớ ngẩn…” Mặt trời đã khuất sau đường chân trời rồi, Eik ngồi xuống bên tôi và Porm. “Trên bưu thiếp và lịch đầy ảnh hoàng hôn nhưng mặt trời quá đẹp khiến mình không cầm lòng nổi.”
“Có ai bảo gì cậu đâu?” Porm ngừng xây lâu đài từ cuội và vỏ sò. “Ít nhất, điều đó cũng chứng tỏ cậu bình thường…”
“Như tất cả đống bưu thiếp và lịch mà cậu vừa nhắc đến,” tôi nói nốt câu hộ Porm.
“Không hề,” Porm bác bỏ. “Mình nghĩ ai cũng có thế giới riêng, và mình mừng khi thấy cậu ta hạnh phúc trong thế giới riêng ấy.”
“Mình sẽ rửa một bộ cho cậu.” Eik hạ chiếc máy ảnh đang hướng ra mặt biển, quay sang nhìn Porm.
“Thôi, cảm ơn.” Porm vặn vẹo cổ hất tóc ra sau như một cậu con trai. “Cho mình mượn xem là được.”
“Biển cô đơn nhỉ?” Porm bâng quơ nói sau khi Eik đứng dậy ra chơi với Chai. “Mình chưa bao giờ cảm thấy biển như thế này.”
“Mình thích biển.” Tôi ném một vỏ sò đi. “Mình đã từng mơ trở thành một thủy thủ tung hoành trên biển.”
“Cậu sẽ là thủy thủ béo nhất,” nó mỉm cười.
“Hồi mình còn nhỏ, bố hay đưa mình với em gái ra biển,” tôi lẩm bẩm như tự nói với bản thân.
“Em cậu bao nhiêu tuổi?” nó bất chợt hỏi.
“Tháng tới là tròn mười ba.” Tôi nhìn những đống lửa dọc bờ biển.
“Cậu có vẻ rất yêu con bé,” Porm nói.
“Chẳng biết.” Tôi lắc đầu. “Mình cũng chả yêu lắm, nhưng bố mình lúc nào cũng bảo mình rằng chúng mình chỉ còn có nhau, mình và đứa em gái, vì thế mình nên yêu nó thật nhiều. Có thể lý do ở đấy cả, chỉ là mình buộc phải thế, chứ không hẳn thật tâm.”
“Không đời nào…” Porm đặt mảnh vỏ sò cuối cùng lên nóc lâu đài của mình. Nó ngắm nhìn lâu đài lần cuối như để khắc ghi vào tâm trí trước khi phá tan tất cả những gì bản thân hì hụi làm từ sẩm tối. “Mình biết cậu quá rõ.”
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng nghe tiếng sóng cho tới khi Chai và Eik cầm một chai rượu bước tới.
“Ê, Béo, Porm, uống đi. Đừng có nẫu ra thế.” Chai đưa một cốc rượu cho tôi. Giọng nó nghe chừng đã tây tây rồi.
Porm đón lấy cốc rượu uống. Mặt nó nhăn lại nhưng vẫn cố uống sạch một hơi.
“Đi bắt cua ma đi,” Eik đầu trò. “Cua ma rán là số một thiên hạ.”
“Ô kê.” Porm đồng ý, đoạn ranh mãnh thêm vào: “Cứ đợi đến lúc xem Béo vồ cua đi.”
“Cười gì mà cười?” tôi quát ba kẻ đang cười rũ rượi. “Xem đứa nào thắng được mình!”
Chúng tôi ngồi quây thành vòng tròn, thấy lạnh ngay cả khi chảo mỡ sắp sôi. Chai ném những con cua ma từ xô nhựa vào chảo, mỗi lần một, hai con. Chúng co lại như quả bóng khi rơi vào mỡ nóng xèo xèo. Eik lấy que xiên cua rán thả vào mấy cái đĩa kim loại rồi những đĩa cua được chúng tôi lần lượt truyền tay nhau.
“Các cậu ăn đi.” Porm chực cầm một con cua ma giòn rụm rồi lại rụt tay lại.
“Sao thế?” Eik hỏi, không hiểu gì.
“Mình thấy tội bọn nó.”
“Sao tự nhiên cao cả vậy? Với bạn bè, cậu cũng đâu có tốt bụng thế?” Tôi trêu, làm cả lũ cười ầm.
Tôi tỉnh dậy trước bình minh. Không khí thật quá đỗi sảng khoái khiến tôi phải hít thật sâu để thỏa cơn thèm khát của hai lá phổi. Tôi nhìn ra biển thấy những vệt sáng đang đuổi nhau. Tít tắp ngoài xa, có ánh sáng mờ nhấp nháy, chắc là ống khói của một tàu đánh cá.
