Vùng Châu thổ Bắc Bộ
HỘI CHÙA HƯƠNG

Người Việt Nam, mấy ai lại không biết tới hội chùa Hương. Phan Huy Chú một học giả lỗi lạc đầu thế kỷ XIX từng đánh giá hội chùa Hương là hội vui bậc nhất ở cõi trời Nam.
Hội chùa diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây: Xã gồm sáu thôn (Tiên Mai, Phú Yên, Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ, Hạ Đoạn). Đầu thế kỷ XIX, các thôn này thuộc tổng Phù Lưu thượng, huyện Hoài An, trấn Sơn Nam thượng(1).
Hương Sơn nay là xã lớn nhất của huyện Mỹ Đức, dân số chừng 1,2 vạn người, diện tích khoảng 30km2, chiều dài 6km, bề rộng 5km, nằm ven bờ sông Đáy, có dãy núi đá vôi Hương Tích nhấp nhô, những dòng suối chảy men chân núi, những cánh đồng màu mỡ mở rộng trông ra châu thổ. Cảnh thiên nhiên ấy thật như ca dao địa phương miêu tả:
Một vùng non nước bao la
Rằng đây lạc quốc hay là Đào Nguyên
Hương sơn là chốn non tiên
Bồng lai mà thấy ở miền nhân gian
Hàng năm, khách thập phương (trong đó có rất nhiều đoàn khách quốc tế) trẩy hội về quần thể di tích Hương Sơn tới hàng chục vạn người (2). Những hôm cao điểm khách về hội tới vạn người. Điều đó, phản ánh sức hút của hội chùa đến nhường nào.
Hội trải dài trên ba tuyến:
+ Tuyến Hương Tích (tuyến chính)
+ Tuyến Tuyết Sơn
+ Tuyến Long Vân
1. Hội chùa Hương, lễ hội dài nhất nước
Ngày xưa, các cụ nói hội chùa tự mở và tự đóng. Thường là sau tết Thượng Nguyên (rằm tháng giêng) khách đã đông đúc về hội đến khoảng rằm tháng ba thì vãn khách.
Ngày nay, hội chùa mở sớm hơn, Ban tổ chức hội lấy ngày mồng sáu tháng giêng để khai hội. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của người làng Yến Vĩ và Phú Yên. Lễ mở cửa rừng của làng Yến Vĩ tổ chức ở đền Ngũ Nhạc, xưa, đền thờ sơn thần (ông Hổ), một tín ngưỡng linh vật. Sau đó có sự hòa trộn với nhân thần để ra đời vị thần tên là Hùng Lang con ông Hùng An một vị tướng thời Hùng Vương có công dẹp giặc Ân trừ bạo cho nước (3).
Còn làng Phú Yên làm lễ mở cửa rừng ở đền Hạ cũng thờ sơn thần. Lễ khai sơn vốn là nghi lễ nông nghiệp của người Việt cổ tạ thần núi, tạ chúa sơn lâm mong trong năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa gió thuận hòa, con người an khang tráng kiện, không bị thú dữ ăn thịt. Nay lễ này còn sót lại ở một số vùng người Mường. Đối với cư dân ở đồng bằng, lễ khai sơn không còn nữa mà có lễ hạ cây nêu (mồng bảy tháng giêng) chấm dứt một tuần vui tết để bắt tay vào mùa làm ăn mới.
Mâm lễ của làng Yến Vĩ dâng sơn thần phải có một mặt lợn cạo sạch để sống, còn làng Phú Yên là con chó thui, chỉ những khi không kiếm được chó thì thay bằng khúc cổ lợn, đấy là những thứ sơn thần hay ăn. Sau những nghi thức cúng tế, làng Yến Vĩ cử một cụ ông (vợ chồng ăn ở thuận hòa, đã từng sinh con đẻ cái mau ăn chóng lớn) bước vào rừng cầm dao chặt đứt một cành cây, vài sợi dây leo; làng Phú Yên cũng cử một cụ ông đẹp lão, có kinh nghiệm làm rừng, dùng dao chặt đứt một cành cây rừng. Sau lễ khai sơn, dân chúng hai thôn mới chính thức đi rừng.
