hủy tổ của “Tâm học Thạch Môn” Ishida Baigan là ông tổ của nền Tâm học Thạch Môn. Tâm học Thạch Môn nghĩa là “cái học về cõi tâm (lòng người) của học phái Ishida”. Thời nay thì ít ai biết tới, chứ trong khoảng thời gian từ hậu bán của thời đại Edo cho tới đầu thời Duy tân Minh Trị, thì những trường dạy cái học này, gọi là “Trường luyện Tâm học”, xuất hiện ở khắp nước Nhật, đã trở thành một tổ chức tu dưỡng tinh thần có thế lực to lớn. Võ sĩ samurai và phiên chúa cũng theo học, nhưng với sự giảng dạy cái tinh thần liêm khiết, cần mẫn, Tâm học Thạch Môn đã lan rộng cả trong thường dân, và đẻ ra cái triết lý dân gian là “cần cù và tiết kiệm”. Triết lý dân gian do Tâm học Thạch Môn truyền bá, không những đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cái ý thức thẩm mỹ, cái quan niệm đạo đức, cái dạng thức sinh hoạt hay phép đánh giá con người của người Nhật ngày nay, mà còn để lại vết tích to lớn trong sự quyết định cái quan niệm cần lao, cái phép đánh giá sản phẩm, cái hình thái của thị trường sản phẩm tiêu dùng độc đáo của Nhật bản nữa. Ngày nay, trong những cục diện mà sự cọ sát mậu dịch, thể chất đắt đỏ của thị trường Nhật Bản, đã trở thành những vấn đề rắc rối, thì người ta đều thấy xuất hiện cái ảnh hưởng của Tâm học Thạch Môn dưới nhiều hình thức khác nhau. Xem như vậy, thì Ishida Baigan, tổ sư của Tâm học Thạch Môn, không thể không được coi là một trong những người đã lập ra nước Nhật được. Vậy thì, Ishida Baigan là nhân vật đã sinh ra ở thời nào và đã sống như thế nào? Ishida Baigan sinh năm 1685 (niên hiệu Jokyo năm thứ hai), tức là lúc thời kỳ Genroku [1] sắp bắt đầu, và mất năm 1744 (niên hiệu Enkyo nguyên niên), tức là vài năm sau khi thời Kyoho (1716-1736) đã mãn. Nghĩa là ông sinh ra trước thời Genroku và mất sau thời Kyoho. Nói theo tây lịch, thì như vậy là ông đã sinh ra vào thời mạt của thế kỷ thứ XVII, mất vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII. Như vậy, ông là nhân vật đã sống vào đúng giữa thời Edo. Cuộc đời Ishida Baigan có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là thời niên thiếu. Baigan là tên hiệu của ông, chứ tên thật của ông là Okinaga, thường được gọi là Kampei. Con thứ của một gia đình nông dân ở thôn Toge, quận Kuwata, thuộc đất Tanba (nay là thị xã Kameoka, tỉnh Kyoto). Cha tên là Ishida Gon’emon, mẹ là Tane. Năm 1692 (niên hiệu Genroku năm thứ năm), lên tám tuổi (cũng có thuyết nói là 12 hay 13 tuổi), Baigan đã phải đi ở đợ làm tiểu đồng cho một nhà buôn bán quần áo ở kinh đô Kyoto. Nhà hàng này hình như nhỏ lắm, vì chẳng bao lâu sau khi Baigan tới đó phục vụ thì nhà hàng bị phá sản. Trước khi đi ở đợ, Baigan đã được cha dặn dò rằng: “Ði ở thì phải coi trọng chủ nhà như cha mẹ. Không được làm gì bêu xấu chủ nhà”. Nhớ lời dặn đó, Baigan đã không trở về xứ sau khi nơi ở đợ đã bị phá sản. Ngược lại, Baigan nấn ná ở lại, làm phu lấy tiền nuôi chủ nhà. Chuyện này đến tai người mối đã giới thiệu nơi ở đợ, nên năm 15 tuổi, Baigan được cha mẹ đón về quê quán. Baigan như vậy đã sống cuộc đời gian khổ ở tuổi thiếu niên, nghĩa là phải đi ở đợ, rồi vì chủ nhà bị phá sản, nên phải đi làm phu nuôi chủ nhà trong những năm phồn vinh của thời Genroku, từ niên hiệu Genroku năm thứ năm tới năm thứ 12. Chịu đựng được như vậy quả đã chứng tỏ cái bản tính khác thường của Baigan vậy. Trở về quê, Baigan đã sống một thời gian ở thôn Toge, hình như là giúp việc làm ruộng. Thời gian này không thấy được ghi chép rõ ràng. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn làm nghề buôn. Lần này, Baigan lại lên kinh đô Kyoto năm 1707 (niên hiệu Hoei năm thứ tư). Lúc đó Baigan đã 23 tuổi. Lần trước thì ở đợ cho một nhà buôn nhỏ, nhưng lần này thì Baigan ở đợ cho một nhà buôn lớn. Ðó là cửa hàng bán quần áo rất bề thế, tên hiệu là Kuroyanagi. Lúc này, kinh nghiệm hay thành tích làm việc cho nhà buôn phá sản trước kia, đã bị quên lãng mất rồi, nên dù đã tới tuổi 23, Baigan vẫn phải bắt đầu từ một chú tiểu đồng. Nói chung, đi ở làm tiểu đồng thường là bắt đầu từ tuổi 12, 13. Như vậy, Baigan đã bắt đầu đi làm tiểu đồng chậm hơn những trẻ khác 10 năm. Nghĩa là trong đám tiểu đồng 12, 13 tuổi thì bỗng vọt lên một đứa 23 tuổi. Cái khổ tâm của Baigan là thế đấy. Thế mà Baigan vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Năm 1727 (niên hiệu Kyoho năm thứ 12), sau 17 năm gian khổ làm tiểu đồng, rồi đứa ở nhỡ, Baigan đã được cất nhắc lên làm quản gia. Nhưng năm 42 hay 43 tuổi, Baigan đã nghỉ hưu. 20 năm này chính là khoảng thời gian ông đã có được kinh nghiệm sâu sắc của nhà buôn và cơ hội suy nghĩ sâu đậm về cuộc đời. Tập tiểu thuyết “Chân dung một người đàn ông khiêm nhường” (tác giả: Sakaiya Taichi) chính là miêu tả Baigan trong thời kỳ này. Thế rồi giai đoạn thứ ba. Nhờ đã học hỏi về Thần đạo, Nho giáo và Phật giáo trong thời kỳ làm công, Baigan bây giờ bỏ thời gian đi tầm sư học đạo, và ông đã hạnh ngộ được với Oguri Ryo’un, một ẩn sĩ được trọng vọng. Baigan đã theo vị này tu Thiền, rồi giác ngộ được câu nói “hãy trở về trạng thái vô ngã” có nghĩa là “hãy tìm hiểu lòng mình”. Do đó, sau khi đã thôi không đi làm nữa, năm 1729 (niên hiệu Kyoho thứ 14), ở tuổi 45, Baigan đã mở trường tư thục luyện Tâm học ở phường Kurumaya, kinh đô Kyoto. Theo cảm giác ngày nay, thì 45 tuổi ở thời đó tương đương với tuổi gần 60 bây giờ, tức là tuổi về hưu. Nói cách khác, sau khi về hưu, ông mới bắt đầu mở trường tư thục. Từ đây cho đến lúc mất ở tuổi 60, ông đã miệt mài 15 năm làm thày đồ giảng dạy và viết sách. Xã hội võ sĩ samurai là xã hội "tổng số zero" Ishida Baigan đã sống tuổi thơ ấu trong thời kỳ Genroku, đã làm công cho nhà buôn trong thời kỳ Kyoho và sau cùng đã làm thầy dạy học trong thời kỳ Genbun. Trước khi kể lại các hoạt động của nhân vật này, ta cần phải khảo sát qua về ba thời kỳ vừa nói. Chúa Tokugawa Ieyasu đánh thắng trận Sekigahara là năm 1600 (niên hiệu Keicho năm thứ năm), rồi lập ra nhà mạc phủ Tokugawa là năm 1603 (niên hiệu Keicho năm thứ tám). Khoảng từ 80 tới 85 năm sau đó, Ishida Baigan mới ra đời. Nếu coi trận đánh Sekigahara tương tự như lúc khởi đầu của cuộc Duy tân Minh Trị (1867), thì 85 năm sau là năm 1953, hay tám năm sau khi Nhật Bản thua trận Chiến tranh Thái Bình Dương, đồng thời là lúc sắp sửa diễn ra cái gọi là “thể chế năm 55” [2]. Nếu nghĩ rằng Baigan đã sinh ra vào thời kỳ như vậy thì có thể ta sẽ thấy dễ hiểu hơn. Ký ức về thời Chiến quốc đã phai mờ, và thể chế mạc phủ Tokugawa đã bén rễ vững vàng. Kinh tế thì phát triển. Baigan sinh ra đúng vào thời kỳ kinh tế thịnh vượng “bong bóng” tương tự như thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao độ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai vậy. Thế nhưng, khi thiếu niên Baigan từ vùng quê Tanba ra kinh đô Kyoto, thì “bong bóng” thịnh vượng chưa thấy đâu, mà việc buôn bán làm ăn đã bước vào lúc khó khăn, rồi nhà hàng mà thiếu niên đến đó ở đợ đã phá sản. Có một dạo từ “Thời Genroku Showa” [3] đã được ưa dùng để chứng tỏ rằng thời Genroku là thời kỳ thịnh vượng như thế nào. Song cái thịnh vượng, cái hào nháng đó đã chỉ đi sướt qua thiếu niên Baigan. Cậu đâu có được hưởng cái phồn hoa đó? Ngược lại, cậu đã phải nếm mùi gian khổ do “phản động lực” của sự phồn hoa đó gây ra. Chương VI về Tokugawa Ieyasu có nói, thời chiến quốc Nhật là thời kỳ “hạ khắc thượng”. Người tài có cơ hội đoạt lấy địa vị chóp bu. Khoảng thời gian đầu của thời kỳ đó, người ta ứng dụng kỹ thuật học từ Trung Hoa, thời gian sau thì học từ Tây Âu để phát triển kinh tế. Thoạt nghe nói thời Chiến quốc, người ta thường có cảm giác là thời đó chỉ có đánh chém lẫn nhau. Nhưng thực ra, đó là thời kỳ mà văn hóa phát triển, kỹ thuật tiến bộ và kinh tế phát đạt. Nhất là kỹ thuật xây dựng thì đã tiến được những bước dài. Dân số thì gia tăng. Tư tưởng, kiểu cách sinh hoạt cũng đã có những tiến bộ rất lớn. Nói cách khác, đó là thời kỳ đáng được gọi là “Thời phục hưng (Renaissance)” của Nhật Bản vậy. Sau trận đánh Sekigahara và sau khi thể chế mạc phủ Tokugawa đã ổn định rồi, thì nhân tài và tiền bạc liền được dùng cho dân sinh. Vì thế, những ngành nghề dân sinh đã phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, xã