à Hà lắc đầu nguầy nguậy: - Rất tiếc tôi không còn tiền để đưa cho anh nữa. Mấy tháng nay vườn tược không thu vô được đồng nào. Thằng Nhân lại vung vít ăn xài. Tôi cung phụng hết nổi rồi. Sáu Tiến nói êm như đang hát: - Anh không xin mà mượn tạm. Đã bao lần anh âm thầm bỏ đi, có sống lây lất bên những người đàn bà khác, rồi cũng về bên em. Cuộc tình oan nghiệt kéo dài mấy chục năm rồi. Anh không tin em nghe lời thằng Tường nghi ngờ lòng dạ anh. Bà Hà gạt phăng đi: - Đừng lôi thằng Tường vào đây, tôi không nghi ngờ gì anh hết, chẳng qua tôi không có tiền. Xoa nhẹ bờ vai vẫn còn tròn lẳn của bà Hà, Sáu Tiến thì thầm: - Chỉ có em mới có thể lo cho anh.... mượn tạm đâu đó, xong mùa cá này anh vừa trả nợ, vừa trả công em. Bà Hà hất tay ông ra: - Hừ! Về mà nhờ bà vợ của ông. Tôi làm sao bằng bả được, nên đâu dám lo cho ai. Nghe giọng hờn mát của bà, Sáu Tiến như vừa vứt được khối đá trên ngực. Ông lại gì người đàn bà này, yếu đuối, dại dột, và ngu ngốc nữa, nhưng bao giờ cũng làm ra vẻ mạnh mẽ, khôn ngoan, quyền hành. Bà ta thích được năn nỉ, thích nghe nịnh bợ và thích được vuốt ve bằng lời ngọt ngào. Với ông, những chuyện đó có khó khăn gì, chỉ cần ráng uốn cho cong ba tấc lưỡi. Thế là mọi cái, tình cũng như tiền đều có đủ. Lâu rồi Sáu Tiến chả còn thiết tha gì với người tình.... già này, nhưng ông luôn cần tiền. Lì mặt xáp tới bên bà, Sáu Tiến than thở: - Trời ơi! Cưng nhắc chi tới mụ nái sề tối ngày chỉ lo ăn ngủ ấy, anh ngấy tới tận cổ rồi! Nếu ở chung với mụ ấy được, anh đâu lang thang như lãng tử không nhà thế này. Anh bám vít đất này cũng vì em thôi. Bà Hà liếc ông một thật sắc: - Bây giờ anh kể lể phải không? Vậy tôi vì ai mà bị người ta dèm pha mấy chục năm nay? Nghĩ thật tủi cho thân đàn bà, cứ lén lút già nhân ngãi non vợ chồng, không nên danh phận gì hết. - Anh hiểu nổi khổ của em, vì vậy đâu nỡ rời xa.... Hiện giờ anh đang lo cho em vô cùng. Thở dài một cái, Sáu Tiến nằm vật xuống bộ ván bằng gỗ dày cả tấc, lên nước bóng loáng, mắt nhíu lại khổ sở. Bà Hà ngạc nhiên: - Anh lo gì mới được? Xoay xoay chiếc vòng cẩm thạch trên tay bà, ông nói từng tiếng: - Thằng Tường sẽ làm khổ chúng ta, rồi em sẽ khốn đốn vì nó. Tài sản, đất đai bao lâu, anh và em vun đắp sẽ rơi hết vào tay con Tư Lan thôi. Bà Hà nhảy nhổm lên: - Bộ.... bộ thằng trời đánh ấy bán đất cho ở bển hả? Sáu Tiến cười nhạt: - Bán được thì nói gì. Đằng này nó sắp dâng cả hai tay cho họ ấy chứ. Nóng nảy kéo ông ngồi dậy, bà Hà gắt: - Anh nói hết ra đi, đừng úp mở nữa. Lừ đừ vươn vai, Sáu Tiến chậm chạp nói: - Thằng khùng đó đang mê mệt con gái của Hai Trịnh. - Thật hả? sao anh biết? - Chuyện liên quan tới em, anh phải biết chứ. Anh dám cá, con Tư Lan đạo diễn màn kịch ái tình này. Con mụ ấy tham vọng đầy người, mụ ta đã dám trở về đây thì việc đầu tiên anh nghĩ là trả thù. Rùng