Chương 4

    
ưu Ly vươn vai dậy. Suốt mấy tiếng đồng hồ vật lộn với sổ sách, với chi chít những con số chi thu viết như cua bò, cơn mệt dữ cả người, nhưng được phụ giúp cho ông nội, Ly thấy vui.
Càng nghĩ, Lưu Ly càng thương nội. Ông già rồi mà còn phải quán xuyến bao nhiều việc. Tiền bạc làm ra ông chả dám ăn xài gì cho riêng mình. Tất cả ki cóp ông gởi lên cho gia đình cô. Chính nhờ số tiền hàng năm gần cả năm sáu chục triệu này mà ba má cô đã làm nên sự nghiệp ở đất Sài Gòn không phải dễ bon chen, kiếm sống. Từ trước đến giờ, trong gia đình cô không ai quan tâm nghĩ xem, để có những món tiền triệu gởi lên hàng năm, ông nội phải vất vả làm những việc gì. Ba mẹ coi đó là bổn phận, là trách nhiệm của nội, anh Đoàn cứ chờ có tiền gửi lên là xốc tay xin mẹ để phung phí. Ngay cả Lưu Ly cũng thế, cô chỉ nghe với bạn bè làm ăn rằng "Ông nội chúng giàu lắm, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, tiền của thừa mứa, ăn đến ba đời cũng chưa cạn" là... an tâm xài tiền.
Mẹ nói đúng một phần thôi. Đúng là đất đai nhà cô rất nhiều, nhưng nếu không lao động, không vất vả trông coi, quản lý chừng một tháng thôi, sẽ mất trắng thu hoạch thôi. Có về ở đây, Lưu Ly mới biết tiền ông nội làm ra không phải đơn giản như mẹ từng cao hứng khoe khoang. Năm nay nội đã yếu, ông cần có người phụ giúp để sau này có người kế thừa công việc ông đang làm. Ba mẹ, anh Đoàn chắc chắc không đời nào về đây rồi. Ly biết trong thâm tâm mẹ, ông nội mà nằm xuống bà sẽ bán đất đai cả. Với ông nội, đất đai là máu thịt, nhưng với mẹ, với anh Đoàn, thậm chí cả với ba, nó chỉ là những con chỉ số hecta diện tích đất hoặc những con số được tính bằng vàng nếu đem đất bán đi.
Tự dưng Lưu Ly thấy lòng nặng trĩu, cô không muốn đất đai này thuộc về người khác. Cô muốn có một nơi gọi là quê hương và chẳng nơi nào đẹp hơn chốn này đâu. Nhưng nếu ông nội không còn nữa, thi Ly cũng chẳng còn quê hương. Ôi! Buồn thật! Thở hắt ra một cái, Lưu Ly vừa thơ thẩn rảo quanh vườn vừa tận hưởng mùi hương của hoa bưởi, hoa nhãn, và của nhiều thứ hương hoa trái khác mà cô không phân biệt được, tất cả những mùi hương đó cứ thoang thoảng trong gió, vương vào tóc, quấn quýt vào chân Lưu Ly. Có lẽ đây là hương đồng cỏ nội như người ta thường nói. Cô bâng khuâng với khám phá của mình rồi tiếp tục lang thang.
Mùa này có nhiều nấm mối. Hôm qua dì Tám đã cho Ly thưởng thức món "nấm mối nướng lá cách" ngon đặc biệt rồi. Sẵn rảo quanh vườn sao không tìm xem có được tai nào không nhỉ. Nghe nhỏ Đào thì thào với dì Tám rằng ngoài vườn xoài nhiều lắm, không ai dám ra hái...
Lưu Ly chớp mắt. Qua cây cầu khỉ kia là những gốc xoài rồi. Tại sao không tới để xem rộng cỡ nào. Đây cũng là đất của mình mà! Sợ gì? Tự trấn tĩnh mình xong, Lưu Ly nắm tay vịn, chậm chạp lần qua cầu. Nước đang lớn nên cái mương như rộng hẳn ra. Cô nghịch ngợm thò chân xuống khuấy, nước mát rượi. Nghe động, mấy chú cá thòi lòi nằm trên bờ chảy tỏm xuống mương. Lưu Ly thích thú cất tiếng cười trong veo làm con chim chích chòe đậu trong lùm dừa nước hết hồn bay vút trên cao.
Qua khỏi mương đúng là vườn xoài. Mùa này cây đang thay lá. Trên mặt đất, lá già rụng nằm che lớp dày. Đêm qua mưa dầm nên Ly đạp trên lá vàng mà không nghe tiếng vỡ giòn khô nào như cô từng tưởng tượng.