hội samurai thì đã rơi vào trạng thái “tổng số zero”. Trước đó, từ Oda Nobunaga, qua Toyotomi Hideyoshi rồi Tokugawa Ieyasu, tất cả đều là những tổ chức tăng trưởng lớn mạnh. Thế nhưng, khi thể chế Tokugawa được định xong rồi, thì lúc đó, với đất đai trong toàn quốc chỉ có diện tích nhất định, vấn đề còn lại chỉ là làm sao chia xẻ cái nguồn lợi thu hoạch mà thôi. Lãnh địa của toàn tập thể samurai không tăng lên hơn. Vì thế, những nguyện vọng như “muốn có lãnh địa lớn hơn” hoặc “muốn trở thành lãnh chúa to hơn” đều là những ý nghĩ không chính đáng. Sự phủ nhận cái tư tưởng muốn bành trướng, đã được Tokugawa Ieyasu dạy bảo bằng cách tru diệt các phiên chúa có công, qua cuộc thanh trừng gọi là tái cấu trúc (Chương VI). Võ sĩ samurai toàn quốc Nhật Bản đã phải thay đổi tính tình (re-minding) đi. Dưới thể chế mạc phủ Tokugawa, võ sĩ samurai phải học hỏi cách sống cho thích hợp với xã hội “tổng số zero”. Kết quả là sự khám phá ra cái gọi là “chủ nghĩa minh quân”. Nghĩa là, giá trị của võ sĩ samurai không còn là tài mở rộng lãnh địa, khả năng có nhiều thuộc hạ nữa. Ngược lại, họ phải làm sao cư xử cho phải đạo, phải biết yêu dân, phải được thuộc hạ kính nể, phải có tư cách tốt và ý thức thẩm mỹ cao. Như thế mới đáng gọi là võ sĩ samurai tốt. Ðây là một tư tưởng bảo thủ cực kỳ thoái hóa. Sự phát đạt bong bóng thời Genroku Một trăm năm đầu của thời mạc phủ Tokugawa, là thời kỳ mà xã hội thương gia trưởng thành lớn lao. Do đó, số con cháu võ sĩ samurai đã bỏ giai cấp samurai để gia nhập giới kinh doanh không phải ít. Chẳng hạn, một trong Mười Dũng sĩ Amako [4] lừng danh, là Yamanaka Shika-no-suke, có người con thứ, tên là Shinroku (1570-1650), đã trở thành người lái rượu ở đất Settsu Itami. Ông đã phát minh ra phương pháp nấu rượu sake, và trở thành thủy tổ của dòng họ phú thương Konoike. Thủy tổ của dòng họ tài phiệt Sumitomo là Soga Rihei, người sáng lập ra nhà phú thương Yodoya là Okamoto Yozaburo (Tsuneyasu), v.v., đều xuất thân từ giai cấp võ sĩ samurai cả. Dĩ nhiên cũng có những nông dân đã trở thành phú thương. Ngoài ra, cũng có những người từ Triều Tiên, từ Trung Quốc, vào làng rồi trở thành thương gia hay thợ lành nghề. Giai đoạn một trăm năm đầu của thời mạc phủ Tokugawa đã thu hút được những nhân tài như vậy và đã phát triển kinh tế một cách khí thế. Nửa chừng, cũng có những tai họa như đám cháy lớn thời Meireki-Manji, [5] thời làm ăn thua lỗ của những năm Tenna (1861-1864), nhưng rồi kinh tế lại phục hồi để lại tiếp tục tăng trưởng mạnh. Khoảng thời gian gần 80 năm giữa trận đánh Mùa Hè Ozaka [6] (tháng Năm âm lịch, 1615) cho tới khoảng giữa những năm Genroku, là lúc kinh tế thịnh vượng và tăng trưởng nhanh. Ðỉnh cao của thời kỳ thịnh vượng này chính là những năm Genroku hào hoa vậy. Trong khoảng thời kỳ thịnh vượng dài này, đã có nhiều ngành nghề phát sinh ra. Thí dụ, thợ làm súng ống bằng sắt thép trong thời chiến tranh, nay chuyển sang chế tạo nông cụ. Thế là nhờ có nông cụ bằng sắt nên những vùng đất cằn cỗi trước đây bỏ hoang, nay cũng được khai khẩn. Việc khai mỏ đào hầm lại phát hiện được những nguồn nước ngầm phun ra. Nhờ thế, kỹ thuật đào đường mương, kỹ thuật bơm nước tiến bộ và nghề khoáng sản cũng phát triển. Hơn hết cả là sự khai thác đất đai đã tiến mạnh. Ðiều này có nghĩa là ở thời gian đầu của thời mạc phủ Tokugawa, Nhật Bản hãy còn có nhiều đất đai để khai phá. Chẳng hạn, khi họ Tokugawa lập ra mạc phủ đóng đô ở vùng Kanto, thì chỉ cần cải thiện các dòng nước một chút thôi là đã khiến cho đồng bằng Kanto trở thành một vùng nông canh rộng lớn. Ngay trong thành Edo, chỉ trong một thời gian ngắn, việc lấp ven biển đã mở thêm được một diện tích đất rộng lớn. Những nơi trước kia là đất núi, nay cũng được dẫn nước vào và trồng loại hoa màu thích hợp. Vùng đất sình lầy thì được tát nước đi thành vùng đất trũng để phát triển hoa màu thích nghi. Thế rồi, việc trao đổi, lưu thông những sản vật như vậy, đã khiến cho nền thương mại phát đạt. Rồi với sự ổn định chính trị của mạc phủ Tokugawa, việc phát hành phiếu tín dụng và thể thức giao dịch thị trường tương lai đã nẩy sinh ra. Thế nhưng, nền kinh tế thương nghiệp khi phát triển tới một mức độ rồi thì bị chùn lại. Ðó là vì bước vào thế kỷ thứ XVII thì những tiến bộ kỹ thuật có tính cách toàn cầu ít đi, và Nhật Bản, với đường lối bế môn tỏa cảng, đã không có những kích thích kinh tế đáng kể nữa. Vì thế, vào khoảng giữa thời Genroku thì không thấy còn có đối tượng đầu tư có hiệu quả nữa. Dẫu có đổ tiền vào khai thác đất đai thì đất canh tác cũng không tăng thêm nữa nghĩa là với kỹ thuật thời đó, chỗ nào khai thác được đều đã được khai thác hết rồi. Ðương nhiên, cán cân I-S [7] bị mất thăng bằng, khiến nẩy sinh ra tình trạng dư thừa nguồn vốn. Bọn nhà giầu xổi ở Edo và Ozaka có tiền không biết dùng vào đâu, bèn bỏ ra du hí miệt mài. Thời Genroku là lúc mà những loại hình nghệ thuật, như kịch hát bội Kabuki, kịch rối Bunraku, tranh hoa lệ của Ogata Korin hay nghề thủ công đã phát triển mạnh. Một hình thức đua tài thời trang gọi là “thi đua Kimono” đã thịnh hành, và thú ẩm thực cũng thịnh lắm. Nói cách khác, cái hào nhoáng của thời Genroku chẳng qua là cái bong bóng do tư bản thương nghiệp đã mất đất dụng võ thổi phồng lên. Thế mà vẫn còn tiền thừa để cho các phiên chúa vay nợ. Ðời sống trở nên xa hoa, thì võ sĩ samurai cũng như lãnh chúa đều phải tiêu sài tốn kém. Giới võ sĩ, với thu nhập cố định một cọc ba đồng thì dứt khoát là nghèo đi. Mức sinh hoạt chung tăng lên, song mức thu nhập của võ sĩ samura vẫn không thay đổi. Lương lậu được lĩnh bằng gạo nên tuy không chịu ảnh hưởng của lạm phát, song không theo kịp đà tăng của mức sinh hoạt và sự gia tăng kinh tế. Mạc phủ Tokugawa mặc dầu không võ trang mà đã duy trì được quyền lực tới 260 năm, chính là nhờ ở cơ chế bần cùng hóa mãn tính của giai cấp cai trị. Thế nhưng, tiền cho phiên chúa vay chỉ là để lấy lời, chứ có sinh ra tài vật gì đâu. Rốt cục, các phiên địa đều rơi vào tình trạng tài chính eo hẹp. Ðến thời Genroku, thì ngay nền tài chính của mạc phủ cũng bị quẫn bách. Vàng bạc tích lũy từ thời bậc khai tổ là Tokugawa Ieyasu cũng cạn đi mất hết. Không làm sao khác được, tháng 8 năm 1695 (Genroku năm thứ tám), mạc phủ đã cho đúc tiền lại. Hàm lượng vàng trong đồng tiền vàng bị giảm bớt đi. Thay vào đó, đồng được trộn vào, và số lượng tiền được đúc ra nhiều hơn. Ðồng tiền bạc cũng được pha thêm chì để đúc ra số lượng nhiều hơn. Nói theo kiểu ngày nay, thì đây là lạm phát tiền tệ. Ðương nhiên, sự lạm phát như vậy làm cho việc làm ăn được phấn chấn một thời gian. Nửa sau của thời Genroku chính là lúc thịnh vượng bong bóng. Ðám nhà thầu xây dựng như Kinokuniya Bunzaemon được lời lớn. Bởi vì họ trúng những mẻ thầu lớn như xây điện Goji-in và chùa Gokokuji. Tình huống này cũng tương tự như thời kinh tế bong bóng của những năm 1980. Song, bong bóng vẫn chỉ là bong bóng. Sự thịnh vượng giả tạo không được yểm trợ bởi sự gia tăng sản xuất và gia tăng tiêu dùng, thì không thể kéo dài được. Bốn năm sau vụ đúc tiền lại, tức là khoảng năm Genroku thứ 12 (1699), bong bóng bắt đầu xẹp dần. Chính lúc đó là thời kỳ Baigan đến ở đợ cho nhà buôn đầu tiên bị phá sản. Mới 8 tuổi đầu, từ nhà quê Tanba ra nơi đô hi Kyoto, mặc dù được mắt thấy cái vẻ hào nháng của thời Genroku, nhưng chưa có cơ hội thưởng thức thì đã phải nếm mùi thảm thương là nơi ở đợ bị phá sản. Thời Yoshimune có thế tình giống như ngày nay Thế tình mỗi ngày một xuống dốc. Tiểu thuyết “Chân dung một người đàn ông khiêm nhường” (tác giả: Sakaiya Taichi) viết về Baigan của thời kỳ đó. Vụ trả thù chúa nổi tiếng Chushin-gura [8] diễn ra ngày 15 tháng Chạp âm lịch, năm Genroku thứ 15. Theo dương lịch, người ta hay coi vụ này diễn ra năm 1702. Nhưng vì đó là ngày 15 tháng Chạp âm lịch, nên theo dương lịch lúc đó phải là đã sang năm 1703. Lúc đó, bong bóng thịnh vượng đã xẹp rồi, việc làm ăn trở nên khó khăn một cách trầm trọng. Vì vậy, sự kiện phiên chúa Asano Takumi No Kami đã hà tiện trong việc đút lót Kira Konosuke No Suke không phải là không có liên quan tới vấn đề tài chính eo hẹp của phiên bang. Thời Genroku chỉ kéo dài 17 năm. Tháng 3 năm thứ 17, niên hiệu đổi