u người cao và gầy. Du ngăm ngăm đen và nét mặt khắc khổ. Du có một dáng đi rất đặc biệt: lừng khà lừng khừng luôn luôn hoặc là cúi mặt xuống đường, hoặc đếm lá của những gốc cây ngoài phố, chân kéo lệt sệt trên mặt đất, hai tay bỏ vào túi. Hắn bảo đó là kiểu đi của những người hay suy tư, mơ mộng. Kết quả tai hại và cụ thể của nỗi niềm suy tư trừu tượng của Du là làm mòn đế giày rất chóng và cứ độ ba tháng hắn phải thay một đôi giày. Hắn lại phải mất công suy tư về vấn đề vay tiền ở đâu để đóng giày mới. Đôi mắt to, hàng mi cong giống me tôi của Du thường là để Lan, Liên chế Du với cặp mắt bốc lửa đó hắn chắc chắn sẽ đốt cháy tim những cô nho nhỏ hắn gặp. Du có một quan niệm rất kỳ khôi là bổn phận đấng nam nhi như hắn là phải cố thử xem cái sân (faire la cour) bất cứ thiếu nữ xinh nào, không quan tâm đến sự thành công hay thất bại. Tuy cái lối yêu kiểu bò rừng, bạ thấy vải đỏ là húc vào, đã làm hắn ngã lên ngã xuống khá đau nhiều bận, Du vẫn không hề nản lòng và chỉ thản nhiên bảo: cũng như đánh bạc yêu, có tiếng được có tiếng thua. Du có cái tật bạ đâu cũng ngồi, ngả nghiêng và nằm được. Đứng nói chuyện ở ngoài cửa hắn ngồi ngay xuống bực cửa, ngoài đường hắn ngồi ngay xuống bờ hè, cạnh một chiếc xe đạp hay lambretta hắn ngồi ngay lên yên. Khi đi uống cà phê Du bao giờ cũng ngồi sát tường để dựa người vào. Mẹ tôi thường mắng Du: - Con trai lớn mà cứ lê la như trẻ con. Không hiểu tại sao nó lại làm giáo sư được. Liên bực mình vì hay phải là nạn nhân của cái tật bạ đâu ngồi đấy của Du. Có lần sau khi dẫn Du đến thăm một người bạn gái Liên quảng cáo là rất xinh, về nhà Liên than phiền: - Anh Du thật kỳ quái! Liên phải dặn mãi, Hằng tính nết rất thích những người lịch thiệp hào hoa. Thế mà suốt thời gian đến chơi anh Du chỉ toàn nói hỏi những câu lẩn thẩn làm nó sợ chết khiếp. Nhà người ta đầy những ghế nệm êm ái anh ấy chẳng chịu ngồi, lại đến ngồi xếp ngay dưới chân Hằng trông thật là chướng mắt. Du bào chữa: - Ngồi thế anh mới biết Hằng có bàn chân thon đẹp mà khen nó chứ! Liên trừng mắt: - Trời đất! Ai lại khen chân người ta đẹp bao giờ. Du nhún vai lý luận: - Hằng chẳng đỏ mặt là gì. Đỏ mặt tức là ngượng, ngượng tức là thích thú, sở dĩ thích thú là vì câu khen của anh rất đúng chỗ và tế nhị. - Anh ngu lắm. - Hay Liên chê câu khen của anh thấp quá phải cao thượng hơn nữa. Chẳng hạn khen cổ chân Hằng đẹp, bắp chân Hằng đẹp, đầu gối rồi đến... Liên bịt hai tai, nhắm mắt hét lên một tiếng. Các cô ai cũng ngại lối nói sống sượng của Du. Hắn cười xì xì và có vẻ khoái trá Du đang theo học luật nên bất cứ đề cập đến vấn đề gì hắn cũng có thể viện ngay luật ra làm căn cứ suy luận và hành động. Có lần hắn băn khoăn