hật là hoành tráng! - Nữ bá tước Đơ Côngđơ thổn thức kêu lên.
- Gì thế? - Vị bá tước cất tiếng hỏi và quay đầu nhìn lại người vợ trẻ của mình - Cái gì hoành tráng?
Bá tước hỏi và đảo mắt nhìn quanh, cố tìm xem cái gì đã khiến vợ mình xúc động đến thế.
- Chẳng có gì đâu. Chẳng có gì, mình ạ! - Nữ bá tước lúng túng trả lời. Đôi má mịn màng của cô ửng lên màu hoa hồng - Em đang nhớ tới những ngôi nhà chọc trời của thành phố New York mà chúng mình vừa từ biệt.
Nữ bá tước nói rồi khoan thai ngả mình trong chiếc ghế bành của con tàu khách xuyên đại dương. Nàng lén cầm cuốn họa báo đang xem dở, vừa "vô tình" rơi tuột khỏi tay.
Sau khi hỏi vợ, ngài bá tước lại cúi xuống cuốn sách. Ông chẳng hề băn khoăn về tâm trạng của vợ. Mới cách đây ba hôm, những tòa cao ốc của New York chỉ gây cho nữ bá tước cảm giác khó chịu và ghê rợn. Vậy mà bây giờ cô lại tỏ ra ngưỡng mộ và thán phục. Bá tước đặt cuốn sách xuống một cách ngán ngẩm.
- Ônga này! Ngồi thế này thật là một cực hình - Bá tước kêu lên - Có lẽ anh phải kiếm mấy người buồn chán như anh đi chơi bài để giết thời gian thôi.
- Ồ, em biết mình mà! Nữ bá tước tươi cười - Anh có bao giờ là người biết cưng chiều phụ nữ đâu. Đúng không nào? Nhưng em tha cho anh đấy. Bởi vì chính em đang ngán cảnh ngồi lâu thế này. Nếu anh thích, anh cứ đi mà làm bạn với những mẩu bìa ngớ ngẩn của anh!
Chờ cho chồng đi khỏi, nữ bá tước lén nhìn sang chàng trai cao lớn đang ngồi ở ghế bên cạnh.
- Thật là hoành tráng! - Nữ bá tước lại xuýt xoa.
Đó là nữ bá tước Ônga Đơ Côngđơ. Ônga mới ngoài hai mươi tuổi. Còn chồng cô đã ở tuổi bốn mươi. Thật ra, cô là một người vợ trung thành và trọng danh dự. Nhưng vì trước đây cô không được phép chọn lấy người bạn đời của mình, nên chẳng có gì là lạ, khi mà cô chỉ yêu chồng một cách cầm chừng. Cha cô, một quý tộc Nga đã chọn bá tước Đơ Côngđơ cho cô. Âu cũng là sự lựa chọn của số phận. Vậy thì bây giờ, dẫu cô có bị nao lòng khi ngồi cạnh một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai, ta cũng đừng cho rằng cô là một người đàn bà nhẹ dạ. Cô chiêm ngưỡng người đàn ông lạ mặt bên cạnh là chuyện dễ hiểu, vì cũng giống như cô đang chiêm ngưỡng một cái đẹp nào đó của thiên nhiên.
Đúng lúc nữ bá tước lấy can đảm nhìn thẳng vào mặt chàng trai thì chàng lại đứng dậy, bỏ đi. Chờ cho chàng bước đi một đoạn, nữ bá tước khẽ hất đầu hỏi nhỏ một nhân viên trên tàu ở gần đó:
- Người đàn ông đó là ai vậy?
- Trong danh sách hành khách, người ta chỉ viết là "Ngài Tácdăng từ châu Phi" - nhân viên đó trả lời.
"Thật là một cái tên lạ tai nhưng đáng kính trọng". Ônga thầm nghĩ và sự tò mò của cô mỗi lúc một tăng.
Sau khi rời khỏi khoang tàu hóng mát, bước tới phòng ăn. Tácdăng bắt gặp hai người đàn ông đang thầm thì vào tai nhau điều gì đó có vẻ rất bí mật. Nếu như Tácdăng không để ý, chàng không thể nhận ra cái nhìn hốt hoảng của một trong hai người kia. Cả hai gã đàn ông khiến chàng nhớ ngay tới các nhân vật du đãng trong những vở kịch mà chàng đã xem ở Pari. Cả hai gã đều có nước da bánh mật. Cử chỉ thô lỗ, cái nhìn lấc láo của chúng chứng tỏ rằng, trong hai cái đầu ấy đang chứa đầy những dự tính mờ ám.
Tácdăng bước vào phòng, chọn một chỗ ngồi khá xa, cách biệt với mọi người. Chàng không muốn bị ai quấy rầy. Thong thả uống mấy cốc rượu mùi, chàng hồi tưởng lại những tuần lễ buồn bã vừa qua.
Tácdăng đã cự tuyệt cái nguồn gốc quý tộc của mình và nhường quyền thừa kế tài sản cho một người đàn ông mà chàng mến yêu và đã từng ra tay cứu sống. Đúng là chàng rất mến Clayton. Nhưng thật ra, chàng quyết định từ chối nguồn gốc quý tộc không phải vì tình cảm với huân tước Clayton. Chàng từ chối chỉ vì nghĩ tới người con gái mà cả chàng lẫn Clayton đều đem lòng yêu mến. Thật là một trò đùa oái oăm của số phận! Số phận đã đẩy người con gái đó vào tay Clayton chứ không phải cho chàng! Nếu như người con gái đó dửng dưng với chàng, mọi nỗi buồn rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng khổ một nỗi là cô cũng yêu chàng! Chính vì vậy mà nỗi đau của chàng cứ mỗi ngày một thêm nhức nhối.
Còn bây giờ thì biết làm gì? Chàng không thể hành động một cách nào khác, trái ngược với điều mà chàng đã công khai nói với mọi người ở nhà ga vùng Uytcơxin. Đối với chàng, hạnh phúc của Gian Potorova là cao hơn tất cả. Xã hội loài người mà chàng vừa chập chững bước vào đã dạy ngay cho chàng bài học đầu tiên: Nếu thiếu tiền thì rất khó sống. Và không có một địa vị trong xã hội thì cuộc sống sẽ hết sức nặng nề. Gian Potorova sinh ra ở đời là cho cả hai. Nhưng nếu chàng đoạt lại của chồng Gian đặc quyền thừa kế, thì hóa ra chính chàng lại gây ra cho Gian của chàng không ít những thiếu thốn, lo âu và phiền muộn. Chàng không nghĩ răng: khi Clayton bị mất tước hiệu quý tộc cùng tài sản thì Gian sẽ nuốt lời hứa. Bởi vì - chàng nghĩ - cũng giống như mình, cả hai người trẻ tuổi đó đều là những người trọng danh dự. Điều này thì chàng đã không nhầm.
Những ý nghĩ đưa Tácdăng chìm sâu vào quá khứ rồi lại quay về với những dự kiến tương lai. Chàng lại khát khao quay trở về rừng già châu Phi, nơi chàng đã ra đời và sống suốt một thời thơ ấu. Chàng sẽ trở về với những cánh rừng hoang vu cùng những đàn thú dữ. Nhưng mà ở đấy ai sẽ đón chàng? Sẽ chẳng có một ai. May lắm chỉ còn chú voi Tăngtơ là người bạn cũ duy nhất của chàng. Số còn lại sẽ truy đuổi chàng hoặc sẽ sợ hãi chạy trốn xa tầm tay chàng như những năm xưa. Biết đâu rồi cả những con vượn đực trong bộ lạc của chàng cũng xử sự với chàng một cách ghẻ lạnh và thù địch?
Nếu như nền văn minh của con người không dạy cho Tácdăng điều gì khả dĩ đang nhớ thì chí ít nó cũng dạy cho chàng biết thế nào là tình bạn. Khó mà hình dung nổi một cuộc sống lại thiếu bạn bè. Cuộc sống phải có người biết chia sẻ cùng ta những chuyện vui, buồn. Cuộc sống phải có người trò chuyện cùng ta bằng thứ tiếng nói mà ta đã yêu, đã học... Tácdăng thầm nghĩ và nóng lòng nghĩ tới giờ gặp lại trung úy Ácnốt.
Trong khi đang trầm tư với điếu thuốc lá trên môi, Tácdăng chợt nhìn vào tấm gương lớn dựng trước mặt. Nhìn vào gương, Tácdăng thấy rõ bốn người đàn ông đang ngồi vây quanh một chiếc bàn tròn, bàn tay khum khum giữ những con bài xếp hình rẻ quạt. Vừa lúc đó, một người đứng dậy bước ra cửa. Một người đàn ông khác lập tức bước tới chiếc ghế vừa bỏ trống, cám ơn lời mời của mọi người rồi bắt tay vào ván bài. Người đó có tầm vóc nhỏ và chính là một trong hai người đàn ông mà Tácdăng trông thấy lúc họ đang rỉ tai nhau điều gì đó ngoài cửa phòng. Vì lẽ đó, Tácdăng bắt đầu để ý tới sòng bạc.
Trong số những người chơi bài và đứng chầu rìa Tácdăng chỉ biết tên một người. Đó là bá tước Raun Đơ Côngđơ. Nhân viên trên tàu đã nhắc tới cái tên đó nhiều lần và còn lưu ý mọi người rằng, đây là người anh em của vị Bộ trưởng Bộ chiến tranh của nước Cộng hòa Pháp - vị hành khách sang trọng và đáng kính nhất của chuyến tàu.
Bỗng nhiên một người đàn ông da nâu khác bước vào và đứng sau ghế của bá tước. Tácdăng trông thấy hắn đảo mắt nhìn sòng bạc. Nhưng vì quan sát qua gương, Tác dăng không nhận ra cái nhìn lục lọi, dò xét của hắn. Chợt hắn tút trong túi ra một vật gì đó. Tácdăng không biết vật đó là gì. Bởi vì gã đàn ông đó giữ rất kính trong lòng bàn tay. Được một lúc, gã áp sát vào người vị bá tước. Cái vật lạ đã chui vào túi áo bá tước mà bá tước không hay biết gì. Gã đàn ông vẫn đứng sau lưng bá tước, giả bộ xem những con bài trong tay người đàn ông Pháp. Tácdăng cảm thấy chuyện này có điều gì khó hiểu. Chàng quyết định để tâm quan sát, không bỏ sót một cử chỉ nào của gã kia.
Ván bài tiếp tục một cách lặng lẽ chừng mười phút nữa. Vị bá tước đã thắng nhiều ván và không muốn chơi tiếp. Tácdăng trông thấy gã đàn ông đứng sau lưng bá tước khẽ gật đầu ra hiệu cho bạn mình phía trước. Nhận được tín hiệu, gã nọ liền đứng dậy, chỉ tay vào mặt bá tước nói:
- Nếu tôi biết ông này là một tay cờ bạc chuyên nghiệp thì tôi không dại gì mà thò tay vào con bài.
Bá tước Đơ Côngđơ đứng phắt dậy khỏi ghế. Nhưng ông chợt nhận ra rằng mình đang phải đối mặt với hai gã đàn ông trẻ tuổi. Xung quanh ông, những người còn lại đều lảng ra xa. Mặt ông tái dần.
- Ông định nói gì thế? - Bá tước kêu lên tức tôi. - Ông có biết ông đang nói với ai không?
- Biết, rất biết! Tôi biết rằng tôi đang nói với một tên cờ gian bạc lận - Gã trai gằn giọng trả lời một cách khiêu khích.
Bá tước Đơ Côngđơ rướn người qua bàn, tát vào mồm gã trai. Mọi người xô lại can ngăn.
- Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một sự hiểu lầm thôi - Một người vừa tham gia ván bài lên tiếng hòa giải - Nên nhớ, đây là ba tước Đơ Côngđơ của nước Pháp.
- Nếu tôi nhầm, tôi sẵn sàng xin lỗi - Gã trai nói - Nhưng trước khi tôi xin lỗi, hãy để ngài bá tước giải thích vì sao các con bài lại nằm trong túi áo của ngài.
Gã đàn ông đã nhét bài vào túi bá tước lúc này chuẩn bị lảng ra cửa. Nhưng ngay lập tức gã nhận ra tình thế bất lợi cho mình: Cửa vào đã bị một người lạ mặt có tầm vóc lực lưỡng đứng chặn lại.
- Xin phép ngài! - Gã đàn ông lên tiếng nhã nhặn, tỏ ý muốn qua cửa.
- Hãy đợi đấy! - Tácdăng ra lệnh.
- Tại sao? Thưa ngài! - Gã đàn ông hỏi - Để cho tôi ra ngoài, có chút việc.
- Hãy đợi đấy! - Tácdăng nhắc lại - Tôi nghĩ rằng trong chuyện này ông thừa sức giải thích hộ cho ngài bá tước.
Gã đàn ông đã mất bình tĩnh. Gã nguyền rủa điều gì đó, rồi xô lại định đẩy Tácdăng sang một bên. Tácdăng chỉ cười khẩy rồi túm tay gã dàn ông, lôi gã trở lại sòng bạc. Gã đàn ông cố gỡ tay ra, nhưng dù vùng vẫy đến mấy cũng vô ích. Những bắp cơ một thời từng xiết cổ sư tử Numa làm cho gã đàn ông có tên là Nicolai Rôcốp biết thế nào là sức mạnh của con người rừng xanh.
Gã trai buộc tội Đơ Côngđơ, còn mấy hành khách quanh đó đứng im như trời trồng. Cả đám người đổ mắt nhìn bá tước một cách dò xét và khinh bỉ. Một vài hành khách trên boong cũng chạy vào, tò mò chờ xem có chuyện gì xảy ra tiếp.
- Gã trai này hóa điên rồi - Bá tước nói - Thưa các vị! Tôi yêu cầu các vị cử một người nào đó khám xét người tôi.
- Thật là một sự vu khống nực cười! - Một người chơi bài lên tiếng bình luận.
