hứ Năm ngày 17 tháng Hai năm 2005 “Thật tiếc”, tôi nói vậy khi trông thấy mớ tóc trên sàn gỗ đằng sau mình. “Mọi việc diễn ra quá nhanh.” Cô chủ tiệm nhìn tôi trong gương. Tôi có mang theo một vài tấm hình để chỉ cho cô ấy thấy tôi thích kiểu tóc nào nhất. Đó là những tấm hình Martijn chụp cho tôi ba tuần trước khi tôi vẫn còn tóc. Kể từ khi những tế bào tóc trên đầu tôi thất bại trong cuộc chiến chống lại phương pháp hóa trị, tôi thấy cô gái trong những tấm hình đó ngày càng ít giống mình hơn. Những mớ tóc giả được đặt trên bàn giữa một quyển catalogue và một chùm tóc mái màu vàng mà cô chủ tiệm mang tới cho tôi thử. Hay một kiểu tóc như thế này? Chắc chắn là không. Tất cả những kiểu tóc này làm tôi trông giống như một người chuyển giới. Khi cô chủ tiệm thò tay với mớ tóc giả dài màu đen, tôi chợt nghĩ tới những tay ghi ta trong ban nhạc Guns N’ Roses, chi có điều là cái mớ lùng bùng kia sẽ được đật lên đầu tôi. Thật kinh khủng! Cửa hàng tóc giả nằm ở tầng dưới cùng của Trung tâm Y học hàn lâm Amsterdam, còn phòng thử nằm trên tầng một. Rất tiện lợi cho những bệnh nhân khoa Ung thư, họ có thể đến thẳng đó sau khi được truyền nước. Ngồi cạnh tôi là mẹ, chị gái và Annabel - cô bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi cảm thấy lo lắng và tất cả đều im lặng. Annabel vớ lấy một mớ tóc giả rồi đội thử lên đầu mình, sự căng thẳng dường như biến mất. Cô ấy trông thật khó tả, điều đó làm tất cả chúng tôi phải bật cười. Tôi ngắm mái tóc đen buộc cao của chị gái mình. Chị ấy trông thật tuyệt. Cũng giống tôi, chị ấy thích buộc tóc cao gọn sau gáy và chỉ để một lọn ở phía trước. Tôi quan sát tiếp mái tóc đen dày của Annabel, quay lại mái tóc óng ả của chị gái, rồi ngắm sang mái tóc ngắn của mẹ và cuối cùng là đám tóc lơ thơ chưa kịp rụng trên đầu tôi. Ba tuần vừa rồi trôi qua như tên bắn và tôi vẫn chưa kịp hiểu mình ở đây làm gì. Tôi ở đây làm gì? Tôi muốn đi khỏi đây, tôi muốn náu mình trong sự chở che của bốn bức tường nhà mình. Không chỉ náu mình trước bệnh tật mà còn trước phản ứng của những người khác, bởi họ chỉ khẳng định cái điều mà tôi muốn quên. Hàng xóm nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Người bán rau cho tôi thêm một túi rau quả nhiều vitamin vào giỏ hàng. Những người bạn ôm tôi thật chặt vào lòng họ. Những thành viên trong gia đình, họ khóc cùng tôi. Tôi nhìn vào gương với đôi mắt đẫm lệ và để cô chủ tiệm thử những kiểu tóc mới cho mình. Đôi môi mọng của tôi giờ chi còn là một đường kẻ đáng sợ chạy qua phần dưới khuôn mặt. Cô chủ tiệm thử tóc cho tôi càng lâu thì cái đường kẻ đó càng trở nên mỏng manh hơn còn tôi càng trở nên tuyệt vọng hơn. Trông tôi thật tệ hại. Trong gương tôi không còn là chính mình nữa. Cuối cùng tôi cũng rời khỏi bàn làm tóc với một kiểu đầu bà già hoàn toàn không hợp với mình. Mớ tóc trên đầu tôi trông xấu tệ hại và lại còn ngứa nữa. Đây không còn là