thổ lộ với tôi và Liên: - Du vừa gặp một cô bạn học dược, khá xinh, môi nhỏ chum chúm, co khá, đùi dài và có một lối nhìn lẳng ghê gớm. À!... Thế nhưng cô ta mới có 17 tuổi 9 tháng. Trước luật pháp tán gái vị thành niên có thể bị bỏ tù. Theo luật... Du vanh vách kể ra những điều khoản kết tội những người cám dỗ gái vị thành niên, trang nào, giòng nào trong bộ luật gia đình, dân luật và rồi kết luận “rất nguy hiểm”. Nhưng hắn vẫn tán cô ta như thường, đầy tự tin và rất yên tâm vì biết chắc chắn sẽ xảy ra chuyện gì hắn chỉ bị tù hay bồi thường bao nhiêu là cùng. Hắn còn tự phụ tuyên bố: “Biết luật kể cũng lợi”. Tôi mỉa hắn: “Nhất định là lợi rồi vì biết trước ngày nào mình... ra khỏi từ”. Du còn đưa ra rất nhiều nguyên tắc sống rất kỳ mà Du cho là phải, hợp lý và cần phải tôn trọng. Nguyên tắc nào cũng phải lạnh như tiền, ăn nói từ tốn và điềm đạm. Liên không phục nguyên tắc đó của Du chút nào và phàn nàn với tôi: - Anh có bảo anh Du thế nào để anh ấy thay đổi lối tiếp chuyện với các cô. Ai lại sáng nay em đang ngồi tiếp chuyện Nhung, anh Du đi đâu về. Nhung đứng dậy chào, anh ấy lừ lừ tiến lại gần chẳng nói chẳng rằng. Mãi sau anh Du mới gật đâu dơ một tay lên như ra hiệu cho phép. Nhung ngồi xuống, anh Du còn ngồi cạnh Nhung, nheo mắt ngắm Nhung như một vật lạ, thỉnh thoảng lại thở khói thuốc lên trần nhà. Rồi tự nhiên anh ấy bật nói “Hàng áo này Nhung may mất bao nhiêu?”. Nhung trả lời, anh ấy rất lơ đãng mắt nhìn ra cửa chẳng thèm nghe khiến nó ngượng chín cả người. Thế rồi anh Du đứng dậy buông sõng một câu: “Nhung mặt áo màu này không hợp và áo may hơi chật ở ngực”. Thế có chết không! Tôi khuyên Liên là trước lối cư xử và nói năng của Du chẳng có cô nào chết đâu mà sợ, Liên cứ yên tâm không chừng các cô lại thích những người phớt lạnh như Du lại khác. Quả nhiên sau đó Nhung rất năng lại chơi với gia đình tôi và con lộ vẻ cảm tình với Du là khác. Nguyên tắc thứ hai của Du là tuy cùng chung sống trong gia đình, nhưng mỗi người còn có một đời sống riêng biệt, không ai có quyền can thiệp tới. Đúng vào đầu tháng lĩnh được tiền dạy học là Du rời ngay “đời sống chung” của gia đình và đi biền biệt liền mấy ngày. Hôm Du về có nghĩa là túi đã rỗng hết tiền. Du lại phải nói khó với Lan vay ít tiền mua thuốc lá. Có lần Lan không chịu, Du dọa sẽ ra điều đình với bà hàng thuốc lá ở đầu đường để mua chịu, Lan thách: - Đố anh Du mua chịu thuốc lá của bà ấy đấy. Du đi một lúc về đã thấy thuốc lá hút phì phèo, Lan tò mò hỏi: - Anh nói thế nào mà bà ấy tin được? Anh có dở luật ra không? Hay anh đưa các giáo sư ra làm bằng? Du thản nhiên đáp: - Không! Anh dùng một phương pháp khác nhưng bí mật nhà nghề, không tiết lộ được. Lan phục Du lắm, nhưng nếu Lan biết là Du vừa vay được tiền tôi thì chắc sự cảm phục đó giảm đi rất nhiều. Du cũng có rất nhiều bạn, những bạn của Du rất dễ phân biệt với bạn của tôi vì phần nhiều là sinh viên trẻ hoặc giáo sư mới nhập nghề được ít lâu. Lan kể cho tôi nghe một nhận xét vui là tại sao Lan ngồi trong nhà quan sát thái độ của Liên đứng tiếp chuyện với một người đàn ông ờ nhà ngoài mà đoán ngay ra được khách đến chơi là bạn tôi hay bạn Du. - Có khó gì đâu! Nếu thấy chị Liên vừa nói vừa lui dần vào trong nhà và rồi gọi! Lan! Lan! Ra ngay đây chị bảo thì đúng là bạn anh Lam đến. Còn nếu chị vẫn đứng nguyên dựa người vào tường thì đúng là bạn của anh Du. Du hỏi: - Tại sao thế? - Tại vì bạn anh Du sợ không dám vào nhà thì phải. Hay có lẽ họ sợ chị Liên. Có hôm đến ba, bốn người đến thăm anh Du cùng đi xe đạp, thế mà chị Liên và Lan đứng mỗi người một bên cửa, cả bọn xuống xe cách nhà mình đến mười thước. Rồi họ chúi đầu vào nhau bàn tán lào xào một lúc thỉnh thoảng lại chỉ trỏ về phía Liên và Lan. Mãi sau một anh tách ra khỏi bọn đến gần Lan và chị Liên hỏi “Anh Du có ở nhà không ạ?”. Khi chị Liên trả lời là anh Du đi vắng và anh muốn gặp anh Du có việc gì, anh ta lúng túng mãi mới tìm được câu trả lời “Dạ tôi muốn hỏi mượn một cái bản đồ để học thi”. Lan và chị Liên ngạc nhiên mãi không hiểu tại sao lại cần đến bốn người mới mượn được cái bản đồ nhỏ bàn tay. Mấy hôm sau anh chàng “bản đồ” trở lại trả bản đồ. Lần này anh đi có một mình và anh Du lại đi vắng, Lan và Liên mời mãi anh ta cũng không chịu vào trong nhà. Lạ thật! Con trai gì mà rát như cáy. Du bảo: - Này đừng có khinh hắn ta rát. Hắn đã có hai chứng chỉ văn khoa rồi đấy và đang học năm thứ ba trường Cao đẳng sư phạm. Ra trường không biết chừng hắn dạy được cả Liên. Lan và Liên trợn tròn mắt và ngẩn người vì ngạc nhiên. Sau đó Lan đặt luôn cho anh ta cái tên “Giáo sư bản đồ”. Du có một người bạn có thể đối thủ với Du về mặt lừng khừng. Chàng ta cũng ít nói là lạnh lùng như Du. Có khi Du đang nằm xem sách ở divan phòng khách chàng ta đến lừ đừ vào nhà chẳng nói chẳng rằng. Du ngẩng đầu lên rồi thản nhiên đọc sách, chẳng chào hỏi, nét mặt cũng không thay đổi. Chàng ta ngồi xuống divan điềm đạm rút ở trong túi ra một quyển sách rồi chăm chú đọc. Lan và Liên ngồi ở nhà trong tò mò hai người và đố nhau ai sẽ lên tiếng trước. Du hay bạn Du? Mười lăm phút qua Du tằng hắng một tiếng vươn vai ngồi dậy ngáp liền hai, ba cái đoạn giơ tay bắt và hỏi: “Khỏe chứ?” Chàng kia đáp “Khỏe”. Rồi hai người lại tiếp tục xem sách. Một giờ đồng hồ sau chàng ta đứng dậy nói “Về! Muộn rồi!” rồi lững lững ra cửa. Du vẫn tiếp tục đọc sách. Chàng ta về rồi, Lan và