ề đến nhà, hai chúng tôi thấy thanh tra Japp đang chờ. Ông ta nói: - Trước khi đi ngủ, tôi muốn đến trò chuyện giải sầu với hai ông. Poirot hỏi: - Công việc tiến triển tốt chứ? - Không tốt lắm. Ông có thể soi bằng chất xám của ông giúp tôi được không, ông Poirot? - Soi vào chỗ nào? - Vào chỗ tại sao cùng một người đàn bà lại có mặt ở hai chỗ vào cùng một lúc? - Chà... Thì chính tôi đang muốn hỏi ông về điều đó. Ông biết cô Carlotta Adams chứ? - Tôi có nghe người ta nói với tôi về cô diễn viên ấy, chỉ có tôi không nhớ nghe ở đâu. Poirot kể những thông tin cần thiết về cô danh hài và những điều anh đã rút ra kết luận. Thanh tra Japp nói: - Nếu vậy thì đúng là cô ấy rồi: cách ăn mặc, cái mũ, đôi găng tay... bộ tóc giả màu vàng óng nữa. Poirot, đúng là không ai bằng ông. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng ông hơi quá đà. Không có gì chứng tỏ rằng cô Carlotta bị giết. Cô ấy có dính vào vụ án mạng thì rõ rồi. Nhưng tôi lại phát hiện những cách lý giải khác đối với hành động của cô ấy. Carlotta Adams đến gặp Huân tước Edgware vì những động cơ riêng của cô ấy... rất có thể để tống tiền, vì lúc nói chuyện với bạn gái, cô ấy có ý nói đến một khoản tiền lớn sắp được hưởng. Thế rồi giữa cô ấy và ông Huân tước nổ ra cãi lộn. Cô ấy liền giết ông ta. về đến nhà, hoảng hốt vì đã giết người trong lúc nóng nẩy, cô ấy vội uống một liều an thần lớn... Veronal. - Ông cho kết luận như thế là đủ? - Tất nhiên còn những chi tiết mà chúng ta chưa biết. Dù sao, cách lý giải đó nghe xuôi tai. Tôi còn cho rằng việc cải trang và việc giết người là hai việc hoàn toàn khác nhau, tôi không thấy giữa hai việc ấy có mối liên quan nào. Tôi biết Poirot không tán thành, nhưng anh vẫn trả lời một cách không làm mếch lòng viên thanh tra: - Có thể. - Ông nghĩ sao về cách lý giải thứ ba: việc cải trang lúc đầu chỉ là chuyện đùa giỡn, nhưng về sau có kẻ nghe thấy bèn khai thác nó để thực hiện vụ án? Chà, cái cách lý giải này nghe cũng xuôi tai đấy chứ? Tuy nhiên tôi vẫn tán thành cách lý giải trước. Còn mối quan hệ giữa cô diễn viên trẻ này với ông Huân tước ra sao thì rồi chúng ta sẽ biết. Poirot nói về bức thư Carlotta Adams viết cho em gái bên Mỹ, thế là thanh tra Japp cho rằng bức thư đó sẽ giúp rất nhiều cho cuộc điều tra. Ông ta lấy sổ ra ghi rồi tuyên bố: - Tôi sẽ lo chuyện này - Rồi ông ta nói thêm - Càng suy nghĩ, tôi càng thiên về phía hung thủ chính là cô diễn viên trẻ ấy. Còn về phần anh chàng đại úy Marsh, người nay là Huân tước Edgware mới, thì anh ta có chứng cứ ngoại phạm. Được hai vợ chồng gốc Do Thái và rất giầu Dortheimer mời, anh ta đã ngồi xem suốt buổi tối hôm ấy ở nhà hát nhạc kịch. Tôi đã cho thẩm tra. Trước lúc vào nhà hát, Ronald đã ăn nhà hàng với hai vợ chồng họ và sau khi tan hát, anh ta cũng lại ăn tối với họ, tại khách sạn Sobranis. Đúng như thế. - Còn tiểu thư Geraldine? - Ông muốn nói đến con gái ngài Huân tước chứ gì? Cũng vắng nhà vào thời gian xảy ra vụ án. Cô ấy