Chương 10

    
ào xăm xoi trái mãng cầu xiêm chín cây, rồi hí hững nói với bà Tám:
- Có chú Sáu ở khúc vườn xoài vậy mà đỡ ghê hở, dì Tám!
Bỏm bẻm nhai trầu, bà Tám làu bàu:
- Tao chả thấy cái gì đỡ hết. Có lo thêm là khác!
Lừ mắt nhìn cô, bà lừ giọng:
- Bắt đầu từ bữa nay khu vườn bên đó mày để chú Ba làm cỏ, không có chuyện gì đừng léo hánh ra ngoài mất công.... người ta lo thêm.
Hất đuôi tóc dài đên nhánh ra sau vai, Đào ngạc nhiên:
- Tại sao vậy?
Nhíu mày khó chịu, bà Tám gắt gỏng:
- Đã dặn thì cứ làm theo, hỏi hỏi cái gì?
Rồi bà càu nhàu:
- Cái tướng thằng cha đó không đem tốt lành lại cho ai đâu. Trước hết nên dang nó ra trước.
Đào cãi lại:
- Tại dì ác cảm với người ta rồi mới nói vậy. Hổng có chú Tiến thì mấy cây mãng cầu ở mé mương để cho chim ăn, chớ ai dám ra ngoài hái đem vô tận nhà như vầy cho dì. Có người canh vườn, canh đất giùm, dì còn chê! Con thấy chú ấy cũng đàng hoàng dễ mến, lại lịch sự vui vẻ chứ không cộc cằn, lôi thôi lếch thếch giống chú Ba.
Bà Tám nói:
- Nít ranh biết gì mà nhận xét, tao nói Sáu Tiến không phải là người tốt. Hồi đó chính vì ghen với thằng chả, mà cậu Hai mới nặng lời làm cho mợ Ánh chết oan.
Đào trố mắt:
- Vậy sao cậu ấy còn cho ổng ở nhờ?
- Chuyện đàn ông với nhau, ai mà biết!
Đào lầm bầm một mình:
- Không biết mà.... lại nói như rành lắm vậy....
Dì Tám nạt:
- Mày lải nhải gì đó?
- Dạ đâu có!
- Vậy thì lo tới nhà thím Chín đòi tiền dừa đi! Mua cả tuần rồi còn chưa trả cho người ta.
Đào ngúng nguẩy bước ra sân, thay vì đi về phía cổng, con bé bướng bỉnh rẽ sang khu vườn xoài, Đào vẫn thích trò chuyện với người đàn ông ở nhà quê, nhưng phong cách lịch lãm khác thường đó. Ông ta ăn nói rất có duyên, đã vậy còn biết quan tâm đến người khác, dù người ấy.... là con nít ranh như cô.
Vừa đi được vài bước, Đào chợt giật mình khi thấy Tường lầm lì đứng trước mặt. Từ trước tới giờ cô chỉ thấy anh chớ chưa bao giờ trò chuyện hoặc đến gần như vầy. Anh xuất hiện đột ngột làm Đào hoảng hồn. Cô lắp bắp:
- Cậu.... cậu Út đi đâu vậy?
Tường nhíu mày trước vẻ bối rối của Đào:
- Tôi sang thăm ông Chín. Có ông ở nhà không cô bé?
Đào gật đầu thật nhanh:
- Dạ có! Để tôi vào cho ổng hay.
Nói dứt lời, cô quay lưng chạy một mạch vào phòng khách. Giọng líu lại:
- Ông Chín ơi! Có cậu Út Tường kiếm.
Đang ngấm nghía chậu cần thăng nhỏ xíu đặt trên bàn thờ bà, ông Chín Trực hỏi lại:
- Bây nói ai kiếm?
- Dạ.... cậu Út Tường, con bà Hà.
Lấy cái kính lão bỏ lên bàn, ông bảo:
- Ra mời.... họ vào. Rồi lo nước nôi.
Chễm chệ sửa bộ, ngồi lại trên cái trường kỷ bằng gỗ mun cẩn xà cừ lên nước ngũ sắc óng ánh, ông Chín nhìn ra cửa, lòng đầy thắc mắc... Lâu lắm rồi bên nhà đó không ai sang nhà này. Ông không trách họ, nhưng riêng Hai Nhân, ông ghét lắm!
Có lần ông được mời đi ăn giỗ, trong đám có cả Hai Nhân và Sáu Tiến, thằng nhãi con hỗn xược đáng tuổi cháu nội, đã chỉ mặt ông mắng sa sả trước bao nhiêu người. Nó bảo ông là "lão già ó đâm, giàu mà keo bẩm, đa nghi chắc sàm sỡ với con Huệ không được nên đặt điều vu khống, làm con nhỏ tự tử."