Sophie nữa, không một chút nào hết. Đó là một phụ nữ trung niên cứng nhắc và buồn tẻ đến từ một nơi cũng buồn tẻ và cứng nhắc không kém như Wassenaar. Cô chủ tiệm động viên tôi bằng giọng nói đầy vỗ về an ủi. Chúng tôi rời phòng thử xuống tầng dưới bằng thang máy. “Cháu sẽ quen dần với việc đó. Đây không phải chuyện ngày một ngày hai. Cố gắng đùa giờn với nó một chút nhé. Trong hai tuần cháu sẽ lại là chính mình.” Vâng vâng. Lại là chính mình. Chính mình - một bà trung niên cứng nhắc? Hay chính mình là Stella? Tôi quay lại phía mẹ và thấy đôi mắt bà đã ướt đẫm từ lúc nào. Cô chủ tiệm đã làm ở đây được hai mươi năm và là một trong ít người có những mẫu tóc rất thời trang này từ Nhật Bản và Trung Quốc. “Ở những nước đó người ta làm ra nhiều mẫu tóc rất đẹp và thời trang, rất hợp với một cô gái trẻ như cháu.” Tôi nhìn mình một lần nữa trong gương thang máy nhưng không thể tìm thấy từ “thời trang” và “trẻ” ở đâu hết. Tôi chi thấy một con chuột xám với mớ tóc giả trên đầu. Đã hai tháng nay tôi phải ra ra vào vào cái bệnh viện này kể từ lần tôi bị “hạ cánh” xuống khoa điều trị của bác sĩ K. Đó là ngày thứ Năm, đầu tháng Giêng. Một ngày bình thường như bao ngày khác bởi tôi vẫn chưa biết có cả một khối u đang bám vào phổi mình. Nói một cách chính xác hơn là chúng bám vào màng phổi hay tên khoa học là Pleura. Sau nhiều cuộc hẹn với nhiều bác sĩ khác nhau và hai lần hội chẩn khẩn cấp, giờ tôi lại thấy mình đang nằm chờ trong một khoa điều trị khác. Chờ một bác sĩ mới, những cô y tá mới và một quyển bệnh án mới. Rồi vị bác sĩ mới trong bộ bờ lu trắng cũng đã tới. Đầu tiên ông ta khám rồi sau đó tỏ lòng thương hại trước chẩn đoán tồi tệ của tôi. Ông bước vào phòng đăng ký trong khoa của mình, mở bệnh án của tôi rồi gọi: “Cô Van der Stap”, đồng thời đưa mắt nhìn khắp phòng rồi lặng lẽ nhìn tôi. Một con nhóc, chắc hẳn trước đó ông ta đã nghĩ vậy về tôi. Còn trước mắt tôi hiện ra một khuôn mặt đẹp, trạc ngoài bốn mươi tuổi, một bộ bờ lu trắng. Tôi được ở lại khu khám bệnh của ông đúng một tuần nhưng cái nhìn đầu tiên ấy đối với tôi cũng là quá đủ rồi. Dường như được hồi sinh nhờ vị bác sĩ mới, tôi thong thả bước vào căn phòng trắng toát của ông. Ơn Chúa, đây là thế giới của đàn ông. Bệnh viện là nơi lý tưởng để tôi quên đi nỗi cô đơn về mặt thể xác của mình. Vị bác sĩ này thật dễ chịu khiến tôi ngạc nhiên sau bao nhiêu vị vô duyên mà tôi gặp trước đó. Đã hai tháng nay tôi thường xuyên được chuyển vào bệnh viện Onze Lieve Vrouwe Gasthuis, từ khoa điều trị này tới khoa điều trị khác. Từ trên xuống dưới, từ đằng trước ra đằng sau. Đi đi về về. Tám trợ lý, hai bác sĩ phụ khoa, một bác sĩ phổi và ba lần trị liệu bằng kháng sinh. Tất cả đều không đem lại kết quả nào. Bệnh tật của tôi vẫn y hệt như ngày đầu: thỉnh thoảng lại nhói đau đâu đó, một lá phổi bị sưng huyết, trọng lượng giảm thêm vài cân. Thêm vào đó là một khuôn mặt vô cùng