ả nhà không ai muốn bán trâu Bĩnh. Nhưng rốt cuộc phải bán, vì nó… không nuôi được chúng tôi nữa. Đi tản cư, nó hoá kềnh càng. Cỏ lại hiếm. Mẹ tôi chịu bán giá rẻ nếu người ta mua để làm trâu cày mà không đem về thịt. Chị Ba đã thút thít khi lão mua trâu dắt nó đi. Trâu Bĩnh trì lại không chịu bước… Bán xong trâu Bĩnh, đi đâu tôi không phải lo lắng gì nữa. Tôi và thằng Cù Lao ở Phú Đa đi Hoà Phước xem như đi chợ. Sau khi gánh được củi từ núi ra, chặng đường Phú Đa – Hoà Phước không còn nghĩa lí gì nữa. Mít ở Phú Đa rẻ, tôi và thằng Cù Lao mang mít về cho anh Bốn, chú Năm. Mắm ở Hoà Phước rẻ, chúng tôi cõng mắm lên cho thím Năm, cho chị Bốn. Chị Bốn dặn: - Hai đứa nhớ nói với anh Bốn là chị Bốn bị nhức đầu. Anh Bốn phải mua một ve dầu Nhị Thiên gửi lên, nghe chưa? Thím Năm dặn: - Nói với chú Năm phải mua cho thím vài ang bắp bột với năm bảy lon đỗ nành để làm tương, nghe chưa? Chị Ba dặn: - Mua cho mẹ một chai mắm nước, nhớ chưa? Tiền đây, cột cho kĩ trong lưng quần. Và cứ thế, mỗi bà chợt nhớ cái gì lại dặn mua dặn tìm cái đó. “À quên! Còn cái này, nhớ chưa?... Nhớ chưa?” Tôi và thằng Cù Lao ra đi với hàng chục nhiệm vụ khác nhau. Lúc về đến Hoà Phước, hàng mắm, hiệu thuốc vắng tanh, làng xóm quạnh hiu, mọi việc không còn như trước. Anh Bốn Linh và chú Năm Mùi lại đi đâu mất, hôm sau mới mò về, râu ria mọc dài trông hoá khác. Anh Bốn vừa gặp tôi liền ra lệnh: - Hai đứa phải đi ngay Phú Đa. Bảo con Ba nội nhật chiều mai phải có ngay đây. - Chi nôn vậy anh? - Lệnh khẩn cấp! Về để họp, để đi chiến đấu! Lại việc này nữa. Cha mày nhắn về bảo mẹ mày phải tản cư mau lên Bến Dầu. Ở Phú Đa không xong đâu. Giặc sẽ tràn đến đây, ở đây chúng nã đại bác lên tới Phú Đa như chơi. Cha mày nói phải. Ở Bến Dầu có nhiều dâu, có nghề tằm, có dì Hương Chi của mày trên đó. Nên dời mau lên đó. Chú Năm Mùi ở ngoài bước vào: - Lên đó là phải. Tôi biết vợ chồng Hương Chi. Lòng họ như biển. Ta nuôi tằm, Hương Chi cũng nuôi tằm. Tiện lắm. Anh Bốn Linh ra dáng nghĩ ngợi: - Chà! Phải tin cho mẹ mày và mấy bà trên đó biết. Phải đi xa một chặng nữa, ở Bến Dầu yên như bàn thạch. Nay mai tôi phải đi Phú Đa cái đã. Chú Năm Mùi vẻ sửng sốt: - Nay mai chi nữa! Giặc đến bên lưng, chần chừ đâu được anh Bốn! Phải tính gấp chớ! Như thế này mới kịp: Thằng Cù Lao và thằng Cục phải đi ngay lên Phú Đa. Một là để cho chị Ba nó biết phải về gấp để họp. Hai là nói cho mẹ thằng Cục biết ý kiến của cha nó, là phải tản cư mau lên Bến Dầu. Sau đó hai đứa ở Phú Đa cứ đi thẳng lên Bến Dầu, phải tin trước cho dì Năm Chi nó biết để kịp lo liệu. Giữ được chỗ trước vẫn hơn! Chú Năm Mùi nhìn sang tôi, sờ vào râu mép: - Chi chớ đi Bến Dầu, thằng Cục và thằng Cù Lao coi như đi chơi! Lần trước đi Phú Đa khó khăn biết mấy, chúng làm tốt như trời! Chú Năm Mùi