Lần đó ông giận đến choáng váng mặt mày. Cái thằng chó ấy đã mượn rượu mắng ông những lời thật cay độc. Đến bây giờ ông vẫn chưa thèm nhìn tới mặt nó. Với Út Tường thì khác, số phận nó cũng lận đận lao đao khổ sở hơn mọi người. Chuyện giả điên hay điên thật của nó vẫn là điều bí ẩn, nhưng dù gì Tường cũng là đứa biết lớn biết nhỏ. Từ khi về tới nay, bao giờ gặp ông, nó cũng chào hỏi đàng hoàng. Nó là đứa biết vượt qua số phận của mình. Lúc bỏ làng bỏ xóm ra đi, nó là một thằng khùng, bây giờ về cố xứ với bề thế một ông chủ, Út Tường không đơn giản chút nào. Nó đã đuổi thẳng cẳng thằng bạn của ông già nó ra khỏi cù lao, bây giờ nó muốn gì ở ông chứ? Thật ông đoán chưa ra!
Đợi Tường ngồi xuống và nhìn chán chê phòng khách rộng bày biết bao nhiêu là đồ cổ, ông Chín mới đẩy gói thuốc về phía anh:
- Hút thuốc đi Út. Sao, mày thấy phòng này có gì lạ không?
Tường mỉm cười:
- Dạ không có gì lạ, ngoài cảm giác hồi nhỏ cháu hay theo dì Ánh qua đây chơi, cháu nhớ lúc nào dĩ cũng căn dặn: "Không được tới gần mấy cái độc bình, dĩa sứ của ông." Lúc đó cháu mê lắm nên cũng đến rờ vào cho bằng được. Cháu không quên cái mặt lạnh của men sứ khi chạm tay vào. Hồi ấy cháu đứng không cao bằng cái độc bình men xanh kia, với cháu căn phòng này rất lớn, nhưng bây giờ cũng thường thôi.
Ông Chín nhếch môi nhìn Tường:
- Ông thấy mày già hơn tuổi nhiều lắm, Út à! Phải lo làm giàu dữ lắm không?
Tường lắc đầu:
- Dạ đâu có! Cháu mãi lo làm người mà cứ sợ không xong, nên mới mau già đó chứ!
Ông Chín cười xòa:
- Mày khéo ví von lắm con ạ! Có chuyện gì, cứ nói đi.
Tường từ tốn rút ra một điếu thuốc rồi nói:
- Có chuyện, nhưng của ông.
Nhíu mày lại, ông Chín hỏi:
- Của ông à! Vậy thì nói ông nghe thử coi.
- Trước khi nói, cháu muốn biết tại sao ông đồng ý cho chú Tiến ở đậu ngoài vườn xoài.
Hơi bất ngờ vì câu hỏi đột ngột của Tường, ông Chín Trực im lặng, nhưng liền sau đó ông chợt đùng đùng nổi giận khi nhớ tới gương mặt cả quyết của Hai Trịnh khi nó nói đã đồng ý cho Sáu Tiến ở nhờ ngoài vườn xoài. Cái thằng đúng là không có lập trường, trước kia hậm hực ghen tuông với Sáu Tiến, bây giờ sau hơn mười mấy năm lại rước nó về ở trên đất mình. Quân tử tàu kiểu này chỉ khiến thiên hạ chê ngu thôi!
Ông Chín thẳng thắng:
- Ông không muốn đâu, ngặt một nỗi dượng Trịnh lỡ hứa thành ra tao phải chìu ý nó.
Lấy trong túi ra một phong thư ngả màu vàng được gấp làm đôi, Tường để xuống bàn. Ông Chín ngạc nhiên:
- Thơ gì vậy?
Tường nói:
- Thơ của chị Huệ. Trước khi tự tử, chị ấy đã viết thơ để lại cho gia đình.
Ông Chín Trực dò dẫm:
- Lá thơ này có liên quan tới ông à?
Cháu nghĩ là có, ít ra nó cũng chứng minh ông không có trách nhiệm đối với cái chết của chị Huệ.
Đeo cái kính lão lên, ông Chín Trực hấp tấp đọc, trong khi Tường thông thả rít từng hơi thuốc. Hồi sáng chú Năm Kha làm anh bất ngờ khi chú đưa anh lá thơ ngả màu vàng và nói:
- Tôi giao lại cậu lá thơ này vì nghĩ tới con Diệp. Cậu liệu sao coi được thì liệu.
