Chương 1

    
ôi đã dùng cả buổi sáng để thuyết phục Phương Thảo:
- Hãy nghe anh nói đây Phương Thảo. Chịu khó nghe anh nói đi. Em phải biết đây là một dịp vui, có thể là vui nhất của đời anh. Bao nhiêu năm học tập khổ cực, nhiều hôm thức đến hai ba giờ khuya như em đã thấy. Bây giờ anh tốt nghiệp. Như xong một món nợ nặng trình trịch. Anh cảm thấy nhẹ hẫng như cái bong bóng bơm hơi đá. Đầu óc thì rỗng không như hộp thuốc cũ. Không vui như mình tưởng tượng mấy năm về trước, nhưng quả thật là thoải mái dễ chịu vô cùng. Khỏi vướng bận cái gì nữa.
 

Phương Thảo chỉ yên lặng ngồi nghe. Nàng tiếp tục đan áo, như không để tâm nhiều đến lời tôi nói. Nhưng lúc tôi nói đến đấy, nàng ngửng lên, mắt vẫn còn vẻ hờ hững nhưng khóe môi cười thật ranh mãnh. Phương Thảo hỏi:
- Cả em nữa, cũng là một thứ vướng bận cho anh phải không? Anh đi một mình đi. Ði một mình cho thoải mái dễ chịu.
Nàng nhấn mạnh bốn chữ Thoải Mái Dễ Chịu để mỉa mai tôi. Tôi cười, tự nhiên trong lòng hớn hở, hăng hái thêm lên. Cô bé hôm nay ghim gút từng tí một. Đó là một điểm đáng mừng. Buồn hay vui, giận hờn, niềm nở, thứ gì cũng được, miễn là Phương Thảo bình tỉnh ghi nhận tất cả các diễn tiến chung quanh, phản ứng thích hợp, nối kết được các sự kiện, rút tỉa được những suy luận bình thường. Tôi chỉ ước ao có thế.
Năm ngoái, lúc tình thế đã tuyệt vọng, mơ ước của tôi còn nhỏ nhoi gấp mấy. Tôi đã mừng rở chỉ vì thấy Phương Thảo rùn vai, và biết xoa hai tay vào nhau khi gió bấc thổi thốc qua cửa sổ, đem cái lạnh tê cóng của đất trời vào khuôn nhà nhỏ. Mừng, chỉ vì nàng còn có xúc cảm, phản xạ tự nhiên. Sau đó, tình trạng sức khỏe khá hơn, tôi giả vờ trợn mắt cố không nháy thật lâu, đầu bỏ ngoẻo sang một bên trên cái cổ mềm lả, Phương Thảo biết nhíu mày khó chịu quay đi.
Nàng còn biết bực bội, nghĩa là biết phân biệt được cải thích thủ và cái dễ chịu. Cũng đáng mừng nữa.
Từ bấy đến nay, Phương Thảo đã biến đổi không ngờ. Ðôi lúc để giấu bớt niềm kiêu hãnh, tôi bảo đó là một phép lạ. Nhưng bạn bè của tôi, thầy học của tôi không tin vậy. Họ đọc kỹ luận án, bàn bạc phân tích, và cảm phục một công trình nghiên cứu khoa học hết sức rành mạch công phu của tôi. Họ cho tôi giả dối, muốn bọc niềm tự mãn bằng cái vỏ mỏng khiêm tốn. Mà quả thật tôi bớt tin ở phép lạ và gia tăng niềm tự tin. Nếu có phép lạ chăng, đó là sự kỳ diệu của tình yêu, động lực thúc đẩy tôi chọn ngành học gai góc bơ vơ nhất trong y khoa là ngành thần kinh. Tôi muốn chính tôi góp phần vào việc tái tạo vóc dáng tuyệt mỹ của một người, chính tôi người phù thủy linh hồn, chàng hoàng tử đến đánh thức nàng công chúa ngủ mê giữa khu rừng hoang sơ, choàng cho nàng một vòng hoa, nhìn đôi mắt nàng nhấp nháy cho quen ánh sáng trước khi cúi trao cho nàng nụ hôn đầu đời. Chính tôi đem đến sự sống và dĩ nhiên xứng đáng hơn ai hết để chiếm hữu nguồn sống đang bắt đầu mơn mởn ấy. Tôi hãnh diện. Tôi khoe với mọi người Phương Thảo của tôi, ngọn cỏ thơm ngát hương của tôi. Phải rủ cho được Phương Thảo. Có Phương Thảo thì buổi tiệc đêm nay, với tôi, mới có ý nghĩa. Tôi dọa:
- Thôi, Phương Thảo không đi thì anh cũng không đi.
