Chương 9
Quan án sát tìm đến miếu hoang
Ông được đàn cáo ra nghênh tiếp

    
uan án sát kéo vạt áo bỏ vào người. Ngồi trên chiếc kiệu nhỏ không có mui, ông cảm thấy khí lạnh ngoài trời thấm và da thịt. Lúc này ông đã lấy lại được dũng khí vì bài ca “Đoản khúc cáo đen” rất có thể sẽ làm bộc lộ những dấu hiệu sơ khởi rất quan trọng của vụ án phó bảng Tổng. Phiên chợ hôm nay chật ních người, các quầy hàng bán rất chạy, quang cảnh thật huyên náo nhộn nhịp. Nhưng qua khúc ngoặt đến một đường phố thiếu ánh sáng thì những người đi lại thưa dần. Hai bên đường sừng sững những cổng cao xây bằng đá xen kẽ những tường gạch kéo dài đổ nát xiêu vẹo. Nhìn dòng chữ ghi trên những chiếc đền lồng to treo ở các cổng, quan án sát càng hiểu rõ những giáo phái chính đạo của Phật đều được đề cao trong phố Đền Thờ.
Phu kiệu dừng lại trước một ngôi nhà lầu. Dừng ở ngoài đường đã có thể đọc được ba chữ lớn Đạo Tiên Nghiệm ghi trên chiếc đèn lồng toả sáng xuống khuôn cửa kép sơn đen. Quan án sát bước ra khỏi kiệu. Trong khi đó hai người phu kiệu lấy khăn lau mồ hôi nhễ nhại ở cổ và gáy.
- Các ông cứ nghỉ ở đây đợi tôi – quan án sát dặn người phu kiệu cao tuổi – tôi chỉ vào độ nửa giờ rồi ra ngay. Từ đây đến Cửa Đông đi bộ mất bao nhiêu nhỉ? – Ông nói thêm và đưa cho ông ta một món tiền thưởng.
- Đi bằng kiệu cũng phải mất khoảng nửa giờ. Nhưng nếu đi tắt thì ông có thể đến sớm hơn.
Quan án sát gật đầu. Như thế có nghĩa là chàng phó bảng có thể đi từ nhà đến miếu hoang một cách rất dễ dàng. Ông vào đền qua một khuôn cửa nhỏ để ngỏ cạnh một khuôn cổng lón. Trước mặt ông là một mảnh sân hoang vắng. Ánh sáng le lói từ sau khuôn cửa sổ của ngôi chính điện tít trong cùng hắt ra. Bên phải ngôi chính điện là một hành lang có hàng rào thưa dọc theo bức tường bao quanh khu đền. Quan án sát đi theo hành lang đó và nghĩ bụng chắc sẽ ra cửa sau của ngôi đền và từ đó cứ việc đi thẳng đến Cửa Nam. Như vậy những người phu kiệu sẽ chẳng biết ông đi đâu.
Hành lang nối vào một lối đi hẹp sau ngôi chính điện giữa hai dãy nhà ngang thấp hơn. Chắc đó phải là chỗ ở của các nhà sư. Lối đi được soi sàng lờ mờ bởi vài cây nến nhỏ gắn trên các cột nhà. Quan án sát đi nhanh đến chỗ cổng để ngỏ. Trong lúc đi ngang qua chỗ cửa sổ cuối cùng của dãy nhà ngang bên phải, ông máy móc nhìn bên trong và chợt đứng sững lại. Đầu óc ông lại mường tượng đến hình ảnh Người Đào Huyệt đang ngồi xếp chân vòng tròn trên chiếc ghế dài kê mãi tít phía trong cùng gian nhà trống và đang nhìn ông không chớp mắt bằng đôi mắt của con cóc. Ông lại gần tì tay lên thành cửa sổ nhìn vào. Nhưng ông lầm. Nhờ ánh sáng chập chờn của những cây nến bên dãy nhà đối diện, ông đã phân biệt được chiếc áo dài của nhà sư vắt lên một cái trống nhỏ trông như đầu người. Quan án sát lại đi tiếp. Ông bực bội về sự nhầm lẫn của mình: rõ ràng hình ảnh Người Đào Huyệt bí ẩn vẫn ám ảnh ông!
