hiếc Tatra sơn đen chở Văn Bình đến gần Bạch Mai thì tốp lại, trở đầu, chạy dọc Bờ Sông lên đường Hàng Than, phía bắc thành phố.
Đến một biệt thự cây cối um tùm, xe phóng qua cổng rộng vào vườn. Trời tối như mực. Không một ngọn đèn thắp cháy trong biệt thự. Trông ngoài vào, ai cũng tưởng là nhà hoang.
Hai người dìu Văn Bình bất tỉnh vào căn phòng rộng ở từng trệt. Sau cánh cửa gỗ trắc dầy cộm, một người trạc 40 tuổi, dong dỏng cao, đợi sẵn. Người này, các đảng viên trong Phong Trào Yêu nước đều kính nể gọi là Anh Cả. Người này, trong hồ sơ của Sở Mật Vụ Sàigòn được gọi là Z.30. Người này, trong đời sống bình thường hàng ngày, hành nghề thầy thuốc, tên là bác sĩ Triệu Dung. Bác sĩ Dung ngoắt một cộng sự viên, dặn:
-Khiêng lên gác. Phun nước cho tỉnh rồi đợi tôi lên.
Nói xong, bác sĩ Dung bước vào phòng khám bệnh, rút từ ngăn kéo ra cái mặt nạ cao su đeo dính da mặt, và không quên đeo luôn đôi găng. Văn Bình được đặt dựa ghế xích đu trên lầu. Dưới tia nước lạnh, chàng bắt đầu tỉnh dậy. Văn Bình ngơ ngác, đưa tay dụi mắt. Một phút sau, chàng tỉnh hẳn nhớn nhác nhìn tứ phía và nhận ra tường phòng quét vôi xám, với đèn ống xanh, cửa sổ che riềm đen ngăn ánh sáng lọt ra ngoài.
Hai người đánh chàng hồi nãy đứng chống nạnh nhìn chàng, không nói một tiếng. Văn Bình định nhỏm dậy, hạ mỗi tên một atêmi thật đau để trả thù nhưng lại thấy nôn nao ở cuống họng. Đòn nện vào gáy thường tạo ra cảm giác ọe mửa.
Bây giờ đây chàng mới có cơ hội nhìn rõ. Cả hai đều trẻ, chưa quá 25, nét mặt khả ái nhưng cương quyết, trán cao, điểm cặp mắt tinh anh của những người học rộng.
Văn Bình chăm chú ngó người thứ ba vừa từ dưới nhà đi lên. Dung mạo người này được giấu sau cái mặt nạ màu đen, che kín gần hết, chỉ chừa hai con mắt sáng quắc. Đến gần Văn Bình, người này dừng lại quan sát hồi lâu. Văn Bình cũng ngước mắt nhìn lại. Chàng linh tính người đeo mặt nạ là ‘’bác sĩ Dung’’. Chàng đang bối rối thì người đeo mặt nạ bỗng hỏi trước:
-Có phải Henry của O.S.S. đấy không?
Văn Bình giật nẩy mình như chạm giây điện cao thế. Henry là bí danh của chàng trong những năm hoạt động cho cơ quan mật vụ thời chiến O.S.S. của tướng Mỹ Donovan. Bí danh này, ngoài các đồng chí thân tín ra, không ai biết. Văn Bình gật đầu. Người đeo mặt nạ cười to:
-Chào Henry. Tôi là Horace.
Văn Bình đứng phắt dậy, và một quang cảnh kỳ lạ diễn ra : người đeo mặt nạ ôm chầm lấy Văn Bình. Chàng không còn nghi ngờ nữa : người đeo mặt nạ là Horace, bí danh của một điệp viên O.S.S. thường hoạt động sánh đôi với chàng, trong những công tác vô cùng nguy hiểm ở Đông Âu. Bác sĩ Dung, ngoắt tay cho hai cộng sự viên xuống nhà rồi nói tiếp :
-Trời ơi, không ngờ còn gặp nhau ngày hôm nay, mà lại gặp nhau ở đây !
Văn Bình cười :
-Thật tôi cũng không ngờ. Cái ông già Hoàng oái oăm thật ! Nói phắt tên anh và cho tôi địa chỉ của anh có phải dễ hơn không ?
