Chương hai

    
inh dệ người xuống mép suối, ngao ngán nhìn cái bồng ướt sũng đựng lèo tèo mấy mụt măng. Ngụp lội hơn trăm mét nước mà chỉ kiếm được có thế này! Chiều nay biết ăn gì? Linh ngán ngẩm. Mấy đứa ở nhà liệu có đào thêm được cân củ chụp, củ mài nào không?… Đi xuôi nữa thì chắc còn đấy, hay bỏ suối vượt lên trảng thiếu gì tầm vông. Nhưng sát ấp chiến lược quá, mìn trái nữa. Nguy hiểm! Anh sờ tay vào túi, lại bỏ xuống: có cục thuốc rê tay xã đội trưởng cho hồi sớm ướt trọi trơn!
Dọc suối, sau những bụi tre gai rậm rịt thấp tè vẫn bì bõm những bước chân lội nước. Cả tiểu đoàn lấy nguồn thực phẩm ở con suối nhỏ như rãnh này, thấm tháp gì. Một con thằn lằn hay tắc kè gì đó luồn rồn rột ở bụi tre giữa suối. Linh vuốt nước trên tóc nhìn sang: chỗ ấy lấp ló những búp vàng nhu nhú. Số độc đắc rồi! Anh nhoài xuống, nước ngập tới cổ. Vừa ngóc lên, luồn tay xuống định rút con dao găm, Linh chợt thấy một cái đầu khác cũng đang nghiêng ngó bên kia bụi tre, hai con mắt háo hức nhìn vào cụm măng chút xíu. Anh lắc đầu cười, nhoài trở lại.
Có tiếng gọi thật khẽ: “Anh Linh! Anh Linh ơi!”.
Nắng quá! Anh nhíu mắt nhìn lên: Lang - cậu liên lạc của anh Sáu đang dáo dác.
- Gì vậy, út?
- Anh Sáu kêu anh về họp gấp!
Linh níu cành tre quăng người lên bờ.
Mắt Linh ngợp nắng. Cái nắng vùng ven mênh mang, sáng trắng và sánh hơn. Trước mắt anh, bàu Con Gái trải dài tít tắp. Phải khum khum tay mới nhìn thấy vệt xanh lam xa xa. Tiểu đoàn đang tạm dừng chân ở dải rừng chồi đó.
Nghe nói cái bàu này trước Mậu Thân có một tiểu đội nữ thanh niên xung phong chiều chiều hay rủ nhau ra tắm, hái hoa dại. Có một lần không rõ phơi phóng sơ ý thế nào bị Mỹ bất thần đổ trực thăng hốt sạch mang đi… Năm tháng trôi qua, ai qua đây cứ quen gọi “Bàu Con Gái” để phân biệt với những bàu Mỹ Đóng, bàu Cá Nóc, bàu Đầu Lâu, hốc Bà Tó… Mỗi cái tên còn phảng phất những trận đánh dữ dội hôm qua.
Ngẩng nhìn trời nghe ngóng không thấy gì, lia mắt soát một vòng khắp bàu, Linh bẻ một cành lá che đầu đi mải miết. Nước trong vắt lấp xấp dưới chân, toé lên trắng lấp lánh. Cả mặt bàu, hoa cỏ may cũng nở trắng xóa như mặt biển rờn rợn sóng, lại như mây sa la đà.
Tiểu đoàn đã tới nơi tập kết được hai ngày. Đang nằm chờ lệnh phân khu. Xuất phát gần hai trăm người, bây giờ còn hơn một trăm. Số còn lại đã ngã xuống dọc đường. Sắp tới còn xuống sâu nữa, bên kia lộ 13, lộ 2, ven các thị trấn, thị xã mà ban đêm đứng ở đây cũng thấy rõ những quầng sáng điện nhàn nhạt hắt lên trời.
Đồng bằng đối với những người lính quen ở rừng già thật ngỡ ngàng, xa lạ. ở đây rừng, trảng và đồng ruộng bưng biền nối tiếp nhau. Trảng thì rộng mà rừng thấp lúp xúp không quá đầu người. Những mảng xanh quý giá còn sót lại sau khi kẻ thù tận diệt. Sáng đầu tiên ngủ dậy, Linh cứ thấy trống trải, lạnh lưng hở sườn như mất đi cái mái nhà che chở. Đêm nằm, võng mắc sát gốc cây. Hầm đào đắp nắp nông choèn, chỉ đủ tránh miểng. Khác hẳn với không khí vui nhộn rầm rập trên kia - nơi ẩn náu những binh đoàn. Đêm ngày ở đây vắng lặng, lạnh tanh. Thật chú ý mới thoáng gặp những con người đi lại như chiếc bóng. Họ thường đi nhanh, mắt sáng loang loáng. Người nào cũng ăn mặc thật diện. Cũng màu xanh màu xám thôi nhưng toàn loại téc-gan, tê-tơ-rông, sơ-vi-ốt đắt tiền. Đầu đội đủ các thứ mũ mềm: tai bèo có, ngụy có, Mỹ có. Nhìn những đôi dép mềm kiểu Nhật dùng trong nhà đang vung thoăn thoắt trên những đoạn đường rậm rịt, Linh thấy lạ: guốc dép vậy, đánh đấm chạy nhảy thế nào? Và thảng hoặc lại có người thắt múi chiếc khăn rằn trước ngực làm duyên. Thoạt đầu gặp, nếu không chú ý tới khẩu súng lúc nào cũng xuống tay và nét mặt tập trung căng thẳng, sẽ ngỡ họ là thanh niên ngoài thành vào rừng du ngoạn. Thật ngược lại với những bộ quân phục cũ mèm, dày bệt, thùng thình của bọn Linh. Tự dưng Linh thấy mình ngù ngờ, chậm chạp trước những người lính địa phương thoắt biến thoắt hiện trong cái vùng ra khỏi “cứ” là gặp địch ấy. Họ vẫn sống, vẫn cầm súng, và cái miệng vẫn cười. Một chút kính nể ban đầu dậy trong anh.
Ngay chiều hôm tới, Linh theo Sáu Hóa tới cứ xã, liên hệ cùng đột ấp kiếm gạo. Quanh co rất lâu trong những đường mòn bít bùng gai góc, anh dừng lại trước một dòng nước đỏ ngầu, hai bờ dốc đứng bạt ngàn tre gai cao vòi vọi. Anh Sáu bảo đây là sông Bé. “… Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long đi chiến thắng”. Nó đấy à? Sao cứ ngỡ không phải… Nơi bờ nước chênh vênh hiểm hóc tưởng không ai đi tới này đang che giấu những con người bám giữ địa bàn đó ư? Một vạt đất quang quẻ bằng cái chiếu hiện ra. Ngay dưới gốc tre có mấy người đang ngồi. Họ ngồi im lìm, tới tận nơi mới thấy. Bên cạnh là bồng, là súng, gọn gàng như sắp hành quân. Xã mà chỉ lèo tèo mấy người thế này thôi? Linh hơi ngỡ ngàng.
Trong khi thủ trưởng tiểu đoàn sôi nổi làm việc với một người thọt chân chừng hơn ba mươi tuổi, Linh tẩn
mẩn xem xét. Nét mặt họ có vẻ lạnh nhạt. Chỉ gật đầu thay chào hỏi. Tưởng chủ lực xuống họ phải vui chứ! Du kích đâu? Chắc ở chỗ khác. Vẻ mặt người thọt chân khó đăm đăm, đứng nói chuyện nhưng mắt day ra sông, đôi vai rộng lệch trẹo đi. Một tiếng động nhẹ trên đầu. Linh ngước lên: một anh chàng còn trẻ măng, mặc quần cụt, ngồi vắt vẻo trên ngọn tre, đang cúi xuống nháy mắt với Linh, cười. Chắc người gác. Linh vẫy tay lại.
Đến bên một chị mặc bà ba có khuôn mặt đôn hậu đang ngồi khâu vá cái gì trên võng - võng sao mỏng tang - Linh ngồi xuống:
- Xã gì đây, chị?
- Khẽ chứ cậu! Lính kế bên đó. Xã Bình Mỹ - Chị trả lời gọn lỏn rồi lại cúi xuống.
Linh chợt thấy ngượng vì sự kềnh càng, ầm ào của mình. ở đây để ý thấy họ nói năng, đi đứng đều nhẹ nhàng, chuẩn xác như có tính toán sẵn. Cảm giác này làm tan cả bực dọc. Anh lặng lẽ đứng lên.
… Trên đường về, Linh hỏi nhỏ:
- Đây chắc là ủy ban, anh Sáu?
- ủy ban gì? - Sáu Hóa ngớ ra.
Linh cũng ngớ ra. ờ! Ông này xưa nay từ phong trào lên, làm sao biết được những từ lạ tai ấy?
- Ban… ban phụ trách, ban chỉ huy, ban đầu não đó!
Sáu Hóa cười lớn. Anh vẫn giữ cái giọng cười như pháo nã cấp tập vậy. “Khẽ chứ, cậu!” - Chút nữa Linh lại nhắc anh như cái chị hồi nãy.
