Chương 21-22

    
ôi không biết vì sao mình lại thích đến đây mỗi lúc buồn và cô đơn. Có thể là tôi đã trở nên thân quen với nơi này hơn bất kỳ nơi nào khác, từ cái thời khắc mà tôi không chịu đựng nổi mái nhà của mình nữa và bắt đầu lang thang sau giờ học, đến khi Porm, Chai, Eik và tôi học năm cuối và Ning bắt đầu đi theo.
Những ngày đó tôi vẫn ở cùng bố, nhưng tôi không hề đề nghị đưa Ning đến gặp bố cũng như nó không hề rủ tôi đi gặp mẹ. Chúng tôi cố gắng bù đắp lại vực sâu ngăn cách ấy bằng những tiếng cười miễn cưỡng và những cuộc tán gẫu mệt mỏi. Porm, tôi còn nhớ, đã hao tâm tổn sức cố khiến cả hai anh em vui lên cho dù lúc ấy nó chưa hề biết chuyện tổ ấm của chúng tôi đã rạn vỡ ngoài khả năng hàn gắn. có những hôn nó rủ tôi, Ning và Chai đi ngắm áp phích bên ngoài rạp chiếu phim hoặc chỉ là đi dạo lang thang. Mỗi khi có chút tiền, chúng tôi lại vào quan nước gọi một cốc cà phê, đôi khi hai cốc, thay nhau nhấp từng ngụm dè sẻn và cứ thế ngồi chuyện phiếm hàng giờ.
Những ngày ấu dường như chỉ vừa mới đây thôi. Tôi còn nhớ cái Porm cục mịch đã nổi đóa mà hét tướng lên thế nào mỗi khi Chai không ngừng trêu chọc nó, còn Eik thì đứng nhón chân, hai tay đút túi quần, ngật ngưỡng say mê theo dõi trận khẩu chiến, thỉnh thoảng chém vào vài từ khiêu khích Porm. Tới khi nhận ra mình không phải là đối thủ của cậu bạn, mặt Porm đỏ như gấc. Nó đưa tay lên vò đầu bứt tai tức tối, thỉnh thoảng tự đấm mạnh vào lòng bàn tay mình. Những lúc ấy Chai ngẩng cao đầu, môi dưới trề ra thành một nụ cười chiến thắng ranh mãnh. Nhưng khi đến lượt mình yếu thế, cậu chàng sẽ lập tức tập tễnh quay đi, bỏ lại Porm phùng môi trợn má cười nhạo sau lưng.
Ánh nắng chói chang phản chiếu trên các ô kính làm tôi phải quay mặt đi. “Cậu sẽ nghĩ tới mình chứ?” tiếng Porm vọng lại xa xăm. Tôi tiếp tục lang thang quanh khu mua sắm. Các cửa hàng rục rịch mở cửa và người đông dần trên phố, tăng thêm sắc màu và âm thanh cho buổi sáng Chủ nhật trễ nải.
Tôi dừng trước một cửa hàng quần áo nữ. Người bán hàng đang bận cả đống quần áo lên mình ma nơ canh sau ô kính thoáng ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi lại tiếp tục làm việc. Tôi vô tình đánh mắt ra phía sau cô ta và sung sướng không ngờ khi thấy Jom đang lựa quần áo may sẵn! Tôi chực ào vào trong chào chị nhưng có điều gì đó giữ tôi lại và tôi cứ đứng đó lặng lẽ quan sát chị.
Jom bận áo ba lỗ đỏ và váy xám. Mỗi khi chị cử động, mái tóc đẹp lại tung bay đầy gợi cảm. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy rụt rè khi nghĩ đến việc tiến lại gần chị. Chị đã không còn là cô nhỏ ngày nào có thể bá vai bá cổ mà đi lang thang với một thằng con trai.
Chị chọn một chiếc áo sơ mi, gỡ nó khỏi móc treo ướm lên ngực. Chị quay bên này, bên kia trước gương một lát rồi đưa nó cho cô bán hàng, mở túi xách trên vai lấy ít tiền ra.
Tôi chờ chị ra khỏi cửa hàng bằng cửa bên, tay cầm túi giầy rồi bắt đầu đi theo chị từ xa. Chị ra vào nhiều cửa hàng, mua đủ thứ đồ như thể muốn tiêu cho hết tiền hoặc để bù đắp điều gì đó chứ không hẳn nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Tôi nghĩ tới những hôm chúng tôi ngồi uống cà phê đá trong quán cóc, nhấm nháp những chiếc kẹo lạc giá nửa bạt và thả vào máy hát tự động hết xu này đến xu khác để nghe duy nhất bài hát mà cả hai cùng ưa thích ấy. Dù không ai trong hai người có cuộc sống hoàn hảo, chúng tôi đã có thể chung nhau một niềm hạnh phúc chỉ với chừng ấy thứ. Nhưng giờ khi chúng tôi đã lớn hơn và phần nào đầy đủ hơn, chúng tôi lại trôi theo hai cuộc đời khác biệt, thân ai nấy lo. Bất giác, tôi tự hỏi rằng có thật tiền bạc mua được thanh nhàn và hạnh phúc.
Tôi chưa từng kể cho chị, và chị chắc cũng sẽ không bao giờ biết, rằng có một người đã theo bóng chị suốt Chủ nhật hôm đấy. Dù đã bao tháng ngày trôi qua, tôi vẫn còn mường tượng ra rõ mồn một hình bóng chị bước đi đầy quả quyết với mớ túi càng lúc càng to, như một kẻ lang thang không nhà. Tôi vẫn nhớ cái cách chị ngồi, hai tay nhét vào túi váy, chân duỗi ra, dựa vào lưng ghế, vừa nhấp nước cam vừa lơ đãng trông theo người qua đường. Tôi không biết chị đang tìm ai trong đám người ấy – có thể là ai đó để nói chuyện, ai đó để cười và khóc cùng, hay bất kỳ ai có thể biến chị trở lại như một đứa trẻ, ai đó mà chị có thể cuộn mình vào lòng và không bao giờ buông tay.
Tôi nghĩ tới một buổi triển lãm thương mại thế giới tổ chức cách đây vài năm và tối hôm ấy tôi đã âm thầm đi theo một cô gái vòng quanh hội chợ. Cô khác với tất cả mọi người ở đó, giữa biển sắc màu sặc sỡ, mình cô mặc đồ đen. Tôi nhớ cô tết tóc đuôi sam. Tôi không nói chuyện với cô, cũng không nhìn rõ mặt, chúng tôi chia tay nhau trong câm lặng và hoàn toàn xa lạ. Vậy mà, bằng cách nào đó, cô gái mặc đồ đen ấy vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Có lẽ vì cô ấy là người con gái đầu tiên tôi chú ý đến trong đám đông hôm đó – cũng là đầu tiên trong đời.
Mẹ ngồi ở quầy thanh toán với bộ mặt dài cả thước khi tôi về đến nhà tối Chủ nhật ấy. “Bố mày đang nằm viện,” bà cáu kỉnh.
“Sao lại thế ạ?” tôi sửng sốt hỏi.
“Tại vì đống rượu lão nốc suốt ngày chứ còn sao nữa,” mẹ tuôn một tràng. “Sao con kia không ngăn lão tránh xa thứ đó chứ? Đáng đời lão! Tao cũng chẳng ngạc nhiên nếu con đó tiếp tay xúi bẩy lão, và giờ thì ra nông nỗi này đây.”
“Bố đang ở bệnh viện nào ạ?”
“Trung ương.”
“Con đến thăm bố đây.” Tôi nhìn bà dò hỏi.
“Tùy mày.” Mẹ quay mặt đi. “Nhưng bảy rưỡi mày phải ó mặt ở bến xe buýt rồi. Mày xếp hết đồ chưa?”
“Con sẽ đi luôn thế này.” Tôi nhìn xuống người mình. “Mẹ không định đi thăm bố luôn à?”