- Không phải là vu khống! - Gã trai gân cổ lên cãi - Các ông thử thò tay vào túi áo ông ta xem! Các ông sẽ thấy là tôi không đổ oan cho ai.
Thấy mọi người còn do dự, không tin, gã trai lại quả quyết nói:
- Thôi được rồi! Nếu không ai thích thò tay khám xét, tôi sẽ tự tay khám - Gã trai nói rồi xăm xăm bước lại phía bá tước.
- Không được! - Đơ Côngđơ quát lên phản đối - Tôi chỉ cho phép chạm vào thân thể tôi bàn tay của một người tử tế chứ không phải bàn tay hắn.
- Thôi, chẳng cần phải khám làm gì. Những con bài gian lận đang nằm trong túi áo ông ta kia kìa. Tôi trông thấy rõ.
- Thật là một sự vu khống bẩn thỉu! - Bá tước lại giận dữ quát lên - Tôi chẳng có một con bài nào trong người cả.
Bá tước nói rồi thò tay vào túi.
Mọi người trong phòng dường như nín thở. Tự nhiên bá tước mặt tái đi và từ từ rút tay ra khỏi túi áo. Trong tay ông rõ ràng là những con bài - Bằng chứng của sự gian lận. Ông nhìn những con bài một cách kinh ngạc như là lần đầu tiên trong đời trông thấy chúng. Ông đưa chúng lên gần mặt, mở mắt nhìn trân trân, ghê tởm như cầm phải con chuột chết. Mặt ông đang tái xanh lại chuyển màu đỏ lựng. Mọi người trong phòng đổ mắt nhìn về phía vị khách quý của nước Pháp với cái nhìn sững sờ và khinh bỉ.
- Không phải! Đây chỉ là một sự vu khống của kẻ khác thôi - Có tiếng người quát lên, phá vỡ sự im lặng căng thẳng trong phòng. Đó là một người có đôi mắt xám, giọng nói ấm và trầm vang lên đầy uy lực - Thưa các ngài! Vị bá tước này không hề biết những con bài đó chui vào túi mình từ lúc nào. Kẻ khác đã nhét vào túi ông ta trong lúc ông ta đang mải chơi. Tôi ngồi và trông thấy tất cả mọi chuyện xảy ra như thế nào qua chiếc gương kia. Thủ phạm chính là người này. Tôi chặn hắn lại vì hắn định bỏ trốn.
Mọi người đang nghe câu chuyện đôi co trong phòng thì lại phải quay nhìn ra cửa. Phía ấy, một chàng trai cao lớn đang kèm chặt Rôcốp bên mình. Trong tay Tácdăng gã tù binh giãy giụa một cách bất lực.
Đơ Côngđơ nhìn Tácdăng rồi lại nhìn sang kẻ đang bị túm giữ.
- Lạy Chúa tôi, Nicôlai! - Bá tước buột miệng kêu lên - Hóa ra là cậu đấy à?
Bá tước bước lại phía kẻ buộc tội mình, nhìn thẳng vào mặt hắn cho rõ.
- Páplôvích - Bá tước ngạc nhiên - Tôi không nhận ra anh. Trông anh khác quá đi, Páplôvích! Bây giờ thì tôi hiểu. Thưa các ngài! Mọi việc đã sáng tỏ rồi.
- Bây giờ thì ta phải làm gì với chúng? - Tácdăng hỏi - Nộp chúng cho thuyền trưởng chăng?
- Không cần đâu, bạn ạ! - Bá tước trả lời - Đây là một chuyện riêng tư của chúng tôi. Bạn đừng quan tâm đến nữa! Tôi chỉ cần thoát khỏi sự lăng nhục bẩn thỉu và hèn hạ này là đủ rồi. Đừng dây dưa với chúng. Càng tránh xa các quý nhân ấy bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhưng thưa ngài! Bây giờ tôi phải cảm ơn ngài thế nào đây? - Bá tước nhìn Tácdăng với đôi mắt chân thành - Thôi, trước hết cho tôi gửi ngài tấm danh thiếp của tôi. Tôi rất vui được đón ngài tại nhà.
Tácdăng thả Rôcốp ra khỏi tay. Rôcốp vội vã chạy theo Páplôvích, kẻ đồng lõa với mình ra khỏi phòng ăn. Nhưng đến bậc cửa, Rôcốp còn ngoái lại, nói với Tácdăng:
- Này! Rồi ngài sẽ hối hận vì đã nhúng mũi vào chuyện của người khác.
Tácdăng chỉ cười, không thèm đáp lại. Chàng nhún mình một cách lịch thiệp, đón tấm danh thiếp rồi trao cho bá tước tấm danh thiếp của mình. Bá tước Đơ Côngđơ vui vẻ nhìn tấm danh thiếp, đọc nhẩm:
Giăng C.Tácdăng 99 - Phố Lada PARI - Ngài Tácdăng! - Bá tước gọi tên người cứu mình - Chúng ta quen biết nhau trong hoàn cảnh này thật chẳng có gì là thú vị, thậm chí còn bất lợi cho ngài. Tôi nghĩ rằng vì tôi, từ này ngài lại có hai kẻ thù đốn mạt trong số những kẻ đốn mạt nhất ở đời. Tôi chân thành khuyên ngài cảnh giác, càng tránh xa chúng, càng tốt.
- Tôi đã có những kẻ thù còn nguy hiểm hơn nhiều, ngài bá tước quý mến ạ - Tácdăng nói với nụ cười thản nhiên - Một khi tôi vẫn sống và khỏe mạnh, hai gã đàn ông đó không làm gì được tôi đâu.
- Tôi cũng rất mong như vậy! - Bá tước trả lời - Tuy nhiên, cảnh giác vẫn hơn. Mong ngài đừng quên rằng lúc nào ngài cũng có hai kẻ thù. Những kẻ đó sẽ suốt đời ấm ức khi nhớ tới hành động can đảm của ngài. Trong đầu chúng lúc nào cũng nung nấu ý định báo thù người vừa vạch mặt chúng. Nếu tôi gọi Nicôlai Rôcốp là quỷ, có lẽ quỷ sẽ cảm thấy bị xúc phạm và tự ái vì chúng bị hạ phẩm giá ngang hàng với Rôcốp.
Đêm hôm ấy, khi Tácdăng trở về buồng ngủ của mình, chàng thấy một mẩu giấy trên sàn. Mẩu giấy được nhét qua khe cửa lúc nào không biết. Tácdăng cầm lên đọc:
Ngài Tácdăng! Rõ ràng là ngài không ý thức được hậu quả của việc ngài đã xúc phạm chúng tôi. Ngài đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Tôi tin rằng ngài đã hành động vì ngây thơ, thiếu hiểu biết, chứ không có chủ ý xúc phạm ai. Vì vậy tôi cho phép ngài đến xin lỗi tôi. Tôi chờ ngài tới và tin rằng từ ngay trở đi ngài không nhúng tay vào những việc gì không can hề tới mình. Ngài có đến xin lỗi thì tôi mới bỏ qua chuyện vừa rồi. Ngài nên coi việc làm theo gợi ý của tôi là một giải pháp thông minh nhất. Kính chào ngài Nicôlai Rôcốp Tácdăng vò mẩu giấy, phì cười. Tới lúc lên giường ngủ thì chàng đã hoàn toàn quên chuyện đó.
*
Trong căn buồng bên cạnh buồng Tácdăng, nữ bá tước Đơ Côngđơ ngồi trò chuyện với chồng:
- Vì sao từ nãy đến giờ anh hay cáu thế? Raun! - Nữ bá tước hỏi chồng - Suốt cả buổi tối anh cứ như đã biến thành người khác vậy. Có chuyện gì đang dày vò anh, phải không?
- Ônga này! Em biết không? Nicôlai đang có mặt trên con tàu này.
- Nicôlai? - Nữ bá tước xinh đẹp kêu lên thảng thốt - Làm gì có chuyện đó, Raun? Nicôlai đang nằm trong nhà tù New York cơ mà.
- Nếu như hôm nay anh không gặp hắn, anh cũng nghĩ như em. Hắn đang ở đay cùng với thằng bạn vô lại của hắn là Páplôvích. Ônga ạ! Anh cảm thấy không chịu đựng nổi chúng nữa. Chúng bám theo vợ chồng ta như hai con chó đói ấy. Sớm hay muộn thì anh cũng phải trao chúng cho pháp luật. Anh định tố giác chúng với thuyền trưởng, trước khi chúng ta lên bờ. Đối với con tàu viễn dương này, chuyện bắt chúng không phải là khó.
- Không được, Raun! - Nữ bá tước kêu lên rồi quỳ sụp xuống bên chân chồng - Đừng làm điều đó. Hãy nhớ điều mà anh đã hứa với em! Mình ơi! Mình nói đi mình! Rằng mình sẽ không làm như thế. Thậm chí mình cũng đừng đe dọa nó. Như thế tốt hơn. Đúng không, Raun?
Đơ Côngđơ nắm lấy đôi bàn tay mềm yếu của vợ. Ông ngạc nhiên nhìn khuôn mặt đang tái đi vì hoảng hốt của vợ. Ông không hiểu vì sao Ônga có thể kiên nhẫn giữ kín chuyện này.
- Thôi thì, điều đó tùy em, Ônga! - Cuối cùng Đơ Côngđơ đã phải nhượng bộ - Anh không hiểu, quả thực là không hiểu. Đằng nào thì hắn cũng không phá được tình yêu của chúng mình. Hắn chỉ đe dọa cuộc sống và danh dự của chúng mình thôi. Anh nghĩ rằng em không còn chút cảm tình gì với hắn, em chẳng còn lý do nào để thương hại hắn nữa.
- Em không bênh vực hắn đâu, Raun! - Nữ bá tước ngắt lời chồng đột ngột - Đối với hắn, em nghĩ thái độ của anh thế nào thì em cũng thế thôi.
Nhưng Raun Đơ Côngđơ bắt đầu kể lại tuần tự cho vợ nghe câu chuyện xảy ra trong phòng ăn.
- Nếu không có một chàng trai lạ mặt can thiệp thì hai đứa đã thực hiện được ý đồ của chúng. Đời nào người ta lại tin anh khi chính anh lại lôi ra từ túi mình một nắm con bài. Thậm chí anh cũng hoang mang, nghi ngờ chính bản thân mình. May mà lúc đó ngài Tácdăng đã kịp thời điệu cổ cái thằng Nicôlai quý hóa của em vào và giải thích cho mọi người biết con bài là từ đâu.
- Ngài Tácdăng ư? - Nữ bác tước hỏi chồng, ngac nhiên ra mặt - Em biết ông ấy. Một nhân viên trên tàu đã chỉ cho em biết.
- Anh không ngờ là em lại biết - Bá tước Đơ Côngđơ tỏ ra phật ý.
Thấy ánh mắt có phần ghen tị của chồng, Ônga liền thay đổi đề tài câu chuyện. Cô biết là rất khó nói cho chồng biết vì sao người nhân viên ấy lại nói cho cô biết tên chàng trai lạ mặt. Cô cảm thấy mặt mình đang đỏ lựng lên. Chồng cô vẫn đang nhìn cô với cái nhìn đầy dò hỏi.
"Tâm hồn con người hóa ra lại là thứ khó giấu nhất trên đời" - Nữ bá tước nghĩ thầm.
Lòng hận thù và tình bạn Sáng sớm hôm sau, Tácdăng thức dậy, đi dạo trên boong tàu. Chàng không tìm được ai có thể chuyện trò. Đã thế, một lúc sau chàng lại trông thấy Rôcốp và Páplôvích. Thật là một sự tái ngộ bất đắc dĩ. Tácdăng xuất hiện như một vị khách không được mời. Chàng bước tới đúng vào lúc Rôcốp và Páplôvích hoàn toàn không thích sự có mặt của chàng.
Hai gã đang đứng ở một chỗ ít người qua lại. Khi Tácdăng tới gần, hai gã đang gây chuyện với một người đàn bà. Tácdăng thấy người đàn bà này ăn mặc khá lịch sự, thân hình cân đối, có phần mảnh mai và hình như còn rất trẻ. Vì người đàn bà mang mạng che mặt nên Tácdăng không biết rằng đó chỉ là một cô gái.
Lúc này hai gã đàn ông đang đứng áp bên hông cô. Cả ba người không biết rằng Tácdăng đang ở sau lưng và mỗi lúc một tiến sát lại gần họ. Rôcốp đang nói gì đó với cô gái rất gay gắt. Còn cô gái thì nói lại bằng một ngôn ngữ nào đó, nghe rất lạ tai. Tuy nhiên, nghe qua giọng nói, Tácdăng hiểu rằng cô gái đang sợ hãi và cố gắng tự vệ. Những cử chỉ của Rôcốp chứng tỏ rằng hắn sẵn sàng dùng bạo lực với cô.
Đang đi ngang qua, chợt Tácdăng dừng lại. Chàng nghe thấy có tiếng động trong không khí. Rôcốp đã bất ngờ chộp lấy cô gái và vặn tay cô. Hình như hắn đang bắt cô phải hứa hẹn điều gì đó. Thế là cái điều có thể xảy ra thì trước sau vẫn cứ xảy ra. Thậm chí sau này Tácdăng cũng không hiểu vì sao mình lại làm thế. Trong nháy mắt, những ngón tay cứng như thép của chàng đã chộp lấy vai Rôcốp, bẻ ngược người hắn lại. Rôcốp trợn tròn mắt khi bắt gặp cặp mắt lạnh lùng của một người ngoại quốc mà mới hôm qua vừa làm hỏng hết việc của hắn.
- Thật quái đản! - Rôcốp kêu to, toàn thân run lên vì tức giận - Ai cho phép ông làm thế? Ông bị điên rồi. Tại sao ông lại chạm vào người tôi?