- Ráo trọi có vậy thôi! Trước Mậu Thân thì bộn đó. Chừng vài chục tay súng, đánh đấm như điên. Nay, thế là nhiều. Rồi, vậy đó! Một ông bí thư, có khi kiêm luôn xã đội trưởng, kiêm luôn cả chính trị viên xã đội. Thằng cha thọt giò đó - Năm Dân, mình có quen sơ. Rồi, vậy đó! Vài ba tay súng sót lại. Bà ngồi đó là “phụ nữ” hay “nông hội”, “binh vận” gì gì đó! Làm tuốt!
- Thế dân đâu?
Sáu Hóa bật cười cái “ục” như tạc đạn nện xuống bùn. Người đâu nhỏ con như chim chích mà họng như ễnh ương? Đi đâu với ông này vừa sợ vừa khoái.
- Dân hả? Dân trong ấp chiến lược ấy! Quá trời dân, thiếu gì! Rồi, vậy đó! Tối nay cho cậu gặp xả láng!
Về tới “nhà”, anh Sáu hất hàm hỏi Kiêu:
- Sao? ở nhà kiếm cá hay đi ấp kiếm rượu nhậu, mầy?
Kiêu cười dẻo quẹo:
- Đêm chắc mưa to. Có cá đấy, anh Sáu…
Linh nheo mắt nhìn mái tóc chải rất mượt của Kiêu rồi dẫn một tổ của tiểu đoàn bộ sáp nhập với đại đội 2 theo xã đột ấp.
Ra vào đủ các loại cứ điểm, kho tàng như cơm bữa, bọn Linh đã nâng động tác bò rào thành nghệ thuật nhuần nhuyễn. Nhưng đột ấp là cái gì? Đột ra sao? Linh hoàn toàn mơ hồ. Chính vậy mà càng tò mò thích thú. Mấy năm rừng già đâu có biết làng xóm là cái gì. Có những đêm hành quân mỏi mệt thèm vô cùng một tiếng nói trẻ con, được gặp một bà má có gò má nhăn nheo, được nhìn thấy một mái nhà ấm cúng, một ngọn đèn mở tỏ bên mâm cơm gia đình. Thèm cả tiếng chó sủa, cả một mùi phân trâu nồng ấm… Anh bí thư xã hụt giò phổ biến một xâu một xốc những ám tín hiệu nghe lạ tai: nào là cú bép cộng tròn năm, khi bị thương thì la: Anh Hai tiến lên; nào là Đ.K. tức rút lui, thất lạc gõ gốc cây… Nghe cứ loạn cả lên.
Tối mịt mọi người mới khom lưng, đi thật thưa ra khỏi cửa rừng. Hết rừng đến trảng. Hết trảng tới ruộng cày lép nhép. Có lệnh truyền xuống xách dép chuẩn bị qua lộ, không để dấu vết. à, thì ra đôi dép mềm tiện lợi thật! Suốt đêm, tay xách dép, tay cầm súng vướng víu quá! Linh rộn rạo cả người khi sờ phải những trái mướp khía ram ráp, đung đưa trên giàn. Đồng bằng là thế này đây… Những năm trước đây chỉ rặt ta, địch, khói lửa và cây rừng. Lâu lâu bọn Linh mới hành quân qua một cái rẫy bỏ hoang có dăm ba trái cà, trái bí chỏng chơ.
Tiếng chó sủa nghe lạ quá! Bức bối, tắc nghẽn. Càng gần tới ấp càng thấy lặng tờ. Mảnh trăng như bị ai bẻ làm đôi, nhòa nhạt trong sắc trời nặng chì. Rón rén vượt qua bờ đê lởm chởm rào gai, chỉ thấy những cánh cửa im ỉm. Thật hệt một làng bị dịch hạch. Cái đồn bảo an ở đầu ấp, cái tua dân vệ ở cuối ấp, thỉnh thoảng lại rè lên những phát súng thất thần bay ra khoảng trống ngoài đê. Chó lại râm ran.
Năm Dân gõ nhè nhẹ vào một cánh cửa. Một khuôn mặt ló ra, thào thào:
- Ai đấy?
- Năm Dân đây!
Con mắt ấy lộ vẻ sợ hãi. Cánh cửa khép lại. Im lặng. Tiếng chân bước mỏng vào trong. Anh bỏ đi.
Một nhà khác:
- Ai đó?
- Năm Dân đây!
- Khẽ chứ! Chiều thấy lính nó xuống đó!
- Có gạo không?
- Đi đi! Chút quay về lấy.
Cửa lại khép, im lìm.
Nhà nữa: không tiếng trả lời.
… Mới qua được con đường bò trắng cát, bỗng những chớp trắng nhoáng lên. Linh mê đi trong tiếng mìn nổ, đạn nổ, tiếng la hét nhoáng nhoàng. Tay cầm trái tạc đạn mà anh không biết ném vào đâu. Cho tới khi có những bóng đen chạy ngược lại, anh nhổm dậy chạy theo...
Trận đánh trong ấp đã để lại năm xác. Bốn bộ đội, một du kích. Từ khi cầm súng, Linh đã quần nhau giữa ấp thế này bao giờ đâu. Lại bị phục trước nữa. Trên đường về, ai nấy đi lầm lũi, cũng chả nghĩ tới chuyện xách dép tránh dấu. Trên lưng đoàn người vẫn những chiếc bồng không đeo toòng teng. Hỏa châu sáng trời. Pháo cối tá hỏa đuổi đàng sau.
Linh thoáng nghe Năm Dân lầm bầm:
- Biết mà! Đông người chỉ thêm khó. Lính gì mà ngu ngơ. Đi ấp như đi chợ. Kẹt quá! Mất cha nó một đứa rồi…
Linh thoáng xót xa tự ái. Vùng đất cài răng lược xen kẽ địch ta này mới phức tạp làm sao? Mỏng manh… Mỏng manh cả lòng dân, cả lòng người. Anh Năm Dân ơi! Biết rằng địa bàn các anh trụ bám, địch đang bình định ác liệt, kìm kẹp gắt gao, nhưng cũng khó cả chứ riêng ai. Bên anh mất có một người mà sao đã vội tiếc? Còn chúng tôi… Hiểu rằng đối với các anh, một người là quý lắm. Nếu chỉ lo bám trụ thôi thì dần dà chúng tôi cũng khôn khéo như các anh. Nhưng chỉ có thế, chúng tôi đã chả lặn lội xuống đây phiền anh làm gì… Giẫm phải miếng kẽm gai đau điếng, Linh cắn răng. Người lính trinh sát chỉ có thể ngu ngơ một lần thôi. Rồi anh xem. Mà chúng tôi chắc cũng không dừng lại ở đây lâu đâu. Có giao liên tới, chúng tôi sẽ xuống sâu hơn nữa, những vùng đất chắc còn mỏng manh hơn thế này nhiều. Lòng tin trong tôi cũng đang ràn rạn đây, đáng lẽ lúc này phải sát vào nhau hơn.
Và ngược lại, cũng lạ! Sự suy nghĩ về cái dữ dội ở vùng sâu cứ ám ảnh Linh suốt dọc đường, nay trực tiếp đọ sức, dù bị đau vẫn thấy yên tâm hơn. Kẻ thù chỉ đáng ngại khi nó còn huyền bí, nay phơi bày cả ra rồi, dù có ghê gớm thật đi nữa, cũng thường thôi.
Linh đi giữa bàu với tâm trạng như vậy…
Có tiếng máy bay lên thẳng phành phạch. Linh đứng im rụt cổ xo vai, phủ lá lên đầu. Mày có nghiêng ngó cũng chỉ tưởng là gốc cây khô. Tiếng phành phạch nhẹ đi, anh lại bước dài.
Sáu Hóa đã ngồi sẵn trên nắp hầm. Xung quanh có anh chính trị viên phó môi thâm, cấp trưởng của ba đại đội và Kiêu. Xa một chút, Năm Thúy ngồi xắt măng bên giếng, đang mủm mỉm cười cái gì. Một lọn tóc vẫn xoã nhẹ bên má. Cô này giỏi thật! Linh nhận xét thầm. Hoàn cảnh này mà vẫn không quên giữ duyên. Nhìn cái miệng xinh xẻo kia chả ai ngờ lúc nghe tin anh em hy sinh trong ấp, lại chui xuống hầm úp mặt vào võng khóc.
- Quay qua đây, Linh! Hội ý một chút!
Linh chột dạ. Khi tiểu đoàn trưởng đột ngột trầm giọng như thế là chuyện không bình thường nữa.
- Chưa biết hôm nào giao liên tới đưa đi. Rồi, vậy đó! Mà gạo cạn sạch trơn. Ăn củ ăn măng ngon thôi. Nhưng không khá, đuối lắm. Rồi, vậy đó! Mấy anh ở xã có chỉ một kho gạo cũ, cách đây nửa ngày đường. Không ai biết chỗ cả, xã lại hết người. Rồi, vậy đó! - Sáu Hóa hay đệm “rồi, vậy đó!” lung tung vào câu nói vốn đã lỉnh kỉnh, như một dấu ngắt mạnh - Mỗi “xê” cử một bán, trinh sát, thông tin mỗi “bê” một tổ. Đồng chí Kiêu và Linh phụ trách, dùng địa bàn, bản đồ mà cắt đại đi. Các “xê” còn lại củng cố “cứ”, chuẩn bị làm nhiệm vụ. Rồi, vậy đó! à, mà Kiêu, Linh, đường rất khó đi, hai thằng mày ráng đừng để lọt kích, nghe hông?