đến ăn bữa trưa với những người được gọi là Carthew West, rồi họ mời cô ấy đi xem hát và đưa cô ấy về nhà lúc mười hai giờ kém mười lăm. Cô thư ký của Huân tước thì tôi thấy có năng lực và trung thực, nhưng còn viên quản gia thì chưa phải đã tốt. Tôi thấy không ưa y. Trong chuyện y vào làm cho ông Huân tước, xem chừng có sự lươn lẹo nào đấy. Tôi đã nghiên cứu thẩm tra về y nhưng cho đến nay chưa tìm thấy động cơ nào của y để giết ông chủ. Poirot hỏi: - Ông không phát hiện thêm điều gì mới nữa à? - Có, nhưng rất khó xác định mức độ quan trọng của chúng. Thứ nhất là mất chiếc chìa khóa của Huân tước Edgware. - Chìa khóa cửa? - Đúng thế. - Chà, đáng lưu ý đấy. - Như tôi vừa nói, việc mất ấy quan trọng lắm hay không quan trọng chút nào? Thứ hai: ông Huân tước hôm qua đã rút tiền ở nhà băng, một khoản tiền khá lớn, khoảng một trăm bảng. Để tiêu trong chuyến sang Pháp sắp tới nên ông ấy rút ra bằng tiền phrăng. Số tiền này cũng biến đâu mất. - Ai nói với ông? - Cô thư ký Carroll. Cô ấy đã cắt séc nhưng số tiền thì không còn. - Thế tối hôm qua số tiền ấy nằm ở đâu? - Cô thư ký không biết. Cô ấy đã đưa ông Huân tước vào lúc chiều, lúc ông ấy đang ngồi làm việc trong phòng giấy. Ông ấy nhận chiếc phong bì của nhà băng đưa rồi đặt ngay trên bàn ngay cạnh. Poirot nhận xét: - Chà lại thêm chuyện rắc rối này nữa. - Hay chuyện làm đơn giản thêm sự việc? A, còn thương tích... - Thì sao? - Bác sĩ không tin hung thủ dùng dao díp thông thường mà dùng một thứ lưỡi dao rất mỏng và sắc được đánh riêng. Poirot có vẻ mơ màng. Thanh tra Japp nói tiếp: - Anh cháu mà hiện nay thừa kế danh vị Huân tước, luôn đùa cợt, tôi thấy anh ta không nghiêm túc chút nào. Anh ta tỏ ra thích thú khi bị nghi là hung thủ. Ông thấy quái đản không chứ? - Đúng là quái đản. - Cái chết của ông chú đúng là thứ Trời ban cho anh ta. Bỗng nhiên bây giờ anh ta là chủ nhân của tòa biệt thự sang trọng kia. - Trước đấy anh ta ở đâu? - Phố Martin, một phố nhỏ đâm ra đại lộ Saint George, trong một khu phố tồi tệ. - Anh ghi vào sổ hộ tôi, Hastings. Tôi mở sổ tay ra ghi, không biết Poirot sẽ dùng nó làm gì. Bởi bây giờ Ronald Marsh đã dọn về sống ở tòa biệt thự của ông chú trên đại lộ Regent Gate, còn cần gì phải ghi địa chỉ anh ta lúc trước. Thanh tra Japp đứng lên. - Tôi cho cô Carlotta Adams chính là hung thủ. Xin khen ngợi ông đã tìm ra được điều ấy, ông Poirot. Rất tiếc là tôi chưa tìm ra được động cơ nào đã khiến cô ta gây án. - Tôi biết một người có động cơ rất hợp lý mà ông chưa quan tâm đến. - Ai? - Nhà quý tộc mà theo dư luận thì sắp kết hôn với vợ góa của Huân tước Edgware. Hoặc gọi theo cách khác, là Công tước Merton. Thanh tra Japp cười: - Tất nhiên ông Công tước có động cơ, nhưng một người danh vị cao như thế không đời nào hạ mình để biến thành kẻ sát nhân, vả lại ông ta vẫn đang ở Paris. - Có nghĩa ông không cho Công tước là một nghi phạm đáng quan tâm? - Hay ông cho là thế? Rồi viên thanh tra vừa cười phá lên vừa đi ra.