Liên lò dò ra ngồi hai bên Du, Lan thì sờ sờ vào túi Du, Liên thì lấy ngón tay chọc chọc vào người. Du hỏi: - Điên đấy ư? Để anh xem sách. Lan và Liên gật gù bảo nhau: - À! Anh ấy còn sống mà! Rồi cả hai phá lên cười. Du cũng mặc vẫn xem sách như thường. Du ham mê suy luận, phân tích như mê đàn bà đẹp. Cái tật đó của hắn nhiều khi làm mọi người bực mình đồng thời cũng buồn cười. Nếu Liên tỉ tê tâm sự và băn khoăn không hiểu tại sao anh chàng “không có gì lạ” dạo này không hay đến chơi, Du nghiêm trang lắng tay nghe. Sau khi đã hút hết liền ba điếu thuốc Bastos, hắn đứng dậy chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng, thân hình lòng khòng đầu gật gà gật gù. Đoạn hắn dằng hắng một tiếng và bắt đầu giải đáp vấn đề khó khăn tình cảm của Liên với giọng giáo sư giảng bài rất rõ ràng và trịnh trọng. - Liên bảo chàng ta không năng lại chơi. Vấn đề được đặt ra, đây là giả thiết: Sự kiện. Phi không lại chơi có thể có hai nguyên nhân: A lớn, Phi bận công việc, B, hắn ốm sắp chết, C, hắn có mặc cảm phạm tội, D, hắn yêu một cô khác... Liên ngắt lời: - Anh Phi không ốm vì em biết anh ấy vừa đi Huế về. Du dừng lại, thọc sâu thêm hai tay vào túi, mắt lim dim. Đoạn hắn lên tiếng hỏi, giọng cất cao: - Đi Huế về? Hà! Đi xa là một yếu tố mới của vấn đề. Tại sao hắn đi xa! Tại sao?... Hắn rút tay trong túi ra chỉ vào mặt Liên. Liên vẫn tỉnh như không, trả lời gọn lỏn: - Hắn về Huế xin phép mẹ lấy vợ. - À! Xin phép mẹ lấy vợ, vậy thì giả thiết D của anh có lẽ đúng. Liên có biết hắn định lấy ai không? - Lấy em!... - A! Ai bảo Liên thế? - Chính anh ấy tâm sự với Liên trước hôm đi. Du dơ hẳn tay lên trời. - Thế sao Liên không nói rõ ngay từ đầu. - Anh có hỏi em đâu? Chưa nghe người ta đầu đuôi đã phân tích phân tiếc. Anh thì chỉ được cái lúc nào cũng A. B, C. Học có mấy chữ cái mà không thuộc. Du cười xì xì. Hắn có vẻ ngạc nhiên lẩm bẩm: - Về Huế xin phép mẹ lấy vợ. Chàng lù đù ấy mà dám lấy vợ à? Vô lý! Chắc hẳn phải có một động lực nào thúc đẩy... Hắn nghĩ đến một lúc đoạn reo lên đắc thắng: - Liên! Động lực là Liên. Liên đã cho hắn cái gì rồi? Đôi môi hả? Liên đỏ mặt gắt: - Anh chỉ bậy, đâu em dễ thế... - Liên nói dối, không có nguyên cớ đâu... mặc. Vậy thì bàn tay? Liên lắc đầu: - Một bàn tay? Liên cải chính: - Một bàn tay nhưng chỉ một tí thôi, không lâu. - Liên có yêu chàng ta không? - Không! Chỉ hơi có cảm tình. - Không yêu mà lại cho bàn tay tức là ác. Sở dĩ Liên ác là vì Liên thuộc loại đàn bà fatale, thích hành hạ các ông. Muốn hành hạ là vì: A lớn... Du lại tiếp tục phân tích một mình, vì Liên bỏ chạy luôn xuống bếp thủ thỉ với mẹ về chuyện cái thành tích mới đạt được là “Thêm một người nữa đến hỏi Liên làm vợ!”