thành Hoei nguyên niên. Niên hiệu này ít được mỗi người nhớ tới, duy chỉ có vụ nổ Hoei của núi Phú Sĩ (năm Hoei thứ tư, tức 1707) là nổi tiếng. Khói bụi do núi phun ra đã rắc tro xuống thành Edo (ở cách xa hàng 100 km) và cản ánh nắng đến nỗi năm đó mất mùa. Cảnh khí buôn bán trở nên cáng tệ hơn, và bầu không khí trong xã hội mỗi ngày một thấy bí bích hơn. Chỉ còn một lối xả hơi duy nhất là phong trào đi lễ đền Ise. Một hiện tượng thú vị của thời Tokugawa mỗi khi cảnh khí làm ăn không phấn chấn, thì không lần nào sai lần nào, mọi người đua nhau đi lễ đền Ise. Theo kinh tế học ngày nay, thì sự biến động dài hạn của cảnh khí kinh doanh là khoảng 60 năm, gọi là “làn sóng Kondrachev” [9]. Nền kinh tế bế môn tỏa cảng của thời Tokugawa đã hùng hồn chứng minh điều này. Phong trào đi lễ đền Ise cũng cứ khoảng 60 năm lại thịnh hành một cách nổ bùng lên. Ði lễ đền Ise quả đã là một phong trào bộc phát, nhất là ở thời Hoei thì chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng trời đã có khoảng 3 triệu 600 ngàn người cuồng nhiệt tham gia. Thời ấy từ Ozaka tới Ise phải đi mất ba ngày đường. Vậy nếu ngủ lại Ise một đêm, thì như vậy phải mất một tuần đi về. Từ những nơi xa hơn thì phải mất có khi hơn cả chục ngày. Dân số Nhật Bản thời đó chỉ là khoảng 30 triệu người, và như vậy con số người đi lễ đã lên tới khoảng 12 phần trăm dân số nghĩa là 12 phần trăm tổng dân số đã làm một cuộc du lịch lớn từ một tuần tới mười ngày trong vòng chưa đầy hai tháng trời. Nói theo cảm giác ngày nay, thì như vậy tương đương với sự kiện 15 triệu người Nhật Bản đổ xô đi du lịch Nữu Ước trong khoảng thời gian chưa đầy hai tháng trời. Thời Tokugawa thì người làm công phải trình với chủ nhân, con phải trình với cha mẹ, vợ phải trình với chồng, chứ không được tự tiện bỏ nhà đi du lịch. Hơn nữa, nông dân thì phải trình với lãnh chúa, xin giấy thông hành mới qua cửa ải được. Bởi vì thời ấy chế độ phong kiến, chế độ gia tộc, chế độ chủ tớ đều đè nặng lên đầu mỗi người. Ðể thoát khỏi được sự kiềm chế như vậy dù chỉ nhất thời thôi, chính là việc đi lễ “lén”. Phong trào đi lễ bùng nổ vào những năm ngay sau năm “thiên cung” của đền Ise. Sáu mươi năm một lần phong trào đi lễ bùng nổ lên như vậy đã có hiệu quả giải phóng dân gian khỏi cái bí bức, cái cảm giác khó thở của lúc cảnh khí làm ăn trở nên tồi tệ. Năm Kyoho thứ 15 (1730), đã thấy xuất hiện một cuốn sách phê bình lệ đi lễ “lén” (Sách dạy bảo lẽ phải trái của việc đi lễ lén), song tức khắc lại có sự phản luận. Tầng lớp cai trị cũng thấy “thật là khó xử”, song họ cũng phải nhìn nhận công dụng của việc đi lễ là làm tiêu tan sự bất mãn của quần chúng. Mỗi lần phong trào đi lễ đền Ise bùng nổ ra, là lúc sự tiêu dùng lại tăng vọt lên. Thời Hoei thì nhà trọ và quán ăn hãy còn ít nên mỗi dịp như vậy lại là một phen hỗn độn. Ðịa chủ và phú thương dọc đường tới Ise đã đem khăn phát không cho khách hành hương, hoặc cho họ ăn, hoặc cho ngủ bợ. Dân chảy hội đều nghĩ rằng những phú thương được lời quá trong lúc cảnh khí phấn chấn, thì lúc này là lúc họ đương nhiên phải bù đắp lại cho xã hội. Cũng có thể nói là mỗi lần phong trào đi lễ đền Ise bùng nổ ra vào lúc cảnh khí kinh tế xuống dốc như vậy, chính là cơ hội tái phân phối của cải. Thế nhưng, trong khoảng thời gian cảnh khí làm ăn xuống dốc như vậy, đám phú thương ở kinh đô hay ở Ozaka đã phải tiêu xài những món tiền lớn, nên họ chịu không nổi nữa. Một mặt, để khỏi bị giới võ sĩ samurai ghen ghét ganh tị, họ phải bắt đầu thắt lưng buộc bụng, sống cuộc đời tiết kiệm. Như vậy lại càng làm cho cảnh khí trở nên tồi tệ hơn. Thời Genroku và Hoei là đời trị của vị chúa Tokugawa thứ năm, Tsunayoshi. Hai đời chúa sau ông đều đoản mệnh, và sau đó là lúc đăng đàn của vị chúa thứ tám, Yoshimune. Cảnh khí suy xụp, thì đương nhiên thu nhập của các phiên địa cũng sút giảm. Nền tài chính của mạc phủ, với sự tiêu sái phung phí cho công cuộc đầu tư công cộng, thì nay bị thâm thủng. Nguồn lợi thu được từ việc cho đúc lại tiền nói ở trên, cũng chẳng bao lâu tiêu mất hết. Ðể đối lại với tình trạng tài chính khó khăn này, chúa Yoshimune đã dạy người ta phải triệt để tiết kiệm. Ðó là cuộc cải cách tài chính thời Kyoho. Chính ông đã nỗ lực tiết kiệm, và ông bắt người khác cũng phải noi gương ấy. Ông dựng nên xã hội do quan chức cầm đầu bằng cách dùng thám tử, gọi là Oniwa-ban, rình rập cung cách sinh hoạt của người khác và nếu thấy tiêu xài xa hoa thì bắt giam, rồi tịch thu tài sản. Chính trong thời đại tối tăm xuống dốc như vậy mà thanh niên 23 tuổi Ishida Baigan, đã lên Kyoto xin việc làm lại ở nhà hàng bán quần áo Kuroyanagi-ya. Ðây là một nhà hàng lớn, nổi tiếng, nhưng vì phải làm việc ở địa vị tương đương với những cậu bé 12, 13 tuổi, nên Baigan hẳn đã lấy làm khổ tâm lắm. Nói cách khác, Baigan đã bị đưa vào cảnh ngộ đen tối của kẻ thất bại, lạc loài. Thế tình thời đó cũng giống như tình trạng bong bóng xẹp của những năm 1990. Thế giới của võ sĩ samurai thì đã bị “tổng số zero hóa”. Giới thương gia thì khoảng mười năm qua đã xuống dốc dần dần. Sự kiện này đã đánh một đòn tinh thần đau vào giới thương gia. Bởi vì, là con buôn, ai nấy đều hướng đến làm ra tiền, nhưng nay việc làm tiền đã tới giới hạn, họ mất hẳn mục tiêu của cuộc đời. Ðến thế này thì họ sẽ giữ thủ thế, bằng cách giữ của cải lại. Sách “Gia huấn của họ Konoike”, hoặc “Những điều viết để lại” của Mitsui Takatoshi, hay “Ghi chép về ý nghĩ của nhà buôn” của Mitsui Takafusa nghĩa là những sách gia huấn do thương gia viết để lại cho con cháu, phần lớn đã xuất hiện vào những thời Hoei, Seitoku, Kyoho sau Genroku, tức là lúc việc làm ăn đã dần dần xuống dốc. Sách nào cũng dạy là phải “làm ăn cần cù và tiết kiệm”, tức là dạy quan niệm nhân sinh thế thủ. Nhà kinh doanh nào đã sống qua thời làm ăn khó khăn sau khi bong bóng Genroku bị xẹp, đều dạy “hãy làm ăn cần cù, sống thanh bạch, tiết kiệm” để có thể vượt qua được thời kỳ làm ăn khó khăn như vậy. Nghĩa là làm sao duy trì cho được thể chất tiêu xài ít, tích lũy nội bộ nhiều, để vượt qua giai đoạn kinh doanh suy sụp. Lý luận như vậy chỉ đúng trong việc kinh doanh của một xí nghiệp, tức là trong phạm vi kinh tế vi mô. Nhưng nếu mỗi người đều làm việc cần cù, đều tiết kiệm cả, thì trên bình diện kinh tế vĩ mô của toàn dân, sự thăng bằng sẽ không duy trì được. Mỗi người càng làm việc chăm chỉ, cần cù, thì lượng sản xuất càng gia tăng, số cung càng lớn lên. Nhưng nếu mỗi người đều tiết kiệm thì số cầu sẽ giảm đi. Kết quả là hàng làm ra bán không hết. Như vậy, làm bao nhiêu cũng vẫn thấy đời sống khổ cực. Nếu là thời nay thì lượng sản xuất thặng dư được bán ra ngoài nước làm cho cán cân mậu dịch trở thành “chữ số đen” (bán ra nhiều hơn mua vào). Nhật Bản có “chữ số đen” về mậu dịch quốc tế vào thời đầu của những năm Heisei (niên hiệu kể từ năm 1989 tới nay) lên tới 130 tỷ đôla Mỹ hàng năm, là vì lúc đó mặc dầu không còn đối tượng đầu tư nữa, nhưng mỗi người vẫn làm ăn cần mẫn, vẫn tích lũy đều đặn, cho nên số cung vượt quá số cầu, và lượng sản phẩm thặng dư đã được dồn hết sang bàn cho nước ngoài. Nói bằng ngôn ngữ kinh tế ngày nay, thì tích lũy, hay tiết kiệm (S) phải luôn luôn bằng đầu tư (I), nghĩa là S=I. Như thế, nếu S tăng mà I không có đối tượng thì bắt buộc phải rơi vào tình trạng kinh doanh suy đồi để giảm bớt S đi. Người Nhật thời Kyoho không có cái hiểu biết kinh tế như vậy, nên mạc phủ Tokugawa đã ra lệnh bắt mọi người phải tiết kiệm đồng thời cấm xa hoa. Vì thế nên nhu cầu càng bới đi, nên đã rơi vào tình trạng cân bằng sút giảm (nghĩa là S=I nhưng cả S lẫn I đều nhỏ lại). Thế nhưng người Nhật rút cục đã nhận biết được điều này. Nghĩa là, người Tây Âu vì đã dựa vào thuộc địa hay chiến tranh với ngoại quốc để tìm đường thoát thân, nên đã không nhận thức được điều mà người Nhật ở thế kỷ thứ XVIII đã hiểu rõ. Làm thế nào được đây. Có hai con đường. Một là mọi người cùng tán thưởng xa hoa nghĩa là mỹ hóa sự tiêu xài. Hai là bỏ sự cần cù làm ăn đi, bớt số giờ lao động đi và vui chơi trong những thời giờ nhàn rỗi. Thời đó, người Nhật không thể bỏ sự cần cù làm ăn đi được, vì nhìn ở bình diện vi mô, thì cả nhà nông cũng như nhà buôn, cả hai đều đòi hỏi sự cần cù lao