đã khen chúng tôi đến vậy, làm sao có thể không đi Bến Dầu! Anh Bốn Linh cho chú Năm nói rất phải. Chú Năm nhìn ra ngoài trời: - Hai chú phải đi ngay. Tôi ngần ngại: - Trời xế rồi chú! - Đi đêm được rồi, sợ chi trời xế! Lần này có bịt mắt Cục cũng lên được Phú Đa. Đi ngay cho kịp! Tôi và thằng Cù Lao ăn xong vài miếng, thằng Cù Lao xách nón ra đò, tôi xách nón chạy theo. Tôi và thằng Cù Lao đi hoả tốc. Đến Phú Đa vào lúc đỏ đèn, chúng tôi ập vào nhà như một cơn lốc, nổ súng ngay: - Gấp lắm! Gấp lắm! Giặc đã đến bên lưng, đến Tuý Loan rồi! Nội chiều mai chị Ba phải có mặt ở Hoà Phước để đi… chiến đấu. Lệnh khẩn cấp, không được trễ. Tin giặc đến Tuý Loan đã đánh động cả nhà. Giặc còn ở Phước Tường, có nghĩa là giặc còn ở đâu trên núi, rất xa. Nay giặc đánh đến Tuý Loan, ai cũng tưởng giặc đã bên nách. Vì Tuý Loan có chợ, có đò, Tuý Loan nghe rất quen thuộc. Trong lúc cả nhà hỏi đi hỏi lại có thật địch đã đến Tuý Loan không thì tôi thả thêm một quả lựu đạn, sức nổ không kém, là cha tôi có nhắn về bảo tất cả phải tản cư ngay lên Bến Dầu. Vì địch sẽ nã đại bác lên Phú Đa. Đã là đại bác thì tất cả đều tan hoang. Chỉ có Bến Dầu mới yên ổn. Như vậy cha tôi, anh Bốn Linh, chú Năm Mùi mới yên tâm được! Phải lên ngay nhà dì Năm Chi. Dì dượng lòng rộng như biển. Chị Ba sáng sớm phải xuống Hoà Phước. Còn tôi và thằng Cù Lao phải lên ngay Bến Dầu, “đi sứ” lên chỗ dì Năm Chi điều đình chỗ ở. Những tin của tôi làm mọi người bật dậy. Ai cũng muốn hỏi thêm việc này việc nọ. Cả nhà xôn xao tưởng giặc đã kéo vào Phú Đa vậy. ° ° ° Tôi và thằng Cù Lao quá giang thuyền chở mắm lên nguồn để đi Bến Dầu. Thuyền bò dọc sông được một lúc lại phải cắm sào nghỉ xả hơi lấy sức vượt thác. Con sông Thu Bồn ở đoạn trên này tính nết khác hẳn. Nó không khoan thai, hiền lành như tôi thường thấy ở Hoà Phước. Nó vung vẩy, nhảy nhót, chốc chốc chơi trò nhào lộn. Những con sóng lực lưỡng quất thẳng cánh vào vách đá dựng ngược. Chúng nhảy chồm chồm tung bọt, gào rống rồi kéo nhau vụt chạy. Cảnh tượng như ở một thế giới nào lạ. Sông Thu Bồn tả xung hữu đột ra khỏi Phường Rạch mới thở phào, xả hơi, bước những bước khoan thai, lượn giữa những ngàn dâu xanh xuống Hoà Phước, dang đôi tay ôm vào lòng vùng Gò Nổi. Tôi và thằng Cù Lao xuống Bến Dầu, vốc nước sông uống thoả thích. Nước ngọt như nước mía. Bến Dầu ở giữa núi nhưng bãi dâu khá rộng. Tôi hỏi thăm vào nhà dì Năm Chi. Đường vào xóm là một lối mòn, cỏ ngập đến gối. Nhà dì giống như một tổ chim làm giữa cây cối um tùm. Một hàng rào vây quanh, mọc toàn các thứ cây có gai nhọn. Một con đường nhỏ quanh queo trong vườn dẫn đến một sân đất. Nhà trên, nhà dưới toàn bằng tranh. Vách nhà ghép bằng tre tấm. Chum vại, nồi niêu, cày bừa, quang gánh nằm lăn lóc dưới gốc mít, gốc chuối, gốc ổi lộn