Ngày nay, nghi thức mở cửa rừng hàm chứa ý nghĩa mới, đồng nghĩa với mở cửa chùa. Do biến động về địa lý nên đền Trình của chùa Hương, xưa là ở đình của làng Đục Khê, gần con sông Đáy, nay chuyển vào đền Ngũ Nhạc của thôn Yến Vĩ (nơi diễn ra lễ mở cửa rừng) và có tên gọi mới là đền Trình.
Ngày mồng sáu tháng giêng là lễ khai hội; khách du lịch, các tín đồ rất đông. Ngày hội có lễ dâng hương tưởng nhớ vị tướng của vua Hùng do nhà chức trách địa phương đảm nhiệm. Hôm ấy, dân Yến Vĩ tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến.
Sau lễ mở cửa chùa du khách trẩy hội trên ba tuyến đó đông dần, mà cao điểm nhất là ngày 18 tháng hai âm lịch. Tương truyền là ngày khánh đản Đức Quan Thế Âm, nghĩa là ngày sinh của bà Chúa Ba ở chùa Hương.
Hội cứ đông vui tấp nập đến tháng ba. Khi cái nắng đầu hè oi bức thì cái thú leo núi chẳng còn hấp dẫn du khách nữa, hội vãn dần. Cứ theo tiến trình ấy thì hội chùa Hương diễn ra suốt ba tháng xuân, hết quí đầu của vòng luân hồi Xuân - Hạ - Thu - Đông của trời đất. Nói thế, gọi là khép hội chùa, chứ lễ chùa, du lịch thắng cảnh Hương Sơn thì đâu đã hết. Mồng một, hôm rằm và các ngày chủ nhật những tháng sau đó, khách vẫn thường lui tới với đất danh thắng  Hương Sơn.
2. Quần thể Hương Sơn, một đại kỳ quan của đất nước
Trước hết phải ghi nhận chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng. Tạo hóa khéo bày đặt ở vùng này những dãy núi đá gồ ghề bên cạnh sự mềm mại của các dòng suối. Màu sắc xám đanh, già dặn, dãi dầu của đá trơ ra bên màu xanh non tơ của cây lá. Quần thể núi non tạo ra những dáng hình kỳ thú. Dáng núi tựa hai con rồng đá tranh hòn Ngọc ốc ở cánh đồng Đục Khê. Núi nổi trên cánh đồng nước ở gần đền Trình tạo thành hình bốn con vật (rồng, sư tử, rùa, phượng) linh thiêng trong tâm thức người Việt. Lại có núi ông Sư và Vãi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà. Tuyến Tuyết Sơn có dãy núi như chiếc thuyền rồng, như đầu sư tử.
Sự hấp dẫn của Hương Sơn không chỉ ở bề ngoài, mà còn ở bên trong. Đó là vẻ đẹp sâu lắng, giàu triết lý dân gian của các hang động. Du khách đến chùa Hương có cái thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng bầu trời, cảnh bụt, khoái cảm nhìn sông ngắm núi như thấy một góc của non sông đất nước vừa thơ, vừa thực thu gọn trong tầm mắt và cũng ảo huyền như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Sau đấy là thú vui trèo núi, thật dân dã trong tay cây gậy lụi, cứ theo con đường núi lấm tấm hoa dại, lây lan thơm gợi mùi hoài cổ, lạ lẫm một dáng cây, thoảng nghe tiếng chim rừng, uống một bát chè lão mai, ăn một quả mơ đặc sản của Hương Sơn, thật như ngỡ mình đang thoát thực để tận hưởng đến viên mãn cái đẹp của thiên nhiên đất nước, để thêm yêu cuộc đời.