động. Xa hoa cũng không được. Bởi nếu xa hoa thì bị mạc phủ Tokugawa bắt tội, như Yodoya Tatsu Goro đã bị tịch thu tài sản và đuổi khỏi quê quán. Hơn nữa, vật giá gia tăng khiến cho việc buôn bán không thành được. Thật là vấn đề bức xúc với người Nhật thời đó. Giải pháp đầu tiên là do Ito Miroku (hay Jikigyo) đề xuất. Ðó là sự sùng bái núi Phú Sĩ, mà sau này trở thành tục đi lễ núi Phú Sĩ. Việc này chỉ gồm có vừa leo núi Phú Sĩ vừa tụng câu “lục căn thanh trừng” [10]. Thế nhưng, một mặt thì quan niệm rằng “tiền bạc là con đò đưa người ta vượt qua cõi đời trôi nổi này”. Nói cách khác, đây là sự tu hành đi tìm cái lợi đời nay chứ không tin vào Thần Phật để được tới thế giới cực lạc. Ðây chẳng qua là khuyên người ta lao khổ, vận động thật nhiều nhưng không sản xuất ra gì cả. Ðể đền bù, nếu leo núi Phú Sĩ được nhiều lần thì được gọi là “người đạt”, được nhiều lần hơn nữa thì trở thành “người đại đạt”, được người khác kính nể. Trong một thời gian ngắn, phong trào leo núi Phù Sĩ như vậy đã thịnh hành lắm. Song, chẳng bao lâu, người ta đã tỉnh ngộ vì việc này quá ư ấu trĩ. Nó chỉ làm mệt mỏi nên đã không thuyết phục được đông đảo người ta nữa. Thời kỳ Kyoho với nỗi bức xúc như vậy của mỗi người, chính là giai đoạn hai trong cuộc đời Ishida Baigan. Lúc này, Baigan đã được thăng chức từ tiểu đồng lên làm quản gia, tức là con buôn hẳn hoi. Ðây là thời kỳ Baigan đã sống trong tình trạng mâu thuẫn kịch liệt. Ðiều này có quan hệ sâu đậm với cách dạy con của cha Baigan. Người cha này là người hết sức thật thà. Khi Baigan còn nhỏ, đi lượm hạt dẻ ở núi đem về, thì người cha hỏi: “Hạt dẻ đó rơi ở bên trái hay bên phải đường ranh giới?” Khi nghe cậu bé trả lời “bên trái”, ông liền nói: “Ðó là hạt dẻ của người khác rơi xuống, lăn sang đất nhà ta. Vậy phải đem trả về chỗ cũ ngay”. Rồi ngay nửa đêm, ông bắt cậu Baigan phải đem trả về núi. Câu chuyện này còn lưu truyền tới ngày nay. Chính cái giáo dục nghiêm khắc này đã một phần làm cho Baigan trở thành con người hết sức nghiêm túc, thật thà. Lời cha bảo không được nói xấu nhà chủ, đã khiến Baigan dấu cha nhiều năm không nói ra việc chủ nhà đã phá sản. Thật là sự thật thà nghiêm túc hiếm có. Baigan là “người nghiêm túc” như vậy đó, nên đã cảm thấy vô cùng bức xúc trước những mâu thuẫn của thời thế. Rồi sau khi suy nghĩ mung lung, Baigan chợt tỉnh ngộ và ở tuổi 42, 43, ông đã xin thôi không làm quản gia cho nhà hàng Kuroyanagi-ya nữa. Như đã thuật, ông theo học Oguri Ryo’un, để rồi tự khám phá ra chân lý của riêng mình. Năm Kyoho thứ 14 (1729), ở tuổi 45, ông đã mở trường dạy học ở phường Kurumaya, kinh đô Kyoto. Nói là mở trường, song lúc đầu chẳng có học trò nào cả. Trước hết, ông phải ra đứng đầu đường, thuyết giáo cho người qua đường nghe cái suy nghĩ của bản thân mình. Ngày nay, hình thức thuyết giáo này gọi là diễn thuyết đầu đường. Ngày đầu tiên diễn thuyết như vậy chỉ có một nông phu tay cầm một củ cải, đứng nghe thôi. Có một dạo, ông Takeshita Noboru [11] hay nói: “Dẫu có phải đứng đầu đường, ta cũng quyết thuyết giảng đường lối này”. Câu nói này gốc gác là của Ishida Baigan. Nghĩa là, dẫu có phải đứng thuyết giáo đầu đường, xó chợ, ông cũng muốn giảng giải cho rõ cái đạo của mình. Với sự hăng say như vậy, Baigan đã tiếp tục đứng đầu đường thuyết giảng cái đạo của mình vậy. Làm ăn cần cù là tu thân Vậy thì Ishida Baigan đã thuyết giảng cái gì. Quả thật, đó chỉ là hãy làm việc cần mẫn, hãy sống tần tiện, thanh bần. Rồi ông giảng giải làm thế nào để sự cần mẫn lại đứng song lập được với lối sống thanh bần. Không phải chỉ khuyên nên làm việc cần mẫn, mà còn cả nên tần tiện, tức là nêu lên một quy phạm luân lý ảnh hưởng đến cả hai đức tính một lúc. Ðó mới là quan trọng. Nguồn gốc là sự rút gọn cái triết lý độc đáo của mình thành “mọi nghề đều là tu hành” cả. Nói cách khác, làm việc cần mẫn tức là tu thân. Mỗi nghề, từ nhà nông cầy ruộng, nhà buôn bán hàng, thợ chế ra đồ dùng, làm gì cũng vậy, nếu cần cù trau dồi nghề nghiệp, thì tự nhiên nhân cách được tu dưỡng tốt ra. Nói cách khác, để tu dưỡng được như vậy, người ta có thể bỏ quên cái năng suất đi. Lời dạy bảo của Baigan có thể tóm lược như sau: “Người ta mỗi ngày làm việc sáu tiếng đồng hồ thì được ba hộc gạo (540 lít). Ta làm việc mỗi ngày tám tiếng đồng hồ để lấy ba hộc một thăng gạo (541,8 lít). Ôi tuyệt diệu biết bao”. Nghĩa là người ta đi làm mỗi ngày sáu tiếng đồng hồ để lãnh một năm 540 lít gạo, nhưng Baigan đi làm mỗi ngày tám tiếng đồng hồ chỉ là để lãnh 541,8 lít gạo, thế mới hay, mới thú vị. Cái quan trọng ở đây không phải là đặt trọng điểm của việc làm (sự lao động) vào năng suất, vào sản lượng, mà cái quan trọng là sự tu thân, sự tu dưỡng nhân cách, sự sống sao cho phải đạo làm người. Nếu đem khái niệm năng suất lao động ra giải thích, thì như vậy là hai giờ lao động cuối cùng có năng suất sút giảm kinh khủng. Bởi vì, nếu mỗi ngày làm việc sáu tiếng đồng hồ mà thâu được 540 lít gạo mỗi năm, thì như vậy là mỗi giờ làm việc một ngày sẽ đem lại 90 lít gạo một năm. Vậy nếu làm việc tám tiếng đồng hồ một ngày mà chỉ được 541,8 lít gạo, thì ra hai tiếng đồng hồ cuối cùng chỉ có năng suất lao động giảm xuống bằng một phần trăm. Thế nhưng, cái quan trọng, cái bí quyết là năng suất này không tụt xuống zero. Phong trào sùng bái núi Phú Sĩ thì, ngay từ đầu đã biết rằng việc làm này không sản suất ra cái gì cả, nhưng vẫn khuyên người ta leo núi Phú Sĩ. Thế nhưng, phép tu hành của Baigan thì không phải là không sản suất gì cả. Hơn nữa, biết đâu hai tiếng đồng hồ làm thêm kia, lại chẳng mang lại sự được mùa. It lắm, nó cũng giúp tránh khỏi mất mùa. Nghĩa là, nó vẫn hơn ở không, hơn chơi bời. Ngoài ra, nếu nó giúp ta tu thân, thì chẳng phải là điều hay đó sao? Sách viết của Baigan, như cuốn “Luận về việc tề gia tằn tiện” hoặc sách viết chung với học trò “Vấn đáp tỉnh quê”, hay sách do học trò ghi chép lại những câu hỏi và đáp án với học trò “Lời thày Ishida dạy”, tất cả tựu trung là lập đi lập lại lời dạy “lao động cần cù là tu dưỡng nhân cách”. Tóm lại, nền Tâm học Thạch Môn của Ishida Baigan lấy tư tưởng đó làm căn bản. Nó đã thuyết phục được người đương thời bởi vì nó không thuyết giảng sự lao động sản xuất trong sự gò bó cưỡng bách, ngược lại nó chủ trương lấy lao động làm phương tiện tu thân. Tư tưởng của Baigan dần dần được đệ tử truyền bá ra toàn quốc. Học xá Tâm học Thạch Môn đã được lập ra ở khắp nơi. Sau khi Baigan mất, người ta thấy đã mọc ra ở kinh đô Kyoto ba học xá là Tu chính xá, Thời tập xá và Minh luân xá. Ở Ozaka cũng có ba trường là Minh thi xá, Tĩnh an xá và Ý hành xá. Rồi ở thành Edo thì có Tham tiền xá. Từ các học xá này, đã xuất hiện nhiều nhân vật xuất sắc. Chẳng hạn, Tejima To-an là người đã đóng góp nhiều cho sự phổ biến cái học của Ishiba Baigan, bằng cách bỏ tiền ra mở trường Tâm học. Hay là, một trong những học trò của To-an, tên là Nakazawa Doni, đã mở trường truyền bá Tâm học Ishida ra khắp vùng Kanto. Trong hậu bán của thời kỳ mạc phủ Tokugawa, người ta thấy đã có tới mười phiên chúa kể cả phiên chúa Yamazaki của phiên địa Haruma No Kuni, là môn đồ của Doni. Cái đặc sắc nhất trong phương pháp thuyết giảng Tâm học của họ là dùng những tỷ dụ, những câu chuyện lý thú để giải thích từng vấn đề của cuộc sinh hoạt thường ngày, giống như lời thuyết pháp của thày chùa vậy. Phương pháp thuyết giảng này đã được cả phiên chúa lẫn thứ dân hoan nghênh. Hơn thế nữa, cho đến thời đó thì không hề có trường học nào lấy đối tượng là nữ giới cả. Nhưng, những trường Tâm học Ishida này đã hoan nghênh cả nữ giới nữa. Thật là một tiến bộ đáng ngạc nhiên. Xem những bức tranh vẽ quang cảnh một phòng học của trường Tâm học Thạch Môn, người ta thấy thày giáo ngồi trên giữa một cái bục ở chính diện. Học trò nam nữ chia nhau ra ngồi hai bên phòng, ở giữa có một tấm mành mành ngăn cách. Học trò đều có thể nhìn thấy mặt thày, nhưng hai bên học trò nam nữ thì không thấy mặt nhau được. Nhờ có sáng kiến mới như vậy, nên trường Tâm học đã lan ra khắp nước, được đại chúng ủng hộ coi như là nơi nương tựa tinh thần. Nhờ thế, đã có tới 21 trường như vậy được lập ra. Tất cả những trường này đều chỉ dạy người ta hãy làm việc cần mẫn, hãy trau