Chương 12
Tri huyện Lã lâm vào cảnh bị di luỵ nghiêm trọng
Nơi cầu thang tăm tối làm sáng tỏ tình thế bi đát

    
uan án sát đến ngồi xuống chiếc ghế trước mặt người bạn đồng nghiệp, lặng lẽ nói;
- Tình thế khó mà có trường hợp nào tồi tệ hơn. Không dễ chịu gì cái việc người ta giết nhau ngay trong nhà mình. Đành rằng thế nhưng đôi khi cũng khó tránh. Về những nguyên nhân dẫn đến vụ giết người tàn bạo này, đệ xin có một đề nghị là quan bác nên lưu tâm tìm hiểu thêm người nhạc sĩ thổi sáo mà đệ vừa đến gặp ông ta. Ông ta có nói với đệ một câu rằng Tiểu Phượng đã vượt lên đến trình độ bậc thầy về nghệ thuật điều khiển khách hàng của cô ta. Một cô gái chuyên dùng những thủ đoạn lẳng lơ để khêu gợi đàn ông rồi đến phút quyết định thì cho người ta ra rìa, cô gái ấy rất có thể tạo ra những kẻ thù bám theo mình một cách dai dẳng. Giả sử có một kẻ trong số những kẻ thù ghét cô gái, đã trà trộn vào đám người tiếp tế thực phẩm mà không bị phát hiện. Hắn đã lần theo cái cầu thang tối om trước cửa ra vào kia để đột nhập vào buồng của Tiểu Phượng.
Quan tri huyện hầu như không nghe quan án sát nói gì. Tuy nhiên khi quan án sát nói hết câu, ông ngẩng đầu lên và nói bằng một giọng mệt mỏi:
- Cái cửa ra vào dưới chân cầu thang ấy vẫn đóng kín từ khi tôi về đây ở. Các bà vợ tôi không phải bà nào cũng đều ngoan ngoãn dễ bảo cả đâu ông ạ. Nhưng còn lâu tôi mới để cho các bà ấy sử dụng cái cầu thang bà quận chúa!
- Cầu thang bà quận chúa? Trời ơi, thế là thế nào?
- À, thì đúng như vậy chứ sao! Chỉ tại ông không chịu đọc các bài thơ hiện đại đấy thôi! Này nhé! Cách đây hai mươi năm, ông hoàng thứ chín tham lam đã từng ở đây. Ông ta không chỉ là một kẻ phản nghịch mà hơn thế nữa, còn là một anh chàng hoàn toàn phụ thuộc vào vợ. Người ta nói rằng ông ta bị bà vợ cằn nhằn thôi thúc dữ quá nên cuối cùng mới liều mạng bằng cuộc nổi dậy tệ hại ấy! Chính bà vợ ông ta đã nấp sau tấm màn che của phòng tiệc để điều khiển mọi việc của chồng. Bà ta cho xây gian buồng hẹp sau phòng tiệc và cả cái cầu thang nối vào hành lang, thẳng đến dãy nhà của các phu nhân. Thời ấy cũng có một tấm màn rộng căng ở cuối phòng tiệc như bây giờ. Trong các buổi chầu, khi ông hoàng bước lên chiếc ngai kê sát tấm màn, thì bà vợ của ông ta cũng vào gian buồng hẹp ngồi sau tấm màn để xem ông ta nói gì. Nếu bà ta đập vào tấm màn một cái, ông hoàng biết mình phải trả lời không, đập hai cái trả lời có. Câu chuyện ấy trở thành giai thoại nổi tiếng. Cho đến ngày nay người ta vẫn còn dùng rất phổ biến trong văn học với câu thành ngữ: “Cầu thang bà quận chúa” để chỉ những anh chàng cù lần sợ vợ.
Quan án sát gật gù:
- Nếu tên giết người không thể vào buồng bằng cái cầu thang thì nó vào bằng lối nào để…
Quan tri huyện lắc đầu thở dài buồn bã:
- Ông có mắt mà chẳng nhìn rõ, ông Địch ạ! Thủ phạm là cái cô thi sĩ làm cho người ta chưng hửng ấy chứ còn ai vào đây nữa. Thật quá rõ ràng!