Tường thừa thông minh để hiểu chú Năm muốn ám chỉ điều gì. Chính điều này làm anh khó chịu hơn thông cảm. Chú đã biết anh không yêu Thúy Diệp, sao lại cố ý gài anh vào? Chú hiểu anh sẽ không từ chối lá thơ, vì đó là vũ khí giúp anh khử Sáu Tiến khỏi đất này, do đó khi đút thơ vào túi, Tường lặng thinh không nói không rằng....
Năm Kha vốn lo xa nên mới giữ "bằng chứng buộc tội" Sáu Tiến lại, thay vì đốt bỏ. Bây giờ chú mượn tay Tường và ông Chín tống Sáu Tiến đi. Nghĩ cho cùng chú cũng thỏa hận, vậy mà còn nói lời ràng buộc với Tường. Tự dưng lòng anh bực bội vô cùng khi nghĩ tới những việc mình đã làm cho Năm Kha, chú ấy bắt đầu quá đáng rồi đây. Hừ! Tường không thích lèo lái bởi bất cứ ai, về bất cứ chuyện gì. Chú Năm đã sai lầm khi dùng lá thư này để định liệu chuyện tình yêu cho con gái mình....
Ông Chín bỗng gầm lên:
- Đồ khốn kiếp! Cái thằng chó đẻ đó vừa ăn cướp vừa la làng. Thật không ngờ nó đốn mạt như vậy! Nhưng tại sao tới bây giờ mới lòi lá thơ này ra.
Tường nhỏ nhẹ:
- Gia đình chị Huệ phát hiện lá thư này sau ngày mở cửa mả. Họ đã im lặng vì danh dự, nhưng bây giờ họ phẫn nộ khi thấy Sáu Tiến trơ trẽn quá mức....
Ông Chín Trực đấm tay xuống bàn:
- Tao sẽ tống cổ nó ngay tức khắc.
- Nhưng nếu với lý do trong lá thư tuyệt mạng của chị Huệ cháu e không tiện, vì....
Ông Chín Trực ngắt lời Tường:
- Tao hiểu rồi! Nhưng ít ra cũng phải.... giải oan cho tao chứ! Hừm! Bao nhiêu năm nay ai cũng nghĩ xấu cho lão già này, bây giờ phải vạch mặt nó ra.
Tường mềm mỏng:
- Chuyện quá lâu, không ai tin ông, khi Sáu Tiến đang ung dung ở trên vườn xoài.
Mặt ông Chín đỏ gay:
- Thiên hạ đui hết từ lâu rồi, tao chả cần ai tin, nhưng dứt khoát thằng khốn nạn ấy phải ra khỏi đất của tao.
Tường nhẹ nhõm trong lòng. Anh đã đạt được một phần mục đích, bây giờ ăn thua ông Chín Trực, phải khích ông già thêm chút nữa mới được.
Anh giả vờ ngập ngừng khó xử:
- Chú Sáu là bạn dượng Trịnh, ông đuổi chú đi chắc khó.
Ông Chín hầm hầm:
- Sao mà khó! Hừm! Hồi mày đuổi nó khỏi miếng đất bên cồn có khó không? Thà tao lấy vườn lại bán rẻ, còn hơn cho thứ như nó ở. Hừ! Lâu nay tao không chủ trương bán đất, nhưng lần này chắc phải bán phứt miếng vườn ấy cho rồi. Mười mấy, hai mươi năm nay có thu huê lợi gì đâu!
Tường vội vàng nói:
- Trước đi mẹ cháu sai trái khi để Sáu Tiến hàng năm thao túng khu vườn xoài. Bây giờ trở đi cháu sẽ không để chuyện này xảy ra nữa.
Ông Chín cười khẩy:
- Thằng Trịnh cho Sáu Tiến ở giữ đất một phần cũng nghe phong phanh thằng Hai Nhân tính rằng sẽ bán vườn xoài này cho tay Việt kiều nào đó. Thằng anh mày biết gia đình tao không nỡ tranh chấp phần đất này vì tình nghĩa, nên mới ăn nói khó nghe như vậy. Nhưng thử nó bán xem, tao thách đó!
Dụi tàn thuốc vào cái gạt, Tường phân trần:
- Cháu chân ướt chân ráo mới về được mấy tháng, thời gian bỏ xứ đi lại quá lâu, nên đâu biết chuyện này. Nhưng ông Chín an tâm, có cháu, Hai Nhân không làm bậy được đâu!
