ừ ngày Đảm được tạm thả ra đến giờ, không mấy khi Teng gặp nó. Một mặt ông Năm Hinh không cho nó đi ra khỏi nhà một bước và nếu có đi thì bao giờ cũng có ông đi kèm. “Thời buổi hỗn quân hỗn quan này, không thể thả rông đàn bà, trẻ con đi lại một mình được, mang vạ như chơi!” Ông tuyên bố thế. Mặt khác, thằng Đảm tuy được thả nhưng lại phải ghi tên vào danh sách phòng vệ dân sự của ấp. Tức là tối tối nó phải lên công sở ấp cầm súng đứng gác với các tay súng phòng vệ dân sự khác, sáng bảnh mới được về. Chỉ sau có mấy ngày, cái thằng Đảm tốt bụng của Teng bỗng trở thành người của chúng nó? Điều này cả Teng lẫn thằng Đảm đều không hiểu nổi. Bác Năm Hinh ngày đầu thấy vậy đã chửi toáng lên. Bác nói, thằng đồn trưởng, thằng xã trưởng, thằng ấp trưởng như vậy là đểu. Không làm gì được con bác lại trả thù hèn hạ, bắt nó đi cấm súng đứng gác cho một lũ đểu. Nhưng bác chửi thì cứ chửi, thằng trưởng ấp trẻ tuổi mới từ cục cảnh sát chuyển qua vẫn làm thinh. Nó bắn tin đến tai bác: Dù sao thằng Đảm cũng bị nghi vấn là có dính dáng đến vụ ám sát, khủng bố nhân viên của nhà nước, một là: bác để cho nó làm phận sự phòng vệ dân sự hương thôn như điều lệ của quốc gia đã ban hành không trừ một ai; hai là: bác đành phải để cho thằng Đảm bị giải đi khắp các nhà lao, công sở trong quận trong tỉnh rồi lên trung ương để xác minh thực hư. Thằng này trẻ mà thâm quá! Cái dây thòng lọng siết vào cổ bác vừa mềm lại vừa rắn, bác không còn biết tính sao nữa. Bác chỉ còn cách chửi đổng và luôn miệng quát tháo cả những thằng chới với nó nữa. Do thế, không dại gì Teng đến gặp nó ở nhà cả. Càng gần đến chợ, lòng Teng vừa buồn vừa vui. Thằng Đảm được thả ra, Teng như người sống lại. Ngay từ phút đầu biết tin, Teng đã chạy ngay đến cổng đồn đón nó nhưng ông Năm Hinh đã có mặt ở đấy rồi. Đi cạnh người cha vạm vỡ, mặt mũi hằm hằm trông nó ốm đi nhiều. Bước chân nó đi không vững nữa, thỉnh thoảng lại vấp. Nhìn thấy Teng, nó hé miệng cười, cái cười tồi tội như không phải của nó. Thân thể thằng Teng rung lên từng chặp. Mắt nó vừa cháy sáng nỗi vui mưng vừa nhòa nước. Đảm ơi! Tao đã tìm được “lực lượng” để cứu mày, không ngờ mày lại được ra sớm thế? Ra mà bị quản thúc, bị theo dõi, bị bắt làm kẻ đứng gác cho chúng nó thì ra cũng như không. Tuy vậy mày vẫn sống, mày không chết, không còn bị đánh đập tàn tệ nữa là tao không còn ước mong nào hơn. Thằng Teng muốn kêu to lên như thế và chạy tới ôm chầm lấy bạn, cứ vậy cõng bạn nhong nhong một mạch về nhà. Nhưng thằng Đảm đã kín đáo đưa mắt về phía đồn. thằng Teng hiểu: Đảm vẫn đang bị theo dõi. Em đứng chôn chân, miệng méo xệch đi nhìn theo bóng bạn khuất dần bên cạnh bóng người cha đi gù gù về phía trước. Thế là bai nhiêu điều định nói, định kể lể bỗng chốc tiêu tan trước những lớp rào kẽm gai đầy sự đe dọa chết chóc của cái chi khu gớm ghiếc, Teng tức đến phát khóc. Liền mấy bữa sau, Teng có thập thò đến nhà tìn Đảm nhưng đểu không gặp được. Chiều nay Teng phải đi tìm gặp nó ở chợ. Việc gấp lắm! Không thể do dự được. Chợ mấy bữa nay về chiều thường tan rất sớm. Không hiểu nghe ai nói Việt Cộng sắp sửa đánh lớn vào chi khu mà mới xế chiều một lúc là nhà nào nhà ấy đóng kín cửa, ngoài chợ chỉ còn lác đác dăm tiệm ăn. Họ sợ tên bay đạn lạc. Lại