ôi mở bừng mắt, thấy trời đã sáng trắng. Sau mùa mưa lụt, trời ban mai càng cao, càng xanh như có ai vừa chùi quét. Con sông Thu Bồn rì rào khe khẽ. Dưới nhà, chị Ba đang xay thóc. Chị Tuyết Hạnh học giần sàng. Con trâu Bĩnh khua sừng lách cách. Con mèo mướp kêu meo meo, bọn gà mẹ lục tục gọi con. Chợt mẹ tôi gọi chị Ba: - Để im nghe thử! Có tiếng nổ! Tiếng nổ từng loạt vang từ xa, nghe mờ mờ nhưng rất vang dội. Mẹ tôi nghểnh tai: - Tiếng súng, chúng mày ơi! Tôi nói: - Họ đốt pháo đó! Tôi nói vừa dứt thì một tiếng nổ vang rền. Chó trong xóm nổi sủa. Đàn chim sẻ trên cây mít tung bay. - Tiếng chi to quá! – Mẹ tôi nói, vẻ lo lắng. – Nổ phía Đà Nẵng! Tiểu đoàn 17 của cha mày ở phía đó! Mẹ giục tôi và thằng Cù Lao chạy sang nhà anh Bốn Linh hỏi tin tức. Anh Bốn Linh không có nhà. Chị Bốn cho biết anh đã đi đâu, có lẽ đi họp tự vệ ở chòm đa Lý. Tôi và thằng Cù Lao chạy vào chòm đa Lý. Đội tự vệ đang họp ở đó, có ông Bảy Hoá đứng gác. Thấy tôi, ông xua tay quát: - Dừng lại! Tôi gọi: - Chúng tôi đây ông Bảy! - Không được vào! Ông Bảy tay cầm kiếm bước từng bước oai nghiêm ra hiệu chúng tôi đi nơi khác. Tôi hỏi: - Có anh Bốn Linh ở đây chớ ông Bảy? - Không biết! - Ông Bảy có nghe nổ không? - Không nghe. Tôi nói to: - Lỗ tai ông điếc rồi! Nổ dữ lắm. Đó… nghe chưa? Cặp mắt ông Bảy đảo lia lịa, báo hiệu cơn sấm sét sắp nổ: - Mày dám nói vậy hả? Tạo điếc hả? Bọn Pháp ở Đà Nẵng đang đánh ta, thằng ngu mới không biết. Có thứ pháo nào lại kinh thiên động địa rứa hả? Tôi và thằng Cù Lao chạy về nhà. Bà đốc Thụ và chị Tuyết Hạnh đứng trước cửa. Tôi nói ngay: - Ta và Pháp đánh nhau ở Đà Nẵng rồi! Bà đốc Thụ giật thót. Mặt mày của bà hoá nhợt nhạt, chân mày của bà nhíu lại, mũi đầy nếp nhăn. Bà quay sang chị Tuyết Hạnh rít lên: - Đáng đời chưa! Đáng đời thằng cha mày chưa! Tao đã bảo thằng cha mày một cũng phải đi, hai cũng phải đi. Cứ trù trừ. Rủi tên bay đạn lạc… Rít xong, bà thụp xuống, nước mắt tràn ra. Tôi hiểu bà đốc đang trách ông đốc không chịu đi tản cư trước. Chị Tuyết Hạnh quàng tay vào vai bà an ủi: - Không hề chi đâu! Pháp không bắt bác sĩ đâu! Nội chiều nay, ba con sẽ có đây cho mà coi. Chị Tuyết Hạnh đoán đúng. Chiều hôm đó, ông đốc Thụ đã hiện ra trước nhà tôi. Khác với bà đốc, ông đốc tròn như một hạt mít, đỏ như quả bồ quân. Mặt mày ông đốc đang bốc lửa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Ông dựng chiếc xe đạp chất đầy bao bị, rút khăn lau phất lia lịa. Bà đốc tiếp ông đốc bằng một tiếng rít mừng rỡ. Hàng xóm nghe có ông đốc Thụ ở Đà Nẵng về kéo đến hỏi thăm không biết cái gì nổ dữ quá? Ông đốc giương to mắt, thả một tiếng “á”. Rồi vừa thở, vừa khịt, lúc khoát tay, lúc nhún vai, ông đốc kêu lên: Dữ quá! Kinh khủng quá! Ta đánh! Ới! Ta chiếm nhà máy điện. Dọc đường quốc lộ, cây hạ ngổn ngang. Ối! Mìn nổ! Á! Cầu Cẩm Lệ rơi tõm xuống sông! Đạn bay vèo vèo! Tôi suýt bỏ mạng! Tôi bỏ ô tô, đi xe đạo loanh quanh lẹo quẹo! Á! Đùng đoàng! Dữ lắm!