xộn. Một con chó vện mắt lim dim nằm gác mõm lên lưỡi cuốc, bật dậy nổi sủa. Một bà trạc bốn mươi tuổi, khoẻ mạnh, hồng hào, tay cầm chiếc đũa bếp chạy ra. Tôi đoán đó là dì Năm Chi. Hai đứa bé tí xíu từ trong nhà vụt theo níu chân mẹ, nhìn thằng Cù Lao vẻ lấm lét. Người đàn bà huơ chiếc đũa bêp xua chó. Tôi bước đến vòng tay thưa: - Thưa dì, chúng tôi ở Hoà Phước lên. - Chớ các em con ai? - Tôi là con của Tư Trang. Thằng này là con ông Hai Quân, bà con với tôi về phía nội. Hai tiếng Tư Trang như có mãnh lực làm dì sững sờ một lúc. Dì ú ớ rồi kêu lên: - Trời ơi! Con chị Tư Trang đây hở? Chớ cháu lên đây bao giờ? - Dạ, mới lên! Dì bước lên ngồi thụp xuống đất, kéo tôi lại gần. Dì nhìn sát vào mặt, lại đẩy tôi ra để nhìn cho rõ hơn, lại kéo tôi sát gần lại. Sau ba lần đẩy ra kéo vào như vậy, dì mỉm cười: - Con của Tư Trang giống mẹ như tạc! Dì buông tôi ra, gọi to: - Chúng bay ơi! Vào hết đây tao bảo! Từ quanh nhà một lũ trẻ ùa vào. Có đến sáu đứa. Đứa nào mặt mày cũng nhem nhuốc, mũi dãi thò lò. Thấy tôi, chúng dừng lại. Dì giới thiệu: - Anh của chúng mày đó! Chúng đứng thành một hàng, mắt tròn vo nhìn tôi từ đầu đến chân. Hết nhìn tôi lại nhìn thằng Cù Lao. Chợt một đứa vụt chạy, vừa chạy vừa nhại lại dì: Anh, anh của chúng mày đó! Nhại xong, nổi cười toe toét. Tất cả bắt chước nổi cười. Tôi đi ngay vào vấn đề. Tôi thưa với dì việc mẹ cùng chị Bốn và thím Năm Mùi muốn tản cư lên trên này. Sự vui sướng của dì tràn ra khắp mặt, khắp mũi. Dì hể hả, nói rối rít: - Phải rồi! Đúng rồi! Tránh giặc phải lên đây. Lên đây cho có chị có em. Phải rồi! Nói với mẹ là dì bảo phải lên ngay. Dì nhường hết chỗ cho mẹ ở. Nhà trên đó! Nhà dưới đó! Ở mấy cho hết. Đám cạn có. Đám sâu cũng có. Trâu heo cũng có. Trên này làm ăn dễ lắm! Chợt sực nhớ đến mẹ, dì vội vàng: - À, chớ còn mẹ ra sao? Dì trách núi non hiểm trở, đã lâu không gặp được mẹ. Dì hỏi tất cả, từ việc lớn đến việc nhỏ. Mẹ đang làm gì, có già đi không? Năm nay, làm ăn ra sao? Mía được mấy mẫu, mấy sào? Có được mấy trâu, mấy lợn, mấy nồi đồng mâm thau? Mẹ có bệnh đau bụng, nay ra sao? Uống thuốc gì? Cắt thuốc nơi đâu? Có yếu lắm không? Đi đâu đã chống gậy chưa? Hệt như một cơn mưa tháng mười ở Hoà Phước, hễ đã mưa thì mưa thật sự, mưa suốt buổi… Chị Ba đã dặn tôi, nếu ai hỏi gì phải trả lời cho rõ, không được nói không biết. Tôi phải nhớ, phải tìm, phải nói những chữ đại để như: có thể, tuồng như, nghe đâu… để trả lời cho kịp. Trong lúc đó dượng Hương Chi ở ngoài đồng về. Tôi và thằng Cù Lao đứng lên vòng tay chào. Dượng chỉ thoáng gật đầu. Vẻ lạnh lùng, dượng đi thẳng xuống nhà bếp, rút thuốc lá khô trên giàn, đem hơ lên ông táo rồi vấn hút. Rút kinh nghiệm lần trước lên Phú Đa, thằng Cù Lao nhắc tôi nhớ thưa với chủ nhà. Tôi lấy hết can đảm thưa với dượng