Vùng Nam Bộ
HỘI DINH THẦY

Hàng năm, cứ vào các ngày 15 và 16 tháng 9 âm lịch, thị xã Hàm Tân (Bình Thuận) bỗng trở nên tấp nập lạ thường, vì dân chúng mọi nơi kéo nhau tới hành hương tại Dinh Thầy.
Dinh Thầy là một ngôi dền nằm giữa một khu rừng cách Bình Tuy vào khoảng 12 cây số về hướng tây bắc. Đền gồm ba toà nhà kiến trúc theo lối xưa với một vẻ cổ kính, trang nghiêm ẩn nấp dưới những tán cây cổ thụ. Phong cảnh tĩnh mịch, ai bước tới đây cũng như cảm thất sự thiêng liêng của nơi thờ tự, lòng sùng bái càng tăng với sự tin tưởng ở sức huyền bí vô hình của Thầy.
Thầy là vị được thờ phụng tại dinh. Tiểu sử Thầy tới nay chưa ai biết cặn kẽ, tuy nhiên rất nhiều giai thoại về Thầy đã được lưu truyền. Hội Tam Quy, phụ trách việc phụng tự Thầy đã thu thập những câu chuyện truyền khẩu, ấn hành và phát cho khách trẩy hội.
Theo tài liệu này, Thầy sinh về thời chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này) tại làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Thầy có Thím sánh đôi, Thím sinh tại làng Yến Nê cùng tỉnh. Lúc thiếu thời, Thầy đã từng bút nghiên đèn sách, nhưng số Thầy lận đận về khoa cử, mấy khoa chẳng đậu, tuy học hành rất khá. Buồn vì cử nghiệp lảo đảo lợi danh, Thầy từ bỏ sách đèn, theo học đạo để giúp đời. Suốt trong mấy năm sống ở đất Quảng, Thầy đem sự hiểu biết của mình ra cứu dân độ thế bằng cách chữa bệnh và dạy người theo lễ nghĩa.
Rồi một biến cố xảy đến. Vua Tự Đức đã đích thân về làng La Qua xử án và kết tội Thầy phải chịu Tam ban triều điển. Trước dân làng và văn võ bá quan. Thầy và Thím đã dùng lụa điều biến thành rồng đỏ (1) bay về phương Nam lánh nạn. Rồng bay về đến Tam Tân (huyện lỵ Hàm Tân ngày nay, ngó xuống thấy phong cảnh đẹp. Thầy cho rồng hạ xuống và sống ở nơi đây với dân làng cho đến khi qua đời.
Cũng như khi sống ở Quảng Nam, tại đây Thầy lại tiếp tục việc cứu giúp người đời và dốc lòng học đạo. Ngày nay, tại Hàm Tân dân chúng thường nhắc đến công ơn của Thầy: cứu người trong cơn hoạn nạn, cho thuốc men, giúp gạo trong năm rất mùa và nhất là khuyến thiện dạy dân theo lành lánh ác.
Với công ơn ấy, dân chúng Tam Tân rất kính mến. Thầy và Thím, xưng hô gọi tôn là Thầy. Danh tiếng Thầy ngày càng vang, người người khắp nơi đều biết tìm đến để theo Thầy học đạo.
Để tránh vương vấn với đời, Thầy và Thím vào rừng sống ẩn dật trong một túp lều tranh do tự thầy cất lên, tháng ngày làm bạn với điểu thú. Thầy đã cảm hoá được cả thú dữ lẫn chim rừng. Cầm thú mọi loài hàng ngày tới chầu bái Thầy. Tuy sống ẩn dật, nhưng khi dân chúng gặp tai ương, hoạn nạn, đã thấy Thầy xuất hiện giúp đỡ.
Thầy và Thím chết trong túp lều tranh ở khu rừng. Khi nghe tin Thầy và Thím chết, dân chúng kéo nhau vào lo chôn cất. Lạ thay vào tới nơi, mọi người thấy voi đang chầu chực bên Thầy và Thím, chung quanh đủ các cầm thú chim muông, thảy đều u sầu buồn thảm. Lạ lùng và kinh ngạc nhất, là không hiểu ai đã mang tới hai cỗ  áo quan và đã tẩm liệm cả cho Thầy và Thím. Dân chúng đem chôn hai cỗ áo quan nơi Bàn Thông, và từ đó cứ mỗi năm hai lần, mọi người kéo nhau tới, lần thứ nhất vào ngày mồng năm tháng Giêng âm lịch để tảo mộ và lần thứ hai vào ngày 15 tháng 9 để làm giỗ. Xưa kia, theo lời thuật trong tài liệu, khi dân chúng vào viếng mộ và làm giỗ, chim muông và cầm thú đã dọn dẹp quét tước sạch sẽ cả mộ lẫn Dinh Thầy. Thầy và Thím chết đi, dân chúng thương tiếc, nhưng có người cho rằng cả hai người vẫn còn sống và đã dời đi nơi khác, vì đây danh Thầy đã nổi, sợ đến tai nhà vua sẽ bị truy tầm. Thương Thầy và Thím, dân làng Tam Tân họp nhau lập Dinh thờ cho đến ngày nay. Lúc đầu Dinh cất sơ sài bằng lá, nhưng dần được sửa sang trở nên đẹp đẽ nguy nga với nhiều đồ trang hoàng quý giá do khách thập phương cúng tiến.