- Đây là sự trả lời của tôi cho bức thư của ngài hôm qua, thưa ngài! - Tácdăng nói rất bình thản. Bất thình lình chàng đẩy mảnh tay. Rôcốp bị bắn sang một bên, cơ thể chới với rồi đập mạnh vào hàng rào sắt của lan can boong tàu.
- Đồ quỷ! - Rôcốp nguyền rủa - Rồi mày sẽ phải trả nợ. Đồ khốn nạn!
Rôcốp chồm dậy, nhảy bổ về phía Tácdăng. Bàn tay hắn sờ vào túi súng ngắn. Cô gái giật mình chạy tới.
- Nicôlai! - Cô gái kêu lên thất thanh - Không được làm như vậy! Còn ông nữa, nhanh lên! Ông chạy đi, nếu không hắn sẽ bắn chết.
Nhưng thay cho việc bỏ chạy, Tácdăng lại tiến thẳng về phía Rôcốp, chẳng nói chẳng rằng.
- Ngài đừng hành động như một thằng ngu! - Tácdăng nói.
Rôcốp như đã phát điên vì cũ ngã đau đớn và nhục nhã. Hắn chĩa súng thẳng vào mặt Tácdăng. Ngón tay xiết mạnh cò súng. "Cạch", tiếng kim khí vang lên khô khốc. Cánh tay Tácdăng lại tung lên như hai con mãng xà nổi giận. Một cú đánh bất ngờ. Khẩu súng ngắn trong tay Rôcốp bay vọt qua lan can rồi chìm nghỉm trong lòng Đại Tây Dương.
Trong giây lát hai người đàn ông trẻ tuổi đã đứng đối mặt nhau. Bốn mắt nhìn nhau trừng trừng. Cuối cùng, Rôcốp đã trấn tĩnh, hạ giọng nói:
- Thế là lần thứ hai ngài đã can thiệp vào những việc chẳng liên quan gì tới ngài. Hai lần ngài xúc phạm Nicôlai Rôcốp. Lần thứ nhất tôi đã bỏ qua cho ngài. Bởi vì tôi cho rằng ngài đã hành động một cách vô ý thức. Còn lần này thì tôi không thể bỏ qua. Ngài vẫn chưa biết Nicôlai Rôcốp này là ai đâu. Nhưng rồi ngài sẽ biết.
- Tôi biết ngài lắm chứ, - Tácdăng trả lời - Ngài là một kẻ hèn hạ, một tên vô lại.
Nói xong, Tácdăng quay sang phía cô gái, định hỏi thăm. Nhưng cô gái đã biến mất từ khi nào không rõ.
Không thèm để ý đến hai gã đàn ông còn chưa hết nổi khùng, Tácdăng lại thong thả đi dạo trên boong. Chàng băn khoăn, không hiểu hai gã đàn ông định làm gì cô gái. Chàng cảm thấy hình như đã gặp cô gái này ở một nơi nào đó rồi. Nếu như cô không đeo mạng che mặt, thể nào chàng cũng nhận ra. Bây giờ chàng chỉ nhớ chiếc nhẫn lạ mắt nhưng rất đẹp trên ngón tay cô ta. Phải chăng vì chiếc nhẫn đó mà Rôcốp đã chộp lấy tay cô? Nghĩ như vậy, Tácdăng quyết định sẽ quan sát ngón tay của tất cả phụ nữ trên tàu để tìm lại cô gái mà Rôcốp vừa hành hung.
Tìm được chiếc giường xếp của mình, Tácdăng ngồi trầm tư suy nghĩ. Chàng nhẩm tính xem từ ngày chàng từ giã rừng xanh, chàng đã gặp bao nhiêu khuôn mặt tàn bạo, ích kỉ của con người. Mấy năm trước trong rừng già châu Phi, lần đầu tiên chàng đã trông thấy con người. Đó là anh chàng da đen Kulôga nhanh nhẹn, người đã dùng mũi tên thuốc độc giết chết Kala, làm cho Tác dăng thành người cô độc giữa rừng sâu. Tácdăng nhớ tới cái chết của thủy thủ Kinh vì phát đạn bắn trộm của gã mặt chuột. Giáo sư Potơ và nhóm người của ông thì bị những kẻ nổi loạn trên con thuyền Ơrâu xua đuổi, bỏ lại giữa rừng hoang. Những chiến binh da đen và cả những người đàn bà trong bộ lạc của Bônga thì hành hạ tù binh lại càng man rợ hơn. Và còn ai nữa? Lạy Chúa! - Tácdăng nghĩ ngợi và thở dài! - Tất cả đều giống nhau. Tất cả đều dối trá lừa lọc, chém giết, xúc phạm lẫn nhau. Tất cả đều thèm khát cái thứ mà các công dân bốn chân của rừng già châu Phi chẳng bao giờ thèm khát. Đó là đồng tiền. Mọi người đều thèm khát đồng tiền - một thứ có thể mua được đủ mọi thứ trên đời. Thật là kỳ quặc! Người ta đều bị đồng tiền trói buộc chẳng khác gì nô lệ nhưng người ta vẫn tưởng rằng mình là chủ nhân của toàn bộ thế giới, rằng mình là kẻ sáng tạo, rằng chỉ con người mới hiểu thế nào là niềm vui cuộc sống... Trong rừng, không ai thờ ơ khi Tácdăng này bị mất một người bạn gái mến yêu. Còn ở đây, ai cũng chỉ biết có mình, ai cũng dễ dàng huýt sáo rồi quay lưng bỏ đi trước nỗi đau của kẻ khác. Thật là một thế giới ngốc nghếch và vô nghĩa. Mình hóa điên rồi chăng? Tại sao mình lại từ bỏ hạnh phúc và cuộc đời tự do phóng túng trong thế giới rừng già để đâm đầu vào cuộc sống này?"
Bỗng Tácdăng cảm thấy có ai đang nhìn mình từ phía sau lưng. Thứ phản xạ bản năng của loài sư tử khiến Tácdăng quay ngoắt lại. Chàng quay nhanh tới mức cái nhìn vụng trộm của người phụ nữ trẻ sau lưng không thoát khỏi ánh mắt tia chớp của chàng. Khuôn mặt cô gái đang chậm chạp quay đi nhưng vẫn lộ vẻ bối rối. Tácdăng bật cười vì cử chỉ của mình. Bởi vì chàng chợt nhận ra rằng mình nhìn cô gái không chớp mắt. Chàng cảm thấy khuôn mặt cô có đôi nét quen quen.
Tácdăng lại ngả mình trở lại trên chiếc giường xếp. Không nhìn nhưng chàng vẫn biết là cô gái đã đứng dậy, đi khỏi. Chờ cho cô gái đi mấy bước xa xa, chàng mới ngoái cổ nhìn theo. Chàng hy vọng tìm được ở cô gái một chi tiết nào đó giúp chàng nhớ ra cô gái ấy là ai. Quả là chàng đã không thất vọng. Vừa lúc cô gái đưa tay lên vành đăng ten quanh cổ áo - một cử chỉ rất vô tình của phụ nữ - Tácdăng nhìn thấy chiếc nhẫn lạ mắt. Đó chính là chiếc nhẫn mà chàng thấy trên ngón tay người đàn bà che mạng. Không thể nhầm được! Không phải ai ngoài cô gái đã bị Rôcốp truy bức. Nhưng cô gái là người như thế nào? Quan hệ giữa Rôcốp và cô gái thế nào? Tácdăng băn khoăn tự hỏi.
Một hôm, sau bữa ăn chiều, Tácdăng đi lại phía mũi tàu hóng gió. Chàng đứng ở đó tới tận lúc mặt trời lặn để tán chuyện với viên sĩ quan - thuyền phó. Tới lúc viên thuyền phó có việc phải đi. Tácdăng ở lại một mình, dựa tay vào lan can, nhìn xuống biển. Biển rất lặng. Những con sóng hiền lành nô giỡn dưới ánh trăng thượng tuần làm mặt biển sáng lên như dát vàng. Chợt có hai người đàn ông bước tới. Tácdăng đứng khuất sau chiếc thuyền cao su nên hai người đàn ông ấy không biết có chàng ở đó. Khi hai người đi ngang qua, chàng nghe thấy một đoạn đối thoại rất lạ tai. Chàng tò mò, bước lại gần hai người.
Hình như hai người đang chuẩn bị làm một việc gì đó quan trọng. Nghe một lát, Tácdăng nhận ra giọng nói của Rôcốp và bạn hắn là Páplôvích. Chàng nghe được một vài lời đứt đoạn: "Nếu nó mở mồm kêu cứu, mày phải bịt lại, hoặc là..."
Cảm thấy có chuyện không bình thường, Tácdăng quyết định theo dõi hai gã này. Chàng đi theo chúng tới phòng ăn. Tới đó, hai gã đàn ông dừng lại nhìn qua khe cửa. Hình như chúng muốn kiểm tra xem người mà chúng theo dõi có ở trong phòng ăn hay không. Từ phòng ăn, chúng tiến về phía những buồng ngủ hạng nhất của con tàu. Khu buồng ngủ này rất khó ẩn nấp, nhưng đối với Tácdăng chuyện đó chỉ như một trò chơi. Khi hai kẻ gian dừng lại trước tấm cánh cửa bóng loáng, Tác dăng luồn ngay vào bóng tối cầu thang, chỉ cách chúng vài bước.
Hai gã đàn ông gõ cửa buồng. Đáp lại tiếng gõ, một giọng phụ nữ nói tiếng Pháp vang lên:
- Ai đấy?
- Tôi đây mà, Nicôlai đây - Rôcốp trả lời - Tôi có thể vào được không?
- Vì sao cậu cứ theo đuổi tôi mãi thê? Nicôlai! - Giọng con gái trả lời vọng qua bức tường mỏng - Tôi có bao giờ làm phiền cậu đâu?
- Dậy mở cửa ra, Ônga! - Gã đàn ông giục giã, nhưng có phần ôn hòa - Tôi chỉ muốn nói với bà vài câu thôi. Tôi không làm phiền bà lâu đâu. Thậm chí tôi sẽ không bước qua ngưỡng cửa. Nhưng tôi không thể gào lên với bà qua cánh cửa kín mít thế này.
Tácdăng nghe thấy tiếng vặn quả đấm cánh cửa. Chàng nhô mình ra khỏi chỗ nấp để nhìn cho rõ mọi chuyện khi cánh cửa mở ra. Chàng chợt nhớ tới câu nói mà chàng nghe được ở phía mũi tàu: "Nếu nó mở mồm kêu cứu, mày phải bịt..."
Rôcốp đang đứng trên bậc cửa. Còn Páplôvích thì áp mình vào tường. Cửa vừa mở, Rôcốp đã lọt vào phòng. Hắn dựa lưng vào tường, nói chuyện với người phụ nữ mà Tácdăng không nhìn rõ mặt. Hai người nói chuyện với nhau nho nhỏ nhưng cũng đủ cho Tácdăng phân biệt được từng lời.
- Không được, Nicôlai! - Người phụ nữ nhắc - Vô nghĩa thôi. Nếu cậu thích thì cậu cứ việc đe dọa, nhưng tôi không thể làm theo ý cậu. Cậu đi đi! Tôi van cậu đấy. Cậu không được phép làm điều đó! Mà cậu đã hứa với tôi là không bước vào phòng cơ mà.
- Thôi được, được rồi, Ônga! Tôi không vào nữa, nhưng nếu tôi bước ra ngoài, bà sẽ ân hận vì không chịu làm theo ý muốn của tôi. Đằng nào thì mọi việc cũng xảy ra theo ý thích của tôi. Tốt hơn hết là đừng để tôi mệt nhọc và tốn nhiều thời gian.
- Không bao giờ! Nicôlai! - Tiếng người phụ nữ gắt lên, rất kiên quyết.
Đúng lúc đó Tácdăng thấy Rôcốp quay mặt ra hiệu cho Páplôvích. Kẻ tòng phạm được lệnh liền nhảy vào phòng, vượt qua mặt Rôcốp. Rôcốp lùi ra khỏi phòng, đóng chặt cửa lại. Tácdăng nghe thấy tiếng ổ khóa vang lên lách cách. Rôcốp bước ra ngoài nhưng vẫn đứng áp tai vào cánh cửa. Hắn muốn nghe rõ tiếng người bên trong. Khuôn mặt béo tốt của gã giãn ra với một nụ cười hiểm độc. Tácdăng nghe thấy tiếng phụ nữ vang lên thống thiết, đòi vị khách không mời mà đến hãy rời khỏi buồng.
- Tôi sẽ gọi chồng tôi - Cô gái kêu lên - với các ông, chồng tôi sẽ không biết do dự điều gì đâu.
Xuyên qua bức tường mỏng, vọng ra tiếng cười khô khốc và trâng tráo của Páplôvích.
- Không cần gọi! Ông ta sẽ tự đến - Páplôvích nói - Đúng ra là viên thuyền trưởng sẽ báo cho đức ông chồng của cô biết là cô đã quyến rũ một người đàn ông không hề quen biết vào buồng ngủ.
- Không bao giờ! - Cô gái kêu lên - Chồng tôi thừa biết các người.
- Tất nhiên là chồng cô biết tôi rất rõ. Nhưng thuyền trưởng và mọi người trên tàu không biết tôi là ai. Cánh nhà báo lại càng không biết tôi. Mà cánh nhà báo thì lúc nào cũng thích nghe những chuyện giật gân như chuyện của hai ta. Thế là vài ngày sau, trong bữa ăn sáng, bạn bè và những người quen biết nữ bá tước sẽ đọc đi đọc lại bài báo sốt dẻo. Hôm nay là thứ ba, chỉ sáng thứ sáu là báo chí sẽ tung ra chuyện này. Đối với bạn bè của cô thì họ sẽ thú vị nhất khi biết rằng người đàn ông mà cô đã quyến rũ vào buồng ngủ lại là một gã đầy tớ người Nga - một kẻ hầu phòng cho ông em quý phái của cô. Tôi phải nói thế cho rõ.