Khoảng vườn này thật rộng, Ly độ chừng phải có hơn 30 gốc xoài là ít. Xoài Hà Nội rất ngon, mùa nào ông cũng cho người mang lên Sai Gon mấy cần xế. Không chỉ riêng xoài, mà hầu như... "mùa nào thức nấy" cam, bưởi, quít, sầu riêng, măng cụt, chả thiếu thứ gì. Nhưng những thứ cây này hầu hết trồng trên cồn, vậy mà lần đó mẹ đã xúi ba về khuyên nội bán phần đất bên cồn đi. Để lấy tiền hùn hạp mở công ty trách nhiệm hữu hạn. May mà nội không chịu, nếu như nội đồng ý, số tiền ấy cũng tan thành mây khói, vì công ty đó làm ăn lỗ lã, dẹp tiệm mất tiêu.
Ôi! Nhớ làm chi những chuyện đáng buồn ấy! Lo tìm nấm đi! Chỉ cần được vài tai nấm thôi "bà Tám trầu" cũng nể mình rồi!
Lưu Ly đến gần những gốc xoài và chăm chú tìm. Cô vẫn bước chậm và tập trung chú ý nhìn thật kỹ... Ngay mô đất hơi cao gần cái miếu nhỏ dưới gốc xoài, có gò nấm mối nằm thật ngon mắt. Lưu Ly reo lên một mình như trẻ con: "Hên thật!"
Rồi cô vội ngồi xuống ngắm nghía những cây nấm mập tròn, trắng, đều đặn, nằm đầy cả vạt đất như chờ tay Ly hái. Nhiều nấm mà chẳng có gì đựng. Lưu Ly kéo vạt áo rộng thùng thình của mình ra bỏ nhẹ từng tai nấm mềm mại vào. Cô mê mải, ham thích quên cả xung quanh. Khu vườn rộng thênh thang vẫn ào ào tiếng gió đùa vào lá. Âm thanh đó làm tâm hồn Ly thanh thản vô cùng. Đang nâng niu trong tay tai nấm cuối cùng, Lưu Ly giật mình khi thấy trước mặt mình là đôi chân của một người...
Cô hốt hoảng té ngã ra sau, hai tay chống trên đất, mắt mở to nhìn lên trong sự sợ hãi cùng cực.
Đứng ngay trước mặt Lưu Ly là một người đàn ông. Hắn ta đang chống nạnh, lom khom cúi xuống nhìn cô bằng tia mắt sáng rực những tia lạnh lẽo. Đã biết chắc đó là người (chớ không phải ma quỷ) Lưu Ly vẫn không kịp hoàn hồn để đứng lên. Cứ trong tư thế chống tay nửa té, nửa ngồi, cô nhìn lại anh ta. Gương mặt này Ly chưa gặp bao giờ, đôi mắt lạnh tanh kia cũng lạ, đôi môi mím lại trên khóe miệng rộng cũng không... quen với cô. Chắc chắn anh ta không phải là dân làm mướn của ông nội. Vậy anh ta là ai? Chẳng lẽ...
Bò thụt lùi ra sau, Lưu Ly lắp bắp:
- Anh là ai? Làm gì ở đây vậy?
Không trả lời, anh ta thụp xuống ngồi chồm hổm đối diện với cô. Nhặt một thân nấm lên, lạ gã mặt nói trổng:
- Bị phổng tay trên, tiếc thật!
Quên cả việc muốn biết gã là ai, Lưu Ly bực bội gằn giọng:
- Phổng tay trên là sao? Đây là vườn nhà tôi mà! Anh định nhổ trộm nấm phải không? Tôi la lên cho xem.
Gã ta nhếch mép:
- Ở đây bị trộm gà cũng chả ai thèm la, huống hồ chi ba cây nấm mốc, thứ của trời đất cho.
Lưu Ly bĩu môi:
- Bị ăn trộm mà làm thinh. Chắc anh điên quá!
Giọng gã lạ mặt giễu cợt:
- Là người tĩnh táo, bị mất vài tai nấm cô cứ la làng cho vui. Tiếng cô la chắc vang xa lắm đó.
Lưu Ly trừng mắt gượng ngồi dậy:
- Anh là ai?
- Là người điên như cô vừa nhận định.
Lưu Ly sửng sốt:
- Cái gì? Anh là... là... Út Tường à?
Rồi cô gật gù:
- Vậy mà tôi nghĩ không ra. Ngoài cậu Út, đâu có... trộm đạo nào dám tới chỗ này.