. Du rất ngạc nhiên - nói theo giọng giáo sư của hắn “ngạc nhiên đến độ kinh hãi” - khi thấy cái ông theo đuổi nhau đến hỏi Liên làm vợ. Sẵn những quan niệm hiện sinh, Du sẵn lòng chấp nhận người ta rất có thể yêu thương say mê, thất tình lên thất tình xuống, nhưng lấy vợ là một điều cực kỳ phi lý. Nói chuyện với tôi hắn hay nhắc nhở đến cái bản tuyên ngôn thề không lấy vợ, ký kết giữa tôi và du hồi tôi lên 10 và Du lên 8. Hắn lý luận: - Anh xem trẻ con sống nhiều bằng linh tính. Thế mà hồi chúng mình còn thò lò mũi xanh, linh tính đã thúc đẩy chúng mình cam kết không lấy vợ. Mà linh tính thì không thể sai được. Cái hiện tượng lấy vợ của người lớn phi lý, phi lý... Vì vậy Du tự cho có bổn phận phải dùng đủ mọi cách để làm những anh chàng sắp hỏi Liên làm vợ tỉnh ngộ. Biết tính Du hễ có một ý định gì là mang thực hiện liền, Liên vặn Du: - Sao anh không để mặc người ta. Người ta lấy vợ chứ anh có lấy vợ đâu mà anh sợ. - Liên thiển cận lắm! Ví dụ Liên thấy một người mắt mở trừng trừng mà cứ lửng thững đâm đầu vào tường chả nhẽ Liên đứng yên được à? Thấy Du ví mình như một bức tường - dù là một bức tường êm ái nẩy nở, toàn những đường cong ngoạn mục - Liên càng bực mình hơn, vào bếp tiếp me tôi và mách: - Me có bảo anh Du không, anh ấy chê con cứng như bức tường chẳng ai thèm lấy. Anh ấy dọa tống cổ ra đường bất cứ anh chàng nào đến hỏi con làm vợ mẹ ạ! Mẹ tôi chỉ cười khuyên: - Bảo nó tống cổ ai ra cửa thì tống, nhưng nếu gặp anh chàng nào giàu, nhớ bải me trước... Câu chuyện có người hỏi Liên về làm vợ đều được mọi người đề cập tới, chỉ mấy hôm sau đã có một đám đến đánh tiếng Liên. Buổi sáng hôm ấy trời xanh ngắt, nắng reo vui trên lá cây y hệt một ngày thu ngoài Bắc, Liên và Lan đang ngồi trước một chùm dâu da lớn, me tôi đi chợ mua và đang bàn cãi sôi nổi về vấn đề chia phần ai nhiều ai ít, thời có tiếng gõ cửa và một thiếu phụ ăn mặc nhã nhặn, mặt tròn da trắng muốt, chiếc miệng nhỏ rất tươi tiến vào hỏi: - Xin lỗi! Đây có phải nhà cô Liên không ạ? - Dạ phải bà hỏi me tôi phải không ạ? Mời bà ngồi chơi. Bà khách lộ vẻ lưỡng lự, đoạn trả lời: - À!... Vâng! Chắc cụ bà có nhà. Vì tính tham ăn uống nên Liên dục Lan vào bếp mời me tôi ra tiếp khách, chắc Liên sợ Lan dành mất một phần to. Bà khách tò mò quan sát Liên ngồi thoăn thoát đếm dâu da, chốc chốc lại bớt một phần một quả đưa lên miệng ăn ngon lành. Bà ta hỏi: - Chắc cô thích hoa quả? Liên đỏ mặt, nàng ta vội mời: - Dạ ngon lắm ạ! Xin mời và dùng mấy quả... Đúng lúc ấy Sơn ở ngoài cửa chạy vào, nói rất to: - Chị Liên ơi! Anh chàng “bốn ngựa”... Thấy nhà có khách, Sơn dừng lại Liên hỏi dồn: - Anh ấy đâu? Sơn trông thấy à? - Ờ... Ờ!... Chàng ta đang ngồi