Phương Thảo quay lại, vẻ hoảng hốt thành thực. Nàng bỏ đôi que đan xuống, nhìn tôi dò hỏi. Tôi nhắc lại:
- Anh nói thật mà. Em không đi, anh nhất định không đi. Nằm nhà xem báo mà lại khỏe.
Bây giờ chính Phương Thảo lại bối rối:
- Anh không đi sao được. Anh là trưởng ban tổ chức. Lại lãnh phần đọc lời cảm tạ các thầy nữa.
- Mặc kệ. Thế lỡ anh bị bệnh bất thình lình thì sao? Đương nhiên sẽ có đứa thay thế anh. Mọi công việc, rồi đâu lại hoàn đó.
- Bấy giờ lại khác. Anh đau, thì phải báo cho họ biết trước đề họ lo. Nhưng anh có đau gì đâu?
- Sao không? Anh bị tê liệt. Anh bị bán thân bất toại.
Rồi để đùa cho vui, tôi giả vờ méo miệng, lé mắt, gắng giữ yên cho tay trái và chân trái bất động trong cái thế lơ lửng khôi hài nhất. Tôi nói ngọng nghịu vì phải giữ đôi môi lệch:
- Một nửa bên trái của anh hết cử động được rồi.
Phương Thảo vừa thích thú vừa tò mò vì chưa hiểu tôi định biểu diễn trò gì. Nàng hỏi:
- Tại sao lại bán thân bất toại hở ông bệnh nhân?
- Tại vì một nửa thân thể tôi, một nửa linh hồn tôi, một nửa cuộc đời tôi nhất định ở nhà, không chịu đi dự tiệc với tôi tối nay.
Phương Thảo phá lên cười. Nàng bằng lòng. Dẹp que đan vào tủ, ủi lại cái áo dài gấm mầu đỏ điểm hoa trắng trang nhã, chùi lại đôi giầy da gót tám phân mũi nhọn có đính một đóa hoa đen phía trước, xem lại cái hộp thiếc lỉnh kỉnh ống son môi, viết chì kẻ mắt, thỏi phấn nụ... ôi thôi không biết bao nhiêu cái rắc rối phiền phức đáng yêu đáng nể trong đời sống đàn bà. Nhưng tôi vui quá, kiên nhẫn ngồi xem Phương Thảo cẩn thận ủi thẳng từng nếp quần nếp áo. Mọi sự xong xuôi xem lại đồng hồ thi đã bảy giờ ba mươi tối rồi. Tôi giục:
- Em xuống xin phép me nhanh lên rồi còn đi. Từ đây đền đó xa lắm. Sợ trễ mất.
Mà trễ thật. Chúng tôi đến Thuận Ký tửu lầu lúc 8 giờ 15. Trễ mất mười lăm phút. Tôi dẫn Phương Thảo lên lầu thượng, tầng dành riêng cho tiệc mãn khóa của chúng tôi. Cầu thang quanh co uốn khúc. Không có ai lên xuống. Có lẽ tụi nó đã đến đông đủ. Cả các thầy cũng thế, nên mới vắng hoe thế này. Tôi nắm tay Phương Thảo, cố bước thật nhanh xem sự thể ra sao. Phương Thảo ngoan ngoãn theo tôi, nét mặt nghiêm, nhưng không tỏ vẻ phật ý. Tôi bước hai bậc cấp một lúc. Phương Thảo bắt chước để theo kịp tôi, nhưng vì bước hụt nên suýt ngã. Tôi nắm tay nàng đỡ lên. Phương Thảo xụ mặt. Nàng giận thật sự rồi. Tôi hối hận, lấy giọng nhỏ nhẹ an ủi nàng như thường lệ:
- Xin lỗi Thảo nhá. Anh sợ trễ. Mà đằng nào cũng trễ rồi. Chúng ta nên bình tĩnh lên cầu thang chầm chậm, kẻo té.
Nàng không nói gì, chỉ yên lặng nép sát vào tôi để lên lầu. Ðến lưng chừng, ba bốn người bồi mặc áo trắng bưng mâm không chạy xuống, khiến Phương Thảo phải nép sát vào tôi hơn để tránh. Mùi nước hoa trên mái tóc Thảo tỏa ra, dìu dịu mà ngất ngây. Cùng lúc đó, cửa lầu mở và tiếng ồn ào bùng vỡ òa như một phép lạ. Tiếng ai quen quen nói với xuống, hình như là tiếng Tâm:
- Uyên đấy phải không? Trời. Cha nội trưởng ban tổ chức mà đến trễ gần nửa giờ đồng hồ.