Hang động ở Hương Sơn là yếu tố cấu thành quan trọng để quần thể Hương Sơn trở thành danh thắng nổi tiếng. Đây là một hình thức bắt nguồn từ thời kỳ tối cổ của loài người, dần dần hình thức này hội nhập với tôn giáo thích ứng để biến thành một miền thánh địa. Hiện nay cả người Kinh và người miền núi cũng còn sử dụng nhiều hang làm chùa - như nhiều chùa Mường, rồi chùa Bà Đen (Tây Ninh), chùa Non Nước (Đà Nẵng)... Cả ba tuyến du lịch (Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn) đều khai thác các vị trí động đá để thu hút khách. Ven suối có hang Sơn Thủy Hữu Tình, hang Long Vân, hang Cá. Trên núi có hang Hồng Sơn, hang Sũng Sàm, hang Trú Quân, có động Tiên, động Tuyết Sơn, động Hương Tích. ở Hương Sơn thường chùa đi liền với hang, hay gọi đúng tên là chùa hang (chùa ở trong hang) như chùa Tuyết Sơn, chùa Cá, chùa Cây Khế, chùa Hinh Bồng, chùa Tiên, chùa Giải Oan... Trong tất cả các hang động, nổi bật hơn cả là động Hương Tích và động Tuyết Sơn.
Động Hương Tích đã to lại rộng. Người xưa coi động Hương Tích là miệng con rồng. Theo quan niệm dân gian, đã đi chùa Hương mà chưa tới động Hương Tích coi như chưa tới chùa Hương. Du khách đến Hương Tích lặng người chiêm ngưỡng những nhũ đá - những tác phẩm tuyệt mỹ mà tạo hóa phải thầm lặng hàng triệu năm bồi hoàn mới thành khối, thành hình lạ lùng đến thế. Bởi vậy vào năm Canh Dần (1770) Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, người có tài văn chương tuần thú qua vùng Hương Sơn, đề thơ ở động chùa Tiên, sau lên thăm động Hương Tích đã đặt bút cho khắc năm chữ: "Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam). Điều đó, chứng tỏ không phải ngày hôm nay mà cách đây hơn hai thế kỷ non nước Hương Sơn đã nổi tiếng.
Sau động Hương Tích là động Tuyết Sơn. Động này Phan Huy Chú đã từng giới thiệu trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: "Tuyết Sơn ở huyện Hoài An, có nhiều lớp núi cao, trong núi có động rất đẹp. Trong động có nhũ đá nhủ xuống, trùng trập hiện ra, coi như vảy rồng. Trên ngọn núi có tượng phật bằng đá, lại có những cây thông mọc từng hàng, coi như một dãy tán. Cảnh trí xanh tốt, âm u". Chỗ nhũ đá như ổ rồng được đặt tên là động Ngọc Long. Chúa Trịnh Sâm đã thăm thú nơi này, cảm tác hai bài thơ (một Hán, một Nôm) tạc đề ở cửa động. Chùa Tuyết được xác lập vào năm Giáp Tuất (1694) do bà Quận phu nhân Hoàng Ngọc Hương bỏ tiền ra tu chỉnh. Bia Chính Hòa năm 24 (1703) ở chùa Tuyết có ghi về việc này (1). Không phải ngẫu nhiên các bậc tao nhân mặc khách của nhiều thời đã tìm đến Hương Sơn và để lại nhiều bài thơ hay, lắng sâu trong trái tim bạn đọc, sống mãi với thời gian, góp tiếng nói đưa Hương Sơn trở thành danh thắng không của một vùng mà của cả nước (2). Cũng không phải ngẫu nhiên, ca dao - tâm tư tình cảm của người lao động - được sưu tầm ở Hương Sơn, lại dành nhiều câu ca ngợi vẻ đẹp của Hương Sơn như thế (3). Do đó, tuy du khách đến chùa Hương có nhiều mục đích khác nhau nhưng mục đích tích cực nhất là đến chùa Hương đồng nghĩa đến với cái thiện, cái đẹp, phản ánh sự khao khát của con người hướng tới ước vọng tự hoàn thiện bản thân mình. Yếu tố này tạo nên sắc thái văn hóa du lịch của hội chùa Hương.
