iữa tháng Mười, Jaffé muốn gặp tôi. Lúc đó đã mười giờ, nhưng thời tiết quá u ám nên đèn vẫn thắp bên trong y viện. Nó pha trộn với nét âm u mù sương bên ngoài thành một thứ ánh sáng bệnh hoạn, nhợt nhạt. Jaffé ngồi một mình trong phòng khám bệnh rộng. Khi tôi bước vào, ông ngẩng cái đầu hói, bóng. Ông buồn bả chỉ tay về khuôn cửa sổ lớn, nơi mưa tạt xối xả. "Cậu nghĩ sao về thứ thời tiết chết tiệt này?" Tôi nhún vai. "Hãy hy vọng nó sẽ sớm chấm dứt." "Nó sẽ không." Ông nhìn tôi và chẳng nói gì. Rồi nhặt cây viết chì trên bàn, ngắm nghía, gõ gõ, đoạn vứt qua một bên. "Tôi biết giáo sư mời tôi đến để làm gì," tôi nói. Jaffé lúng búng trong họng một câu gì đó. Tôi chờ một chút. Rồi tôi nói: "Tôi đoán là, Pat phải lên đường ngay --" "Vâng." Jaffé bồn chồn nhìn tới trước. "Tôi đã ước tính vào cuối tháng Mười. Nhưng với thời tiết này --" ông lại với tay cầm lấy cây bút chì bạc. Gió lại đẩy một loạt nước mưa đánh lộp bộp vào cửa sổ. Như một tràng liên thanh nổ từ xa. "Theo giáo sư, khi nào cô ấy nên lên đường?" Ông ngước mắt nhìn thẳng vào mặt tôi. "Ngày mai," ông nói. Trong một giây, tôi có cảm giác như mặt đất sụp lún dưới chân. Không khí quánh như bông gòn, kẹt dính trong buồng phổi. Rồi cảm giác ấy qua đi, và tôi lấy hết sức bình tĩnh để hỏi, --nhưng tiếng nói của tôi như tiếng của một người khác vọng lại từ một nơi xa. "Tình thế vừa thình lình trở xấu hay sao ạ?" Jaffé lắc đầu quầy quậy và đứng lên. "Nếu tình thế thay đổi đột ngột, cô ấy không thể nào đi xa," ông nói, một cách thiếu thân thiện. "Khá hơn, chỉ thế thôi. Với thời tiết này, mỗi ngày càng thêm nguy hiểm. Cảm cúm và nhiều thứ khác." Ông cầm mấy lá thư trên bàn lên. "Tôi đã sắp xếp. Cậu chỉ cần đi. Tôi quen biết với bác sĩ giám đốc của dưỡng đường từ thời sinh viên. Ông ấy rất giỏi. Tôi đã cho ông ấy biết mọi chi tiết." Ông trao những lá thư cho tôi. Tôi đón nhận, nhưng không cất vào túi. Ông nhìn tôi, rồi đi đến trước mặt tôi, đặt tay lên cánh tay tôi. Nhẹ như một cánh chim; gần như tôi không cảm thấy gì. "Khó lắm," ông dịu dàng nói, giọng thay đổi. "Tôi biết. Vì thế tôi cứ trì hoãn mãi cho đến khi không thể trì hoãn được nữa." "Có khó khăn gì đâu --" tôi trả lời. Ông khoát tay ra hiệu. "Đừng nói với tôi là --" "Không," tôi nói. "Ý của tôi không phải như thế. Tôi chỉ muốn biết khi nào cô ấy sẽ trở lại?" Jaffé im lặng một thoáng. Đôi mắt sậm màu, dài hẹp của ông loang loáng dưới ánh đèn buồn, vàng. "Cậu muốn biết gì khi hỏi thế?" Mãi một lúc sau ông mới nói. "Bởi nếu không, thì cô ấy đừng đi, có lẽ lại tốt hơn," tôi trả lời. Ông ngửng lên nhìn tôi thật nhanh. "Cậu vừa nói gì thế?" "Nếu không, thà cô ấy đừng đi, có khi lại tốt hơn." Ông