Chúng tôi tiếp tục lên lầu. Ðến cánh cửa bọc nỉ đỏ để hờ, tôi hỏi Tâm:
- Các thầy đến chưa?
Tâm liếc nhìn về phía Phương Thảo hỏi thầm, nhưng không chờ tôi giải thích, đáp trước:
- Mày yên lòng. Chưa ai đến cả. Ngay tụi mình cũng chưa đến đủ. Xin chào chị. Tôi là Tâm.
Cái thằng ranh. Nó bắt tôi phải giới thiệu Phương Thảo rồi mới yên lòng bàn tiếp chuyện khác. Tôi quay về phía nàng:
- Bạn cùng khóa với anh đó. Còn đây là Phương Thảo, em gái tao.
Tâm ngờ ngợ điều gì, nhắc lại:
- Em gái?
Tôi vờ như không nghe thấy gì, dẫn Phương Thảo vào phòng.
Tôi hơi khó chịu vì lối trang hoàng của phòng đặt tiệc. Phòng khá rộng, nền lát gạch hoa sặc sỡ, tường mầu cà phê sữa nhạt khá thích hợp với ánh sáng mờ ảo tỏa ra từ chùm đèn bóng kiểu cổ treo chính giữa và mấy bóng đèn tròn che bằng những loa hình sò. Tám cái bàn phủ vải trắng xếp thành vòng, ở giữa nền lầu bóng loáng trang trí hình kỷ hà tân thời. Có lẽ ngày trước, tầng lầu này là một vũ trường. Trên mỗi bàn ăn, chủ nhân còn cẩn thận đặt một bình hoa lai-dênh mầu đỏ nhung. Không có gì đáng chê trách trong lối trang trí cho bàn tiệc. Nhưng cảm giác khó chịu trong tôi vẫn còn.
Có cái gì đó, tôi tìm chưa ra, không được hợp lý. Toàn thể bàn ghế, đồ đạc, cách treo đèn, cách chọn mầu gạch hoa, cách trang trí tranh ảnh, toát ra một cái gì đặc biệt tàu. Lộn xộn, trẻ con, lạm dụng mầu sắc. Gạch hoa xanh đỏ sặc sỡ, đối chọi chan chát với những dây hoa giấy treo chằng chịt ngang dọc. Ngay dưới chùm đèn, là một cái chuông giấy mầu đã phai có lẽ treo tận hồi tổ chức lễ Giáng sinh. Tiếng chuông rộn rã vinh danh thiên chúa trên trời bình an cho người dưới thế có lẽ bây giờ đã trở thành một tiếng chuông rè. Một cửa tròn hình bán nguyệt sơn đỏ, giống như khung cửa khuyết ngày trước Đường Minh Hoàng tựa nhìn các cung nga múa hát, khoét trên tấm phông bằng gỗ ép, lại đưa vào một sân khấu nhỏ vốn là nơi dành cho ban nhạc khiêu vũ. Hai bên cửa son treo hai bức tranh sơn mài loại rẻ tiền, giống y nhau. Tranh vẽ những ngọn núi cao, một dòng suối bạc ngoằn ngoèo, hai bên bờ suối, hai con nai có lẽ vừa uống xong nước nguồn đang nghểnh cổ nhìn trăng. Ngay dưới hai bức tranh có hai tượng sành tráng men cao bằng hình người. Tượng hai tiên ông không có diễm phúc trở lại Ðào nguyên như đôi nai may mắn. Tiên ông mặc áo rộng, chống gậy trúc, mắt lộ, nhưng miệng hả lớn như đang cười hỉ hả. Cách trang hoàng cân đối của tinh thần trung dung đặc biệt tàu ấy dù sao cũng cần một cái trục làm thái cực. Ðây rồi: Tấm hoành phi bằng kính với bốn chữ nho mầu đỏ chói: Dĩ Thực Vi Thiên. Thật là một pha trộn táo bạo chưa từng thấy. Mầu tường trang nhã pha trộn với đá hoa sặc sỡ xanh đỏ. Chùm đèn trần kiểu cổ kề cận bên cái chuông giấy. Nguồn suối mát, ánh trăng trong, ngọn núi cao, đôi nai ngơ ngẩn cùng với tiên ông đắc đạo hồn nhiên gợi lên một thế gian chỉ có tinh khiết và tinh khiết, lại chỉ là những bày biện phụ thuộc cho một khẩu hiệu phàm phu tục tử. Thấy tôi nhìn chăm chăm vào hai bức tranh, Tâm hỏi:
- Mày biết chữ nho không? Bốn chữ trong tranh nghĩa gì thế?