… Ới! Những tràng liên thanh của ông đốc đang nổ thì bà đốc kêu lên hoảng hốt: - Ấy chết! Đã ăn chi chưa? Bà đốc chạy vụt xuống nhà bếp. Chị Tuyết Hạnh chạy theo. Bà đốc vẫy gọi chị Ba và thằng Cù Lao chạy xuống. Tiếng gà đập cánh. Lửa bếp bập bùng. Chỉ trong chốc lát con gà mái tơ của chị Ba đã nằm trong đĩa, sạch lông, vàng óng, thơm ngát, sẵn sàng mừng ông đốc thoát vòng lửa đạn. ° ° ° Vạn Hoà Phước bỗng hoá rộn rịp, thuyền qua lại càng đông. Vạn Hoà Phước là đầu mối lên các ngõ nguồn. Hoà Phước có thuyền từ Hội An lên, từ Đà Nẵng đến. Nhiều thuyền trông đường bệ, có đến bốn buồm. Trong số thuyền qua lại có một chiếc ghe bầu to, mui phẳng, khi đến bến, bác lại thuyền gọi to vào bờ: - Có phải Hoà Phước đây không? - Phải rồi! Bác lái thuyền quay bánh lái thuyền. Chiếc ghe chở nhiều thùng gỗ đóng kín. Trên ghe còn chất nhiều bàn ghế, giường tủ, bao bị. Từ trong thuyền lần lượt chui ra như không bao giờ hết một đám trẻ lóc nhóc. Có một đứa trạc tuổi thằng Cù Lao. Một ông già vừa chui ra, vừa quát tháo. Tiếp theo sau là hai người đàn bà, tay bế trẻ em. Một bà già xương xẩu chui ra sau rốt. Tất cả đứng chen chúc trên mui. Ông già chuyển bao bị cho bác lái thuyền đưa xuống bến. Bọn chăn trâu gọi nhau kéo đến dòm ngó. Chúng hít hít đánh hơi, chỉ trỏ những thùng gỗ: - Mắm! Mắm! Chúng bay ơi! Ông già nói với đám con cháu: - Phải ngồi đợi đây! Tao vào làng gặp bác Tư Trai cái đã! Nói xong, ông già xách chiếc dù đi vào xóm, đến thẳng nhà ông Tư Trai. ° ° ° Ông Tư Trai ở cạnh nhà tôi có một người em, quen thân với ông Biện Thành làm nghề buôn mắm. Do đó ông Biện Thành và ông Tư Trai quen nhau. Lúc Đà Nẵng nổ súng, ông Biện Thành tản cư về ở nhà ông Tư Trai mang theo nhiều thùng mắm. Ông Tư Trai gặp ông Biện Thành cười khà khà: - Ông dọn về đây phải lắm! Ở đây người đông như kiến mấy mắm bán cho đủ! Ông Biện cười theo: - Bị lũ cháu đông quá! Sợ không có chỗ ở! - Lo chi! “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Cứ hạ những bó bã mía của tôi xuống, lấy chiếu rải lên. Nằm vậy êm như nhung đó! Như vậy Hoà Phước đón đợt khách thứ ba sau những chiếc rương, sau bà đốc Thụ. Ông Biện Thành và ông Tư Trai cùng dắt nhau ra vạn. Ông Biện Thành chỉ vào lũ trẻ suýt soát tuổi nhau, bảo đứa này là cháu ngoại, đứa kia là cháu nội, có đến mười đứa. Bọn nhỏ léo nhéo đòi ẵm, đòi dắt. Ông Biện Thành vung chiếc dù chỉ vào mặt chúng: - Có chân là phải đi! Không bế bồng chi