- Không thể như thế được, bác Lã ạ! – Quan án sát rướn người trên ghế, bác ý kiến của quan tri huyện. – Quan bác muốn nói bà Dược Lan đã vào buồng trong lúc cô vũ nữ…
- Trời ơi! – Quan tri huyện khẽ kêu lên. – Thực ra cô ta rất có thể làm như vậy. Chắc chắn… Nhưng cô ta làm thế để làm gì? Hả trời!… Ông đã đọc bản tóm tắt tiểu sử của Dược Lan rồi chứ gì? Tôi nghĩ những sự việc tôi viết ra đã khá rõ. Vì cô ta không còn chịu đựng nổi cánh đàn ông nữa cho nên chỉ mới thoạt nhìn thấy Tiểu Phượng là mê ngay. Tôi thấy hơi kỳ cục là cô ta đã khởi xướng ra cái việc đưa cô vũ nữ vào văn phòng của tôi và cái giọng cô ta lúc nào cũng “em yêu quý”! Tối hôm ấy cô ta đến phòng tiệc rất sớm để giúp cô vũ nữ sửa soạn. Giúp sửa soạn chỉ là cách nói, chứ thực ra cô ta líp ở trong buồng đến hơn nửa tiếng đồng hồ chắc chắn là để quyến rũ cô gái và đã bị cô này cự tuyệt và doạ đưa ra tố giác. Vì thế ngay trong thời gian đầu của bữa tiệc cô ta đã sắp đặt kế hoạch để khử cô vũ nữ một cách êm thấm nhất.
- Chỉ vì lý do đơn giản sợ cô vũ nữ tố giác thôi à? – Quan án sát sửng sốt hỏi quan tri huyện. – Dược Lan không còn đam mê gì nữa. Trước kia bà ta đã say mê thoả thích… (quan án sát chợt gõ tay lên trán). Xin lỗi bác Lã, tối nay đầu óc đệ hoàn toàn mụ mẫm, chẳng hiểu tại sao! Trời cao đất dày ơi! Một vụ phát giác đang có nguy cơ đẩy Dược Lan lên giá treo cổ. Bà ta đã bác bỏ được những lời làm chứng của cậu nhân tình đứa ở gái bị giết, và làm nghiêng cán cân về phía…
- Phải! Câu chuyện buộc cô ta phải rời bỏ Tế Xuyên đã được ỉm đi một cách có hiệu quả. Sở dĩ như vậy là vì cô con gái ít tuổi, con ông quan tri phủ nọ đã không thể đưa ra những bằng chứng về việc mình tố giác. Nhưng ông thử hình dung một chút xem, một đứa con gái mới lớn ra trước toà, lấy mình làm bằng chứng trực tiếp với tất cả những chi tiết bỉ ổi, chỉ tổ làm hại đến thanh danh của chính mình mà thôi. Lần này lại một chuyện như thế xảy ra ngay bên bàn tiệc! Câu chuyện Dược Lan chỉ một lần này là chấm dứt! Nữ thi sĩ đang trong tình thế tuyệt vọng. Nhưng cũng không bi đát bằng tôi hiện giờ, ông ạ. – Quan tri huyện đưa bàn tay mũm mĩm lên xoa mồ hôi xâm xấp trên mặt nói thêm. – Chừng nào tôi còn làm quan tri huyện tôi còn quyền giữ tại nhà tôi một bị cáo đi qua địa hạt mình. Dĩ nhiên tôi phải bảo lãnh bị cáo bằng giấy tờ với chữ ký của tôi hẳn hoi. Bây giờ cô ta gây thêm một vụ án mạng cùng loại với vụ cô ta đang bị truy tố! Đàn bà mới táo tợn làm sao! Cô ta định chờ đợi tôi che chở cô ta bằng cách tố cáo một người trong những vị khách nổi tiếng của tôi sao! Như thế sẽ cứu vớt được tính mệnh cô ta và cả tôi nữa hay sao? Cô ta lầm rồi!