Kiêu nhìn nhanh tiểu đoàn trưởng:
- Tôi xài chưa thạo bản đồ địa bàn, anh Sáu!…
- Chả ai thạo hết! Trợ lý tham mưu phát biểu ngon vậy mầy? Ráng đi, Linh nó cắt khá đấy!
- Còn công việc tác chiến ở nhà…
- Rồi, vậy đó! - Giọng Sáu Hóa lại trầm xuống - Tôi đi! Cả tiểu đoàn trông vào mấy hạt gạo đó thôi!
Anh đứng phắt dậy, mà chỉ tới tai Kiêu, với dây lưng đeo vào.
Kiêu vội cười dẻo miệng, chiếc răng vàng hé ra:
- Đừng nóng, anh Sáu! Nói vậy để anh Sáu cho ý kiến khắc phục khó khăn thôi mà…
Đôi mắt đùng đục của Sáu Hóa dịu đi. Đôi mắt màu xám tro gan lì ấy chưa từng bao giờ quắc lên với đồng đội.
Bộ phận đi lấy gạo ngồi xúm quanh nồi cháo măng lõng bõng, xì xụp ngon lành. Sáu Hóa không ăn, ngượng ngập quay đi vấn thuốc. Anh vốn khảnh ăn. ở chiến khu, anh ăn thịt thú rừng quen rồi. ở đây không nổ súng được, anh tỏ vẻ bực bội lắm. Người thủ trưởng đơn vị tưởng vô tâm, ưa vui nhộn kia, có lần đã vừa cõng chiến sĩ bị thương vừa mếu máo khóc, nước mắt giàn giụa, lúc này chắc đang dằn vặt trước đồng đội đang ngồi quanh nồi cháo măng loảng nghẹt. Hớp cháo nằm ngai ngái trong miệng Linh không chịu trôi xuống.
Năm Thúy đổ bồng củ chụp ra đất. Đây là phần ăn đường ưu tiên cho người đi công tác. Không biết từ bao giờ đã có cái tên củ chụp? Hay chăng muốn đào nó, người ta nhất thiết phải chặt một đoạn tre hay tầm vông, chẻ tua một đầu ken thật khéo sao cho giống cái đầu chúm của người đi bắt cá. Lần ra trảng hay bờ sông có nhiều cỏ tranh - bờ sông là hay có nhất - trong ngàn vạn cây lá, tinh mắt thấy cái dây leo nào màu tim tím, có ba cạnh, sờ vào thấy ram ráp là y như nó. Đào bằng dao, cuốc coi như bỏ. Đứt nửa chừng hết, phí lắm. Chỉ có thể dùng cái đầu chúm đó mà chụp, chụp miết… Chụp tới đâu, đất theo lên tới đó như lưỡi khoan. Gãy chụp rồi, nếu chưa thấy, đừng vội nản, làm cái chụp khác. Thọc nữa. Tới khi nào thấy củ có thể lay qua lay lại dễ dàng, hãy gượng nhẹ rút lên. Củ nhỏ cũng ăn no lòng một bữa. Củ to dài bằng cả sải tay ăn hết ngày. Đào xong, đừng vội rửa. Cứ lấy dao nạo nhẹ màng vỏ mỏng tang bên ngoài mà cắn một miếng thật đã. Hết khát ngay. Chụp, ăn sống nhiều nước, xốp xốp ngòn ngọt. Nấu chín, bở tơi như sắn trúng mùa. Bổ béo không kém gì cơm. Hố củ chụp sâu hun hút, đừng ham mà đuối sức. Tháng trước, ở địa phương có người đi đào củ, tối không thấy về. Sớm hôm sau đi tìm, chỉ thấy nửa người nhô lên mặt đất, đầu chúi xuống hố, đôi chân lạnh ngắt không cụ kịa. Người ấy đã chết vì đói lả trong hố củ do chính tay mình đào!…
Thúy rụt rè đến bên cạnh Sáu Hóa đang nhả khói mù mịt như lính đốt rừng, nói nhỏ:
- Đi lấy gạo, anh Sáu? Em đi được không?
Sáu Hóa lắc đầu. Khói vẫn từ trong miệng anh lan ra làm chị húng hắng ho. Thúy quay lại nhìn Linh như dò hỏi, như cầu cứu. Linh nhìn lảng đi: “Khó lắm, không đi được. Sau lần ấy chị đã kịp khỏe lại đâu”. Thúy bướng bỉnh cong môi lại, không thèm hỏi ai nữa, quay qua ông bí thư, dặn dò:
- Cháu đi lấy gạo. Nếu có người tới đón, chú Tư cứ xuống trước.
Nói rồi, chị sửa soạn bồng. Sáu Hóa lại lắc đầu, nhưng cũng đành đưa chị mượn cây súng ngắn. Thúy cười, mắt lay láy nhìn Linh lúc ấy đang ngồi xuống bên chú Tư vấn thuốc hút. Chú vẫn ngồi như vậy từ bữa tới đây. Càng ít nói. Lúc nào cũng như đeo đuổi một ý nghĩ gì dai dẳng…
Gần hai chục người đã sang được bên này sông Bé. Trước mặt là con đường mòn mờ mờ thăm thẳm. Cái gì chờ đợi ở đó, ở trước nữa? Cứ thấy phập phồng…
Đội hình hàng dọc tự dưng đi chậm lại. Kiêu loay hoay giở ra, gấp lại, rồi lại giở chiếc bản đồ nhỏ xíu ra, trán nhíu lại có vẻ bận rộn lắm. Một vài người đứng hẳn lại, quay mặt vào rừng giả vờ tiểu tiện, Linh đã thấy nong nóng đầu. Hừ! Lại giở cái trò cũ rích tìm cớ tụt lại sau. Mà sao Kiêu loay hoay mãi thế? Không chỉ huy nổi nữa à? Anh ta vẫn vậy thôi. Lúc bình thường tỏ ra thông minh, tháo vát lắm, được lòng cả ban chỉ huy tiểu đoàn. Gặp khó thì trơn truội đi như lươn. Kiêu nguyên là đại đội trưởng đại đội chủ công ở tiểu đoàn bạn. Trong một trận đánh sân bay ở biên giới, đang cắt rào bị lộ, địch phản ứng dữ dội, Kiêu đã nằm lì sau một ụ mối, bỏ vị trí chỉ huy. Trận đánh thất bại, trên tạm thời đưa Kiêu sang làm trợ lý tác chiến tiểu đoàn bên này. Trước đây, tình hình chung mở ra khá thuận lợi, Kiêu là một trong những đại đội trưởng xuất sắc tài hoa của binh chủng. Trận sân bay đó, nếu Kiêu vững thêm một chút, bây giờ anh ta đã nằm trong ban chỉ huy tiểu đoàn.
Đi đứng lộn xộn quá rồi! Kiêu ngại mình không đủ uy tín để chỉ huy hay là…
Linh nặng giọng:
- Phân công phân nhiệm sau trước đàng hoàng đi, ông! Lựng xựng thế này bỏ con bây giờ!
- Sao hoảng hốt vậy? Từ từ tính toán cho chắc ăn đã chứ!
- Đường nắm được rồi, còn tính toán gì nữa?
- Đừng làm ăn kiểu con nít, chết có ngày! - Giọng Kiêu có vẻ kẻ cả.
- Không ai là con nít ở đây cả. Anh rõ chưa?
- Thì đi đi!
- Sao không? Đi Tùng!
Nói rồi Linh băng lên đầu, đi ào ào. Tổ trinh sát nối theo. Linh nổi tiếng dũng cảm, gan góc bao nhiêu thì cũng nổi tiếng cương trực, nóng nảy bấy nhiêu. ở đâu cũng vậy, cấp trên rất thích anh nhưng cũng ngài ngại. Anh sẵn sàng phản ứng, phê phán quyết liệt những cái gì không hay, không phải theo ý mình. Phản ứng bằng lời lẽ sắc sảo có, bằng đốp chát cũng có. Bộ đội hay bàn tán: “Ông Linh mà bỏ được tính nóng đi thì bây giờ đâu có là trung đội trưởng? Vượt xa ông Kiêu”. Nhiều lần Linh đã chú ý sửa nhưng chịu. Cơn nóng nó không nằm ở đầu mà nó cứ rần rần đùn từ sống lưng lên, ai mà chặn được. Ví như lúc này đây, anh sẵn sàng chết bỏ chứ không thể để ai coi thường mình. Linh thường lập luận: đã mang nhau hàng ngàn dặm vào tới đây, phải sống thẳng băng như đường đạn. Cứ lẽ phải mà hành động. Trong tiểu đoàn, chỉ có Sáu Hóa là khoái anh thực sự. Vì nếu anh bất chợt nổi nóng ư? Sáu Hóa còn nóng hơn nhiều. Chả có lần Sáu Hóa đã quát váng lên ngay trong hàng rào kho xăng là gì?
Đối với Kiêu, Linh đã khó chịu từ lâu. Khó chịu không phải cái án treo giò của anh ta, nhưng tham mưu gì chăm lo công việc thì ít mà cái miệng cứ dẻo ra thì nhiều. Có lần cáu quá, Linh quạt thẳng trong cuộc họp chi bộ: “Trong điều lệnh quân đội đã ban hành, tôi chưa hề đọc chương nào quy định có “tham mưu mò” cả! Chức trách trợ lý tác chiến đâu phải mò cá!”. Kiêu sầm mặt nhưng không nói gì. Sáu Hóa cười phá lên, mặc dù anh là người nhậu rượu với cá nhiều hơn cả.