nhợt nhạt. Trong lúc tôi vừa phải thuật lại dữ liệu về mình lần thứ bảy trăm sáu mươi tám - ở những khoa mà máy móc hoành tráng làm nên điều kỳ diệu như thế này người ta vẫn chưa tậu được bộ máy tính xử lý dữ liệu trung tâm - tôi vừa chăm chú quan sát vị bác sĩ mới của mình. Trên tấm biển đề tên là dòng chữ: Bác sĩ K. KHOA PHỔI. Tôi đoán ông mới khoảng ngoài bốn mươi. Lịch lãm, điển trai, thông minh. Một anh chàng đào hoa hay một người đàn ông hạnh phúc bên tổ ấm của mình? Hay là cả hai? Vấn đề này tôi sẽ lên mạng xác minh sau, tôi nghĩ. Bộ bờ lu trắng che đi được nhiều thứ nhưng đôi giày thì không. Một đôi giày da đen, có đường viền. Không phải dấu hiệu xấu mà cũng chẳng tốt. Nhưng nhận định của tôi là so với tầm tuổi này thì đó là một dấu hiệu tốt nhiều hơn xấu. Quanh cổ bác sĩ là chiếc ống nghe. Tôi được yêu cầu nằm lên bàn của bác sĩ và phải kéo cao chiếc áo phông, tuy nhiên chiếc áo ngực màu đen đang mặc thì được phép tại vị. Vị bác sĩ đặt chiếc ống nghe lạnh lẽo vào ngực tôi trước, sau đó là vào sống lưng đang run lẩy bẩy. Ông nghe còn tôi thở. Tôi thở trong khi ông nghe. Tôi nghe, ông là người thở. “Có điều gì đó không ổn”, ông nói. Tuy nhiên những lời nói đầy tuyệt vọng đó thực sự không làm tôi thấy sợ hãi. Thậm chí tôi còn cảm thấy nhẹ nhõm bởi có gì đó không ổn với cơ thể tôi, đó là điều tôi đã nghĩ từ trước. Sự mệt mỏi, khó thở, đôi gò má xanh xao, đó mới là những điều mới. Tất cả những gì tôi muốn là tìm kiếm lời giải cho vấn đề này trong hộp thuốc kia, rồi sau đó tiếp tục chữa trị như tôi vẫn làm từ trước đến nay. Tôi được chỉ định đi làm xét nghiệm, vậy là vẫn chưa được phép về nhà. Đầu tiên là đi chụp X- quang ở tầng một, sau đó lại phải quay lại. Cầm quyển bệnh án mới trên tay tôi ngoan ngoãn rời khỏi phòng. Bệnh viện đối với tôi vẫn còn là một cuộc phiêu lưu với những người đàn ông điển trai, ân cần và hơi độc đoán. Còn giờ, giờ tôi phải đi đâu? Quay trở lại với bác sĩ K cùng kết quả chiếu chụp phổi. Tôi lại nằm trên một chiếc bàn. Nhưng lần này là trong phòng điều trị ở tòa nhà bên cạnh. PHÒNG NÔI SOI VÀ XÉT NGHIÊM CHỨC NĂNG PHỔI là những gì tôi đọc được khi bước vào. “Những bức ảnh này trông không khả quan lắm”, bác sĩ K nói. “Lá phổi phải của cháu có chứa dịch lỏng và phải hút chúng ra.” “Hút ra ạ?” “Đúng, hút ra bằng một ống dẫn lưu được gắn vào lưng cháu.” Tôi nuốt nước miếng. Tôi không biết ống dẫn lưu là cái thứ gì song nghe bị gắn một thứ gì đó vào lưng có vẻ chẳng hay ho lắm. Tôi lại phải kéo cao chiếc áo phông một lần nữa, và lần này thậm chí còn phải cởi hẳn ra. Khởi đầu tốt đẹp đây, tôi nghĩ vậy. Cả chiếc áo ngực của tôi cũng bị tháo khuy. Lưng và ngực tôi bắt đầu nổi đầy gai ốc, tôi nhìn chằm chằm chiếc kim to đùng dài ngoằng mà bác sĩ K, cô y tá - người tôi nghĩ chắn hẳn là đồng tính - và Floris, một thực tập sinh, đang chăm chú soi xét. Hay nói cách khác: có tới cả sáu con mắt