cả! Mấy đứa lớn xách được cái gì thì phải xách. Thằng Sơn Hải dẫn đi. Đi theo đường kia, nghe chưa! Lệnh vừa hạ xuống, bọn trẻ ùa đến nhặt bao bị đeo lên vai. Thằng Cù Lao chạy đến phía trước: - Đi theo tôi đây! Bọn trẻ con đi theo hàng dọc, gọi kêu ầm ĩ. Khách đổ bộ xuống Hoà Phước lần này ồn ào, nhí nhố, khác hẳn bốn chiếc rương kẽm oai vệ lầm lì, khác lần bà đốc Thụ bất ngờ và im lặng. Ông Tư Trai nhìn lên thấy mặt trời đã chui vào chòm sung. Việc vận chuyển đồ đạc của ông Biện Thành phải làm gấp. Ông chạy gặp chú Năm Mùi. Chú Năm chạy rút anh Bảy Hoành, ông Bảy Hoá, ông Kiểm Lài, ông Bốn Rị… tất cả phải ra ngay ngoài vạn mang theo quang gánh đưa đồ đạc của đồng bào chạy giặc vào xóm. Nhà ông Tư Trai chợt như có giỗ lớn. Cháu con nội ngoại, bỗng đầy nhà. Phải nhóm thêm ba bếp ngoài sân. Mâm bát cái lanh canh lách cách. Bữa ăn có đến bốn mâm. Nhà ông Tư hoá giàu có, chật ních đồ đạc. Gian giữa thêm ba chiếc tủ, một bộ bàn, bốn chiếc ghế. Giường thêm đến bốn chiếc, không phải loại gãy chân mọt đục, mà toàn loại gỗ rất nặng. Nồi niêu, ấm tích, chén bát, bao bì thôi thì đầy nhà! Đặc biệt còn có một chiếc đồng hồ rất to treo trên vách. Chốc chốc tiếng đồng hồ nổi rọt rẹt, tiếp theo là những tiếng “kính coong” êm như ru. Chỉ đếm tiếng “kính coong” cũng biết mấy giờ. Mỗi khi đồng hồ “kính coong”, ông Biện Thành kêu toáng lên: - Một giờ rồi! Phải cho bọn trẻ con ăn trước đi! - Hai giờ rồi! Con Bảy phải xuống chợ xem thử… Thằng Cù Lao là người được vinh dự vác cái đồng hồ đó về nhà. Tôi là người được đưa bốn chiếc đinh cho ông Biện Thành đóng để treo lên vách. Bọn trẻ trong làng kéo đến xem cái đồng hồ “kính coong” của ông Biện. Chúng còn được ngắm những bức truyền thần của ông Biện nữa. Một bức vẽ chân dung ông bà Biện, ông Biện oai phong lẫm liệt, mặc bộ đồ tây cầm một chiếc gậy có ngù như sẵn sàng vung gậy nện vào kẻ khác. Bà Biện đứng sát bên cạnh ông Biện, mặc áo hoa, tóc cài trâm, cổ đeo đầy cườm, tay đeo đầy xuyến. Hai ông bà đều sang trọng, phong lưu. Ông Biện Thành trong bức họa khác hẳn ông Biện Thành đi tản cư trán thấp, vai u, cù mì cục mịch, mặc một bộ đồ cộc đen. Bà Biện Thành trong tranh mũm mĩm, trẻ trung, đài các, khác hẳn với bà Biện Thành xương xẩu hốc hác, người đầy góc cạnh. Trong những khung gỗ khác còn nhiều bức ảnh, chụp toàn những người sang trọng, người cầm trong tay quyển sách dày cộp, người cầm chiếc đàn. Ông Biện Thành thấy thằng Cù Lao cứ đứng ngắm nghía, ông chỉ vào các bức tranh: - Đó! Chú muốn cái nào thì cứ lấy. Ông Biện Thành người thấp, nhưng rất nhanh nhẹn. Ông quấn trên đầu một chiếc khăn lông to. Những ông lái ghe bầu thường có một chiếc khăn như vậy. Ông ngồi không