Bác sĩ Dung xua tay :
-Tình trạng ở đây gay go lắm, anh ạ. Hở một chút là toi mạng ngay. Riêng tôi, trừ mấy người thân tín, còn chẳng ai biết mặt. Nếu biết đến anh, tôi đã có mặt tận nơi để tiếp đón.
-Anh không biết Z.28 là tôi ư ?
-Không. Còn anh ?
-Cũng vậy. A, bây giờ tôi mới nhớ ra. Lúc sắp từ biệt, ông Hoàng có cười mà bảo: tha hương ngộ cố tri chắc thú lắm? Tôi tưởng cố tri là thành phố Hà nội, đâu dám ngờ là anh?
-Thôi, bây giờ vào việc. Trước hết về cuộc tiếp xúc: vì hoàn cảnh bất khả kháng, tôi phải áp dụng biện pháp bảp mật tối đa. Xin lỗi vì xử tệ. Vì sợ chị Diễm bị lộ.
-Chị Diễm là người đàn bà đến khách sạn tìm tôi?
-Phải.
-Chị ấy bị địch chặn bắt.
-Tôi biết. Lẽ ra, sau khi gặp anh, chị Diễm phải báo cho tôi biết Tôi chưa nhận được tin của chị. Trong trường hợp chị Diễm bị bắt, một bộ phận nữa của ta sẽ bị lộ.
-Không hề gì, tôi đã lo giùm anh.
Đoạn Văn Bình thuật lại việc ném dao xuống đường giết chết thiếu phụ giáo viên. Triệu Dung lau giọt bồ hôi trên trán:
-Tàn nhẫn quá. Song ở vào địa vị anh, tôi cũng phải giết chị Diễm. Thà giết chị còn hơn để chị rơi vào tay địch.
Không khí trong phòng đột nhiên khó thở. Lát sau, Triệu Dung mới nói:
-Tôi xin trở lại câu chuyện. Sở dĩ chúng tôi xin một nhân viên hữu hạng ra ngoài này là để thực hiện một kế hoạch tối hệ liên quan đến phái đoàn Bilatốp. Anh biết gì về phái đoàn này không?
-Có, nhưng chỉ biết đại khái. Ông Hoàng dặn tôi hỏi Z.30.
-Vì chúng tôi đã nắm được một đầu mối quan trọng. Phái đoàn Bilatốp gồm một số chuyên viên sô viết có nhiệm vụ xây cất giàn hỏa tiễn dọc theo chu vi bức màn sắt. Năm ngoái ở Đông Âu, Bilatốp đã thiết lập được gần 30 giàn hỏa tiễn ở Đông Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc. Các cơ quan C.I.A., I.S và 2B đã tung hàng tá gián điệp vào phía sau bức màn sắt nhưng rốt cuộc đều sôi hỏng bỏng không. Một số điệp viên này đã bị bắt. Họ bị bắt không phải vì họ kém, anh còn lạ gì những phương tiện lấy tin và chuyển tin vĩ đại của các cơ quan do thám quốc tế, nhưng vì địch đã đoán trước nên đặt bẫy đợi họ lao đầu vào.
Địch cũng khôn ngoan, họ biết mèo thèm mỡ nên mang mỡ ra nhử mèo nhưng không quên trương bẫy tứ phía và tẩm thuốc độc vào mỡ.
Chuyến này Bilatốp và nội bọn đến đây, tôi tin chắc chiến thuật mỡ treo miệng mèo cũng được R.U. và KGB (Công an sô viết) áp dụng. Vì vậy công việc của ta đã khó càng khó gấp bội. Khỏi nói, anh đã đoán được tầm quan trọng của kế hoạch đặt giàn hỏa tiễn ở đây: một khi ta tóm được bản họa đồ trong tay thì gói lát-tích đủ biến ra tro bụi hàng triệu rúp mà Nga xô vung vãi trong các giàn hỏa tiễn. Đổi vị trí không phải dễ, vì Bilatốp phải nghiên cứu, và hoạch định trong nhiều tháng sau đó mới có thể di chuyển đến địa điểm khác. Ta phải đeo dính Bilatốp cho bằng được. Nếu ta thất bại, thì trong tương lai gần phi đạn của địch sẽ uy hiếp toàn cõi Đông Dương và Nam Á.
-Anh đã đặt kế hoạch chưa?