Linh vẫn đi phăng phăng. ở đây có cả xã cùng đi, lính đặc công mà tụt tạt vậy, người ta chả bõ cười cho. Mai mốt biết đâu lại xuống hoạt động chỗ họ, ai mà tin được? Rồi bộ đội nó quen nếp đi, xuống sâu nữa, bảo nhau nằm co như con trúc à?
Thấy Linh hăng quá, Kiêu có vẻ ngượng, cố tung ra một câu không ra mệnh lệnh cũng không ra nhắc nhở:
- Tất cả đi thưa ra. Không được nói chuyện…
Rồi anh ta vượt lên trước Thúy, đi kế tổ trinh sát, cặp môi mỏng hơi nhạt đi.
Thúy hầu như không chú ý tới thái độ của mọi người. Chị vừa đi vừa mải mê cúi xuống nhặt những cái nấm mối nở sớm, trắng mịn, mọc chi chít trên những thân gỗ mục. Loại nấm sinh trong mùa mưa này chẳng thơm nhiều nhưng đậm ngọt. Hái thêm ít lá bép trộn vào nấu thành canh. Béo như nước xáo gà. Húp một tô vào cũng ấm ruột. Giữa đường hành quân, nhai miếng nấm cứ dẻo dẻo ở đầu răng, nhai kỹ thấy ngầy ngậy như những sợi thịt gà giò xé tơi… Thúy chắc đang cặm cụi lo bữa ăn chiều cho mọi người.
Tốp người vẫn đi sâu vào vùng tĩnh mịch. Không một tiếng ho, tiếng trò chuyện. Chỉ lạo xạo những bước chân giẫm lên lá khô. Những khẩu súng đã xuống tay. Lẫy AK trượt gần nấc thứ nhất.
Rừng yên lặng và càng thêm hun hút. Cơn bực qua nhanh, Linh chú tâm vào đoạn đường. Bám địch đã thành nghề, Linh cân nhắc chi li từng đỉnh dốc, từng khúc cua, từng tiếng động lạ, từng mùi vị mới. Chỗ nào khả nghi, anh kiên quyết cắt tránh. Dù sầy da tróc vẩy nhưng tránh được cái chết vô ích. Cứ làm biếng, theo đường mòn thẳng bước là dễ nộp mạng vào họng nó. Bí quyết sinh tồn quý báu này, Linh học được của anh Sáu. Cũng chẳng lạ là tại sao anh ấy sống dai như vậy khi đã lăn lộn khắp các địa bàn hiểm hóc của miền đông Nam Bộ này…
Quá trưa, mọi người tới nơi. Thật thuận lợi không ngờ. Kho gạo đã sụp hoàn toàn. Những tàu lá buông xòe tán phủ lên trên những bao bì ẩm mốc. Bên cạnh có cái hố B.52 quá khổ, đường kính tới năm sáu chục mét. Bom tấn đây. Trong hố bom, nước tràn trề trong vắt. ẩn khuất xung quanh bờ, xanh rêu những mảng rong đuôi chồn.
Tất cả hối hả hốt gạo mục vào bồng. Có tiếng gạo sống vỡ rào rạo trong miệng ai? Kể không sợ tối, cho anh em dừng lại nấu cơm ăn no no một chút còn gì bằng!
Linh thân mật đưa cho Kiêu một nhúm thuốc rê. Qua hoạn nạn, người ta cũng cho qua luôn bực dọc cũ:
- Đi liền chứ anh Kiêu?
Kiêu miễn cưỡng gật đầu, quay sang san bớt gạo trong bồng Thúy. Thúy giữ lại nũng nịu không nghe. Lâu nay Kiêu vẫn thường có những chăm sóc nho nhỏ đối với cô gái có chiếc răng lẫy duyên dáng ở khóe miệng như vậy.
Cô gái vừa xốc bồng lên vai vừa cười. Mãi tới lúc này Linh mới chợt thấy cái lúm đồng tiền trên cặp má trắng xanh đó. Nụ cười tắt, cái lúm đồng tiền đầy lên, chỉ còn lại vệt nhăn li ti như chiếc cầu tre xinh xinh bắc qua ao nhỏ sau trận mưa rào đầy ắp nước. Lạ nhỉ? Cùng trên một khuôn mặt, trời lại phú cho cả hai nét duyên: chiếc răng lẫy, lúm đồng tiền. Chưa nói đôi mắt… Cô gái này tẩm bổ, nghỉ ngơi một dạo cho hồng hào lên, rồi ăn mặc đàng hoàng một chút, con gái Hà Nội mấy người theo kịp! Linh tự nhiên mỉm cười, muốn nói một câu gì song lại thôi.
Tùng đeo súng vào vai, lưng còng còng vì bồng gạo nặng, hỏi:
- Vẫn theo đường cũ, anh Linh?
Linh gật. Tùng lách lên. Linh gọi lại:
- Thôi, cứ để mình! Đeo nặng khó quan sát.
Tùng không nói, cứ vượt lên trước. Linh bám sát đằng sau. Thoáng ánh mắt Thúy nhìn theo cái dáng đi như ngựa của anh trung đội trưởng to khỏe, đẹp trai. Từ hôm xảy ra cái vụ trên sông Sài Gòn, Linh đôi lúc lại bắt gặp đôi mắt có hàng mi không dài nhưng rậm kia - đôi mắt cứ phảng phất gợi nhớ rừng chiều sâu thẳm - thấp thoáng nhìn mình. Nếu vô tình anh quay lại, hai giọt nước kia lại chao đi. Lúc này cô gái đó vừa nhăn mặt nới nới lại dây bồng vừa tiếc rẻ nhìn lại đám rong đuôi chồn. Loại rau này vớt lên, bóp kỹ, chấm nước muối ăn ghém thơm và giòn như rau muống sống chẻ nhỏ.
Linh thấy nhẹ nhõm. Gió lạnh se se. Bồng gạo có vẻ nhẹ đi, mềm vai hơn. Bàn chân bước có đà như bật trên nệm cao su. Anh ngửa mặt nhìn lên, những vòm lá đang bá vai nhau đưa đẩy rì rầm. Những cành con nghiêng ngả vào cành mẹ, nũng nịu đưa ngàn bàn tay nhỏ xíu vẫy rối rít. Dù thế nào, rừng vẫn muôn đời yên tĩnh thân yêu trước con mắt người lính…
Có tiếng ầm ì nặng nề như cối xay lúa chuyển vận trên sân gạch. Linh nhìn vào một khoảng trống trên đầu: ba vệt trắng mịn màng thẳng tắp đang vươn dài. Những cái đuôi của nó hơi lượn lờ phơ phất rồi tan dần vào da trời nõn nà xanh ngắt. Những cái đầu của nó vẫn vươn dài ra… Bỗng chân anh hơi lạng đi. Tiếp liền đó, cả đất rừng chớp giật trong những âm thanh cuồng loạn. ú… ú… ú… Doành!… ú … ú… ú… Doành! ú… Doành! Doành! Doành!… Linh vẫn đứng: B.52 đánh xa, ít nhất cũng hai tiếng đi đường.
Vừa dứt đợt, Linh hô:
- Nằm xuống!
Một trái bom cuối cùng nổ lẻ loi sát bên… An toàn. Cái đáng sợ không phải tràng bom rải như vãi đó. Biết điểm rồi, nếu không chụp trúng đầu cứ đứng tỉnh bơ. Riêng trái “mồ côi” này ưa nổ bất tử chả biết trúng đâu. Vô ý, chết như bỡn.
Chợt bước chân Linh hơi sượng. Nó đánh B.52 hướng đường mòn là ý gì? Chỉ có thể là dọn bãi đổ quân! Thôi chết! Nó đặt ổ phục kích rồi! Làm sao đây? Lui lại nằm chờ nó rút à? Trật! Không như thằng ngụy, thằng Mỹ phục dai như đỉa. Cả tiểu đoàn nóng ruột mong ngóng mấy bồng gạo này…
Cắt đường khác chăng? Càng nguy! Đoạn ấy rừng mỏng, hai bên trảng trống không. Phơi lưng ra, nó xẻo thịt ngay. Vòng đằng sau? Cũng năm ăn năm thua lắm! Biết tình hình thế nào? Chỉ còn cách duy nhất: vượt nhanh, vượt thật nhanh! Có thể bọn trắng này chưa kịp phát hiện ra mặt đường. Chúng nó còn cụm lại ăn nhậu chán chê đã.
Nghĩ vậy, Linh vượt qua Tùng, quay lại giục:
- Vượt lẹ lên, Tùng!
Tùng gật đầu, lại chạy lên trước, nhất định không chịu bỏ vị trí. Tùng đi nhon nhót, cái bồng gạo bằng pông-sô Mỹ tròn căng in hằn những hạt gạo nhảy nhảy trên lưng. Tốp người đi như chạy. Đột nhiên Kiêu gạt cây, bươn lên đầu, giật giọng:
- Đi đâu vậy? Muốn chết à?
Tùng vẫn đi. Kiêu giữ quai bồng Linh:
- Định đâm đầu vào hứng đạn hả? Đứng lại!