Ông Chín Trực cười gượng khi thấy mình nổi nóng tầm bậy với Tường. Đúng ra là nó không liên quan tới chuyện Hai Nhân rêu rao sẽ bán đất hết. Ông trầm giọng giải thích:
- Đúng là hồi xưa năm công đất ấy là của ông ngoại cháu. Nhưng sau một trận thua bài ổng đã bán lại cho tao, giấy tay, bằng khoán tao còn cất đây, không hiểu sao mẹ mày lại nói bậy để thằng Nhân thừa dịp làm tới. Tao với ông ngoại bây là bạn bè, thông gia, chuyện thằng Trịnh bỏ con Ánh để nó tự tử làm tao ray rứt cả đời rồi. Tao không muốn buồn phiền vì chuyện tranh chấp khu đất đó nữa, nhưng rất giận Hai Nhân và mẹ mày không biết lớn nhỏ, phải quấy. Chính vì vậy tao đành chấp thuận lời dượng Trịnh, cho Sáu Tiến ở.
Tường làm thinh. Anh bất nhẫn khi thấy ông Chín đã bị rơi vào mưu của mẹ và Sáu Tiến thì ra ông không hiểu mẹ anh, Sáu Tiến và Hai Nhân chỉ là một, tại sao vậy khi cả xứ này ai cũng biết hai người già nhân ngãi non vợ chồng?
Nhưng Tường sẽ nói gì với ông Chín về mẹ mình? Tốt hơn hết là im lặng.
Ông Chín Trực bỗng nói tiếp:
- Tao biết mẹ bây và Sáu Tiến lén lút bao lâu nay nhưng coi vậy chớ không phải vậy. Trong chuyện quản lý vườn tược, ao cá, đìa tôm, Sáu Tiến đã qua mặt con Hà, cất riêng vào túi quá nhiều, nên mẹ mày dạo sau này đâu tin tưởng nó nữa, chính vì thế khi sang xin ở nhờ, Sáu Tiến mới khai chuyện Hai Nhân định lén lút bán đất. Hừ! Nghĩ cho cùng Sáu Tiến đúng là tồi! Giao đất cho nó cũng có nghĩa là giao trứng cho ác. Phen này thằng Trịnh cũng mắc lỡm rồi!
Chưa kịp nói gì thì anh nghe có tiếng con gái reo trong vắt:
- Ông nội!
Ngạc nhiên nhìn ra cửa, anh thấy Lưu Ly bước vào với chiếc túi xách hôm nào trên vai. Cô bé ngó ông Chín rồi đứng sững bên chiếc trường kỷ, mặt đỏ hồng vì không ngờ gặp Tường ở đây. Tim Lưu Ly chợt rộn rã, mặt cô chợt sáng long lanh niềm vui bất ngờ. Cô như chợt tỉnh khi tiếng ông Chín ngạc nhiên vang lên:
- Ủa! Sao lại xuống đây? Con đang đi học mà! Ba mẹ có biết mày về thăm nội không?
Phịu đôi môi hay cong lên trông thật dễ ghét, Lưu Ly líu lo:
- Lần này mẹ cho con về ở với nội một tháng để.... canh vườn....
Ông Chín nhướn mày:
- Không đi học à?
Lưu Ly nũng nịu:
- Đại học.... mở Hà Nội, học ở nhà nhiều hơn đến trường. Con đem theo một túi sách vở đầy. Tha hồ học.
- Nhưng tại sao mẹ mày cho về đây chứ? Canh vườn nghĩa là sao?
Chớp mi một cái, Lưu Ly chợt rầu rĩ:
- Ba mẹ lại cãi nhau về cái vườn xoài, hai anh em con và mẹ không muốn cho ai vào đó ở cả. Anh Đoàn phân công con về đây năn nỉ nội bảo ông Sáu Tiến dọn đi, cho yên nhà yên cửa.
Ông Chín Trực làm thinh. Không lẽ ông lại mắng con trai trước mặt Út Tường? Hừ! Gia đình đang êm ấm lại tự rước vạ vào thân, trong khi con vợ thì chẳng vừa gì. Thằng Trịnh đúng là ngu, lần này nếu không đuổi được Sáu Tiến, ông cũng chả hơn gì nó. Bực bội, ông xẵng giọng:
- Chuyện đó của người lớn. Con không phải lo. Mau vào trong nghỉ ngơi đi!
Vội liếc trộm Tường một cái, Ly ấm ức khi thấy anh mãi lo nhìn chiếc độc bình men xanh, chớ không chăm chú nhìn cô như lúc Ly mới bước vào nhà. Cô lủi thủi vác ba lô đi ra sau và đụng ngay Đào. Con bé cười toe toét:
- Thấy chị xuống, em mừng dễ sợ.
Không kịp cười đáp lễ, Lưu Ly hỏi ngay:
- Gã... khùng kia qua nhà mình chi vậy?