có người táo gan hơn, nhỉnh mũi: “Việt cộng nào đánh? Ông ấp trưởng mới không muốn đông người đi lại nhốn nháo ở những chỗ công cộng nên bày đặt như vậy để dễ kiểm soát. Ông sợ! Rồi họ còn nói ông trưởng ấp này thâm, cười nói như không mà đâu ra đó cả. Từ ngày ổng lên tới giờ, ít nhất phải có hơn ba mươi gia đình phải treo bảng: “Nhà tôi không chứa chấp cộng sản!” và cũng có ít nhất là trên mười người bị mời đi một cách hết sức nhẹ nhàng. Thật sự, xóm ấp chưa bao giờ ngột ngạt như bây giờ. Mật vụ, thám báo quanh quất cả đêm lẫn ngày. Đây là một ấp yết hầu trọng điểm tiến thẳng xuống Sài Gòn nên viên đại úy chi khu trưởng thường xuyên xuống thúc bách, bày mưu bày kế. Viên đại úy tỉnh trưởng thỉnh thoảng cũng đáp trực thăng xuống thị sát và tỏ ý hài lòng. Một ai đó lại thầm trách người ám hại tên ấp trưởng cũ. Giết nó làm gì! Thà để nó còn dễ chịu hơn thằng này. Rồi cũng phải tới lúc nhổ nhà mà bán xới đi thôi. Nghe vậy, Teng hoang mang quá! Hay là tại mình mà bây giờ bà con kêu ca? Em thấy như mình là người có lỗi. Từ buổi gặp tổ đặc công và chị Ba, Teng trở thành đường dây liên lạc duy nhất giữa ông Tư và lực lượng. Có điều gì không hay, không hiểu, Teng lại tìm đến ông. Thấy Teng buồn rầu, ông Tư phải nói: “Việc cháu làm là đúng. Nhưng giết một thằng không đủ. Phải làm sao diệt được nhiều thằng chúng nó. Con đừng buồn! Ông con ta lúc này là hai người duy nhất còn sót lại hoạt động mật trong ấp, phải vững tin, phải làm nhiều việc hơn nữa mới đáp ứng được ý muốn bà con”. Nghe vậy, Teng yên tâm hơn. Cậu bé cứ nhìn già Tư mà hành động, mà nuôi chí bền. Thời gian này già cũng không được đi lại tự do như trước, thằng ấp trưởng quy định cho già chỉ được ngồi một chỗ, đêm cấm đi lại và không được đàn hát những bài kích động tâm lý mọi người. Do vậy, mọi tin tức tình hình, già đều trông cậy vào Teng để báo ra ngoài biết. Nhưng Teng biết già Tư vẫn không ngừng hoạt động. Cơ sở mật dần dần đã đông đảo trở lại, những liên gia bỗng trở thành những cụm bảo vệ nhau, lấy tin tức và tiếp tế gạo mắm ra sông cho “lực lượng”. Bữa nay Teng đi tìm Đảm cũng là theo chỉ thị của ông Tư. Đứng bên này đường, Teng nhìn thấy rõ mấy người phòng vệ dân sự già đang ngồi trầm ngâm hút thuốc trong vòng rào gai. Nhìn kỹ hơn, Teng phát hiện ra thằng Đảm đang ngồi tư lự trên bậc thềm nhà công sở. Cặp mắt nó nhìn vuốt lên trời như mải suy nghĩ điều gì. Nó buồn? Nó khổ. Teng bỗng dưng thấy nôn nao. Không ngờ hoàn cảnh của thằng Đảm bây giờ lại kỳ cục dường này! nếu lần ấy không phải là nó mà là mình bị bắt thì giờ đây mình cũng đang ngồi thu lu chờ tới phiên gác như nó. Chạnh lòng, Teng càng cảm thấy lời già Tư là đúng: diệt một thằng không thay đổi được gì, cũng không trả hết được thù cha, có khi lại nhọc nhằn hơn. Phải diệt nhiều, Nhiều nữa… Phải phá tan ráo trọi những công sở có hàng rào gai… Thằng Đảm cũng đang ngồi trong hàng rào gai. Ngồi như tù. Teng cảm giác thằng bạn nó vẫn đang còn bị cầm tù. Giá có phép thần thông gì thổi một cái, hàng rào gai bay tung để thằng Đảm thoải bước đi ra với nó. Nó kiễng chân vẫy vẫy tay. Thằng Đảm không nhìn thấy. Nó làm bộ đi ra giữa đường nhìn vào. Thằng Đảm vẫn không ngẩng lên. Trời đã xẩm tối. Sốt ruột, nó đi sát tới tận mép hàng rào hắng giọng. Vô ích. Không biết làm cách nào, nó bèn nhảy cẫng lên, bạnh cổ hét: “Tụi bay ơi, tối nay ngoài ngã ba có suất hát đó! Có cả Lệ Thủy ca đàng hoàng nghe!”