gười chót cùng mà tôi bắt tay là ông Thừa Nhĩ. Tôi ngồi xuống chiếc ghế mà chủ nhân, ông Sanh Hòa Đường vừa đứng dậy nhường cho. Tối nào nhà ông Sanh Hòa Đường cũng có khách. Hai bộ xa-lông kế tiếp nhau có bữa khách ngồi đầy phải ngồi lấn sang bộ ván ngựa. Ngoài số thân chủ đến hỏi bệnh chứng, đến đặt làm tể (bắt mạch, hốt thuốc thang là công chuyện của ban ngày), ngoài những người có liên hệ đến huê hụi, vay mượn, còn thì đa số là những người thong thả, đêm đến hết việc tới góp chuyện cho vui. Tình thế càng lộn xộn người ta càng ưa tụ họp nhau lại để bàn bạc. Người ta thích nghe những tin không chính thức, những tin đồn, tin trên báo ngoại quốc, tin trên đài phát thanh ngoại quốc. Đêm nay chỉ có hai người: Ông Viện, năm mươi tuổi công chức ty Quan thuế và ông Thừa Nhĩ, nguyên Thừa phái thời Nam triều bị ba, bốn lớp Cách mạng đẩy ra ngoài cuộc sống bàn giấy. Làm công chức đến năm mươi tuổi như ông Viện thì bắt đầu thong thả. Ở nhà có vợ lo thu dọn phòng khách, phòng ăn. Con cái đã lớn, xe cộ có hư thì con đem ra tiệm coi chừng cho thợ sửa được rồi. Đèn điện, quạt máy, bơm nước có trục trặc thì có thể yên tâm giao cho chúng tự xoay xở lấy. Ai cũng ngầm công nhận là “bố đã già rồi, để cho bố thong thả”. Căn cứ theo cái qui ước ngầm đó, ngoài những đêm lên giường ngủ vào chín giờ tối, còn thì ông Viện cứ thong thả ngậm chiếc tăm xách xe đi tìm chỗ nói chuyện quấy quá cho qua một buổi tối. Để vợ ông ở nhà tha hồ mà mè nheo với vật giá cao vọt và với đồng lương gầy còm của ông. Đồng lương, từ một năm nay, ông ghét không muốn nhìn mặt nó, nói tới nó. Nó bình yên một cách thiểu não, như một ông già bất lực cam chịu số phận, bịt tai với những xôn xao chung quanh. Hôm lãnh lương xong cầm phăng phăng về đưa đủ cho vợ, - không xà xẻo bớt xén mảnh nào như những năm trước đây, - thế mà vợ thản nhiên cứ quay mặt làm việc khác, nói trổng: “Bỏ đó”. Giá trị của người đàn ông trụt đi trông thấy. Ông Thừa Nhĩ thì bỏ làng tản cư ra thành phố từ bốn năm trước nên đã có cơ sở làm ăn. Quen tiết kiệm, quen chịu đựng kham khổ nên ông chỉ than qua loa về vật giá. Có than lắm cũng chẳng ai cho mình tiền. Giá sinh hoạt cao, đó là tai nạn chung. Mình không đủ sức lực để đạp xích-lô, không thạo tiếng Anh để làm thông ngôn, không phải là đàn bà để lấy Phi luật tân thì phải đành chịu. Mối lo của ông là có hai thằng con hiện đi quân dịch cho nên tình hình chiến trường ông theo dõi cẩn thận hơn tình hình thị trường. Hễ báo loan tin có trận đánh nào xảy ra ở gần miền đóng quân của con ông, là ông mầy mò đọc từng chữ, theo dõi từng biến chuyển nhỏ. Ghi nhớ từng con số tổn thất, bị chết, bị thương. Lưu ý từ cái dấu phết, dấu chấm. Ông lục tất cả các báo bày ở sạp đọc kỳ hết, đọc luôn cả vài ngày sau đó. Kết quả là sau hai năm mê mãi theo tin tức chiến sự như vậy, ông trở nên con người thành thạo về địa lý và quân sự. Đồn binh X ở quận nào, quận đó thuộc tỉnh nào, tỉnh đó tên cũ là gì, ở miền Đông hay miền Tây, cách Sài Gòn bao nhiêu cây số, ông nói rõ ràng vừa giơ ngón tay chỉ trỏ giữa không khí như đang chỉ vào một bản đồ tham mưu. Súng loại mới, súng kiểu cũ, xe tăng, thiết giáp, máy bay… ông gọi tên, nói rõ đặc tính, ưu điểm hỏa lực, tầm hoạt động… tóm lại, những tay ngang lơ mơ như chúng tôi tha hồ ngồi làm tai nghe và tin răm rắp. Ông Sanh Hòa Đường phong lưu hơn hết trong ba người. Thân chủ đông, cửa tiệm lớn, có nhà cho thuê và hai vợ. Tính hiền lành, cầu sự an ổn. Thấy có đám đánh lộn là bỏ đi xa. Có lần cảnh sát thổi còi vây bắt một kẻ phạm pháp nào đó, xe cảnh sát chạy rầm rập, xe quân cảnh Mỹ cũng ào ạt chạy tới cả dãy. Súng chĩa mũi ra trước. Mọi người ùn ra xem chật đường, chạy theo xe để xem cho tường tận. Ông Sanh Hòa Đường ở từ phía xảy ra sự việc phóng xe chạy về. Người nhà nhốn nháo hỏi: “Chuyện gì đằng đó hở ông? Chuyện gì xảy ra vậy?” Ông không trả lời. Gác xe, bước vào nhà. Bỏ mũ. Quạt. Rót nước uống. Rồi thủng thỉnh nói: “Mình nghe còi thổi, bắn súng chỉ thiên thì lo tránh qua ngả khác mà đi về nhà cho rồi. Vui sướng gì mà coi? Biểu diễn không quân, nhào lộn, thả bom, thả roc-ket, nhất định không coi. Sợ rủi ro xảy ra tai nạn. Triển lãm chiến lợi phẩm, súng đạn, mìn, lựu đạn… không coi… Sợ nổ bất ngờ. Ghét bạo lực, ghét đánh đấm… Nghe có đám đánh nhau là tránh. Làm thầy thuốc mà ghê máu. Thấy máu thì lợm giọng. Thích nói chuyện đạo đức”. Ngồi an vị xong, câu chuyện tiếp tục. Lại chuyện tình hình chính trị, tình hình quân sự. Ông Viện ngồi chồm người tới, hạ thấp giọng: - Nghe nói… chết nhiều lắm. Cái môi dưới xệch méo một chút khiến nét mặt trông thảm thương phù hợp với một câu chuyện trong đó có nhiều người chết. Ông Thừa Nhĩ lơ đãng mỉm cười: - Thì làm sao mà khỏi chết nhiều. Bắn cỡ đó thì làm sao mà khỏi chết nhiều. Giọng nói tự phụ của một người sành điệu biết chọn lọc tin tức, nên tin như thế nào, nên cảm động như thế nào. Con người sành điệu không thể bạ cái gì cũng cảm động, bạ cái gì cũng cho là quan trọng. Hơn nữa, ông Thừa Nhĩ luôn luôn muốn tỏ ra rằng người công chức thời Nam triều như ông dẫu sao cũng thâm thúy hơn người công chức các triều Cách mạng. Không được tán thành, ông Viện ngồi lui ra sau. Ông nhỏ người nên ngồi lọt thõm vào một góc của chiếc ghế xa-lông rộng, gọn gàng an ổn như chính ông đã thành một bộ phận của chiếc ghế. Cặp đùi gầy đặt song song như một đôi đũa lớn. Không biết da mặt ông đã có nhiều vết nhăn hay là ông ưa nhăn mặt trong khi nói. Giọng ông lên xuống bổng trầm, nỉ non như người kể lể tâm sự: - Phàm việc nước cũng như việc nhà. Hồi xưa ông Thánh có nói: Mưu sự tại nhân Thành sự tại thiên Nhân nguyện như thử như thử Thiên lý vị nhiên vị nhiên. Nhìn cách nói và nghe giọng nói của ông sao tự nhiên tôi thích không tin và thích nói nghịch lại. Chẳng hạn: “Việc nước đâu có giống như việc nhà… Tây người ta nói. Vouloir e’est pouvoir…” (1 ) Và tôi có cảm tưởng rằng ông sẽ cãi lại, cãi cho đến lạc đề và mọi người sẽ bâu vào cái đề mới lạc tới đó mà thảo luận tiếp. Cho đến giờ giới nghiêm. Ông Thừa Nhĩ thì bắt qua