Quan tri huyện trút một tiếng thở dài và nói tiếp bằng giọng bi đát:
- Rủi quá ông Địch ạ! Sau khi tôi đệ trình cái sự kiện làm mất thể diện này, triều đình sẽ cách chức tôi và sẽ truy hình sự về tội thiếu trách nhiệm, chểnh mảng với công việc. Tôi sẽ bị kết án và phải lên vùng biên giới làm khổ sai. Tôi nghĩ tôi mời người đàn bà ấy đến đây là mong được những người tai to mặt lớn ở kinh đô hoan nghênh và để bày tỏ một cử chỉ thân tình của cá nhân tôi đối với nhà nữ thi sĩ nổi tiếng đang lâm cảnh nguy khốn!
Quan tri huyện rút trong ống tay áo ra một chiếc khăn tay lớn lau mồ hôi trên mặt.
Quan án sát ngồi chiễm chệ trên ghế tựa, tay mân mê cặp lông mày rậm. Bạn ông đúng là đang lâm vào hoàn cảnh hết sức tồi tệ. Về phương diện nào đó nhất định ngài viện sĩ có thể giúp ông ấy, chẳng hạn, viện sĩ có thể dùng uy tín của ngài để xin với triều đình cho xử kín ở kinh đô và xử nhanh không để kéo dài…
- Nữ thi sĩ có nói gì về sự việc xảy ra không? – Ông lấy lại bình tĩnh và hỏi quan tri huyện.
- Cô ta ấy à? Cô ta bảo khi vào buồng, thấy trên người cô vũ nữ có máu, vội chạy lại nắm vào vai cô nàng để xem bị thương thế nào. Nhưng khi biết là cô vũ nữ đã chết thì cô ta cuống cuồng chạy ra chỗ chúng ta kêu cứu. Hiện giờ cô ta đang nằm trong phòng bà vợ cả tôi và đang được bà ấy hồi sức bằng khăn mặt tẩm nước lạnh hoặc bằng bất cứ cái gì bà ấy có thể làm được.
- Cô ta không nhận xét gì về thủ phạm ư?
- Ồ, có chứ! Dược Lan thoáng gợi ý tôi về điều mà người nhạc sĩ thổi sáo cũng đã nói với ông. Cô ta đã quả quyết rằng Tiểu Phượng là một đứa con gái trong sạch. Chính vì vậy mà những người độc ác và rất độc ác để ý căm ghét con bé. Nữ thi sĩ khẳng định một người đàn ông nào đó hâm mộ Tiểu Phượng bị cô gái cự tuyệt. Hắn mất thể diện nên rắp tâm giết chết để trả thù. Nữ thi sĩ cho như vậy âu cũng là một cách giúp cho cô gái không bị rơi vào tay thằng cha nhỏ nhen kia! Khi từ giã Dược Lan, tôi không bình luận một lời nào, chỉ yêu cầu cô ta lúc này nên giữ kín sự việc.
- Nhân viên khám nghiệm báo cáo thế nào?
- Chẳng có gì khác hơn những điều ta đã biết hoặc đã phán đoán, ông Địch ạ. Ông ta khẳng định cô gái mới bị giết mười lăm phút là cùng và ông ta cho biết thêm cô gái vẫn còn trinh tiết. Nhưng cái đó chẳng làm tôi xúc động. Cái mặt thì gãy, cái ngực thì lép. Có hai người nhìn thấy Tiểu Phượng trước lúc xảy ra sự việc. Đó là hai cô vũ nữ mang nước trà và bánh ngọt vào cho Tiểu Phượng khi hai cô này thu dọn tư trang để trở về phòng khách Bích Ngọc. Các cô ấy bảo Tiểu Phượng lúc ấy trông rất tươi tỉnh.
- Các gia nhân có ai nói gì không? Và các nhạc công?