Linh đứng dừng, cố lấy giọng từ tốn:
- Thế anh tính sao?
- Quay lại chờ xem sao đã.
- Nằm lại là tự vẫn đó. Tắc hết đường!
- Còn hơn nộp mạng như con thiêu thân.
- Chưa chắc! Cứ dấn lên, mình sẽ sớm hơn nó.
- Không! - Kiêu gằn giọng - Cậu bướng lắm. Tôi đã bảo nằm lại!
Giọng Linh lạnh đi, cặp môi giần giật như trúng phong. Đấy là dấu hiệu anh đã nóng tới cao độ:
- Tôi thấy nên đi!
Kiêu chống tay vào hông, nói như quát:
- Ai chỉ huy ở đây, hả?
Á à! Gớm nhỉ? Tới bây giờ mới giở giọng chỉ huy! Không chịu được nữa, Linh tiến một bước tới sát mặt Kiêu, nhìn xoáy vào cặp mắt cũng đang đỏ ngầu của anh ta:
- Khi người chỉ huy tỏ ra bất lực và nhát sợ, thì quyền chỉ huy thuộc về tập thể, hiểu chưa?
Kiêu hơi nhích lùi, im lặng. Linh biết lúc này anh em đang hướng vào anh, chờ đợi ở anh. Họ biết quá rõ sự táo bạo lanh trí của người trung đội trưởng trinh sát này. Có cả ánh mắt như biết nói nhìn anh vừa khích lệ vừa lo lắng.
Tùng bật nói:
- Ở đây mà tranh luận chết cả nút bây giờ! Ai muốn mang được gạo về, theo chúng tôi! Còn ai ngần ngại, ở lại, tùy!
Nói rồi, Tùng quay lưng lại, đi liền. Linh ngạc nhiên: giọng quyết liệt gỡ thế cho anh vừa rồi là Tùng đó sao? Như cái chai đã mở nút, một hai ba… rồi cả tốp người lại bươn đi. Kiêu vẫn đứng sững, mặt tái đi, một bên gò má rung rung, cái môi mỏng mím chặt bỗng trẹo ngang thành nét cười nhạt. Anh ta cũng đi theo, tụt sau một đoạn.
Bám sát tay tiểu đội trưởng lanh lợi nhất của mình, Linh thực bụng không thấy vui gì khi được tập thể tin cậy. Anh chỉ thấy bồn chồn lo lắng. Chết chóc dẹp qua một bên, chưa tính tới. Nhưng liệu có bứt được trước nó không? Nếu chẳng may bị dính thì sao? Biết ăn biết nói thế nào? Cái miệng mỏng như lá tranh kia lại nhếch sang một bên cho coi. Phía trước, bắp chân tròn trĩnh như con gái của Tùng cứ săn lên… Đôi chân kia đêm đêm nằm tâm sự hay chòi đạp sang võng Linh, nghịch ngợm…
Tùng vào chiến trường sau Linh hai năm. Anh đang học lâm nghiệp thì xin tòng quân. Nhà một mẹ một con,
huyện khuyên ở lại. Tùng năn nỉ vòi vĩnh: “Bu nói giúp con đi, bu! Con đi ít năm lại về thôi mà! Đi trả thù cho thầy mà bu lại im lặng thế? Đấy, bu gật đầu rồi! Bu ký tên vào đấy nhé!”. Người mẹ cao tuổi ở một vùng trung du đó run run chiều ý con, rồi vào buồng trong khóc lặng lẽ…
Buổi chiều trên đồi cọ, Tùng mới cầm tay cô bạn học, rù rì nói thật. “Tôi đi, thương mẹ, thương… ấy lắm. Nhưng bọn con trai đi hết cả, làng xóm vắng teo, chỉ thấy toàn đàn bà con gái với người già, mình là con trai sức vóc thế này mà cứ đi lại nghênh ngang, ngường ngượng thế nào ý”. Cô gái có đôi mắt rợp bóng cọ ấy, lén nhét vào túi người yêu chiếc khăn màu xanh nõn chuối, chẳng nói gì… Màu xanh ấy và đôi chữ cũng xanh ấy gợi nhớ tới loài hoa thạch-tùng-xoan trung trinh trong lòng anh trai làng vừa tròn mười tám.
Buổi sớm hôm đi, Tùng bước nhanh ra khỏi ngõ. Anh không muốn mẹ già đưa tiễn. Bịn rịn lắm. Tới đầu ngõ, bỗng có tiếng người chị với theo, nghẹn ngào: “Tùng ơi! Em quay lại vực mẹ vào nhà rồi hãy đi, em ơi”. Tùng cắn chặt môi, càng đi như chạy. Mà sao nước mắt cứ ngấm ngầm trào ra… Anh biết lúc ấy chỉ cần ngoảnh đầu lại một chút thôi là sẽ không bao giờ đi nổi nữa…
Tùng có dáng người thanh, mặt mày trắng trẻo, mái tóc mềm mại như trẻ con. Mỗi khi nói cứ ngoẹo cổ ỏn ẻn như con gái: “Anh Linh lấy cho Tùng cái này… Tùng xin có ý kiến… ứ! Tùng không thích đùa thế đâu”. Anh em cứ bẹo má, gọi: “Cô Tùng”.
Khi nhận cậu văn thư tiểu đoàn mảnh mai hay hí hoáy làm thơ này vào trung đội, Linh vừa thích vừa ngại. Đêm nằm gác chân qua võng nhau, anh cứ quờ tay bẹo má, vuốt tóc Tùng như âu yếm người yêu. Song, khi vào cuộc, anh lại không dám đưa Tùng đi mũi chủ yếu. ấy vậy mà chỉ sau trận phá kho dầu đầu năm, Linh đã thấy ngán “thằng cha bạch diện thư sinh” này. Lì lợm dũng mãnh hơn bất cứ một anh nào có vóc dáng gồ ghề dữ dội nhất trong trung đội…
Nhìn cái gáy nhỏ nhắn mìn mịn đang căng ra, ươn ướt mồ hôi vì sức ghì của quai bồng, Linh xúc động nghĩ: “Tới đây, nếu rủi mình có ngã xuống, Tùng nó dư sức thay mình”.
Đã thấy loáng thoáng cái mùi là lạ, quen quen. Mùi lá cây bị xé rách, mùi diêm khét đắng, mùi đất bị băm tơi trộn vào nhau thành một thứ tanh tanh lờm lợm… Những bàn chân bước nhẹ, tránh từng chiếc lá khô. Con mắt căng ra. Nhịp thở dồn dập… Sắp tới bãi B.52 rồi! Bọn Mỹ nằm ở đâu? Bụi nào, lùm nào? Sau gốc cây hay chiếm điểm cao? Cũng có thể không có gì cả. Chiến tranh, mọi chi tiết đâu có bất di bất dịch. Nếu thế thì tuyệt quá! Chỉ tối nay là về tới “nhà”. Ra suối tắm một cái, lên “quất” một bụng cơm, rồi ngả lưng xuống võng làm một giấc sáng đêm. Ngày mai là cái gì? Kệ nó! Không cần biết. ấy, chưa! Còn phải kể nốt cho thằng Tùng nghe cái giai thoại buồn buồn về loài chim từ quy nữa chứ!…
Nhưng sao vẫn ơn ớn xương sống? Linh tính nhạy cảm không giải thích được của người lính le lói báo anh biết có cái gì đó đang chờ. Cái cảm giác ngây ngấy tê tê như sắp lên cơn sốt trước một hiểm họa trông thấy lại dấy lên trong đầu anh. Toàn bộ thần kinh, tai mắt của anh tập trung phóng về phía trước. Anh hy vọng nắm bắt được những tín hiệu rõ ràng trong chính linh cảm mình và của ngoại cảnh. Anh ngó sát sau những thân cây, dò từng bước, ngón tay cái tần mần đưa cần an toàn vào nấc liên thanh…
Rừng sáng dần… sáng dần ra. Mùi lờm lợm tanh tanh xộc mạnh vào mũi… Kia rồi! Nó kia rồi! Anh ngồi thụp xuống: một bãi đất trống hiện ra ngổn ngang. Cây cối, cỏ lác xung quanh bị phạt trụi thui lủi như vừa qua đám cháy lớn, đang còn hầm hập nóng, những thân cây to bằng hai ba người ôm, gục xuống tước xơ như cái cổ bị chặt chưa đứt, dính nhằng. ở chỗ đó nhựa vàng ứa ra sền sệt. Lá cây như có người trộn đều với đất đem băm nhỏ rải khắp bãi bom. Đó đây những cành, những gộc nằm tơi tả. Cả bãi bom chụp chói nắng. Một thứ nắng lổn nhổn đỏ sẫm như tiết. Bên kia bãi trống là ngã ba nhà lá, nơi trú chân của anh em đường thồ ngày trước. Chỗ ấy lúc này sao thấy hun hút phập phồng. Một vài chiếc lá lắt lay như con mắt xanh lè của thằng Mỹ đang dòm ngó. Những cành cây bị tiện đứt ló ra cứ ngỡ họng súng nào đang rình rập.
Phải chớp thời cơ vượt cho nhanh cái rốn tử địa này. Sang tới bên kia có địa thế hơn, rồi tính. Nín thở nghe ngóng một hơi lâu không thấy gì lạ, Linh quay lại, lào phào:
- Trinh sát theo tôi, chạy!