-Rồi. Nhưng xin phép anh cho tôi nói nốt. Ông Hoàng dặn giữ kín mọi hoạt động, song trong tình trạng này khó mà bảo vệ được bí mật, vì không riêng gì Sở ta ít ra còn I.S. và 2B (1) chen vai thích cánh ở đây, và đều xía vào vụ Bilatốp. Người Anh có lãnh sự quán ở Hà nội nên họ hoạt động dễ dàng như người Pháp, còn chúng ta …
(1) là Intelligence Service, Mật vụ Anh, và Deuxième Bureau, Phòng Nhì Pháp.
-Dĩ nhiên rất khó.
-Nhưng được cái may là chúng ta có một tiếp xúc sát cận với Bilatốp. Tiếp xúc này là một người đàn bà tuyệt đẹp, đóng vai nhân tình của Bilatốp.
-Mình dùng nàng làm mồi ?
-Chính thế. Nàng trung thành với mình, tuy nhiên nàng mới vào nghề nên chưa có kỹ thuật già dặn. Tôi muốn anh gặp nàng.
-Địch nghi ngờ nàng chưa?
-Tôi không biết. Tuy nhiên, theo lẽ thường cũng như kinh nghiệm vừa qua ở Đông Âu với phái đoàn Bilatốp, họa là thong manh địch mới không nghĩ đến mỹ nhân kế.
Dứt lời, Triệu Dung nhấc điện thoại gọi cho Tú Trâm.
*
Tú Trâm kéo cổ áo dạ che gáy cho đỡ lạnh. Gió bấc ban đêm như mũi kim đâm vào da thịt nàng. Phố Quan Thánh đã ngủ say. Ngoại trừ bót công an Hàng Đậu sáng lóe đèn điện ở bên kia đường.
Theo chỉ thị, nàng đi ngược về phía nhà in Việt Nam cũ, rồi quẹo vào đường Nhà thương Khách, chốc chốc dừng lại đốt thuốc lá.
Công viên Quan Thánh. Tú Trâm đột ngột quay lưng nhìn phía sau. Con đường vắng tanh, hai bên um tùm cây cối. Một chiếc Tatra sơn đen cũ kỹ chạy vút tới, và Tú Trâm trèo lên.
Chiếc Tatra nhảy lồng lên, phóng như bay lên Hàng Than rồi rẽ ra bờ Sông. Tú Trâm liếc tài xế. Tim nàng đập mạnh khi nhận ra không phải Hồ Liêm, bạn thân của anh ruột nàng, người đưa nàng vào tổ chức, mà là một thanh niên lạ có khuôn mặt, cái miệng và đôi mắt lạ lùng. Chàng mặc sơ mi cụt, để lộ bắp thịt rắn chắc và thân hình lực sĩ cân đối. Chàng quay mặt nhìn nàng, mỉm cười. Nàng khựng người. Chàng hơi giống một tài tử màn ảnh nổi tiếng mà nàng say mê.
Chàng nói trước:
-Chào cô. Trời lạnh quá! Sao cô không quấn phu la len cho ấm ?
Tú Trâm đáp nhanh :
-Tôi có cái khăn choàng màu nước biển, song tuần trước đã đánh mất ở Láng.
-Tiếc nhỉ ! Sáng mai tôi sẽ biếu cô một cái màu vàng thật đẹp.
-Cám ơn ông. Tôi thích màu xanh hơn màu vàng.
Bốn câu mật khẩu được trao xong, Văn Bình cười ròn tan :
-Tôi hỏi thật cô. Cô thích màu xanh hơn màu vàng không ?
Nàng cười phụ họa :
-Chẳng biết ai là tác giả những mật khẩu này. Trong đời tôi ghét cả màu xanh và màu vàng. Tôi ưa nhất màu hồng, đặc biệt là thứ hồng nhạt, phơn phớt như đượm hơi sương.
-Nếu cô cho phép, tôi xin biếu cô ngay bây giờ một lọ nước hoa hồng nguyên chất. Tôi mang từ Sàigòn ra, chắc cô không nỡ từ chối.
-Cám ơn ông.
Văn Bình vẫn cười :
-Cô và tôi đều làm một nghề nguy hiểm. Phàm làm nghề này, chỉ cần gặp nhau một lần là thân nhau hơn ruột thịt. Sống vội vã, chết vội vã, yêu nhau cũng vội vã. Cô không nên khách sáo, cứ gọi tôi bằng anh như bạn. Tôi là Văn Bình vừa ở Sàigòn ra.
