ự đơn độc khiến tôi muốn giở cuốn Tử thư Tây Tạng để làm quen và có lẽ cả kết bạn với chiếc quan tài của mình. Dường như đó là cách duy nhất để làm tâm trạng hôm nay của tôi vui lên. Tôi nghĩ về những điều tiêu cực này như để rung chuông nhắc mình không được quên rằng có thể chiếc quan tài đã ở rất gần và để cân nhắc xem kiểu quan tài nào hợp với mình nhất. Chắc hẳn những điều này sẽ không bao giờ được nói đến bên cốc nước cà chua trong một quán hè phố ở Amsterdam. Đúng, bởi ở đó tôi thích nói chuyện về kiểu tóc mới nhất của mình hoặc về những đôi xăng đan mùa hè hơn. Giá như vào ngày đó tôi vẫn còn tồn tại, tôi sẽ vùng dậy và biến sự tang tóc thành một ngày lễ lớn. Ở các nước khác người ta cũng làm vậy, như ở vùng Caribê chẳng hạn. Vừa nhảy múa vừa đong đưa. Tại sao phải khóc vì cái chết khi tất cả chúng ta đều biết nó sẽ đến? Tại sao không ăn mừng cuộc sống? Cuộc sống của tôi? Dù ngắn ngủi song tôi vẫn thấy đẹp khi nghĩ lại với nụ cười tươi. Tôi đứng dậy đi tìm chiếc áo choàng vàng và thấy nó đang ngự trên thân hình 55 năm của mẹ tôi. “Con thấy chiếc váy thế nào? Cả cái áo choàng nữa?” Mẹ tôi và cô bạn Maud rất thích ăn diện. “Chiếc váy trông rất đẹp, nhưng chiếc áo choàng trông không ổn. Nó quá nhỏ với mẹ, có vẻ vừa với con hơn.” Tôi muốn lại được nhảy múa và đong đưa. Như trước kia, chỉ khác là giờ tôi đội tóc giả. Cũng như trước kia tôi muốn ẩn mình vào một đêm tối không có lối ra. Tháng Sáu đã bắt đầu, mặt trời chiếu lâu hơn, còn cơn gió ngày càng trở nên dịu và ấm hơn. Những xốn xang của mùa xuân làm xao động từ bụng tới chân. Để hùa theo chiếc váy của cô Maud và chiếc áo choàng vàng, tôi nhặt một chiếc sơ mi lấp lánh ra khỏi đống quần áo trên sàn nhà. Tôi vớ điện thoại, gửi một tin nhắn với ghi chú “khẩn trương” và tiếp tục công cuộc tìm kiếm một chiếc áo khoác hợp với mình. Tôi bước từng bậc thang để lên Rain - một câu lạc bộ mới mở trong khu Casino cũ ở quảng trường Rembrandtsplein. Vừa có phần hơi lạ lùng, song vừa có cảm giác là tôi chưa từng tới một nơi khác biệt thế này. Tôi mặc chiếc váy đẹp nhất của mình và đội Sue - mớ tóc đỏ hoang dại. Hàng lông mi thật của tôi đã rụng sạch còn bộ lông mi giả trông dài và đẹp hơn. Tôi còn thêm một thứ giả nữa. Những hạt trang kim trên chiếc áo khoác như đang nhảy múa trong ánh đèn mờ ảo của câu lạc bộ. Lọ thuốc làm da rám nắng mang lại cho tôi sự tự tin cần thiết để bước vào hộp đêm này với lượng chất hóa học tối thiểu trên người. Chỉ có việc nổi gai ốc là tố cáo sự lo lắng của tôi. Song vì tôi không còn sợi lông nào nên người ta cũng chẳng nhận ra điều đó. Ánh sáng trong Rain mờ ảo và tràn đầy không khí. Điều đó mang lại khoảng cách mà tôi đang tìm kiếm. Tôi muốn lận vào đêm tối, để quên đi tất cả, để thích thú với mọi thứ như một cô gái không có cảnh đời như tôi. Trên đĩa là một con cá quỷ biển ngập trong nước sốt vàng ngậy. Ngồi cùng bàn với tôi là Arthur. Arthur làm nghề theo dõi xu hướng mốt, một người luôn phải đi lại, luôn