yên. Hết lên nhà trên, lại xuống nhà dưới, đi ra đi vào, xem xét, chỉ trỏ, ra lệnh cho đám con cháu làm việc này, việc khác. Ông không chịu người khác làm một việc gì chưa vừa ý. Chiếu chăn cần trải thật ngay ngắn, đồ đạc cần móc lên cao, tất cả những gì cần gói, cần đậy, ông đều có ý kiến phải gói phải đậy. Ông xuống nhà bếp bắt phải đặt lại ông táo, bày vẽ cách thái thịt. Ông đến ngay nhà ông Bốn Rị mua thịt chó. Ông đến thăm bà đốc Thụ vì bà đốc cũng chạy giặc như ông. Ông Biện rất thích được chỉ huy cả toán trẻ con. Có đứa nào làm gì sai trái, đứa khác dọa ngay: Tao về mách với ông, ông cho mày biết! Ông Biện Thành nói: - Chỉ vắng mặt tôi vài giờ là tất cả đều nát bét, tụi con nít làm rối tung như mớ bòng bong! Trong đám cháu của ông Biện có Sơn Hải là đứa lớn nhất. Nó suýt soát tuổi tôi, có đôi má tròn, cổ tay cổ chân cũng đều tròn. Những ngày đầu về Hoà Phước, nó lầm lì, ít nói. Tôi hỏi: - Ngoài Đà Nẵng có chi lạ không? Nó trả lời gọn lỏn: - Không! - Có đèn điện, nhà lầu, ô tô? - Có. - Có toà thị chính bốn tầng? - Có. - Có thấy bọn Tàu Tưởng, bọn lê dương không? - Có. Nó ít nói được vài ngày. Sau đó, nó nói nhiều, nhiều hơn cả tôi. Đến ngày thứ ba, tôi được biết Sơn Hải là một tay võ sĩ, giỏi môn quyền Anh và môn ném tạ. Về Hoà Phước, Sơn Hải mang theo một quả tạ. Sơn Hải đứng chạng chân, ưỡn ngực, thót bụng, méo mồm, lên gân, co hai cánh tay bảo thằng Cù Lao bóp vào vai, vào bụng, xem những bắp thịt ở đó đã “cứng” chưa. Nó phải tập luyện để sau này trở thành một võ sĩ loại nặng đo ván bất kì võ sĩ nào khác. Như vậy, nó sẽ được đứng trên võ đài giữa những tiếng hoan hô như sấm. Thằng Cù Lao bảo nó đi một thao quyền Anh để xem thử. Sơn Hải cãi lại: - Thao quyền Anh là gì? Không ai nói vậy. Phải nói đánh bốc hay bốc-xê. Võ sĩ đánh bốc là bốc-xơ. Này, mình bốc-xê cho mà coi. Nó nhảy ra đứng thẳng người, quắc mắt thu quả đấm. Nó phóng tay trái thẳng về phía trước ngang tầm mắt. Tay mặt thu sát bên tai rồi vụt nhảy, vừa nhảy vừa ném lia lịa tay đấm về phía trước. Cách đánh bốc của nó trông hùng dũng, rất lạ mắt. Tôi hỏi: - Thế Sơn Hải đã bốc-xê với ai chưa? - Ít thôi. Mình có ông chú nhiều lần lên “rin” đánh hai “rươn” liên tiếp. Nó cho biết suốt đời nó chỉ thích cái bốc-xê. Nó không thích vật lộn, bơi lội, không mê thứ hát bội. Cơ-lác Gắp và Gác-bô của chị Tuyết Hạnh không phải là sự tuyệt diệu của tuyệt diệu. Chính võ sĩ Đờ Lu-i mới là sự xuất chúng của xuất chúng! Tôi hỏi: - Có khi nào Sơn Hải bị u đầu hay gãy răng không? - Còn nguyên cả. Bốc-xê dễ bị sái quai hàm. Quai hàm với răng vẫn còn đây này! – Sơn Hải nhe răng cho tôi thấy. Tôi và thằng Cù Lao bàn nhau thử dùng miếng trói của anh Long để