- Alécxây Páplôvich! - Giọng cô gái vang lên gay gắt, không hề sợ hãi - Ông là một thằng hèn! Nếu bây giờ tôi nói nhỏ vào tai ông tên một người đàn ông, chắc ông biết thảm họa nào sẽ đến với ông. Hãy ra khỏi phòng tôi ngay! Càng nhanh càng tốt. Từ nay đừng có đến quấy rầy tôi nữa!
Căn buồng trở nên im lặng. Tácdăng tưởng tượng ngay ra cảnh người đàn bà ấy đang thì thầm nói vào tai Páplôvích tên một người đàn ông nào đó. Nhưng ngay sau đó, trong phòng vang lên tiếng chửi rủa, la hét và tiếng chăn đệm xê dịch. Rồi tiếng đàn bà la hét đột nhiên im bặt.
Tácdăng nhảy ra khỏi bóng tối. Rôcốp đang đứng ngoài cửa, trông thấy Tácdăng hắn liền hoảng hốt bỏ chạy. Nhưng Tácdăng đã chộp lấy cổ áo hắn, kéo ngược trở lại. Cả hai không nói một câu. Cả hai đều biết rằng trong căn buồng đang xảy ra một chuyện bỉ ổi.
Chẳng thèm nói với Rôcốp một câu, Tácdăng dùng bả vai vạm vỡ của mình đẩy tung cánh cửa. Trong khi đó, Rôcốp vẫn bị Tácdăng nắm chặt cổ áo, kéo xềnh xệch vào trong phòng. Người đàn bà trẻ tuổi đang bị đè trên ghế đi văng, Páplôvích đang tì cả hai gối lên ngực cô ta, xiết tay bóp cổ. Đôi bàn tay yếu ớt của nạn nhân đập chới với vào mặt Páplôvích mấy cái rồi buông xuống, bất lực. Nạn nhân chỉ còn biết quằn quại dưới đôi bàn tay của hắn đang xiết chặt vào cổ họng cô.
Tiếng cánh cửa bung ra làm Páplôvích phải dừng tay. Hắn đứng dậy, nhìn Tácdăng bằng đôi mắt của loài bò tót. Cô gái cố gắng gượng dậy khỏi ghế, hai tay ôm lấy cổ, thở từng hơi đứt đoạn. Mặc dù tóc tai rối bời, da mặt tụ máu, cô gái vẫn cố gắng ngẩng lên nhìn Tácdăng. Chàng trai lập tức nhận ra nạn nhân tả tơi này chính là người phụ nữ trẻ đẹp đã có lần nhìn trộm chàng.
- Thế này là thế nào? Tácdăng quay sang hỏi Rôcốp. Chàng biết rằng chính hắn là kẻ đã bày kế bức hiếp trong phòng này. Mặt Rôcốp nhăn nhúm vì tức tối.
- Tôi yêu cầu hãy báo cho mọi người biết! - Tácdăng ra lệnh - hoặc là gọi một sỹ quan nào đó. Chuyện này thật quá đáng.
- Không, không! - Cô gái kêu lên hoảng hốt, ngồi nhổm ngay dậy - tôi van anh, đừng làm thế! Tôi hoàn toàn không bị cưỡng bức. Tôi chỉ giận người này thôi. Anh ta đã không kiềm chế được bản thân. Tất cả chỉ có thế thôi. Tôi muốn chấm dứt toàn bộ câu chuyện ở đây.
Giọng cô gái vang lên thống thiết. Tácdăng cảm thấy rằng mình cũng không thể thúc giục mọi người phải làm theo ý mình được nữa. Mặc dù vậy Tácdăng vẫn cảm thấy rằng trong chuyện này những người chỉ huy con tàu phải được biết.
- Tức là các vị không muốn tôi làm gì thêm nữa phải không? - Tácdăng hỏi lại.
- Không, tôi xin anh! - Cô gái trả lời vội vã.
Tác dăng trông thấy trên môi Rôcốp thoáng một nụ cười nhạo báng và đắc thắng. Người đàn bà này rõ ràng là rất sợ hai tên hung thủ nên không dám nói thật mọi chuyện trước mặt chúng.
- Thế thì chẳng còn việc gì, - Tácdăng nói - ngoài việc chiều theo ý bà - Quay sang Rôcốp, Tácdăng nói tiếp - Tôi sẽ theo dõi bọn ông từ giờ phút này cho tới khi con tàu kết thúc cuộc hành trình. Nếu như tôi biết có chuyện gì xảy ra với người phụ nữ trẻ này, dù là chuyện nhỏ, các ông sẽ chịu trách nhiệm trước tôi. Hãy nhớ là khi đó các ông sẽ chẳng cảm thấy dễ chịu chút nào đâu. Còn bây giờ thì... ra ngoài ngay!
Tácdăng quát rồi chộp cổ hai gã đàn ông, đẩy ra ngoài hành lang. Một lát sau Tácdăng quay lại căn phòng. Cô gái ngồi, nhìn anh rất hoang mang.
- Thưa bà! Bà hãy vui lòng đặt niềm tin cậy vào tôi. Nếu như hai kẻ khốn nạn đó còn quấy rầy bà, bà hãy báo ngay cho tôi biết.
- Ồ, thưa ông! - Cô gái nói - tôi xin lỗi, vì cứu tôi mà ông đã phải can dự vào một chuyện chẳng lấy gì làm dễ chịu. Thực ra ông đã giành về phần mình những kẻ thù độc ác, xưa nay chưa biết dừng tay trước một chuyện gì. Trước ông chúng phải kiềm chế lòng căm thù tàn bạo. Nhưng từ nay ông phải hết sức thận trong giữ mình, thưa ông...
- Xin lỗi madam, tên tôi là Tácdăng.
- Vâng, thưa ông Tácdăng. Tôi xin được nói tiếp. Tôi không muốn các sĩ quan trên tàu biết chuyện vừa rồi. Nhưng ông đừng nghĩ rằng tôi không hề động lòng trước hành động hiệp sĩ của ông. Thôi, chúc ông ngủ ngon, ông Tácdăng! Không bao giờ tôi quên được ông đâu.
Cô gái nở nụ cười tươi tắn, lộ hàm răng trắng như ngọc. Cô khẽ cúi đầu xúc động, tiễn Tácdăng ra cửa. Chúc cô gái ngủ ngon. Tácdăng bước ra boong tàu. Chàng cảm thấy rất kỳ cục. Có lẽ trên con tàu này chỉ có hai người - Bá tước Đơ Côngđơ và người phụ nữ trẻ đẹp vừa rồi là hai người duy nhất cam chịu để cho Rôcốp và bạn hắn hành hạ mà không dám tố giác chúng trước các nhà chức trách.
Trong đêm ấy, trước khi trở về căn buồng của mình, Tácdăng nghĩ tới người phụ nữ trẻ duyên dáng mà mình vừa cứu. Chàng đã bước vào cuộc sống của cô ta trong một hoàn cảnh mới kỳ quái làm sao! Chàng giật mình nhớ ra là cho tới giờ, ngay cả tên cô chàng cũng không biết. Chàng biết rằng cô đã có chồng. Bằng chứng là chiếc nhẫn vàng xinh xinh vui mắt cô đeo ở bên tay trái. Vậy thì chồng cô là ai? Chàng hơi băn khoăn.
Suốt thời gian sau đó, Tácdăng không trông thấy cô gái lẫn bá tước Đơ Côngđơ đâu cả. Mãi tới ngày cuối cùng, chàng mới gặp mặt cô gái. Chàng và cô vô tình gặp nhau trên khoang hóng mát. Hai người ngồi trên hai chiếc giường xếp, đối mặt với nhau. Cô gái chào Tácdăng bằng một nụ cười thân ái. Chỉ một lát sau, câu chuyện của hai người đã bắt vào sự kiện trong phòng cô trước đó. Tuy vậy trong câu chuyện, cô cố gắng giữ gìn để Tácdăng không hỏi đến quan hệ quen biết giữa cô với Rôcốp và Páplôvích.
- Tôi tin rằng ông không có những ý nghĩ xấu về tôi, đúng không ông? - Cô gái nói - Đừng nghĩ xấu về tôi sau câu chuyện bất hạnh tối thứ ba hôm ấy. Từ ngày đó, tôi đã chịu đựng quá nhiều. Còn hôm nay là lần đầu tiên tôi lấy can đảm bước ra khỏi phòng. Tôi cảm thấy rất xấu hổ... - Cô nói một cách giản dị.
- Chẳng có ai đi trách bà về chuyện đó đâu - Tácdăng đáp lại - Tôi đã gặp hai kẻ du thủ du thực đó một lần trong phòng ăn, trước hôm chúng xông vào phòng của bà. Vừa trông thấy bộ dạng của chúng, lập tức tôi nghĩ rằng đây là hiện thân của cái ác, rằng chúng đã bỏ lại sau chân mình biết bao nạn nhân vô tội, chúng là loại người dường như sinh ra để căm thù tất cả những gì tốt đẹp và cao thượng trong cuộc đời này.
- Những điều ông nói mới rõ ràng, trong sáng làm sao! Tôi không nghĩ rằng ông lại nhìn nhận mọi sự việc giản dị và mnh bạch đến thế! - Cô gái thốt lên với nụ cười ngỡ ngàng - Tôi đã nghe câu chuyện xảy ra trong phòng ăn, giữa những người chơi bài... Chồng tôi đã kể cho tôi nghe chuyện đó, đặc biệt là về sức mạnh và lòng can đảm của "Ngài Tácdăng". Chồng tôi biết ơn ông nhiều lắm.
- Đấy là chồng của bà? - Tácdăng ngạc nhiên.
- Vâng, đúng thế. Còn tôi là nữ bá tước Đơ Côngđơ.
- Vậy thì tôi đã được trả ơn quá nhiều rồi, thưa bà! Bởi vì tôi lấy làm hân hạnh khi đã bảo vệ được phu nhân của bá tước.
- Tôi chịu ơn ông tới mức nếu như đã trả ơn xong hoàn toàn cho ông tôi sẽ rất buồn. Tôi thích sự dở dang. Nhưng tôi xin ông, đừng vì thế mà ông tìm cách đi quá sâu vào tâm hồn và trí nhớ của tôi! - Cô gái nở nụ cười dí dỏm và tươi tắn. Nụ cười đẹp tới mức Tácdăng cảm thấy lúc đó chàng có đủ sức mạnh để bước vào bất cứ công chuyện gì phiêu lưu nguy hiểm trên đời.
Những ngày sau đó, trên bến cảng, Tácdăng gần như không gặp được cô gái. Nhưng chàng không thể nào quên được đôi mắt xanh thẳm của cô trong buổi trò chuyện ở khoang tàu hóng mát. Chàng đã nói với cô biết bao là chuyện! Và tình bạn của hai người đã nảy sinh ngay giữa đại dương. Nhưng phải chăng mối tình biển cả đó cũng từ giã đại dương khi con tàu cập bến? Tácdăng bâng khuâng tự hỏi có bao giờ mình gặp lại cô gái ấy nữa không?
Chuyện rắc rối ở phố Maule Sau khi tới Pari, Tácdăng tìm đến Ácnốt, người bạn cũ của mình. Vừa gặp, viên trung úy đã trách mắng Tácdăng vì tội từ chối tước hiệu và tài sản mà hàng hoàn toàn có quyền thừa kế từ người cha quá cố của mình.
- Đừng có lẩn thẩn, ông bạn ạ! - Ácnốt nói rất gay gắt - Cậu không chỉ từ bỏ của cải, địa vị mà còn đánh mất một cơ hội để chứng minh cho mọi người biết rằng dưới làn da của cậu là dòng máu của một dòng họ quý tộc nước Anh, chứ không phải là dòng máu của một loài vượn hoang dã. Tôi không hiểu mọi người có tin như vậy không, nhất là cô Potơrôva. Thậm chí cả tôi cũng có lúc không tin như vậy. Đó là lúc tôi và cậu còn ở trong rừng châu Phi. Tôi đã trông thấy cậu nhai thịt sống xé ra từ những con mồi. Đôi quai hàm cậu bành ra nghiền thịt tươi đỏ lòm chẳng khác gì bộ quai hàm sư tử. Rồi cậu còn chùi bàn tay đầy máu vào đùi. Những hình ảnh đó là những chứng cứ cự tuyệt nguồn gốc loài người của cậu. Lúc đó tôi cũng tin rằng vượn cái Kala chính là mẹ đẻ của cậu. Còn bây giờ, mọi việc đã rõ ràng. Cuốn nhật ký của huân tước Grâyxtâu ghi rất rõ về số phận bất hạnh của vợ chồng ông trên bờ biển châu Phi, về niềm vui đón đứa trẻ ra đời. Những vân tay hồi bé của cậu còn in hằn trên trang nhật ký! Thật không thể tin nổi cậu! Chẳng lẽ cậu thích làm một người không tài sản, một người không tên hay sao?
- Tôi không cần cái tên nào ngoài cái tên Tácdăng - Chàng trai trả lời rất giản dị - Còn về chuyện tài sản trang trại, lâu đài thì ông nhớ là không bao giờ tôi để ý đến. Còn bây giờ mong muốn đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi là vì tình bạn vô tư và cao cả, ông hãy tìm cho tôi một nghề nghiệp nào đó!