đang đổ dồn về phía đôi gò bồng đảo của tôi. Hoặc cũng có thể họ chỉ nhìn vào chiếc kim sẽ xuyên qua lưng tới lá phổi phải của tôi? Rõ ràng trông Floris cũng không ít lo lắng hơn tôi. Cậu ta đứng cách ra một khoảng nhất định, làm theo những yêu cầu của bác sĩ K và vất vả sử dụng những y cụ của thầy mình. Trong khi đó cô y tá giải thích cho tôi điều gì sẽ diễn ra ngay sau đó và lý do vì sao các bác sĩ nhận thấy tầm quan trọng của việc phải đục một lỗ tới lá phổi của tôi: Trên những tấm hình này có thể quan sát thấy khoảng ba phần tư lít chất lỏng tụ giữa màng phổi và lá phổi của cháu, chúng tôi sẽ dùng ống dẫn lưu để hút chúng ra.” “À!” Nếu có mủ vàng chảy ra từ ống dẫn lưu thì đó chẳng phải dấu hiệu tốt đẹp gì”, cô tiếp tục. “Như thế nghĩa là có viêm nhiễm ở đâu đó.” “À!” Cô y tá đã rất chú tâm tới liều lượng thuốc mê sẽ tiêm cho tôi, song đáng tiếc sự chú tâm đó vẫn chưa đủ bởi tôi vẫn cảm thấy chiếc kim kia chọc qua lưng vào trong người tôi như thế nào. Đau quá! Bác sĩ K lập tức có mặt với thuốc giảm đau và cầm lấy chiếc kim từ tay đồng nghiệp. Chất lỏng được hút ra bằng một chiếc ống dài và trong suốt. Màu của nó không vàng song theo nhận định sau đó thì nó cũng không ổn chút nào. Tôi được đưa trở lai khoa điều tri của bác sĩ K. Ông xin số điện thoại của tôi. Tất nhiên là tôi rất sẵn sàng cho. Ngay tối hôm sau ông đã gọi cho tôi. “Việc điều trị của cháu vẫn còn nhiều rối rắm. Tôi muốn cháu nhập viện một tuần để chúng tôi có thể tiến hành các cuộc xét nghiệm khác. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng chụp nội soi.” “Chụp nội... gì cơ ạ?” “Chúng tôi sẽ phải rạch trên lưng cháu một đường dài khoảng 2 xăng ti mét để đưa vào lưng cháu một máy chụp siêu nhỏ, đồng thời lấy ra một ít mô.” “Ồ... thôi được, nếu việc đó là bắt buộc...” Tôi đặt máy xuống vẻ rất kiên cường, song ngay sau đó những giọt nước mắt đầu tiên lã chã tuôn rơi vì cuộc phiêu lưu mới sắp tới, cuộc phiêu lưu lạ thường mà tôi bị đẩy vào. Tôi run lẩy bẩy và lần đầu tiên tôi cảm thấy sợ hãi thực sự. Sợ hãi cho thân thể mình. Sợ hãi cho cuộc sống của mình. “Chẳng qua là bác sĩ muốn con lúc nào cũng ở gần ông ấy thôi”, tôi đùa bố mẹ mình rồi lấy tay lau nước mắt. Tôi nằm ở đó, trong căn phòng sơn trắng, trên chiếc giường phủ ga trắng, trong bộ đồ ngủ màu trắng và giữa hai cô y tá cũng mặc đồ trắng. Một ống dẫn được đật trong mũi, một ống bơm khí màng phổi - di chứng từ lần chụp nội soi, một túi chất lỏng đầy bọt phía trên đầu tôi. Đó là tất cả trừ hai từ dễ chịu. Hồi hộp, giọng văn hay, trầm lặng, buồn bã. Cuối cùng tôi cũng đọc xong cuốn truyện đó. Bác sĩ K, người từ giờ đóng một vai trò quan trọng trong trí tưởng tượng của tôi, ngày nào cũng tới hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi và Anna Karenina. Còn tôi thì nghĩ mình lúc nào cũng khỏe hơn cô ấy. Một tuần sau tôi ngồi cùng bố trong một căn phòng của khoa điều trị mà