Qua một cánh rừng thông thưa thớt phía sau đền, chẳng mấy chốc thì ra tới một con đường cái rộng lát gạch. Cái bóng dáng cao cao của Cửa Nam đã nổi rõ trên nền trời đầy sao.
Thích thú vì thấy mưu mẹo của mình khá đạt, ông rảo bước tiến ra phía con đường cái rộng, vẫn còn đâu đó những ngọn đèn dầu run rẩy trong các hàng quán bên đường. Nhìn về bên trái thấy một vài nóc nhà lẻ tẻ tối om. Nhìn sang phía khác thấy những bãi cây thấp lè tè, có cây to bao bọc cùng với một cổng đá đổ nát. Ông định vượt qua đường cái thì xuất hiện một đoàn người cúi lom khom dưới sức nặng của những bao bì trên lưng. Họ vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Đoàn người này chắc đang rời thành phố về quê ăn Tết trung thu. Chờ cho đoàn người đi qua, quan án sát tiếp tục rảo bước, nghĩ bụng không biết vách đá Lục Bảo Ngọc quan tri huyện chọn làm nơi mở tiếc tối mai ở về phía nào. Chắc là ở đâu đó trong những dãy núi phía Tây thành phố. Nhìn lên trời mảnh trăng thu sáng vằng vặc không một gợn mây che khuất. Trước mặt, phía bên kia con đường là rừng cây trải ra thành một vệt dài đen sẫm, trông có vẻ hơi hấp dẫn. Ông vào cửa hàng tạp hoá mua một chiếc đèn bão nhỏ rồi vượt qua đường cái. Giờ thì trước mặt ông chỉ còn trơ lại hai cái cột đá của khuôn cổng đã cũ kỹ lâu đời. Ông soi đèn vào cột đá bên trái thấy có một đống quả tươi và một bát bằng đất nung đựng đầy gạo trên phủ lá cây sơ sài. Những đồ cúng này chứng tỏ đây là cổng vào khu miếu hoang.
Quan án sát phải dùng cả hai tay để gạt các cành cây mọc chằng chịt phủ kín lối mòn. Qua chỗ rẽ thứ nhất, ông dừng lại giắt các vạt áo dài vào cạp quần, vén cao tay ống áo thụng. Đoạn ông tìm trong các bụi cây lấy một cái gậy thật chắc dùng nó gạt các cây cỏ gai mọc hai bên lối đi và cứ thế lần theo con đường mòn quanh co. Xung quanh, mọi thứ đều im phăng phắc. Thật là một cảnh tượng hoang tàn đến kỳ lạ, không có cả tiếng chim đi ăn đêm! Chỉ có tiếng ve sầu rền rĩ và đôi lúc có tiếng gió lao xao trong các bụi cây làm khuấy động không gian tĩnh mịch. Cô bé vũ nữ ấy dũng cảm thật! Ông lẩm bẩm “chỗ này rõ ràng là đáng sợ”!
Đột nhiên ông đứng phắt lại tay nắm chặt chiếc gậy. Ông vừa nghe thấy một tiếng động ở đâu đó trong các bụi cây trước mặt. Lập tức hai đốm xanh lè xuất hiện như hai con mắt mở thao láo nhìn ông chỉ cách độ hai bước chân. Ông vội cúi xuống nhặt hòn đá ném mạnh vào đấy. Hai chấm sáng vụt tắt. Khắp xung quanh các lùm cây rung động dữ dội. Sau đó tất cả lại trở lại yên tĩnh. Như vậy ở vùng này chắc phải có rất nhiều cáo, nhưng cáo không bao giờ tấn công người. Nghĩ thế quan án sát thấy hơi yên tâm. Có lần ông nghe người ta nói trường hợp loài cáo bị bệnh dại không phải hiếm và khi một con cáo mắc bệnh dại có có thể cắn bất cứ cái gì nó bắt gặp, ông lại rối trí. Ông bỏ mũ ra cầm ở tay và cay đắng nghĩ cuộc mạo hiểm ngắn ngủi tay không tấc sắt của ông bỗng chốc rất có thể hoá thành một hành động nhẹ dạ và liều lĩnh. Giá lúc này có thanh kiếm hay một ngọn giáo ngắn thì tốt biết mấy. Dù sao những mảnh xà cạp bằng dạ rất dày quấn ở cổ chân cũng bảo vệ được cặp giò của ông và ông vẫn có thể cứ tiếp tục cuộc mạo hiểm.