“Làm thế thì đẹp mặt cho tao lắm hả!” mẹ đáp, giọng mỗi lúc một căng.
Tôi cắn chặt môi không nói lời nào nữa.
“Nat! Chờ đã…” mẹ gọi khi thấy tôi chực ra cửa.
“Cầm lấy, phòng khi lão muốn mày mua cho cái gì.”
Bố nằm trên giường bệnh, một túi dung dịch nhỏ từng giọt qua dây truyền vào cánh tay ông. Khi tôi đến, bố vẫn đang ngủ, Waeo ngồi gà gật bên giường ông.
Khu chữa bệnh cho người nghèo toát ra một cảm giác tuyệt vọng khó tả. Bệnh nhân nào cũng như đã từ bỏ mọi hy vọng sống. Mùi ẩm mốc của căn phòng cộng với mùi thuốc và mồ hôi nồng nặc như bóp nghẹt mũi tôi, tiếng rên khe khẽ của vài bệnh nhân bất giác khiến tôi bồn chồn.
Tôi đứng đó nhìn bố. Ông gầy rộc đi thấy rõ, hai má hõm lại, hố mắt sâu hoắm và mái tóc rối bù xù bạc trắng thành từng vệt. Đây là người đàn ông kiêu kỳ theo đuổi sự hoàn hảo trong mọi mặt mà chúng tôi từng biết ư? Người anh hùng mà Ning và tôi đã gìn giữ trong trái tim suốt cuộc đời ư? Nói thẳng toẹt ra, ông chỉ là một người đàn ông bình thường, chẳng khác biệt gì với những người đàn ông khác đang nằm trong cùng phòng bệnh hoặc qua lại trên phố ngoài kia.
“Nat,” Waeo ngái ngủ nói. “Cháu đến từ bao giờ thế?”
“Thôi, thôi, cô cứ ngồi đó đi ạ,” tôi nói khi thấy cô định đứng dậy nhường ghế cho tôi. “Bố cháu thế nào rồi ạ?”
“Ông ấy lên cơn co giật nên phải đưa vào bệnh viện gấp,” cô đáp, giọng run rẩy. “Bác sĩ cho ông ấy một liều an thần rồi. Chiều nay ông ấy mới tỉnh một chút. Vừa mở mắt ông ấy đã đòi gặp cháu và Ning. Cô gọi tới nhà hàng nhưng cả hai cháu đều không ở đó.”
“Bác sĩ nói thế nào ạ?” tôi vừa hỏi vừa vươn tay khẽ chạm vào bắp tay bố, nhận ra rằng cơ bắp ở đó đã nhão chứ không còn săn chắc như tôi nhớ hồi nhỏ, và lạnh lẽo, khác hẳn hơi ấm của ông khi ôm tôi nhiều năm trước.
“Bác sĩ muốn ông ấy bỏ rượu,” Waeo buồn nản trả lời.
“Bố phải nằm đây bao lâu ạ?”
“Cô sợ ít nhất cũng phải một vài tuần.” Trông Waeo đầy lo lắng.
“Cháu và Ning sẽ thường xuyên đến thăm bố, cháu hứa.” Tôi nhìn cô. “Cô có cần gì không?”
“Không,” cô lập tức đáp. “Chỉ cần ông ấy được thấy hai cháu thường xuyên là đã quá đủ rồi.”
Tôi nhìn lại cô. Đôi mắt cô chếu thẳng vào mắt tôi với một quyết tâm trầm lặng, và chính tôi phải nhìn tránh đi chỗ khác. Tôi biết rõ bố. Ông không phải kiểu người có thể tiết kiệm. Có bất cứ thứ gì, ông đều ném vào việc ăn ngon và hưởng thụ. Nhưng giờ đây bố đã thất nghiệp khá lâu, Waeo đang phải chi trả mọi thứ mà không có thu nhập, và chắc chắn với lần nhập viện này cô đang phải đối mặt với những khoản chi cao chót vót.
“Nhưng…” tôi phản đối một cách yếu ớt.