phải làm việc và không bao giờ được ngồi yên một chỗ. Arthur mời tôi bữa tối cùng cốc rượu vang ngon kèm theo một cuộc nói chuyện thú vị. Khi anh ấy rót đến giọt cuối cùng của chai rượu và những chiếc cốc khác trên bàn cũng đã cạn, chúng tôi chuyển sang uống Mojito. Cậu bạn của Arthur, người một lúc sau mới đến, nghĩ rượu Vodka có thể giết chết các tế bào ung thư, điều mà hóa chất chưa làm được. Một lúc nào đó tôi sẽ giới thiệu cách này cho vị bác sĩ của mình. “Hãy sống khỏe, Sophie ạ”, bác sĩ L từng nói. “Ăn uống đầy đủ, ngủ đủ, hơn hết hãy cho phép cơ thể cháu được nghỉ ngơi nhiều bởi nó đang ở trong một cuộc chiến đấu lớn đấy.” Tôi uống thêm một ngụm Vodka. Sau bốn tháng ngoan ngoãn giờ tôi thấy vị của lá bạc hà và đường nâu mới ngon làm sao. Từng hớp rượu kéo theo cả cảm giác tội lỗi của tôi xuống dưới, tối nay rượu là thức ăn cho tinh thần. Trên sàn nhảy Arthur và tôi lạc mất nhau. Anh ấy quay lại bắt chuyện cùng cô bạn học cũ của tôi. Cô ấy cao, gầy, kiêng ăn kem sữa kể từ ngày tôi biết cô ấy. Vậy cũng được. Tôi đi tìm chỗ còn trống trên sàn nhảy, đôi mắt tôi bỗng dán vào một chiếc cà vạt đang đung đưa. Tôi lao vào trận cùng bộ tóc đỏ bồng bềnh giai điệu nhạc như đang cù lấy cổ tôi. Chiếc cà vạt đung đưa gục đầu vào lòng tôi, còn tôi ngồi nửa tinh nửa mơ trong xe taxi. Cơn say Vodka làm tôi thấy dễ chịu, dễ chịu vì buổi tối nay tôi được sống như một kẻ nặc danh. Chàng trai cạnh tôi thấy bên mình là một cô gái lanh lợi và một kiểu đầu hippi. Chúng tôi không nói gì ngoài về nhạc disco và giày dép. “Anh làm nghề gì?” “Anh được công ty cho nghỉ để đi học tiếp.” “Tuyệt thật.” Anh chàng không hề hay biết gì về nỗi cô đơn mà tôi đang cảm thấy bởi tôi đã biến câu chuyện của mình thành một điều bí mật. Anh cũng không biết gì về cô gái tóc đỏ đầy bí ẩn, người được anh làm cho thật hạnh phúc khi anh vừa hôn vừa vuốt tóc cô. Cũng không mảy may biết gì về thế giới thực của cô. Không hề hay biết rằng anh không chỉ chinh phục được trái tim của Sue mà còn của cả Daisy, Stella và Blondie. Chúng tôi tạm biệt nhau bằng một nụ hôn sâu. Tôi bước ra khỏi chiếc taxi để quay về với thế giới riêng của mình. Ngày kia tôi lại phải đến bệnh viện OLVG. Tôi nói với Cà Vạt đung đưa rằng tôi sắp đi nghỉ một tuần. Đi nghỉ với một chiếc ba lô kéo ra sân bay để mua vé giảm giá tới Marrakesch. Giá anh ấy biết được rằng câu chuyện này chỉ là một ước mơ và rằng bệnh viện nơi tôi nằm chỉ cách anh có ba con phố. Ba con phố và cả một thế giới mà tôi đã có thể quên trong lúc khiêu vũ cùng anh. Chủ nhật ngày mùng 5 tháng Sáu năm 2005 Đầy lãng mạn, đã từ nhiều tuần nay tôi thả trí tưởng tượng bay bổng của mình về một người bạn đồng cảnh mới. Một người như Jur chẳng hạn, hoặc một người vẫn chưa thoát hẳn đám u bướu. Một người sẽ cùng tôi chui ra chui vào bệnh viện, làm phiền các bác sĩ bằng một đống câu hỏi, một người sẽ ôm tôi vào lòng khi hằng đêm tôi phải nằm đơn độc trên giường bệnh và rên rỉ vì sợ hãi. Trong lần gặp gỡ đầu tiên Jur đã hỏi tôi có bạn trai chưa. “Chưa, nhưng em có những người bạn tốt”, tôi đã trả lời như vậy. Chỉ đến lúc này tôi mới hiểu câu hỏi của anh ấy. Bạn bè tôi có uống cà phê cùng tôi và đến thăm tôi thường xuyên, song tối đến họ lại trở về với bốn bức tường riêng của mình, về với chiếc giường riêng của mình. Còn tôi nằm lại đây một mình cùng nỗi sợ hãi. Nhờ Jur mà tôi nhìn nhận nỗi sợ hãi này từ một khía cạnh khác. Tôi có thể nhận ra nó, đặt tên cho nó và tiếp cận nó. Bệnh tật có một chức năng đó là biến nỗi sợ hãi thành lòng quả cảm. Lòng quả cảm mà người ta cần để học cách sống với bệnh ung thư và làm bạn với sợ hãi. Bằng cách đó Jur đã phá vỡ được phần lớn sự trống trải và cô độc trong tôi. Sau cuộc nói chuyện với anh ấy tôi có cảm giác mình đã chế ngự được căn bệnh và như thể đó là một món quà chứ không phải sự trừng phạt. Hoặc một bài kiểm tra. Tôi không tài nào mô tả được tác động kỳ diệu của Jur lên mình. Chúng ta hãy gọi đó là đồng cảm tinh thần. Hay là điều kỳ diệu. Hoặc là Jurriaan. Anh đang ngồi trong quán De Winkel bên chiếc bánh nhân táo phết kem sữa. Chiếc áo phông xanh thẫm anh ấy mặc hôm nay làm nổi bật làn da rám nắng - đôi cánh tay anh phơi dưới ánh mặt trời 365 ngày mỗi năm. Mái tóc đen nằm hờ hững trên trán. “Này, màu tóc mới à?” Đúng, tôi cũng có thể cười với anh ấy. Hôm nay tôi tết Sue thành đuôi ngựa. Mấy hôm gần đây tôi thích đội Sue hơn là Daisy hoặc Blondie bởi những nơi lông mày và lông mi của tôi cần mọc giờ đã trụi lủi. Chúng tôi hôn má nhau ba cái rồi bắt đầu câu chuyện bằng Dactinomycin, Dexamethason, Metastasen và những điều phiền phức khác. Jur quan sát kỹ lưỡng và nói rằng anh ấy thích kiểu tóc này nhất. Tôi chưa cảm thấy ổn thỏa, tôi muốn nói với anh ấy rằng hằng đêm tôi vẫn cảm thấy cô đơn và tôi mong muốn tìm được một chỗ dựa nơi anh ấy cho những bận tâm của mình. Nhưng tôi đã im lặng và giấu kín những suy nghĩ đó cho riêng mình bởi tôi sợ mình có thể làm anh ấy hoảng. Tôi có mang theo bệnh án, Jur bắt đầu giở từng trang ra xem. Tôi không biết liệu mình nên chú trọng vào số kiến thức mà anh ấy có được trong thời gian bị bệnh hay trong thời gian học Y. Dù gì sự kết hợp này cũng là có một không hai. Tất cả các quyết định của bác sĩ đều được bàn bạc kỹ lưỡng và tôi ngày càng rõ một điều là tại sao vị bác sĩ của mình vẫn còn ngập ngừng với những câu nói lạc quan. “Cái ống thông máu ấy, nó có tác dụng gì không? Bác sĩ nói lớn lắm bởi em là một trường hợp khó phẫu thuật.” “Em sẽ bị đặt à?” Jur hỏi. “Thứ Ba, việc phẫu thuật sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.” “Đó là miếng nhựa có gắn một ống dẫn qua mạch máu nằm dưới xương đòn Subclavia và được nối với tim.” “À. Tên tiếng Hà Lan của nó là gì?” “Anh cũng từng có một cái. Ở đây này.” Jur kéo cao chiếc áo phông và để lộ bộ ngực đầy lông lá. Tôi trông thấy một đường sẹo phẳng dài 8 cm trên phần ngực trái. “Em không muốn có nó.” “Nhưng nó rất tiện lợi và không khó chịu