tôi đã trở nên nhẵn mặt, đối diện chúng tôi là một kẻ vụng về ngoại hạng. Bác sĩ K đi dự hội nghị nào đó một tuần. Hôm đó là thứ Tư, ngày 26 tháng Giêng năm 2005. Ở nhà sâm banh đã được ướp lạnh. Chúng tôi tin rằng tôi bị nhiễm khuẩn gì đó, trường hợp tệ nhất có thể là một loại nấm mà tôi rước vào người trong chuyến đi xuyên Ân Độ và Iran. Không loại trừ khả năng đó là một loại sacôm, u ác tính, hiếm gặp, song như sau này tôi được biết thì khả năng đó rất ít khi xảy ra. Đó chắc chắn là nằm ngoài kế hoạch của tôi. Ngày đó tôi còn cảm thấy phấn chấn trước sự xuất hiện của một bác sĩ mới. “Chúng tôi đã có kết quả từ phòng thí nghiệm. Một tin không tốt. Cháu bị ung thư.” Người đồng nghiệp khá cộc lốc của vị bác sĩ mà tôi yêu quý ngồi khoanh tay trên bàn làm việc của bác sĩ K. Tôi ngồi đó, miệng há hốc. Tôi thu mình dưới gầm bàn làm việc vì choáng váng. Không thể nào lại là sự thật. Nhưng đồng thời nó lại là một sự thật hiển nhiên. Bố tôi người cứng đờ, vì tôi mà cố gắng giữ để nước mắt không chảy ra. Trong tôi vẫn còn hiện rõ cảnh tôi nhìn ông và nghĩ: Mẹ vừa mới trải qua một đợt hóa liệu. Cả bố và mẹ đều đã phải chịu đựng nhiều. Vậy mà giờ đây mình lại ở trong tình cảnh này. Mẹ tôi trải qua đợt hóa trị cuối cùng mới chi vài tháng trước tại đây, chi cách căn phòng tôi đang ở có một hành lang và một tầng cầu thang, căn phòng mà nó vừa đổ ụp xuống đầu tôi với tất cả sức mạnh của mình. Giờ thì mẹ tôi đã khỏe trở lại và đôi gò bồng đảo của bà vẫn được phép nằm lại trên ngực. Cuối cùng tôi cũng đứng dậy, tôi giấu mình trong chiếc măng tô dày uỵch và chi muốn một điều duy nhất là đi khỏi đây. Tôi mặc áo măng tô bởi lúc đó là tháng Giêng và trời rất lạnh. Lạnh lẽo như ở bệnh viện Onze Lieve Vrouwe Gasthuis. Lạnh lẽo như quãng đường từ khoa phổi đến khoa ung thư. Sau giọt nước mắt thứ chín trăm chín mươi chín tôi cuộn mình vào chiếc măng tô ấm áp và bước chân đi một cách hoài nghi. Bên ngoài trời ngày càng lạnh hơn. Tôi phải chạy trốn, tôi ước giá như có thể quay ngược lại được những phút vừa trôi qua trong cuộc đời mình. Cơn ác mộng này chi có tôi và bố chứng kiến. Cho đến nay chưa bao giờ xảy ra với bất kỳ người thân nào quanh chúng tôi. Có thể chính vì vậy mà mọi chuyện đối với tôi trở nên thật siêu thực, đồng thời cũng đầy đau đớn và khiến tôi quá đỗi cô đơn. Bác sĩ hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi cũng chăng biết nữa. Tôi chỉ biết một điều: tôi phải đi khỏi đây. Đi khỏi đây có nghĩa là quay trở lại cuộc sống trước kia của mình. Lẽ ra tuần sau đó tôi phải quay lại giảng đường. Ngày hôm ấy, tại căn phòng đó thế giới của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Chỉ thế giới của tôi thôi. Các sinh viên khác vẫn sẽ tiếp tục vội vã đến giảng đường cho đúng giờ, một tay cầm ly cà phê mua ở máy tự động, còn tay kia hoặc là bữa sáng, hoặc là một tờ báo mới. Không chỉ sinh viên, kể cả những