mình vì hai tiếng "trả thù" được Sáu Tiến nhấn mạnh, bà Hà bực tức: - Vì nó mà con Ánh tự tử. Gia đình chưa xé nó ra thì thôi, bây giờ còn trả thù à. Em thách con Tư Lan dám. Hừ, nó trả thù bằng cách nào chứ? Giọng Sáu Tiến nhẹ tênh: - Bằng cách lợi dụng cậu Út cưng của em. Tư Lan lấy con gái ra câu thằng điên ấy. Và cá đã cắn rồi. Bà Hà gạt ngang lời Sáu Tiến: - Thằng Tường không ngu đâu, bao nhiêu năm bỏ nhà lăn lộn với đời, nó là tay từng trải chứ đâu như thằng bé ngày nào bị anh cho uống bùa phun ngải. Sáu Tiến cười híp mắt: - Vua còn mất nước vì đàn bà, huống hồ chi thằng khùng mới tỉnh như nó. Anh từng thấy con nhỏ đó với thằng Tường.... tình tứ lắm. Biết đâu thằng Út dụ dỗ con nhỏ.... Quê mùa, thô lỗ mang tiếng điên như nó thì dụ được ai. Nhất là dụ con gái Sài Gòn. Anh bảo đảm Tư Lan bày ra trò này. Nội chuyện trước đây con nhỏ té sông cho Út Tường vớt lên là anh đã nghi rồi. Em thử nghĩ xem, làm gì có chuyện trùng hợp thế? Bà Hà bồn chồn ngồi không yên vì những lời Sáu Tiến rỉ rả. Bà lo lắng nhìn ông ta: - Em vẫn chưa nghĩ ra Tư Lan cho con gái dụ thằng Út để làm chi? Sáu Tiến cười thầm trong bụng. Đầu óc tối đen như mực của bà thì làm quái gì mà nghĩ ngợi được những điều cao siêu. Bởi thế ông mới vẽ rồng vẽ rắn bao nhiêu năm nay. Làm ra vẻ nghiêm trọng, Sáu Tiến dông dài: - Hôm trước anh có tiếp chuyện với Tư Lan, khi nó xuống đòi năm công xoài mà Hai Trịnh đồng ý cho anh ở nhờ để coi sóc. Tư Lan không giấu ai lòng tham về đất đai của mình. Nó bảo rồi sẽ có dịp nó thâu tóm hết vườn tượt của gia đình Ba Ánh. Đã trở về đây nó sẽ làm cho những người từng coi rẻ nó điêu đứng hết. Bà Hà rít lên: - Nó muốn ám chỉ ai nhỉ? Em thề không để nó sống yên ở xứ này. Sáu Tiến nhẹ nhàng cấy vào: - Em nên thề sẽ giữ bằng được đất đai của ông bà để lại thì tốt hơn. Tư Lan chịu nhục cố đấm ăn xôi lấy Hai Trịnh, sau hai mươi năm, vườn tược bên chồng do nó nắm hết. Hai Trịnh lơ ngơ như con nai, ai nói sao cũng nghe, bị nó nắm thóp là cái chắc. Bây giờ con gái nó dùng cách cũ để dụ thằng Tường, trước sau đất đai nhà này cũng thành của nhà nó thôi. Bà Hà hằn học: - Anh nói dễ nghe quá nhỉ! Tôi còn sờ sờ đây mà. - Nhắm em nói thằng Tường nghe lời không? Thừ người ra vì câu hỏi trắng trợn của Sáu Tiến, bà rối trí nhìn ông ta như cầu cứu: - Nếu đúng thế mình phải tính sao? Sáu Tiến rờ rờ cái cằm nhẵn thính: - Thiếu gì cách tính. Ngặt nỗi đầu óc anh đang lo chuyện cá giống, nên chưa chọn ra cách tốt nhất cho em được. Bà Hà cộc lốc: - Anh cần bao nhiêu? - Tạm thời là mười triệu.... Cá giống đợt này hút, nên cao giá quá! Bà Hà nói nhanh: - Tối nay không có thằng Hai ở nhà, anh qua lấy. Mặt Sáu Tiến sáng rỡ: - Được, anh sẽ qua. Nhớ nấu món gì tẩm bổ nhen.... cưng. Bà Hà làm thinh, vừa lúc đó bên ngoài có tiếng gọi: - Dì Hai Hà ơi! Lật đật đứng dậy bước ra cửa, bà