Út Tường nhún vai:
- Còn có cô nữa chứ!
Lưu Ly chớp mắt, ngần ngừ một chút cô dịu giọng:
- Tôi thành thật cảm ơn anh...
Tường cười nhạt:
- Chỉ vậy thôi sao? Hình như hôm trước cô đã qua nhà và cám ơn anh Hai tôi bằng cái tát tai nháng lửa rồi mà!
Mặt Lưu Ly đỏ lên:
- Xin lỗi! Tôi không có ơn huệ gì với Hai Nhân hết, hàng động của tôi chỉ nhằm tự vệ thôi.
Thở hắt ra một cái, cô nói tiếp:
- Không hiểu gia đình anh và ông nội tôi có mâu thuẫn gì, mà hôm đó anh Nhân lại nhằm ngay tôi mà mắng tới tấp. Nếu đoán trước sẽ xảy ra phiền phức như thế, đời nào tôi dám bước chân vào nhà anh.
Tường nhìn Lưu Ly đăm đăm:
- Cô không biết chuyện gì trước kia sao?
Ly khẽ lắc đầu:
- Tôi có hỏi, nhưng nội không nói. Anh kể cho tôi nghe được chứ?
Tường bật cười chua chát:
- Cô tin người điên à?
Nhìn anh bằng đôi mắt dò xét, Lưu Ly thản nhiên nói:
- Anh chẳng có vẻ gì điên hết, trái lại anh Hai anh mới giống điên, và điên nặng nữa là khác. Hôm trước nếu không có người can, chắc tôi bị xé xác rồi. Kinh khủng thật!
Thấy Út Tường vẫn im lặng, cô nghiêng nghiêng đầu ríu rít:
- Sao suy nghĩ lâu vậy, tôi đang chờ anh đây nè.
Tường lạnh lùng:
- Cô nên về hỏi ba mẹ mình thì hơn. Đừng nghĩ tôi cứu cô là đã quên hết chuyện xưa để vội vàng kết thân, nhằm vòi vĩnh nhé!
Lưu Ly cáu kỉnh:
- Ai mà biết chuyện xưa quái quỷ đó ra sao. Tôi hỏi ba, ông cũng lơ không biết. Tại sao mọi người đều giấu tôi chứ. Tôi có lỗi gì với cái ngày xưa ấy?
Tường phớt tỉnh:
- Cô đừng hỏi tôi. Tôi không thích kể về những chuyện buồn. Cứ về hỏi người nhà cho ra. Còn tại sao họ giấu cô à? Tôi nghĩ người có tội thường giấu tội của mình, tôi lại không có thói quen vạch tội kẻ khác.
Lưu Ly dò dẫm hỏi tới:
- Theo anh, gia đình tôi có tội với gia đình anh à? Nhưng đó là tội gì?
Tường lẩn tránh:
- Đem nấm về đi, không thôi nó héo hết!
- Về nhà chẳng biết gì về chuyện muốn biết thì tức chết.
Làm như không nghe lời Lưu Ly than, Tường tới bụi chuối gần đó, xé một tàu lá quấn hình cái phễu, rồi nhặt nấm bỏ vào trong. Vừa nhặt, anh vừa nói:
- Phía sau miếu nhiều lắm!
Lưu Ly tò mò nhìn theo Tường. Nói chuyện với anh nãy giờ, cô vẫn không nhìn ra anh ta điên... chỗ nào. Nếu Tường điên, thế gian này chẳng còn ai tỉnh. Lò dò bước sau lưng anh, cô hỏi nhỏ:
- Miếu thờ ai vậy?
- Những người chết oan ở đây.
Tự dưng Ly rùng mình:
- Bộ nhiều người lắm hả?
Tường chua chát:
- Chỉ ba người thôi, nhưng trong đó có dì của tôi.
Lưu Ly liếm môi:
- Tôi nghe mấy người làm vườn nói có hai người mà!
Giọng Tường đều đều vô cảm:
- Đúng là hai người đàn bà và một bào thai trong bụng. Họ chết oan nên linh lắm.
Thấy tự nhiên Ly bước sát theo mình, Tường cười khẩy:
- Bộ sợ à! Cô nên sợ người còn sống hơn mới phải. Đằng này tôi thấy cô dễ tin quá. Khi theo tôi giữa nơi hoang vắng này, chỉ vì mê nhổ nấm mối. Cho cô biết, tôi không phải người tốt đâu! Tôi sẵn sàng hù cô rồi bỏ chạy đấy!