-Tôi nghe danh anh đã lâu. Bây giờ, anh cần tôi làm công việc gì ?
-Nhờ cô giúp một tay về vụ Bilatốp. Cô vừa gặp hắn phải không ?
-Phải. Hồi tối hắn rủ tôi đi ăn, và lừa đưa về phòng…
Mặt đỏ bừng, nàng không chịu nói tiếp. Khi ấy, Văn Bình có dịp chiêm ngưỡng dung mạo của nàng. Tú Trâm đẹp thật. Là kẻ lăn lộn trong tình trường, có trái tim bằng sắt mà chàng đã có thiện cảm ngay với nàng, và muốn ôm nàng vào lòng, bất chấp hiểm nguy, phương chi Bilatốp là kẻ háu đói ái tình.
Văn Bình nói giùm cho nàng :
-Rồi hắn đòi hỏi cô…
-Vâng.
-Rồi cô cự tuyệt.
-Vâng.
-Hắn đến cô, có mang theo cặp da đựng tài liệu không ?
-Luôn luôn hắn kè kè bên mình.
-Nặng hay nhẹ ?
-Hồi nãy cặp da của hắn nặng hơn, lớn hơn mọi hôm.
-Theo cô, tại sao hắn mang nhiều tài liệu hơn mọi hôm.
-Lệ thường, hắn về muộn. Tôi gọi điện thoại nên hắn mới về sớm, và vì về sớm nên mang theo hồ sơ quan trọng để làm đêm.
-Công việc của Bilatốp hiện đã tới đâu ?
-Họa đồ đã xong, công trình xây cất cũng gần xong. Bilatốp chỉ cần chữa lại là hoàn tất.
-Bao lâu nữa Bilatốp về ?
-Về Nga, à anh ?
-Phải.
-Độ hơn một tháng.
-Cô đã biết lý do tôi có mặt ở Hà nội. Những tài liệu của Bilatốp được liệt vào hàng tối quan trọng. Cô giúp tôi được không ?
-Sẵn sàng.
-Tôi muốn cô tiếp xúc với Bilatốp nội đêm nay.
Tú Trâm tỏ vẻ nghĩ ngợi.Văn Bình đoán biết trong óc nàng đang diễn ra một cuộc va chạm tư tưởng dữ dội. Mời Bilatốp đến tức là nàng phải chiều chuộng hắn. Thật ra, chàng cũng không muốn Tú Trâm chiều chuộng Bilatốp, nhưng không lẽ vì một đêm trinh tiết của một người đàn bà không còn trinh tiết mà để hỏng việc lớn. Như thông cảm được tư tưởng của Văn Bình, thiếu phụ gật đầu. Văn Bình nói :
-Tốt hơn có lẽ cô đến nhà Bilatốp. Nghĩa là bây giờ cô về phòng, rồi gọi điện thoại cho hắn. Hắn lái xe tới, cô sẽ giữ hắn trên phòng độ 10 phút, sau đó cô hãy xuống xe cùng đi với hắn về chỗ hắn ở. Trong khoảng 10 phút này, tôi sẽ tìm cách trốn vào thùng xe. Hắn ngụ trong bin đinh, tầng dưới được dùng làm ga ra, ăn thông với tầng trên, ra vào không khó. Cô bằng lòng không ? Vì việc chung tôi tin là cô chấp thuận.
Một cảm giác lạ lùng xâm chiếm tâm não Văn Bình. Chàng quên bẵng mới quen nàng 5 phút trước, và tưởng như thân thiết từ nhiều năm nay. Đôi môi ấy, bộ ngực ấy, tấm thân ấy dường như chàng đã chiếm hữu nhiều lần trong mộng.
Đột ngột, chàng cầm bàn tay của Tú Trâm nâng lên môi hôn. Nàng để yên. Rồi chàng kéo nàng sát người, đặt cái hôn đắm đuối lên cặp môi hé mở và run rẩy. Toàn thân nàng rung chuyển như có một luồng điện đang chạy trong thớ thịt.
Bỗng nàng buông chàng ra, bàng hoàng :
-Lái đi anh. Phía sau có cảnh sát.
Văn Bình sang số, phóng vào đêm tối.
-Anh cần độ bao lâu trong phòng Bilatốp?
-Không lâu. 10 đến 15 phút là cùng.