- Ông vẫn nghĩ đến cái tên lạ mặt chúng ta giả thiết ấy à? Không hy vọng gì đâu! Tôi cùng với ông cố vấn của tôi đã hỏi suốt lượt không chừa một ai. Các nhạc công ngồi ở trong phòng của họ xem pháo hoa, không ai ra ngoài trong suốt thời gian đốt pháo hoa. Đám gia nhân nhan nhản khắp nơi trong cầu thang chính và ở mỗi đầu ban công. Cái tên lạ mặt của ông không thể leo lên cầu thang mà không bị phát hiện. Tôi đã hỏi tất cả mọi người xem có ai quen biết cô vũ nữ không. Tóm lại không còn ai là tôi không hỏi. Cô gái ấy vẫn còn trinh, ông nên nhớ điều đó. Hơn nữa cái kéo là thứ vũ khí sở trường của phái yếu. Đó là việc khó phải không? Khó không chê vào đâu được! – Quan tri huyện nắm tay đấm xuống mặt bàn kết luận. – Trời ơi, việc này rồi sẽ ra sao đây. Một sự kiện có tính chất quốc gia đại sự! Thật khốn khổ thân tôi. Đây là sự kết thúc nhục nhã của một cuộc đời đầy hứa hẹn!
Quan án sát ngồi lặng lẽ vuốt chòm râu mà tư lự. Lát sau ông lắc đầu hoài nghi.
- Còn một khả năng nữa bác Lã ạ. Nhưng sợ nói ra quan bác phật ý.
- Này, ông mà nói thế thì thiên hạ sẽ chẳng còn ai coi ông là người đặc biệt làm tôi vững tâm đâu, tiên sinh ạ. Người ta nói tôi là kẻ sắp chết đuối lại vớ được cái cọng rơm!
Quan án sát chống khuỷu tay lên bàn nói:
- Chỉ còn ba đối tượng cần xem xét. Đó là ba vị khách đáng kính của quan bác!
Quan tri huyện giãy nảy:
-Tối nay có lẽ ông uống quá chén rồi đấy, ông Địch ạ!
- Cũng có thể. Nhưng đệ vẫn nghĩ đến khả năng đó. Quan bác thử nhớ lại lúc chúng ta đứng xem pháo hoa ở ngoài hiên. Quan bác có nhìn thấy đệ đứng ở chỗ gần lan can không? Nữ thi sĩ đứng bên trái đệ, còn quan bác thì đứng bên bà ta. Xa hơn một chút là viên cố vấn và viên giám quận của quan bác. Ngoài ra mặc dầu cảnh đốt pháo hoa rất hấp dẫn nhưng thỉnh thoảng đệ vẫn để ý quan sát chung quanh và đệ biết trong ba người chúng ta không ai rời khỏi bao lơn. Nhưng đệ không để ý nhiều đến ông Triệu, ông Trương và Người Đào Huyệt. Ba người này có đứng sau lưng chúng ta thì phải. Đệ nhìn thấy ông viện sĩ một lần lúc bắt đầu đốt pháo hoa và một lần khi kết thúc pháo hoa đúng lúc ông ấy đang từ đâu đi lại chỗ ông Trương và Người Đào Huyệt. Quan bác có nhìn thấy các ông ấy lúc đang đốt pháo hoa không?
Quan tri huyện đang bước những bước dài trong phòng nghe quan án sát hỏi, ông đứng sững lại quay về ghế của mình ngồi xuống:
- Lúc bắt đầu pháo hoa ông thi sĩ triều đình đứng sau tôi. Tôi định nhường chỗ cho ông ấy nhưng ông ấy bảo đứng thế vẫn nhìn rõ. Tôi cũng nhìn thấy Lỗ Huynh đứng gần ông Trương. Giữa lúc bắn pháo hoa, tôi định gặp Lỗ Huynh để xin lỗi về việc đã không có những hoạ tiết Phật giáo trong các hình tượng trưng của pháo hoa nhưng không thấy ông ấy đâu, phòng tiệc lúc đó tối om vì đã tắt hết đèn đóm, mắt tôi thì đang loá đi vì ánh sáng của pháo hoa.