Ly hơi khựng lại vì câu mai mỉa của Út Tường. Là con gái thành phố với bản chất mạnh dạn, tự tin, xông xáo, cô không e dè, sợ sệt bất cứ ai. Cô cũng không dễ tin người như Tường nhận xét. Có điều với anh ta, Lưu Ly đã quá tự nhiên, và cô chưa kịp nghĩ ra tại sao mình lại bị cuốn hút bởi anh chàng miệt vườn này. Vì tò mò trước những lời thiêu dệt như huyền thoại về một người điên (nhưng rõ ràng chả hề điên chút nào). Hay vì Út Tường đã cứu cô, nên tự nhiên trong thâm tâm Lưu Ly không hề có ý đề phòng, hoặc nghĩ xấu về anh ta, dù cô đã từng đụng độ với Hai Nhân rồi.
Lưu Ly dè dặt nói:
- Anh xấu với ai tôi không quan tâm, nhưng với tôi, anh tốt là được rồi.
Tường hất mặt lên:
- Cô không những dễ tin mà còn nhẹ dạ nữa. Con gái thói thường đều như thế.
Lưu Ly nhíu mày:
- Như thế là... sao?
Tường châm chọc:
- Tự suy nghĩ và hiểu lấy chứ sao lại hỏi người điên như tôi?
Lưu Ly tức lắm, cô cay cú:
- Anh đâu có điên, thế nhưng anh bịp thiên hạ chi vậy?
Tường trừng mắt:
- Một câu hỏi thật nặng ký, nặng hơn cái mạng của cô sắp chìm xuống sông nhiều lắm!
Nghe Tường nói thế, Lưu Ly bỗng thấy khó chịu nhiều hơn cảm kích, cô trả miếng ngay:
- Nặng là vì tôi đánh trúng tẩy anh chứ gì? Nầy! Chuyện điên của anh có liên quan tới gia đình tôi không?
Chả thèm trả lời, Út Tường ấn vào tay Ly mớ lá chuối đựng nấm, rồi lầm lũi bước đi. Đầu anh ta cúi xuống với vẻ nhẫn nhục, cam chịu làm.
Lưu Ly chợt thấy lòng mình nao nao kỳ lạ. Không hiểu sao cô lại bước theo Út Tường, giọng ân hận:
- Xin lỗi, nếu tôi lỡ lời làm anh buồn.
Thấy anh ta vẫn làm thinh, Lưu Ly dịu dàng:
- Anh giận tôi thật à? Tôi không cố ý chọc anh, cũng như gây hấn với anh Nhân.
- Đừng theo tôi nữa. Cô đi đi.
Lưu Ly hết hồn vì tiếng anh ta la, cô giật mình làm rớt cả gói lá chuối, nấm rơi tung tóe dưới chân. Mặt tái đi vì sợ, nhưng Ly vẫn lì lợm:
- Đây là đất của tôi. Anh xéo đi mới phải. Anh đừng giả điên để nạt, tôi không sợ đâu. Thú thật trong thâm tâm, tôi vẫn xem anh là người ơn, tôi rất muốn chúng ta có quan hệ như những người bình thường, nếu không thể là bạn nhau. Nhưng tại sao anh em anh thích căng thẳng mãi vậy?
Tường hằn học:
- Tôi là tôi. Hai Nhân là Hai Nhân, đừng gom chung vào một giuộc. Tôi bực mình không kềm được sự nóng giận đâu.
Lưu Ly chớp mi, quả đúng như cô nghĩ, anh em Tường không "trên thuận dưới hòa". Dì Tám kể Út Tường từng gây gổ với Hai Nhân. Ngược lại Hai Nhân rêu rao chuyện không có của em mình nhằm bêu xấu người khác. Gia đình họ coi bộ lộn xộn dữ. Nhưng chắc Út Tường phải bị một uất ức nào đó, nên những hành động điên khùng của anh ta thường xảy đến với những người thân trong nhà. Tại sao vậy nhỉ? Anh ta có thể bị dồn nén dẫn đến khủng hoảng thần kinh lắm chứ.
Đang ngẩn ra với những suy đoán, Lưu Ly bỗng nghe Tường nói tiếp:
- Hôm trước anh Nhân nói nhiều câu không đúng, xúc phạm đến cô và gia đình. Tôi xin lỗi.
Lưu Ly ấm ức hỏi:
- Nhưng anh ấy bịa ra những chuyện bẩn thỉu ấy chi vậy? Anh Nhân muốn sỉ nhục tôi, hay bêu xấu anh mà cho đám dân vườn ở bển, rêu rao khắp chợ những điều không có đó.