xe đỗ... trước cửa nhà mình. Liên quay vội sang bà khách, chắc lúc ấy cô nàng mới nhận ra nét mặt bà ta hao hao giống “chàng bốn ngựa”. Liên nuốt vội quả dâu đang ăn dở dang, ngượng ngùng chớp mắt, mặt hồng đỏ lên. Bà khách tủm tỉm cười, hóm hỉnh nói: - À! Đó là cậu em tôi, lái xe đưa tôi đến thăm các cụ đấy! Liên chữa thẹn: - Dạ! Chắc xe của anh ấy tốt lắm! - Vâng! Xe bốn ngựa cô ạ! May cho Liên đúng giây phút khó khăn đó me tôi xuất hiện và Liên chạy tọt vào trong nhà trong, quên cả mang mấy chùm dâu da theo. Du, Liên, Lan ngồi trong nhà nghe me tôi và bà khách nói chuyện mà phục sát đất. Me tôi không hề quen biết bà khách, bà khách thì không biết chút gì về gia đình chúng tôi, chỉ vì chiều em trai nên liều đến dò đường để rồi “xin Liên” cho cậu em. Nhưng đừng tưởng bà khách đi thẳng vào vấn đề hỏi vợ, như thế chẳng hóa ra các bà bỏ lỡ dịp áp dụng cái tài nói chuyện cà kê dê ngỗng sở trường hay sao. Vì vậy trước hết bà Hồng - tên bà khách - khen cái nhà chúng tôi ở tuy nhỏ bé nhưng xinh xắn tươm tất mát mẻ vì làm quay về hướng Đông Nam nên nhiều gió. Me tôi vội đỡ lời “Dạ! Nhưng đến mùa hạ cũng nóng lắm ạ! Nhờ cái cây to ngoài cửa nên cũng đỡ”. Bà khách vội tấm tắc “Vâng! Ở Sàigon tìm được một phố nhiều cây cối thật cũng khó!”. Thế là vội chộp lấy vấn đề đời sống ở thành phố vừa nóng bức vừa ầm ĩ “Không như ở ngoài Bắc ta, có đủ cả bốn mùa”. Rồi các bà nhảy sang vấn đề các người quen thuộc ở cái đất Hà Nội xa xôi “Dạ! thưa chắc bà có quen bà Đồng có cửa hàng bán lụa ở phố hàng Đào”. “Vâng! Chúng tôi cũng có được biết, bà ấy gọi một bà bạn thân của bà cụ tôi bằng thím đấy ạ!” “Thế thì hay quá! Ngờ đâu cũng là chỗ quen biết cả”. “Thế chắc bà cũng quen ông Thiện chủ hiệu may lớn nhất phố hàng Bông?” “Ông ấy là người nhà cũ của ông cụ thân sinh ra tôi” Me tôi vội đáp “Vâng! Tôi cũng hay cho các cháu đến may quần áo ở hiệu ông Thiện lắm”. (Ở trong nhà Du huých Liên bảo “Chắc hồi đó me may quần hổng đít cho chúng mình”). Me tôi tiếp luôn hỏi thăm sức khỏe của “cụ thân sinh ra bà”. Bà khách buồn rầu đáp, làm như ông cụ vừa mới chết cách đây mấy hôm “Dạ! cụ chúng tôi đã qui tiên” Me tôi suýt soa, cũng may là me tôi không lộ vẻ tiếc rẻ là không được biết để đi đưa đám và phúng viếng, vì một lẽ rất giản dị là ông cụ thân sinh ra bà khách quý qui tiên ở mãi... bên Pháp... cách đây đã gần mười năm. Khi các đầu đề họ hàng quen biết bắt đầu cạn, chúng tôi đã nơm nớp lo không hiểu rồi các bà làm thế nào chuyển sang vấn đề hỏi vợ, gả chồng thì bà khách đã khôn khéo hỏi “Chắc bà được nhiều các cô các cậu lắm?”