việc ba gia đình muốn xin tản cư. Dì chen nói trước. Dượng nghe xong “ừ” một tiếng, làm như đó là việc tất nhiên, việc dượng đã biết trước. Dượng hút thuốc xong, bước ra sân vớ chiếc cuốc vác lên vai, yên lặng đi ra ngõ. Dì chạy vào bếp, thổi tro bay mù mịt, ho lẹc khẹc. Dì nhóm bếp, thổi lửa, vừa hỏi chuyện vừa nấu cơm. Dượng lại về. Dượng vác về một vác sắn, củ to vặn vẹo, cây lá còn nguyên. Dượng vứt sắn xuống sân: - Nấu cho chúng ăn một bữa! Dì nhìn chúng tôi: - Dượng nhổ sắn về đãi đó. Tôi và thằng Cù Lao chưa bao giờ ăn sắn được nhiều và ngon như hôm đó. Tôi ở lại nhà dì đến chiều hôm sau để nghe dì hỏi và để trả lời những câu hỏi của dì. Thuyền về xuôi không ghé Bến Dầu. Dượng Hương Chi thân hành đưa tôi lên bến Trung Phước. Dượng tìm thuyền trên đó, xin cho tôi xuôi Phú Đa. Mẹ tôi, chị Bốn và gia đình thím Năm chuẩn bị đi một khúc nữa lên Bến Dầu. Họ gửi lại một số đồ đạc ở Phú Đa. Lại phải xếp, phải gói, phải cột, phải gánh ra bến sông. Thuyền đi Bến Dầu nhổ sào. chúng tôi quay về Hoà Phước. ° ° ° Tôi và thằng Cù Lao phải gặp ngay ông Bảy Hoá để giúp ông làm một công tác đặc biệt của đội giao. Chú Năm Mùi nói đây là một công việc ít ai làm được, và chỉ có tôi và thằng Cù Lao được biết mà thôi. - Việc chi hở chú? - Đó, lại hỏi! Tao đã dặn phải hết sức giữ mồm. Giặc đến, chúng lấy đầu bọn bay đó! Việc mày mày biết, Việc tổ nào tổ ấy biết. Việc toàn đội chỉ đội trưởng và mình tao biết. Nhớ vậy thôi. Tôi và thằng Cù Lao đến gặp ông Bảy Hoá. Ông Bảy Hoá đã cạo bộ râu dài, nay ông Bảy lại để râu. Ông Bảy đang loay hoay mài mực tàu, pha đủ các loại phẩm tím, xanh, đỏ, vàng. Loại nào cũng đầy bát. - Đến vẽ đó hả? Chúng bay tay học trò, mềm mại, vẽ được đó! Ông Bảy vừa nói vừa tháo một cuộn giấy to, đem căng rộng trên ván: - Tao phải phác ra vài nét cái đã. - Vẽ chi ông Bảy? - Rồi sẽ biết. Ông Bảy ngồi chồm hổm cầm bút vẽ nguệch ngoạc một lúc. Ông vừa vẽ vừa nghĩ ngợi. Thỉnh thoảng, ông đứng lên nhìn nhìn, lại ngồi xuống vẽ thêm vài nét. Vẽ bằng bút chì xong, ông Bảy lấy mực tàu kẻ lại. Thằng Cù Lao kêu to: - Ông Bảy vẽ ta đánh giặc! Ông Bảy kẻ một vành tròn. Trong vành ông Bảy vẽ thêm ba cái lỗ, hai cái to bằng nhau, một cái ở phía dưới thật to, méo xệch. Ông thêm vài nét. Tôi phân biệt được đó là cặp mặt và cái mồm. Ông Bảy kẻ lỗ mũi, vẽ tóc dựng ngược, vẽ thêm hai tay hai chân co quắp. Ông Bảy đứng lên, nheo mắt ngắm nghía. Ông vẽ thêm một người thứ hai. Người này có mõm dài, có đôi tai cao quá đầu, lỗ miệng lỗ mũi quá cỡ, rất kì dị. Ông Bảy Hoá vẽ thêm những tay chân đầy lông lá. Người này đè lên người kia. Bất giác tôi reo lên: - Tranh Thập điện Diêm Vương! Rõ ràng ông Bảy đang vẽ một quỷ sứ của Diêm Vương cắt lưỡi một người phạm tội nói láo. Tôi reo quá to làm ông Bảy giật thót như vừa thấy