- Nghề nghiêp? - Ácnốt bật cười - Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi đã nói với cậu rồi, Tácdăng mến yêu của tôi! Cậu còn nhớ không? Tôi có một tài sản tương đối, đủ cho hai chục người. Một nửa là của cậu. Nếu như tôi hiến dâng toàn bộ tài sản cho cậu thì có lẽ nó cũng chỉ bằng một phần mười cái giá của tình bạn chúng ta thôi. Làm sao tôi trả được cái ơn cứu sống của cậu trong rừng già. Tôi không bao giờ quên, bạn ạ! Không có bạn, không có lòng dũng cảm tuyệt vời của bạn, tôi đã chết bên chiếc cọc hành hình trong làng ăn thịt người. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên những ngày nằm trong lều cỏ của bạn. Nhờ sự săn sóc hết lòng của bạn mà tôi như người đã lột xác, không còn dấu vết của những vết thương đâm chém nham nhở khắp mình. Mãi tới sau này, tôi mới ý thức được rằng, việc bạn phải ở lại chăm sóc tôi giữa rừng là một khổ tâm với bạn. Bạn ở lại cùng tôi giữa rừng, nhưng thực ra lòng bạn lại hướng về bờ biển, hướng về Potơrova. Cho tận đến ngày bạn và tôi tới bờ biển, biết rằng Potơrova của bạn đã ra đi, thì quả thực tôi vẫn không hiểu vì sao bạn lại vất vả vì tôi, vì một người mà khi ấy với bạn là hoàn toàn xa lạ. Điều đó chỉ có thể giải thích bằng quy luật của tâm hồn, tức là bằng tình yêu thương đồng loại. Cho nên, Tácdăng ạ! Tôi không bao giờ có ý định đền ơn bạn bằng tiền... Chúng ta là bạn của nhau. Chúng ta có những suy nghĩ giống nhau và tôi rất khâm phục bạn. Tiền bạc không thể đồng hành cùng tình bạn.
- Thôi được rồi! - Tácdăng cười vui vẻ - chúng ta sẽ không cãi nhau về chuyện đồng tiền nữa. Nhưng tôi muốn sống thì tôi phải có tiền. Tôi thích làm việc gì đó. Cho nên để chứng minh tốt nhất cho tình bạn của mình, ông hãy tìm cho tôi một nghề nào đó. Tôi có thể chết vì ăn không ngồi rồi. Còn về chuyện thừa kế tài sản, tước danh thì... hiện nay đang thuộc về một người rất tốt. Clâytơn không có lỗi trong chuyện tôi mất quyền thừa kế. Anh ta hoàn toàn tin rằng mình là huân tước Grâyxtâu. Anh ta có tất cả những phẩm giá của một huân tước nước Anh và có nhiều khả năng hơn cái người đã sinh ra và lớn lên giữa rừng già châu Phi. Tôi thì may chăng mới đi được nửa quãng đường để đến với cuộc sống văn minh. Khi tôi nổi cáu, đỏ mặt lên thì toàn bộ phản xạ bản năng của loài ác thú trong tôi nổi lên còn mạnh hơn cái mà loài người gọi là đạo đức. Những thứ xoay quanh phép lịch sự, tôi vẫn chưa "tiêu hóa" được. Hơn nữa, nếu tôi tuyên bố trước pháp luật rằng tôi mới là huân tước Grâyxtâu thì Gian Potơrova sẽ mất cả tài sản lẫn tước danh. Những thứ đó sẽ rất cần cho cuộc sống vợ chồng của cô ấy và cho Clâytơn. Vì vậy tôi không làm điều đó, Pôn ạ! Chẳng lẽ lại...?
Tácdăng ngừng lại một lát. Rồi không đợi Ácnốt trả lời, chàng nói tiếp:
- Còn chuyện lai lịch, xuất xứ của tôi thì có gì quan trọng đâu. Tôi nghĩ rằng cái hang của con khỉ và tòa lâu đài của một huân tước giá trị như nhau. Mỗi loài có một cuộc sống riêng, niềm vui riêng. Cái có ý nghĩa với loài người thì lại vô nghĩa với loài vật. Tôi cảm thấy hài lòng khi nghĩ rằng Kala là mẹ tôi. Nếu như tôi xóa được trong đầu cái cảnh tượng một thiếu phụ người Anh bất hạnh tắt thở khi tôi mới ba tháng tuổi thì lòng tôi hoàn toàn thanh thản. Kala bao giờ cũng yêu thương tôi. Thương yêu theo kiểu thú rừng. Một tình thương mạnh mẽ và dữ dội. Khi bà mẹ đẻ đích thực của tôi qua đời, tôi đã từng cảm thấy rất kiêu hãnh và hạnh phúc trong vòng tay của mẹ Kala. Kala đã đánh nhau với tất cả các loài thú kể cả với những con vượn cùng bộ lạc để bảo vệ tôi. Kala che chở cho tôi và bảo vệ quyền làm mẹ của mình. Tôi đã hiểu thế nào là tình yêu của người mẹ. Tôi rất yêu Kala. Pôn ạ! Tôi thương Kala biết bao khi mũi tên độc của một chiến binh bộ lạc Bônga làm Kala giãy giụa, qua đời. Chuyện đó xảy ra khi tôi còn là một chàng trai mới lớn. Nhưng tôi vẫn còn nhớ tôi lăn xả vào xác Kala và khóc như một đứa con trước cái chết bất ngờ của mẹ, Pôn ạ! Đối với Pôn, Kala chỉ là một con vượn già bẩn thỉu. Nhưng với tôi thì Kala rất đẹp. Hóa ra tình yêu có thể làm cho con người ta thay đổi cách nhìn. Tình yêu có thể sáng tạo lại những thứ mà người ta yêu. Cho nên tôi hoàn toàn yên tâm nếu như tôi vẫn là con trai của một con vượn cái.
- Bạn càng trung thành với ký ức tuổi thơ bao nhiêu, tôi càng quý bạn bấy nhiêu! - Ácnốt nói - Nhưng đã đến lúc bạn phải công bố sự thật nguồn gốc của mình rồi. Bạn hãy nhớ lời tôi. Càng công bố muộn thì càng khó khăn, bất lợi. Bạn phải nhớ rằng giáo sư Potơ và ông Philanđơ là hai người duy nhất biết và chứng minh được rằng, bộ xương nhỏ nằm trong nôi, cạnh xương cốt cha mẹ bạn là bộ xương của một chú vượn con, chứ không phải là... xương bạn. Họ là những người làm chứng rất quan trọng. Mà hai cụ đó già lắm rồi, có thể mỗi ngày một kém minh mẫn. Và biết đâu, khi Potơrova biết sự thật ấy, cô ta sẽ từ bỏ lời hứa hôn với Claytơn? Tôi nghĩ rằng, càng ngày bạn càng khó mà lấy lại được danh vị, trang trại, lẫn người con gái mình yêu, Tácdăng ạ! Bạn có tính tới chuyện đó một cách thật sự nghiêm túc không?
Tácdăng lắc đầu:
- Bạn không biết Potơrova, - Dừng lại trong giây lát để suy nghĩ, Tácdăng nói tiếp - Có lẽ Clâytơn càng bất hạnh thì Potơrova càng gắn bó với anh ta. Potơrova sinh ra từ một dòng họ Igiăng. Mà người Igiăng thì rất tự hào về đức tính chung thủy của phụ nữ dân tộc mình.
*
Những tuần lễ tiếp theo ở Pari đã đem lại cho Tácdăng nhiều hiểu biết mới. Ban ngày, Tácdăng đi đọc sách ở các thư viện và xem các viện bảo tàng mỹ thuật. Chàng trở thành một độc giả mê sách. Sách vở, nghệ thuật như những người bạn nhiệt tình dẫn dắt chàng bước vào thiên đường văn hóa và đưa chàng tới những chân trời trí thức mới. Đôi lúc chàng cũng có cảm giác thất vọng. Bởi vì càng đọc nhiều, chàng càng có ý nghĩ buồn bã là dù có suốt đời hiến mình cho việc đọc sách và nghiên cứu, chàng cũng không thể lấp đầy được những lỗ hổng trong tri thức của mình. Chàng thấy rằng cũng như mọi người, chàng không thể đi tới tận cùng của sự hiểu biết.
Chàng thường ngồi tự học trong thư viện từ sáng đến tận chiều. Buổi tối thì nghỉ ngơi, giải trí. Trong chuyện vui chơi tiêu khiển thì Pari quả là thành phố có khả năng thỏa mãn tất cả mọi người. Thỉnh thoảng chàng cũng hút thuốc và uống rượu. Chàng nghĩ rằng mình đang thâm nhập vào cuộc sống văn minh nên cần phải biết và nếm trải tất cả những gì mà mỗi con người bình thường đều biết và nếm trải. Cuộc sống thật mới lạ và quyến rũ. Nhờ học tập, nghiên cứu và những trò tiêu khiển, nhiều khi chàng quên được quá khứ và không cần băn khoăn nghĩ ngợi về tương lai.
Một buổi tối chàng đi xem hòa nhạc. Đang ngồi trong phòng hòa nhạc, uống rượu apsin và thưởng thức những vũ điệu tuyệt vời của một nghệ sĩ người Nga, chàng cảm thấy có đôi mắt màu đen nhìn mình. Chàng chưa kịp nhìn kỹ thì người đàn ông nhìn chàng đã quay đi và biến mất trong đám đông. Chàng nhớ ra là đã gặp cái nhìn này ở một nơi nào đó rồi và cái nhìn đó không thể là một cái nhìn vô tình. Một lúc sau, chàng có cảm giác mình đang bị theo dõi. Nhờ thứ phản xạ mà cuộc sống hoang dã giữa bầy thú tạo ra ở chàng, chàng bất ngờ quay ngoặt lại và bắt gặp ánh mắt của kẻ nhìn trộm. Phản xạ của chàng khiến kẻ theo dõi phải kinh ngạc.
Buổi hòa nhạc kết thúc. Tácdăng gần như quên chuyện đó. Vì vậy khi bước ra khỏi phòng, chàng không nhận ra một người đàn ông có nước da màu nâu đang đứng nấp trong bóng tối ở hành lang đối diện.
Khi chàng lên đường về nhà, người đàn ông theo dõi chàng liền chạy vượt lên phía trước.
*
Tácdăng rất thích đi xuyên qua phố Maule. Đường phố này vừa vắng người vừa tăm tối. Nhưng chính vì vậy mà đi qua đó, Tácdăng thường nhớ tới những cánh rừng già thân thuộc của mình. Chàng không thích những đại lộ đông đúc, ồn ào. Những ai đã biết Pari, người đó thường đi vòng, tránh xa cái đường phố yên lặng và bí hiểm này. Còn ai không thuộc đường Pari thì khi hỏi cảnh sát, cảnh sát cũng không muốn chỉ đường qua lối đó. Chẳng có phố nào ở Pari như phố Maule, một đường phố tối tăm và nguy hiểm.
Đêm hôm đó Tácdăng lại đi trên phố Maule. Chàng đi dưới bóng những ngôi nhà cũ kỹ, bẩn thỉu ven đường. Bỗng chàng nghe thấy có tiếng người thét, rồi có tiếng kêu cứu từ tầng hai của dãy nhà trước mặt. Tiếng kêu vọng tới rõ ràng là giọng phụ nữ. Khi tiếng kêu vừa vang lên, Tácdăng đã phóng mình vào ngõ tối, chạy vượt lên cầu thang, đến nơi có người kêu cứu. Tới cuối hành lang tầng hai chàng trông thấy một cánh cửa mở nửa chừng. Tiếng kêu phát ra từ đó. Trong phút chốc, Tácdăng đã đứng giữa căn phòng. Từ phía trên lò sưởi, ánh sáng nhợt nhạt của ngọn đèn dầu đổ xuống thân hình những người có diện mạo rất khả nghi. Ngoài người đàn bà chừng ba mươi tuổi, tất cả số còn lại đều là đàn ông. Khuôn mặt người đàn bà lộ rõ một cuộc sống phóng đãng, nhưng vẫn còn sót những dấu vết của một thời xuân sắc. Bị ấn vào tường, người đàn bà đang ôm lấy cổ mình.
- Ngài cứu tôi với! - Người đàn bà kêu lên khi trông thấy Tácdăng - Họ định giết tôi.
Tácdăng quay sang phía những người đàn ông. Khuôn mặt những người này trông thật ngang ngạnh, thuộc kiểu mặt những tên tù thường phạm. Tácdăng ngạc nhiên không hiểu vì sao bọn này không bỏ chạy. Có tiếng động phía sau lưng buộc chàng phải quay lại.
Chàng không giấu được sự kinh ngạc. Trước mắt chàng là Rôcốp - kẻ đã theo dõi chàng trong phòng hòa nhạc. Bên cạnh Rôcốp là một gã đàn ông khổng lồ. Gã đi vòng về phía sau lưng Tácdăng, tay vung một khúc gậy nặng. Khi bọn hung thủ thấy Tácdăng đã quan sát được tất cả gian phòng, chúng nhất loạt xông vào chàng. Một vài đứa rút dao găm, một vài đứa chộp lấy ghế. Gã đàn ông vạm vỡ quật chiếc gậy xuống. Cú đập có thể làm vỡ sọ Tácdăng. Những với phản xạ thông minh nhanh nhẹn và bộ cơ bắp rắn như thép của Tácdăng đã không cho lũ đàn ông Anhđiêng Pari này thực hiện được ý định. Tácdăng chọn ngay đối thủ nặng cân nhất để tấn công. Đó là gã khổng lồ cầm gậy. Chàng né mình tránh đường gậy và vòng cánh tay lấy đã đấm vào quai hàm đối thủ số 1 này. Cú đấm mạnh tới mức gã khổng lồ vật xuống đất bất tỉnh.
Không kịp nhìn đối thủ bị hạ gục, Tácdăng lao vào tấn công số còn lại. Thật là một màn kịch rùng rợn. Lớp vỏ mong manh của văn minh xã hội trong con người Tácdăng đã vỡ tan tành. Trong phút chốc mười kẻ khốn nạn phải đối mặt với một con sư tử hung bạo. Bọn chúng mỗi lúc một cảm thấy dại dột vì đã trót sa vào một cuộc chiến đấu vô vọng.
Bên ngoài, cuối hành lang, Rôcốp ung dung đứng chờ cuộc chiến trong phòng kết thúc. Hắn tin rằng trước khi hắn bước vào phòng, mọi việc phải xong xuôi, nghĩa là Tácdăng phải bị giết chết. Người đàn bà cũng đứng bên ngoài, đúng cái chỗ mà Tácdăng đã đứng và lần đầu tiên trông thấy chị ta. Khuôn mặt người đàn bà đã thay đổi hẳn. Thay cho sự sợ hãi ban đầu, bây giờ thị có vẻ rất hài lòng vì nhiệm vụ đã hoàn thành.
