Chương 15-16

    
iệt sức, tôi đổ vật xuống chiếc giường trong phòng Ning, tay vắt qua trán nghĩ về tất cả những chuyện xảy ra gần đây. Bố lúc nào cũng nói yêu tôi và Ning nhưng ông không bao giờ có thời gian đem lại cho chúng tôi chút tình yêu thương và hơi ấm. Còn bản thân mẹ, dù mẹ rất gần với anh em tôi, nhưng không bao giờ tin tưởng tâm tình cùng chúng tôi, như thể chúng tôi là kẻ xa lạ. Mẹ có thế giới riêng của mình và cánh cửa đóng chặt của thế giới ấy lùa chúng tôi khỏi cái nơi riêng tư mà bà chia sẻ với người đàn ông tên là Amorn.
Tôi nhìn lướt qua đầu giường. Con búp bê vải cũ vẫn treo trên cột giường. Ngày tôi và Ning còn nhỏ, chúng tôi cùng nằm trên chính cái giường này, say sưa ngủ trong tấm mền mềm mại mà chúng tôi nghĩ là to rộng lắm, mơ về những thứ tốt lành đẹp đẽ. Chúng tôi lăn lộn cho tới khi mền tuột sang cả một bên và nửa đêm mẹ phải vào đắp lại cho chúng tôi.
Tôi vẫn nhớ Ning và tôi thay nhau tè ướt giường, làm khổ mẹ lại phải mang nệm ra phơi nắng và giục giã chúng tôi phải đi vệ sinh trước khi đi ngủ mỗi tối.
Sau một trong những lần vắng nhà khá lâu của mình, bố mua cho Ning một con búp bê vải. Ning bị choáng ngợp trước con búp bê tuyệt đẹp. Nó có mái tóc vàng bông xù làm bằng sợi len và mặc áo sơ mi cùng váy như cô bé da trắng mà chúng tôi từng thấy trong một quyển sách. “Nat, đây là con gái em. Nhìn này, tóc nó cũng bông xù như tóc em vậy.” Hết sức cẩn thận, Ning đặt con búp bê lên gối. “Đẹp kinh lên được!” tôi the thé. “Mang nó ra khỏi đây. Đau hết cả mắt. Nó bị nghiền nát thì ráng chịu đấy.” “Em thách anh dám đấy!” Ning hét lên như một bà mẹ xù lông xù mỏ bảo vệ con. “Nếu con búp bê của em mà bị đau, em sẽ mách bố đét đít anh một trận, em thề đấy.” Để trêu nó, có mấy lần tôi đem con búp bê của nó giấu đi, làm nó khóc ầm ĩ lên đến nỗi cuối cùng mẹ phải mắng tôi thậm tệ.
Nhưng hôm nay, con búp bê đã bị bỏ rơi, một mình, không ai nhìn đến.
Tôi từ từ nhắm mắt, cố đè nén cảm xúc, nhưng những ý nghĩ rối rắm vẫn cứ quẩn quanh trong đầu.
Tôi nằm không yên hồi lâu rồi bỏ tay khỏi trán, xoay sang nằm nghiêng, co lại như con tôm, tay phải đút dưới gối theo thói quen. Bàn tay tôi liền chạm phải một cuốn sổ mỏng. Tôi rút cuốn sổ ra rồi mở mắt xem qua. Đó là một cuốn nhật ký dễ thương cho bọn choai choai hay bán ở các quầy hàng lớn. Có những hình vẽ hoạt hình xinh xinh trên bìa đỏ tươi.
Tôi lật qua và bắt đầu đọc vu vơ.
-1-
“Một con bé như tôi đây
chỉ có những giấc mơ cô độc và bao ngày đêm cay đắng
trong chuyến đi lạc lõng vô định
Tôi thường tự hỏi mình là ai hay cái gì
giữa những con người xa lạ trong một thế giới không thuộc về tôi
Một con bé như tôi đây
trong cái thế giới mà trái tim nào cũng phải tan nát
trong cái thế giới mà ai cũng phải chết đi trong cô độc và đau đớn
Tôi mơ một giấc mơ cô đơn
và cứ bước đi mà không biết về đâu.”