Anh vừa đứng lên định lấy đà, thấy có bàn tay giật áo. Anh quay lại: Năm Thúy cũng đứng lên, sửa lại quai dép. Không nói một lời, anh ấn mạnh vai bắt chị ngồi xuống. Cả tổ băng qua bãi trống. Một miếng bom bật mạnh cái cạnh sắc vào mắt cá chân anh, trầy thịt.
Chỉ còn mươi bước nữa là tới chỗ kín, bỗng bất thần như có ai “òa” mạnh trong giấc ngủ mê: một chiếc “cá rô” ở đâu đâm sầm tới. Lộ rồi! Nằm lại là chết. Chạy thí đi! Cả tổ nhào vào một gốc cây bằng lăng xù xì gần đó. Chiếc “cá rô” cười khằng khặc quẫy đuôi phóng theo. Linh quay phắt lại: may quá, tất cả vẫn còn ở bên kia! Trong giây phút ngắn ngủi ấy, Linh vẫn kịp nhìn thấy Thúy đang bíu chặt gốc cây, người co rúm lại nhìn lên chiếc “cá rô” đang lồng lộn. Chiếc Hon-đa đã sà tới, đen ngòm như cánh diều hâu. Nào, bắt đầu! Linh bỗng thấy tỉnh táo lạ lùng: tao sống mày chết, tao chết mày sống!
è… è… è… Chiếc hon đa đang siết cánh cuốn tròn quanh ngọn cây. Động cơ nổ rền rền như sấm sét giáng lên đầu. Cái bụng nó căng phình ra chứa đầy đạn. Cái đầu nó tròn thui lủi bóng cảo cứ giúi xuống tìm tòi. Toàn thân nó loang lổ màu chì như con quái vật đang rú rít trong không gian. Những con người bé nhỏ nằm hẹp ở dưới vẫn nhướng mắt nhìn lên. Cái vòng siết nhỏ dần… nhỏ dần… rồi sà xuống… Kìa, nó chúi! Cả tổ ngoắt theo Linh, chạy men theo gốc cây lớn.
ì… Xèo!… Một trái hỏa tiễn toé lửa tại chỗ Linh vừa nằm. Tốt! Quá trớn, nó kềnh càng lượn hết vòng. Kìa, nó quay lại rồi! Linh chạy ngược lại. ì… Xèo!… Đất đá văng tung toé, miếng thép cắm phùm phụp vào thân gỗ. Tốt! Trật nữa! ấy, nó nhằng trở lại! Linh cũng ngoắt sang bên. Cảo… Đùng!… Trái này nổ to quá! Vẫn chưa trúng. Chạy nhanh lên… Đùng!… Đầu kia!… Men sát gốc vào! Xèo… Tốt, nó lại nhằng. Linh ngoắt nhanh. Phụp!… Một trái hỏa tiễn lép, dài bằng sải tay, sáng loáng ngập vào thân cây đang rung lên bần bật ngay cạnh trán Linh. Anh tái mặt…
Không cắn được mồi, chiếc “cá rô” càng điên cuồng lộn quẫy trên đầu. Cành lá ngả nghiêng rung ầm ầm trong tiếng gầm lạc giọng của động cơ. ở dưới, bốn người cứ nép sát gốc cây, lúc chạy nhanh, lúc chạy chậm, lúc chạy ngược, lúc chạy xuôi, lừa nhau với nó. Cứ sau mỗi trái đạn, thân xác nặng nề của nó lại văng ra cái “rét” giống con chó dại lừa lừa cắn được một miếng lại nhảy bắn ra gầm gừ.
Bấu chặt vào gốc cây có những sống rễ thật cao như vách ngăn, Linh trừng mắt nhìn lên. Miệng hơi cười đầy thách thức nhưng đã thấy hồi hộp lắm. Nó quần lâu như vậy nhất định có lính mặt đất đâu đây! Nằm đây thêm một vài phút nữa, dứt khoát thằng “cá lẹp” sẽ nhào tới, và khi đó chỉ còn cách ngửa cổ chịu chết. Có tiếng răng va nhau lập cập đằng sau. Cậu nào run thế? Bây giờ mình chỉ buông tay ra một chút là cả tổ đi tiêu ngay.
Chiếc “cá rô” đang phóng vèo vèo bỗng đứng sững lại như chiếc ô tô phanh gấp. Toàn thân rùng rình. Nó cứ è è dao động tại chỗ rồi hạ dần… hạ dần xuống y hệt con nhặng khổng lồ đang quạt cánh đứng im, thỉnh thoảng lại giật nảy lên. Gần quá! Hai mươi mét, mười lăm, mười mét… Linh có cảm giác có thể dùng sào chọc một cái là nó rụng liền. Linh cố không chớp đôi mắt đã nhức bỏng. Lơ đãng một chút là chết với nó ngay.
è… è… è… Tiếng động cơ thuốn buốt như cứa, như giũa vào thần kinh. Linh thấy rõ cái mặt đỏ bự, bộ ngực loang lổ, cái bụng phúng phính cũng đỏ như tôm chín của thằng Mỹ đứng ở cửa sổ máy bay. Hai cánh tay u nần của nó chống vào thành cửa nhoài đầu ra ngoài, ngúc ngoắc dòm ngó. Bên dưới có một thằng cởi trần khác, toàn thân tím đen lại như hắc ín phơi dưới nắng, đang lăm lăm họng súng trong tay. Họng súng đen ngòm lừ lừ rà qua rà lại. Hết hỏa tiễn rồi. Nó sắp bắn 20 ly đây!
Linh siết mạnh báng AK. Ngon quá! Chỉ cần một phát thôi là rơi ngay. Một phát thôi, không hơn không kém. Nhưng khác nào báo động cho chúng nó kéo tới cả đàn? Còn cả đoàn người đang đứng bên kia trảng…
Một hàm răng trắng ởn nhe ra… Một con mắt đục lờ… Cùng! Cùng! Cùng! Cùng!… Những viên đạn đại liên rú lên như tiếng cười ma quái, cày tung đất, hất mạnh vào mặt mọi người. Không ăn thua. Họ đã nhảy sang kịp thân cây bên kia.
Nó hạ thấp nữa… Đầu hơi nhổng lên, đuôi vục xuống. Từ đít nó, như có gió bão gầm thét tuôn ra. Những cành bằng lăng bằng cổ tay, cổ chân vặn oằn, gãy răng rắc. Lá từ trên cao bay xuống rào rào. Lá ở dưới đất cũng cuốn lên như trong một cơn lốc lớn. Linh choáng váng mặt mày, cảm thấy cả thân cây khổng lồ đang chuyển mình quay cuồng sắp đổ ụp lên đầu anh.
Bụp! Bụp! Bụp!… Đạn vẫn găm sát người. Những mảnh vỏ bằng lăng bay ra vù vù, để lại những lỗ khoét đỏ hỏn. Thêm một họng M.79 ló ra cửa. Cái dây đạn vàng chói lên. Chúng xài M.79 đây! Không xong rồi! Chiếc “cá rô” căng tròn vẫn vè vè tại chỗ như con nhặng, thỉnh thoảng lại giật nảy lên. Hừ! Đúng là kiểu bay trước sân nhà người ta để thò tay vào rút quần, rút xu-chiêng con gái đang phơi trong nhà nghịch chơi. Muốn rút xương nhau hả? Được! Tao sẽ vít cổ mày xuống trước. Muốn ra sao thì ra. Chịu không nổi nữa rồi! Linh vùng đưa mũi súng lên.
Đột nhiên, hai chiến sĩ ngồi trước Linh, kiệt sức chịu đựng, vụt bỏ chạy. Linh thất thanh:
- Tùng! Gọi nó lại! Đằng trước có kích!
Tùng lao theo, và ngay lúc đó một tràng đạn mặt đất rống lên khùng khục. Linh tái mét mặt nhìn ra: ngay khúc đường cua, ba bóng người vật ngã sóng soài. Kịp thấy bắp chân trăng trắng của Tùng đang chòi đạp… Linh hộc lên một tiếng đau đớn, rồi không nghĩ suy gì nữa, anh đứng dậy nhằm cái miệng trắng ởn đó siết cò…
Chiếc hon đa như bị phang một cú giữa sườn, rùng mình thật mạnh rồi lạng đi. Nó cố ngóc lên, lại hẫng xuống… Lại ngóc lên. Khè… khè… Cái bụng nó thở nặng nhọc như con heo bị chọc tiết, cố bay đi một đoạn… Và cuối cùng, nó mất đà, chúi đầu xuống, ngùng ngoằng… ngùng ngoằng… rồi ộc lên một tiếng, nó quật bụng xuống đất, giãy giụa tuyệt vọng trong đống lửa.
Linh chạy ngược trở lại. Bên rìa bãi bom, Thúy đang ngồi chờ. Chị nhìn anh rưng rưng và cặp môi nhợt đi.
Mọi người lại trở về kho gạo. Mỗi người tìm một chỗ ngồi. Không ai nói với ai một lời. Kiểm lại, thiếu bốn! Cả Kiêu nữa! Có người nói khi bắt đầu đụng bãi bom, nhìn lại không thấy Kiêu đâu cả. Bom pháo như vậy chắc chạy lạc? Không lọt ổ kích cũng chết bụi chết bờ thôi.