Chẳng mấy chốc lối mòn quang dần. Qua khoảng trống giữa các thân cây, ông nhìn thấy một vùng đất rộng bao la, hoang vắng như một nghĩa địa, ảm đạm nằm bất động dưới ánh trăng bạc. Ông bắt đầu đi ngược lên một đoạn đường dốc thoai thoải cỏ mọc lút đầu người, đây đó rải rác những tảng đá phủ rêu. Đoạn đường dốc này dẫn ông đến ngôi miếu bỏ hoang đổ nát điêu tàn, nhìn xa như một đống đen sì to lù lù. Dãy tường bao bọc khu miếu đã sụp nhiều chỗ, những chỗ còn lại thì xiêu vẹo trông rất nguy hiểm. Đi được độ nửa đoạn dốc chợt có một bóng đen nhảy vụt lên lù lù bám vào tảng đá. Quan án sát phân biệt được khá rõ hai cái tai nhọn và cái đuôi xù lông. Trong bóng tối chập choạng, hình con vật to lên một cách kỳ lạ. Ông dừng lại hồi lâu rồi nhìn quang cảnh đổ nát âm u, không có dấu vết của sự sống con người, rồi lại tiếp tục vừa thở hổn hển vừa leo lên đoạn đường dốc ngoằn ngoèo luồn lỏi qua những tảng đá được thiên nhiên gọt đẽo một cách vụng về. Đến chỗ tảng đá con cáo ngồi, ông vung mạnh chiếc gậy, con vật tụt nhanh xuống đất bằng một cái nhảy duyên dáng và thoắt biến vào trong đêm tối. Khắp nơi, những đám cây thấp, những bụi cỏ rung rinh chứng tỏ không phải chỉ có một con cáo.
Đến cổng miếu, quan án sát dừng lại quan sát mảnh sân con trước mặt bừa bộn những thứ đổ nát, những khúc cột gãy đổ rụi xuống chân tường và một mùi các chất thối rữa phảng phất trong không khí. Tít trong xó, nổi bật lên một pho tượng con cáo to bằng thật ngồi trên bệ bằng đá hoa. Những mảnh quần áo rách bươm xung quanh cổ pho tượng là dấu hiệu duy nhất báo sự có mặt của con người. Ngôi miếu hình vuông xây bằng gạch có một tầng gác. Tất cả đều đen ngòm và phủ kín dây trường xuân. Góc miếu bên phải có một mảng tường bị đổ. Phần mái chỗ đó xệ xuống trông rất nguy hiểm. Rất nhiều ngói tụt thành đống trên mặt đất chỉ còn trơ trụi những thanh xà đen đủi của bộ khung mái. Quan án sát bước lên ba bậc đá hoa. Ông gõ chiếc gậy vào cánh cửa cài then gỗ, lập tức một tấm gỗ lâu ngày đã mục rụng xuống đánh rầm! Tiếng động vang dội trong đêm tối cô tịch. Ông lắng tai nghe ngóng, bên trong vẫn im phăng phắc. Ông đẩy cánh cửa bước vào trong miếu. Từ bên gian trái, một thứ ánh sáng lờ mờ hắt sang. Quan án sát đi lại chỗ có ánh sáng và lập tức đứng sững lại: Trước mặt ông, dưới ánh sáng của cây nến cháy leo lét trong hốc tường hiện ra một hình người cuốn trong mớ giẻ bẩn thỉu nằm đó. Đầu là chiếc sọ người trắng hếu đang giương hai hốc mắt sâu hoắm nhìn ông:
- Thôi đi, đừng làm trò trẻ con nữa! – Ông điềm nhiên nói như hạ lệnh.