người mặc bờ lu trắng, những người mà giờ đây đối với tôi họ trở nên thật kinh khủng và đáng sợ, cũng vội vã chạy khỏi tầm quan sát của tôi để lao đầu vào những công việc quan trọng của họ. Chỉ thế giới của tôi là ngừng tiếp diễn, và càng ngày nó càng là của riêng tôi hơn. Mười lăm phút sau tôi được chuyển tiếp tới khoa điều trị cho bệnh nhân ung thư. Tại đây, các y tá khẳng định lại điều tôi được nghe lúc trước và sự thật càng lúc càng trở nên rõ mồn một hơn. Một sự thật ráo hoảnh như việc sản xuất bánh ôtô. Từ cuộc nói chuyện đó những từ duy nhất còn đọng lại trong tôi là mấy từ đầu tiên tôi nghe thấy: “khó điều trị”, “hiếm gặp”, “di căn nhanh”. Từ gan có thể lan nhanh sang phổi. Đó là một cú đòn đau. Không hay rồi, tôi nghĩ. Không hay chút nào hết. Câu cuối cùng của bác sĩ: “Riêng việc cắt bỏ khối u cũng đã là một thử thách lớn. Tuy nhiên làm thế nào để nó không phát triển trở lại mới là thử thách thực sự.” Lại thêm một đòn nữa. Vậy là, tôi sẽ phải chết? Suy nghĩ đó cứ lởn vởn vởn trong đầu tôi. Tôi nghiêng đầu nhìn xuống nơi nền nhà và tường gặp nhau. Đòn tiếp theo giáng xuống: “Nếu chúng tôi có thể giúp cháu được gì đó thì...” Nếu. Bác sĩ lại “Nếu”. Đúng, vậy là tôi sẽ phải chết. Tôi phải làm gì với cuộc sống của mình bây giờ? Rồi lại thêm những đòn đau nữa giáng xuống: “Năm mươi tư tuần... hóa trị... chụp X-quang xương... Nếu... Nếu... Nếu...” Tôi phải rời khỏi đây, tôi không thể nghe hoặc nói thêm một từ nào về tình trạng các tế bào hay tủy sống của mình được nữa. Tôi lao ra ngoài. Bố ở lại nghe nốt và kết thúc cuộc nói chuyện. Chúng tôi lập tức được đưa đến phòng chụp tia X rồi tôi được tiêm một loại chất phóng xạ nào đó. Bố rời khỏi phòng để đi gọi điện cho mẹ và chị gái tôi, như sau này tôi được biết. Tôi nghĩ trong đầu, tuyệt thật, bố đã không thể kìm nén được rồi. Khi bố tôi quay lại ông cố gắng giấu đôi mắt đỏ hoe của mình nhưng vô ích. Điều tồi tệ nhất trong cơn ác mộng này là một người cha phải rơi nước mắt và nghĩ không ai nhận ra điều đó. Hay một bà mẹ hằng đêm khóc than với chị gái mình trong điện thoại ngoài cầu thang và tưởng là ở đó tôi không nghe thấy bà khóc. Mũi tiêm có tác dụng trong khoảng hai tiếng. Điều đó cho chúng tôi đủ thời gian để thay đổi không khí xung quanh và chuồn về nhà tìm chút không gian riêng cho mình. “Không hay rồi bố ạ”, tôi nói, “không hay chút nào.” Đó là khởi đầu của một kết thúc, tôi nghĩ bụng. “Lần mẹ con bị bệnh mọi việc ban đầu nghe cũng tiêu cực y như vậy Sophie ạ”, bố trả lời. “Năm nay sẽ là một năm thậm tệ, nhưng năm sau mọi việc sẽ trở lại quỹ đạo bình thường của nó thôi.” “Bố nói gì cơ? Lần này đâu phải là ung thư vú như của mẹ!” “Các bác sĩ ngày nay là vậy mà”, bố nói với giọng cương quyết. Các ông bố ngày nay là vậy mà, tôi thầm nghĩ bụng. Khi tôi và bố rẽ vào con phố nhà mình thì thấy chị gái tôi đang chờ trước cổng trong bộ quần áo chạy bộ. Chị tên là