- Song lộc triều nguyên. Nghĩa là hai con nai chầu ngọn suối.
Tâm cười ha hả, diễn giải theo lối khôi hài:
- Suối gì đây? Vì tiệm này là Thuận Ký tửu gia, nên chỉ có thể là suối rượu.
Mấy cặp nai tơ ngơ ngác đưa nhau đến đây cho lão chủ mặc sức chém. Tao xem mơ-nuy, thấy ớn quá.
Tôi bảo:
- Không sao đâu. Tao đã tính toán cẩn thận với ông chủ rồi. Thông cảm sinh viên nghèo mà.
Chợt nhớ đã từ lâu Phương Thảo ké né nép sau lưng tôi, tôi bảo Tâm:
- Mày đi với ai? Không có ai cả à? Lại đây ngồi với tụi này nói chuyện cho vui.
Chúng tôi đến cái bàn góc trái. Hữu, Phúc, Hiếu đã đến trước, đang ngồi đấu hót với ba cô bạn gái. Không hiểu cô nào của đứa nào, vì cả ba người thiếu nữ ngồi chung với nhau. Lại một màn giới thiệu nữa, tôi nghe ba cô gái tên Liên, Hương và Nga, nhưng mãi lo chú ý đến Phương Thảo nên tôi không nhớ được chắc chắn cô nào tên gì. Tôi kéo ghế cho Phương thảo ngồi bên cô áo xanh tóc thề. Cô gái nói giọng bắc thật trong và nhẹ, đôi môi đẹp luôn luôn hé mở một nụ cười hòa nhã, khả ái. Chẳng mấy chốc, Phương Thảo đã tin cậy cô gái, bắt đầu góp chuyện tự nhiên. Câu chuyện đang bàn luận là có thể nào tìm một giải pháp dung hòa giữa tinh thần giản dị tự nhiên của dân tộc và tính chất thực tiễn mạnh mẽ của tây phương nơi y phục phụ nữ. Nói cho gọn hơn, các cô đang bàn luận về một mốt mới: mặc áo dài vạt ngắn tới đầu gối, và thay vì cái quần vải mịn truyền thống, lại mặc quần patte vải dày. Cô áo vàng ngồi bên cạnh Phúc bảo:
-Tất cả chỉ là thói quen. Lâu nay mình quen nhìn áo dài đi đôi với quần trắng, nên tưởng không thể có cái cách nào khác. Nhưng bây giờ họ mặc khác đi một chút. Ban đầu mình thấy chướng. Sau đó mình thấy hơi chướng. Cuối cùng mình thấy không đến nỗi nào. Minh nói với mình: hay ta mặc thử xem sao. Ðấy, cái gì cũng do thói quen hết.
Tâm chen vào câu chuyện phụ nữ:
- Phải rồi. Ngày xưa có ông vua gì đó yêu cô cung nữ gì đó. Cô này bị chột nhưng nhà vua vẫn thấy đẹp. Từ đó về sau, ông vua than rằng sao trời sinh con người ra lại khoét chi cho thừa một con mắt.
Hiếu chế giễu Tâm:
- Mày không thạo văn chương chữ nghĩa thì đừng vạch áo cho người xem lưng. Không nhớ ông vua gì yêu nàng cung nữ nào, mà cũng dẫn chứng tùm lum. Chớ quên cả ba cô này đều là sinh viên văn khoa cả đấy.
Tâm cãi trây:
- Cần gì nhớ rõ chi tiết. Biết đại khái cũng đủ rồi, cũng như tụi mình ra đời mà chỉ chuyên khoa, thì chỉ có việc ngồi mà ngáp ruồi. Phải treo một tấm biển to tướng: Bác Sĩ. Chuyên Chữa Bệnh Nội Thương, Ngoại Thương. Đàn Ông Ðàn Bà Con Nít.
Cả bàn cười lớn. Tâm thích thú vì thành công bất ngờ, quay sang hỏi Phương Thảo:
- Ðúng thế không cô Thảo?