. “Chúng tôi hiếm hoi lắm ạ! Trời cho có bẩy cháu thôi” (Du, Lan bảo nhau có lẽ các bà sẽ lôi cả ông trời vào câu chuyện, nhưng thật may các bà không biết nghĩ sao lại để ông ấy yên thân và đề cập đến vấn đề học hành tốn kém của bọn trẻ). Thấy rằng theo dõi cuộc nói chuyện dài như một cuộc đua chạy marathon của hai bà rất mệt, nên Du vớ lấy cuốn sách nằm dài trên giường xem, chốc chốc lại ngước đầu dậy hỏi Lan, kê ghế ngồi sát ngay cửa thông giữa hai phòng: - Đến đâu rồi Lan? - Me đang nói đến chuyện anh Du học đại học tốn bao nhiêu tháng. - Chắc các bà theo thứ tự lớn đến bé, sau đấy sẽ đến lượt Liên. Mười lăm phút trôi qua. Khi Du hỏi đã đến Liên chưa, Lan bụm miệng cười đáp: - Me nói chuyện lấy vợ cho anh đấy! Du ngán ngẩm nhún vai, lừng khừng đứng dậy bảo: - Để anh ra lôi anh chàng bốn ngựa vào đây gặp Liên là tiện nhất. Mặc dầu Liên phản đối, Du nói là làm liền. Liên lo lắng nhìn qua cửa sổ theo dõi thấy Du tiến đến bên cạnh xe tự giới thiệu, bắt tay chàng bốn ngựa, mời chàng một điếu thuốc và chỉ năm phút sau đã thấy hai người hoa chân múa tay thảo luận hăng hái. Bỗng nhiên hốt hoảng gọi Lan: - Lan! ra đây mà xem! Anh Du sắp đánh nhau với chàng bốn ngựa đây này. Nhưng thực ra Du nắm lấy tay áo chàng ta không phải để gây chuyện đánh nhau mà là để lôi chàng ta đến cái quán gần đó uống một chai bia. Sơn thấy anh đã làm quen được với ông chủ xe, cũng mon men đến góp chuyện. Lan, Liên thấy Sơn rút trong túi quần ra một chiếc clé to tướng và nói một câu gì khiến chàng bốn ngựa ngạc nhiên, gãi tai. Lan thầm thì giọng quan trọng: - Này! Không khéo Du và Sơn dọa tống tiền chàng ta đấy. Nhưng không, sau đó Sơn chỉ chạy đến mở nắp xe, xem mô-tơ và hí hoáy vặn các con ốc. Sơn rất khoái máy móc. Lan và Liên nhìn nhau thở ra một cái dài, nhẹ cả mình. Khi bà Hồng và cậu em đã ra về, Liên, Lan xúm lại tra hỏi Du đã nói chuyện gì với chàng ta, Du càu nhàu: - Cái thằng cha ấy vừa điên vừa liều. Anh ca tụng cái thuyết “Nên yêu say mê và yêu thật nhiều”, hắn sổ ra một mớ tâm sự về mấy chục cái tình yêu cũ của hắn, nghe phát ớn. Anh khuyên nên tìm cách thất vọng vì tình để đổi món, hắn bảo thất tình tốn tiền lắm, mỗi lần thất tình lại phải lên Đà Lạt tẩm bổ tĩnh dưỡng. Cuối cùng tức mình kể hết những tính xấu của Liên ra, chàng ta vẫn trơ trơ nhất định vẫn hỏi Liên về làm vợ cho bằng được. Anh dọa “Liên tham ăn”, chàng ta gật gù bảo nhà có nuôi một người bếp làm cơm tây rất ngon, anh dọa “Liên thích may nhiều quần áo”, hắn đáp ngay chị hắn hiện có một cửa hàng thợ may, anh dọa “Liên thích ngủ trưa” hắn khoái lắm đồng ý “Tôi cũng vậy”. Liên khoái trá mặt vênh lên, không ngờ mình nhiều tính xấu đến thế mà còn có kẻ khăng khăng đòi lấy. Du bồi luôn một câu khiến Liên cụt hứng: - Chàng ta thú thật đây là lần thứ tư đi hỏi vợ, ba lần trước