- Hừ, sao ông không kêu thét lên rồi vắt chân lên cổ mà chạy nhỉ?
Một giọng nói nhỏ nhẻ cất lên ngay sau lưng quan án sát. Ông từ từ ngoái cổ lại và thấy mình đứng gần một người con gái nhỏ nhắn mặc phong phanh độc một tấm áo cánh rộng lùng thùng bằng vải thô và một cái quần đã cũ rách xơ cả sợi. Cô gái có khuôn mặt đẹp nhưng không một chút cảm xúc nếu như không kể đến nỗi sợ hãi đang hiện rõ trong đôi mắt to của cô. Tuy nhiên một mũi dao nhọn đang ấn vào sườn quan án sát mà người cầm dao không có gì là run tay.
- Bây giờ tôi buộc phải giết ông! – Cô gái nói thêm vẫn bằng cái giọng êm như lúc mở đầu.
- Ôi con dao của cô đẹp quá! – Quan án sát bình tĩnh nói. – Ánh thép của nó xanh biếc kìa!
Cô gái vừa cúi xuống nhìn con dao thì nhanh như cắt quan án sát đã buông gậy nắm chặt lấy tay cô.
- Đừng có làm bậy Hoàng Liên! – Ông nói to – Tiểu Phượng dẫn tôi đến đây và tôi đã gặp Tống.
Cô gái lắc đầu cắn môi.
- Tôi nghe đàn cáo của tôi chạy nhốn nháo cứ ngỡ là Tống đến. – Mắt cô gái nhìn rất lâu vào hình nộm xương người. – Tôi nhìn thấy ông từ lúc ông đang lên dốc và tôi chạy đi thắp cây nến này cho người tình của tôi.
Quan án sát buông tay cô gái.
- Ở đây có chỗ nào ngồi được không, Hoàng Liên? Tôi muốn nói với cô một đôi điều.
- Không nói chuyện, không chơi bời gì hết, – cô gái nghiêm nghị trả lời. – Người tình của tôi hay ghen lắm.
Cô gái nhét con dao vào ống tay áo và đi về phía hình nộm nằm trên chiếc ghế dài.
- Em không cho ông ấy đùa với em đâu. Em hứa như vậy, anh yêu quý ạ. – Cô gái vừa thủ thỉ vừa sửa lại tấm vải liệm rách mướp phủ trên bộ xương người.

Hình 5. Quan án sát ở miếu Cáo Đen
Sau khi âu yếm vuốt ve cái sọ trắng hếu, cô gái cầm lấy cây nến trong hốc tường rồi lặng lẽ đi qua cái cửa tò vò trước mặt.
Quan án sát đi theo cô gái đến một gian buồng nhỏ hẹp sặc mùi ẩm mốc. Cô gái gắn cây nến trên mặt bàn làm bằng mấy mảnh ván mộc ghép lại với nhau và ngồi xuống chiếc ghế thấp bằng tre. Trong buồng ngoài chiếc ghế đẩu bằng song, không còn một thứ đồ đạc nào khác nữa. Nhưng trong xó buồng có một đống giẻ rách chắc là chỗ ngủ của cô gái. Bức tường phía trong cùng bị đổ một mảng trần cao. Mái ở chỗ đó sệ xuống. tụt hết ngói lộ ra một khoảng trời. Dây trường xuân mọc lan tràn trên chỗ tường bị đổ rũ xuống như một bức tường dày đặc phủ kín những viên gạch trần. Lá rụng thành từng lớp dày trải khắp nền nhà, trên đó lại một lớp bụi phủ kín.
- Ở đây nóng lắm! – Cô gái cởi phăng tấm áo cánh ra, than phiền.
Cô ném áo vào đống giẻ rách trong xó buồng. Đôi vai tròn lẳn và bộ ngực đẹp nở nang cáu bẩn. Quan án sát lay thử chiếc ghể đẩu trước khi ngồi xuống. Mắt cô gái nhìn thẳng phía trước mặt, tay lúc nào cũng ôm ngực. Gian buồng thì lạnh nhưng trên ngực cô gái và cặp vú mồ hôi vã ra kéo theo lớp bụi ghét thành một thứ nước nhờ nhờ đen chảy ròng ròng xuống bụng. Mái tóc rối bù và lấm bê bết được buộc túm lại bằng một mảnh giẻ đỏ.