-2-
“Chúng tôi có bốn người: bố, mẹ, anh trai và tôi
Tôi mơ – mơ một ngày –
Tôi mơ chúng tôi sẽ lại về bên nhau
Tôi mơ một giấc mơ không có thật – một giấc mơ không thể
Chúng tôi chỉ còn có điều này: chúng tôi có bốn người
Nhưng chẳng ai có ai – mỗi người đều một mình
mỗi người khóc vì một nỗi
và quệt đi nước mắt của chính mình
mỗi người chúng tôi đều cô đơn
với những giấc mơ đã vỡ - những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực
Trơ trọi dập vùi – những giấc mơ.”
-3-
“Tôi mơ một cơn ác mộng đêm qua
Một giấc mơ kỳ lạ và khủng khiếp
Tôi tỉnh dập một mình và một mình tôi khóc
Tôi không nhớ mình đã mơ gì nhưng cảm giác thì vẫn còn y nguyên
Tôi cần được vỗ về - ôi tôi cần lắm!
Tôi vẫn nhớ khi mình còn nhỏ xíu
một lần tôi gặp cơn ác mộng kinh hoàng
Tôi gõ cửa phòng mẹ - và bảo bà rằng tôi sợ
Tôi cần được vỗ về
Mẹ tát tôi và đuổi tôi về phòng ngủ
và đóng sầm cánh cửa đó – mãi mãi
Sau cái đêm ác mộng tới thăm ấy
Tôi học cách vỗ về bản thân
và không bao giờ làm phiền mẹ nữa
với những cơn ác mộng của tôi.”
Tôi đặt cuốn sổ lên lồng ngực. Những nét bút chì mỏng nhẹ cho thấy từ con chữ đã trải qua một thời gian ấp ủ và trưởng thành như chủ của nó. Tôi lại nhặt cuốn nhật ký lên lật trang sau với lòng nặng trĩu.
-4-
“Một ngày bố bỏ chúng tôi đi
Tôi bước ra khỏi nhà để tiễn bố
Chúng tôi nắm tay nhau yên lặng bước đi
cố gắng đi thật chậm
cố gắng kéo dài thời gian trước khi phải chia tay
Bàn tay tôi quá nhỏ nhoi trong tay bố
Tôi không thể gập ngón tay nắm hết bàn tay bố
hay giữ nó không tuột mất
và lòng tôi quá đau đớn đến nỗi tôi thấy mình yếu đuối
Tôi cố gắng hỏi bố thật nhiều
nhưng không thể ngăn được nước mắt rơi
hay biến những tiếng nấc thành lời ngọt ngào
Bố hôn lên trán tạm biệt tôi rồi im lặng lái xe đi
Tôi gục ngã xuống ngay chỗ ấy
Lần đầu tiên tôi biết đến cô độc và giá lạnh
mà từ ấy luôn là một phần của đời tôi.”
Tôi choàng tỉnh giấc khi nghe tiếng mẹ gọi và đập cửa. Cái nắng gần trưa xuyên qua cửa sổ tràn ngập phòng. Tôi lê bước ra mở cửa cho mẹ.
“Mày không sao đấy chứ?” mẹ sốt sắng hỏi.
“Con ổn.” Tôi dụi mắt và chống tay vào khung cửa để ngăn mẹ vào phòng.
“Thế đi rửa mặt đi,” mẹ nói vui vẻ. “Mà nhanh lên nhé. Mẹ chiên mứt củ cải cho mày đấy.”
Tôi ừ hứ rồi vội vã đóng cửa.
Ngay sau đó, tôi nghe thấy tiếng mẹ nói chuyện dưới nhà, và cả tiếng cười mà lâu lắm tôi chưa nghe thấy. Dù không thấy người, tôi biết ngay khách của mẹ sáng nay là ai.
Tôi nhìn lên giường. Cuốn nhật ký màu đỏ vẫn nằm bên gối. Tôi lại đó, nhặt nó lên đọc trang cuối.