đều bị các cô từ chối. Đám ấy me tôi từ chối vì Liên không chịu lấy chồng thừa. Một tháng sau chúng tôi nhận được thiệp báo hỉ của chàng bốn ngựa. Đám thứ ba chàng hỏi đã thay đổi ý kiến và ưng thuận lời cầu hôn của chàng ta. Liên chỉ tiếc có một điều (khi nào cô nàng đói bụng) là nếu lấy chàng ta. Có phải ngày nào cũng được ăn cơm tây không. Một đặc điểm nữa của Du là tuy ham mê phân tích và suy luận hợp lý, Du thật ra chứa đầy mâu thuẫn. Nếu hắn bắt gặp Lan, Liên đọc thư tình của các cô gửi cho hắn hay tò mò dòm ngó xem hắn viết lách ra sao, Du nổi giận và kêu ca “đàn bà là chúa tò mò!”, nhưng đồng thời hắn có cái tật vứt thư từ riêng bừa bãi trên bàn học. Biết tính Du, mỗi khi thấy anh nhận được thu, Lan Liên bảo nhau lại ngồi gần Du giả vờ xem sách hay khâu vá, coi như không có Du trong phòng. Sau khi đọc thư và tủm tỉm cười một mình Du thế nào cũng quay sang phía các em hỏi: - Này! Anh chắc không cô nào viết thư hay bằng Thủy. Liên bĩu môi nhìn Lan buông một câu: - Biết đâu được! Tức khí Du đáp: - Các cô không tin hả? Giỏng tai mà nghe anh đọc một đoạn Thủy viết cho anh. Lan xua tay lắc đầu quầy quậy, cao kỳ: - Ê! Bọn này không thèm nghe. Ai có đời sống tâm tình của người ấy! Du ra vẻ rộng lượng: - Anh cho phép các cô nghe anh đọc thư Thủy cơ mà. Rồi hắn cao giọng đọc và bình giải một đoạn trong thư, đoạn này lôi kéo một đoạn khác “tuy không lãng mạn bằng nhưng ý nhị hơn”, đoạn ý nhị hơn lại “không nồng nàn bằng đoạn cuối thư”. Cứ như thế, cuối cùng Du quẳng cả bức thư cho Lan, Liên và kết luận “các cô đọc cả đi mới ý thức cái hay toàn thể”. Lan, Liên vừa đọc vừa bàn tán và rúc rích cười với nhau. Vì cái tật không thể giữ kín được những chuyện tâm tình của mình, nên Du thường bị tôi ví như cái nhà trăm cửa sổ, gió thổi vào cửa này lại thoát mất qua một cửa khác. Ngoài ra Du - theo lời tôi - còn là người tham vọng ngập đến tận cổ. Tựa một người nghiện rượu, thiếu chất ma men không chịu được, Du lúc nào cũng để óc hắn bận rộn về ít nhất hai, ba kế hoạch vô cùng lớn lao và táo bạo như nhau hắn mới thấy đời đáng sống. Hôm nay hắn hăng hái bênh vực một chương trình “thức tỉnh” giới thanh niên sinh viên (hắn không nói rõ bắng cách dội một làn nước lạnh hay nước nóng vào đầu họ), hôm sau chúng tôi đã thấy hắn cặm cụi thảo một kế hoạch làm báo dầy hàng mấy chục trang và cặm cụi viết liền một lúc bốn, năm bài làm dự trữ cho tờ báo tưởng tượng của hắn. Mấy ngày trôi qua, sau khi viết lách chán tay, hắn thở dài bảo tôi “Nói cho đúng, tất cả những kế hoạch chương trình của Du đều nhằm mục tiêu làm Du nổi tiếng” và hắn dồn ngay mọi nỗ lực suy tưởng của hắn nghiên cứu cách làm thế nào nổi tiếng càng chóng càng hay.