- Đấy đúng là chỗ đệ đang e ngại! Này, đệ vừa nhớ đến lời quan bác nói rằng tất cả các nhà thơ đều biết câu chuyện “cầu thang bà quận chúa” và đệ đặc biệt chú ý chỗ khuôn cửa ra vào khuất sau tấm màn che. Như vậy nghĩa là có một người trong số ba vị khách của chúng ta đã giết cô vũ nữ trong gian buồng sau tấm màn che! Theo sự ước lượng thời gian của quan bác thì sự việc ắt phải xảy ra đúng vào lúc kết thúc pháo hoa. Lúc đó hẳn có nhiều thời gian để thực hiện một kế hoạch giết người đơn giản và có hiệu quả. Sau khi gia nhân tắt hết đèn và mọi người đều hướng sự chú ý của mình về phía khu vườn, tên sát nhân đã trở lại phòng tiệc lẻn vào sau tấm màn che để vào buồng. Nó giả vờ nói với cô vũ nữ một vài lời âu yếm rồi thình lình đâm kéo vào cổ cô. Sau đó nó lặng lẽ rút ra ngoài hiên bằng lối nó vừa vào. Tất cả chỉ cần độ ba phút là xong.
- Nếu cửa vào buồng cài then thì sao?
- Trường hợp đó nó phải gõ cửa, bác Lã ạ. Tiếng nổ của pháo hoa sẽ át tiếng gõ cửa. Và nếu lúc đó có một gia nhân nào ở đấy thì nó sẽ chống chế rằng nó không thích xem pháo hoa và muốn nói chuyện trong chốc lát, tạm gác ý định giết người đến một dịp thuận lợi khác! Đệ cho rằng những điều kiện lý tưởng cho một tên giết người đã hội đủ, bác Lã ạ.
- Hẳn là thế, nếu người ta chịu suy nghĩ một tí, – nét mặt quan tri huyện trầm ngâm. Ông đưa tay lên vuốt chòm ria mép. – Nhưng ông Địch ạ, thật nực cười nếu nghĩ rằng một trong những con người vĩ đại ấy đã…
- Quan bác có hiểu kỹ về họ không?
- Cái đó thì… ông cũng biết việc giao du với những nhân vật nổi tiếng nó như thế nào. Tôi chỉ tiếp xúc với họ tất cả có đâu hai hoặc ba lần gì đó, nhưng không lần nào gặp riêng từng người. Gặp nhau chúng tôi chỉ nói chuyện văn chương nghệ thuật… Không, sự thực tôi không hiểu biết gì nhiều về tư cách của họ. Nhưng xin ông hãy tìm thủ phạm ở những nơi khác, tiên sinh ạ! Con đường công danh của họ đã đưa họ lên thành những nhân vật chung của tất cả xã hội! Nếu như trong đời tư của họ có cái gì đó không bình thường thì đó là… Duy chỉ có Người Đào Huyệt, dĩ nhiên là có thể… Đối với Người Đào Huyệt thì không có gì trở ngại cả, hoàn toàn không. Ông cũng biết ông ta chẳng lúc nào cũng tách mình ra khỏi những việc trần tục. Ông ta bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc quản trị một khu tôn giáo rộng lớn ở vùng hồ, nơi ông ta đã hút cạn máu của những tá điền lĩnh canh ruộng đất. Sau đó thì ông ta ăn năn, sám hối, chắc thế, nhưng… (quan tri huyện mỉm cười), nói thật với ông, ông Địch ạ, tôi vẫn chưa quen được cái lối lập luận của ông đâu!
- Bác Lã ạ, đệ hoàn toàn hiểu quan bác. Thật ra nếu chúng ta liệt ba nhân vật nổi tiếng ấy vào tội giết người kể cũng hơi quá trớn đấy! Về phía Người Đào Huyệt, ông ta vừa viết tặng quan bác một bức trướng rất đẹp. Ông ta đã đem treo nó vào tấm màn che. Nhưng chúng ta hãy tạm gác những tài năng vĩ đại và những địa vị cao siêu của họ sang một bên và cứ coi như họ là những đối tượng nghi vấn trong một vụ án mạng xem sao. Hãy cứ biết rằng cả ba người đều có thể dính líu vào vụ án mạng. Rồi ta sẽ xét đến vấn đề nguyên nhân. Việc trước tiên là xét về cái chết của cô vũ nữ phòng khách Bích Ngọc. Hình như trong các vị khách của quan bác có người đã đến Tần Hoài trước đó một hai ngày, nghĩa là họ có đủ thời gian để làm quen với Tiểu Phượng trước khi cô vũ nữ ấy đến đây ra mắt. Về phía cô vũ nữ, không biết đã làm quen với họ bao giờ chưa?