quỷ Diêm Vương xuất hiện. - Vẽ chi thứ đó ông Bảy? Ông đốt tranh Thập điện, thôi làm thầy chùa rồi mà! - Ừ! Tao đã đệ đơn từ chức lên Phật tổ, đi chơi cho sướng! Nay Phật bắt làm lại. Tao phải đặt lại bàn thờ, thờ chư vị Thập điện Diêm Vương! - Đó là mê tín. Ông bảo phải bỏ mê tín. Vì… - Hiểu rồi! Hiểu hết rồi! Cứ vẽ đi cái đã! Thằng Cù Lao bôi xanh cặp mắt này cho tao, thằng Cục phết đỏ cái lưỡi này cho tao. Lưỡi bị cắt nhất định máu phải trào ra! Bôi đỏ nhiều vào! Tôi và thằng Cù Lao ngồi xuống chấm mực bôi đỏ, bôi xanh, kẻ mắt, kẻ mũi, thêm râu, thêm lông, cố làm cho quỷ sứ càng dữ tợn, cho kẻ bị tội càng quằn quại đau đớn. Hết cảnh người bị rút lưỡi đến cảnh người bị cưa làm đôi, bị moi gan, bị dìm vào vạc dầu sôi, bị nung trên lửa đỏ. Phải mất hai ngày mới hoàn thành bộ tranh Thập điện. Khi treo lên, nhiều chỗ còn nguệch ngoạc mù mờ. Nhưng chính sự vụng về lại tạo ra được sự ghê rợn. Ông Bảy cười tự hào: - Diêm vương địa ngục mình cũng làm ra cả! ° ° ° Tổ thiếu niên công tác gồm sáu đứa. Tổ chia thành hai nhóm. Tôi và thằng Cù Lao ở nhóm I, thuộc xóm trên. Tổ hoạt động duới sự điều khiển của chú Năm Mùi. Công tác của tổ là gặp đâu đánh đó. Theo chú Năm Mùi, nó có nghĩa gặp giặc đâu là đánh ngay tại đó, đánh xáp lá cà, đánh bất cứ lúc nào, bất kì ở đâu. Theo anh Bốn Linh gặp đâu đánh đó có nghĩa là gặp gì làm nấy, không cần phải hỏi, làm mất thì giờ. Hai cách giải nghĩa đó nghe đều hay cả. Nay việc gặp đâu đánh đó là thằng Cù Lao phải nấu ngay một nồi nước chè. Sau đó, tôi phải đứng gác ngoài chỗ cây mít ở đầu đường cái. Hễ thấy người lạ mặt vào xóm tôi phải giả đò gọi thật to: Cù Lao ơi! Thằng Cù Lao cũng gặp đâu đánh đó bằng cách ngồi gác như tôi. Nhưng nó ngồi gác ở đầu đường bên kia. Đúng là có cuộc họp bí mật! Hôm qua anh Bốn đi họp ở huyện. Nay anh họp ở thôn. Có thầy Lê Hảo, cả đội tự vệ đến họp đông đủ. Tôi ngồi chỗ đầu con đường kiệt, mong gặp một người lạ mặt để có thể gọi to: Cù Lao ơi! Nhưng chẳng thấy ma nào cả. Họp xong, anh Bốn Linh đi thẳng ra bến đò sang bên kia sông. Chị Ba và thằng Cù Lao ăn xong cũng theo anh Bốn Linh sang đâu bên đó. Tôi hỏi chị Ba đi đâu, chị nói lơ lửng: - Chị đi làm việc. Việc xong chị về! Chú Năm Mùi không sang bên kia sông. Chú đi thẳng vào chùa với ba chú tự vệ. Họ vào ở trong chùa rất lâu, lúc trở ra tôi thấy người nào cũng lấm đầy đất, mặt mũi đều nhọ nhem. Tôi đoán họ vào chùa để luyện các thế võ. Các thế võ trói địch lần này phải rất khủng khiếp. Tôi rất muốn xin theo vào chùa, nhưng chú Năm không cho phép, vì tôi còn phải giữ nhà. Nhỡ anh Bốn Linh đột ngột từ bên kia sông trở về, tôi phải có mặt để nhận những nhiệm vụ cấp tốc. Tôi ngồi một mình đợi anh Bốn. Chiều xuống trong nhà ngoài ngõ đều vắng tanh. Khi chưa tản cư, khắp xóm luôn luôn vang