chọi lại cách đánh bốc của Sơn Hải. Thằng Sơn Hải khi bốc-xê cứ đấm lia lịa. Thằng Cù Lao khi đi quyền phải đứng trụ. Một đằng thì phải tìm sơ hở. Một đằng thì nhảy nhót lung tung. Hai cách đấu khác nhau một trời một vực. Rất khó biết được bên nào thắng bên nào bại. Thằng Cù Lao đứng trụ một lúc, thằng Sơn Hải nhảy nhót một lúc, hai đứa nổi cười! Tôi làm trọng tài không hiểu luật lệ đánh bốc thế nào, cho phép hai bên được hoà, để một bên khỏi bị sái quai hàm, một bên khỏi gãy tay. Tôi tuyên bố hai bên hoà nhau, Cuộc đấu chấm dứt. ° ° ° Ông Biện Thành vừa vào đến sân, bọn cháu nội ngoại của ông đã ùa ra. Nhiều đứa ôm chặt chân ông, kêu lên: - Đói quá! Đói quá! Tất cả lật áo đưa bụng cho ông Biện xem: - Đã xẹp đây này! Ông Biện Thành nghiêm nét mặt: - Đang chạy giặc, có phải ở nhà đâu! Ông Biện cho mười cháu nội ngoại của ông là mười miệng cá mập. Chúng nuốt đá cũng tiêu, nhưng chúng không làm ra nửa xu. Chỉ vài tháng nữa tiền bán hai mươi thùng mắm của ông sẽ tiêu ra khói. Vừa về Hoà Phước, ông Biện Thành đã nói với ông Tư Trai biết rõ kế hoạch làm ăn: - Tôi phải mua một chiếc thuyền nhỏ. Bắt thằng Sơn Hải bỏ theo thuyền. Cứ lên xuống sông Thu Bồn, đem mắm ở biển đưa lên nguồn để bán. Lại chở mít chuối trên nguồn đem xuống biển để bán, ấy vậy mà lời to. Nhưng đùng một cái, Pháp cho tàu phá ngoài biển. Thuyền chài không thể đi khơi. Các con ông Biện Thành viết thư cho biết nghề mắm phải nghỉ hết. Ông Biện loay hoay chưa tìm ra kế sinh nhai. Việc đó phải lo gấp, vì mười cái miệng “cá mập” luôn luôn kêu đói. Bọn cháu ông Biện Thành thấy cái gì cũng để mũi vào, gặp gì cũng sờ mó, làm vướng chân vướng cẳng mọi người. Chúng kéo ra đàng đi nghễu nghện xuống đến chợ, dòm dòm ngó ngó. Chúng nhặt sỏi ném vào bụi tre, đuổi lũ quạ. Thằng Sơn Hải ra sông, gạ bọn chăn trâu đi ném tạ. Không hiểu sao tạ lại ném vào chân bọn nhỏ, có đứa đi cà nhắc. Sơn Hải bị mẹ rút đũa bếp quất vào mông. Sơn Hải bỏ chạy, sau đó trốn biệt. Thằng Cù Lao biết nó chui vào cây rơm nhà anh Bốn Linh. Đến bữa ăn, Sơn Hải không về. Thằng Cù Lao mách cho mẹ Sơn Hải biết là nó đang ngồi trong cây rơm. Mẹ nó đến dỗ: - Thôi về đi con, về ăn cơm kẻo đói bụng! Nó trong cây rơm nói ra: - Không về đâu. Phen này phải chết cho rảnh! - Mẹ để phần cho mày đĩa thịt chó! - Thịt chó cũng không về đâu! Mẹ nó tản đi nơi khác, vẫy thằng Cù Lao, nhờ thằng Cù Lao dỗ nó chui ra. Thằng Cù Lao đứng trước cây rơm nói vào: - Mẹ mày về rồi! Ra được đó. Thằng Sơn Hải nhảy vụt ra. Tôi và thằng Cù Lao chạy đến gỡ rơm rác dính đầy người nó. Sơn Hải về nhà lấy cơm ăn. Ăn xong, nó chạy tìm thằng Cù Lao. Hai đứa dắt nhau đến nhà ông Bốn Rị để dạy ông học và xem ông làm thịt chó.