dồi nghề nghiệp của mình, thì như vậy nhân cách cũng sẽ được tu dưỡng. Nghĩa là, tất cả là để truyền bá cái tư tưởng cần cù, tần tiện, an phận tri túc của Ishida Baigan. Ngồi không là uổng Tư tưởng của nền Tâm học do người quản gia hơn người, Ishida Baigan, khởi xướng, đã có ảnh hưởng sâu đậm tới Nhật Bản và người Nhật. Ngay ở thời đại với nhiều biến đổi nhanh chóng như ngày nay, tư tưởng đó cũng đáng là đầu đề suy ngẫm. Ảnh hưởng thứ nhất là, người Nhật ai nấy đều coi sự làm việc cần cù không kể đến năng suất lao động, không đếm xỉa đến tính kinh tế, là vô cùng tốt. Do đó, mới nảy sinh ra ý nghĩ “chơi là phí phạm, ngồi không là uổng”. Ðến gần đây, người ta mới thấy giảm bớt đi, chứ chỉ 10 năm, 15 năm trước đây thôi, nhà nông cũng như người buôn bán lẻ, ai nấy đều có ý thức như vậy cả. Thí dụ, có những nhà hàng bán trái cây ở góc phố mở cửa tới quá 10 hay 11 giờ đêm. Nếu hỏi chủ cửa hàng “Quá 8 giờ thì khách vào có đông không?” Ông ta sẽ trả lời “Chỉ lác đác thôi. Rút cục chỉ đủ tiền điện”. Lại hỏi “Vậy sao không đóng cửa, nghỉ cho khỏe?” Thì ông sẽ nói “Dạ thưa, ngồi không thì uổng. Trông cửa hàng để khỏi ngồi không”. Hay là vào một nhà hàng giặt ủi, người ta sẽ thấy quần áo giặt ủi xong được xếp lại gọn ghẽ, bọc nilông hẳn hoi. Thế nhưng ở nước ngoài thì để tránh lãng phí công sức như vậy, quần áo giặt ủi xong chỉ được máng lên mắc áo bằng dây kẽm. Một cái mắc áo dây kẽm như vậy chỉ tốn 10 Yen, nếu đem so với công sức mười phút đồng hồ để gấp xếp rồi bọc nilông, thì không đáng kể. Thế nhưng, nhiều chủ tiệm giặt ủi sẽ nói “bề nào cũng ngồi không, nên gấp lại như vậy tốt hơn”. Với nhà nông, thì ý thức đó càng rõ hơn. Chẳng biết có thu hoạch được thêm chút nào không, nhưng người ta bao giờ cũng vác cuốc ra đồng. Nói cách khác, làm việc để tự thấy mãn nguyện, làm việc để được an tâm, đã trở thành một tập quán của người Nhật vậy. Thời Showa (1926-1989), người Nhật bị phê bình là “làm việc quá nhiều”. Ðó chính là chứng tích của tư tưởng “làm việc cần cù chính là tu dưỡng tinh thần, tu dưỡng nhân cách” của Baigan vậy. Nhưng nếu tư tưởng này chỉ dừng lại ở đây thôi, thì ảnh hưởng cũng nhỏ. Khốn nỗi, nó đã lan rộng ra, tạo thành nét độc đáo của nền văn hóa Nhật Bản. Mâu thuẫn giữa làm ăn cần mẫn và lối sống thanh bần Trong nền văn minh Thiên chúa giáo của Âu Tây, hay trong nền văn minh Hồi giáo của vùng Trung Ðông, thì làm việc cần mẫn là để tích lũy tài sản để sau này vui thú hưởng nhàn. Do đó, chính việc làm ăn cần cù trở thành đề tài “nên hay không nên”. Nhưng nếu thuyết dụ nếp sống thanh bần, thì tốt hơn hết là coi trọng tín ngưỡng, mà việc cầu nguyện thần thánh là ưu tiên. Trong nền Nho học của Trung Hoa, thì cái học của Chu Tử lấy sự hiểu biết làm chủ (chủ tri chủ nghĩa), nên coi trọng tri thức và tưởng thưởng sự cần mẫn. Nhưng đó là sự cần mẫn học tập để mở rộng tri thức, chứ không phải là sự cần cù làm ăn. Nói cách khác, đó không phải là khích lệ người ta cần cù sản xuất để truy cầu cái lợi ích đời nay. Mặt khác, thanh bần là một trong số những tư tưởng trung tâm của Công giáo. Chẳng hạn, Công giáo thời trung cổ coi “Gautier một xu dính túi không có”, “Pierre nghèo rớt mùng tơi” hoặc “Thánh Francisco nói chuyện với cả chim chóc”, đều là hay, là giỏi. Thày tu thì bỏ hết bề ngoài hào nháng, chỉ mặc đồ đen hoặc đồ trắng. Dòng Francisco thì mặc quần áo màu nâu. Lưng chỉ thắt một sợi dây gai, để thực tiễn sự tiết kiệm. Tư tưởng coi thanh bần là thiện, thì có ở khắp thế giới. Thế nhưng ít thấy có những nhà tư tưởng nào đồng thời dạy người ta cần cù làm ăn. Giảng dạy người ta hãy chăm chỉ cầu chúa, hay cần cù học tập để hiểu biết thì có, chứ còn việc chăm chỉ làm ăn thì không lưỡng lập được với lối sống thanh bần, nên thường được né tránh. Thế nhưng, Baigan thì dạy người ta cần cù lao động, dù là làm ruộng, hay làm thợ, hay đi buôn, thì đây quả là đã lập nên một nền luân lý độc đáo. Không phải nước ngoài không có tư tưởng coi lao động cần cù là thiện. Giáo lý Tin lành chẳng hạn, là một. Song ở đó, cần mẫn và thanh bần đã trở thành mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn, trong các giáo phái Tin lành, thì Thanh giáo (Puristan) đã thực tiễn cả hai. Họ phạt rừng, làm rẫy, cho nên bị những người khác ghê sợ vì sự kiện họ phá hoại thiên nhiên và sự cân bằng kinh tế. Có một thời, cuộc cách mạng Thanh giáo này đã lan rộng ra hết nước Anh, nhưng rút cục, họ đã phải bán sới châu Âu và tìm đường sống ở châu Mỹ. Mặt khác, cũng có giáo phái Tin lành chỉ chuộng sự cần mẫn và bỏ lối sống thanh bần đi. Nghĩa là, với thành quả của sự làm ăn cần cù, người ta có thể hưởng lạc. Chính cái tư tưởng này đã phát sinh ra “Tinh thần chủ nghĩa tư bản” của Max Weber vậy. Một điều làm cho người ngoại quốc hay hiểu lầm Nhật Bản, là Zen (Thiền). Baigan cũng nhiệt tâm tu Thiền, cho nên cũng có thể bảo rằng Tâm học Thạch Môn phát sinh ra từ Thiền. Song, cái Thiền mà người ngoại quốc nghiên cứu, là Thiền của thời đại Kamakura, chứ cái Thiền mà của phần đông người Nhật đời nay thì khác xa lắm. Nguyên lai, Thiền coi đức Ðạt Ma Ðại Sư (Tổ sư) ngồi nhìn tường chín năm là tài, là giỏi. Nghĩa là, coi việc triệt để sống thanh bần, chứ không màng tới lao động sản xuất, mới là hệ trọng. Chủ trương chi ly đã trở thành thói quen buôn bán Ảnh hưởng thứ hai của lời dạy “mọi nghề đều là tu thân” của Baigan, là sự suy luận từ mặt trái của câu đó, tức là “nếu có nhân cách đàng hoàng thì tất sẽ lao động cần cù trong sản xuất”. Người Nhật thời Tokugawa có ít tiến bộ về kỹ thuật, đồng thời đất đai thì hạn hẹp và tài nguyên thì nghèo nàn. Như vậy, nếu mọi người đều làm việc cần cù, thì sẽ xảy ra tình trạng lao động quá nhiều, đất đai và tài nguyên không đủ. Ðó là hiện tượng “treo mạng sống cho một mảnh đất”. Nghĩa là người ta dốc hết sức lao động vào một mảnh đất nhỏ hẹp, một nhúm tài nguyên nhỏ nhoi. Như vậy sẽ phát sinh ra sự cạnh tranh làm cho tốt, làm cho đẹp tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Sự cạnh tranh này tăng lên, sẽ khiến người ta nghĩ rằng: “Tôi là người có nhân cách cao khiết, nên mới làm ăn cần mẫn như vầy. Chứng cớ là tôi chú tâm làm kỹ tới những chi tiết mà người khác không nhận ra”. Cái “kỹ tính”, tức là cái đặc tính chú trọng tới chi tiết của người Nhật, đã làm cho họ “làm kỹ” cả tới mặt trái của quần áo, hay cái mặt đế của bàn thờ Phật. Nghĩa là, muốn được cả “cần” lẫn “kiệm” thì không những phải hạ năng suất lao động xuống, mà đồng thời còn phải để ý tới những gì người khác không nhìn thấy, để nâng trị giá gia tăng lên, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Ðúng ra, đây chính là để khoe cái giá trị của sản phẩm mình ở chỗ kỹ càng và tỉ mỉ. Thế rồi từ đó tạo ra cách thức đánh giá con người ở cái đức tính có thể làm ra được sản phẩm như vậy. Sau rốt, cái tỉ mỉ, cái kỹ càng đó đã trở thành đặc trưng của sản phẩm Nhật Bản, thành tập quán làm ăn của người Nhật. Những chỗ chẳng cần thiết gì cả, cũng câu nệ làm cho kỹ càng tỉ mỉ. Thậm chí, cái cách gói ghém sản phẩm, cái cách dán nhãn cũng cầu kỳ, cũng để ý từng li từng tí một. Thế nhưng, những chỗ cầu kỳ, tỉ mỉ như vậy thì người thường không hiểu nổi. Chúng trở thành trung tâm của sự cạnh tranh giữa các thợ lành nghề: “Cũng cùng một vật liệu, nhưng cái công sức tôi đã đổ vào đó, thì khác xa. Xin hãy nhìn chỗ này này. Người trần mắt thịt thì đâu có nhìn thấy những chỗ tôi đã đổ công sức vào như vậy”. Lúc này, sản phẩm ngoại quốc khi nhập vào thị trường Nhật Bản hay bị khiếu nại, chê bai về sự gia công bôi bác ở những chỗ nhỏ nhặt. Chẳng hạn, khi xem nước sơn xe ôtô có được gia công cẩn thận hay không, người ta thường vạch lên đó một đường nghiêng, rồi kiểm tra từng chiếc xe một, bằng cách chiếu một tia sáng vào đó xem có thể nhìn rõ tia phản xạ qua một mặt gương phẳng không. Hơn nữa, người ta kiểm tra nghiêm ngặt xem cánh cửa xe khi đóng lại thì khe hở giữa mép cánh cửa đã đóng lại với lỗ đóng cánh cửa có đều nhau từ trên xuống dưới không. Chỉ có Nhật Bản mới kiểm tra kỹ lưỡng như vậy. Ý thức về cái đẹp ở cả những chỗ tỉ mỉ người Nhật, cũng thấy xuất hiện trong bản in. Ở nước ngoài, vì mỗi từ dài ngắn khác nhau nên người ta chỉ chú ý đến làm thẳng hàng phía