hỏi to: - Chuyện gì đó bây? Từ gãi gãi đầu: - Dạ.... ở bên ông Chín sai người qua biểu dì Hai dọn cái miếu ngoài vườn xoài cho họ rào đất lại, nếu không ngày mai họ sẽ phá miếu. Trợn ngược mắt lên bà Hà tru tréo: - Cái gì, mày nói cái gì hả Từ? Sáu Tiến gõ gõ cái ống điếu: - Nó nói rõ quá, bà còn hỏi lại làm chi. Chuyện này không phải do lão Chín bày đầu đâu. Con Tư Lan kiếm chuyện đó thôi. Bà Hà hoang mang: - Sao lại kiếm chuyện, khi nó cho con gái qua.... Thấy Từ lõ mắt nhìn mình, bà nín bặt, rồi không dằn được, bà hùng hổ: - Tôi phải tìm bác Chín mới được. Sáu Tiến xúi: - Bà tìm Tư Lan mắng vào mặt nó, chớ tìm ông già làm chi cho khổ thân. Quay sang Từ, bà nghiến răng: - Mày đi với tao qua bển thử coi con Tư Lan nói sao. Vừa đi vài ba bước, Sáu Tiến đã gọi giật lại: - Này này, no mất ngon, giận mất khôn. Bà nhớ phải từ từ, nói câu nào đau câu ấy, mới trị được nó. Cười nhạt như chê lời nhắc nhở của Sáu Tiến là thừa, bà Hà te te bước đi, nên không thấy nụ cười xảo trá của ông ta. Đầu óc bà lúc này toàn đầy rẫy hận thù khi nghĩ về đứa em gái xấu số. Ba Ánh hiền quá hóa ngu. Hồi đó nếu Sáu Tiến không ngăn cản, bà đã lên Sài Gòn xé xác con quỷ cái và Hai Trịnh ra rồi, chớ đâu để tới ngày nay cho nó lộng hành. Càng suy nghĩ bà Hà càng hậm hực. Bước vào sân nhà ông Chín, bà gọi to: - Bác Chín ơi, bác Chín! Đào từ trong chạy ra, thấy bà, con nhỏ tròn mắt: - Dạ thưa.... ông Chín mới đi khám bệnh. - Vậy thì kêu Tư Lan ra đây. Ngạc nhiên vì giọng xách mé của bà Hà, Đào ngần ngừ đứng yên, cô linh cảm sắp có chuyện không hay, vì bình thường có đời nào bà bước tới nhà này. Thấy Đào đứng ngơ ngác nhìn mình, bà Hà gằn giọng: - Sao? Chả lẽ Tư Lan cũng đi khám bệnh? Không thèm trả lời và chả thèm mời bà ta vào phòng khách, Đào bỏ vô nhà. Một lát sau bà Lan bước ra. Hai người lườm lườm kình nhau. Bà Hà dài giọng khinh bỉ: - Cô đây là Tư Lan đấy hả? Đúng là không khác với sự tưởng tượng của tôi mấy. Bà Tư Lan thản nhiên: - Lúc này ai muốn tưởng tượng về tôi mặc họ. Ở số này đa số thiên hạ quên hết chuyện xưa rồi. Bây giờ họ chỉ biết tôi là mợ Hai Trịnh, người sẽ thay bà Chín Trực coi sóc mọi chuyện trong ngoài của cái nhà này. - Cô đã cướp địa vị đó của em gái tôi. Không biết xấu hổ mà còn vênh mặt, thật trơ tráo. - Tôi chả cướp đoạt gì của ai hết. Cuộc đời là một bãi chiến trường, nó tàn nhẫn, khốc liệt nhưng cũng rất công bằng. Kẻ nào yếu đuối phải thua cuộc. Ba Ánh không yêu anh Trịnh bằng tôi, không chịu đựng tất cả nhục nhằn trong đời được như tôi, chị ấy đã bỏ cuộc. Bà Hà xỉa vào mặt bà Lan: - Chính cô đã đẩy nó vào con đường chết. Bà Lan quắt mắt lên: - Không phải tôi mà là Sáu Tiến. Lão ta chui vô mùng chị Ánh làm anh Trịnh phát cuồng lên vì ghen. Lão ta là một con heo nọc! Dù vẫn biết chuyện này, nhưng nghe bà Lan nhắc lại như buộc tội ông Tiến, bà Hà