Phương Thảo bối rối không biết trả lời thế nào. Nàng nhìn lên, thấy mọi cặp mắt đổ dồn về phía mình lại càng lúng túng hơn. Ðôi bàn tay Phương Thảo cuống quít khốn khổ, hết sửa vạt áo lại vò vò chéo khăn bàn. Mọi người vẫn giữ im lặng. Phương Thảo nhìn tôi cầu cứu. Tôi quyết định giữ im lặng, cốt trắc nghiệm lần chót thành quả của mình. Nhưng càng ngày tôi càng lo âu, vì Phương Thảo cứ nhìn đăm đăm vào Tâm một cách khác thường. Mọi người tưởng nàng sắp nói với Tâm điều gì, hoặc một lời cầu hòa, hoặc một lời trách móc. Nhưng không. Phương Thảo không nói gì cả, cứ nhìn thẳng tới trước. Ánh mắt ấy ban đầu còn mạnh như một tia sáng, càng về sau càng yếu đi, lờ đờ lạc lõng. Tôi phải tìm cách đánh thức Phương Thảo:
- Tâm nói đúng đấy Thảo. Dân mình nghèo, ăn uống thiếu thốn nên mang đủ thứ bệnh tật. Đã thế chờ đến khi thân thể rũ liệt họ mới tìm đến bác sĩ. Cho nên các bác sĩ toàn khoa thích hợp với hoàn cảnh Việt nam hơn. Mà thôi, dẹp chuyện đó sang một bên đi. Ðể cho các cô tiếp tục chuyện thời trang. Quần áo vải vóc bên ngoài bao giờ cũng đẹp đẽ hơn cái thân thể ốm yếu bệnh tật bên trong.
Cô áo xanh lườm tôi, nhận xét:
- Các anh bên y khoa nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn vi trùng là vi trùng. Ai các anh cũng liệt vào hàng bệnh nhân các anh hết.
Cả bọn cùng cười. Vừa lúc đó, có tiếng lao xao ồn ào nơi cửa lớn. Các thầy đã đến. Hình như không thiếu mặt ai. Thầy khoa trưởng đi trước, bệ vệ ì ạch như thường lệ. Thầy đỡ đầu của tôi đang nói chuyện với bà vợ ông khoa trưởng. Thầy Liệt chuyên bệnh ngoài da. Thầy Lý phụ trách nhãn khoa từ bao thế hệ... Sau các thầy, có thêm một lô chừng hai chục sinh viên nữa. Thấy tôi, thầy khoa trưởng hỏi vội:
- Sao tổ chức trên này mà mấy thằng bồi không biết gì cả. Ở dưới cũng có một tiệc cưới lúc chín giờ. Báo hại chúng tôi lóng ngóng đứng đợi, tưởng các anh cho ăn thịt thỏ. Các anh này cũng tưởng tiệc của mình ở dưới lầu.
Tôi xin lỗi:
- Dạ con đã dặn lão chủ. Không ngờ ở đây họ vụng quá. Xin mời quí thầy về phía cái bàn chủ tọa. Dạ, cái bàn giữa ấy.
Thầy Lý hỏi:
- Các anh bắt chúng tôi ngồi riêng à?
Tâm đứng bên cạnh tôi từ lúc nào, không chừa cái tật lếu:
- Dạ.. Kính lão đắc thọ.
Thầy Lý cười:
- Bây giờ các anh ra trường rồi, mới dám chê chúng tôi là bọn già khọm lẩm cẩm.
Tâm trả lời:
- Ðâu có. Già mà dẻo dai hơn trẻ. Già dặn mà.
Thầy khoa trưởng quay lại lườm Tâm, cậu sinh viên cưng của thầy, người thầy đặt hết niềm tin tưởng trong các công tác không dính dáng chút nào đến nghiệp thuốc: tổ chức một cuộc họp mặt thân hữu, liên lạc với chính quyền mượn xe chở sinh viên đi du ngoạn, soạn thảo chương trình khiêu vũ Noel...
Các thầy đều đã ngồi vào bàn. Anh em sinh viên cũng vậy. Không có bàn nào trống nhưng ở mỗi bàn, rãi rác đây đó vài ghế không người, dấu vết của những trục trặc kỹ thuật vào phút chót: Me không cho phép anh -Áo chứa lấy kịp anh - Ðến trễ kỳ lắm em không đi đâu anh - Xa quá tụi mình sẵn dịp đi chơi phố riêng đi anh - cả trăm nghìn lý do chính đáng hay không chính đáng, lý do nào cũng đẹp như một bài thơ tình đầu.
Tâm nhắc tôi:
- Bắt đầu đi. Trễ quá rồi. Nói in ít để cho người ta còn ăn nữa với.
Tôi tiến ra giữa vòng, tuy anh em và các thầy đều nhẵn mặt suốt bao năm qua nhưng lòng vẫn hết sức bối rối. Tôi liếc mắt kín đáo về phía Phương Thảo. Nàng cười, mắt nhìn về phía tôi, không thèm nghe những lời ba hoa của Tâm đang ngồi bên cạnh. Tôi hơi bực Tâm. Nhưng phải nói cái gì cho xong chuyện đây? Tôi bắt đầu nói, ban đầu hơi nhanh và vấp váp vì xúc động:
- Thưa quí thầy. Suốt mấy năm qua, quí thầy và chúng con đã vô ra gặp gỡ nhau nhiều quá rồi, hiểu nhau từng li từng tí, thành thử nói điều gì ra đây cũng trở thành sáo cũ, giả dối. Chẳng hạn thầy Liệt thường có cái tật gãi gãi ở vành tai trước khi giảng bài, bây giờ con nói điều gì không phải, sợ thầy ngứa tai thêm...