- Người tình của tôi trông có vẻ gợi cảm không hả ông? – Cô gái đột nhiên hỏi quan án sát. – Anh ấy rất đẹp trai, không bao giờ để tôi ở đây một mình, lúc nào cũng chịu khó nghe tôi nói. Anh ấy không có đầu, khổ thân anh ấy! Thế là tôi cố tìm cho anh ấy một cái sọ to nhất, tuần lễ nào cũng thay áo dài mới cho anh ấy. Áo dài tôi đào ở sân sau chỗ kia kìa. Có nhiều sọ người và xương người lắm… có cả mảnh vải rất đẹp. Sao tối nay Tống không đến nhỉ?
- Anh ấy bận lắm. Anh ấy nhờ tôi đến nói với cô…
Cô gái chậm rãi lắc đầu:
- Tôi biết rồi. Anh ấy phải làm nhiều việc do anh ấy tự chọn. Việc xảy ra từ lâu lắm. Mười tám năm rồi, anh ấy nói với tôi như thế. Nhưng đứa giết bố anh ấy còn sống. Nó đang ở đây. Nếu tìm được anh ấy sẽ chặt đầu, sẽ đưa nó lên giá treo cổ.
- Tôi cũng đang đi tìm nó đây cô Hoàng Liên ạ. Cô thử nói tên nó cho tôi nghe xem nào. Cô đã biết tên nó chưa?
- Tên nó à? Tống còn chẳng biết nữa là tôi, nhưng anh ấy sẽ tìm ra. Nếu ai giết bố tôi, tôi cũng…
- Tôi cứ tưởng cô mồ côi cha mẹ?
- Không phải thế. Bố tôi vẫn đến đây thăm tôi đấy. Ông ấy đẹp lắm. Nhưng… tại sao ông ấy lại giấu tôi nhỉ? – Cô ngơ ngác hỏi bằng một giọng sợ sệt. Thấy mắt cô gái chợt bừng sáng lên biểu hiện của một cơn sốt rét, quan án sát dịu dàng an ủi:
- Cô nhầm rồi. Tôi tin rằng bố cô không đời nào lại lừa dối cô.
- Có đấy. Ông ấy bảo nhất thiết ông ấy phải che kín mặt vì mặt ông ấy xấu lắm. Nhưng Tiểu Phượng đã nhìn thấy mặt ông ấy lúc buổi tối ông ấy ra khỏi đây. Tiểu Phượng lại nói ông ấy không xấu một tí nào. Tại sao ông ấy lại không muốn tôi nhìn mặt ông ấy nhỉ?
- Mẹ cô đâu, Hoàng Liên?
- Bà ấy chết rồi.
- À phải… Thế thì ai nuôi cô? Bố cô à?
- Không, bác gái tôi. Bà ấy đối xử với tôi không tốt. Bà ấy giao tôi cho những người độc ác. Tôi phải trốn đi. Nhưng họ vẫn đến đây tìm tôi đấy, ban ngày có hai người đến. Tôi trèo lên mái nhà mang thật nhiều xương người, sọ người ném xuống. Họ sợ chạy biến mất. Ban đêm lại có ba người nữa đến. Nhưng mới nhìn thấy người tình của tôi nằm kia họ đã sợ hết hồn, vừa chạy vừa la. Có một người vấp phải đá ngã gãy chân đấy!
Cô gái cười khanh khách. Tiếng cười vang cả gian buồng trống trải. Chợt có cái gì sột soạt trong đám dây trường xuân, quan án sát quay lại. Ông nhìn thấy bốn năm con cáo bám trên chỗ tường vỡ thò đầu nhìn vào. Mắt chúng xanh lè.
Ông quay về phía cô gái lúc này đang gục mặt vào hai bàn tay, toàn thân run bắn, mồ hôi trên vai vã ra như tắm.
- Anh Tống nói với tôi anh ấy đến đây luôn, có ông Minh buôn trà cùng đi. – Quan án sát nói với một giọng vồn vã.
