Trở về nơi ở và làm việc của cha mình, Bobby nhận ra rằng chính mục sư cũng bị người ta làm phiền nhiễu quanh cái chết của Alex Pritchard. Ông bà Cayman đang chờ anh tại văn phòng của cha mình. Bobby bước vào phòng thấy mục sư, cha mình, đang tiếp họ với một thái độ chẳng mấy nhiệt tình. - A! - Mục sư Thomas thở phào nhẹ nhõm - Cuối cùng thì Bobby cũng đã về. Ông Cayman đứng dậy đi nhanh tới đón anh và chìa tay ra bắt. Đó là một người tầm vóc khoẻ mạnh, cách tiếp đón niềm nở chẳng hợp với cặp mắt hay nhìn trộm và toát ra vẻ lạnh lùng. Còn bà Cayman thì vừa rồi anh đã biết ở toà án. - Tôi đi cùng với vợ tôi - Cayman giải thích - trong lúc người đàn bà bất hạnh này đang bối rối. Amélia quá xúc động! Bà Cayman lại bắt đầu sụt sùi. - Chúng tôi đến đây để gặp anh - người chồng nói - Em của người đàn bà này đã tắt thở trong vòng tay của anh. Amélia muốn được nghe anh kể về những giây phút cuối cùng của người xấu số. - Điều đó là thường tình, tôi sẵn lòng - Bobby cảm động nói với giọng nói sốt sắng nhiệt tình. - Alex em ơi! Khốn khổ cho em, Alex ơi! - bà Cayman rên rỉ lấy khăn tay thấm nước mắt. - Vâng! Thật là đáng thương! - Bobby tỏ vẻ thương cảm, ngả người trên chiếc ghế dựa. - Anh làm ơn cho chúng tôi biết trước khi em tôi trút hơi thở cuối cùng có nói lại điều gì hoặc có nhắn lại cho chúng tôi điều gì? Chúng tôi rất muốn biết. - Tôi rất thông cảm, thưa bà, nhưng người bị nạn chẳng nói điều gì cả. - Như thế có khi lại tốt - Cayman nói chậm rãi vẻ trịnh trọng - Em chúng tôi đã ra đi không đau đớn và chẳng có điều gì bận lòng... - Anh có cho rằng em tôi không có điều gì đau khổ? - Bà Cayman gặng hỏi Bobby. - Ồ! Điều ấy tôi có thể khẳng định được với bà. - Nếu quả là như vậy thì tôi cảm thấy một niềm an ủi lớn. Ôi, Alex bất hạnh của tôi, em tôi đã sớm qua đời khi đầu còn xanh, tuổi còn trẻ. Em tôi rất yêu thích những cuộc du ngoạn ngoài trời... - Vậy ư? Bobby hồi tưởng lại gương mặt với mầu đỏ rám nắng và cặp mắt màu xanh da trời của người bị nạn. Alex Pritchard một con người có diện mạo dễ thương. Anh ta là em trai của phu nhân Cayman ư? Của người anh rể lạnh lùng này ư? Bobby thầm nghĩ hai con người ngồi trước mặt anh đây mà qua nhận thức cảm tính của anh chẳng phải là những người đôn hậu đáng tin cậy, thật chắng xứng với Alex. - Chúng tôi cảm ơn anh vô cùng, anh Jones ạ - Bà Cayman nói với anh. - Chẳng có gì đâu ạ - Bobby trả lời. - Chúng tôi sẽ không quên nghĩa cử này - ông Cayman nói thêm. Bà Cayman đưa bàn tay mềm mại của mình bắt tay Bobby. Hai người khách chào tạm biệt mực sư cha của Bobby. Anh tiễn họ ra cửa. - À, chàng trai, anh làm nghề gì? Chắc là anh đang nghỉ việc? - Cayman hỏi anh. - Tôi đang tìm việc làm - Bobby trả lời. Sau một lát im lặng anh nói thêm - trước đây tôi là thủy thủ. - Thời buổi khó khăn - Cayman gật gật đầu buông lời nhận xét như muốn an ủi Bobby - Chúc chàng trai may mắn! - Cảm ơn ông. Bobby nhìn theo những người khách rời đi theo lối mòn rậm rạp và anh đứng lặng nghĩ ngợi: tấm ảnh ấy… tấm ảnh một cô gái mắt to, gương mặt đẹp lồng lộng, tóc mịn màng... rồi mười tám năm sau: Cayman phu nhân hiện nay phấn son lố bịch, tóc nhuộm ôm lấy khuôn mặt phì nộn... Thật là ớn! Sự biến đối này chắc đã tiến triển trong suốt quá trình chung sống với Cayman. Có lẽ sống với người chồng khác thì dù cho có già đi chăng nữa, bà ta vẫn còn giữ được những nét cơ bản duyên dáng xưa... Bobby lắc đầu ngán ngẩm:- - Đó là mặt xấu của hôn nhân! - Anh nói gì vậy Bobby? Bobby chợt ngừng suy nghĩ và nhận ra là Frankie đã đến từ phía sau mà anh không nhìn thấy. - Chào Frankie! - Chào Bobby! Anh đáng nói đến cuộc hôn nhân nào vậy? - Tôi buột miệng than thở về cái qui luật nghiệt ngã cuộc sống trở nên vất vả khi người ta xây dựng gia đình. - Ai là nạn nhân của cái tai hoạ ấy vậy? Bobby liền kể chuyện về vợ chồng người chị của Alex, người chết trong tai nạn vừa rồi, nhưng Frankie tỏ ý hoài nghi. - Chớ có ngây thơ! Người chị của Alex giống hệt như người trong ảnh. - Cô thấy chị của Alex ở đâu? Vừa rồi cô chẳng cũng đến dự cuộc thẩm vấn ở toà án đó sao? - Chính vì tôi có đến dự nên mới nhận ra được những điều đáng ngờ trong cái chết của Alex. Tôi chẳng hề đãng trí chút nào trước tấn trò giả dối xảo quyệt mà họ diễn khá tinh vi. Tất nhiên muốn vạch ra được sự xảo quyệt đó phải có đủ chứng cứ và không thể nóng vội. Tôi sẽ không tha những kẻ ác: sẽ điều tra và tố cáo với pháp luật. Thực chất cái tai nạn chết người này là một vụ án hình sự. - Ôi Frankie, cô quả là một người có năng khiếu thám tử! - Bạn thân mến của tôi! Anh phát biểu như một giáo sư tâm lý học. - Nhưng cho dù thế nào, tôi cũng chẳng đồng ý với cô khi cho rằng người phụ nữ trong tấm ảnh là người ác độc. - Ồ, nhưng nếu có kẻ nào đó giả mạo người trong ảnh thì sao? Hoặc giả kẻ đó hoá trang để giống như người trong ảnh? Anh thử nghĩ về giả thiết của tôi xem sao. - Nhưng ta chẳng thể đưa ra những nhận định thiếu căn cứ thực tế. Cô đã nhìn thấy tấm ảnh chụp con người giả mạo ấy ở đâu vậy? - Trong báo "Tiếng vang buổi chiều”. - Có thể do kỹ thuật in ấn tồi? - Anh bảo vệ cho con mụ Cayman cứ y như bảo vệ cho người tình của mình vậy. Một con mụ phấn son, bôi vẽ thật ghê tởm! - Frankie giận dữ thốt kêu lên - Anh thật buồn cười! Họ cùng im lặng một lúc. Rồi thái độ giận dữ của Frankie chợt tan biến: - Nhưng chúng ta thật kỳ cục. Hãy ngừng tranh cãi về con mụ ghê tởm đó khi mà chưa điều tra được cụ thể. Chúng ta cùng chơi bóng gôn nhé? - Tuyệt lắm! Họ cùng ra sân bóng và chỉ một