Tôi dừng lại vì cả phòng cười ồ. Vài sinh viên nhắc: Còn thầy Hương? Tôi cố nói hơi lớn hơn cho át tiếng ồn:
- Chẳng hạn thầy Hương hay hin hin lỗ mũi khi giận dữ. Nói điều gì trái ý, sợ thầy lại la lên: Thối quá. Thối quá.
Mọi người lại cười. Thầy Lý vỗ mạnh vào vai thầy Hương cười ha hả. Lại có tiếng của anh em nhắc: Thầy khoa trưởng.
Tôi cố lấy bạo. Mà tại sao không dám bạo? Ðây là một cuộc vui thân mật mà.
Tôi nói:
- Chẳng hạn thầy khoa trưởng vốn tính ưa xuề xòa đơn giản, huống chi bây giờ bắt thầy ngồi nghe diễn văn. Tiếng vỗ bàn vỗ ghế bây giờ hăng hơn. Sự ồn ào tưởng bất tận. Ông khoa trưởng hơi ngượng nhưng đành cười giã lã.
Tôi nói tiếp khi mọi người trở lại yên lặng:
- Cho nên, thay mặt anh em, con chỉ có thể nói một câu, một câu đơn giản nhưng chất chứa tất cả lòng thành của khóa chúng con: Nếu mai sau, chúng con có cứu được một mạng sống, xoa dịu được vết thương đau của những người vốn đời đời chịu đựng nghèo khó, thì tất cả niềm vui của chúng con xin gửi lại cho các thầy, với tất cả lòng tri ân sâu xa. Xin tất cả nâng ly.
Anh em tưởng tôi tiếp tục giễu cợt các thói vặt của từng giáo sư. Vì vậy, câu cảm tạ thành kính cuối cùng làm cho mọi người bước hụt. Trong bối rối, họ không biết làm gì khác hơn là đưa ly lên cao, giữ vẻ trang trọng miễn cưỡng. Tôi trở lại bàn. Tâm nhất định ngồi bên cạnh Phương Thảo, nên tôi đành ngồi vào cái ghế trống giữa Phúc và Hiếu. Tiếng cười nói quanh đây mỗi lúc một ồn ào. Ở bàn giữa, các thầy bàn luận với nhau thế nào mà cùng nhau đứng dậy rồi chia đều tỏa ra, ngồi chung với các bàn sinh viên. Thầy Phong đi về phía tôi. Tôi chột dạ bảo Phúc:
- Chết. Mấy ổng muốn ngồi chung với tụi mình. Thầy đỡ đầu của tao lại kia.
Phúc vội đứng dậy chạy đến gần tường đem thêm một cái ghế nữa. Thầy Phong bắt tay hết các nam sinh viên, gật đầu chào bốn cô gái, rồi bảo tôi:
- Tôi phải thân hành đến đây cảm ơn anh Uyên. Làm thầy đỡ đầu cũng có hơn mấy ông kia. Khỏi bị học trò đưa lên đài danh vọng.
Hiếu giả vờ ngây thơ hỏi:
- Em thấy thầy có tật nào đâu.
Tâm bỏ ngang câu chuyện ba hoa với Phương Thảo, nhìn thầy cười hì hì. Thầy Phong nói:
- Các anh đừng nói mỉa. Biết hết rồi còn giả vờ.
Hiếu ngồi nghiêm trang, đưa lưỡi liếm liên hồi lên môi trên, nhại cái tật thông thường của thầy Phong. Ai nấy lại cười to hơn. Tuy đã chuẩn bị tư tưởng kỹ, nhưng thầy vẫn hơi đỏ mặt. Thầy nói chung cả bàn:
- Mình bắt đầu ăn đi chứ. Xúp măng cua gạch phải không?
Chờ cho thầy cầm cái muỗng sứ múc vào chén, mọi người mới bắt đầu uống bia và ăn xúp. Việc ăn uống làm cho câu chuyện rời rạc bớt. Người nào cũng thì thào vài câu với người bên cạnh cho không khí đỡ trơ mà thôi. Thầy Phong nói với tôi:
- Anh chịu ở lại với tôi chứ?