Trong phòng, thảm họa đang bổ xuống đầu bọn đàn ông. Điều đó cũng không có gì lạ. Chàng trai tuấn tú lịch sự của nước Anh đã thực sự biến thành vị thần Báo thù. Mất hết vẻ nhút nhát e dè trước người lạ lâu nay, Tácdăng hiện ra như thần Hécquyn nổi giận.
- Lạy Chúa! - Mụ đàn bà gọi Rô cốp - Hình như hắn là một con thú, chứ không phải là người.
Đúng như vậy! Lúc này, những chiếc răng chắc khỏe của chàng trai đang nhe ra trắng ởn, cắn vào cổ họng một đối thủ. Không còn giữ gìn gì nữa, Tácdăng dùng hết mọi cách để tấn công, kể cả những cách tấn công mà chàng học được của hổ báo, đười ươi khi còn sống với bộ lạc vượn Kétchác. Chàng lồng lộn, tả xung hữu đột trong phòng. Những cú nhảy vồ mồi kinh khủng của chàng khiến cho người đàn bà lạnh gáy. Thị nhớ ngay tới con hổ trong vườn bách thú.
Thét lên vì đau đớn, lũ đàn ông tìm mọi cách thoát ra ngoài. Vừa trông thấy một người mình mẩy đầm máu, áo quần tả tơi lao ra khỏi cửa, Rôcốp giật mình. Người đó không phải là Tácdăng. Rôcốp vẫn đinh ninh rằng sáng ngày mai người ta sẽ phát hiện ra xác Tácdăng - một người ngoại quốc chết trong phòng. Còn lúc này, kẻ ôm đầu máu chạy trốn ra khỏi phòng lại là đồng bọn của Rôcốp. Rôcốp liền chạy ra đường phố. Vào trong một quán trọ gần nhất, Rôcốp báo cho cảnh sát biết rằng có một người đàn ông lạ mặt đang giết người trên tầng hai, số nhà 17 phố Maule.
Khi cảnh sát phóng xe tới nơi, họ trông thấy một cảnh tượng lạ lùng: Ba người đàn ông đang nằm thở thoi thóp trên sàn nhà. Một người đàn bà mặt mũi khiếp đảm đang nằm trên giường hai tay ôm lấy mặt. Đứng sừng sững giữa phòng là một chàng trai cao lớn, quần áo rất lịch sự, hợp mốt. Chàng ta đứng thủ thế, chờ trận chiến đấu tiếp tục. Bởi vì nghe tiếng chân cảnh sát rầm rập trên cầu thang bên ngoài, chàng nghĩ rằng kẻ thù đang kéo đến tiếp viện.
Nhưng khi bước hẳn vào phòng, tốp cảnh sát mới nhận ra họ đã nhìn nhầm. Người đứng giữa phòng không phải là một trang công tử. Đúng ra, đó là một con sư tử đực với đôi mắt ánh lên màu thép xám. Ánh mắt lóe lên man dại dưới đôi lông mày rậm nhíu chặt. Tácdăng đứng giữa đám cảnh sát như một con thú bị đám người thợ săn bao vây. Chàng chờ đợi đợt tấn công mới của kẻ thù. Cơ thể chàng co lại, rắn đanh, trong tư thế của một con báo chuẩn bị vồ mồi.
- Có chuyện gì xảy ra thế này? - Một viên cảnh sát lên tiếng hỏi.
Khi đã nhận ra tình thế mới, Tácdăng thả lỏng người, bình tĩnh trở lại. Chàng nói vắn tắt cho cảnh sát biết chuyện gì đã xảy ra và quay sang người đàn bà, chờ xác nhận sự thật. Nhưng chàng sững sờ vì câu trả lời của thị:
- Hắn nói dối! - Người đàn bà kêu lên the thé và quay sang nhóm cảnh sát - Hắn ngang nhiên đột nhập vào phòng tôi, khi tôi đang ngủ một mình. Tôi bắt hắn phải đi ra nhưng hắn định giết tôi. Nếu không có những người này nghe thấy tôi kêu cứu, chạy đến thì tôi đã chết trong tay hắn rồi. Thưa các ngài sĩ quan, hắn là một thằng điên! May mà hắn không có vũ khí, nếu có, hắn đã giết hết mọi người bảo vệ tôi rồi.
Thật quá sức tưởng tượng! Nghe lời người đàn bà, Tácdăng lặng đi không biết nói gì. Những người hành pháp cũng nghi ngờ giọng lưỡi của người đàn bà. Bởi vì mụ cũng như lũ đàn ông "bảo vệ" mụ từ lâu họ đã nhẵn mặt. Phiền một nỗi, họ chỉ là cảnh sát chứ không phải nhân viên tòa án. Vì vậy họ quyết định bắt giữ tất cả những người có mặt trong phòng. Còn chuyện phân xử trắng đen thì đã có các nhà chức trách khác. Tuy nhiên, họ thông báo quyết định đó cho Tácdăng một cách khá lịch sự. Sau đó họ bắt giữ chàng.
- Tôi chẳng có tội gì cả! - Tácdăng nói rất bình thản - Tôi chỉ cố gắng tự vệ. Tôi không hiểu vì sao người phụ nữ này lại nói dối các ông. Chẳng có lý do gì để bà ta căm thù tôi. Trước khi nghe tiếng kêu cứu của bà ta và tôi chạy đến thì tôi chưa hề gặp bà ta lần nào.
- Ông đi đi! - Một viên cảnh sát ra lệnh nho nhỏ - Quan tòa sẽ nghe ông trình bày cụ thể.
Viên cảnh sát nói rồi tiến lại gần Tácdăng, đưa tay vỗ vai chàng. Nhưng bàn tay chưa chạm vai Tácdăng, viên cảnh sát đã ngã quay đơ vào góc phòng. Mấy viên cảnh sát còn lại liền nhảy xổ vào người Tácdăng. Nhưng tất cả đều bị bật tung lên khỏi sàn nhà. Sự việc diễn ra nhanh tới mức họ không đủ thời gian sờ tay vào bao súng ngắn bên hông.
Ngay trong vài giây đầu khi chàng tấn công vào cảnh sát, Tácdăng đã để ý tới chiếc cửa sổ mở ngỏ. Dưới bậu cửa sổ là bóng một thân cây hay một chiếc cột điện gì đó. Khi viên cảnh sát cuối cùng bị tung lên không trung thì viên cảnh sát bị ngã đầu tiên đã ngồi được dậy, rút súng bắn Tácdăng. Viên đạn không trúng mục tiêu. Viên cảnh sát chưa kịp xiết cò súng lần nữa, Tácdăng đã thổi tắt phụt ngọn đèn trên bếp lò. Căn phòng tối om. Đám cảnh sát chỉ kịp nhìn thấy trên bậc cửa sổ bóng dáng một cơ thể mềm mại lướt qua. Bằng cú nhảy nhẹ nhàng của một con báo, bóng người đó bay tới chiếc cột điện thoại. Lúc tốp cảnh sát chạy được xuống đất, Tácdăng đã biến mất, chẳng để lại một dấu chân.
Trong khi giải mụ đàn bà và đám đàn ông què quặt về đồn, tốp cảnh sát tổ ra không thận trọng chút nào. Bởi vì lúc đó họ rất ngán ngẩm khi nghĩ tới chuyện thông báo lệnh truy nã Tácdăng. Bản thông báo cần phải viết thật khéo để dân chúng khỏi chê cười. Chả lẽ lại viết rằng: "... một người đàn ông không vũ khí sau khi đã cho cả tốp cảnh sát dùng áo lau sàn nhà đã tẩu thoát qua cửa sổ..."? Họ tỏ ra rất nghi ngờ viên cảnh sát đứng gác dưới mặt đường. Bởi vì ông ta thề rằng không hề trông thấy ai nhảy qua cửa sổ, cũng chẳng có ai tụt xuống chân cột điện.
Thật ra, khi Tácdăng bám vào thân cột điện thoại, chàng đã nghĩ ngay tới chuyện có người đứng gác phía dưới. Chàng đã đoán không nhầm. Bởi vì ngay dưới chân chàng khi ấy đã có bóng chiếc mũ và đôi phù hiệu cảnh sát di động quanh gốc cột. Chỉ phía trên cao là an toàn. Chàng nghĩ và quyết định leo lên ngọn cột điện thoại. Đầu cột sát với mái nhà. Chuyện nhảy từ đó sang mái nhà đối với chàng chỉ là một trò chơi. Thế là từ mái nhà này chàng leo sang mái nhà khác. Cuộc hành trình của chàng trên mái nhà kết thúc khi chàng tìm được một chiếc cột điện tương tự. Chàng tụt xuống đất, nhanh chóng chạy xuyên qua mặt đường, tới một quán rượu nhỏ. Chàng vào bồn tắm rửa tay, lau sạch những vết bẩn trên quần áo. Hớp vài chén rượu, chàng lại bước ra đường, thong thả về nhà.
Đi được một lúc, Tácdăng tới một đại lộ có đèn đường chiếu sáng rõ như ban ngày. Vừa bước qua chân cột đèn, Tácdăng bỗng nghe tiếng phụ nữ kêu nho nhỏ. Lại vẫn tiếng kêu cứu của phụ nữa! "Tácda..!" Hình như có người gọi đúng tên chàng! Hình như người gọi phải tự kiềm chế niềm vui của mình. Quay lại, Tácdăng nhìn thấy ngay khuôn mặt tươi tắn của Ônga Đơ Côngđơ. Cô gái nhô đầu ra khỏi cửa xe ô tô. Tácdăng khẽ cúi đầu đáp lại. Chàng chưa kịp bước tới, chiếc xe đã lao vụt đi.
"Rôcốp, rồi lại nữ bá tước Đơ Côngđơ! Hai người trong một buổi tối... - Tácdăng thầm nghĩ - Đúng là Pari cũng không rộng lắm!"
Nữ bá tước tự thú Tôi thấy Pari của anh còn nguy hiểm hơn rừng già của tôi, Pôn ạ! - Tácdăng bình luận trong lúc kể cho bạn mình nghe về cuộc xô xát với bọn "đầu gấu" và cảnh sát ở phố Maule hôm trước - Vì sao họ lại tấn công tôi? Cảnh sát ấy mà. Hay lúc đó họ đói?
Ácnốt khẽ rùng mình, nhưng rồi lại bật cười vì lối suy luận tự nhiên, ngộ nghĩnh của Tácdăng.
- Rất khó tự giải thoát khỏi thói quen rừng già để suy nghĩ một cách văn minh, đúng không ông bạn? - Ácnốt vỗ vai Tácdăng.
- Quý hóa gì cái thứ văn minh của các anh! - Tácdăng cũng cười nhạo - Luật của rừng già không cho phép tàn bào. Thú rừng giết nhau là vì cần thức ăn, vì tự bảo vệ bản thân hoặc vì con đực giành giật quyền lực, con mẹ bảo vệ đàn con. Anh thấy rồi đấy. Tất cả những chuyện đó diễn ra rất hài hòa với quy luật của tự nhiên. Còn ở đây thì sao? Loài người văn minh còn thích bạo lực hơn cả thú rừng. Họ tự do chém giết nhau. Đã thế, loài người còn kiêu căng, nhân danh lòng cao thượng với các thứ đủ loại. Như thế còn gì tồi tệ hơn? Họ nói nhiều về các thứ chẳng qua là để nhử các đối thủ vào cạm bẫy. Tôi muốn giúp đỡ những người xung quanh thì lại bị cái chết đe dọa. Tôi không hiểu, thậm chí không thể nào hiểu nổi có người đàn bà lại tồi tệ đến thế. Mụ ta muốn tôi chết, trong khi tôi đến để cứu mụ. Đúng như vậy. Tôi đã gặp Rôcốp, một kẻ khốn nạn định giết mụ. Vậy mà trước mặt cảnh sát, mụ ta lại buộc tội tôi. Rôcốp biết rõ là tôi hay đi trên đường phố Maule. Có lẽ hắn đã đặt bẫy và bày ra kế hoạch giết tôi rất tỉ mỉ. Kể cả câu trả lời của mụ đàn bà với cảnh sát, nếu kế hoạch không thành. Có lẽ thế, bây giờ thì mọi việc đã rõ ràng.
- Đấy, cậu thấy đấy! - Ácnốt nói - Tôi đã nói với cậu bao lần rồi mà cậu không nghe. Tốt nhất là buổi tối không nên đi qua phố Maule.
- Ngược lại thì có, - Tácdăng cười ngang ngạnh - Tôi cũng nói với anh bao lần rồi. Pari chẳng có phố nào lý thú hơn phố Maule. Cho nên lần sau hễ có dịp, tôi lại đi đường ấy. Bước trên những đoạn đường gập ghềnh tối tăm trên phố ấy, tôi thường có cảm giác là mình vẫn chưa từ giã châu Phi. Đường phố đó rất có giá. Nó đã đem lại cho tôi nhiều cảm giác thú vị.
- Đúng thế, nó còn có thể đem lại cho cậu nhiều hơn những chuyện mà cậu mong ước. Đó là nhà tù - Ácnốt châm chọc - Cậu đừng quên rằng mình còn đang mắc nợ với cảnh sát. Tôi rất hiểu cảnh sát Pari, nên dám chắc với cậu là cảnh sát không dễ gì bỏ qua sự kiện tối qua. Sớm hay muộn họ cũng tóm được cậu, Tácdăng ạ! Họ sẽ tóm được chàng người rừng và đặt chàng vào trong lưới sắt. Cậu thích chứ?