đầu đề nào cũng tận tình góp ý kiến. - Tụi Mỹ coi vậy mà chính trị kém. Chỉ có được cái giàu, súng ống đạn dược nhiều. Ông Viện: - Chính trị thì làm chi bằng thằng Tây. Ông Thừa Nhĩ gật gù: - Thiệt vậy. Chính trị thì làm chi bằng thằng Tây. Thằng Tây nó khôn… khôn… Ý chừng thằng Tây khôn quá, ông kiếm không ra được chữ nào để nói cho hết cái khôn đó nên ông đành lên giọng chữ “khôn” rồi kéo dài ra, bỏ lửng lơ. Bảo rằng thằng Tây nó khôn, tôi không chắc ông Viện đã tin thật như vậy. Và bỗng nhiên tôi nghĩ rằng giá ông Viện bảo thằng Tây nó dại thì hai người bạn ông sẽ đồng ý và thấy ra thằng Tây dại thiệt. Thiếu gì chứng cớ. Chiến tranh ở Việt Nam, vụ Tunisie, chiến tranh ở Algérie. Cám ơn lý luận! Nếu không có mày thì nhân loại sẽ buồn. Nếu việc đời rõ ràng như một bài tính cộng biên rõ trên giấy thì nhân loại sẽ dư quá nhiều thì giờ. Ông Viện lại ngồi chúi người tới, lại hạ giọng: - Nghe đồn Nhật Bản đứng ra hòa giải… - Tin đó các báo có nói rồi. Ông Sanh Hòa Đường lôi tờ Quyết Tiến ở hộc bàn ra, trải rộng trên đùi rồi đẩy một ngón tay trỏ lên dò tìm vừa chậm rãi nói: - Tờ Quyết Tiến hôm qua có đăng mà. Để kiếm coi chỗ nào. Ông Viện hơi ngượng một chút vì “các báo đã nói rồi”. Tin tức đã đăng báo mà không biết thì có khác nào bị bắt quả tang là mình kém trí thức. Ông có tật bắt đầu một tin tức bằng chữ “Nghe nói… Nghe đồn…” y như khi làm kiến nghị người ta phải “xét rằng” ít nhất là bốn lần. Người công chức quen tính dè dặt đa nghi. Biết đâu người ngồi trước mặt mình chẳng là mật vụ? Ông Thừa Nhĩ quay sang hỏi ông Sanh Hòa Đường: - Hồi nãy ông có nghe đài BBC không? - Không. Hồi bảy giờ rưỡi mắc khách. - Nghe đài BBC nói lính nhảy dù đã chiếm chùa Tỉnh Hội và chùa Phổ Đà rồi. - Còn Huế? - Không thấy nói. Đài Huế hồi trưa loan tin lực lượng tranh đấu đang chống cự. Buổi tối nghe đài Huế không rõ. Ông Viện ngồi cúi mặt, hai bàn tay để chảy xuôi trên hai tay ghế. Những ngón tay xương xẩu. - Tình hình rối ren quá. Đánh hoài. - Đây rồi còn chết nữa, - lời ông Viện. “Mã đề dương cước anh hùng tận, Thân Dậu niên lai kiến thái bình”. Mã đề là năm nay. Bính Ngọ đó. Phải hết năm Mùi, qua Thân mới yên. (1) Hễ muốn làm là có thể làm được Tiếng phi cơ thám thính rề rề. Nhìn ra khung trời đen, thấy ánh đèn trên phi cơ di chuyển chầm chậm. Chợt một tràng tiếng nổ và tiếp theo, hỏa châu sáng rực trời. Ông Sanh Hòa Đường bần thần nói: - Tôi không ngủ được, các ông ơi. Cứ khuya nằm trằn trọc. Nghĩ chuyện nước chuyện nhà, buồn thúi ruột. Tôi pha trò: - Thì ông sắc vài thang “Bình vị địa du” mà uống. Trường phong hạ huyết mà uống “Bình vị địa du tán” là hợp chứng. Tôi biết trước là câu pha trò không làm ai cười và quả tình là không ai cười thật. Ông Sanh Hòa Đường chỉ lặng lẽ hì hì lấy lệ. Thời cuộc đè nặng trên tâm hồn của mọi người. Ông Viện bùi ngùi: - Phải như tôi khỏi đi làm ngày hai buổi như ông Thừa Nhĩ thì tôi đi tu liền. Thời thế này, hết muốn sống, hết muốn tranh đua, hết muốn hy vọng. - Tôi cũng vậy, - lời ông Sanh Hòa Đường. Mọi