Tôi trả lời ỡm ờ:
- Dạ chắc thế. Mà thầy có cho ở lại không?
- Sao lại không? Ngành của tôi lâu nay bị xem thường. Kể cũng phải. Lo phần xác chưa xong, thì giờ đâu lo phần hồn. Nhưng tâm bệnh học là một khu rừng huyền bí bát ngát. Có anh cùng đi, tôi tự tin hơn. Anh có biết ông khoa trưởng nhận xét thế nào về luận án của anh không?
Tôi im lặng ngước mắt dò hỏi, hơi lo lắng một chút. Thầy Phong nói:
- Ông ấy bảo nó giống như một suy tư về triết lý hơn là một luận án y khoa. Nếu không có bản kê tỉ mỉ lượng thuốc an thần và bản nhiệt độ, thì phần A là tiểu luận về phân tâm học, phần B là triết lý về xã hội học.
Tôi hỏi:
- Còn thầy, ngoài lời phê em đã biết, thầy còn nghĩ gì nữa?
- Tôi không nghĩ gì khác. Tôi cảm phục sự cố gắng của anh. Vả lại, anh đã thành công rồi. Anh bảo sẽ giới thiệu... cho tôi.
Tôi giật mình. Phải rồi, tôi có hứa sẽ dẫn Phương Thảo đến gặp thầy, chứng minh cho thầy thấy những điểm thầy nghi ngờ đều thiếu bằng cớ. Tôi chỉ Phương Thảo:
- Xin giới thiệu với thầy đây là Phương Thảo. Thảo giúp đỡ em nhiều trong việc hoàn thành luận án.
Thầy Phong hiểu câu ám chỉ của tôi, gật gật đầu, kín đáo quan sát nét mặt Phương Thảo. Nàng khẽ chào thầy, rồi tiếp tục lắng nghe Tâm nói. Ðôi mắt nàng hơi mơ màng, có vẻ thích thú. Tôi cảm thấy bứt rứt. Tâm vẫn tiếp tục ba hoa. Phương Thảo chớp chớp đôi mắt, ngước mặt lên trời lắng tai thu trọn những lời tâng bốc văn hoa. Nàng nhìn lên cái chuông giấy đang lung lay giữa phòng. Nàng lắng nghe. Nàng lắng nghe, nhưng cả đến Tâm cũng ngờ ngợ cảm thấy Phương Thảo đang nghe cái gì khác hơn xa hơn là lời mình, nên không nói nữa. Thầy Phong đưa ly bia lên uống để giấu bớt cái nhìn đăm đăm quan sát. Tâm đã im lặng từ lâu mà Phương Thảo vẫn nhìn lên cái chuông giấy lắc lư, như lắng nghe tiếng chuông giáo đường đang vang vang báo hiện giờ giáng sinh của Chúa Trời. Cô Liên mặc áo xanh mải mê nói chuyện với bạn vô tình nhìn về phía tôi và thầy Phong, thấy vẻ mặt nghiêm trọng của chúng tôi, nên mới chú ý nét mặt của Phương Thảo. Liên khẽ đập vai Thảo:
- Không ăn đi chị. Mơ mộng cái gì say sưa thế?
Thảo giật mình e thẹn, nói chữa:
- Em mải nhìn cái chuông giấy, trông nó hay hay. Không hiểu vì sao đột nhiên em nghe được tiếng chuông ngân, êm ả, thanh thoát...
Liên cười chế nhạo:
- Chị lại làm thơ rồi.
Tâm vui mừng khám phá ra mình nói chuyện không đến nỗi vô duyên, lại tiếp tục săn đón Phương Thảo. Thầy Phong đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn chứa quá nhiều thương hại lẫn nghi ngờ. Tôi cảm thấy chán nản bực bội. Có lẽ thầy hiểu lầm ý nghĩa dáng điệu của Phương Thảo. Tâm hồn nàng bị cô lập từ lâu với ngoại giới, nên vẫn giữ trọn được vẻ hoang dại trong trắng. Nàng thật nhạy cảm. Gặp cái gì, nàng cũng dễ thích thú vì tò mò. Nàng cảm nhận sự vật khác thường, nghe âm thanh của lá non nhú trên cành gầy hoặc ngửi được hương thơm của chim hót. Tại sao chiếc chuông xếp bằng giấy màu không thể phát được những tiếng ngân êm ả thanh thoát, khi tâm hồn người nghe cũng êm ả thanh thoát không kém. Chờ mãn tiệc, tôi sẽ tranh luận với thầy về vấn đề đó.