- Tôi không thể giải thích gì với cô hết. Lúc đó Hai Nhân say, lúc nào say ảnh cũng ăn nói lung tung.
Lưu Ly cãi ngay:
- Ảnh không nói lung tung đâu. Trái lại Hai Nhân tỉnh táo kể một mạch tên cha mẹ, ông bà tôi ra để mắng kia mà! Anh Nhân còn nói tôi...
Tường gằn giọng:
- Đừng nhắc tới Hai Nhân nữa có được không?
Lưu Ly nhún vai. Một lần nữa cô thấy nhận xét của dì Tám Giỏi là đúng, khi bà nói "anh em nhà nó toàn thứ ma quỷ." Cô và anh Đoàn có nhiều cái không hợp tánh nhau nhưng vẫn thương yêu nhau. Lưu Ly chưa bao giờ dám hỗn, và anh Đoàn cũng chưa bao giờ đánh cô dù chỉ một cái cốc vào đầu. Nếu so sánh, anh em nhà cô "tình vẫn thâm như thủ túc" ấy chứ, đâu như anh em Út Tường quen thói muốn nói gì thì nói. Lưu Ly cười cười nhìn vẻ mặt hầm hầm của Tường và buột miệng:
- Vậy nói tới mình anh được chứ!
Bất ngờ vì đề nghị của Lưu Ly, anh ta xua tay:
- Tôi có gì đâu mà nói. Nhất là nói với một người hoàn toàn xa lạ như cô.
Lưu Ly nghịch ngợm nhìn Tường:
- Có chứ! Anh có nhiều huyền thoại lắm đấy.
Tường lắc đầu:
- Tôi không thích nói về mình.
Lưu Ly cong môi nũng nịu:
- Nhưng tôi rất thích nghe. Anh kể đi mà! Tại sao người ta lại gán cho anh bệnh điên?
Tường cau có:
- Thật buồn cười! Tôi chưa từng gặp ai tự nhiên đến mức vô duyên như cô. Cô tưởng mình là bà hoàng, muốn gì được nấy chắc. Hay là cô đã quen vòi vĩnh, nũng nịu với đàn ông con trai rồi nên vừa gặp tôi cô đã đòi hỏi đủ điều.
Lưu Ly trợn mắt giận dữ:
- Anh nói gì nghe ghê vậy? Tôi muốn biết về anh vì... vì... tôi quan tâm đến người cứu mình, anh không thèm kể thì thôi. Sao lại nói nặng người ta dữ vậy?
Tường cộc lốc:
- Tại vì tôi ghét kẻ tò mò.
Nói dứt lời anh ta khinh khỉnh bỏ đi. Lưu Ly đứng ngơ ra vì tức, ngẫm lại lời Út Tường, cô thấy mình đúng là lố bịch, vô duyên chưa từng có. Cô chủ quan nghĩ rằng với bề ngoài (khá dễ thương như lũ bạn anh Đoàn vẫn thường khen) cộng với mồm mép lanh chanh của mình, cô sẽ khai thác được anh chàng nhà quê mang tiếng khùng khùng kia nhiều chuyện thú vị. Ai ngờ cô lại bị anh ta chơi nhiều câu điên cái đầu, mất cái mặt như thế này.
Hậm hực nhìn theo Tường khùng, Lưu Ly thở vào một cái lấy uy rồi hét lên:
- Anh và Hai Nhân chả khác gì nhau, đúng là chung một giuộc khùng điên ba trợn.
Nghĩ rằng thế nào Út Tường cũng quay lại lên cơn với mình, nên Lưu Ly chuẩn bị bộ giò, nhưng trái với dự đoán của cô, anh ta thản nhiên đi chậm chạp về phía vườn của mình như không hề nghe những gì cô vừa hét. Lưu Ly chẳng buồn lượm lại mớ nấm mối đã bị dập nát xác xơ, cô lủi thủi bước đi với trăm ngàn thắc mắc trong đầu Ngang cái miếu, Lưu Ly bỗng rờn rợn, cô không sợ, nhưng lòng bất an thế nào ấy. Cắm đầu chạy một hơi về nhà, cô hào hển ngồi thở dưới gốc bưởi thơm lừng rụng trắng hoa. Vừa thở, cô vừa hạ quyết tâm:
- Tối nay bằng mọi cách bi, hài, thương, cô sẽ hỏi ông nội cho bằng được những chuyện ngày xưa đã xảy ra ở đây.