. Lần này thì thằng Đảm nhìn lên. Chợt thấy Teng, mặt nó sáng bừng. Mặt Teng cũng sáng bừng. Em khẽ nháy một bên mắt ra hiệu sang phía bên kia đường. Công sở ấp lúc này còn đang vắng. Bọn chủ trò và nhân viên chỉ đến đây làm việc ban ngày, ban đêm chúng để cho phòng vệ canh gác, bỏ về nhà ngủ với vợ. Do đó Đảm rời chỗ lững thững đi ra cổng cũng dễ dàng. Dưới một gốc gạo kín đáo, hai cái bóng nhỏ bé nắm chặt tay nhau. Teng: - Tao nhớ mày, tao thèm gặp mày muốn phát khóc! Vậy mà mày… Đảm: - Tao cũng vậy. Chiều nào tao cũng chờ mày. Đừng buồn, tao gặp mày khó quá! Tao nghĩ mày bỏ tao rồi! Đảm cười mếu máo và quay mặt đi ngay. Bây giờ đến lượt Đảm giấu sự xúc động. Hai đứa ngồi với nhau trong quán bánh bèo bà Năm điếc ở cuối phố. Quán lụp xụp, chỉ có độc một thứ bánh bèo tráng dày cộm nên lính tráng và kẻ sành ăn chẳng bao giờ ghé vào, họa hoằn mới có một người phu xe, người đánh xe bò thuê vào ăn nhồm nhoàm một chặp cho đỡ đói rồi đi ngay. Vì thế hai đứa ngồi đây có thể gọi là kín đáo. Đèn đóm lờ mờ nên người ngoài đường có tò mò nhìn vào cũng chả thấy gì. - Nghe tao nói nghen! – Teng nhìn nhanh ra cửa. - Cứ giả đò nhai đi! - Mày nói đi. Lâu lắm tao không được nghe tiếng mày nói. Nhớ… - Tao gặp mấy ảnh rồi. - Sao? Mày gặp rồi? - Cả anh hai mày nữa. - Cả anh hai tao nữa - Đảm sửng sốt nhao người lại - Ảnh đang ở ngoài kia mà. - Vô rồi! Vô lâu rồi. Ảnh dòm bộ ngon lắm! Cái tay cầm đũa của Đảm run lên cầm cập. Lần đầu tiên Teng thấy bạn không trấn tĩnh được. Cậu làm bộ già dặn trông thật tức cười. - Làm gì vậy? Ăn đi! Đảm gắp vội một miếng thật to đưa vào mồm nhai như cái máy: - Ảnh có biết tao bị bắt không? - Biết! Biết hết! - Bây giờ ảnh đâu. Dẫn tao đi thăm đi! - Khoan mày! Cái gì vội được, cái này không thể vội được đâu. Việc cơ mật hệ trọng đấy. Đảm nghe Teng nói thấy lạ quá! Xa nhau mới có mấy bữa mà sao thằng bạn của nó nói năng đâu ra đấy. Nhưng nỗi vui mừng sắp được gặp người anh lâu lắm không biết tin tức, thậm trí không còn nhớ nổi mặt làm nó ngây ra. Thằng Teng khoái lắm, được đà làm bộ thận trọng, nói tiếp: - Nghe này. Để mấy anh làm ngon trận này, ông Tư Đờn cò giao cho tao với mày phải gây được tiếng nổ trong ấp để …Để gì nhỉ? À, để làm căng sự chú ý, căng lực lượng chúng nó ra. - Lại bẫy hố chông à? - Trật rồi. Đó là đồ trẻ nít – Teng bĩu môi – Bây giờ ta diệt cách khác, ngon lành hơn nhiều. Nè! Tụi mình bây giờ kêu là tự vệ mật rồi đó nghen! Tự vệ mật phải oánh kiểu tự vệ mật chứ hổng oánh lạp xạc như bữa rồi nữa. Ông Tư phân công: Mày là nội … Nội ứng bên trong. Tao chạy vòng ngoài, còn ổng là chỉ huy. Chỉ có ba người thôi, phận sự là gây tiếng nổ làm cho chúng nó hoang mang, làm cho bà con vững tâm tin ở đàng mình. Làm được vậy, mấy ảnh sẽ dễ xuống hốt gọn cả cụm luôn. Mày nghe kịp không? Thằng Đảm lại gật đầu mặc dù nghe thằng Teng nói nó hiểu câu được câu chăng. Cha! Thằng Teng đận này giỏi dữ ta. Gặp mấy anh rồi có khác. Tự vệ mật à? Tự vệ mật là cái chi hề? Nó nhấp nhổm định hỏi nhưng thằng Teng vẫn vừa chau mày vừa nói chậm rãi như người lớn: - Bí mật heng! Ba mày cũng