-Anh đã nghiên cứu họa đồ nhà ở của Bilatốp chưa ?
-Rồi. Kể cả mở két và chụp hồ sơ chỉ mất ngần ấy thời giờ thôi.
-Thế thì…
-Tôi hiểu, tôi hiểu. Trâm muốn tôi đến cứu chứ gì ?
-Thưa anh…
-Được. Trâm hãy cố gắng chống cự trong khoảng ấy. Khi nào xong, tôi sẽ ra cửa ấn chuông điện. Nghe chuông hãy liệu xử cho khéo. Tìm cách hoãn binh, yêu cầu Bilatốp lái về ngay và hẹn đến tối mai. Tôi sẽ chui lại vào thùng xe và đến cao ốc Quan Thánh, trong khi cô lên phòng với Bilatốp, tôi sẽ trốn ra. Trâm nhớ rõ chưa ?
Tú Trâm gật đầu.
Hai người quay về bin đinh Quan Thánh. Văn Bình đậu xe cách chung cư một quãng xa, nhường nàng xuống trước. Khi Tú Trâm khuất sau cổng chàng mới xuống xe vào sau.
*
Căn phòng của Tú Trâm bày biễn một cách mỹ thuật làm Văn Bình ngạc nhiên. Chàng không ngờ một cô gái sống độc thân trong vùng cộng sản lại có thời giờ quan tâm đến thẩm mỹ. Nghe nàng gọi Bilatốp, Văn Bình cảm thấy lòng se lại. Hai phút sau, nàng đặt ống nói lên giá, quay lại nói với Văn Bình :
-10 phút nữa Bilatốp đến.
Tú Trâm yên lặng rót rượu vốt ka mời chàng. Chàng cạn một ly đầy ắp. Rượu vốt ka tuy nặng nhưng không ngon bằng huýt ky. Sau khi uống rượu Tú Trâm ửng hồng như cô dâu đêm tân hôn bẽn lẽn. Phải chăng đêm nay cũng là đêm tân hôn miễn cưỡng của người đàn bà đẹp này ?
Ở dưới sân, có tiếng động cơ xe hơi, và tiếng vỏ lốp nghiến lạo xạo trên đá sỏi : xe Chaika của Bilatốp. Văn Bình thoát nhanh ra hàng lang rồi xuống ga ra phía dưới. Bên trong đó bác sĩ Dung, đợi sẵn từ nãy. Bóng đèn điện ở ga ra đã bị rứt giây chì nên không sáng.
Bilatốp mới đặt chân lên cầu thang, bác sĩ Dung đã nhô đầu, rút chùm chìa khóa trong túi mở cốp xe phía sau của chiếc Chaika. Thùng loại xe này vừa rộng, vừa dài nên Văn Bình khom lưng, uốn cong lại nằm tạm không đến nỗi nghẹt thở. Bác sĩ Dung dùng dao díp nạy ba cái nút cao su gắn dưới thùng xe dùng cho nước rửa xe thoát ra ngoài, đoạn ra hiệu cho Văn Bình chui vào. Với ba lỗ thở khá to, Văn Bình không sợ bị ngạt.
Tiếng giầy của Bilatốp và Tú Trâm nện đều trên bậc thang xi măng. Bác sĩ Dung lui vào bóng tối, núp sau một giãy xe hơi khác.
Bilatốp nổ máy, miệng huýt sáo khoan khoái và lái về cao ốc giành cho người Nga trên đường Tuyên Quang. Khác với bin đinh Quan Thánh chỉ có hai người gác đêm ở cổng, ở đây binh lính Nga canh phòng nghiêm mật. Trước cửa, hai binh sĩ đeo súng, lưỡi lê tuốt trần, đi đi lại lại. Trên mỗi từng lầu đều có vọng gác.
Bilatốp mở cửa từng dưới, cho xe chạy từ từ vào. Đoạn hắn đỡ Tú Trâm lên thang. Sờ tay nàng lạnh ngắt, Bilatốp ngạc nhiên :
-Kìa, tại sao tay em lạnh thế này? Em mệt ư ?
Tú Trâm không đáp. Tưởng người yêu quá xúc động, Bilatốp không hỏi thêm nữa.