“Cô biết cháu đang nghĩ gì,” Waeo nói, giọng cô căng thẳng. “Nhưng đừng lo chuyện đó. Bổn phận của cô là phải chăm sóc ông ấy hết khả năng mình. Kể cả nếu cô có phải chia thân mình thành từng mảnh hay bán trọn, cô cũng sẵn sàng.”
Chiếc xe buýt đường dày lắp máy lạnh rời bến, chậm chạp bò dọc theo các dãy nhà san sát của Bangkok ra vùng ngoại ô rồi ngoặt sang phía Nam tiến về Hart Yai xa xôi. Tôi nhìn qua cửa kính ra bóng tối ngoài kia còn mẹ thì ngồi yên, trân trối nhìn thẳng phía trước. Tôi không biết bà đang nghĩ gì nhưng băn khoăn không biết bà định làm gì. “Mẹ,” tôi nhẹ giọng nói, “Sao mấy mẹ con mình không thể cứ sống với nhau như hồi trước?”
Mẹ lặng thinh, tiếp tục nhìn thẳng về phía trước.
“Mẹ…”
“Nghe này, Nat,” mẹ nói mà không quay ra nhìn tôi. “Người đàn ông đó… ông Amorn ấy… là của tao, và tao sẽ không bao giờ cho bất kỳ ai chiếm mất cái gì của tao nữa, bất kể thế nào.”
“Nhưng ông ấy từng thuộc về một người khác trước mẹ. Thậm chí mẹ còn không có quyền nghĩ đến chuyện cướp ông ấy khỏi gia đình họ.”
“Thế tại sao người khác lại được làm thế với tao?” bà cao giọng. “Đã ai nghĩ đến chuyện đó chưa? Cho dù thế nào chăng nữa, tao sẽ không đời nào từ bỏ ông ấy.”
Tôi không biết nói sao, không thể phân định xem liệu ai đúng ai sai trong chuyện này.

Chương 22
ôi nhớ chúng tôi đã đến Hart Yai vào một ngày mưa tầm tã. Từ bến xe buýt, chúng tôi đi trên một chiếc xe ba bánh giữa cơn mưa như trút nước đến khách sạn đặt trước. Bầu trời sầm sì, gió thổi mạnh. Những tấm ni lông trong suốt mà người lái xe kéo xuống che mưa mờ đi vì hơi thở và hơi ấm mà hai mẹ con phả ra khi chúng tôi ngồi khom lưng mình phía sau xe. Lúc lúc, gió thổi bạt tấm ni lông lên, hắt mưa ướt đẫm người. Chúng tôi không nhìn thấy gì ngoài kia. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi, gió giật từng cơn, xen vào đó là tiếng chuông leng keng của chiếc xe ba bánh. Xe không đi nhanh được, và cảnh ngộ ấy càng khiến chúng tôi bất an hơn.
Khách sạn thuộc hạng xoàng, đã khá xuống cấp và chật chội, nhưng nó là một thiên đường tuyệt vời đối với hai mẹ con khi chúng tôi đến nơi. Người hầu phòng vừa ra khỏi cửa, tôi lập tức lao vào phòng tắm để tắm rửa và gội đầu, để mặc mẹ lầm bầm một mình phía sau. Khi tôi bước ra, bà đang nói chuyện điện thoại. Dựa vào giọng điệu thận trọng và xã giao của bà, tôi đoán người bà đang nói chuyện hẳn phải là vợ của bác Amorn.