bên trái, còn phía bên phải thì để cho lồi lõm (hoặc phải cắt từ ở giữa chừng). Trong sách Nhật thì mỗi hàng chữ có chẵn 41 từ, nên hoặc dấu chấm phết được treo lửng, hoặc người ta xê xích mỗi chữ đi một chút cho lọt các dấu chấm phết vào mà không thấy rõ sự xê dịch như vậy, sao cho cả đầu dòng lẫn cuối dòng đều thẳng hàng với nhau một cách đều đặn. Nếu in giấy cả hai mặt, thì bát chữ mặt trái phải vừa khít với bát chữ mặt phải. Mới chỉ khoảng mươi năm trước đây thôi, người ta còn chưa câu nệ điều này, nhưng càng gần đây thì sự câu nệ này càng thái quá lắm. Dĩ nhiên, giá thành vì thế cao lên. Ý thức về cái đẹp ở những chỗ tỉ mỉ của người Nhật, là một nguyên nhân khiến sinh ra sự kiện giá cả đắt đỏ ở Nhật Bản. Thời đại Baigan thì nhân công rẻ, và chẳng cần trả thêm tiền phụ trội, người ta vẫn gắng làm thật tốt. Nhưng ngày nay thì giá nhân công Nhật Bản đắt nhất thế giới. Ðồng thời cái tập tục “làm gì cũng là tu nghiệp” khiến cho người ta nỗ lực chẳng cần tiền lương phụ trội, thì nay cũng mất đi rồi. Thế nhưng cái tâm lý câu nệ vào cái đẹp ở những chỗ tỉ mỉ thì vẫn còn sót lại, khiến phát sinh ra một xã hội đắt đỏ. Chi phí sản xuất chương trình truyền hình cũng vậy, nếu so với ngoại quốc, thì Nhật Bản đắt gấp từ ba tới mười lần. Một trong những nguyên nhân là sự đòi hỏi phải điều chỉnh màu sắc một cách rất kỹ lưỡng. Ví dụ, nếu quay bằng ba máy quay khác nhau thì, tùy theo tình trạng máy quay và cảm giác màu sắc của người quay, màu sắc có thể khác nhau ít nhiều. Thế nhưng ở Nhật Bản thì khi quay bóng đá cũng như bóng chày, màu đồng phục chỉ hơi khác đi một chút cũng không được. Vì thế, phải điều chỉnh màu sắc cho kỹ lưỡng, nên phải có nhiều người phục dịch, và do đó tiền nhân công tăng vọt lên. Ðến như giờ phát sóng, thì ở ngoại quốc nếu có xê xích chút đỉnh cũng chẳng có ai để ý tới, nhưng ở Nhật Bản thì phải căn cho đúng từng phút, từng giây [12]. Nhật Bản là nơi mà tiền công lên cao vì sự câu nệ tới những chi tiết tỉ mỉ như vậy. Ðến xây dựng thì lại càng quá quắt lắm. Người ta nói rằng, chi phí xây dựng ở Nhật Bản đắt gấp hai lần ở Âu Mỹ, và hơn ba lần ở châu Á. Phần lớn sự tốn kém là ở chỗ tỉ mỉ mà chỉ có người chuyên nghiệp nhìn mới biết, như khe ghép của đá hoa, của sàn gỗ, sao cho thật đều đặn, thật khít. Người thường nếu không nói cho biết thì không nhìn thấy, mà chỉ có thợ lành nghề mới thấy những chỗ tỉ mỉ như vậy. Thế nhưng, giữa các thợ lành nghề với nhau, nếu không làm kỹ, thì sẽ có sự chê bai lẫn nhau, như “ai làm thế này vậy?” hoặc “làm như vầy mà coi được sao?” Tóm lại, cái tinh thần của nền Tâm học Thạch Môn, do Baigan truyền bá ra, mà cố văn sĩ Yamamoto Shichihei gọi là tinh thần của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản, quả đã cổ súy tính cần cù, và như vậy đã thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản lấy nghề chế tạo làm nòng cốt. Thế nhưng, ngày nay thì chính nó đã làm phát sinh ra tình trạng chi phí cao. Nó đã khiến cho các sản phẩm Nhật Bản chìm đắm trong hiện tượng “phẩm chất quá dư thừa”. Trong xu thế của sự cạnh tranh quốc tế gay go như ngày nay, các xí nghiệp Nhật Bản cũng lần lần nhận thức được sự hệ trọng của cái gọi là VA (value assessment: bình giá giá trị, hoặc value analysis: phân tích giá trị), nên bắt đầu coi trọng sự làm giảm chi phí sản xuất. Nghĩa là họ bắt đầu phân tích để ấn định phần nào của sản phẩm thì cần có phẩm chất tới mức nào? Ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn còn ảnh hưởng mạnh ở Nhật Bản, cho nên kỹ thuật gia ở bất cứ ngành nghề nào cũng muốn làm ra sản phẩm tốt nhất. Xe hơi để bán với giá rẻ cũng vẫn gia công kỹ càng cả ở những chỗ tỉ mỉ. Nếu là lĩnh vực có sự cạnh tranh quốc tế gay go, thì người ta mới nghĩ đến nghiên cứu sự phân tích giá trị, như nói ở trên. Chứ ở những lãnh vực không có cạnh tranh như xây dựng cơ sở công cộng, hay giáo dục, hay y tế, thì sự phân tích giá trị cũng không được thực hiện. Phía công chức lo việc đặt hàng cũng vì sợ bị chê bai là thành phẩm trông không ra gì, cho nên tự họ cũng chú trọng tới cả những chỗ nhỏ nhặt, tỉ mỉ. Cho nên, họ không ngại chi phí nhân công tốn kém, không e ngại gì việc nâng giá thành lên cao để có được sản phẩm có phẩm chất cao nhất. Tinh thần của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản do Ishida Baigan đẻ ra, là tư tưởng phát sinh ra trong hoàn cảnh người thừa vật thiếu. Cái đó quả có công dụng là đã sinh ra truyền thống của thời đại tốt đẹp trước kia của Nhật Bản. Nhưng không nên quên rằng chính nó cũng hàm chứa cái nguy cơ sinh ra tập quán làm hơn hẳn chuẩn mực quốc tế. Sự kỹ tính phát triển thành lý luận về nhân cách của con người trong tổ chức Ảnh hưởng thứ ba của nền Tâm học Thạch Môn, là từ sự đánh giá nhân cách cao khiết của người thợ làm ra sản phẩm trau chuốt, người ta ngược lại đã coi sản phẩm thô tạp là tác phẩm của những kẻ đê tiện. Chẳng hạn, xe ôtô Mỹ thì nước sơn không kỹ bằng xe Nhật, hay cột cánh cửa thì không khít từ trên xuống dưới, cho nên người Nhật thường nói với nhau rằng “xã hội làm ra loại xe ôtô thô tạp thế này, thì luân lý lao động bị suy tàn rồi”. Có người kể lại rằng: “Tôi mua một chiếc xe ôtô Mỹ. Dùng một thời gian thì thấy có mùi thối. Xem kỹ mới thấy ở giữa lớp sắt cánh cửa ngoài và lớp lót bên trong cánh cửa có một chiếc hamburger đã thối. Thì ra thợ ráp xe ôtô vừa ăn hamburger vừa làm việc nên đã bỏ quên ở đó”. Câu chuyện trên, tôi (Sakaiya Taichi) đã được nghe kể tới bốn lần trong khoảng những năm 1980. Hai lần được nghe người Nhật làm việc ở nước ngoài kể lại, và hai lần được nghe ở trong nước. Có lẽ là chuyện có thật. Thế nhưng cả bốn lần cùng một câu chuyện, thì đó có thể chỉ là một trường hợp trong hàng mấy chục ngàn chiếc xe mà người Nhật mua của Mỹ. Thế mà người ta đã rút ra ở đó một kết luận chung, về “sự suy đồi đạo đức lao động của người Mỹ”, về nhân cách tổ chức của xã hội Mỹ. Ấy đấy, ở nước Nhật này, người ta hay nghĩ rằng “công ty làm ra sản phẩm tồi tệ thô tạp, thì có đạo đức lao động thoái hóa, có nhân cách tổ chức thoái hóa”. Thế rồi, từ đó người ta suy ra rằng “những sản phẩm khác của công ty đó đều xấu cả”. Vì vậy, những công ty lớn, nhất là những công ty chế tạo nhiều mặt hàng của Nhật Bản, thì không chịu chế ra những mặt hàng giá rẻ. Ðiều này khiến cho toàn xã hội Nhật Bản đã trở thành một xã hội đắt đỏ. Cái tư tưởng của nền Tâm học Thạch Môn do Ishiba Baigan khởi xướng, đã hạn chế không ít cái ý thức thẩm mỹ và cái quan niệm đạo đức của người Nhật thời nay. Thời kỳ bế môn tỏa cảng, Nhật Bản thiếu vốn liếng, thiếu đất đai trồng trọt, cho nên dù có phải hạ thấp năng suất lao động xuống, nhưng sự nâng cao giá trị gia tăng đối với mỗi tài nguyên, hay sự nâng cao năng suất sản xuất của đất đai, như đã kể trên, đều đã mang lại hiệu quả nhất định trên mặt hợp lý hóa. Người Nhật mỗi khi du nhập cái cơ bản về một kỹ thuật hay một sản phẩm mới từ nước ngoài về, thì chẳng mấy chốc, họ đã có thể chế ra sản phẩm tốt hơn của nước thày của họ. Sự kiện này đã là nguyên nhân khiến cho khối lượng mậu dịch của Nhật Bản có lợi lớn cho trong thập niên 1980. Mặt khác, hàng ngoại quốc mỗi khi muốn đưa vào thị trường Nhật Bản, thì chính người ngoại quốc sẽ không thể ngờ được rằng họ bị đòi hỏi khắt khe đến thế, từ phẩm chất đến những chỗ tỉ mỉ của sản phẩm. Ðến nỗi, họ than phiền rằng “Thị trường Nhật Bản có tính bài ngoại”. Ðây quả là một vấn đề ý thích đặc thù của thị trường Nhật Bản. Một điểm nữa là người Nhật thật không biết thực sự an hưởng thời giờ nhàn rỗi. Ðây cũng lại là một ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn. Ngồi không ăn chơi là phí phạm. Ngay cả nếu nhàn du, thì cũng rán học hỏi thêm. Vì vậy, họ đua nhau tới các trung tâm văn hóa, các câu lạc b dưỡng sinh. Ở xứ Nhật, người ta không thể quan niệm được rằng “vacance” nghĩa là “chỗ trống”, là “trống rỗng” [13]. Ý thức “Xa xỉ là kẻ địch” Ảnh hưởng thứ tư của nền Tâm học Thạch Môn là sự nhấn mạnh vào điểm “tần tiện là đức tính tốt”. Baigan không phải chỉ khuyên người ta hãy cần cù làm ăn, mà đồng thời còn thuyết giảng sự tần tiện nữa. Chính từ việc coi tần tiện là điều thiện này, đã lan ra một ảnh hưởng lớn rộng khiến phát sinh ra sự bất