Văn Bình lồm cồm dở nắp thùng xe ngồi dậy, leo theo. Tầng trên của ngôi nhà là một căn phòng lớn, cửa sổ đóng kín mít, đèn thắp ở góc tường trang trí đơn giản nhưng đắt tiền. Trù trừ một phút, Văn Bình đẩy cửa. Trong khi ấy, Bilatốp kéo Tú Trâm qua phòng đọc sách ăn thông với phòng ngủ.
Văn Bình xô cánh cửa thứ hai, sang thư viện. Bất thần Bilatốp rời thư viện sang văn phòng thì nguy. Nhưng lúc nãy chàng đã dặn Tú Trâm rất kỹ.
Trong thư viện, Bilatốp ngồi sát Tú Trâm trên chiếc ghế bành bọc nỉ màu hồng. Hắn ôm ghì Tú Trâm hôn lên môi, lên cổ, lên tóc, lên gáy. Hôn xong, hắn bắt đầu khám phá kho tàng của mỹ nữ.
Tú Trâm đã làm đúng theo chỉ thị của Văn Bình. Nàng không cưỡng lại ý thích của nhà bác học thèm nhục dục song không ban phát một cách dễ dãi. Hễ Bilatốp tiến, nàng lùi. Bàn tay Bilatốp phiêu lưu quá xa, lập tức nàng gọi trở về trật tự ? Cứ ỡm ờ như thế trong 5 phút đầu tiên.
Ở phòng bên, Văn Bình mở hộp đồ nghề đặt lên bàn. Mở tủ sắt của Bilatốp không khó vì chàng đã có chìa khóa, và chỉ mất một phút là lựa được chữ số. Cửa két mở rộng, chàng luồn tay vào lễ mễ bưng ra cái cặp da đen đựng giấy tờ căng phồng to tướng. Văn Bình chọn xếp hồ sơ có họa đồ, và phúc trình toàn bộ, trải trên bàn, rồi mang cái máy ảnh nhỏ tí hon Minox kèm đèn fờ-lát nhỏ xíu ra bắt đầu chụp. Đã quen với công việc chụp trộm tài liệu mật, Văn Bình có dáng điệu thản nhiên, từ tốn của người nhiếp ảnh trước mặt khách hàng hơn là của người điệp viên đột nhập tư gia một nhân vật cao cấp của địch.
Nét mặt tươi tỉnh, cặp mắt dính vào đống tài liệu, chàng chụp như máy và chụp xong một ‘’bô‘’ là bàn tay trái của chàng lại dở sang trang khác. Trong mấy phút, chàng đã xài hết cuộn phim Minox gồm 48 lần chụp. Chàng nhét hồ sơ vào cặp, cất lại trong tủ, rồi lục ngăn kéo tìm thêm tài liệu khác. Còn 3 phút nữa mới đến kỳ hạn chàng đặt ra trước với Tú Trâm.
Văn Bình đâu biết được nỗi khổ của Tú Trâm lúc ấy. Cái áo dài màu huyết dụ của nàng bị cởi vứt sang bên. Cái may-ô lót mình cũng tuột hết khuy bấm và miếng vải cuối cùng che nửa người trên đã bị Bilatốp giựt xuống vội vã và Bilatốp đang say sưa rờ mó cái tác phẩm kỳ quan hắn thèm thuồng từ bao lâu nay.
Tú Trâm cố hất Bailatốp ra nhưng hắn mạnh hơn. Bàn tay hắn bắt đầu tấn công thành trì phía dưới. Và chỉ một phút sau, Tú Trâm bị vật ngã trên thành ghế bành, toàn thân lõa lồ như hồi tối dưới hoa sen trong buồng tắm.
Thời khắc thần tiên đang đến với Bilatốp. Tú Trâm nhắm mắt, không dám nghĩ đến hậu quả của những giây phút hiến thân ê chề. Một chân Bilatốp đè ngang đùi nàng, tay trái hắn vói sang bên, tắt ngọn đèn duy nhất trong phòng. Một giây đồng hồ im lặng. Nếu ai đứng gần tất nghe rõ tiếng hơi thở rồn rập của Bilatốp. Nhưng một hồi chuông quái ác và tàn bạo đã nổi lên ròn rã.
Tú Trâm tung Bilatốp ngồi dậy, nói bai bải :
-Chết ! Chết, có người tới.
Nàng hốt hoảng bật đèn rồi quơ đống quần áo hỗn độn mặc vào người. Bilatốp chỉ kịp khoác áo sơ mi rồi chạy như bay xuống nhà dưới. Nhưng phía dưới không có một ai.