không cho biết. Anh Hai dặn thế. Bây giờ tao bạn với mày cách thức diệt ác. Ngon lắm! - Từ từ chớ! Mày nói thia lia (nói nhanh) như liên thanh ấy, tao rối đầu. Cho tao hỏi một câu: anh Hai tao có biết tao ở phòng vệ dân sự không? Tao sợ ảnh buồn, nghĩ trật về tao. - Biết nhưng không có buồn đâu. Ảnh bảo: hoàn cảnh o ép là vậy, chỉ cốt sao thằng Đảm đừng ngã lòng. Ảnh tin mày lắm! Đảm nước mắt rưng rưng: - Teng ơi! Tao muốn được gặp anh Hai tao. Mày giúp tao… Tao không muốn cầm súng đứng gác cho người ta hoài thế này. Nhục lắm! - Bây giờ không phải là lúc mùi mẫn mày! Có việc làm cho mày đây. Việc quan trọng lắm! Ngày mốt, thằng đại úy chi khu sẽ xuống khai hội với tụi ở đây để bàn cách chống cộng ác ôn hơn nữa, ông Tư nói thế. Ổng giao cho tao với mày oánh ngay vào buổi khai hội ấp. Diệt một cú ráo trọi chúng nó. Vừa nói Teng vừa lần trong tận cạp quần ra một chiếc đồng hồ đeo tay mặt to sáng choang… Trời tối hẳn. Dưới ánh đèn dầu tù mù đặt ở góc nhà, hai đứa nhỏ vừa ăn vừa chụm đầu rù rì bàn chuyện. Bà chủ quán nghễnh ngãng thấy bọn trẻ bữa nay ăn lâu và ăn rất ngon lành, nghĩ tội cho hai cái bụng đói, bà hiền hậu rưới thêm nước chấm cay vào đĩa bánh. Sớm nay Teng dậy sớm. Cả đêm hôm qua, Teng hầu như không ngủ được, nhưng cố làm bộ tươi tỉnh để má khỏi nghi ngờ. Em nói với má sáng nay ra chợ bán mấy con lươn đánh được tối hôm qua để kiếm tiền mua sách học. Má gật đầu nhưng mắt má nhìn Teng lạ lắm. Không! Chắc má không nghi gì đâu nhưng sao cái nhìn của má như trách móc, như xót thương? Giống như cái nhìn lần chót lúc ba về và mãi mãi không trở lại, Teng chột dạ. Linh tính báo cho em biết là thế nào hôm nay cũng có chuyện bất thường xẩy ra. Nhưng đã hiệp đồng kỹ với thằng Đảm rồi, không thể hoãn lại được nữa, em sách giỏ lươn đi ra cửa, miệng cố tru lại huýt gió một điệu dân ca nghịch ngợm. - Con… Má Teng gọi theo nghe thật da diết. Teng bỗng thấy rủn cả người. Má bữa nay sao kỳ quá! Chắc má khó ở trong người. Teng quay lại. - Con… Ráng cẩn thận nghe con! – Má dặn mà như hiểu hết. - Má đừng lo. Con đi chút về liền. Con sẽ mang thuốc nam của ông thầy Chàm về cho má uống tiếp, mau khỏi. Nói rồi em nhảy chân sáo đi luôn. Làng xóm sáng nay thật đẹp. Gió từ bưng thổi về mang theo cả mùi dưa leo, mùi mướp hương, đậu đũa đang kỳ ra trái. Nắng sắp lên. Đi giữa đường làng mịn cát mà như thấy muôn ngàn tia nắng đang lấp ló ở đâu đây? Sương lãng đãng tan dần trên các mái nhà. Một chú mèo mướp đen tuyệt đẹp chạy tắt qua đường và mất hút vào vườn mít lúc lửu quả. Trong ấp có tiếng chim hót râm ran. Nhà ai đang ghế cơm tỏa ra mùi gạo thơm quá đỗi. Một chú bò rống trong chuồng. Chắc người ta đang sửa soạn đưa nó ra bưng… Tất cả cảnh sắc sáng nay cứ từng đợt ùa vào đầu óc Teng. Em ngây ngất bước đi. Giá như xóm ấp em không có bọn lính dữ tợn, không có nhưng tiếng nổ tắc nghẹn về đêm, giá quê em cứ mãi mãi thanh bình yên ả như thế n này, đâu đâu cũng chỉ thấy khói bếp và nắng gió thơm thoảng, đâu đâu cũng chỉ thấy tiếng mọi người cười nói thì sung sướng biết bao! Teng và thằng Đảm sẽ không bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện chém giết nữa, hai đứa chỉ lo học và ra vùng vẫy ở sông… Teng ngửa mặt mà đi, giây phút ấy em quên béng điều gì đang