Tôi không biết Eik dậy từ lúc nào, nhưng khi trông sang đầu phía Bắc của bãi biển, tôi thấy bóng Eik lờ mờ đang nô đùa với những con sóng tấp vào bờ.
Chai đến, lặng lẽ ngồi xuống bên tôi. “Đêm qua mình uống nhiều lắm không?” nó hỏi, giọng như muốn ngủ.
“Như hũ chìm vậy. Chẳng hiểu để làm cái quái gì?” Tôi nhìn nó khó chịu.
“Làm sao giải thích được đây nhỉ…” Chai hít một hơi thật sâu, hướng theo ánh mắt tôi ra bãi biển. “Mình ghen tị với nó. Trông nó lúc nào cũng vui vẻ.”
“Ai mà biết được?” tôi đáp. “Có khi mọi việc không như cậu nghĩ đâu.”
Chúng tôi có một ngày đáng giá ra trò ở đảo Samet, bơi lội, tắm nắng, nốc rượu và nấu những món kỳ dị chẳng có trong bất kỳ cuốn sách dạy nấu ăn nào, nếm thử một ít, còn lại ném cho chó hoang. Dầu sao thì chúng tôi cũng mang theo đủ đồ ăn để ở lại sống luôn nơi đây, thế nên trước khi ra về, chúng tôi phải đem cho người dân địa phương chỗ đồ ăn còn dư.
Chẳng có cái toa lét nào trên bãi biển nghĩa địa này nhưng chúng tôi biến chuyện đó thành một trò đùa mà cả lũ cứ nhắc đi nhắc lại mãi. Chả là chúng tôi phải đợi đến lúc tối trời rồi mới thuyết phục mấy đứa bạn thân cùng nhau chui vào bụi cây, và trong khi bận đáp lại tiếng gọi của thiên nhiên, vẫn phải liên tục thông báo để bọn bên ngoài biết mình đang “xử lý” ở đó và thiết tha hy vọng rằng cái vợt trừ tà sẽ giúp mình tránh được ma quỷ.
Bởi cái gay gắt của nắng gió, nhiều đứa phát sốt và có những đứa thậm chí không dậy nổi. Porm thì cháy nắng toàn thân. Nó đau đến mức cảm thấy da thịt sắp bong tróc cả ra. Chúng tôi bực bội nhận ra mình đã vác theo hàng tấn thứ nhưng không một đứa nào trong bọn nghĩ tới chuyện mang kem chống nắng!
“Béo ơi, mình chết mất.” Giữa đêm, Porm rên rỉ.
“Không chết được đâu!” tôi cười, đưa lọ dầu dừa mua được của một bác trong làng cho một đứa con gái để nó bôi cho Porm. “Mình sợ là cậu sẽ còn ám sư ám tiểu mình trên đời này lâu í chứ.”
“Thật chứ?” Porm chống tay ngồi dậy nhìn tôi. Dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ, vẻ long lanh trong mắt nó là biểu cảm của một cô gái yếu đuối tìm kiếm chỗ dựa vững vàng. “Không được để mình chết đâu, nghe chưa?”

Chương 12
 
ái ngày ở đảo Samet ấy đã qua lâu lắm rồi. Những gì còn đọng lại chỉ là kỷ niệm về những tai nạn lặt vặt, những trò trêu chọc nhau của đám bạn và những ý nghĩ cùng tình cảm mà thời gian không thể xóa mờ.
Tôi yêu biển và thường mơ về biển. Mặc cho những giấc mơ của tôi đã thay đổi theo tuổi tác, từ nỗi sợ hãi thành khao khát phiêu lưu, từ run rẩy kích động thành yên bình tĩnh lặng, nhưng biển thì không bao giờ thay đổi. Lòng biển mênh mông chứa đựng sự sống và vạn vật, lúc dịu dàng êm ái, khi sục sôi thịnh nộ, để rồi một lần nữa lại trở về vẻ yên ả phẳng lặng trong một vòng quay không ngưng nghỉ.
Tôi vẫn ở nhà bố như một người lạ. Thậm chí dù bố và Waeo cố gắng gần gũi với tôi hơn, tôi tin rằng thẳm sâu trong thâm tâm chúng tôi vẫn còn xa cách nhau nhiều lắm. Tôi không định rõ nổi liệu có phải chính tôi là người tạo ra khoảng cách hay chỉ đơn giản là chúng tôi không thể gắn bó được. Tôi biết một phần câu trả lời là do tôi lớn lên trong tiếng càu nhàu không ngớt của mẹ về bố, mặc dù tiềm thức của tôi chưa bao giờ ngừng chống lại, đến nỗi cuối cùng tôi đã vô tình đứng về phía bố. Tôi cố tình chỉ nghĩ tới những ký ức tốt đẹp về bố - cái đêm chỉ có ba chúng tôi, bố, tôi và Ning chống chọi với dông bão cuồng nộ bên ngoài; những con thằn lằn mắt đỏ; bãi biển mà bố vừa bế Ning vừa dắt tay tôi đi xa khỏi chỗ mẹ, nói những lời ngọt ngào thể hiện bố yêu tôi.