chút nào.” “Nhưng chỉ khi người ta không mặc áo phông hở cổ thôi.” Jur động viên tôi: Chẳng ai nhận ra đâu. Cơ mà tôi đâu có sở hữu bộ ngực đầy lông lá. Thứ Hai ngày mùng 6 tháng Sáu năm 2005 Tôi tìm cách đoán kết quả cuộc xét nghiệm của mình qua lời chào của ông ấy. Ông ấy nhìn tôi lâu hơn thường lệ. Câu chào của ông ấy mỗi ngày đều trở nên cởi mở hơn. Dần dần tôi thậm chí thấy quý người đàn ông này. Bác sĩ L cười vội, pha trò một chút về Daisy rồi đi thẳng vào vấn đề. “Lại có thêm tác động tích cực. Những u bướu đã teo thêm đôi chút. Chúng chưa biến hẳn nhưng...” “Liệu chúng sẽ biến hẳn chứ ạ?” “Chắc lần sau sẽ biến hẳn. Phương pháp hóa trị sau đấy sẽ gần như hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó cháu sẽ chỉ còn phải điều trị bổ sung.” “Nhưng như vậy là tốt ạ?” “Ừ, Sophie, tốt.” Tôi thở phào nhẹ nhõm sau một hồi phải nín thở. Tôi và bố đan tay vào nhau. Bằng một nụ cười rạng rờ tôi rời khỏi căn phòng trước kia còn là nỗi ám ảnh rồi hôn chị tôi một cái thật kêu. Thứ Ba ngày mùng 7 tháng Sáu năm 2005 Sau khi tỉnh dậy phải mất một lúc tôi mới định hình được mình đang ở đâu. Tôi thấy cơ man nào là giường màu trắng, trên đó là nhiều người đang nằm ngủ, đầu tóc bù xù. Rồi mọi thứ diễn ra: cuộc phẫu thuật, đôi tay cơ bắp rám nắng của anh nhân viên chăm sóc, cơn ngủ sâu. Cả cốc Mojito và hộp đêm hồi cuối tuần trước. Tôi cử động cánh tay phải và thận trọng sờ lên ngực trái. Đúng hơn là lên ngực mới, trên ngực cũ không hề bị “đào bới”. Tôi thấy một vết sưng trên ngực được dính băng, ngay dưới xương đòn. Chúa ơi! Các chị y tá lạ lẫm vội vã chạy qua chạy lại. Tất cả vẫn còn lờ mờ. Đột nhiên bà tôi tiến lại ngồi cạnh giường. Chắc hẳn tôi đã thiếp đi khi bà đến. Đôi mắt to xanh của bà nói rằng bà đang rất hồi hộp và bối rối. Chúng tôi luôn rất gần gũi nhau. Khi ở bên bà tôi luôn quên một điều là bà đã sống 56 năm đằng đẵng mà không có tôi. Bà không hay nói về sự đau đớn, bà nghĩ điều đó là không cần thiết. Song mỗi khi tôi hỏi về điều đó tôi cũng nhận được một câu trả lời. “Bà buồn vì cháu phải không?” Bà im lặng, dôi mắt to đầy sức mạnh của bà nhìn trầm ngâm. “Ừ”, bà trả lời. “Thường xuyên chứ?” “Cháu biết không, không còn việc gì làm bà vui hơn là nghĩ về cháu.” Im lặng. Đau đớn nhưng cũng thật ấm áp khi hai người kết nối với nhau bằng một sự gắn kết thật chặt, bệnh tật của tôi cũng chi phối cuộc sống của bà. Bà thường mang cho tôi thứ gì đó rất ngon từ cửa hàng bán đồ thiên nhiên. Lần này là quả hạch, nho khô và mận. “Chúng tốt cho sức khỏe của cháu”, bà nói. Bà thận trọng ngó nghiêng và hỏi bố mẹ và chị tôi đã tới thăm chưa. “Chưa ạ”, tôi trả lời và đột nhiên cảm thấy thật bất an. Những cô y tá lúc nào cũng vội vội vàng vàng mà tôi chưa bao giờ gặp làm tôi thấy khó chịu. Tôi muốn về khoa của mình, về giường của mình để được ngủ tiếp. “Nó to không hả bà?”, tôi hỏi khi thấy bà cúi người về phía tôi để quan sát “tác phẩm” của các bác sĩ. Bà lắc đầu. Song tôi không thực sự