Linh chùng vai xuống. Thúy nhìn vào anh, anh nhìn vào đồng đội, đồng đội nhìn ngang vào những thân cây. Không nói nhưng chắc anh em oán mình lắm. Mình nóng vội quá chăng? Giá cứ nằm lại, cực nhọc dăm bảy ngày có khi cũng cắt về tới nơi. Mình chỉ suy nghĩ là ở nhà đang cần gạo từng giờ. Ai dè… Anh hiểu: những cặp mắt nhìn ngang kia không có nghĩa là sợ hãi. Thiếu gì những trận giặc ác liệt hơn. Nhưng những ngày đầu ở một vùng đất xa lạ mà như thế cũng là quá sức. Lại còn con đường trước mắt nữa…
Góc kia, Thúy đang chụm lửa nấu cơm. Hàng mi rậm võng xuống. Chắc lại sắp khóc? Người con gái vùng ven ấy đang mủi lòng nghĩ tới những anh bộ đội phương xa đã ngã xuống trên quê hương mình chăng? Linh muốn nói một câu gì phá tan không khí im lặng nhưng chịu. Lòng anh cũng nặng trĩu.
Ôi! Đồng bằng! Đồng bằng!… Mới có mấy ngày mà đã uể oải quá rồi! Anh đứng dậy, lảng ra hố bom, ngồi nhìn trân trân mấy mảng rong xanh giập giờn trong lòng nước. Một vài con cá lòng tong tung tẩy vô tư. Ước gì mình cũng thanh thản như loài cá kia!
Chiều đang xuống. Rừng trở lạnh. Sương bắt đầu lẩn quất trong những vòm lá đang thẫm lại… Tùng ơi! Có ai lường trước được những điều sẽ xảy ra. Tùng có trách gì mình không? Những đêm nằm gác chân lên nhau, Tùng vẫn thường tâm sự: “Con người ta khi đã vào cuộc phải biết lạnh lùng bỏ qua những đau thương, mất mát. Nếu chẳng may ai ngã xuống trước thì người còn lại tuyệt nhiên không được để rơi một giọt nước mắt”… Biết vậy nhưng việc ấy xảy ra sớm quá, đột ngột quá! Chiều nay, người mẹ ở tận miền đồi cọ xa xôi ấy đang làm gì? Không biết mình có dịp nào về thăm bà cụ không? Còn cô gái ấy nữa! Thạch tùng xoan… Tùng ơi! Quen rồi mà cứ thấy mềm lòng… Tự dưng sống mũi Linh cay cay… Anh vụt đứng dậy. Mặt nước hố bom chao nghiêng, sóng sánh một mảng sáng còn sót lại trên đỉnh rừng. Linh vục thật mạnh đầu vào cái mảng sáng đó. Nước mát lạnh làm đầu óc anh tỉnh táo lại. Nãy giờ mình nghĩ ngợi lan man quá! Linh tự trách mình. Không hiểu Kiêu chạy hướng nào? Có cậu ta lúc này chắc mình cũng đỡ lúng túng hơn. Hồi nãy mình nóng quá! Thật ra thì cậu ấy cũng có lý…
Linh đi đến chỗ đông, cố lấy giọng bình thản:
- Tôi và hai người nữa ở lại giải quyết tử sĩ. Còn lại cắt vòng phía Chơn Thành về trước! Đồng chí Tâm xê hai phụ trách giùm tôi.
Mọi người nhìn anh không nói - còn nói gì nữa khi hiển nhiên là phải như vậy - Họ lẳng lặng bẻ lá cuộn thành phễu đi ăn cơm.
Thúy tới gần Linh, giọng xúc động:
- Anh Tám cho tôi ở lại với! Tôi có biết qua nghề thuốc. Nhỡ có anh chỉ bị thương?
Linh nhè nhẹ lắc đầu rồi quay đi giấu một cái nhăn đau đớn. Bị thương ư? Chúng nó sẽ hành hạ anh em tới chết. Con mắt thẳm sâu như rừng chiều có mưa lại ngước lên định nói một câu gì. Linh khoát mạnh tay.
Khi nắng tắt hẳn trên ngọn cây thấp nhất, họ xuất phát. Thúy đi sau cùng. Bước chân chị chậm dần, rồi ngập ngừng quay lại đến bên Linh, giúi nhanh vào tay anh lọ dầu vắt U.S:
- Ráng cẩn thận, nghe anh Tám! - Lặng đi một chút, chị nói tiếp - Nếu anh về được mà Thúy đi rồi, anh Tám nhớ nhắn một câu nghen! Hỏi phân khu ấy…
Linh ngẩng lên: chỉ thấy đôi mắt ấy vời vợi một điều gì chưa nói… Thúy chạy nhanh theo đoàn người. Anh lại cúi xuống. Công việc lấy tử sĩ đang giày vò nóng bỏng trong suy nghĩ. Mãi tới lúc nhét vịt dầu vào bao xe, anh mới thoáng thấy tồi tội thương thương cô gái mảnh dẻ ấy. Liệu có trót lọt không hay lại rơi rớt dọc đường?…

°
°    °
Tổ ở lại bám tới ngày thứ tám rồi mà công việc chưa thành. Tình hình mỗi lúc một căng hơn. Đoán biết “Vi-xi” nhất định không chịu bỏ xác, bọn Mỹ kích dài dài theo đường. Vượt qua ổ kích đầu đã hết sức gian nan, chứ chưa nói tiếp cận tới được khu ngã ba nhà lá.
Đêm thứ năm, đang khấp khởi mừng vì len lách sắp tới nơi thì bị lộ. Địch chấm clây-mo một loạt mấy chục trái, như bom B.52. Toàn bị dính miểng vào đùi. Lại trầy trật khiêng cáng nhau về. Thuốc men không, đường sữa cũng không. Chỉ có cơm gạo mục ăn lạt với rau rừng. Linh đã thấy nản lòng. Còn khỏe cả đã thấy hết xiết, chưa nói tới có chiến thương. Tình huống này dùng cả một đại đội chưa chắc đã ăn thua gì, huống hồ chỉ có hai người. Nếu anh có bỏ dở giữa chừng lúc này chắc cũng không ai dám chê trách gì. Mưa vẫn dầm dề suốt ngày suốt đêm. Uớt át thế này mấy đứa nằm ngoài ấy ra sao?
Tùng ơi, các cậu ơi! Làm sao mà bỏ nhau đi cho đành!…
Nghỉ ba ngày, Linh và Hài lại tiếp tục công việc. May quá! Chắc nằm thối đất thối cát không thấy gì, các ổ kích dọc đường đã rút hết. Không biết chỗ ngã ba chúng có rút không? Linh thận trọng dừng lại. Trời đã tối một lúc lâu. Mưa vẫn chưa dứt hạt. Bãi bom hiện ra nhờ nhờ hoang vắng như nghĩa địa. Cây bằng lăng vẫn sừng sững đứng giữa trảng. Linh thốt rùng mình khi nhìn lên ngọn cây. Tưởng như vẫn nhìn thấy con nhặng khổng lồ thỉnh thoảng lại giật nảy lên.
Linh tháo vải mưa nhét gọn vào thắt lưng. Đêm tối, tiếng ni lông cọ vào lá cây nghe như tiếng voi càn rừng. Ước gì mưa gió thật dữ vào! Gan lì đến mấy, chúng nó cũng phải co lại. Những giọt mưa nhểu xuống cổ, lọt vào lưng giá buốt. Linh cắn chặt vào ngón tay, cố nén cái lạnh đang làm anh run cầm cập như người lên cơn sốt rét. Bên cạnh anh, Hài cũng đang đánh đàn miệng. Linh siết chặt tay bạn:
- Cố lên, Hài! Đừng bỏ cuộc giữa chừng nghen!
- Anh cứ tin ở tôi. Không tìm được chúng nó… tôi không về đâu… - Hài nói khào khào, đứt quãng.
Nằm bẹp trong một hố pháo, hai người căng mắt quan sát. Không có một tiếng động nhỏ. Chúng rút thật rồi chăng? Cẩn thận. Bọn Mỹ “lết” này giỏi nằm, giỏi chịu thối lắm. Một đợt gió nhẹ thoảng qua làm cành lá rung lên xào xạc. Lúc này chẳng cần tới mưa gió nữa. Nếu tạnh ráo, chỉ nằm một chút sẽ nhận ra mùi hôi hôi khét khét của quần áo, của thuốc lá Mỹ. Và có là thánh, chúng nó cũng phải ngọ nguậy, đập gãi trong cái đêm ở rừng nhiệt đới nhiều muỗi vắt này. Vả lại gần chục đêm rồi, kẻ kiên trì nhất cũng phát nản.
Linh nhoài thêm một đoạn nữa, dán mình sau thân cây đổ. Vật gì cồm cộm dưới tay? Linh rờ rờ, bóp bóp: một hộp thịt rỗng. Anh đưa lên mũi: thơm sực cái vị ngầy ngậy, béo béo của hành, của tỏi. Nước miếng anh muốn ứa ra. Mỹ còn! Hộp mới ăn đây thôi, nếu lâu nó đã nặng mùi. Cũng có thể nó mới rút khi chiều? Coi chừng! Bọn này bây giờ ma quái lắm. Biết đâu nó giả bộ rút chốt dọc đường để nhử mình vào bẫy này chụp gọn? Mà khi chiều có nghe thấy trực thăng lên xuống bốc quân đâu?