vẫn phản ứng mạnh: - Nói bậy! Nếu vậy tại sao Hai Trịnh còn cho Sáu Tiến ở nhờ trên đất mình. Nó đã bỏ vợ còn ghen tuông gì nữa. Chẳng qua vì cô, nó mới trở nên tệ như vậy. Bà Lan nhếch môi: - Tôi chả sợ mang tiếng thêm đâu, nhưng sự thật thế nào, phải đúng thế đó. Xưa nay ai cũng cho là tôi ác. Nhưng mấy ai hiểu rằng hồi đó chính tôi đồng ý cho để anh Trịnh về đây ở, nhằm gần gũi với chị Ánh cho chị đỡ tủi và đỡ hận tôi. Bật cười chế giễu, bà Hà nói: - Cô tốt dữ vậy sao? Khó có ai nhường chồng cho tình địch lắm. - Tôi đã ngu xuẩn làm chuyện đó, vì tin rằng Ba Ánh và Anh Trịnh không thể có con được. Chính vì cũng tin như thế, anh Trịnh đã phản ứng quyết liệt đến mức phủ nhận giọt máu trong bụng chị Ánh. Ảnh nghi ngờ chỉ và Sáu Tiến. Chuyện này tôi hoàn toàn không biết, cho tới khi chị ấy thắt cổ. Rùng mình một cái, Bà Lan thẩn thờ: - Thế là trăm dâu đổ đầu tằm. Nghĩ lại thấy mình đúng là ngu xuẩn, nên tôi đâm ra hận Ba Ánh. Phải! Tôi hận chị ấy đã lấy cái chết để trả thù tôi và cả anh Trịnh, trong khi việc này tôi không có lỗi. Gia đình chị, bà Chín Trực đua nhau rêu rao, kết án tôi. Dạo đó tôi còn bị hăm, nếu về xứ sẽ bị rạch mặt nữa mà! Bà Hà lạnh lùng: - Sát nhân giả tử. Rạch mặt là còn quá nhẹ. Hừ, ngày đó cô cho Hai Trịnh về đây vì hết tiền hết bạc chớ nào phải vì con Ánh. Đã giật chồng người khác, không ai lại tha cho thằng đàn ông quay về với vợ lớn đâu. Dường như chỉ đợi bà Hà nói thế, bà Tư Lan mỉa mai: - Vậy sao chị lại.... thả rong cho ông Sáu Tiến chạy lung tung hết vợ này, tới vợ nọ thế? Nói thật, nếu Ba Ánh còn sống, chỉ cũng không thoát tay hắn đâu. Chị thừa biết thằng đàn ông đó muốn em mình, và vì hắn mà em mình đã chết, nhưng chị vẫn đổ rịt tội lỗi lên đầu tôi. Tôi hận chị còn hơn hận Ba Ánh nữa. Mấy người toàn thứ không biết điều. Nghẹn cứng ở cổ vì những lời của Tư Lan, bà Hà chỉ ú ớ: - Cô.... cô đúng là trơ trẽn, dám nói những lời không ai thèm nghe một cách y như thật. - Chị cũng vậy chớ có khác gì. Không ngờ lần đầu gặp nhau, chúng ta lại nói được nhiều điều đến thế. Nhưng chắc chị hạ mình qua đây không vì những chuyện ngày xưa cũ xì ấy đâu nhỉ? Bà Hà nuốt nghẹn xuống: - Nghe nói cô định dỡ miếu thờ con Ánh? Giọng bà Lan thản nhiên: - Tôi không dỡ, nhưng yêu cầu bên chị đem nó đi nơi khác, vì đấy là đất của chúng tôi, có giấy tờ bằng khoán hẳn hoi. Cái miếu nằm chình ình ở đó đến đời con cháu, chúng tưởng đất của nhà chúng đem rao bán thì lôi thôi lắm. - Cô đề nghị như vậy mà lương tâm không cắn rứt à? Bà Lan hất mặt khinh khỉnh: - Tôi có đào mồ cuốc mả ai đâu mà lương tâm cắn rứt, trái lại tôi thấy thảnh thơi nữa là khác. Ngày mai tôi sẽ rào đất và dỡ cây cầu đặt ngang mương đấy, chị lo liệu cho sớm đi. Bà Hà rít lên: - Miếu ấy thằng Trịnh lập, nó chưa kêu giở tôi đố.... con nào dám đụng vô. Ba Ánh chết oan nên linh