Saskia nhưng tôi gọi chị là Zus. Lắm lúc chúng tôi trông cực giống nhau, lắm lúc lại chẳng hề giống tí nào. Cả hai chúng tôi đều có cặp lông mày đen và đôi môi mọng, nhưng chỉ thế thôi. Thời điểm này chúng tôi không gắn bó với nhau lắm. Chúng tôi có nhiều điểm trái ngược nhau. Song bây giờ là lúc tôi cần chị ấy. Tôi run lẩy bẩy và nức nở trong vòng tay chị. “Zus, em mới có hai mươi mốt tuổi. Em bị ung thư Zus ạ và có lẽ em sẽ chết.” Chị ôm chặt lấy tôi, tôi nhận thấy chị cũng đang run lẩy bẩy. Cả hai chúng tôi vừa khóc vừa đi vào nhà. Tôi soi mình trong gương và cố gắng tìm ở mình một điều gì đó khác lạ, không thuộc về tôi và không hợp với tôi. Tìm một loại bệnh ung thư không mời mà đến. Trong gương tôi chi thấy một cô gái với gương mặt xanh xao và đầy sợ sệt. Tôi không hiểu có phải tôi đã nhìn thấy chính mình? Một cô gái bị ung thư? Tôi là một cô gái bị ung thư? Mẹ tôi đang trên đường trở về nhà bằng tàu điện từ Sloten tới ga Amsterdam. Chắc hẳn bà đã chọn một chỗ ngồi ở góc nào đó bên cửa sổ để đưa ánh mắt nhìn vào xa xăm. Hoặc có lẽ con tàu chật kín hành khách buộc bà phải đứng đâu đó, bị nêm chặt giữa những chiếc áo măng tô ướt sũng. Hay là bên ngoài mưa đã tạnh? Tôi không còn biết gì nữa ngoài bao giọt nước mắt đã nhỏ xuống vì bệnh ung thư. Bà bị ung thư và giờ đến lượt tôi. Giá như giờ tôi được ở bên cạnh mẹ để làm chỗ dựa cho bà dù mình còn chưa đứng vững nổi trên đôi chân mình. Nhưng qua cách mẹ ôm chặt lấy tôi vào lòng khi bà về tới nhà, tôi hiểu rằng bà sẽ luôn là chỗ dựa cho tôi. Tôi đang ở trong nhà vệ sinh thì nghe tiếng mẹ bước chân lên cầu thang. Tôi nhanh chóng kéo khóa quần lên và xả đống nước tiểu đầy sợ hãi đó đi. Tôi như đang bơi trong chiếc quần bò. Đột nhiên tôi vỡ lẽ ra: đó là do căn bệnh ung thư. Đôi mắt mẹ ướt đẫm nhưng bà không khóc. “Chúng ta sẽ vượt qua được”, bà nhắc đi nhắc lại. Người tôi run lên và tôi gật đầu. Sau một tiếng chúng tôi phải quay lại bệnh viện để tới phòng chụp xương. Chụp xương - riêng hai từ đó thôi đã chứa đầy hiểm nguy rồi. Cách đây chưa lâu mẹ tôi đã phải nằm dưới cái máy khổng lồ này, còn giờ tôi rón rén đật mình xuống dưới. Bố, chị gái và lần này cả bà tôi cũng có mặt, ngồi ở tầng dưới, trong cái căng tin dở tệ của bệnh viện. Tôi phải tháo bỏ tất cả đồ nữ trang, tuy nhiên quần áo thì được giữ nguyên. Đó là một căn phòng rộng song tôi cảm thấy chiếc máy chụp còn to hơn thế. Mẹ ấn một hạt dẻ vào tay tôi để làm điềm may và không rời tôi nửa bước cho tới khi tôi thuyết phục được bà rằng tôi đã thuộc lòng câu thần chú của bà. “Không bị ở xương. Không bị ở xương. Không bị ở xương.” Hay: Tôi sẽ không chết. Tôi sẽ không chết. Tôi sẽ không chết.” Chụp mất khoảng hai mươi phút. Trong thời gian này tôi được ở lại một mình. Đột nhiên tôi thấy sự yên tĩnh thật dễ chịu. Thậm chí tôi còn ngủ thiếp đi và điều đó thật tuyệt. Song nó chỉ làm việc tỉnh dậy càng thêm kinh hoàng hơn.