3. Trong tâm thức của người Việt, Hương Sơn là cõi Phật
Nếu chỉ là cảnh đẹp không thôi, thiếu bàn tay con người tạo dựng và biết tới thì ý nghĩa của cảnh đẹp ấy cũng có phần hạn chế. Tìm ra động Hương Tích, dựng thảo am Thiên Trù là do ba vị hòa thượng, thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) (4) kế tiếp gây dựng. Sau đó vào nửa cuối thế kỷ XVII thời Lê Trung Hưng, hòa thượng Trần Đạo Viên Quang Chân nhân đã chấn hưng cõi Phật Hương Sơn (5).
Cho đến đầu thế kỷ XX, toàn khu thắng cảnh Hương Sơn đã mọc dậy trên một trăm nóc chùa, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng có qui mô lớn, nghệ thuật tinh xảo, như chùa Tam Bảo, đến nhà tổ ở Thiên Trù thành tòa điện Phật tráng lệ. Kể từ đó tới nay, công việc kiến tạo chùa có lúc hưng, lúc thịnh nhưng chùa Hương không bị lãng quên trong tâm trí nhân dân. Điều này phản ánh vai trò của đạo Phật trong việc gây dựng, phát triển Hương Sơn thành một đại kỳ quan của đất nước.
Nguồn tư liệu thứ hai đáng chú ý là Phật thoại. Theo cuốn Nam Hải Quán Thế Âm (1) một truyện nôm ra đời vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX thì chùa Hương là nơi lưu dấu tu hành của công chúa Diệu Thiện con vua Diệu Trang Vương nước Hưng Lâm. Dân gian quen gọi công chúa Diệu Thiện là Bà Chúa Ba. Bà tu hành chín năm ở động Hương Tích đắc đạo trở thành Đức Quán Thế Âm bồ tát, sau trở về diệt trừ cái ác, đáp hiếu cha mẹ, phổ độ chúng sinh.
Phật thoại truyền miệng còn phong phú hơn. Các cụ bô lão làng Phú Yên (làng quản lý tuyến Tuyết Sơn) thì kể: Khi mãnh hổ cõng Bà Chúa Ba đến núi Hương Sơn, ban đầu bà tu hành ở chùa Hỏa Quang, nay là nền đình làng Phú Yên, sau đó bà lên núi để tĩnh tâm, tu hành ở động Tuyết Sơn. ít lâu sau, bà ngược hướng Bắc tu ở động Hương Tích.
Phật thoại do các cụ ở làng Yến Vĩ kể cho biết: khi Ngọc Hoàng sai thần linh hóa hổ đến cứu bà Diệu Thiện (vì quyết chí tu hành, không tuân theo lời cha, nên bị vua cha sai lính giết), mãnh hổ cõng bà vào núi Hương Sơn. Chỗ bà xuống đầu tiên là hang Thánh Mẫu, còn gọi là am Phật Tích, tương truyền trong hang còn dấu một bàn chân bà in trên đá. Am Phật Tích (dấu tích nhà Phật) có tên từ đó. Ở đấy bà sang một vũng nước trong hang bên cạnh tắm gội rửa nỗi oan ức bụi trần. Chỗ đó sau thành chùa Giải Oan, có giếng Giải Oan (gọi là Thiên Nhiên Thanh Trì). Trước cửa hang có dòng suối gọi là suối Giải Oan. Người xưa quan niệm ai oan ức điều gì, thành kính đến nơi đây lễ Phật, uống nước ở giếng Giải Oan coi như đã giải được nỗi uẩn khúc trong lòng.