lắm, nó không để yên đâu. Bà Tư Lan châm chọc: - Ba Ánh chỉ linh với con cháu thôi, cho nên chị ta mới khiến thằng Út Tường dở dở ươn ươn, chớ cỡ như tôi hả, lúc sống còn chưa làm gì được, nói chi đã chết ba đời. Giận quá mất khôn, bà Hà tru tréo lên: - Đồ ăn ngang nói ngược. Miếng vườn đó của giòng họ tao, nên con Ánh mới tự tử ở trỏng. Giấy tờ bằng khoán gì, tao chả biết. Tao đố đứa nào dám rào đất, rút cầu, dỡ miếu đó. Bà Lan chưa kịp phản ứng, bà Hà đã nói tiếp: - Mày đừng hòng đem con gái ra dụ thằng Út, nó không ngu đâu! Tư Lan sa sầm mặt xuống: - Xí! Quý giá gì mà làm bộ chứ. - Thứ gái chui vô bờ vô bụi với trai, là thứ bỏ đi rồi. Nổi nóng lên, bà Lan lớn tiếng gọi: - Chú Ba, chú Ba đâu ra đuổi con mẹ nầy cho tôi, rồi đóng cửa lại. Chống nạnh đứng giữa sân, bà Hà sửng cồ: - Thằng nào dám đuổi tao, mày đánh chết mẹ nó đi Từ. Dứt khoát chưa gặp Chín Trực, tao chưa về! Vừa lúc ấy Hai Nhân bên kia lộ băng băng chạy qua, giọng hùng hổ: - Mẹ.... đứa nào dám đuổi mẹ tao đâu? Chém chết cha hết bây giờ. Nhìn con dáo xắt chuối dài trên tay Hai Nhân, bà Lan xanh mặt khi ngẫm ra rằng: có chuyện gì đám người làm trong nhà này sẽ bỏ mặc, chớ không bênh vực, vì họ chả có chút cảm tình nào với bà hết. Định rút vào phòng khách nhưng không kịp, Hai Nhân lừ lừ tiến tới ép bà vào gốc cây vú sữa, miệng nồng nặc hơi rượu: - Bà gan lắm mới dám về đây. Tôi thề lấy thẹo bà lâu rồi mà chưa có dịp, nay bà muốn dẹp miếu thờ dì Ba Ánh, cướp đất của nhà tôi phải không? Mẹ.... đâu có dễ, bà thử làm đi rồi biết. Thằng Nhân này hứa mạng đổi mạng, chớ hổng nói chơi đâu. Dù rất sợ nước liều của Hai Nhân, bà Lan vẫn rộng họng: - Bước ra chưa, tao la làng lên, công an còng đầu mẹ con mày bây giờ. Hai Nhân cười gằn: - Có giỏi thì la đi. Coi tao dám chém không! Dứt lời Hai Nhân giơ tay chém phụp vào thân cây sứ gần đó, nhành sứ cùi đứt lìa, mủ trắng văng tung tóe làm bà Lan hốt hoảng. Bất ngờ từ ngoài ông Chín Trực bước vào. Vung tay baton về phía Hai Nhân, ông mắng: - Đồ trời đánh! Bữa nay dám qua tới nhà tao quậy phải không! Cút ngay tức khắc. Bà Hà vội lên tiếng: - Cháu chờ bác Chín nãy giờ, ngặt nỗi con dâu quý của bác đã không tiếp, còn đuổi về, nên thằng Nhân mới hơi nóng.... Nghe giọng xốc óc của bà, ông Chín khó chịu: - Tao với bây không có chuyện gì chung để phải chờ đợi rồi sanh sự hết. Về đi! Hai Nhân nhừa nhựa: - Ông Chín nói vậy sao được. Này nhé! Đất của nhà con, miếu thờ dì con, dâu ông đòi rào, đòi dẹp. Nghĩa là sao chứ! Có phải muốn chiếm lấy không? Chĩa cây baton vào mặt Nhân, ông Chín Trực đanh giọng: - Mày nhỏ mà hỗn láo, đã vậy còn ăn nói ngang ngược. Đất nào của mày, nói lại tao nghe coi. Chẳng nhường nhịn, Hai Nhân sấn tới: - Tui nói khu vườn xoài này nè ông già, đừng giả ngây nữa. Chấp ông có giấy tờ đó, hễ ai bước vô là tui chém chết mẹ đó. Phạch ngực