lát sau họ đã chẳng còn nhớ đến chuyện bực mình vừa xảy ra. Vào lúc sắp phát bóng nhằm vào hốc thứ mười một, Bobby bỗng nhiên thốt lên một điều gì đó mà Frankie không nghe rõ. - Có chuyện gì vậy Bobby? - Tôi chợt nhớ ra một điều. - Điều gì? - Hôm vợ chồng Cayman đến gặp tôi có hỏi là trước khi tắt thở Alex có nói lại điều gì không... Và tôi trả lời họ là anh ta không nói gì cả. - Vậy thì sao? - Giờ đây thì tôi nhớ lại là Alex có nói. - Anh ta đã nói gì? - Nói rằng: Tại sao không là Evans? - Câu nói nghe mới lạ lùng làm sao! Chẳng nói lên được điều gì cả. - Đúng là một câu nói khó hiểu. Anh ta lúc đó chợt mơ mắt rồi dường như cố gắng nói cho tôi nghe rõ câu nói này rồi sau đó tắt thở. Thật là đáng thương! - Có một điều - Frankie nói - tôi chẳng hiểu nổi tại sao anh lại bận lòng vì một câu nói chẳng làm cho ta hiểu thêm được điều gì cả. - Đúng là như thế. Tuy nhiên lương tâm tôi sẽ được thanh thản hơn nếu như tôi nói cho họ biết câu nói trên. Cô biết không: tôi đã khẳng định với họ là Alex chẳng nói lời nào trước khi chết. - Nhưng giờ đây cho dù anh có nói với họ, câu nói trên liệu có mang lại cho họ lợi ích gì? Giả sử là câu nói khác chẳng hạn như: “Hãy nói với Gladys rằng chị chính là chị em ruột của chúng ta" hoặc "Tờ chúc thư để trong tủ văn phòng...” hoặc vài lời trăng trối nào khác tương tự. - Cô có cho rằng tôi nên viết thư cho họ? - Tôi thấy chẳng cần thiết. - Cô nói cũng có lý - Bobbt tán thành lời góp ý của Frankie và anh tập trung vào chơi bóng. hưng khi về nhà anh vẫn tiếp tục băn khoăn suy nghĩ. Đúng là lời nói của người chết có thể là không có gì quan trọng. Tuy nhiên trong lòng anh vẫn cảm thấy như có lỗi đối với vong linh người đã chết nếu như chẳng nói cho chị anh ta biết câu nói này. Thế rồi tối hôm đó, giống như người bị người khác thôi thúc nhắc nhở, Bobby ngồi xuống bàn làm việc và viết một bức thư cho Cayman như sau: "Thân gửi ông Cayman, Tôi vừa nhớ lại rằng em rể ông chỉ nói vài lời trước khi chết. Vài lời đó là. "Tại sao không là Evans?". Xin ông thứ lỗi cho tôi đã không nói với ông ngay sáng nay. Là bởi vì câu nói này tôi cho rằng chẳng có gì là quan trọng nên chẳng nhớ tới nó. Người đồng hương thành thực của ông. Robert Jones" Ngày hôm sau Bobby nhận được thư trả lời của ông Cavman. “Anh Jones quí mến. Tôi báo tin đã nhận được thư đề ngày 6 của anh và cảm ơn anh đã nhắc lại một cách thận trọng - cho dù chẳng có gì là hệ trọng - những lời nói cuối cùng của em vợ tôi. Điều mà vợ tôi mong mỏi hơn là Alexandre để lại những tin tức hoặc lời ủy thác. Tuy nhiên chúng tôi xin gửi tới anh sự biết ơn chân thành của chúng tôi. Người biết ơn anh. Leo Cayman" Bobby đánh giả lá thư phúc đáp của Cayman là có ngụ ý mỉa mai và điều ấy làm cho anh mếch lòng.