chờ em trước mắt. Em muốn nhảy lên và reo vang những bài hát quen thuộc. - Đi đâu? Đứng lại! Tiếng quát của thằng lính đội mũ sắt đứng trấn ở chỗ ngã ba rẽ vô chợ khiến em bừng tỉnh. - Tôi đi bán cá! – Em trấn tĩnh lại. - Đi lối kia. Bữa nay công sở có việc. Bàn chân của Teng ngoan ngoãn bước rẽ xuống đường mòn dẫn tắt đến chợ mà bụng em thấy mừng rơn. Có việc à? Thế là ông Tư già nói đúng thật rồi. Bữa nay chúng có việc. Bữa nay chúng tụ họp ở đây để bàn cách nống quân càn quét ra sông, để bàn cách phòng thủ, kìm kẹp xóm ấp thêm nữa. Bữa nay nó và thằng Đảm sẽ hiệp đồng hành động. Mọi công việc đã chuẩn bị xong đâu vào đấy rồi (tất nhiên, nếu chỗ thằng Đảm không gặp trở ngại đặc biệt). Theo kế hoạch nó đã thông qua ông Tư già, thì phân công như sau. Thằng Đảm sẽ bí mật đặt trái mìn gói bằng thứ thuốc nổ cực mạnh nhét vừa gọn bao thuốc lá Ru-bi vào cái sọt đựng rác dưới bàn làm việc của thằng trưởng ấp. Trong miếng thốc nổ vuông vức, xinh xắn ấy, Đảm sẽ nhét chiếc đồng hồ vào chính giữa. Chiếc đồng hồ mới tinh này là của ông Tư đưa cho. Trong ruột đồng hồ có nhét một thỏi pin nhỏ xíu. Hai thanh kim mang điện sẵn, chỉ cần chập nhẹ vào nhau sẽ khiến trái mìn phát nổ. Teng đã dặn kỹ Đảm nhớ chỉnh cho hai cây kim chênh nhau đúng một giờ. Bẩy giờ sáng nay hãy lén bỏ vào thùng rác để đúng tám giờ khi chúng nó đã tề tựu đông đủ, hai cây kim sẽ chập nhau. Ít nhất cũng một thằng toi mạng. Hàng ngày Đảm nói thằng ấp trưởng hay ngồi ở chiếc bàn ấy, không hiểu bữa nay ai ngồi? Nếu rơi vào chính thằng đại úy chi khu thì càng sướng. Ầm! khói mù mịt. Mặt bàn chẻ ra, bay tung lên quật vào mặt, vào ngực nó…Sướng! Đấy là toàn bộ công việc của thằng Đảm và tin rằng nó đủ khôn khéo và bình tĩnh để nhét được trái mìn. Còn về phần Teng. Trước khi trái mìn nổ, cậu sẽ nghễu nghện vác chiếc giỏ lươn hai đáy đi qua chiếc Zeép lùn của thằng đại úy chi khu đậu ngoại cổng (vì Đảm nói: thường mỗi khi xuống ấp, chiếc Zeép không mấy khi bon vào sâu). Trong giỏ của Teng cũng có một trái mìn nằm ở đáy dứới. Trái mìn này lớn hơn trái mìn thằng Đảm một chút và phát nổ bằng kíp nổ chậm do anh Hai cho hẳn hoi. Teng sẽ làm sao đặt được chiếc giỏ vào chỗ nào đó trong xe, càng bất ngờ càng tốt. Sau khi trái mìn thằng Đảm nổ, dứt khoát thằng đại úy - nếu không phải nó ngồi ở cái bàn ấy - sẽ chạy ra và phốc lên xe đi luôn. Teng đã căn làm sao cho xe chạy được một đoạn, trái mìn mới phát nổ. Khoái quá! Ầm! Khói mờ mịt! Xe nổ tung. Xác nó loằng ngoằng bay lên cao rồi rớt xuống đường như cái tã rách… Em đi nhanh hơn. Giờ này mà không có động tĩnh gì chắc thằng Đảm mần ăn ngon rồi đây. Ha! Chân em ríu lại. Không khí ở chợ sớm nay vẫn như mọi sớm. Ồn ào náo nhiệt. Dân có tiền của thì ngồi chật ních các quán tiệm, mặt mũi tấy lên vì ngửi nhiều các món xào nấu cầy kỳ. Dân ít tiền thì ngồi xệp luôn xuống vỉa hè ăn vội dăm đồng xôi, bánh ướt… Các gánh rau, hoa quả, tôm cá và cả đậu phộng đậu tương nữa vẫn kìn kìn kéo vào dãy lán lợp mái tôn, mái dầu phía trong chợ. Người bán đến sớm hơn người mua đều đã lác đác từ khắp các xã dồn về đang tụ dần thành bãi chợ. Mùi bùn, mùi tôm cá, mùi thuốc lá bốc lên nồng nặc. Duy khác có một điều là bữa nay có lính gác hai đầu đường. Người đi bộ vẫn qua lại