- Ồ! Lúc tôi dẫn ông Triệu và ông Trương lên gác để giới thiệu phòng tiệc thì gặp Dược Lan và cô bé vũ nữ ở trên đó đi xuống. Tôi có giới thiệu cô ta với họ. Sau đó tôi bắt gặp Tiểu Phượng nằm gọn trong lòng Lỗ Huynh ngay trước bàn thờ thần cáo, ông biết không?
- Đệ biết. Này, khi quan bác ở phòng khách Bích Ngọc về chắc có tạt qua phòng lưu trữ tìm các hồ sơ mà trước đó Tống đã nghiên cứu, bởi vì…
- Trời ơi! Lại còn vụ án mạng phó bảng Tống nữa kia chứ! Một lúc hai vụ án mạng! Ông đợi một tí để tôi nhớ lại xem ông giám quận của tôi ông ấy nói gì về người chủ cho Tống thuê nhà? À phải rồi, ông ta đã cho người điều tra trong khu phố và được biết dân chúng ở đây đều biết tiếng ông buôn trà. Ông nhà buôn này không có điều tiếng gì xấu và cũng không làm việc gì mờ ám. Theo ý tôi việc ông ta định thuyết phục tôi và ông nghe theo những nhận xét của ông ta chỉ là để tỏ ra mình cũng là người sáng suốt, có thế thôi. Khối người chẳng thích chơi cái trò cảnh sát điều tra tài tử như thế là gì, điều đó ông biết quá đi chứ.
- Vâng. Chúng ta có thể loại trừ ông Minh. Đệ đã cân nhắc những giả thiết về mối liên hệ giữa Tống với cô con gái ông Minh. Cô ta đẹp và đứa ở gái của nhà ấy nói với đệ rằng buổi tối cô thường ngồi trong buồng riêng nghe Tống thổi sáo những bài tình ca. Nếu việc đó lộ ra thì ông Minh… Nhưng giờ đây chúng ta đã biết Hoàng Liên mới là người tình của Tống và cô gái ấy được Tống hứa tặng các đồ nữ trang bằng bạc. Chàng phó bảng đã nói chuyện ông Minh với Hoàng Liên nhưng không nói câu gì tỏ ra anh nghi ngờ ông này giết bố anh ta! Nói tóm lại chúng ta không có lý do gì để nghi vấn ông buôn trà. Trở lại vụ Tiểu Phượng, – quan án sát vừa vuốt bộ râu dài đen nhánh vừa nói. – Chúng ta định dò hỏi cô vũ nữ về tung tích người bố của Hoàng Liên. Giờ đây cô gái đã chết. Quan bác vẫn có thể hỏi những người đã của phòng khách Bích Ngọc may ra họ biết được điều gì do cô vũ nữ nói lại với họ về cô gái giữ miếu Cáo Đen và về người cha không hợp pháp của cô ta, hiện đang sống ở Tần Hoài. Bác Lã ạ, chúng ta nên ấn định một chương trình làm việc cho ngày mai. Thứ nhất, quan bác đến phòng khách Bích Ngọc. Thứ nhì, chúng ta cùng đến xem các hồ sơ lưu trữ để tìm một vụ chết người bất bình thường cách đây mười tám năm, liên can đến chàng phó bảng bị ám sát, thứ ba…
- Ông phải đến phòng khách Bích Ngọc thay tôi, ông Địch ạ! Tôi sẽ đưa vợ con cùng các vị khách đến xem bày cỗ Tết trung thu ở sân thứ tư sáng sớm ngày mai. Nếu bà cụ thân mẫu tôi thấy trong người khoẻ cũng sẽ ra dự với chúng tôi.