lên tiếng nói, tiếng cười, tiếng gà gáy heo kêu, tiếng gàu khua, những tiếng quen thuộc từ lúc bé thơm nay tất cả im lặng! Sự quạnh hiu hoá rùng rợn. Tôi không dám ngồi một mình. Tôi vụt đứng lên, chui rào chạy sang bà Hiến. Tôi bước rất khẽ dòm vào bên trong nhà bà. Chẳng thấy bà Hiến đâu cả. Chợt có tiếng khịt mũi rồi bóng một người từ dưới đất ngoi lên. Thì ra là anh Bảy Hoành. Anh từ trong hầm chui ra. Cái hầm đó ở ngay dưới bếp của nhà bà Hiến. Anh Bảy ở trần trùng trục, tay cầm chiếc xẻng ngắn cán, khụt khịt ồn ào. Anh vứt xẻng xuống đất, phủi đầu, phủi tai lia lịa lẩm bẩm: - Còn phải cái nắp cho tốt, đậy cho thật kín. Phải để ngày mai… Anh Bảy không thấy tôi. Nói xong anh đi thẳng về phía giếng nước. Tôi gặp bà Hiến, bà ngồi phía trước nhà. Bà hỏi tôi vào nhà bà bằng ngả nào. Tôi nói tôi chui rào và vừa thấy anh Bảy Hoành đào hầm bí mật trong nhà bà. Bà tỏ vẻ không bằng lòng bảo tôi không nên chui ngả sau như vậy. Bà bảo tôi phải quay về. Nhưng quả thật hôm đó tôi chỉ muốn ngồi lại, nằm queo, ngủ trước sân nhà bà cũng được. Loáng thoáng có tiếng thằng Cù Lao đằng nhà anh Bốn Linh. Tôi vụt chạy sang, suýt nữa tôi ôm choàng lấy nó. - Ở nhà một mình chán lắm Cù Lao ơi! Tôi đang cần có thằng Cù Lao để trút hết những việc bí mật tôi vừa biết: - Nè Cù Lao, tao bắt gặp anh Bảy Hoành đào hầm bí mật. Hầm ở ngay dưới ba ông táo của nhà bà Hiến. Trên nắp hầm đặt ba ông táo, như vậy có trời biết, phải không Cù Lao? Nè Cù Lao, đội tự vệ vào chùa tập các thế võ. Lần này họ vật nhau khủng khiếp quá. Người nào cũng bết đầy đất… Thằng Cù Lao cắt ngang: - Không phải luyện võ đâu! Họ đi đào hầm bí mật trong chùa đó. Thằng Cù Lao nói nghe có lí. Vì tôi thấy chú Năm khi về nhà cũng có mang theo chiếc xẻng. Thằng Cù Lao nói khe khẽ: - Hiện nay làng mình chỗ nào cũng có hầm bí mật. Hầm bí mật có nhiều ngóc ngách ăn thông ra đến bờ tre. Các anh bộ đội bên kia sông cũng lo đào hầm, nhiều lắm! Giặc muốn lấy sông Thu Bồn làm phòng tuyến bảo vệ cho Đà Nẵng. Ta nép bên kia sông cứ cho những mũi nhọn thọc qua. Cuối cùng ta sẽ đánh dốc lấy lại Đà Nẵng… Tôi hỏi: - Ai nói vậy? - Anh Bốn nói vậy! Chợt thằng Cù Lao nín lặng, nhíu mày. Nó thu tay đánh cái cốc vào trán. Hỏi ra mới biết nó vừa cho ra những bí mật! Anh Bốn Linh đã dặn đi dặn lại bảo nó phải giữ bí mật, nhưng nó cứ quên! Tôi nói: - Chi đâu mà sợ! Anh Bốn không biết đâu! - Anh Bốn không biết nhưng phải chừa, không khéo có ngày mất mạng! Tôi vừa nhớ lại những cách thường dùng để chừa những việc… bậy bạ. Thường là phải thề, lắm lúc phải thề rất độc, thề phải bị hộc máu trào cơm. Ông Bảy Hoá còn bắt phải thề sẽ bị quỷ sứ móc mắt moi gan nếu còn phạm tội hái ổi. Nhưng tôi với thằng Cù Lao thấy chỉ nên cam đoan. Tôi và thằng Cù Lao cùng cam đoan không để lộ bí mật nữa.