như thường, nhưng xe máy, xe lôi bắt buộc phải rẽ ngả khác. Mỗi khi có ông quận, ông tỉnh nào xuống ấp, đoạn đường này đều được quy định nửa nghiêm ngặt, nửa dễ dãi như vậy cả. Chiếc xe Zeép của thằng đại úy chưa xuống, Teng la cà vào chợ xem thứ này, hỏi giá thứ khác… Đến quán bà Năm bánh bèo ở cuối phố, Teng rẽ vào hỏi mua một đĩa ăn cho chắc bụng. Trời đã có vẻ nong nóng. Kiểu này chắc cũng phải hơn bảy giờ rồi. Phải non một tiếng nữa, thằng chi khu truởng mới xuống. Đường từ quận xuống đây chỉ khoảng ba cây số nhưng thằng này khôn, cứ phải chờ cho sáng hẳn một lúc, có nhiều người đi lại trên đường đã rồi mới lên xe. Hắn sợ mặt đường không ổn sau khi đã bỏ trống cả một đêm. Giờ này chắc thằng Đảm cũng đặt trái xong rồi. Ước gì cả hai đứa ác ôn đều ngồi chung một bàn nhỉ?... Thấy bóng ông Tư xiêu xiêu đi qua, Teng trả tiền rồi vươn vai, phướn bụng bước ra đường, nắng xói vào làm mắt em hấp háy. Chợ ven sông thiếu gì trẻ nít lang thang bán tôm bán cá kiếm được khi đêm nên Teng đi lại khá tự nhiên, bọn lính không thèm ngó em nửa con mắt. Chúng chỉ lo xoi mói, dòm ngó những người đàn ông to khỏe, dáng đi dáng đứng bặm trợn kia. Đi qua gốc cây ông già Tư ngồi, em giả vờ cúi xuống buộc lại quai giỏ vào hông. Không nhìn lên, ông già hát rong lẩm bẩm như nhẩm tính mấy cắc, mấy hào thu được ngày hôm qua. - Xe sắp xuống! Làm gọn, rút nhanh. Nếu có chuyện gì con cứ chạy thẳng theo lộ. Có người đón ở đó. Nhớ nghen! Đi đi. Chú ý cái giỏ. Teng khẽ gật đầu và bước đi. Già Tư hôm nay cũng ra ngồi đây để chỉ huy chung đó. Teng nghĩ thế và bỗng thấy vững bụng. Dạo này Teng coi ông Tư như ba ruột của mình, khi biết chính ông đã tổ chức cho bà Năm kéo mọi người ra lấy xác ba đem chôn, Teng càng thấy gắn bó, tin cậy. Em chỉ canh cánh lo cho thằng Đảm. Mải nghĩ, Teng không để ý chiếc xe Zeép rồ tới rồi bon êm qua tự lúc nào. Em vội ngoái sang: trên xe chỉ có ba người. Người ngồi phía trước, chân gác ra ngoài, mắt đeo kiếng đen gọng to chính là thằng đại úy. Tên ngồi sau có lẽ là thằng xã trưởng mập và đen như người Thượng. Chắc hắn rồi. Thế là tất cả có ba thằng. Đầu Teng bỗng nóng ran lên. Và dù không muốn, tự nhiên hai cái khuỷu gối cứ run run. Em cắn mạnh răng vào môi trấn tĩnh. Chiếc xe rú máy một cái rồi phanh két trước cổng công sở. Thằng trưởng ấp nhanh nhẹn chạy ra đón. Bữa nay hắn cũng bận quân phục bó căng nhưng gỡ bỏ bông mai ở ve áo. Thằng đại úy khoát tay thay cho lời chào trước dáng đứng nghiêm rất quân sự của thượng cấp rồi đi nhanh vào. Chiếc xe từ từ dũi đầu vào cổng. Chết cha rồi! Teng hoảng hồn. Sao bảo xe chỉ đậu bên ngoài? Nếu nó mà giở trò vô sân thì coi như… Nhưng kìa, may quá! chiếc xe chỉ dũi đầu lấy đà rồi lùi ra, quay đít trở lại, đậu sát hè đường… Mắt em nhìn nhanh ra xung quanh: hoàn toàn bình thường. Ngoài mấy thằng gác đứng đen thui ngoài mặt lộ, bọn khác đều đã chui vào lộ cả rồi. “Làm quái gì có Việt cộng lọt vô đây giờ này mà phải lo. Họa có là thánh!” Chắc chúng nghĩ thế. Thời khắc trôi qua thật chậm. Trong công sở đã thôi không còn nghe tiếng ồn ào cười nói, tiếng li cốc cụng nhau lanh canh. Chập la-de (bia) mào đầu đã dứt, chắc bây giờ chúng bắt đầu ngồi vô bàn. Thằng Đảm chắc cũng đã ra ngồi hiền lành ở cái lô cốt phía sau như