- Tácdăng - con của mẹ vượn Kala không bao giờ chịu rơi vào lưới sắt! - Tácdăng nghiến răng nói. Trong giọng nói có một cái gì đó rất lý thú khiến cho trung úy Ácnốt phải nhìn vào mặt Tácdăng. Ácnốt thấy bạn mình vẫn còn là một cậu bé to xác, ngốc nghếch, nhưng cũng thật dễ thương. Cậu bé khổng lồ này vẫn chưa chịu thừa nhận một thứ luật nào ngoài thứ luật rừng xanh. Cậu ta chỉ tin vào sức mạnh của mình. Nhưng Ácnốt cũng thấy rằng mình phải làm một việc gì đó thật khẩn trương trước khi Tácdăng bị cảnh sát phát hiện ra.
- Cậu còn phải học nhiều, Tácdăng ạ! - Ácnốt nói rất nghiêm nghị - Cần phải tôn trọng luật pháp của con người, cho dù cậu thích hay không thích. Nếu cậu cứ tiếp tục gây chuyện với cảnh sát thì cậu và bạn cậu đây sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Lần này tôi sẽ giải thích cho cảnh sát biết cậu là ai, vì sao cậu làm như vậy. Nhưng từ này trở đi, cậu phải biết tôn trọng pháp luật. Nếu một viên cảnh sát nào đó bảo cậu: "Hãy đi theo tôi!". Cậu phải đi. Còn bây giờ tôi sẽ dẫn cậu đến một đồn cảnh sát. Ở đó, tôi có một người bạn rất thân. Chúng ta cần giải quyết sớm câu chuyện rắc rồi đó. Chúng ta đi thôi!
Khoảng nửa tiếng sau, Ácnốt và Tácdăng bước vào đồn, gặp viên thanh tra. Do quan hệ bạn bè với Ácnốt, viên thanh tra tỏ ra rất niềm nở. Đứng trong phòng, Tácdăng nhớ ngay tới lần Ácnốt dẫn mình vào cơ quan cảnh sát hình sự để nghiên cứu xác định vân tay. Sau khi Ácnốt kể xong câu chuyện của Tácdăng ở phố Maule hôm trước, nụ cười vui vẻ trên môi viên thanh tra vụt tắt. Ông vội chộp lấy máy điện thoại. Trong khi chờ nhân viên của mình, viên thanh tra không hề nói với Ácnốt một lời. Ông lẳng lặng lục tìm một tờ giấy nào đó trong tập giấy ở mặt bàn. Trong phòng im lặng một cách căng thẳng.
- Giubông! - Viên thanh tra nói với người vừa bước vào phòng - Anh gọi ngay mấy vị ấy đến văn phòng.
Viên thanh tra đưa cho người nhận lệnh một tờ giấy rồi quay sang Tácdăng.
- Ông đã phạm luật rất nặng, - Viên thanh tra nói, nhưng giọng không có vẻ gay gắt - Nếu không có Ácnốt, bạn ông giải thích, kết luận của tôi sẽ hoàn toàn khác, sẽ rất nghiêm trọng. Còn bây giờ thì tôi sẽ phải làm một việc xưa nay chưa bao giờ làm. Tôi đã cho gọi những người đồng nghiệp của tôi đến. Họ đã bị ông cho một bài học rất khó chịu tối hôm qua. Lát nữa, họ sẽ nghe bạn ông trình bày cặn kẽ về ông. Sau đó chính họ sẽ tự quyết định xem ông bị hình phạt thế nào, phạt hay không phạt. Ông phải tìm hiểu nhiều hơn nữa về xã hội loài người. Những cái mà ông cho là kỳ quặc, vô lý, thừa thãi lâu nay, ông phải chấp nhận. Ông phải tôn trọng nó, mặc dù tự ông chưa giải thích được vì sao lại cần có nó. Những quy định của xã hội được đặt ra là cho số đông, chứ không phải đặt ra theo ý thích của một vài người. Còn các vị cảnh sát mà ông tấn công hôm qua là những người đang thi hành nhiệm vụ của mình. Họ duy trì những quy định của số đông, như tôi đã nói. Tất nhiên họ cũng như tôi, không thể biết được hết những trường hợp cụ thể. Ngày ngày họ phải đưa tính mạng của mình ra để bảo vệ tính mạng và tài sản của người khác. Họ bảo vệ tính mạng cho cả chính ông nữa. Họ là những người đàn ông can đảm. Họ cảm thấy xấu hổ khi đã bị ông, một người đơn thương độc mã, nói cho đúng thì... một người ngoại quốc, tay không vũ khí quật ngã. Ông đừng gây khó khăn cho họ và phải biết ơn sự tha thứ của họ. Nếu tôi không nhầm thì ông là một người rất dũng cảm. Những người như vậy vao giờ cũng cao thượng và độ lượng.
Lời dặn dò của viên thanh tra bị cắt đứt vì có bốn viên cảnh sát bước vào. Vừa trông thấy Tácdăng, cả bốn người đều giật mình.
- Thưa các quý ngài! - Viên thanh tra nói - Đây là trang công tử đã gậy sự với các ngài đêm qua ở phố Maule. Ông ta đã đến để tự thú. Vì là một trường hợp đặc biệt, nên bây giờ các ngài hãy nghe trung úy Ácnốt kể đôi chút về tiêu sử của ông ta. Điều đó sẽ sáng tỏ hành động của ông ta. Nào, mời trung úy!
Trung úy Ácnốt kể đến nửa tiếng đồng hồ. Anh kể về cuộc sống của Tácdăng trong rừng sâu, người đã từng cứu anh và dạy anh cách tự vệ trước các loài dã thú. Trong suốt tuổi thơ và tuổi trưởng thành, Tácdăng đã phải sống theo quy luật cạnh tranh của các loài động vật. Vì vậy toàn bộ những phản ứng của Tácdăng mang tính bản năng nhiều hơn là trí tuệ. Tất nhiên Tácdăng không thể hiểu được cảnh sát nghĩ gì trong đầu khi định trói chàng. Trong quan niệm của chàng, cảnh sát cũng không khác gì những đich thủ của chàng trong rừng già châu Phi.
- Các ngài đã bị thua - Cuối cùng Ácnốt đi tới kết luận - Uy tín của các ngài bị sứt mẻ. Nhưng không nên xấu hổ vì điều đó. "Tránh voi chẳng xâu mặt nào", có gì phải xấu hổ khi thua trong một trận chiến đấu với một con báo hay một con hổ?
Bốn viên cảnh sát đứng nghe không nhúc nhích. Thỉnh thoảng họ nhìn Tácdăng với cặp mắt tò mò rồi lại liếc sang viên thanh tra.
- Tôi rất lấy làm tiếc vì đã vi phạm pháp luật! - Tácdăng nói rất ngắn, nhưng giọng rất chân thành - Mong rằng chúng ta là bạn của nhau!
Thế là toàn bộ câu chuyện đã được khép lại. Từ đó, nhân vật Tácdăng được bàn tán không ngớt trong các đồn cảnh sát ở Pari. Bốn vị cảnh sát còn cảm thấy hãnh diện vì đã từng chiến đấu với Tácdăng.
*
Từ đồn cảnh sát về nhà, trung úy Ácnốt nhận được thư của một người bạn từ nước Anh - thư của Xêxin Clâytơn. Ácnốt và Clâytơn đã trở thành bạn bè trong những ngày tìm kiếm dấu vết của Gian Potơrôva trong rừng sâu.
- Hai tháng nữa họ sẽ tổ chức cưới ở Luân Đôn - Ácnốt nói, sau khi đọc xong lá thư. Tất nhiên anh không giải thích cho Tácdăng cặp kết hôn đó là ai. Tácdăng nín lặng, không nói một lời. Từ lúc đó cho tới tận chiều tối, chàng thẫn thờ như kẻ mất hồn.
Biết tâm trạng của bạn mình, Ácnốt kéo Tácdăng đi xem ôpêra. Ngồi trong nhà hát, mặc dù nhìn lên sân khấu, nhưng suốt cả buổi diễn Tácdăng không biết người ta diễn trò gì. Hình ảnh cô gái Mỹ xinh đẹp mà chàng cứu sống cứ hiện ra trong đầu. Vẫn còn văng vẳng đâu đây cái giọng con gái ngọt ngào và buồn bã: "... em cũng yêu anh". Cô đã thú nhận là cô yêu chàng, vậy mà bây giờ cô lại lấy người khác. Những kỷ niệm buồn bã xô đuổi nhau trong đầu Tácdăng. Tácdăng khẽ lắc đầu, cố xua đuổi những ý nghĩ nặng nề đang ám ảnh lòng mình. Chợt Tácdăng có cảm giác là một người nào đó đang nhìn mình. Chàng quay đầu lại và bắt gặp đôi mắt đẹp mê hồn của nữ bá tước Ônga Đơ Côngđơ. Chàng khẽ cúi đầu chào và nhận ra lời mời của nữ bá tước. Cô gái muốn chàng đến chỗ mình. Tranh thủ thời gian giải lao giữa buổi diễn, Tácdăng len đến lô ghế của nữ bá tước.
- Anh có biết là tôi mong gặp anh thế nào không? - Cô gái mở đầu câu chuyện - Tôi rất khổ tâm, anh ạ! Vì sau khi anh giúp đỡ vợ chồng tôi trên tàu, tôi vẫn chưa có dịp giải thích cho anh hiểu vì sao chúng tôi lại không có những hành động kiên quyết để ngăn chặn bàn tay tàn bạo của hai gã đàn ông đó.
- Cô nhầm rồi! - Tácdăng lắc đầu, đáp - mỗi khi nghĩ tới cô, bao giờ tôi cũng cảm thấy thanh thản và dễ chịu. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc sống. Cô đừng phiền lòng vì chuyện chưa giải thích cho tôi biết vì sao cô không tố cáo chúng. Tôi chẳng quan tâm lắm. Hay là chúng lại tiếp tục quấy nhiễu cuộc sống của cô?
- Bọn chúng chẳng bao giờ chịu chùn tay đâu! - Cô gái buồn bã trả lời - Tôi muốn dốc lòng mình ra mà kể hết cho người nào đó biết, nhưng tôi không có người nào đáng tin cậy hơn... Anh cho phép tôi làm điều đó. Có thể là điều đó còn có lợi cho cả anh. Bởi vì tôi biết rõ Nicôlai Rôcốp. Tôi biết rằng sau khi tàu cập bến, anh còn đụng độ vơí Rôcốp lần nữa. Cho nên những điều tôi thổ lộ với anh có thể giúp anh chống đỡ được những mưu đồ đen tối của hắn. Nhưng tôi không thể nói hết với anh ở đây. Chiều mai, lúc 5 giờ, tôi ở nhà.
- Vậy thì tôi sẽ tới thăm cô vào lúc 5 giờ - Tácdăng đáp và nghiêng mình từ biệt nữ bá tước kiều diễm.
Nhưng thật buồn cho nữ bá tước. Trong khi hai người nói chuyện, Rôcốp và Páplôvích đứng nấp ngay ở dưới lô ghế của họ. Hai tên du côn lắng nghe câu chuyện rồi nhìn nhau cười đắc ý.
*
Bốn rưỡi chiều hôm sau, cổng nhà nữ bá tước có người giật chuông. Đó là một người đàn ông mặt mũi râu ria, thân hình rám nắng. Khi bước ra mở cổng, người đầy tớ đứng sững lại, nhíu lông mày vì bộ dạng khả nghi của khách. Thoạt đầu anh ta đinh quay vào, không mở. Nhưng sau mấy lời trao đổi ngắn ngủi, người đàn ông liền thả vào tay người hầu cái gì đó. Người hầu liên mở cổng rồi dẫn khách đi vào theo một hành lang kín đáo. Hành lang nối liền với một ban công - nơi nữ bá tước thường hay ngồi uống chè thơm vào buổi chiều.
Nửa tiếng sau, Tácdăng cũng tới giật chuông. Chàng lập tức được dẫn vào phòng khách. Chỉ một vài giây sau, bà chủ trẻ tuổi xinh đẹp đã bước vào, mỉm cười, đưa tay đón khách.
- Tôi rất mừng vì anh đã đến! - Nữ bá tước nói một cách chân thành.
- Tôi rất sẵn thời gian và chẳng ai ngăn cản hết, thưa nữ bá tước! - Tácdăng trả lời.
Thoạt đầu, hai người trẻ tuổi đó nói chuyện về nghệ thuật Ôpêra và những sự kiện xảy ra ở Pari mà cả hai cùng biết. Cả hai rất vui, vì sau sự quen biết ngắn ngủi và đột ngột trên tàu khách viễn dương, không ngờ hôm nay họ lại ngồi bên nhau. Tất nhiên, niềm vui của nữ bá tước không thể kéo dài. Cuối cùng, câu chuyện của hai người cũng phải hướng vào đề tài mà cả hai cùng quan tâm.