Vua Tự Đức, qua đồn đại của dân chúng, phái người từ kinh đô về tận Tam Tam để dò xét tình hình. Sau khi thăm dò dư luận và tìm hiểu sự thật, sứ thần về tâu cùng nhà vua mọi sự việc liên quan tới vợ chồng Thầy, nhà vua cảm động, nghĩ tiếc một người có tài có đức, xoá bỏ án cũ lại sắc phong cho Thầy làm Chí đức tiên sinh, và Thím làm Chí đức nương nương.
Từ khi chết, Thầy thường thường về phù hộ cho dân Tam Tân được an cư lạc nghiệp. Nhớ ơn Thầy, hàng năm nhân dân đã làm giỗ Thầy rất lớn, và ngày giỗ đã trở thành ngày hội Dinh Thầy.
Ngày giỗ Thầy được gọi là ngày hội Dinh Thầy hàng năm, chính thức cử hành vào hai ngày 15 và 16 tháng 9 âm lịch. Đây là một ngày lễ lớn tại Bình Thuận, và đã ăn sâu vào tập tục của người dân địa phương. Tới ngày hội, họ kéo nhau đi dự giỗ Thầy.
Tuy ngày lễ chính thức vào hai ngày nói trên, song khách thập phương từ các nơi đã chuẩn bị tới dự lễ từ hơn nửa tháng trước và sau ngày lễ, đến một tuần lễ sau còn đông khách tới hành hương. Trong hai ngày lễ, Hàm Tân trở nên náo nhiệt và nhộn nhịp, dân chúng từ khắp các tỉnh miền Trung cũng như miền Nam về dự ngày giỗ Thầy, xa từ Quảng Trị, Thừa Thiên hoặc lục tỉnh, gần từ Ninh Thuận, Phan Thiết, Long Khánh... Tới dự giỗ Thầy, người người đều cầu nguyện và xin xâm (2).
Dọc đường tỉnh lộ Bình Tuy đi Hàm Tân dài 12 cây số, đường đá sỏi, gồ ghề lại xuyên qua một đoạn đường rừng nguy hiểm, xe cộ tấp nập suốt ngày, người kéo đi như nước, từng đoàn từng tốp. Dự giỗ Thầy xin xâm cầu nguyện khách hành h ương lại cùng nhau tới viếng mộ Thầy.
Khách hành hương tới cúng Thầy mang theo đồ lễ đủ các loại: tiền bạc, vàng hương, heo, gà, vịt và các thứ hoa quả bánh trái. Trong hai ngày giỗ Thầy, ngày đầu 15 tháng 9 là ngày cáo giỗ tức là ngày tiên thường, dân chúng nơi đây làm lễ cúng chay.
Ngày hôm sau là ngày cúng mặn. Dân làng sở tại tự mang đồ lễ tới cúng và khách hành hương từ các nơi tới cũng đặt đồ lễ cúng. Hầu hết khách trầy hội, cúng lễ xong đều xin xâm, nhất là phụ nữ.
Xin xâm ở ngay chính diện đền Dinh, người xin xâm chen chúc quỳ lạy từ cửa vào. Tiếng xóc ống xâm vang đều đều. Xin được lá xâm, ra bên ngoài, đã có hàng chục người đoán quẻ bàn giải.
Hội Dinh Thầy nhộn nhịp tưng bừng ở giữa một nơi hoang vắng, mà thường ngày rất ít người lai vãng tới, chứng tỏ lòng tin tưởng vô bờ của dân chúng đối với Thầy.
Hội Dinh Thầy không có cổ tục, trò vui gì, nhưng khách trẩy hội đã vui với lòng thành của mình và đến được Dinh Thầy ai nấy đều tỏ sự hân hoan.
(1) Câu chuyện có vẻ hoang đường, nhưng chép lại chúng tôi xin ghi nguyên. Trong "Tin sớm" số 1520 đề ngày 20-11-1969 cũng nhắc lại sự tích này (bài khuyết danh)
(2) Que Xâm miền Bắc gọi là Thẻ