Đào bĩu môi:
- Để... xui ông Chính đuổi chú Sáu Tiến khỏi vườn xoài. Cậu Út Tường đúng là ác nhân thất đức.
Lưu Ly cau mày:
- Sao em lại nói vậy?
Đào hất mặt lên:
- Ông ta đã đuổi chú Sáu ra khỏi cù lao, bây giờ lại sang đây xúi bậy, không ác thì là gì?
Lưu Ly nghiêm mặt:
- Nội chị đã từng tuổi này, ai dám xúi bậy ổng, em nói phải lựa lời đấy!
Câu dằn mặt của Ly làm Đào tiu nghỉu. Con bé vả lả:
- Tại em thấy chú Sáu ở ngoài vườn xoài trong đây mình đỡ lo khi nghĩ tới trộm đạo, đêm hôm.
- Em chỉ thấy cái lợi trước mắt thôi, còn về lâu dài đâu thể để người dưng ở trên đất mình được. Út Tường rồi cả ông nội không cho Sáu Tiến ở là đúng.
Đào băn khoăn chống tay dưới cằm:
- Đuổi như vậy không biết chú Sáu sẽ về đâu?
Lưu Ly bật cười:
- Em khéo lo. Ông ta có bốn hướng với bốn bà vợ và con cháu để về dưỡng già.
Trợn tròn mắt Đào la lên:
- Cái gì? Ông ta có bốn bà vợ à? S.... a.... o chị biết?
- Mẹ chị nói.
Đào hỏi tới:
- Mợ Hai ở tuốt Sài Gòn, có về đây hồi nào đâu mà biết!
Giọng Lưu Ly thản nhiên:
- Cần chi phải về, bà con xứ này lên Sài Gòn làm ăn cả đống, người kể một chút tới chuyện xóm làng, quê hương, mẹ chị rành thời sự ở đây hơn em nữa đấy!
Đào bán tính bán nghi nhìn Lưu Ly, một lát sau con bé chép miệng:
- Trông ông ta rất phong độ, thảo nào nhiều vợ cũng phải.
Lưu Ly vụt hỏi:
- Dì Tám đâu Đào?
- Chắc ở ngoài vườn. Chà thấy chị, không biết dì sẽ.... lầu bầu cái gì đây!
Lưu Ly cắc cớ:
- Vậy lúc không có chị, dì đã lầu bầu cái gì?
Đào nhún vai:
- Đủ chuyện, kể làm sao hết. Như mới tức thời, dì Tám lầu bầu nói ông Sáu Tiến là người xấu, tại ông mà mợ Ánh chết oan....
Rồi sực nhớ ra mình vừa hớ, Đào tái mặt bụm miệng lại.
Lưu Ly lạnh tanh:
- Lần này dì Tám và em phải trả lời tại sao giấu tôi mối liên hệ của gia đình này và gia đình bà Hà.
Đào vuốt mồ hôi trên trán:
- Chị đã biết hết rồi sao?
Ly nhếch môi:
- Chuyện đó có gì bí mật, khi cả xứ này đều biết từ lâu.
- Chị phải thông cảm, ông Chín cấm không cho nói, em và dì Tám đâu dám cãi.
Lưu Ly làm thinh, thả người xuống giường. Cô thấy nghẹt thở vì bị xem là con nít, mọi người bưng bít giấu cô nhiều thứ. Ngay cả Tường cũng vậy, anh ta thật dễ ghét khi gặp cô mà làm lơ. Ly có cảm giác ở đây anh là người khác hoàn toàn lúc ở Sài Gòn. Anh cũng đóng kịch với Ly như mọi người qua bộ mặt lạnh tanh xa lạ sao?
Vậy mà đêm qua Lưu Ly đã mơ một giấc mơ thật dễ thương. Trong chiêm bao cô thấy mình và Tường nắm tay dung dăng dung dẻ trên một cánh đồng toàn hoa dại và bướm. Bướm nhiều đến mức vừa đi anh phải đưa tay xua chúng. Rồi Tường hái cả một bó cúc kim vàng như nắng cho Ly. Anh bất ngờ đứng lại ôm cô, mặt cúi xuống, mắt mênh mông nồng nàn.... Lưu Ly choáng váng trong vòng tay anh, cô khép mi chờ đợi.... Nhưng liền tức khắc Ly giật mình thức giấc và thấy mình đang ôm chiếc gối, tim đập thình thịch, tâm thần xúc động dữ dội.... Chính vì giấc chiêm bao quỷ quái này mà Lưu Ly luống cuống đỏ mặt khi gặp anh ngồi ngay phòng khách, nhưng đó chỉ là cơn mộng thôi. Thật ra Tường vẫn là một người lạ như trước đây vài ngày Ly đã nói với anh. Tại cô nghĩ tới anh nhiều quá làm chi, rồi bây giờ hụt hẫng.