-5-
“Khi còn nhỏ
tôi khao khát được mẹ ôm vào lòng đến nỗi ngày nào tôi cũng chờ
Nhưng mẹ mải mê cãi nhau với bố và chịu đựng
đến nỗi quên cả việc ôm tôi
Khi tôi lớn lên mẹ đã để bố ra đi
mẹ là người duy nhất còn lại bên tôi
ngày nào tôi cũng đợi mẹ ôm
Nhưng mẹ lại chìm vào công việc
nên cũng chẳng còn thời gian để ôm tôi
Giờ mẹ có một người đàn ông mới trong đời
và tôi có thể cảm thấy hạnh phúc của mẹ
Mỗi ngày qua tôi vẫn mơ mộng, lặng lẽ chờ cái ôm của mẹ
lúc nào cũng đợi chờ - đợi để được mẹ ôm
Nhưng cái ôm của mẹ không bao giờ có thì giờ cho tôi.”

Chương 16
ác Amorn là một người đàn ông cao to với đôi mắt bé đến kỳ lạ. Mặc dù không hẳn là đẹp trai nhưng nụ cười luôn thường trực khiến ông ta có vẻ thu hút riêng. “Cháu khỏe không, Nat? Về từ lúc nào đấy?” Ông ta chào tôi như thể chúng tôi đã quen biết nhau hàng năm nay vậy.
“Lại đây ngồi đi…” Nhận ra tôi chần chừ khi thấy một người khác ngồi ở đầu bàn, mẹ đẩy chiếc ghế bên phải bà về phía tôi. “Mẹ rất thích có một chàng trai trẻ ngồi bên.”
“Mẹ cháu nói với bác là cháu thi xong rồi, phải không Nat?” bác Amorn thân mật hỏi trong lúc mẹ xới cơm cho tôi. “Bao giờ Ning thi xong, mình đi Chiangmai một tuần nhé. Cháu thấy thế nào?”
“Hay đấy,” mẹ tán thưởng ngay. “Chắc phải đến mười năm rồi mẹ chưa tới đó. Lần trước mẹ đi, Ning bé tẹo tèo teo, mẹ phải đưa mày và Ning đến gửi nhà bà ngoại để bà trông nom. Khi mẹ về thì mày đã đánh vỡ mấy cái bát của bà rồi.”
“Thế hả?” Bác Amorn cười ha hả. Đôi mắt bé lại càng bé hơn. “Cháu từng hư thế cơ đấy, nhỉ?”
“Ôi nghịch lắm!” Mẹ cười theo. “Anh không biết đâu. Lúc nhỏ, hai đứa nó lúc nào cũng gây chuyện. Không có phút nào em rời mắt khỏi chúng một cái mà không thấy choang! rồi bốp! – lúc nào cũng như lúc nào.”
Tôi ngồi cúi gằm mặt xuống đĩa thức ăn không nói một lời trong khi mẹ và bác Amorn hết chuyện tôi và Ning lại chuyển sang chuyện của những người mà tôi không biết. Hai người cười hỉ hả với nhau về những chuyện mà tôi chẳng hề thấy buồn cười. Thỉnh thoảng, họ đồng tình về những chủ đề mà thậm chí tôi không hiểu.
Tôi dồn cơm thừa trong đĩa sang một bên rồi đặt thìa dĩa xuống. Tiếng cười nói dừng lại ngay tức khắc. Lúc đó tôi nhận ra chúng tôi chỉ là người lạ với nhau mà thôi, lúc nào cũng dè chừng xem đối phương chuẩn bị làm gì.
“Cháu no rồi hả Nat?” bác Amorn phá tan sự yên lặng. “Có muốn đi ăn tráng miệng ở đâu không?”
“Sao lại không nhỉ?” mẹ đồng tình và khe khẽ thở dài. “Đi ăn há cảo đi. Lâu rồi mình chưa ra ngoài ăn.”
“Mẹ đi đi ạ, con no rồi,” tôi nói đoạn đẩy ghế ra sau. “Con xin phép đi gặp bạn ạ.”
“Được thôi.” Mẹ nhìn bác Amorn rồi xì xầm gật đầu. “Đừng có về muộn quá, thế thôi.”