cảm thấy an tâm. Một lúc sau Pauke tháo tấm băng. Tôi vẫn có thể nhìn thấy miếng nhựa + khi cúi đầu xuống. “Họ làm cho em rất tốt đấy”, chị nói khi quan sát vết sưng từ khoảng cách gần. Tôi cười và đợi cho đến khi không còn ai trong phòng, tôi cũng quan sát vết sưng lạ lùng kia từ khoảng cách gần hơn. Hai đường khâu màu hồng dài khoảng 7 cm chạy dọc trên xương đòn, qua vết sưng tấy ghê sợ. Hai đường? Tôi phát hoảng. Tôi cảm thấy cơ thể mình như bị cắt xéo thêm, giống hệt ngày trước, cái lần đầu tiên tôi thấy một đứa đầu trọc lạ hoắc trong gương, đứa không ai khác chính là tôi. Phải vượt qua thôi, tôi nghĩ bụng. Tôi lôi nhưng tấm ảnh chụp mình đang giơ hai ngón tay giữa ra. Tôi luôn giữ chúng bên mình phòng khi không biết làm gì như lúc này. Đôi mắt này. Cái nhìn này. Ngón tay giữa này. Thứ Hai tuần sau tôi lại được phép đánh con dấu thứ 20, điều đó có nghĩa tôi đã vượt qua tuần thứ năm ở trạm C6. Chi còn một tuần nữa vào cuối tháng Bảy. Tôi gạt nước mắt và quay nhanh sang một bên. Thứ Tư ngày mùng 8 tháng Sáu năm 2005 Càng ngày tôi trông càng giống một bệnh nhân ung thư. Giờ tôi không chỉ có đầu trọc mà còn có cả sẹo. Cái thứ được gắn vào ngực và nối với người bạn cao kều của tôi qua một ống dẫn làm tôi thích thú. Tôi sờ nắn và nghịch nó cả ngày. Tôi xoay đi xoay lại giữa ngón cái và ngón trỏ một cách tẻ nhạt và thử xem nó chuyển động tiếp thế nào. Tôi luôn liên tưởng bệnh ung thư với những bà già, những gì diễn ra trong mấy năm trở lại đây, khiến tôi hiểu ra điều đó là sai. Ngay cả người mẹ xinh đẹp của tôi và Kylie Minogue cũng từng bị ung thư. Ngay cả tôi cũng vậy. Có lẽ sự liên tưởng vô lý này xuất phát từ những nhóm nói chuyện đồng đẳng vốn đầy rẫy như nấm sau mưa. Tất cả những điều đó đòi hỏi sự đồng cảm về tinh thần. Cuộc phiêu lưu về tinh thần này không làm tôi sợ. Nhưng cô lập một bệnh nhân ung thư trẻ và tội nghiệp như tôi đằng sau bức tường của Đạo giáo và Phật giáo, đó mới là điều đáng ghê sợ. Cứ như thể con đường tôi đang đi là do tôi tự nguyện chọn và chấp nhận nó một cách tuyệt đối. Cho đến nay tôi không cách ly mình khỏi những người bạn cùng trang lứa nhiều. Tất cả mọi thứ đều trở nên khác, nhưng thực ra cũng không khác nhiều. Tôi vẫn đứng mặt mày khó chịu trong phòng thay đồ chật chội của cửa hàng Zara, vẫn tắm nắng và thường xuyên đọc Vogue cùng các tạp chí dành cho phụ nữ khác. Bởi những điều này đối với tôi vẫn còn quan trọng như trước. Rất quan trọng nữa là khác, chúng giúp tôi không đánh mất thực tại. Thực tại của việc muốn làm và muốn tiếp tục. Của việc vượt qua sự cô quạnh mà tôi vẫn chưa khuất phục được. Chi mới nghĩ đến thôi đã thấy ghê rợn, tôi muốn được nói lời tạm biệt với cuộc sống cũ của mình để tập trung cho thư viện về Tây Tạng, vào những phương pháp điều trị tự nhiên hoặc nghiên cứu phương pháp điều trị của O.C Simonton, người thầy thuốc quan trọng của những bệnh nhân ung thư. Tôi cố gắng coi trọng những điều dường như chẳng quan trọng này và cô lập mình càng ít càng tốt với chúng, điều mà người ta hay làm ở độ tuổi đôi mươi. Và cố gắng tiếp tục sống mà không nghĩ quá nhiều tới bệnh tật. “Chào người đẹp, ngủ ngon chứ?”