ra, ông Chín hầm hầm thách: - Mày giỏi thì chém coi. - Thì ông cứ thử rào đất lại đi! Ông Chín điên tiết đưa cây baton túi bụi. Hai Nhân thụt lùi tránh, rồi vác dao xong đến. Bà Lan sợ quá la thất thanh. Đám thợ làm vườn gần đó tủa ra, nhưng không ai dám can. Hai người một già một trẻ mặt mày đỏ gay hầm hè kình nhau. Ông Chín Trực nói: - Lẽ ra tao rào đất lại từ hồi con Ánh chết, nhưng nghĩ tình xóm giềng, sui gia, dù gì con Ba Ánh cũng là dâu hiếu vợ hiền nên tao để, hòng giữ mối giao hòa với ông ngoại mày ngày xưa. Ai ngờ mẹ con bây không biết điều, huê lợi tao cho hưởng hai chục năm nay chưa đủ sao còn đòi bán đất của tao. Đã dứt tình dứt nghĩa thì đất ai nấy ở. Tao cấm tụi bây bước chân vào đó nữa. Hai Nhân ngất ngưỡng cười: - Ông nói ngon quá hé! Chủ quyền đất đâu? Lấy cho tui coi đi. - Mày là giống gì mà dám đòi coi giấy. Ra khỏi nhà tao ngay. Dứt lời ông Chín bất ngờ gạt mạnh baton vào chân Hai Nhân. Anh ta loạng choạng té xuống đất, con dao dài văng ra nằm trên đất. Lập tức chú Ba làm vườn chụp lấy ngay. Tuy say nhưng Hai Nhân vẫn còn tỉnh để kéo giò chú Ba. Tay cầm cây dao, chú la oai oái, mấy người làm vườn xúm lại lôi Hai Nhân ra. Bà Hà tru tréo lên khi thấy anh ta vùng vẫy: - Bớ người ta họ giết con tôi. Họ giết con tôi rồi! Nghe mẹ mình la, Hai Nhân như hăng tiết lên, anh ta đấm đá lung tung khiến mọi người dạt ra. Nhào tới chỗ ông Chín đứng, Hai Nhân giật mạnh cây gậy khiến ông già mắt thăng bằng chúi nhủi. Đang định nện ông một cái, Hai Nhân bỗng thấy tay mình bị nắm chặt cứng. Giọng Út Tường rít lên lạnh tanh: - Anh say quá rồi. Đừng làm bậy. Đang sôi máu mà bị cản, Hai Nhân vùng ra quyết liệt. Nhưng anh ta bị Tường khóa tay nên chả làm gì được hơn là rộng họng chửi: - Buông ta ra chưa đồ khùng. Mày ăn phải bùa của con quỷ cái Ly nên mới hùa theo cha già mắc dịch đó hả? - Anh im đi! Vừa nói Tường vừa đẩy Hai Nhân ra cổng. Bà Hà hăm dọa: - Mấy người mà rào đất lại thì đừng có trách bên đây sao cạn tàu ráo máng nghen. Nhìn theo dáng bà ta tê tái bước đi, ông Chín Trực chép miệng: - Nhà bên đó chỉ có thằng Tường là xài được thôi. Bà Lan bĩu môi: - Cũng cá mè một lứa. Anh em nó y như nhau. Côn đồ, xảo trá. Giọng ông Chín chậm chạp: - Hứ! Tôi có mắt biết nhìn người tốt kẻ xấu, chớ không như thằng Trịnh, lầm người nên cả đời ray rứt. Khổ cha khổ mẹ.... Bà Tư Lan cau mặt: - Ý ba muốn nói gì chứ! Dằn cây gậy xuống đất, ông Chín thẳng thừng: - Tôi nói cô đó! Đúng là vừa tham lam, vừa ích kỷ lại nhỏ nhen, thủ đoạn. Cô đã hỏi tôi chưa mà đòi rào đất, dẹp miếu hả? Bà Lan cười nhạt: - Ba có đồng ý thế đâu mà hỏi. Anh Trịnh cũng vậy, con rào đất chỉ vì nghĩ tới con cái sau này. Lúc nãy ba nghe rồi đó. Ý là ba còn sống sờ sờ mà họ đã nói ngược, không lo xa đâu có được, với hạng người vừa ăn cướp vừa la làng đó. Ngừng một chút để thở, bà Lan