Quá chán ngán và bực mình không muốn dính líu sâu hơn vào việc này, tôi lẻn ra khỏi phòng, đi xuống cầu thang rồi vào quán cà phê ở tầng trệt. Mưa vẫn rơi, nhưng khi tôi nhìn xuyên qua màn mưa ra con phố bên ngoài, khung cảnh ấy lại trở nên đẹp đẽ lạ kỳ làm sao! Mọi người đứng trú mưa dưới mái che, người sốt ruột vì thời gian trôi đi mà mưa vẫn không hề có dấu hiệu ngớt, người thì im lặng thu mình. Nhũng cánh cửa gỗ của dãy nhà kiểu cổ phía bên kia con phố đóng chặt, và tôi lờ mờ thấy một mảnh giấy màu đỏ ghi chi chít chữ Hán được dán trên mỗi cánh cửa. một ông già người Tàu đội nón lá rộng bước ra từ màn mưa để thông ống cống bị rác bịt kín trước cửa nhà. Nom ông xông xáo và làm việc một cách sốt sắng như thể đó là việc quan trọng nhất đời vật.
Khi tôi trở về phòng, mẹ đang chải tóc trước một cái gương mờ.
“Đi với tao, Nat,” mẹ nói mà không quay ra nhìn tôi.
“Đi đâu ạ?” tôi vừa hỏi vừa ngồi xuống mép giường.
“Nhà bác Amorn.”
“Mẹ,” tôi mất hết kiên nhẫn kêu lên. “Giờ chúng ta đã không còn biết trốn vào đâu nữa rồi, đừng để họ tát vào mặt chúng ta thêm nữa!”
“Cái gì đến sẽ phải đến.” Mẹ đập mạnh cái lược xuống bàn trang điểm. “Nếu tao không giành lại được ông ấy, tao sẽ không về Bangkok.”
“Sao mẹ lại phải làm tất cả những việc này chú?” tôi cao giọng mà không hề hay biết. “Để làm cái gì?”
Bà im lặng. Một lúc lâu sau, bà quay ra nhìn thẳng vào tôi. Ánh mắt bà chứa đựng tất cả những gì bà muốn nói.
“Thôi được rồi.” Tôi giơ hai tay lên thở dài. “Mẹ muốn làm gì thì làm, mẹ ạ, nếu mẹ nghĩ bác Amorn quan trọng đến thế.”
Cơn mưa vừa tạnh thì chúng tôi lại rời khách sạn trên chiếc xe ba bánh. Tôi không ngừng nhìn trộm mẹ. Bà ngồi cắn môi trong yên lặng, lúc thì ngắm ngợi ủ ê như thể bà đang chật vật cố gắng đối phó với rối loạn nào đó trong nội tâm, lúc làm ra vẻ chực bỏ cuộc, nhưng rồi bà lại rướn cằm, thẳng lưng lên và để chiếc xe ba bánh đưa chúng tôi tới điểm đến cuối cùng.
Nhà bác Amorn ở Hart Yai là một cửa hàng kiêm nhà ở hai tầng, tầng dưới là tiệm vàng, nằm đối diện một chợ bán đồ tươi sống. Tên cửa hàng được viết bằng tiếng Trung, tôi không nhớ lắm. Cái tôi nhớ là một tủ kính lớn nằm song song với con phố, chứa đầy các món trang sức vàng thi nhau tỏa sáng dưới ánh đèn nê ông của tiệm. Nó khiến nơi đây trông giống kho chứa hay bảo tàng hơn là cửa hàng. Vợ bác Amorn ngồi đằng sau kho báu đấy. Bà ta trương lên như một tảng thịt lợn trên thớt ở chợ. Trông bà ta có cái vẻ của một người Trung Quốc đã sống trọn đời giữa những người Trung Quốc. Bà ta đánh phấn trắng toát, kẻ lông mày, tô son đậm, nom giống cái mặt nạ kịch Kabuki.
Tôi cũng nhớ cả chiếc áo ren màu xanh nõn chuối và những món vàng, trang sức lấp lánh bắt mắt khắp người bà ta.
Vợ bác Amorn miễn cưỡng đáp lại cái cúi chào lịch sự của mẹ tôi trong khi những người làm thuê ngồi cạnh bà ta trừng trừng nhìn chúng tôi với con mắt độc địa, không thèm giấu giếm sự khinh bỉ.
“Tôi đến để gặp ông Amorn,” mẹ nói sau một thoáng đứng đó chịu đựng ánh nhìn của họ.
“Ông ấy không có ở đây,” vợ bác Amorn nhấm nhẳng.