Vậy là trong tâm thức của nhân dân đều cho rằng bà Chúa Ba đã tu hành đắc đạo ở núi rừng Hương Sơn. Câu chuyện về bà Chúa Ba là câu chuyện nhà Phật sáng tác dựa trên các kinh điển đạo Phật. Nam Hải Quán Thế Âm bồ tát là biểu tượng đẹp đẽ của sự chân tu giữ đạo cứu đời, trở thành hình tượng gần gũi, thân thương, cảm thông sâu sắc nỗi bất hạnh của con người và dân chúng. Nguồn Phật thoại trên được dân gian hóa đậm đà màu sắc địa phương nên có nhiều chi tiết sinh động, cụ thể hóa về sự nghiệp tu hành của bà Chúa Ba.
Người xưa đã để lại tượng bà Nam Hải Quán Thế Âm bồ tát hiện đặt trên bệ thờ Phật ở động Hương Tích. Theo bài ký: "Linh quang vô cực linh nghiêm bảo tượng ký" khắc đá ở động Hương Tích thì từ trước ở động đã có một tòa tượng Phật bằng đồng, đến năm Bính Ngọ (2) gặp nạn binh hỏa, các khí vật bằng đồng ở đây đều mất. Tới năm Quí Sửu (1793) đầu niên hiệu Cảnh Thịnh triều Tây Sơn dân chúng mộ Phật ở thành Thăng Long đã quyên góp tiền của tạc tượng Quan Âm bằng đá và kính cẩn rước vào động. Văn bia viết vào năm Gia Long thứ năm (1806). Đây là pho tượng khá đẹp, nét chạm rắn rỏi mà thanh thoát. Hình tượng Phật Bà gần gũi với người lao động. Bà ngồi ở tư thế một chân co, một chân buông, tay cầm viên ngọc minh châu, mắt khép hờ, gương mặt đôn hậu như đang thiền định.
Ngoài ra, tuyến Hương Tích còn có năm pho tượng bằng đá trắng đặt trong động chùa Tiên. Theo văn bia ở núi Tiên thì tượng được làm vào năm Đinh Mùi (1907), thể hiện cảnh xum vầy của gia đình bà chúa Ba sau bao năm gian nan, đau khổ. Bà chúa Ba ngồi giữa; phía sau là bố, mẹ; phía trước là hai chị. Chị cả Diệu Thanh cưỡi con sư tử xanh, chị hai Diệu Âm cưỡi con voi trắng. Dựa vào Phật thoại bà chúa Ba, những người thợ Kiện Khê (Hà Nam) đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật trên. Do vậy, đến với Hương Sơn là cuộc hành hương vào nơi tu hành của bà chúa Ba. Vào Hương Sơn là vào cõi Phật nên phải xử sự theo cách ứng xử của các tín đồ đạo Phật. Người đi kẻ lại, gặp nhau chào hỏi, câu cửa miệng là Nam Mô A di đà Phật. Trong cách nói dân gian, người ta bảo đi chùa Hương, ít ai nói đi du lịch Hương Sơn.
Đạo Phật đã ngấm vào lòng người, khẳng định vị trí ở Hương Sơn mà hệ quả là được triển khai trong một không gian ba tuyến, với hệ thống chùa chiền, tượng đài có nhà sư trụ trì, làm công việc truyền đạo và hành lễ, dẫn tới các sinh hoạt cũng mang đậm phong cách nhà Phật. Người Việt phần nhiều theo đạo Phật thì việc hàng năm đông người đi hội cũng là điều dễ hiểu, tạo nên sắc thái một mùa hội chùa (hội tôn giáo) ở đất Hương Sơn.
4. Dung nạp nhiều yếu tố tín ngưỡng đáp ứng lòng mong mỏi của cư dân Việt
Văn hóa dân gian thể hiện những nội dung dân tộc. Tư tưởng của một tộc người có thể tìm thấy qua nền văn hóa đó.