nói tiếp: - Con biết ba và anh Trịnh khó xử trong chuyện này, do đó cứ để mặc con lấy đất lại. Ông Chín làm thinh bỏ vào nhà. Đến nước này phải lấy lại đất thôi. Ông không chấp nhận cách sống tráo trở của mẹ con Hai Hà. Bao lâu nay ông vì Ba Ánh, nhưng chúng tưởng ông sợ chúng. Còn thằng Sáu Tiến nữa. Hôm trước ông chỉ bảo nó dời nhà đi, chứ không hề đá động gì tới lá thư tuyệt mạng của con bé Huệ. Lá thơ đó ông đem trả cho Năm Kha. Gia đình họ biết ông vô can là đủ rồi, ông không nhỏ nhen đem chuyện xưa ấy làm nguyên cớ đuổi Sáu Tiến đi. Ông rất nhỏ nhẹ với nó, nhưng Sáu Tiến quả là trơ tráo khi nói là Hai Trịnh cho nó mướn vườn, chớ đâu phải cho ở.... chùa. Lần đó Sáu Tiến làm ông tức đến sanh bệnh. Ai ngờ khi Tư Lan xuống nó lại chịu trả một cách dễ dàng. Nó có âm mưu gì không nhỉ? Thôi rồi! Chắc chắn Sáu Tiến xúi bẩy nên mẹ con Hai Nhân mới dám qua đây đòi phần đất không thuộc về mình vậy. Đúng là một lũ khốn nạn! Ông chợt xót xa khi nhớ tới người bạn già ngày xưa và bà vợ quá cố của mình. Tất cả đều phải thay cả rồi. Cô con dâu do ông cưới cho Hai Trịnh không còn nữa, bên kia thế giới, lão bạn già chắc chả nỡ trách ông. Tư Lan đã bước vào ngôi nhà thờ của dòng họ, mà ông không ngăn cản chắc bà vợ cũng đâu nỡ giận ông khi người ta luôn sống vì một ngày mai. Ngày mai đó vắng bóng ông bà mà chỉ còn con cháu. Để Tư Lan vào nhà quán xuyến mọi việc trong ngoài cũng vì con cháu thôi. Chỉ giận một nỗi thằng Trịnh sao nhu nhược quá để con vợ lấn lướt mọi thứ. Thấy bà Lan lẽo đẽo theo sau, ông Chín nói: - Tôi cũng chẳng sống được bao năm, vợ chồng cô muốn làm gì thì làm, nhưng dứt khoát không được dỡ miếu, vì nơi đó không phải mình con Ánh chết đâu. Bà Lan vội nói bằng giọng ngọt như đường: - Con nói với họ như vậy là muốn đánh tiếng rằng mình sẽ rào đất lại, chớ đâu có làm thế. Chép miệng một cái, bà tỏ vẻ ái ngại: - Về đây mới thấy công việc nhà vườn cực nhọc quá, mồ hôi của ba đổ vào đây biết bao nhiêu mà kể. Ông Chín buột miệng: - Cô vẫn giữ ý định sau này bán hết đất ở đây chứ? Lắc đầu thật nhanh bà Lan giả lả: - Đây là đất của ba, con đâu dám tùy tiện. Ngày xưa vợ chồng con có ý đó vì sợ không về quê ở được. Bây giờ ba đã rộng lượng cho con vào nhà giao hết mọi việc trong ngoài, tại sao chúng con phải bán, khi bao nhiêu năm nay đất này nuôi chúng ta. Ngừng lại để dò xét ông Chín, bà trầm giọng: - Nếu có điều kiện, tụi con nhất định sẽ mua đất. Con hứa là như vậy. Ông Chín nhếch môi: - Tôi sẽ cố sống lâu để xem cô thực hiện lời hứa đầy tham vọng đó. Không tự ái vì câu nói của cha chồng, bà đợi đi vào phòng ngủ là ngồi ngay xuống cái trường kỷ bằng gỗ đên chạm xà cừ lên nước xanh biếc. Đảo mắt nhìn những món đồ cổ giá trị bày xung quanh, bà sung sướng với ý nghĩ: - Mình đã là chủ nhân của chúng. Điều mà trước đây mình không đời nào dám mơ tới.