một phòng vệ cần mẫn. Tời giờ rồi! Teng làm bộ thất thểu đi lại chiếc Zeép. Gần tới nơi, em bỗng ngẩn người: thằng lính lái xe không tạt vô quán như mọi bận mà lại đang lúi húi sửa chữa cái gì ở gầm xe! Thế này thì nhét cái giỏ mìn vào lúc nào được? Không thể dừng lại, em vẫn bước. Lòng xe trống không, sạch bóng, bỏ giỏ vào đó, lộ ngay. Đáng lẽ chỗ đặt giỏ là gầm xe kia. Vậy mà… Em lỡ trớn đi vụt qua mũi xe luôn. Bỏ à? Để kệ một mình thằng Đảm đánh thôi à? Bậy! Nếu thế thì bậy! Thằng Đảm vẫn đang bị chúng nó nghi, để một mình nó đánh trong công sở, thế nào chúng nó cũng tóm thằng Đảm trước tiên. Mình làm nổ trên xe chính là đánh lạc mục tiêu gỡ bí cho nó… Sao hè? chợt một suy nghĩ lóe lên. Teng nhớ lại tụi lính vùng này ưa nhậu rượu với lươn chiêu chua ngọt. Mấy lần mang lươn ra chợ, tụi này đều hò nhau vào mua hết. Thằng này chắc cũng… Em lững thững quay lại. - Ông lính ơi! Ông có mua lươn về nhậu không? Tôi để rẻ cho. Đang mồ hôi mồ kê, thằng lính gắt toáng lên: - Lươn lẹo gì? Ra ngoài kia không ông đập thấy mẹ bây giờ. Teng hẫng cả người. Em chưa biết nán lại hay quay đi thì thằng này hình như vừa kịp nghĩ lại, ngóc cổ ra, một cái cổ đỏ tía như gà chọi, rõ là một dân bợm nhậu: - Lươn hả? Bự không? - Bự chớ! Bằng này nè! – Teng đưa cánh tay ra. - Nhiều hay ít? – Tên lính chui ra, ngồi hẳn dậy. - Nhiều. Sáu con. Khoảng hơn hai ký. - Dữ hà! - Hắn cười nham nhở - Thằng em vừa nói gì? Để rẻ à? Rẻ là bao nhiêu? Teng nghĩ nhanh: nói rẻ quá, nó nghi. Mà nói mắc nó không mua cũng gay. Xem nào! Teng nhẩm tính: ngoài chợ thường bán một trăm đồng một ký. Mấy bữa nay trời nắng gắt, lươn ít, có khi phải lên tới một trăm hai, một trăm ba mươi đồng mà kiếm không ra. Em buông thõng: - Tôi lấy ông ráo trọi chỗ này là hai trăm. - Tức là bao nhiêu? – Tên lính vừa hỏi gặng vừa lấy chân đá đá con chó béc-giê to tướng từ trên xe nhảy xuống đang thè lưỡi xán đến giỏ lươn. - Tức là khoảng tám mươi đồng một ký. Chỗ này hơn hai ký mà. “Trời! Con chó trông ớn quá!” – Teng thầm nghĩ. - Tám mươi kia à? Ra ngoài kia - hắn quát con chó - Mắc thấy bà nội. Teng làm bộ quay đi - Ông mà mua nổi một trăm một ký thì tôi biếu không chỗ này. - Đù mẹ, thôi được! Đưa đây! - Hắn thò những ngón tay nhóp nhép dầu mỡ vào túi áo móc tiền. Một tí nữa thì Teng nhảy cẫng lên, dúi mạnh cái giỏ cho nó và không cần tiên nong gì cả. Nhưng em vẫn làm bộ càu cạu: - Bà già tôi đang bệnh mới cần tiền như vậy đó. Lúc khác ấy à… Thằng lính đỡ lấy chiếc giỏ và thọc ngay tay vào. Tích tắc sau, nó giơ lên một chú lươn kếch xù, nâu bóng, to đúng bằng cổ tay thằng Teng. - Á, á! Nặng đây! Phải cả can, cả một can rượu đi với chú mày mới đã. - hắn xuýt xoa vẻ cực kỳ khoái trá. Teng cầm tiền mới kịp quay đi được mười bước thì một việc quá bất ngờ xảy ra. Con béc-giê to như con bê từ nãy vẫn ngầu ngầu mắt nhìn vào chiếc giỏ, bây giờ thấy thân hình con lươn béo múp đang oằn oại dưới tay thằng lính, không đừng được, nó nhảy phóc lên ngoạm ngay thân con lươn chạy thẳng. Thằng lính giật mính đánh rơi chiếc giỏ lăn nghiêng xuống đất, rồi chạy theo con chó đá một cú. Con chó hộc lên một tiếng rời con lươn ra. Thấy cái giỏ nằm dưới đất, con chó Mỹ lại gầm gừ xô lại. Thằng lính ngụy vội hốt hoảng một tay cầm chú lươn