Nếu như ở một làng Việt, tam giáo Nho, Phật, Đạo đồng hành phát triển thì ở Hương Sơn, đạo Nho biểu hiện tư tưởng của giai cấp thống trị thời phong kiến mà cốt lõi là tam cương, ngũ thường không tìm được chỗ đứng. Đất hội Hương Sơn không dễ gì chấp nhận tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ, sự phân chia đẳng cấp của Nho giáo, nên vắng bặt văn chỉ thờ Khổng Tử. Đạo giáo ngoại lai mà biểu hiện của nó là thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân cũng không được chuộng như ở một số nơi khác. Như bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã cảm tác "Người quen cõi Phật chen chân xọc, Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm", bởi có cảnh, có người có không khí hội nên ai cũng thích thú cuộc chơi núi của mình.
Cuộc leo núi ấy tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đỉnh của cái đẹp (nơi ấy là hang động). Và, sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này.
5. Ngày hội của các chiếu hát chèo, hát văn:
Hương Sơn là đất Phật. Phần nhiều người đi chiêm ngưỡng thiên nhiên và lễ Phật thường ưa phong thái tĩnh nên những gì thái quá đều bất cập. Vì thế, hội chùa nhộn nhịp mà không náo nhiệt.
Thông thường các tín đồ đạo Phật vào chùa Hương đi thành đoàn. Sau lễ Phật, các vãi thường ở một nơi và nhóm dậy hình thức sinh hoạt vui là hát chèo đò. Hát chèo đò được thực hiện ở bất cứ chỗ nào, đông vui hơn cả là ở sân chùa, sân nhà tổ. Các vãi có giọng hay đứng dậy làm động tác như chèo đò và hát những đoạn văn trên sáu dưới tám liên quan đến tích nhà Phật gọi là kể hạnh. Các vãi già nghe hát, chắp tay thành kính và xướng lại lời con hát như thể thức hát - hò. Đây là một sinh hoạt rất được các vãi hâm mộ.
Khi ấy, những đoàn tín đồ theo tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ đến lễ các Thánh Mẫu ở các đền, điện thờ, như điện trước chùa Giải Oan, điện Cô gần động Tuyết Sơn, đền Mắc Võng thờ bà Chúa Thượng Ngàn... ở những nơi này thường có hầu bóng kèm theo múa. Rồi hát văn. Thầy cung văn hát có trống chầu, bộ nhạc cụ đàn, sáo, nhị, hồ dân tộc phụ trợ. Lời hát văn nhiều chỗ khó hiểu nhưng nhịp điệu hát lại luyến láy, gợi cảm, ăn nhập với nhạc cụ dân tộc.
Tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ và các lễ thức kèm theo là một vấn đề lý thú đang được giới nghiên cứu văn hóa dân gian quan tâm luận giải.
6. Đi hội chùa Hương chiêm ngưỡng những di sản văn hóa đặc sắc:
Hương Sơn không chỉ hấp dẫn du khách ở vẻ đẹp thiên tạo, nơi đây còn giữ lại dấu tích văn hóa của nhiều giai đoạn lịch sử. Đó là những sản phẩm vô giá kết tinh tài năng trí tuệ, tâm tư tình cảm của nhân dân lao động, phản ánh tư tưởng của các thời đại.