. Giọng nói của chị tôi, một nụ cười rạng ngời. Chị mang theo một giỏ nơ đầy đồ ngon bởi hôm nay là sinh nhật mẹ chúng tôi. Còn sinh nhật tôi vào thứ Bảy. Người đàn ông cạnh giường tôi có cuộc sống tẻ nhạt nhìn lên, cả chị nằm giường bên cạnh cũng bối rối. “Hôn nào!” tôi vừa gọi vừa dang tay ra. Đóng kịch là việc tôi làm rất tốt. Mỗi lần ôm tôi vào lòng là Zus không tài nào nén được nước mắt, cả hôm nay cũng vậy. Ngay lập tức chị ngồi lên giường tôi. Chị ở bên tôi khá lâu cho đến khi tôi có một cuộc viếng thăm mới. Chị cho tôi ăn mì - thức ăn của bệnh viện khiến người ta còn còm cõi hơn là phương pháp hóa trị liệu - rồi sau đó với lấy lọ nhũ đỏ để đánh móng chân cho tôi. Tôi kể cho chị nghe những tưởng tượng mới của mình về bác sĩ K. Zus kể cho tôi nghe về tương lai làm tình nguyện viên ở nước ngoài của chị và kể về những kế hoạch khác ngoài việc làm tình nguyện viên. Chị sẽ đi thực tập trong vòng sáu tháng tại tòa nhà chọc trời của tập đoàn ING ở Hồng Kông. “Sáu tháng của đời người là không nhiều”, chị nghĩ vậy. “Không nhiều ư?” Bạn trai chị cũng là tình nguyện viên, tác nghiệp gần như một nhà ngoại giao bởi cứ hai năm lại được thuyên chuyển tới một nơi khác. Chị và anh ấy quen nhau trong một lần như thế và cũng vì lý do tương tự họ sẽ luôn bị tách khỏi nhau. Rồi chị lại đi theo anh ấy. Tôi cũng vậy. Chúng tôi kéo chiếc rèm quanh giường lại và nói chuyện nhẹ nhàng để không làm phiền người khác, quan trọng hơn là để không bị làm phiền. Zus vuốt nhẹ chỗ sưng của tôi. “Những vết thương chiến tranh”, chị đặt tên cho những vết sẹo mà tôi còn lại sau cuộc chiến này. Khả năng ví von của chị vẫn còn rất tốt. Thậm chí có thể ý chị ấy là những vết thương về tình cảm chứ không phải những vết sẹo trên cơ thể tôi kia. Lúc tôi nói về “bệnh ung thư” thì chị ấy ví von ngay với “thứ ánh sáng xám xịt”. Sự thấu cảm giữa hai chúng tôi một lần nữa lại gần như giống nhau. Chị gái tôi là chuyên gia trong việc sử dụng ngôn từ. Ngược lại chị ấy lúc nào cũng có thể nói vậy về tôi mỗi khi miệng tôi phát ra từ “ung thư”. Chị em tôi mỗi người đều có một bài ca tụng riêng dành cho người kia. Thật tuyệt vời khi Zus rúc vào vai tôi như một thiên thần nhỏ, khi “thứ ánh sáng xám xịt” kia phải trốn vào góc phòng. Khi có việc gì đó liên quan đến gia đình là sự thu mình lập tức bị phá bỏ. Zus hy sinh không đắn đo thời gian của mình để nấu cho tôi một bát xúp ngon và các món khác. Khi chị ấy bước vào phòng tôi với những món ăn được làm bằng tất cả tình thương yêu ấy, tôi lại hy vọng là mình cũng sẽ mang tới cho chị những món ăn chứa đầy tình thương yêu tương tự nếu hoàn cảnh chúng tôi bị hoán đổi. Không có sự gần gũi nào gần gũi hơn thế. Chị gái tôi chỉ ý thức được điều này khi chị đứng giữa đám cây sinh thái trong cửa hàng bán đồ tự nhiên với