người im lặng. Giọng cải lương than thở từ máy phóng thanh của một tiệm may Âu phục bên cạnh. Tuồng diễn lúc cô Cúc Hoa bắt chấy cho con. Khi mẹ biến đi, Tấn Lực cất giọng ồ ồ gọi mẹ rồi hát. Giọng của người ba mươi tuổi. Chắc là dĩa cũ. Thời bây giờ người ta chuộng giống sự thật nên có vô dĩa lại chắc sẽ tìm hai ca sĩ nhi đồng. Tiếng nhạc ngoại quốc ở phòng trà đầu phố. Giọng ca xoáy vào đêm đen, chua và xót. Như tiếng kêu cứu của thân phận làm người. Bản tin tức đọc nghiêm trang phát từ một chiếc máy thu thanh vặn to. Giọng buồn. Tin tức thường nghiêm và buồn. Yếu tố của sự long trọng. Những tiếng ồn đó xáo trộn vào nhau. Mỗi người lắng nghe một giọng mà mình thích, quen thuộc với mình và những tiếng ồn kia trở thành mơ hồ. Chợt một người đàn ông mặc pyjama bước vào. Tóc uốn quăn, bôi đầy bi-ăng-tin. Ông Sanh Hòa Đường giơ tay bắt. - A! Ông Thu Trang. Mời ngồi chơi. Ông Thu Trang là chủ nhân tiệm cắt tóc “Thu Trang” nằm ở dãy phố trước mặt. Những cái bắt tay chiếu lệ. Ông Thu Trang mở lời: - Sao thầy đánh lần nầy có bốn chục? - Tại bữa đó không có tiền lẻ, - ông Sanh Hòa Đường trả lời. - Bây giờ có muốn thì đánh thêm. À, hồi sẩm tối thấy có con chim én bay xẹt mấy cái bắt muỗi trong nhà. Con én là số mấy? - Dạ số 00, 21 và 61. Ông Sanh Hòa Đường móc túi sơ-mi lôi ra một tờ hai trăm. - Ông biên cho tôi số 00 năm chục, số 21 năm chục và số 61 một trăm. Ông Thu Trang lật cuốn sổ - à, bây giờ tôi mới để ý là ông có cầm một cuốn sổ dưới tay, - mở nắp bút nguyên tử đỏ rồi hí hoáy biên chép. Ông Sanh Hòa Đường quay lại chúng tôi: - Mấy ông đánh chơi cho vui. Đề hai con. Cứ trúng hai con số chót của số độc đắc là mình ăn tiền. Mai thứ ba xổ số rồi. Mười đồng ăn bảy trăm. Ông Viện: - Hồi nãy ông nói có con én vô nhà bắt muỗi hả? Ở thành phố này mà có chim én nào bắt muỗi? Có dơi thì có. - Thiệt à? Tôi nói: - Đúng đấy. Dơi chớ không phải chim én đâu. - Chết cha! Vậy mà tôi cứ đinh ninh là con chim én. - Thì thầy đánh thêm con dơi, - ông Thu Trang đề nghị liền, không cần nghĩ ngợi. - Con dơi số mấy, ông Thu Trang? - Đề thì không có con dơi. Nằm chiêm bao thấy dơi thì ông đánh con chuột. Dơi chuột bà con. Con chuột số 15, 55 và 95. Thôi, thầy đánh luôn một trăm nữa đi. Số 15 ba chục, số 55 ba chục, số 95 bốn chục. Hễ trúng một cái là tứ thất nhì bát, hai ngàn tám bỏ túi gọn. Đâu có lỗ? Nếu không thì cũng tam thất nhì nhất, hai ngàn mốt. Ông Sanh Hòa Đường móc một tờ giấy trăm vất xuống. - Đồng ý. Biên luôn số 15 ba chục, số 55 ba chục, số 95 bốn chục. Rồi ông tươi cười: - Đề hai con, không đánh thì thôi, đã đánh thì ham. Có nhiều người trì chí, nuôi đề cho tới cùng. Cứ một con số đó, đánh hoài. Thua mười đồng, đánh hai chục. Thua hai chục, đánh ba chục. Cứ đánh tăng lên, tăng lên, có khi tới hai ngàn đồng mới trúng. Mà trúng một cái thì được một trăm bốn chục ngàn. Ông Thu Trang xé biên lai giao cho ông Sanh Hòa Đường vừa tiếp: - Họ trúng dữ lắm mấy ông. Vừa rồi đề ra con số 53 nhà cái chung gần sạt nghiệp. Ông Viện vừa