quân bình trong xã hội ngày nay. Trước nhất, từ sự khích lệ tính tần tiện đã nảy sinh ra ý thức “xa xỉ là kẻ địch”. Vì thế nên các nhà chính trị nếu tiêu xài xa xỉ thì bị phê bình ngay. Vì thế, phu nhân các chính trị gia khi lên Tokyo dù có tiêu xài xa xỉ cách mấy, thì về cơ sở, về tuyển khu, phần đông họ đều phải giả bộ “thanh bần”. Bởi vì nếu tiêu xài xa xỉ, thì thế nào cũng bị chê bai, bị coi là phẩm hạnh xấu. Ðó là bởi vì Tâm học Thạch Môn dạy người ta rằng: “Người cao thượng làm ăn cần cù để tu dưỡng nhân cách, và để cảm thấy niềm vui trong sự cam phận thanh bần”. Do đó, tiền tích lũy tăng lên, trong khi sự tiêu xài lại ít. Vì vậy, tiền đã tích tụ vào các cơ quan công quyền hoặc các xí nghiệp kinh doanh và chỉ có các đoàn thể, các tổ chức như vậy mới tiêu xài phí phạm được thôi. Nói cách khác, nếu có chi phí trong việc giao tế một cách xa hoa, xa xỉ cho xí nghiệp, cho cơ quan, thì cái đó tha thứ được, song cho cá nhân thì không được. Vì thế, khi thết đãi các “quan lớn” vì việc công ty, vì việc cơ quan, thì dù có phải dùng tới những nhà hàng đắt tiền cũng không sao, nhưng nếu cá nhân mà tới những nhà hàng đắt tiền đó, thì sẽ bị chỉ trích. Trụ sở của công ty, câu lạc bộ hay nhà của công ty, thì dù có cất ở ngay vùng nhất đẳng địa của trung tâm thủ đô, cũng được. Nhưng nhà của cá nhân bậc quản trị viên công ty cũng vô cùng khiêm tốn. “Xa xỉ là địch” nhưng “xa xỉ cho cơ quan, cho tổ chức, là bạn, là ta”. Xem như trên, ta thấy rằng Tâm học Thạch Môn đã để lại ảnh hưởng vô cùng lớn đối với Nhật Bản và “văn hóa” của người Nhật Bản. Trên cơ sở của nền Tâm học Thạch Môn đó, nền văn minh Tây Âu đã du nhập vào Nhật Bản kể từ sau cuộc Duy tân Minh Trị. Người Nhật kể từ thời Minh Trị, đã được dạy bảo rằng, phương pháp hay là chỉ cần học thêm những chỗ tinh xảo của nền văn hóa Tây Âu, cách học giỏi là chỉ cần bắt chước rồi làm tinh xảo hơn những kỹ thuật hay chế độ của ngoại quốc. Vì vậy mà người Nhật chỉ khéo léo làm được ngay cả những chỗ tỉ mỉ nhất, nhưng họ tỏ ra không thành thạo trong sự xây dựng khái niệm tổng thể hay sự chuyển đổi nhảy vọt về ý tưởng. Ngược lại, sự không thành thạo như vậy lại còn được coi như bằng chứng cho phẩm hạnh phương chính, tức là tính trung thực không đi chệch đường ray. Khi viết luận văn thì chỉ cốt sao cho luận điểm tổng thể được thông thoát. Như vậy tức là chỉ coi trọng sự tham khảo, sự dẫn chứng trung thực chư thuyết của người trước hay của ngoại quốc, hơn là sự đánh giá về tính sáng tạo, tính độc đáo. Vì thế, không thấy phát sinh ra những học thuyết làm cho thế giới kinh ngạc. Mà nếu một học thuyết như vậy có phát sinh ra, thì cũng khó mà lan truyền rộng ra được [14]. Vậy nên, có rất ít người cam tâm miệt mài vào những nghiên cứu cơ bản, với viễn vọng lập ra lý thuyết mới. Tóm lại, từ tư tưởng làm sao cho cả cần mẫn lẫn tần tiện được lưỡng lập, đã phát sinh ra sự cố chấp tới những chỗ tỉ mỉ, rồi từ tỉ mỉ tới “chủ nghĩa thủ tục”. Chủ nghĩa coi trọng thủ tục này đã có quan hệ tới chế độ quan liêu (công chức) hiện nay của Nhật Bản vậy. “Chủ nghĩa đâu ra đó” phát sinh ra từ nền Tâm học Thạch Môn “Chủ nghĩa đâu ra đó” phát sinh ra từ nền Tâm học Thạch Môn Quan chức ngoại giao nước ngoài ở Tokyo, hay xì xào với nhau từ “chanto-ism” [15]. Người Nhật có tính làm gì cũng kỹ lưỡng, từ cách gói ghém bao bì, từ cách trình bẩm báo cáo, từ cách lấy chứng từ thu ngân, v.v., nhất nhất cái gì cũng phải đâu ra đó mới chịu. Thu thuế thì tới một yên cũng phải cho minh bạch. Thuế tiêu thụ ở ngoại quốc thì đại khái chủ nghĩa thôi, nhưng ở Nhật Bản, thì chỉ nói rằng, cửa hàng nhỏ với doanh thu dưới 30 triệu yên thì khỏi phải nộp thuế tiêu thụ, là đã thấy có sự bàn tán là “ăn lời nhờ thuế”. Liệu cái “chủ nghĩa đâu ra đó này” có hiệu quả thực tế không? Người ta nói rằng, Luật tiêu chuẩn kiến trúc Nhật Bản, hay Luật phòng cháy chữa cháy Nhật Bản là nghiêm khắc nhất thế giới. Ấy thế mà hồi trận động đất lớn Hanshin-Awaji thì sự thiệt hại về cơ sở xây dựng đã lớn hơn bất cứ ở nước nào khác. Số người chết cũng rất lớn. Nghĩa là, mặc dù “đã làm đàng hoàng”, song hiệu quả thực tế thì yếu kém. [16] Tương tự như vậy, tỷ suất cứu hộ thấp các trường hợp bị liệt tim trở tới bệnh viện bằng xe cấp cứu có tỷ lệ cứu sống thấp, sự phát sinh tình trạng bị AIDS vì dược hại (cái hại của sự dùng thuốc), [17] sự chế tạo thẻ chơi pachinko [18] giả, v.v.. Nghĩa là, “chủ nghĩa làm đàng hoàng” của Nhật Bản thật ra chú trọng tới thủ tục nhiều hơn là hiệu quả. Vậy, làm đàng hoàng cái gì? Trước nhất là cái cảm giác, cái ý thức đẹp đối với việc làm thủ tục một cách đàng hoàng, kỹ lưỡng. Thứ hai là, với việc làm đàng hoàng như vậy, người ta đã nhận thức được sự bình đẳng, sự ngang hàng với nhau. Nghĩa là, không có ai làm cái gì đột phá, không có ai chơi trội cái gì cả. Ai cũng làm đàng hoàng cả, nên mọi người an tâm. Rồi, thứ ba là, làm đàng hoàng để có thể chạy trốn trách nhiệm. Nghĩa là “việc này đã được làm như vầy, như vầy, đúng thủ tục, ai nấy đều thừa nhận cả. Cho nên, trách nhiệm không phải là về ai cả”. Nếu Nhật Bản nới bớt những gò bó, những quy tắc, để lập ra một xã hội cạnh tranh tự do, thì Nhật Bản phải chấp nhận một phần sự “lỏng lẻo” thì mới thoát ra khỏi được chủ nghĩa tiêu chuẩn, thoát khỏi sự thống chế của chế độ quan liêu, tránh được “chủ nghĩa đâu ra đó”. Nghĩa là, dù cho những chỗ nhỏ nhặt có không được làm kỹ càng đi chăng nữa, thì cũng nên để cho bán ra. Tự do cũng có nghĩa là chấp nhận để cho những phẩm vật thô tạp có đất phát sinh. Ðể cho mỗi vật có cơ hội tham gia cạnh tranh, rồi để cho người tiêu dùng lựa chọn, mới có thể xác lập được quyền làm chủ của người tiêu dùng. Nói cách khác, chỉ có thế mới thoát ra khỏi được cái ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn, của “chủ nghĩa đâu ra đó”, một sản vật của nền Tâm học này. Trong xã hội được kiểm soát nghiêm ngặt của thời Kyoho, trí tuệ của thứ dân đã kết tinh thành nền Tâm học Thạch Môn, một nền triết học độc đáo của Nhật Bản. Nhưng ngày nay, năng suất sản xuất của người Nhật đã tăng rất cao, đời sống đã trở nên phong phú. Cần có một quy phạm đạo đức mới, một ý thức đẹp mới vượt lên trên triết học của Ishida Baigan. Chú thích: [1] Genroku (1688-1704) là niên hiệu của vua Higashiyama, thường được coi là lúc thịnh trị, thịnh vượng nhất của thời đại mà nhà mạc phủ Tokugawa đóng ở thành Edo (Tokyo ngày nay). [2] Năm 1945, các đảng vô sản có từ trước cuộc Ðệ nhị Thế chiến, đã kết hợp lại thành Ðảng Dân Chủ Xã hội. Năm 1947, đảng này do vị Chủ tịch đầu tiên của đảng là Katayama Tetsu, đã thành lập nội các liên hiệp, và như vậy đã là đảng cầm quyền tại Nhật Bản, nhưng hai phe tả và hữu trong đảng đối lập nhau dữ dội, đến nỗi năm 1951, đảng tách ra làm hai. Rồi năm 1955, hai đảng cánh tả và cánh hữu đã hợp nhất lại thành Ðảng Xã Hội Nhật Bản. Lúc đó Ðảng Dân Chủ Tự Do ra đời và do đó đã xuất hiện một tình trạng cân bằng giữa các lực lượng bảo thủ và lực lượng cấp tiến, do hai đảng lớn lãnh đạo. Tình trạng cân bằng như vậy được gọi là “thể chế năm 55”. Tình trạng chính trị, xã hội như vậy, nếu đem so sánh với năm 1867, tức là lúc Nhật Bản còn là nước nông nghiệp phong kiến lạc hậu, đang sắp tập tễnh bước vào cuộc đổi mới, cuộc công nghiệp hóa, thì quả là quá xa. Nói cách khác, 85 năm là cả một thời gian dài. Những gì xảy ra trước kia và những gì đang diễn ra bây giờ đều khác nhau rất xa. Người sống 85 năm trước không thể đoán được những gì sẽ xảy ra 85 năm sau. Và người 85 năm sau cũng không còn ký ức gì về 85 năm trước nữa. [3] Showa (1926-1989) là niên hiệu của thời trị hơn 62 năm của thiên hoàng Hirohito. Showa bắt đầu từ thời kỳ Nhật Bản xưng hùng xưng bá ở châu Á, nào gây hấn ở Trung Quốc, nào dựng nước bù nhìn Mãn châu, nào chiếm đóng các thuộc địa và đất bảo hộ của Pháp, Anh, Mỹ, Hòa Lan ở Ðông Nam Á, qua thời kỳ thua trận chiến Thái Bình Dương (Chiến tranh thế giới lấn thứ hai), rồi tới thời kỳ phục hưng để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới như hiện nay. Thời Showa như vậy là thời kỳ vừa nhục nhã (bại trận), vừa đáng hãnh diện (thái bình thịnh vượng) của Nhật Bản. Genroku là thời kỳ thịnh vượng, hào hoa nhất trong gần 300 năm của