Lưu Ly bảo Đào:
- Nhìn xem Út Tường về chưa.
Con bé rón rén chạy ra ngoài, rồi vụt chạy vào:
- Phòng khách chả có ai. Chắc hai người tới chỗ chú Tiến rồi.
Lưu Ly nhỏm dậy thật nhanh:
- Đi với chị.
Đào ngạc nhiên:
- Đi đâu?
- Tới nhà ông Sáu Tiến xem nội nói gì với ổng.
- Chuyện của người lớn, em hỏng dám đâu.
Lưu Ly đanh giọng:
- Không dám thì chị đi một mình.
Dứt lời cô xăm xăm bước ra sân. Đào hoảng hốt chạy vội theo vì lo cho Lưu Ly nhiều hơn là ngăn cản cô. Con bé thừa biết tính Lưu Ly bướng bỉnh, ở nhà thường bị ba mẹ ràng buộc vào khuôn phép nên khi.... xổ lồng như vầy, Ly sẽ làm theo ý mình, khó ai khuyên can được, dù người đó là ông Chín. Đến tới căn nhà lá đơn sơ của Sáu Tiến, cả hai đều ngạc nhiên khi thấy cửa đóng khóa bên ngoài.
Lưu Ly kêu lên:
- Ủa! Vậy nội đi đâu kìa?
Giọng Đào tài lanh:
- Chắc qua bên cậu Út rồi!
Tim Lưu Ly đập nhanh với ý nghĩ vừa thoáng qua, cô rụt rè đề nghị:
- Mình qua đó thử coi.
Nghĩ rằng Đào sẽ phản đối nên nói rồi Ly vẫn đứng ỳ một chỗ, không ngờ con bé lững thững bước tới.
Lưu Ly bối rối:
- Em đi thật à?
Đào quạu quọ:
- Chị lạ chưa! Không đi chắc khó yên thân với chị quá!
Lưu Ly làm thinh bước theo sau Đào. Cô chưa nghĩ ra mình sẽ nói gì khi tới ngưỡng cửa nhà Tường. Cô thừa biết nội chả tới nhà anh đâu. Đi tìm nội, hay vừa rồi cô xăm xăm tới nhà Sáu Tiến cũng vì anh, vì muốn gặp anh. Rồi sau đó thì sao? Ly không biết nữa. Cô đang hành động theo mệnh lệnh của trái tim, mà trái tim trú sâu trong lồng ngực, nó có nhìn thấy cuộc đời thế nào đâu để cân nhắc thiệt hơn.
Bỗng dưng Lưu Ly chùn chân, cô gọi nhỏ:
- Về thôi Đào! Chắc nội không ở đó đâu.
- Không có ông Chín thì có cậu Út, trước đây chị muốn gặp cậu ấy để cám ơn. Bữa nay là cơ hội tốt đó!
Suýt nữa Ly buột miệng nói cô đã từng gặp Tường, nhưng cô đã kiềm chế được....
Giọng Đào lại vang lên:
- Nhà của ổng kìa. Em không vô đâu.
Lưu Ly tò mò nhìn ngôi nhà sàn trên bờ sông. Nhà hoàn toàn bằng gỗ nhưng kiểu cách sang trọng hiện đại sang trọng chứng tỏ chủ nhân của nó là người có tâm hồn sâu lắng, am hiểu nghệ thuật.
Đang ngắm nghía căn nhà, Ly chợt giựt mình vì giọng nhỏ Đào lanh lảnh:
- Cậu Út ơi có khách.
Lưu Ly bối rối chụp tay Đào, trái tim đập thình thịch khi thấy có bóng người thấp thoáng bên trong. Nhưng không phải Tường mà là Thúy Diệp. Mặt cô ta tái hẳn khi nhận ra Lưu Ly. Trong lúc cô còn đứng ngớ ra vì quá bất ngờ thì Thúy Diệp đã nhếch môi cay độc:
- Lại là cô nữa à? Đúng là dân thành phố có khác, muốn gặp đàn ông là tìm tận nhà không chút xấu hổ. Hình như ở cô chỉ có sự trơ trẽn chớ không có sĩ diện. Anh Tường khinh thường hạng gái ấy lắm!
Giọng Lưu Ly líu lại vì giận:
- Tôi tìm ảnh có việc....