chiếc túi đay của mình. Thỉnh thoảng tôi có nghe tin về bạn trai của chị, về việc chị phải đấu tranh với cảm giác tội lỗi thế nào khi rời phòng bệnh của tôi và thấy được cảnh thời gian quanh tôi như ngừng trôi. Đối với tôi dường như sống cho người khác còn khó hơn sống cho mình. Gia đình tôi giờ đang sống cho tôi và họ luôn chứng tỏ điều đó với tôi. Thứ Năm ngày mùng 9 tháng Sáu năm 2005 “Cháu may đấy cô bé ạ. Khi trẻ người ta có nhiều cơ hội lành bệnh hơn.” Người đàn ông đối diện nhìn tôi như thể tôi vừa trúng số độc đắc. Ngay cả người ngồi cạnh ông ta cũng làm ra vẻ như bệnh tật của tôi không là gì so với bệnh của ông ta. “Gì cơ ạ?” “Đúng đấy. Khi trẻ bệnh tật không quay lại dễ dàng như ở những người già như các bác đây.” Bộ tóc giả của tôi rùng mình. Tôi cũng vậy. “Bởi cháu mới chỉ ở độ tuổi nghĩ về những sở thích nên cháu đã bao giờ nghĩ tới may mắn liệu mình có được chết thanh thản bên thanh truyền nước?” Tôi mới muốn trả lời làm sao. Nhưng không, tôi cười và quay mặt đi. Chỉ còn hai đêm nữa là tôi được về nhà và tổ chức sinh nhật mình. Tôi thận trọng giấu mình dưới lớp chăn đệm. Ở dưới đó đêm nào tôi cũng khóc. Khóc vì tình trạng cô độc bởi ở tuổi 21 tôi phải nằm truyền nước trong khi những người bạn 40 tuổi kia ngồi thưởng thức đời ở các quán bar. Ở cùng căn phòng với ba người đứng tuổi khác tôi nghĩ về cuộc sống trước đây của mình, về 19 tuần trước khi mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Không có sự cô độc nào lớn hơn sự cô độc của tôi. Thứ Sáu ngày 10 tháng Sáu năm 2005 “Em ăn cùng tối nay chứ? Món gà và khoai tây chiên nhé?” Y tá Esther giấu gương mặt qua tấm rèm. Chị ấy sẽ đưa tôi khỏi căn phòng nhiều giường này. Vẻ mặt cau có của những người cùng phòng khiến tôi thấy tiếc, cơ mà vừa có một phòng đơn trống. Một tin tốt cho tôi song lại là tin xấu cho người sẽ nhận chiếc giường trống mà tôi vừa để lại. Esther khác những chị y tá khác ở đây. Tất cả đều tốt bụng nhưng Esther vừa xinh vừa tốt bụng và đặc biệt hơn là chị ấy còn trẻ. Với Esther tôi có thể buôn về mọi thứ - những nơi thích lui tới, các quán bar, trang điểm, iPod, con trai - bởi ngoài công việc chị ấy còn những mối quan tâm khác. Cùng mái tóc đỏ rực của mình, chị ấy còn làm DJ ở khắp Amsterdam và vùng phụ cận, còn các thứ Ba chị ấy vẫn xem Desperate Housewives như tôi và hàng triệu phụ nữ khác. Thông thường chi thứ Ba và thứ Tư chị ấy mới có mặt ở đây, song tuần này chị ấy làm cả thứ sáu. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi được phép thưởng thức đam mê chung của chúng tôi trong khi chị ấy xoay xở với đống túi hóa chất. Tôi hy vọng tất cả những bệnh nhân khác trong khoa cũng nằm yên ổn trên giường bệnh của mình để thưởng thức bộ phim dài tập này của Mỹ. Bởi khi đó họ sẽ không thò tay đụng đến cái chuông, thứ vô cùng phiền phức khi ta đang xem ti vi. Song tiếc là khoảng thời gian tôi thích lại là những lúc rất bận rộn trong bệnh viện và Esther lại tiếp tục phải chạy tới chạy lui.