- Chắc rằng anh rất ngạc nhiên vì sao Rôcốp cứ lẵng nhẵng bám theo chúng tôi đến thế. Thật ra, chuyện đó rất đơn giản. Chồng tôi đang làm việc cho Bộ Chiến tranh. Trong tay ông ấy có rất nhiều tư liệu mà các nước thèm khát. Đó là những tài liệu có ý nghĩa bí mật quốc gia. Tình báo các nước có thể vì chúng mà xắn tay vào việc thủ tiêu chồng tôi. Chẳng hạn, ngay lúc này đây, chồng tôi đang có một tài liệu quý. Tài liệu đó có thể đem lại cho một người Nga nào đó cả một gia tài đồ sộ nếu như chồng tôi không công bố và báo cho chính phủ Pháp. Chính Rôcốp và Páplôvích là hai gián điệp của Nga hoàng. Hai tên này biết rõ giá trị của tài liệu nên đang tìm mọi cách chiếm đoạt. Chuyện xảy ra trên tàu khách viễn dương, hay chính xác hơn là xung đột ở sòng bạc hôm ấy không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu, anh ạ. Chúng muốn đe dọa chồng tôi, buộc chồng tôi phải đưa cho chúng. Nếu như chúng thành công trong việc bôi nhọ danh dự chồng tôi khi chơi bài, uy tín, địa vị của ông ấy sẽ bị hạ thấp, thậm chí ông ấy có thể bị thải hồi khỏi Bộ Chiến tranh. Mà nếu như vậy, chồng tôi còn dám ngẩng đầu nhìn ai nữa! Nếu không có anh làm chứng, minh oan cho chồng tôi, có lẽ chồng tôi sẽ phải trao cho chúng tài liệu đó, để chúng im miệng, không tố cáo anh ấy trước dư luận. Kết cục là anh đã phá tan mưu đồ của chúng. Vì vậy chúng lại vạch ra một kế hoạch mới. Màn kịch bày đặt ra trong đêm hôm ấy là nhằm đánh vào danh dự của tôi. Khi Páplôvích lọt vào buồng ngủ của tôi, hắn đã ngã giá với tôi. Hắn nói rằng, nếu tôi tìm cách lấy được tài liệu đó, đưa cho chúng, chúng sẽ để cho vợ chồng tôi được sống yên ổn. Ngược lại, nếu tôi không trao tài liệu, Rôcốp sẽ dẫn viên thuyền trưởng tới, cho ông ta thấy cảnh tôi với một người đàn ông không quen biết trong buồng. Sau đó chúng sẽ rêu rao chuyện đó khắp trên tàu và khi trời hửng sáng chúng sẽ đến kể cho mấy nhà báo đang rỗi bút và thèm khát những chuyện giật gân.
Nhưng hắn không thể đe dọa nổi tôi, mà ngược lại. Bởi vì tôi biết những chuyện tày đình của hắn. Nếu tôi báo cho cảnh sát Pêtécbua biết, hắn sẽ bị treo cổ. Thế là hắn lao vào tôi như một thằng điên. Nếu anh không xông vào, có lẽ tôi đã bị hắn giết.
- Đồ súc vật! - Tácdăng lẩm bẩm.
- Chúng còn tồi tệ hơn súc vật, bạn ơi! - Cô gái nói - Chúng là những con quỷ đội lốt người. Tôi lo cho anh, bởi vì chúng căm thù anh. Mong rằng đừng bao giờ anh mất cảnh giác. Hãy hứa với tôi đi, bạn! Hứa rằng, lúc nào bạn cũng thận trọng đề phòng! Tôi không bao giờ tha thứ cho anh nếu như anh gặp chuyện không lành, mà chung quy chỉ vì lòng tốt với tôi trên con tàu ngày ấy!
- Tôi sợ gì chúng! - Tácdăng trả lời - Tôi đã gặp những kẻ thù còn ghê gớm hơn Rôcốp và Páplôvích nhiều.
Nghe qua câu chuyện, Tácdăng đoán rằng Ônga không hề biết chuyện đã xảy ra trên đường phố Maule. Tácdăng định kể, nhưng lại mím môi, im lặng. Chàng không muốn khơi lên trong lòng cô gái xinh đẹp và tội nghiệp này những lo lắng không cần thiết.
- Vì sao cô không tố cáo hai tên khốn nạn đó cho chính quyền trừng trị? Tòa án sẽ khởi tố ngay thôi.
Cô gái do dự hồi lâu rồi mới trả lời.
- Tôi bị hai điều ràng buộc - Cô gái buồn bã lên tiếng - Lý do thứ nhất liên quan tới số phận chồng tôi. Lý do thứ hai... Đây mới là lý do chủ yếu. Tôi rất sợ tố cáo chúng. Điều này chỉ có tôi và Rôcốp biết với nhau mà thôi. Lạ thật! Tôi không hiểu... - Đột nhiên cô gái nín lặng rồi nhìn vị khách của mình hồi lâu bằng cái nhìn nghi ngại.
- Cô không hiểu điều gì? - Tácdăng cười, có vẻ nóng ruột vì tò mò.
- Tôi không hiểu nổi chính mình. Tôi không hiểu vì sao tôi lại muốn thổ lộ một câu chuyện rất riêng tư, bí mật. Một câu chuyện mà lâu nay tôi không đủ can đảm để giãi bày với cả chồng mình. Mong rằng anh sẽ hiểu tôi và cho tôi một lời khuyên tôi cần phải làm gì. Có lẽ anh không lên án tôi quá nghiêm khắc!
- Tôi nghĩ rằng mìn là một vị quan tòa rất vụng, madam ạ! - Tácdăng mỉm cười - Nếu như cô nói rằng cô đã trót giết chết một trong hai đứa ấy, tôi sẽ nói rằng đó là việc làm rất tốt. Hắn không tránh được một số phận khác đâu.
- Lạy Chúa tôi! Không có chuyện đó! - Nữ bá tước kêu lên sợ hãi - Không thể có chuyện kinh khủng đó. Trước hết tôi muốn tiết lộ nguyên nhân vì sao chồng tôi không thể cự tuyệt hai kẻ đó. Nhưng chính tôi cũng không đủ can đảm tố cáo chúng. Anh biết cho! Rôcốp chính là... em trai tôi! - Ônga đơ Côngđơ thở dài. Cô trả lời như người vừa trút xong gánh nặng - Tôi là người Nga. Nicôlai từ trước đã là một gã trai đốn mạt. Nó đã từng là đại úy trong quân đội Nga hoàng. Nó phạm tội và bị thải hồi. Sau một thời gian, người ta như quên mất tội lỗi của nó. Cha tôi lại xoay xở cho nó một chỗ làm trong cơ quan mật vụ. Nó lại tiếp tục can án không biết bao nhiêu lần. Nhưng lần nào nó cũng thoát. Bởi vì lần nào nó cũng chứng minh rằng nạn nhân của nó là kẻ phản bội Sa hoàng. Nói như vậy thì cảnh sát Nga sẵn lòng tin theo. Nó tự do hoành hành, làm hại bất kỳ người nào, tùy ý. Lần nào cảnh sát cũng xác nhận lời khai của nó và thả nó ra.
- Chẳng lẽ sau bao nhiêu tội ác mà hắn gây ra với cô, chồng cô vẫn nhìn hắn như một người thân? - Tácdăng hỏi - Tại sao lúc nào hắn cũng tìm cách bôi nhọ danh dự chị gái, mà cô vẫn bỏ qua?
- Vâng, đúng là tôi phải tha thứ. Ở đây vẫn còn một lý do khác nữa. Mặc dù tôi không còn chịu trách nhiệm gì với nó, nhưng tôi vẫn bị ràng buộc, vì... nó biết rõ một chuyện nghiêm trọng trong cuộc sống riêng tư của tôi. Từ bé tôi đã được dạy dỗ trong tu viện. Nhưng chính ở đó, sau này tôi đã làm thân với một người đàn ông. Tôi thường nhìn người đàn ông đó như nhìn một người lịch sự, đứng đắn, hào hoa. Về đàn ông tôi hiểu rất ít. Đối với tình yêu tôi còn hiểu ít hơn. Tôi đã đinh ninh rằng tôi yêu người ấy và người ấy cũng yêu tôi. Vì vậy, nghe theo tiếng gọi giục giã của tình yêu, tôi đã cùng người ấy trốn khỏi tu viện. Tôi đã sống trong những ngày hạnh phúc với người ấy ở một nhà ga và trên xe lửa. Chúng tôi tới một thành phố và chuẩn bị vào nhà thờ xin làm lễ cưới. Nhưng lập tức có hai sĩ quan cảnh sát tới bắt giữ chúng tôi. Vừa nghe tôi giải thích vì sao tôi trốn, họ đã cởi trói cho tôi. Nhưng họ lại trả tôi về tu viện, dưới sự giám sát của một bà xơ quản giáo. Người đàn ông mà tôi yêu ấy hóa ra không phải là một thần tượng mày râu mà là một gã đào ngũ. Hắn đang bị truy nã. Tên hắn có trong sổ đen của cảnh sát hầu hết các nước châu Âu. Nhờ tu viện can thiệp, toàn bộ câu chuyện của tôi được giữ kín. Cả cha mẹ tôi cũng không biết. Nhưng sau này Nicôlai đã gặp tên lừa bịp đó và được nghe hết câu chuyện. Bây giờ nó vẫn dọa là sẽ kể cho chồng tôi biết, nếu như tôi không chịu làm theo lời nó.
- Hóa ra madam vẫn còn là một cô bé con - Tácdăng cười - Những điều mà cô kể cho tôi không mảy may đụng chạm tới danh dự của cô. Khi cô đã có một trái tim chân thành, rộng mở thì... chính cô cũng biết, cô bao giờ cũng là một người trong trắng và trung thực. Đêm nay khi chồng cô về, cô hãy kể tất cả, giống như cô vừa kể với tôi. Tôi đoán rằng ông ấy sẽ phì cười vì nỗi lo sợ thừa thãi, vô lý lâu nay của vợ mình. Và rồi ông ấy sẽ ra tay hành động để ông em quý hóa của cô tìm được chỗ ở thích hơp - nhà tù.
- Ước gì tôi lấy được lòng can đảm trước chồng tôi! - Cô gái thở dài - lúc nào tôi cũng sợ. Từ bé, người ta đã làm cho tôi sợ đàn ông. Thoạt đầu tôi sợ cha tôi, sau đó sợ Nicôlai, cuối cùng là sợ các thầy tu trong trường. Gần như tất cả các bạn gái của tôi đều sợ đàn ông. Thế thì hỏi rằng làm sao tôi lại không sợ?
- Tôi cảm thấy rất vô lý khi đàn bà lại sợ đàn ông - Tácdăng lên tiếng phản tối. Tuy nhiên giọng chàng không được tự tin cho lắm - Tôi hiểu đời sống trong rừng già hơn cuộc sống con người. Quả là ở trong rừng con đực thường bắt nạt con cái. Nhưng còn ở đây? Tôi không hiểu vì sao những người đàn bà văn minh lại đi sợ đàn ông - những người được sinh ra là để bảo vệ đàn bà. Tôi không thích có người đàn bà nào đó lại sợ tôi.
- Tôi nghĩ rằng chẳng có người đàn bà nào trên đời này sợ bạn đâu, bạn ạ! - Ônga Đơ Côngđơ thốt lên và nhìn Tácdăng một cách trìu mến - Tôi biết về anh ít thôi. Anh cũng có vẻ kì dị thế nào ấy. Nhưng anh chính là người đàn ông không bao giờ làm tôi sợ. Bởi vì anh... tràn trề sức mạnh. Tôi rất kinh ngạc, không hiểu vì sao anh lại chiến thắng Rôcốp và Páplô vích dễ dàng đến thế. Thật là... cao cả.
Khi tạm biệt ra về, Tácdăng ngạc nhiên nhìn nữ bá tước. Cô gái xinh đẹp này bắt chàng ngay hôm sau phải đến. Thậm chí cô còn bắt chàng hứa rằng sẽ đến vào sáng sớm.
Đôi mắt sáng, sâu thẳm của cô gái nhìn theo như đưa tiễn Tácdăng đến hết cả chặng đường về. Đôi mắt ấy cứ sáng mãi trong lòng chàng cho tới tận nửa đêm. Nào có gì khó hiểu! Ônga Đơ Côngđơ là một người phụ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp, đang khao khát hạnh phúc. Còn Tácdăng là một chàng trai cô độc, đang trong tâm trạng bị bỏ rơi. Chàng rất khỏe nhưng trái tim thì lại bị tổn thương, đang cần chạy chữa. Trái tim đau khổ ấy chỉ có thể chữa bằng vẻ đẹp và sự dịu dàng của người phụ nữ mà thôi.
*
Nữ bá tước tiễn khách xong, vừa quay về phòng đã đối mặt ngay với đứa em ruột của mình. Rôcốp đã đứng trong phòng từ lúc nào không rõ.
- Mày ở đây lâu chưa? - Cô gái quát to rồi quay lưng lại, không thèm nhìn mặt.
- Từ lúc gã cầu hôn của bà bước vào. - Rôcốp nói cười nhăn nhở.
- Im mồm! - Cô gái giận dữ quát lên - Mày không được phép nói như vậy với chị gái của mày.
- Được thôi, bà chị yêu quý! Nếu đến giờ này hắn chưa phải là tình nhân của chị, tôi xin lỗi. Tất nhiên đó không phải là lỗi của bà. Nếu như hắn cũng chỉ biết đàn bà một tí tẹo như tôi thì đúng là một thằng ngu. Ônga! Vì sao bà rộng lòng cho hắn nhiều cơ hội tán tỉnh bà như vậy? Mà hắn thì không biết gì.
Người thiếu phụ bịt tai lại.
- Tao không nghe nữa! Nói như vậy thì mày đúng là một kẻ độc ác. Mày cứ đe dọa nữa đi, tùy thích! Trước sau tao vẫn là một người đàn bà trong sạch. Đêm nay mày sẽ không còn cơ hội nào tống tiền tao nữan. Bởi vì tao sẽ kể hết mọi chuyện với Raun. Anh ấy sẽ thông cảm mọi chuyện và rồi... Liệu hồn đấy, Nicôlai!
- Bà sẽ chẳng nói gì hết! - Rôcốp trả lời - mọi chuyện đã rõ như ban ngày. Nhờ một kẻ hầu phòng của bà, tôi đã có những bằng chứng cần thiết. Sắp đến lúc rồi. Câu chuyện chạy trốn khỏi tu viện đã có giá trị rồi. Tôi đã có trong tay tất cả những con át của cỗ bài. Chuyện tày đình trong tu viện như vậy, mà vẫn được chồng yêu! Thật không biết xấu hổ. Che cái mặt đị, Ônga! - Rôcốp cười nhếch mép.
Đúng như Rôcốp dự đoán. Nữ bá tước đã không nói với chồng mảy may điều gì. Sức khỏe của cô mỗi ngày một kém. Nỗi sợ hãi mơ hồ đã biến thành mối lo thực sự. Mối lo ấy mỗi ngày một lớn vì sự dằn vặt lương tâm.