Những kỷ niệm đó khiến tôi đau đớn xiết bao, nhất là khi tôi phải đứng giữa bố mẹ, mắc kẹt trong thực tế của cuộc đời này.
Tôi phát hiện ra thầy Wa-thin sống cùng một con hẻm với bố vào một lần thầy lên trùng chuyến xe buýt với tôi và hai thầy trò cùng đi dọc hẻm.
“Sao con bỏ học đàn?” thầy Wa-thin nghiêm túc hỏi tôi.
“Con, ừm…” Tôi khựng lại, cố nghĩ ra lý do nào đó. “Con nghĩ con không có năng khiếu.”
“Con có chắc là không còn lý do nào khác không?” Thầy dừng lại đợi tôi bắt kịp đi song song cùng thầy.
“Có ạ,” tôi đáp, cúi gầm mặt.
“Được rồi.” Thầy Wa-thin gật gù. “Dù sao, con cũng không nên vội đánh giá bản thân. Không ai biết trước được mình sẽ tiến xa được tới đâu nếu chưa cố hết sức.”
“Sao thầy lại trở thành giáo viên dạy nhạc ạ?” tôi hỏi sau khi hai thầy trò yên lặng bước đi được một lúc.
“Nói thế nào nhỉ?” Thầy Wa-thin lặng đi, chìm vào suy tư. “Chắc do ích kỷ. Thầy thích làm điều mình muốn hơn là những gì người khác muốn ở thầy.” Thầy bật cười khe khẽ. “Khi thầy còn trẻ, bố mẹ muốn thầy học lên cao để thành ông nọ bà kia. Ừ thì thầy biết là họ yêu thương và muốn điều tốt cho thầy, nhưng thầy làm thế nào được khi đã trót đặt cả trái tim mình vào âm nhạc?”
“Đó không phải là ích kỷ thầy ạ.” Tôi ngước lên nhìn thầy. “Con nghĩ chính những người lớn bắt ép con cái mình thành ông nọ bà kia mới là những người ích kỷ, bởi họ chẳng bao giờ để tâm đến điều con cái họ muốn.”
“Từ bao giờ đây lại trở thành vấn đề về khoảng cách giữa các thế hệ thế nhỉ?” thầy cười thích thú. “Ghé qua nhà thầy nhé, để con biết nhà và sau này nếu có lúc nào đó con muốn đến thì còn biết đường.”
Nhà thầy Wa-thin là một ngôi nhà thuê bé xíu nằm trong cùng khu đất với chủ nhà. Bao quanh khu đất là một hàng rào sắt hoen gỉ và những bụi chuối không ai chăm sóc.
“Nhà tôi ở con hẻm
Tên gọi là Hẻm Chuối
Hàng xóm lũ khỉ nhép
Mê chén chuối chết thôi…”
Tôi đọc một đoạn trong bài thơ của Wat Wanlayangkoon mà Porm đã cắt từ một tờ báo ra đính lên bảng cuối lớp.
“Nhà ngươi đừng có được thể.” Thầy Wa-thin giả giọng lồng tiếng trên ti vi. “Dù khỉ hay là con gì, kẻ nào dám vọc vầy chuối ở đất này sẽ bị ông chủ nhà xử tội chết, quyết không tha.”
“Ồ! Ông ta ghê đấy chứ ạ?” Tôi cười khúc khích nhìn về phía nhà chính. Từ kiến trúc tổng thể, tôi có thể thấy đây hẳn phải là một căn nhà xinh đẹp trước khi nó cũ nát như hiện nay.
“Cũng không hẳn.” Thầy Wa-thin dẫn tôi bước lên một cầu thang ngắn tới hiên nhà, rồi thầy thọc tay vào túi quần lấy ra một chùm chìa khóa và tìm chìa cửa chính. “Nhưng ông ta keo kiệt kỳ lạ, không cho phép bất cứ ai động vào đồ của mình.”
Thầy mở cửa. Một mùi ẩm mốc thoáng phả ra. Thầy bật đèn trần, bước vào nhà, đẩy sofa về đúng chỗ của nó, ném tấm khăn ca rô vắt trên tay ghế vào một góc, rồi đi mở cửa sổ.
“Thầy ở đây bao lâu rồi ạ?” tôi vừa hỏi vừa giúp thầy móc rèm cửa sổ.