đã tướp máu, một chân giậm mạnh lên chiếc giỏ. Bàn chân mang đế giày đinh giậm mạnh quá, chiếc giỏ bẹp dúm. thế là trái mìn vàng rộm tòi ra. Tên lính trố mắt nhìn… Cái đầu bù xù của nó cúi thấp nữa. Nó đưa tay ra… Rồi bỗng toàn thân run bắn lên, mắt bạc đi, nó cuống quýt chỉ vào bóng Teng đã đi khá xa, kêu oai oái: - Mìn! … Mìn!... Việt cộng đặt mìn! Không cần nghe rõ, chỉ cần nhìn thái độ hớt hải của nó là mấy thằng lính gần đó đã hiểu cái gì xảy ra rồi. Chúng bật dậy và nhằm phía Teng lao tới. Teng cũng vội co giò chạy thục mạng. Cả phố chợ bỗng nhốn nháo. Những đế giày đinh gõ xuống đường gấp gấp như vó ngựa phóng theo Teng. Tiếng la hét, tiếng chửi đổng trùm lên đầu đứa trẻ. Em vẫn chạy. Đôi chân nhỏ thó, xanh lợt guồng tít trên mặt đường… Bộ răng trắng nhởn của một thằng lính đập vào mặt em. Teng hoảng hồn sững lại. Có vẻ coi thường thằng nhỏ bé người lại không mang một thứ vũ khí gì, nó chạng chân, dang rộng hai tay ra, miệng cười man dại như sắp vồ một con thỏ. Teng ngoắt người. Nó cũng ngoắt người. Cái bóng của nó trùm lút cái thân thể nhỏ nhoi. Bọn đằng sau đuổi sắp tới nơi. Mẹ mày! Còn lâu mới bắt được ông! Teng cắn môi và bất thần đâm sầm đầu vào bụng cái bóng lính cao to đó. Hức! Thằng này ợ mạnh một tiếng, để rơi súng và ngã chổng kềnh ra phía sau. Rắc! Hình như gáy bị đập vào đá, nó nấc lên một tiếng nữa rồi bất tỉnh. Teng phóng qua người nó. Trước mắt em là mặt lộ rộng thênh thang, chói trang nắng. Em lại guồng tít đôi chân. Những đôi giày đinh kia làm sao đuổi kịp bàn chân để trần của đứa trẻ quen chạy nhảy này. Chúng bắt đầu dùng đến súng. Teng hơi lạng người đi. Đạn cày chíu chíu xuống trước mặt, xuống sau lưng, đạn bay rát nóng hai bên hông em. Teng chạy ngoắt nghéo. Đạn bay theo càng dày, mỗi lúc một chụm. Đà này chỉ một chút nữa, nhất định cái thân thể bé bỏng của em sẽ cùng một lúc hứng gọn cả chục viên đạn. Chính lúc đó, như một sự hiệp đồng, một tiếng nổ đanh và to vang lên ở đằng sau, phía công sở. Mìn thằng Đảm nổ rồi! Đang chạy thục mạng mà Teng cũng kịp nhảy cẫng lên. Phía sau, đám lính đuổi theo ngơ ngác một chút rồi một nửa quay lại, một nửa vẫn tiếp tục đuổi. Thôi thì bây giờ khắp chợ, chỗ nào cũng nổ ran tiếng súng. - Con mẹ thằng Việt cộng con! Đứng lại không? - Đứng lại!... Bắn này. “Con mẹ chúng mày ấy! Cứ bắn đi, mà bắn mãi rồi còn gì”. Teng chửi lại trong bụng và như được tiếng nổ đẩy gió sau lưng, nó chạy băng băng, mỗi lúc một cách xa tụi lính. Người, xe cộ trên đường giạt rộng ra hai bên để chứng kiến cuộc đuổi bắt kỳ thú này. Ai cũng lo cho cậu bé nhưng cũng thầm phục cậu bé. Họ chỉ sợ đầu đằng kia mà xuất hiện một đám lính nào nữa là… Lo vậy nhưng không một ai dám nhảy ra cứu cả. Tình thế này biết thế nào mà cứu, có khi chết chùm. Đột nhiên từ trong đám đông, một cô gái ăn mặc diêm dúa cưỡi chiếc hon-đa nữ tách ra, quay lưng về hướng cậu bé đang chạy tới. - Nhảy lên! Em! Cô gái nói nhanh. Không cần nghĩ ngợi tính toán gì, như sắp hụt hơi vớ được rễ cây, Teng phóng lên yên ngay. Chiếc xe rồ máy vút đi như một tia chớp xanh trên mặt lộ. Đến một đoạn gần rừng cây lúp xúp chạy ra tận mí sông, cô gái dừng xe lại. - Em cứ chạy theo hướng tây, sẽ gặp người của ta. Teng ngỡ ngàng nhìn lên và chợt nhận ra chị Ba.