- Được thôi. Đệ sẽ đến phòng khách Bích Ngọc sau bữa ăn lót dạ. Bác Lã ạ, quan bác sẽ rất đáng yêu nếu quan bác viết cho đệ một lá thư có tính chất mào đầu để giới thiệu đệ với bà chủ phòng khách rồi cho người mang ngay đến cho đệ. Xong việc, đệ sẽ trở về để cùng mọi người thưởng thức bàn cỗ trung thu. Và đến lúc nào thuận tiện đệ và quan bác sẽ cùng đến toà án xem hồ sơ. Việc thứ ba đệ sẽ đảm nhiệm là sẽ đến miếu Cáo Đen để thuyết phục cô gái Hoang Liên rời bỏ cái nơi khủng khiếp ấy. Quan bác có thu xếp được chỗ nào kín đáo cho cô gái ấy tạm trú không?
Sau khi ông bạn đồng nghiệp nhận lời, quan án sát nói thêm:
- Tách cô gái ấy ra khỏi đàn cáo và người tình rùng rợn của cô ta kể cũng khó. Nhưng đệ tin có thể thuyết phục được cô gái. Nói đến Hoàng Liên, bác Lã ạ, đệ cần nói thêm để quan bác rõ rằng Lỗ Huynh thường nương náu trong một ngôi đền rất gần khu đất hoang. Ông ta đã tung ra luận điệu lờ mờ rằng có một số người tương hợp đặc biệt với loài cáo. Rủi quá lúc ấy đệ lại quên không hỏi Hoàng Liên xem bố cô gái người to béo hay gầy gò.
- Ông tối dạ quá ông Địch ạ, – quan tri huyện sốt ruột nói. – Hoàng Liên chẳng nói với ông là theo lời cô vũ nữ thì ông ta đẹp lắm đó sao!
Quan án sát gật gù tỏ ý hài lòng. Dưới cái vẻ bề ngoài vô tâm, người bạn đồng sự của ông đã chứng tỏ là một thính giả rất chăm chú.
- Đúng đấy, bác Lã ạ! Nhưng nếu Tiểu Phượng nói như thế chỉ là để an ủi cô gái khốn khổ ấy thì sao? Sau bữa ăn điểm tâm đệ sẽ lại đến khu miếu hoang gặp cô gái và sẽ hy sinh cả buổi chiều cho công việc tế nhị này, dĩ nhiên là nếu không có vấn đề quan tuần phủ có lệnh triệu hồi.
- Thề có trời! – Nghe quan án sát nói, quan tri huyện rụng rời tay chân kêu lên. – Ông không thể biết được tôi đội ơn ông biết chừng nào đâu ông Địch ạ! Ông đã đem lại cho tôi một chút hy vọng.
- Khốn nỗi cũng chỉ là một chút hy vọng mà thôi. Còn bữa tiệc ở vách đá Lục Bảo Ngọc quan bác định đến bao giờ thì bắt đầu. Ở ngoài thành phải không?
- Đúng rồi. Đó là một nơi phong cảnh đẹp nhất vùng này, tiên sinh ạ. Nó nằm mãi tít trên đỉnh dãy núi gần đây nhất. Kiệu đi từ Cửa Tây đến chỉ mất độ nửa giờ. Nhân dịp này ông sẽ được thưởng thức, coi như chúng ta sẽ trèo lên cao chót vót một vùng rất hiểm trở. Trên có một cái đình ở ven rừng thông cổ thụ. Phong cảnh ở đây sẽ làm ông thích thú, ông Địch ạ. Rồi ông xem! Các gia nhân của tôi đang chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hành trình của chúng ta. Sáu giờ chiều sẽ lên đường để lúc mặt trời lặn là vừa đến nơi. Bây giờ đã quá nửa đêm, – quan tri huyện vừa nói vừa đứng lên, – tôi mệt bã cả người ông Địch ạ. Tốt nhất chúng ta nên đi ngủ. Nhưng tôi cũng còn phải đảo qua bên phòng tiệc để xem bức trướng Lỗ Huynh viết thế nào đã rồi mới đi ngủ được.
Đến lượt quan án sát đứng dậy:
- Quan bác sẽ được thấy nét bút tuyệt trần của ông ta. Nhưng nội dung mấy câu thơ làm đệ nghĩ ngay đến hình như ông ta đã biết cô vũ nữ đã chết quan bác ạ!