“Nóng lòng quá, đến mức phải lao xuống dưới này, hả?” một người làm thuê ngồi cạnh vợ bác Amorn châm biếm và lắc lư đầu.
“Tôi nghĩ chúng ta đã trao đổi rõ ràng qua điện thoại,” mẹ lạnh lẽo tiếp tục, thây kệ đám hỗn tạp kia.
“Nhưng ông ấy không ở đây,” bà kia né đòn, cao giọng lên.
“Nhanh! Nhanh lên! Đến xem con mụ mất nết đòi cướp chồng người khác kìa.”
“Mẹ…” Tôi chạm vào tay bà.
“Cái thứ đàn bà mặt dày không biết xấu hổ!” Những lời nhận xét cay độc cùng với những tiếng la ó, giễu cợt bắt đầu thu hút sự chú ý của người qua đường, họ dừng lại nhìn vẻ tò mò.
Tôi lùi lại một bước. Những giọt mưa đọng lại trên mái hiên rơi xuống vỉa hè bắn lên gấu quần tôi.
Tôi không hiểu điều gì đã khiến mẹ dần hết lòng kiêu hãnh để tìm đến đây và làm thế nào bà lại chịu đựng được cách đối xử như vậy. Nếu bà đã xử sự như thế trong quá khứ, biết đâu chúng tôi đã chẳng phải mất bố.
“Tốt thôi.” Giọng bà đanh lại. “Nếu chúng ta không thể có một cuộc đối thoại nghiêm túc, tôi sẽ gọi cảnh sát.”
Hai tiếng “cảnh sát” như có phép màu: đám người kia lập tức im miệng.
“Để làm gì?” Bà Kabuki hỏi sau một khoảng im lặng choáng váng. “Tôi chả làm điều gì sai cả.”
“Ông Amorn là chồng của tôi,” mẹ nhấn mạnh. “Chúng tôi đã kết hôn hợp pháp.”
“Tôi cũng là vợ ông ấy,” vợ bác Amorn run run đáp. “Chúng tôi đã sống cùng nhau hơn mười năm. Hỏi bất kỳ ai mà xem. Tất cả mọi người đều biết.”
“Nhưng, căn cứ theo pháp luật, tôi là vợ duy nhất của ông ấy.”
“Ây dà! Bà nói thứ rác rưởi gì thế!”
“Tôi sẽ về khách sạn chờ ông ấy ở đó.” Mẹ ném ra tối hậu thư của mình. “Bà phải bảo ông Amorn đến gặp tôi hôm nay, không thì đừng hòng gặp lại ông ấy nữa.”
Cả hai chúng tôi đều im lặng trên đường trở về khách sạn trên chiếc xe ba bánh. Tôi không đoán được mẹ đang nghĩ gì. Quá nhiều thứ đã xảy ra trong khoảng thời gian quá ngắn, và tất cả những thứ ấy đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý chúng tôi. Suốt quãng đường, tôi cố gắng nhớ lại một người phụ nữ khác tôi từng biết trong thời thơ ấu – người phụ nự dịu dàng, điềm tĩnh, người đã mòn mỏi đợi chờ một người đàn ông; người phụ nữ mỗi buổi chiều tà đã đưa tôi và Ning ra ngồi ngoài hiên nhà và cứ chậm rãi, trìu mến chải tóc mãi cho Ning, nhưng ánh mắt không một khắc nào rời bến đò ngoài kia. Có những hôm, chúng tôi ngồi cùng nhau như vậy đến khi những con đom đóm xung quanh cây lamphu ở mé nước bắt đầu lập lòe và bầy muỗi vo ve bên tai. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết người phụ nữ đó chờ đợi gì những hôm ấy. Có thể chỉ là đợi một người đàn ông – bất kỳ người đàn ông nào – mà bà có thể cảm thấy mình thuộc về.