Nhưng lo lắng làm gì những điều mơ hồ. Tất cả mọi người đều đang vui. Rượu dẫn người ta nhập vào sự thành thực hết mình. Bàn bên kia, thầy Lý đưa hai tay choàng vai hai đứa học trò lười nhất của thầy. Mặt ông khoa trưởng đỏ gay. Thầy Liệt vứt bộ mặt đạo mạo cố hữu, đem cái ghế ra giữa vòng, đứng lên cho cao, gân cổ hét lớn câu gì không ai nghe rõ. Phúc và Tâm chạy đến công kênh thầy lên, đi một vòng quanh phòng tiệc, vừa đi vừa rao lớn như trẻ con: Ai mua heo không. Ai mua heo đây. Sự ồn ào náo nhiệt làm cho mọi người mất tự chủ. Thầy Phong trở lại bàn giữa, đòi uống rượu thi với ông khoa trưởng. Ông khoa trưởng thua, len lén đổ bớt bia dưới bàn bị phát giác. Tức thì, thầy Phong chỉ thẳng vào mặt vị chỉ huy của mình, la lớn: Ê, đồ gian lận. Các cô gái hơi sợ hãi, cùng nhau tụ thành một nhóm đứng sát lề tường. Mấy anh bồi già mặc áo trắng ở vào thế sẵn sàng can thiệp. Cuối cùng, cả đến tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc. Tôi bị lôi cuốn, quên Phương Thảo, hết lưu ý đến nàng từ lúc nào không biết. Tôi nhảy lên ghế giữa phòng hét lớn:
- Yêu cầu ca sĩ khoa trưởng hát một bài.
Tức thì một đám sinh viện bu quanh ông khoa trưởng, dùng sức mạnh lôi xệch ông đến chỗ chiếc ghế, đẩy lưng đẩy mông cho ông bước lên. Ông khoa trưởng cố cưỡng lại. Tâm reo lên:
- Thôi khỏi cần. Có sẵn cai sân khấu trong kia.
Ông khoa trưởng lại bị lôi đến bục gỗ trong khuôn cửa tròn. Ông không hát được, năn nỉ sinh viên cho phép được trổ ngón khác. Và ông lại biểu diễn cái trò ăn kẹo cao su vô ý để dính ở tay, chạm vào đâu cũng vướng hết. Tuy đã quen thuộc quá với ngón nghề này, mọi người vẫn vỗ tay tán thưởng.
Sau ông khoa trưởng, thầy Liệt xung phong lên kể một chuyện tiếu lâm. Kể xong, không ai hiểu gì nên chỉ có một mình thầy cười hề hề gắng gượng. Rồi nhờ thế ai nấy đều cười, chuyện nhạt trở thành chuyện tiếu lâm mặn mà thực sự. Cô Liên được yêu cầu lên hát, nhưng nhất định từ chối. Tâm tinh nghịch đòi Phương Thảo lên hát. Nàng sợ hãi đến phát khóc, nhưng đám đông tàn ác thấy thế càng vỗ tay lớn hô tên Phương Thảo từng chặp để giục. Tôi đành nhảy lên sân khấu:
- Xin lỗi anh em và quí thầy. Phương Thảo không được khỏe lại chưa từng hát bao giờ. Ðề bù lại, tôi xin hát một bài.
Nhiều người phản đối:
- Không được thay thế.
- Lấy tư cách gì mà hát giùm.
Tôi không thèm bào chữa, biện hộ, bắt đầu đằng hắng để chuẩn bị hát bài Mộng dưới hoa. Mọi người thấy không thể làm gì được, đành im lặng đón nghe tôi hát. Lúc định đưa hai tay ra trước để làm điệu bộ, tôi mới nhớ bàn tay phải còn kẹp điếu thuốc còn cháy dang dở. Tôi mỉm cười xin lỗi, tìm chỗ quăng điếu thuốc. Ngó quanh, không thấy cái gạt tàn nào thuận tiện. Tôi nhìn dáo dát đột nhiên mắt chú ý đến bức tượng sành bên trái. Một ý nghĩ tinh nghịch lóe sáng. Tôi tiến gần đến pho tượng, đưa cao điếu thuốc lên cho mọi người thấy, rồi cắm điếu thuốc vào đôi môi hở của tiên ông. Khi tôi vừa nói mời ngài hút thuốc ạ, thì phía đàng xa, có tiếng một người con gái thét lên chát chúa, như cỏ ai lấy kềm nhổ từng móng tay một.
Tôi rùng mình, tưởng như cả tửu lầu sụp đổ tan tành, cả thế giới quay cuồng đảo điên. Vì tiếng thét ấy là tiếng thét của Phương Thảo.