Hai cánh tay Hoàng Liên buông thõng:
- Ông buôn trà à? – Cô hỏi – Tôi chẳng uống trà bao giờ, chỉ uống nước giếng thôi. Bây giờ thì không thích uống… À phải rồi! Anh Tống bảo anh ấy ở nhờ nhà của ông buôn trà. Phải rồi (Cô gái ngừng một lúc, thừ người suy nghĩ rồi từ từ nhếch mép cười). Cách đây ít ngày tối nào Tống cũng đến. Lũ cáo của tôi thích nghe tiếng nhạc. Chúng mến anh ấy lắm. Anh ấy bảo anh ấy sẽ đưa tôi đến chỗ tốt đẹp hơn. Ở đấy có dàn nhạc cho tôi nghe suốt ngày. Nhưng anh ấy dặn tôi đừng nói với ai vì anh ấy bảo anh ấy không thể lấy tôi làm vợ. Tôi chỉ trả lời rằng tôi không bao giờ đi khỏi đây, tôi cũng không lấy chồng, muốn ra sao thì ra. Tôi đã có người tình của tôi. Tôi không bao giờ rời người tình của tôi, không bao giờ!
- Tống chưa bao giờ nói với tôi về bố anh ấy.
- Đúng rồi! Bố bảo tôi đừng nói gì về bố tôi với bất cứ ai. Vậy mà tôi lại nói với ông rồi đấy!
Cô gái ném về phía quan án sát một cái nhìn hoảng hốt, tay rờ lên cổ.
- Sao cổ tôi khó nuốt… Tôi nhức đầu, đau ở cổ họng. Càng ngày càng đau… – Cô gái nói thêm, hai hàm răng va vào nhau lập cập.
Quan án sát đứng lên, nghĩ bụng cần phải đưa cô gái đi nơi khác càng nhanh càng tốt. Cô đang bị ốm nặng.
- Tôi sẽ báo cho Tiểu Phượng biết cô đang ốm. Ngày mai chúng tôi sẽ đến thăm cô. Thế bố cô không đưa cô về sống với ông ấy à?
- Không! Không hiểu tại sao! Ông ấy bảo tôi ở đây để chăm sóc người tình và lũ cáo thì tốt hơn.
- Dù sao thì cũng phải đề phòng. Chúng có thể cắn cô…
- Sao ông lại nói như vậy! – Cô gái giận dỗi ngắt lời quan án sát. – Đàn cáo của tôi không đời nào cắn tôi. Nó còn đến đây ngủ với tôi ở chỗ kia kìa, góc buồng ấy, nó liếm mặt cho tôi. Thôi ông đi đi, tôi không thích ông nữa!
- Tôi yêu loài thú lắm cô Hoàng Liên ạ. Nhưng nó cũng bị ốm, cũng bị bệnh như ta. Nếu chúng cắn phải cô, cô cũng bị ốm theo. Thôi mai tôi sẽ đến. Chào cô nhé!
Cô gái theo ông ra tận sân trước. Đến chỗ có pho tượng cáo, cô trỏ tay vào pho tượng rụt rè hỏi:
- Tôi muốn lấy chiếc khăn quàng cổ đẹp kia tặng cho người tình của tôi. Làm thế con cáo nó giận không hả ông?
Quan án sát suy nghĩ về câu hỏi. Ông quyết định làm cho cô gái giữ nguyên ảo tưởng coi hình nộm là người giữ gìn sự yên ổn cho cô ở chốn này. Ông trả lời:
- Tôi nghĩ con cáo sẽ điên lên vì tức giận. Tốt hơn hết là cô đừng lấy cái khăn của nó.
- Cảm ơn ông. Tôi sẽ làm cho người tình của tôi một cái kim cài áo măng tô vậy, bằng những trâm bạc cài tóc mà Tống hứa tặng tôi. Mai ông bảo anh ấy mang đến đây cho tôi có được không hả ông?
Quan án sát nhận lời rồi bước qua khuôn cổng đổ nát. Trên cánh đồng hoang lấp lánh dưới ánh trăng, ông không còn trông thấy bóng một con cáo nào nữa.