mạc phủ Tokugawa. Do đó, từ Thời Genroku Showa là nói cái khúc thái bình thịnh vượng của thời kỳ Showa. [4] Amako là một dòng dõi thế phiệt của thời Mạc Phủ Kamakura (xem Chương III). Mười Dũng sĩ Amako là nhóm người muốn phục hưng cơ nghiệp của họ Amako này. [5] Meireki và Manji đều là niên hiệu của thời trị (1654-1663) của thiên hoàng Gosai (1637-1685). Trận hỏa hoạn lớn này đã xảy ra trong ba ngày 18-20 tháng Giêng âm lịch năm 1657, đốt cháy một diện tích khoảng 400 mẫu tây, làm thiệt mạng 100 ngàn người.. [6] Trận đánh Mùa Hè Ozaka là trận đánh cuối cùng để tiêu diệt dòng họ Toyotomi, và như vậy là hoàn thành cuộc thống nhất toàn quốc Nhật Bản dưới quyền cai trị của mạc phủ Tokugawa. [7] I = Investment = đầu tư, S = Saving = tiết kiệm=tích lũy. [8] Chushin-gura là tên gọi của những kịch hát bội Kabuki, kịch rối Joruri, kịch hài No, phim kịch lịch sử, v.v., diễn tích 47 người dũng sĩ của phiên bang Ako đã quyết tâm trả thù cho chúa của họ là Asano Takumi No Kami. Ông này có lãnh địa nhỏ bé ở địa phương nay là tỉnh Hyogo, ngay cạnh Osaka. Ông được cử tiếp sứ giả của triều đình ở thành Edo (Tokyo ngày nay). Song vì ít hiểu biết về nghi lễ nên đã phải nhờ cậy Kira Konosuke No Suke, một chức quan coi việc nghi thức của phủ chúa Tokugawa, chỉ bảo. Lệ thường, ông phải cung phụng xứng đáng cho Kira. Song vì tiền lo lót ít, ông đã bị Kira tìm mọi cách làm tình làm tội, xài xể dè bỉu là quê mùa. Bị làm nhục, ông đã tuốt đao chém Kira ngay trên điện. Kira chỉ bị thương nhẹ. Thời ấy, khi hai người đánh lộn với nhau, thì đáng lẽ cả hai bên đều bị xử phạt, song chỉ có Asano bị xử phải tự mổ bụng, lãnh địa bị tịch thu, con cháu bị truất khỏi hàng phiên chúa. Còn Kira thì được miễn trách. Sự bất công này đã làm phẫn nộ đám gia thần của Asano. Họ lập mưu, đột nhập dinh của Kira đêm 14 rạng 15 tháng Chạp, bắt được Kira, chém đầu đem ra tế trước mộ chủ. Như thế là trả thù được cho chủ, nhưng rồi tất cả 47 người đều bị mạc phủ Tokugawa xử tội phải tự mổ bụng. Việc làm của họ, trả thù cho chủ rồi tự mổ bụng chết theo chủ, đã trở thành tấm gương sáng về lòng trung nghĩa. Và cái chết oan ức của chúa tôi Asano đã làm thành đề tài cho dân gian thương tiếc những kẻ anh hùng hoại diệt như vậy suốt trong lịch sử hơn 300 năm nay. [9] Nikolai D. Kondrachev (1892-1938), một nhà kinh tế học người Rossia (Nga). [10] “Lục căn thanh trừng” nghĩa là “rửa sạch lục căn”. Lục căn, theo Ðạo Phật, là sáu cảm quan sinh ra cái biết, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mình và ý nghĩ. Tục đi lễ núi Phú Sỉ sau này trở thành đạo Phù Tang. [11] Thủ tường Nhật Bản từ ngày 6/11/1987 tới ngày 2/6/1989. [12] Nói đến sự đúng giờ từng phút từng giây, thì phải kể đến sự đúng giờ của hệ thống đường sắt Nhật Bản. Có thể nói, đường sắt Nhật Bản là phương tiện giao thông công cộng tiện lợi nhất, rẻ tiền nhất, an toàn nhất, có thể đi tới bất cứ nơi thâm sơn cùng cốc nào cũng như hàng cùng ngõ hẻm nào, và nhất là đúng giờ nhất thế giới. Hồi năm 1972, nhân dịp kỷ niệm 100 của ngành đường sắt Nhật Bản, các giới chức của hệ thống đường sắt Anh quốc đã được mời tới Nhật Bản tham dự. Phái đoàn Anh quốc đã phải thốt lên lời thán phục về sự đúng giờ của đường sắt Nhật Bản, đúng đến nỗi chưa bao giờ một chuyến tàu đường xa lại chậm tới hơn một phút mà không có thông báo trước cả. Ngay cả đến những tuyến đường sắt nội ô Tokyo hay Osaka, buổi sáng trong giờ cao điểm thì cứ khoảng chưa đầy 10 giây đã có một chuyến khởi hành hoặc đáp bến, chuyến nào cũng từ 12 tới 15 toa, toa nào cũng chật ních hàng 200 người, mà không bao giờ tàu tới trễ hoặc khởi hành trễ cả. [13] Trong tiếng Nhật, “ba-kan-xư” là từ dịch âm của tiếng Pháp “vacance” và có nghĩa là sự nhàn du, sự nghỉ ngơi thư giãn. Ở đây, tác giả muốn nhắc đến nghĩa nguyên gốc của từ “vacance”. Theo tự điển tiếng Pháp Petit Larousse Illustré (1976), “vacance: état d’une place, d’une charge non occupée”, nghĩa là “vacance là chỗ trống rỗng”. [14] Một thí dụ điển hình hay được kể lại, là trường hợp Tiến Sĩ Esaki Leona, thuộc Ðại học Quốc gia Tokyo, đã phát minh ra diod đường hầm (tunnel diod) năm 1957. Tuy nhiên, ở trong nước Nhật thời đó, ít người tán thưởng, thậm chí còn bàn ra. Phải chờ đến năm 1962, nhà bác học người Mỹ là William Shockley, người đã được giải Nobel Vật Lý về phát minh ra transistor, sang Nhật, công nhiên khen ngợi công trình nghiên cứu của TS Esaki trước đại hội khoa học, thì phát minh đó mới được đánh giá một cách chính đáng. Cũng nhờ có sự khen ngợi của Shockley mà Esaki đã được đề nghị và được trao tặng giải Nobel Vật lý. [15] “Chanto” tiếng Nhật có nghĩa là “đàng hoàng, kỹ càng, đúng đắn, chính xác, không bôi bác, không phiên phiến, không tắc trách”. Còn “ism” là tiếp vĩ ngữ tiếng Anh, có nghĩa là “chủ nghĩa”. Vậy “chanto-ism” là “chủ nghĩa đàng hoàng, kỹ càng, đúng đắn, chính xác, không bôi bác, không phiên phiến, không tắc trách,...” mà ở đây đã được tiêu biểu bởi từ “chủ nghĩa đâu ra đó”. [16] Trận động đất lớn này đã xảy ra ngày 17/01/1995, phá hoại ba tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, làm chết 6300 người, bị thương 43 ngàn người, làm đổ hoặc hư 209 ngàn căn nhà. Thành phố cảng Kobe là nơi bị thiệt hại lớn nhất, bị phá hủy tan hoang, từ cao ốc tới các xa lộ cao tốc. Tuy nhiên, tác giả Sakaiya Taichi có phần hơi khắt khe quá với vụ việc này. Thật ra, khu vực lấy thành phố Kobe làm trung tâm này, xưa nay được coi là an toàn về mặt động đất, cho nên các kiến trúc đều theo tiêu chuẩn cũ, ít chịu đựng được những trận động đất lớn, nên đã bị phá hủy nặng nề trong trận động đất năm 1995 vừa nói. Còn số người chết và người bị thương lớn, thật ra không phải vì ảnh hưởng trực tiếp của trận động đất, mà vì họ bị chết cháy hoặc bị phỏng sau khi động đất xảy ra rồi. Hơn nữa, còn có một lỗi lầm lớn do người gây ra: Ðó là sự ứng phó chậm chạp của lực lượng quân đội Nhật Bản đóng ở gần địa điểm động đất, trong việc ra quân cứu hộ. Viên tướng chỉ huy quân khu, đã không linh hoạt cho xuất quân ngay để cứu hộ, mà còn “dềnh dàng” điện thoại xin mệnh lệnh của bộ trưởng quốc phòng, khiến cho sự ra quân bị chậm trễ cả nửa ngày. Ðây là một trường hợp điển hình của một viên tướng chỉ huy “tồi”, không hiểu cái “lẽ quyền biến”, không hiểu cái “quyền hạn” của người tướng ở tiền tuyến, hễ thấy “địch” là phải biết ra tay ngay, chứ đâu cần phải chờ có “lệnh bài” mới ra quân? Trường hợp này, “địch” tức là trận động đất, tức là đám cháy. Ðúng ra, đây quả là một trường hợp viên tướng chỉ huy này đã quá câu nệ tới “thủ tục”, nên đã không “làm chủ” được trách nhiệm của mình. Câu nệ thái quá tới thủ tục, mới là điểm tác giả Sakaiya nên chỉ trích. [17] Vụ này đã xảy ra vì có một số người mắc bệnh thiếu máu (bần huyết) đã dùng loại thuốc tăng huyết chế ra từ máu người nhập từ ngoại quốc vào mà không qua xử lý nhiệt. Thời đó, ở Mỹ hoặc ở Pháp, giới y học đã có cảnh báo rằng máu ngoại nhập như vậy có khả năng chứa đựng virus HIV, và như vậy có nguy cơ nhiễm độc đối với người sử dụng thuốc chế tạo từ máu như vậy nếu không qua xử lý nhiệt. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thời đó, cơ quan chủ quản việc cho lưu hành thuốc men, là Bộ Y Tế, lại chưa có quyết định chính thức về sự bắt buộc phải xử lý nhiệt những loại thuốc như vậy. Do đó, các công ty bào chế thuốc vẫn bán ra những thuốc tăng huyết không qua xử lý nhiệt. Kết quả là có nhiều người đã nhiễm virus HIV, và một số đã bị AIDS rồi chết một cách oan ức. Vụ này đã gây ra một vụ án lớn lao kéo dài hàng chục năm ở Nhật Bản và đã làm cho dư luận phẫn nộ trước sự vô trách nhiệm của Bộ Y Tế. Qua mấy đời bộ trưởng, bộ này cứ khăng khăng chối bỏ trách nhiệm đối với các nạn nhân. Kết cục, Bộ trưởng Y Tế Kan Naoto, sau là tổng thư ký của đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản, đã phải trực tiếp họp báo xin lỗi nhân dân, nhận lỗi của Bộ Y Tế và bằng lòng trích công quỹ ra bồi thường cho các nạn nhân. [18] Pachinko là một trò chơi, hay đúng hơn là một trò cờ bạc, dùng một máy tự động bắn bi sắt vào một bảng có nhiều lỗ, mỗi lỗ có thể ăn được một số hòn bi khác nhau. Số bi thắng được có thể đổi ra hiện vật như bánh kẹo, thuốc lá...