móc ví vừa nháy ông Thừa Nhĩ: - Đánh chơi ông Thừa. Rồi quay sang Thu Trang. - Anh biên cho tôi số 12 và 21. Mỗi số năm chục. - Dạ… Hễ trúng một cái là ông lãnh sơ sơ ba ngàn rưỡi. - Sao lại 12? Ông chiêm bao thấy con gì mà đánh số 12? - Ông Sanh Hòa Đường hỏi. - Đâu có chiêm bao, chiêm bị gì. Gặp đâu đánh đó. - Nhớ hồi tôi còn nhỏ, - lời ông Sanh Hòa Đường, - người ta cũng mê đánh đề dữ lắm. Sáng nào cũng tụ năm tụ ba đoán điềm chiêm bao. Hồi đó trong xóm tôi có bà già nhà nghèo phải đi làm cỏ mướn cho người ta. Đánh đề hoài thua hoài. Một bữa nằm chiêm bao thấy trái bí. Ra đánh trái bí nhưng đề không có bí. Bà ta lẩm nhẩm đoán: Trái bí - Bí thủ - Thủ kỳ - Kỳ lân. Đánh luôn con kỳ lân. Trúng. Mừng quá chạy la cùng xóm. Ông Thừa Nhĩ cúi mặt liếc nhìn ông Thu Trang. Môi mím lại. Những nét nhăn cày trên da trán. Khi thấy ông Thu Trang lấy ngón tay xếp đôi tờ giấy, vuốt vuốt, chuẩn bị xé thì ông chợt hỏi: - Kỳ rồi ra số gì? - Dạ 53. -Vậy hả. Anh ghi cho tôi số 35. Cũng năm chục. Ông Sanh Hòa Đường ơi, có tiền lẻ cho tôi mượn năm chục. Kệ nó, thử thời vận coi ra sao. - Băm lăm thì chắc trúng đó, - ông Viện cười. - Số ông lăm băm là phải. Tôi đang chuẩn bị. Tôi không thích đánh bạc, không thích cầu may ở số kiến thiết nhưng lần này chắc không thể từ chối nếu có một trong bốn người có mặt nài tôi cùng chơi. Chọn con số nào? Thật là ngớ ngẩn. Con số nào cũng có thể trúng vừa cũng có thể trật. Thôi, lấy con số nhà của mình, lấy con số tuổi của mình. Nếu có sai cũng khỏi ân hận vì những con số đó không do mình chọn. Người Trung Hoa thật khôn, thật sành tâm lý. Đem bốn mươi con đề ra chép vào cuộc đánh số thì quả là tài tình. Người bình dân khó quan niệm một con số vì nó trừu tượng, mà thích thú nghĩ đến một vật cụ thể: con gà, con ốc, con cá, ông Địa, ông cọp… Tha hồ mà gặp, gặp tận mặt và gặp trong chiêm bao. Bỗng có tiếng gọi “Bố ơi” và thằng con ông Thu Trang chạy băng qua đường, chạy đến nắm cánh tay ông giật giật, miệng la bô bô: - Bố ơi về ngay. Có bốn, năm ông đến đưa tiền bảo bố ghi số. Bố về ngay. Ông Thu Trang “ừ ừ”, lật đật đứng dậy mà lưng vẫn còn cúi lom khom để viết cho xong. Ông xé giấy trao vội vã cho ông Thừa Nhĩ rồi lật đật cáo từ, chân bước ra cửa như một ngọn gió. Đồng hồ điểm mười một tiếng. Chúng tôi đứng dậy. - 12, 21 nếu tôi trúng thì chiều mai mời ba ông lên Dân Thiên hết. Ăn nhậu xong rồi đi xuống đường Hàm Nghi. Nghe nói có mấy con nhỏ ở Đà Lạt mới xuống. - Bậy! Hồi nãy đánh lộn con chim én làm con chuột còn có một trăm. - Năm chục đồng thì trúng được ba ngàn rưỡi hả? Ít quá. Thôi, thây kệ. Nếu trúng, mình mua cái ra-dô Sony nho nhỏ chạy pin nghe chơi. Ra đến cửa thì một loạt hỏa châu lại vọt lên, sáng rực. Súng nổ ì ầm ở miệt Đồng Bò. Tiếng máy bay thám thính vẫn rề rề. - “Thời thế lộn xộn, chán quá”, - ông Viện nói lửng lơ. Ông Sanh Hòa Đường và ông Thừa Nhĩ không họa theo. Chắc còn đang băn khoăn về việc lầm lộn con dơi với con én và… nên mua ra-dô hiệu Sony hay National nếu sáng mai trúng số thật.