Mẹ và tôi chia tay nhau ở chân cầu thang. Bà lên trên gác đi thẳng vào phòng còn tôi ra ngoài đi dạo. Cả thị trấn lại thức dậy sau mấy tiếng đồng hồ say ngủ trong màn mưa. Người xe qua lại tấp nập. Tiếng rao hàng huyên náo hòa lẫn cùng những tiếng la hét nóng nảy và tiếng nhạc uỳnh uỳnh phát ra từ cửa hàng băng đĩa phía bên kia đường.
Tôi đi bộ đến một quán cà phê nhỏ bên đường lọt thỏm giữa một dãy cửa hàng hiện đại. Tôi khẽ thả mình xuống một chiếc ghế gỗ ba chân rồi bảo bà lão người Hoa đang tập tễnh đến gần cho tôi cốc cà phê đá. Chiếc bàn đá hoa khập khiêng với những vệt nứt ố màu cà phê gợi nhắc tôi đến nhà hàng của người đầu bếp già ở Bang Rak – một chỗ cho người già với không khí xưa cũ. Chiếc quạt trần than vãn và rên rỉ như muốn gợi cầu lòng thương cảm cho những năm tháng lao động dài dằng dặc và quần quật của nó. Tôi đứng dậy hỏi xin bà lão một chiếc túi giấy, rồi bắt đầu dùng bút bi vẽ phác quán hàng trên phần giấy còn trống. Tôi khá vừa lòng với bức ký họa ấy, sau này tôi đã vẽ lại ở khổ lớn hơn thành bức tranh sơn dầu đầu tiên của mình và đặt tên là “Mưa rơi ở Hart Yai”, phỏng theo “Mưa không bao giờ rơi ở Nam California”, một bài hát nổi tiếng thời bấy giờ.
Chiều dần trôi khi tôi quay về khách sạn. Tôi thong thả lên phòng chực gõ cửa thì tiếng ồn ào vọng ra từ phòng ngăn tôi lại.
“Anh biết em đã chờ anh… em đã chờ anh suốt bấy lâu nay mà.”
“Anh biết…” Giọng người đàn ông có vẻ không thoải mái. “Nhưng em muốn anh phải làm gì? Chẳng lẽ một vợ ở đây, một vợ ở kia?”
“Sao anh không quyết một lần cho xong hẳn đi?”
“Anh không thể làm gì được bây giờ… còn bọn trẻ, còn những người quanh anh nữa.”
“Em đã nói với anh rằng em không ghét bỏ con anh. Anh yêu Nat và Ning như thể chúng là con anh vậy. thế thì sao em không thể yêu con anh như thể chúng là con em?... Và nếu anh đã tự tin với lựa chọn của mình thì sao anh lại phải quan tâm đến những gì người khác nói?... Amorn, cuộc đời ngắn ngủi lắm. Sao anh lại phải đặt số phận của anh vào tay kẻ khác và để mình chết đi mà vẫn không có được thứ mình muốn?... Em đã chịu đựng cảnh ngộ của em ngay từ đầu, nhưng sau khi gặp lại người đàn bà đó, em biết em không thể chịu đựng hơn nữa. Em hiểu anh hơn người đàn bà đó. Em biết anh muốn gì. Em biết phải làm làm gì để anh vui và thoải mái… anh có thể muốn có mọi thứ trong đời, và có thể một ngày nào đó anh sẽ có mọi thứ, nhưng anh không thể chia sẻ mọi thứ với tất cả mọi người. Không có nhiều người anh có thể cười hay khóc cùng đến thế đâu. Vậy khi, sao không thể để em làm người đó?”
“Anh yêu em… anh yêu em nhiều lắm.”
“Em cũng yêu anh. Em chưa bao giờ yêu ai nhiều như thế bao giờ.”
“Cho anh thời gian, được không?”
“…”
“Em có hiểu anh nói gì không?”
“…”
Tôi im lặng rời khỏi cửa quay lại xuống cầu thang, cảm thấy quá đỗi cô đơn. Ngoài kia, bầu trời tối đen, vậy mà dường như, vẫn không thể u tối bằng tâm trạng tôi lúc này.