Khi Bilatốp trở lên, Tú Trâm đã mặc xong quần áo, đứng đợi ngoài phòng khách. Bilatốp hỏi giọng khê nặc :
-Em không ở lại với anh ? Trời đã khuya, về làm gì ?
Nàng đáp, giọng sợ hãi :
-Anh cho em về, em sợ lắm. Ở đây người ta đã biết em tới với anh. Đến mai, anh muốn làm gì em, em cũng xin chịu. Trước sau em cũng là người yêu của anh, hoàn toàn là của riêng anh, thì anh nôn nóng phũ phàng làm gì?
Nghe xuôi tai, Bilatốp đành riu ríu nghe lời người đẹp, tuy trong bụng tiếc ngẩn tiếc ngơ. Sáng mai hắn cố tìm ra tên chó chết dám bấm chuông ban đêm, và hắn phải tặng một phát đạn giữa miệng mới hả giận.
Khi Bilatốp trả Tú Trâm về phòng ở bin đinh Quan Thánh thì bác sĩ Dung lại từ bóng tối hiện ra, Văn Bình trao hộp đồ nghề ăn trộm cho bác sĩ Dung, kèm theo cuộn phim Minox.
Nhiệm vụ đã xong đợt đầu. Nội đêm nay, hai cuộn phim quí giá sẽ theo một con đường bí mật vào Sàigòn.
Còn nhiệm vụ thứ hai? Phần việc này, ông Hoàng không bao giờ dặn chàng, nhưng lại là phần mà Văn Bình thú nhất, đó là phần việc ái tình. Không lẽ một thiếu phụ son trẻ như Tú Trâm mà chàng lại nhắm mắt để lọt vào tay người khác.
Chàng xô cửa phòng. Tú Trâm ngồi trên ghế kê trước bàn trang điểm. Nàng khoác cái kimônô may chật, màu sặc sỡ, và không cần lại gần, chàng dư biết phía sau làn vải mềm không còn gì nữa hết. Quả là Tú Trâm chờ chàng. Ở Sở, nhiều người đã khen chàng tốt số đào hoa vì không có điệp vụ nào là chàng không mang về hương thơm da thịt nõn nà của người đẹp. Đêm nay, như bao đêm khác trong cuộc đời phiêu bạt, chàng sẽ tạm quên âu lo, nguy hiểm trong một vài giờ.
Tú Trâm nâng ly mời chàng. Chàng bá cổ nàng hôn một hơi dài, đoạn hỏi:
-Em không hề gì chứ?
Nàng đáp, giọng nũng nịu:
-May quá, chỉ suýt nữa thôi.
Văn Bình ngồi chung ghế với Tú Trâm. Cầm tay chàng, Tú Trâm thỏ thẻ:
-Anh yêu em hay chỉ muốn thỏa mãn sở thích trong chốc lát?
-Vì em mới bước chân vào nghề nên mới hỏi anh câu đó. Trong lòng người gián điệp không thể có tình yêu bền bỉ, vì có bao giờ họ sống được đến tuổi già mà hò hẹn dài lâu? Nghề nghiệp này cũng không có thời giờ để cảm thông và tán tỉnh. Thời giờ gấp rút quá em ạ. Biết đâu đêm nay anh vui với em ở đây rồi mai anh chết, hay em chết?
-Anh đừng nói gở.
Tú Trâm tắt giãy đèn trên tường. Gian phòng chìm trong làn sáng gián tiếp, đầy vẻ huyền ảo. Văn Bình cúi xuống, bế Tú Trâm vào phòng ngủ. Chiếc nệm trắng tinh, tấm gương cao bằng người, cây đèn đêm có dua hồng, hai bức ảnh như ẩn hiện trước mắt của cặp nam nữ diễn viên màn bạc hữu danh, tất cả cùng tan ra thành khói. Ngọn đèn cuối cùng đã tắt.
Phòng trong, phòng ngoài, tối câm như hũ nút.
Căn phòng của cô thông dịch viên sứ quán Liên sô đã đi ngủ hoàn toàn, riêng hai người còn thức. Họ đang mơ đỉnh núi cao vòi vọi, và đang mỏi lưng trèo. Xa xa là biển rộng sóng biếc dạt dào. Một con thuyền lửng lơ đưa hai kẻ ra khơi…