Bác Amorn im lặng nhìn tôi trong khi mẹ nhẹ nhàng đặt tay lên tay ông ta an ủi.
Đêm đó bác Amorn ở lại nhà chúng tôi. Tôi nằm nghe những mẩu chuyện họ nói với nhau mà cơn gió đem tới và nhìn đăm đăm vào dải ánh sáng lọt qua khe chân cửa phòng Ning nơi tôi đang ở nhờ cho tới khi dải sáng kia vụt tắt, bỏ lại căn phòng chìm trong bóng tối đen đặc.
Tôi cứ nằm đó tỉnh như sáo. Từng đợt gió từ xa xôi nhè nhẹ thổi vào nghe như tiếng thở của mẹ, và có gì đó trong lòng tôi đang chết dần. Bóng những nhành cây bên ngoài đu đưa như những vật sống đang chuyển động, trong khi tôi nằm im, hai cánh tay buông nặng trĩu, thậm chí không có cả sức đưa tay lên bịt mắt che tai.
Một tối, Ning về nhà lặng lẽ. Bộ dạng nó khiến tôi nghĩ tới một con chim nhỏ vừa qua bão tố loạng choạng trở về tổ với cái đuôi rũ xuống cùng đôi cánh tan nát.
Tôi ngồi bên cửa sổ và qua ô kính mờ sương nhìn em gái chậm chạp, ngần ngừ bước vào nhà. Nó đi vài bước, dừng lại và đứng đó lảo đảo, cơ hồ chực quay đi rồi lại bước thêm mấy bước và lại dừng lại. Ngực thắt lại, tôi nhận ra ngôi nhà này không còn là nơi ấm êm cho con bé nữa.
Nhận ra có người đang nhìn mình, nó chậm chạp ngẩng đầu lên. Thấy tôi, tâm trạng con bé thay đổi hoàn toàn. Nó nhảy lên sung sướng, đẩy tung cửa lao lên tầng hai.
“Nat,” nó kêu lên và nhào vào lòng tôi ngay lúc tôi mở cửa. “Anh về lúc nào thế? Anh sẽ ở lại đây hẳn chứ? Làm ơn nói với em là anh sẽ không về nhà bố nữa đi.”
“Từ từ đã nào.” Tôi đẩy nó ra. “Còn nhiều thời gian cho mình nói chuyện. Nhưng trước tiên cho anh biết dạo vừa rồi em ở đâu đã. Sao em không gọi điện hay đến trường gặp anh?”
“Em ở nhà bạn, xa lắm mà lại khác hướng với trường anh. Mà em cũng không muốn gọi đến nhà bố. Em không muốn bố hỏi về mẹ. Cũng không muốn nghe giọng cô kia.”
“Sao em phải đi ở nhà người khác?” tôi hỏi, ghé sát mặt nhìn nó. “Có chuyện gì không? Mà sao mẹ lại cho em đi?”
“Em chán nhà mình quá rồi, chán mọi thứ ở trong cái nhà này,” Ning gắt lên. “Dạo này mẹ không ngó ngàng gì đến chúng mình nữa đâu. Thứ duy nhất mẹ bận tâm là bác Amorn của mẹ. Mẹ không thèm để ý xem chuyện gì xảy ra với anh và em. Mẹ muốn mình tránh ra cho khuất mắt. Mẹ đẩy anh đi ở với bố cũng chỉ để rước lão ấy về đây. Em ghét mẹ. Ghét ông Amorn. Ghét bố. Ghét tất cả.”
“Bình tĩnh nào, Ning, bình tĩnh.” Tôi ôm nó. “Anh ở đây rồi. Anh đã về đây bên em, chăm sóc mẹ và em.”
“Anh nói thật chứ?” Ning thút thít. “Hãy hứa là anh không bao giờ đi nữa nhé.”
“Anh hứa.” Tôi cúi đầu hôn nhẹ lên trán nó y như mỗi lần bố dỗ bọn tôi. “Anh không bao giờ đi đâu cả, không đi đâu nữa.”
“Ôi, em yêu anh!” Nó ôm chặt tôi. “Anh em mình chỉ còn có nhau mà thôi.”