Linh mò một hòn đất nhỏ, khẽ ném về phía trước. “Cộp!”. Im lìm. Có thể chúng tưởng trái cám bị gió rung rơi? Anh ném hòn khác to hơn. “Bịch!”. Im lặng… Bỗng có tiếng sột soạt thật nhỏ… rồi lớn dần. “Cắc!”. Một tiếng cành khô gãy gọn. Nó rồi! Chính nó rồi! Chắc có thằng đang mò ra nghe ngóng… Lại im lìm… Chút nữa nộp mạng cho tử thần…
Anh bấm Hài lui lại một đoạn, thì thào:
- Ngồi đây nhé! Có gì bắn yểm hộ. Nếu không ra được, cậu cứ nhảy trước, đừng chờ.
Anh lột hết quần áo, còn lại chiếc quần cụt cũng vén gọn lên như xi-líp. Anh ngẩng nhìn trời: mây còn nặng lắm, trời chưa trong ngay đâu. Phải bôi đậm một chút. Linh móc ra gói than trộn lá cây giã nhỏ xoa lên mặt, lên cổ, vai, ngực… Hài phụ thoa vào lưng, vào mông, bắp đùi anh… Thân thể trắng bóc trong đêm tối của Linh nhòa dần và gần như tan vào màn đất đen, màu cây rừng. Linh lấy lọ dầu lúc chiều Thuý đưa, thoa đều lên người chống muỗi. Không hiểu lúc này cô ấy và anh em đi tới đâu rồi?…
Cẩn thận bôi kỹ lại đôi gót chân còn trắng, anh trườn đi. Anh thận trọng nhích từng bước nhỏ. Thân thể là là chỉ hở một khe mỏng cho bụng đùi không nạo vào mặt đất. Chết! Cái đồng hồ mi-nơ sáng quá! Anh nghiêng đầu ghé răng cắn một chiếc lá gài lên.
Toàn thân Linh như một tảng đất mỏng từ từ trượt trên chiếc nệm lá cây rụng ẩm ướt, lạnh giá. Bàn tay anh nhè nhẹ đưa lên, đưa xuống rà dây trái. Nhất định chúng sẽ đặt trái giáp vòng. Nếu thấy động, chúng chỉ việc bấm con cóc điện là đối phương không kịp trở tay. Đây rồi! Cái dây kim loại nhỏ xíu, lạnh buốt đang rung rung trên đầu ngón tay anh. Đụng mãi rồi, nhưng sao mỗi lần đụng phải cái dây chết chóc ấy, cứ thấy gài gại sống lưng? Chỉ cần rung mạnh một chút, cái chốt sẽ tuột ra khỏi khoen nhẫy dầu và hàng ngàn viên bi sẽ nhằm ngực anh, bụng anh phóng tới với một tốc độ khủng khiếp. Đầu ngón tay Linh khẽ vuốt theo sợi dây và chạm vào một vật cứng như viên gạch cong. Mìn “mo”! Bề cong chết chóc của nó như phủ chụp lên mặt anh. Linh mắm môi nhẹ rút đôi chân mìn lên khỏi đất, rồi xoay mặt cong lại phía có tiếng rột roạt lúc nãy. ở đó hình như có tiếng nhai kẹo cao su nhóp nhép… Trúng phóc rồi! Người Linh run lên. Anh lại trôi đi… Trái nữa! mặt cong quay ngược… Trái nữa… Lại trái nữa… Toàn mìn clây-mo… Linh làm miệt mài, mồ hôi thấm vào mắt cay xè. Toàn thân nóng ran… “Tùng ơi! Các cậu ơi! Ngon rồi! Bọn nó đang ngồi kia… Những con thịt đang cụm lại. Chờ một chút nhé!”… Trái nữa… Bề cong quay hướng… Lại trái nữa… Xong rồi! Tất cả mười lăm trái. Tất cả đều hướng về nơi có tiếng rột roạt. Gần lắm!… Linh chống tay đẩy người lùi lại. Tảng đất mỏng từ từ trôi ngược. Linh tuột nhanh xuống hố pháo. Chạm hai con mắt long lanh trong bóng tối, anh ghé sát tai Hài:
- Rồi! Chuẩn bị cùng bắn nhé!
Sau một thân cây to, một nòng súng AK và một quả đạn B.40 tròn trùng trục trong bóng đêm đều găm về cùng một hướng với bề cong clây-mo.
Pằm!… Tăng… ùng!…
Màn đêm vỡ toác. Liền ngay đó, hàng loạt tiếng nổ lớn nối tiếp nhau rền lên như B52 tọa độ. Đất đảo nghiêng. Rừng bị xé tả tơi trong ánh chớp nhằng nhằng…
Ở chỗ rột roạt lúc nãy có tiếng những con thú đang rống lên man rợ. Tiếng kêu, tiếng chửi, tiếng khóc nghe nhỏ dần, rồi lịm tắt. Thỉnh thoảng tiếng nấc, tiếng hự lại bật lên, tắc nghẽn.
Cả ổ kích Mỹ bị xóa sạch bởi mười lăm trái mìn định hướng.
Khi chiếc trực thăng bốc xác đã phành phạch mỏng dần về phía thị xã, Linh và Hài bám nhanh tới ngã ba.
Những trái hỏa châu cuối cùng cũng vừa tắt. Rừng lại trở về với màn đêm bưng bít. Đêm như sâu hơn sau những tiếng động vừa qua.
Nghe như có tiếng “cá rô” đâu đây. Không phải! Tiếng vè vè nho nhỏ như có một bầy ong vò vẽ bay qua. Linh bỗng nhột người. Không phải ong mà là một bầy nhặng đang bay điên loạn. Một mùi hôi như cùng một lúc theo gió cuộn đến. Linh nín thở. Một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng anh. Hài vẫn bám sát theo sau, hơi thở phả vào gáy Linh đứt quãng. Chấm đèn ngoéo nhỏ xíu trên tay Linh run run. Linh không muốn nhìn thấy cảnh ấy, song lại muốn nhìn tất cả, nhìn thật nhanh. “Tùng ơi! Các bạn ơi! Tôi đến chậm quá! Tôi có lỗi với các bạn! Chúng nó đã làm gì các bạn trong tám ngày trời ròng rã ấy?”.
Chợt ánh đèn pin đậu lại trên một vật trắng xác. Linh giật mình đờ đẫn. Không dám nhìn lâu, Linh vội tắt đèn. “Tùng đó ư? Có phải Tùng đó không? Mái tóc mềm, cái miệng con gái xinh xinh”. Đèn lại bật lên. Có tiếng động mạnh. Linh lia đèn theo. Một con kỳ đà mầm mầm bỗng vùng bỏ chạy khỏi tử thi. Linh bước nhanh lại, quỳ xuống. Giữa miệng Tùng, một cái cọc cắm sâu lút gáy xuống đất. Linh gượng nhẹ rút hai miếng giẻ ra khỏi mũi Tùng. Chúng nó nhét hai miếng vải phiên hiệu kỵ binh bay. Linh ngồi nhìn thờ thẫn vào khuôn mặt Tùng, cố tìm lại một nét thân quen. Hai tai anh cứ ầm ù những tràng B.52 đánh xa, B.52 đánh gần…
Hài khom lưng, dùng cả hai tay rút bật cái cọc ra khỏi miệng Tùng. ở chỗ đó, một chất nước đen ộc ra… Linh luồn sợi dây võng vào chiếc thắt lưng trên bụng Tùng, buộc chặt lại. Xong xuôi, họ dòng dây ra xa một đoạn. Núp sau một ụ mối, Hài lầm lì cầm đầu dây kéo. Tử thi oặt nghiêng rồi lật hẳn lại. Uỳnh! Trái tạc đạn dưới lưng Tùng bật chốt, nổ tung. Linh nhăn mặt: “Thân thể mày còn gì nữa hả Tùng?”. Tiếng nổ của trái mìn bẫy như đã kéo anh ra khỏi những suy nghĩ nặng nề, thảng thốt, buộc anh quay về với những việc cần phải làm…
Linh rải tấm tăng đã chuẩn bị sẵn xuống đất. Hai người gượng nhẹ nhấc Tùng lên, đặt vào võng. Nhưng vừa nhấc lên, cái thân thể nặng oằn ấy chợt nhẹ bỗng trên tay Linh, rơi lả tả. Anh vội vã ngồi thụp xuống. “Xương thịt của mày đây hả Tùng? Gần chục ngày mưa gió… Những con kỳ đà đói khát… Tùng ơi! Làm sao quên được cảnh này, chừng nào mình còn sống?”. Mắt Linh ráo hoảnh. Anh run run cầm lấy cán xẻng.
Gần sáng, họ mới làm xong cả ba liệt sĩ. Đói khát, mệt nhoài. Hai người vớ được một đống đồ hộp Mỹ còn vương lại. Linh chùi chùi hai bàn tay vào cổ rồi dùng răng cạp thủng hai lỗ trên hộp sữa, ngửa cổ uống cạn một hơi. Bốc gọn số hộp vào bồng, họ quay trở lại kho gạo. ở đó chắc Toàn đang nóng lòng sốt ruột đợi hai người trở về. Toàn đã đỡ đau nhiều chưa? Chúng mình mang đồ ăn về cho cậu đây!