“Hơn hai năm,” thầy nhẹ nhàng đáp nhưng mắt vẫn dán vào nhà chính, như đang nhìn ngắm hay chờ đợi điều gì.
“Ở đây cũng ấm cúng đấy chứ,” tôi nói thêm trong khi tới ngồi xuống chiếc sofa đã sờn rách.
“Con tự lấy nước uống nhé.” Thầy quay lưng lại cửa sổ chỉ mấy chai nước trên cái tủ chén dài kê sát tường. “Nước mưa. Thầy tự trữ lại đấy.”
Tôi đi tới rót hai cốc nước. Thầy Wa-thin đi vào phòng ngủ và ngay sau đó quay ra mang theo cây vĩ cầm. “Thử tập đi,” thầy bảo rồi lại đi về phía cửa sổ.
“Thôi thầy ạ.” Tôi lắc đầu. “Con thích nghe thầy chơi hơn.”
“Bài gì bây giờ nhỉ?” thầy vừa hỏi vừa đưa vĩ cầm lên vai. “Ồ, biết rồi. Thầy sẽ chơi bài mà con thích.”
Giai điệu nao lòng của “Cây bồ đề buông mành” ngân lên. Thầy Wa-thin quay người khiến tôi thấy khuôn mặt nghiêng nghiêng của thầy. Chốc chốc thầy lại ngước lên khỏi cây đàn, đôi mắt trống rỗng đăm đăm nhìn ngôi nhà kia. Nắng chiều tràn ngập phòng tô điểm gò má cao, đôi mắt sâu và cái cằm tròn mạnh mẽ đầy tương phản của thầy.
Sau lần ấy tôi vẫn đến thăm thầy thường xuyên kể cả khi đã về ở với mẹ và Ning. Gần như lần nào cũng vậy, thầy sẽ chơi “Cây bồ đề buông mành” cho tôi nghe, nhưng thầy luôn ngừng giữa bài như thể đã hết hy vọng hay hứng thú. Và tôi để ý thấy rằng vào những ngày có một bóng người thấp thoáng sau rèm cửa sổ trắng nhà mình, trong căn phòng nằm ngay đối diện với phòng khách của thầy, thầy sẽ chơi nhạc với sự mê say lạ thường như thể muốn tỏ bày hết nhịp đập con tim mình qua giai điệu.
Nhiều năm sau tôi mới biết chuyện gì xảy ra trong căn nhà thuê nhỏ bé giữa vườn chuối đó. Tôi vẫn hay nghĩ về thầy Wa-thin cùng những khúc đàn của thầy và không thể không tự hỏi liệu có thực thầy dạy nhạc của mình là người ích kỷ chăng.
Càng gần đến đợt thi cuối học kỳ hai, Porm càng dính như keo lấy tôi, Chai và Eik. Bất kể chúng tôi đi đâu, làm gì, lúc nào nó cũng hoảng lên. Thỉnh thoảng, tôi nhìn nó mà thấy thương cảm, nhưng cũng có lúc con bé làm tôi phát bực.
“Sao cậu không thử ra chơi với lũ con gái cho thay đổi một chút đi?” Chai bực mình quát. “Chả mấy ngày nữa là vào trường nữ rồi, sao lại cứ bám lấy tụi con trai bọn mình?”
“Sao bây giờ cậu lại nói thế?” Mắt Porm đỏ hoe. “Cậu chưa bao giờ nói thế này cả.”
“À thế bây giờ là lỗi của mình hả?” Chai đứng bật dậy, lê cái chân tập tễnh mà la lối. “Đồ loạn giới tính, chính là cậu đấy!”
“Bình tĩnh đi nào, Chai!” Eik cảnh cáo. “Cái gì nhập vào cậu đấy hả?... Porm, cậu biết thừa nó thế nào mà. Cứ để nó sủa linh tinh một lúc rồi sẽ hạ hỏa thôi.”
“Mình không phải là chó.” Chai hét lên.
“Ôi, chết tiệt, xin lỗi, mình nhầm cậu là chó mới chết chứ,” Eik bật lại, làm tôi với Porm cười sằng sặc.
“Mình biết là mình làm các cậu khó chịu lắm,” Porm nói, giọng lạc đi, “nhưng chúng mình chẳng được ở gần nhau mấy ngày nữa. mình chỉ muốn mấy ngày ấy được ở bên cạnh các cậu, thế là đòi hỏi quá lắm sao? Các cậu không phải chịu đựng bản mặt mình lâu đâu. Các cậu biết mình chẳng còn bạn bè nào ngoài ba người các cậu, các cậu đuổi mình đi bây giờ thì mình đến với ai?”
Chai quay lại đi về phía Porm, và tôi chứng kiến tình bạn bền chặt dần xua tan u ám trong đôi mắt nó.