Cho tới hôm nay không kể những tầng văn hóa (ốc, đá, xương thú) của người nguyên thủy phát hiện ở hang Sũng Sàm (tuyến Long Vân) có niên đại trên một vạn năm (1) mang truyền thống đá cuội, gạch nối văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn (2) thì cổ vật ghi niên đại sớm nhất ở Hương Sơn là quả chuông đồng có tên là "Bảo Đài Hương Tích Sơn hồng chung" (3). Chuông cao 1m24, đường kính đáy 0,63m, thân chuông có sáu vú lồi chia ra ở bốn góc, hai góc đối xứng, mỗi góc hai vú. Xung quanh mỗi vú là những chấm tròn tạo nên sự khác biệt so với chuông cùng thời. Niên đại ghi trên chuông là thời hậu Lê. Dựa vào tên tự, địa chỉ những người cúng tiến chạm khắc trên chuông được biết ở thời ấy danh thắng chùa Hương đã lan tỏa khắp xứ Bắc Kỳ nên nhiều nội cung, phó tướng, đề đốc, quận phu nhân... và các tín thí ở đồng quê đã góp công của đúc nên chiếc chuông này. Đây là quả chuông khá đẹp hiện treo ở trong động Hương Tích có niên đại Cảnh Hưng 27 tức năm 1766.
Đáng lưu ý là quả chuông đúc thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh nhị niên (1793) trước treo trong động Hương Tích, nay treo ở nhà tổ chùa Thiên Trù. Văn khắc trên chuông cho biết công lao của nhà sư tự Hải Viên đã đi phổ khuyết thập phương đúc nên quả chuông này. Chuông cao 1m02, đường kính đáy là 0,56m. Thân chuông có g ờ chia làm bốn múi. Bốn góc nổi bốn vú chuông, xung quanh vú là hạt tròn trông như hình bông cúc. Chuông chùa như khí cụ tụ linh khí núi sông và phát tiếng ngân vang vọng như những đợt mưa thấm nhuần vào chúng sinh.
Ngoài giá trị của tượng Phật như đã nói ở phần trên thì ở chùa Hương cổ vật bằng đá khá nhiều. Điển hình là bia đá. Loạt bia dẹt, bia trụ (tứ trụ, lục trụ...), bia ma nhai (bia mài khắc trên vách đá) theo thống kế sơ bộ có khoảng 60 đơn vị (4). Trong đó bia có niên đại sớm nhất là bia Thiên Trù tự bi ký hiện dựng ở nhà bia trên đường từ bến Thiên Trù vào chùa. Bia có niên đại Chính Hòa thứ bảy (1686). Nhờ bia này người đời sau biết được thời ấy hòa thượng Viên Quang "một lòng thanh khiết, tinh thông tam bảo, trong tu sửa động báu Hương Tích, ngoài mở Phật cảnh Thiên Trù".
Đây là tấm bia đá lớn, diềm bia được người nghệ sĩ chạm đẽo công phu, các nét chạm bay bướm mà khỏe khoắn đưa được hơi thở của cuộc sống dân dã lên mặt bia qua hình tượng các con vật như voi, cua, trâu, vịt... rất có giá trị phản ánh tư tưởng của đương thời. Ít nhiều có giá trị nghệ thuật là bệ đá đặt trước điện thờ Phật ở động Hương Tích thuộc loại hình nghệ thuật thời Lê - Trịnh do hai vương phủ Nguyễn Hữu Phước - Lê Trung Vũ
(1) Xem: Niên đại tuyệt đối một số di chỉ văn hóa Hòa Bình (tr.214). In trong Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam - Viện Sử học, Hà Nội -1989. Các nhà khoa học dùng phương pháp C14 xác định niên đạicủa hai mẫu ốc ở hang Sũng Sàm, 1 mẫu có niên đại 11.365 - 80, 1mẫu là 10.770 - 75 năm.
(2) Xem: Đi chùa Hương khảo cổ, in trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1975 - Viện Khảo cổ, tr. 96 - 103, bài của giáo sư TrầnQuốc Vượng.
(3) Tư liệu Hán Nôm... Nhà Bảo tàng Hà Tây (Đinh Khắc Thuân sưu tầm, dịch).
(4) Tư liệu Hán Nôm... Nhà Bảo tàng Hà Tây (Đinh Khắc Thuân sưu tầm, dịch).