Thúy Diệp không thèm ra tới sân, cô ta đứng trên tam cấp nanh nọc:
- Việc gì ngoài cái việc... ấy?
Đào hầm hừ sấn tới:
- Nè cái chị kia. Ăn nói cho đàng hoàng một chút đi! Ở đây đâu chợ cá.
Thúy Diệp kênh kiệu:
- Chuyện này không có liên quan tới mày, đừng có nói leo.
Đào không vừa:
- Chẳng lẽ... cô Lưu Ly tìm cậu Út Tường liên quan đến chị? Cũng phường mần mướn, làm thuê chị có hơn ai đâu mà bảo người ta nói leo. Xì, tưởng móng tay, móng chân bôi đỏ, mắt xanh, má hồng là ngon lắm hả. Bất quá cũng dân thợ may thôi.
Kiểng chân lên cho cao, Đào lại gào to:
- Cậu Út ơi!....  Có khách....
Thúy Diệp trề môi khinh bỉ:
- Đúng là mặt dầy hơn cả.... đít quần jean.
Lưu Ly uất đến nghẹn cứng ở cổ. Cô quay lại đi như chạy về nhà. Vào phòng, cô nằm xuống giường thở hổn hển vì tức. Cô đúng là không nên nết mới ba lần bốn lượt tìm đến Tường. Lần nào cũng gặp Thúy Diệp và nghe cô ta mai mỉa, xỉa xóc đau thấu tim. Tội tình gì Ly phải nhọc nhằn đến thế chứ. Bất quá anh ta cũng chỉ hơn người khác ở số phận nghiệt ngã, dễ làm mủi lòng con gái nhẹ dạ như cô. Nhưng với cuộc đời đầy bất trắc mà Ly chưa có cơ hội dấn thân, còn biết bao nhiêu số phận khác đau thương khổ sở hơn Tường. Tại cô lãng mạn đến mức cứ vớ vấn nghĩ về anh mãi đễ bị người ta nói như tát nước vào mặt thế kia. Tường có... để ý gì tới Ly như cô tưởng đâu! Lo mà sớm dứt khoát với mối tình đơn phương xuẩn ngốc vô vọng này đi. Mẹ luôn dặn dò đừng bao giờ để lộ tình ý của mình trước bọn đàn ông, đừng bao giờ tự hạ thấp giá trị mình, dù quá yêu. Những lời đó trước kia thật xa vời, vì Lưu Ly chưa để ý tới ai. Đến khi gặp Tường, cô lại đang thất vọng vì mẹ, nên cố tình quên lời bà dạy.
Bây giờ ngẫm lại cãi lời ba mẹ quả thật chẳng ra gì. Dù mẹ có lỗi lầm to tới đâu chăng nữa bà vẫn là mẹ, vẫn yêu thương, lo lắng cho cô kia mà! May thay Lưu Ly chỉ đau thầm với những điều mình biết về quá khứ của ba mẹ, chớ cô không hề tỏ thái độ hỗn láo, bất hiếu nào cả. Càng nghĩ Ly càng thấy thương mẹ và giận bản thân. Dứt khoát cô sẽ nhớ lời bà, không yếu đuối chạy theo tình làm.... giảm giá trị mình như vừa rồi. Dứt khoát cô sẽ không nghĩ tới Tường nữa. Có.... lỡ gặp anh, Lưu Ly cũng phớt lờ không quen. Dứt khoát cô sẽ....
- Chị Ly! Trời ơi! Sao lại nằm đây? Chị dở thật! Em gọi được Út Tường ra, quay lại chị đã mất tích. Tức dễ sợ!
Đào vừa ôm ngực thở vừa nhăn mặt nói tiếp:
- Phải chị ở đó để coi thái độ của con mụ Thúy Diệp đối với Út Tường.
Lưu Ly cố giữ giọng bình thản khi nghe Đào nhắc đến anh. Cô hỏi bằng giọng lơ là:
- Bộ em biết Thúy Diệp à?
Đào gật đầu rồi bĩu môi:
- Em lạ gì bà ta. Thúy Diệp là con ông Năm Kha, ổng đang coi mấy bè cá cho cậu Út Tường, còn bả đi may ở Sài Gòn, gia đình cũng mới phất lên đây mà bày đặt kênh kiệu thấy ghét. Ủa! Sao chị cũng biết bả nữa?
Lưu Ly lơ lửng:
- Trái đất tròn mà em.... Thắc mắc làm chi?
Đào tươi cười:
- Bí mật dữ! Chả lẽ trái đất tròn mà trong vuông xoài có chút xíu này, chị không gặp được cậu Út, rồi giận dỗi về nhà nằm lẫy trên giường như con nít vậy.