Tôi thở dài nặng nhọc, nghĩ đến bố lúc nào cũng bảo tôi yêu thương và quan tâm đến nó. Đến tận bây giờ, tôi không hiểu sao ông lại đẩy gánh nặng này lên vai tôi, sao ông không tự gánh vác mà lại cứ rút lui, rũ bỏ mọi trách nhiệm như ông vẫn làm trong suốt cuộc đời mình.
Kế hoạch đi Chiangmai dần thành hình. Mấy ngày sau khi Ning thi xong, bác Amorn mượn bạn một cái xe du lịch lớn. Còn mẹ tất bật lo hết mọi thứ cần thiết cho chuyến đi. Mẹ không bao giờ tin thức ăn bán ven đường. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đi một chuyến dài tới Hua Hin, mẹ luộc trứng và mua chuối cho tôi ăn dọc đường, nhưng vừa lên xe là tôi ngủ quên mất và lũ bạn xơi cả chuối lẫn trứng, thế là tôi phải ôm cái bụng rỗng đến tận tối mịt.
“Anh có chắc là cái xe này sẽ chở chúng ta đến nơi đến chốn không?” Mẹ nhấn lên nắp ca pô để thử độ bền của chiếc xe.
“Chắc chứ.” Bác Amorn ném mấy cái túi vào trong xe. “Hồi trước anh từng đi đến tận Lam Pang và Hart Yai đấy.”
“Ý anh là bằng cái thứ này á?” Trông mẹ có vẻ không tin vào mắt mình.
“Dĩ nhiên là không.” Bác Amorn lắc đầu. “Bằng tàu.”
“Ôi, anh đúng là quá lắm mà!” Mẹ cau mặt nhìn. “Sao anh không nói là anh đùa?”
“Nat, Ning, còn gì không?” bác Amorn quay sang hỏi chúng tôi. “Nếu không bác đóng cốp xe nhé.”
Tôi nhìn Ning rồi lắc đầu.
“Sao không trả lời khi người lớn hỏi?” mẹ rít lên. “Hai đứa mất hết lưỡi rồi hả?”
“Không sao,” bác Amorn xoa dịu mẹ. “Hãy giữ giọng để cùng hát trên đường nhé: như thế anh sẽ tỉnh táo hơn khi lái xe.”
“Mình đi thôi, tranh thủ chưa nắng quá,” mẹ ngắt lời. “Nat, kiểm tra xem cửa giả đóng hết chưa. Con cất ti vi vào phòng mẹ như mẹ dặn chưa? Đừng quên giật cầu dao. Cứ để đèn ngoài hiên sáng, nó không cùng một đường điện. Ning, ra sân sau kiểm tra lại xem. Nếu còn quần áo phơi thì cất vào, nhớ khóa cửa và cổng nhé.”
“Trời đất,” bác Amorn thở dài, “nghe em nói cứ như là chúng ta chuẩn bị đi hàng năm vậy.”
“Vấn đề là ở đó,” mẹ nói. “Chúng ta phải chắc chắn mọi thứ đều ổn trước khi đi.”
“Vậy chúng ta chở theo cả căn nhà đi chứ nhỉ?” Bác Amorn mở cửa xe ngồi vào ghế tài xế. “Hay chuyển Chiangmai lại gần đây cũng được.”
“Nhanh lên, Nat, Ning.” Mẹ vẫy gọi bọn tôi rồi lại hét tướng: “Lấy gỗ bịt kín cái lỗ ở hàng rào, không là chó vào bới hết mấy bụi hồng của mẹ lên đấy.”
Khi chúng tôi khởi hành thì đã khoảng mười giờ sáng. Nắng ấm tràn vào trong xe gợi tôi nhớ tới hơi ấm mà tôi cảm thấy khi bố, mẹ và hai chúng tôi vẫn còn là một gia đình. Tôi quay lại nhìn căn nhà thì nhận ra rằng chúng tôi đã để những ngày đó trôi quá xa, tới mức khuất khỏi tầm nhìn và không còn hy vọng nào mang chúng quay lại nữa.