Lưu Ly lừ mắt:
- Nói bậy đi!
Đào lẻo lự:
- Nói bậy không có nghĩa là nói sai, nói trật. Nè! Có người nhờ em nhắn lại với chị nhiều điều rất bậy. Chị lừ mắt ghê quá! Ai dám nói....
Lưu Ly ấm ức nhìn Đào, cô không biết phải mở miệng bằng cách nào đây nữa. Làm như chả quan tâm tới Ly, Đào nói khơi khơi một mạch:
- Nhìn thái độ lăng xăng lích xích, ẹo qua ẹo lại của bà Diệp, em biết tỏng bả mê cậu Út man man đó như điếu đổ. Bởi vậy thấy chị tìm ổng, bả nổ một tràng đại liên liền. Mà ông Tường cũng kỳ....
Không nhịn được tò mò, Lưu Ly hỏi ngay:
- Sao mà kỳ?
- Coi bộ ổng cộc cằn quá. Nói chuyện với phụ nữ mà không nở được nửa phần tư nụ cười. Đã vậy còn nạt nộ Thúy Diệp trước mặt em nữa chứ.
Lưu Ly hồi hộp:
- Tự nhiên hắn nạt chị ta à?
Đào hất mặt lên:
- Tại em chớ đâu thể nào tự nhiên được. Đứng réo một hồi, ông ta hớt hãi chạy ra đầu cổ còn ướt nhẹp....
Nhỏ Đào che miệng cười:
- Chắc là đang tắm. Thấy em, ổng khựng lại trông tội lắm. Em liền mắng vốn.... cái mồm bán cá của bà Diệp. Thế là ổng nổi sùng lên đuổi bả vào trong, rồi cộc lốc hỏi em có việc gì. Em liền nói có chị tìm....
Lưu Ly giẫy nẩy:
- Trời ơi! Sao em nói vậy?
- Chớ nói sao bây giờ? Em còn bảo tại bà Diệp, nên chị tự ái bỏ về. Nghe vậy ổng có vẻ bối rối, cứ luôn mồm nhắn lời xin lỗi chị mãi.
Lưu Ly lầm bầm:
- Xì! Ai thèm nghe hắn xin lỗi chứ!
Đào chép miệng:
- Nếu biết chị không thèm.... em đã im lặng rồi! Chà, còn mấy lời anh ta nhắn, giờ nói với ai đây nhỉ?
Lưu Ly giận dỗi quay mặt vào vách. Cái con ranh này rặc nòi láu cá, nó cứ màu mè, rào đón làm cô tức muốn chết. Nhưng dứt khoát Ly sẽ không hỏi gì hết cho.... bõ ghét.
Đào khều tay Ly, giọng thì thào:
- Anh ta nói ngày mai sẽ sang thăm chị đó! Nè, có phải hai người từng gặp gỡ trước rồi không?
Lưu Ly làm thinh. Một lát sau cô mới lên tiếng:
- Nếu ngày mai hắn có qua, em nói chị về Sài Gòn rồi. Gặp làm gì mất công lắm!
Đào nhún vai bỏ ra ngoài. Lưu Ly mệt nhoài với bao diễn biến trong hồn. Cô hy vọng ông nội nhanh chóng đòi lại miếng đất, để sau đó ban phát cho ai cũng được. Lần này Ly không chống đối ý mẹ và anh Đoàn nữa. Vì miếng đất ấy với bao nhiêu chuyện cũ chả hay ho gì. Nó như vết thương không lành, lâu lâu lại nhói đau thật khó chịu. Phải dứt khoát với dĩ vãng mới yên ổn lo tương lai. Vùng sông nước này đang phát triển về mọi mặt. Tại sao ba mẹ không đầu tư vào đây như Út Tường khi chuyện ngày xưa đã qua lâu rồi.
Lưu Ly ray rứt buông tiếng thở dài. Cô mới hai mươi tuổi, chưa thật sự là người lớn để tính toán chuyện làm ăn. Cô cũng chưa đủ kinh nghiệm sống để lường trước mọi xử sự của người đời. Hai mươi tuổi. Thời điểm chuyển tiếp của lúc nụ chớm thành hoa đầy bỡ ngỡ. Nhưng dù chưa có chút kinh nghiệm còn về gió mưa, sương nắng, cái nụ tơ non đó cũng e ấp nở thành hoa và phô sắc giữa thiên nhiên. Ly biết mình giống nụ hoa đó. Còn Tường? Anh là người tốt như cô vẫn nghĩ. Hay là một cánh bướm lãng tử, đa tình nhỉ?