nhìn tôi chầm chầm. "Cậu có biết câu ấy có nghĩa gì không?" ông hỏi tôi, nhẹ nhàng nhưng đanh thép. "Có ạ," tôi nói. "Có nghĩa là có lẽ cô ấy sẽ không phải chết trong cô đơn. Và tôi cũng hiểu như vậy." Jaffé so đôi vai như thể rùng mình. Rồi ông đi chầm chậm đến cửa sổ và nhìn ra ngoài trời mưa. Khi quay lại, mặt của ông cứng như một lớp mặt nạ. Ông dừng lại trước mặt tôi. "Cậu được bao nhiêu tuổi?" ông hỏi. "Ba mươi," tôi trả lời. Tôi không hiểu ông đang nhắm vào điều gì. "Ba mươi tuổi," ông lập lại, nhấn mạnh như thể đang nói chuyện với chính mình và không hiểu tôi nói gì. "Ba mươi; trời ơi!" Ông đến cạnh bàn viết và đứng lại, nhỏ bé và lơ đãng kỳ lạ, lạc lõng bên cái bàn viết khổng lồ trống vắng. "Tôi sắp sửa được sáu mươi tuổi, hiện nay," ông nói, không nhìn tôi; "nhưng tôi không thể làm như thế. Tôi vẫn sẽ cố gắng bằng mọi cách; vẫn cố gắng, ngay cả khi tôi biết chắc là vô vọng." Tôi không nói gì. Jaffé đứng đó như thể ông đã quên bẳng tất cả. Rồi ông làm một cử động và vẻ mặt ấy biến mất. Ông mỉm cười. "Tôi nhất định tin rằng cô ấy sẽ khỏe mạnh suốt mùa đông." "Chỉ mùa đông thôi sao?" tôi hỏi. "Tôi hy vọng đến khi ấy, vào mùa xuân cô ấy có thể quay lại." "Hy vọng," tôi nói. "Chữ đó có nghĩa gì chứ?" "Mọi thứ, Jaffé trả lời. "Tất cả mọi thứ. Hiện giờ tôi không thể nói gì thêm. Mọi thứ còn lại đều có khả năng xảy ra. Ta phải chờ xem tiến triển ở trên ấy. Nhưng tôi tin chắc là cô ấy sẽ có thể trở lại đây vào mùa xuân." "Nhất định." "Vâng." Ông đi vòng quanh bàn viết và dùng chân đá mạnh một ngăn kéo để đóng lại, dữ dội đến nổi những cái ly trên bàn kêu rổn rảng. "Khốn nạn thật, trời ạ, tôi cũng đau lòng lắm khi cô ấy phải đi xa!" ông lẩm bẩm. Người y tá bước vào. Jaffé vẫy tay đuổi bà ấy đi. Nhưng bà ta vẫn đứng đó, ngốc nghếch, lỳ lợm, với gương mặt của một con bulldog dưới vầng tóc bạc. "Một lát nữa," Jaffé gắt lên. "Một lát nữa hãy vào." Bà y tá cau có quay đi. Khi ra cửa, bà với tay tắt đèn. Trong phòng, ngày bỗng nhiên thành xám và trắng đục như sữa. Gương mặt Jaffé đột ngột nhợt nhạt. "Mụ phù thủy," ông nói. "Suốt hai mươi năm, tôi đã có ý định tống khứ bà ấy. Thế nhưng bà ấy quá giỏi, không đuổi được." Rồi ông quay sang tôi. "Sao rồi?" "Chúng tôi sẽ lên đường tối nay," tôi nói. "Tối nay?" "Vâng, nếu cần, chuyện gì làm được ngày hôm nay vẫn tốt hơn ngày mai. Tôi sẽ đưa cô ấy đi. Tôi có thể nghĩ phép vài hôm." Ông gật đầu và bắt tay tôi. Tôi đi. Từ đó đến cửa, dường như quá xa. Ra đến ngoài, tôi đứng lại. Tôi nhận thấy những lá thư vẫn còn nằm trên tay. Mưa tuôn nặng hạt trên những tờ giấy. Tôi lau bớt nước và cất chúng vào túi áo trong, trước ngực. Rồi tôi nhìn quanh. Một chiếc xe buýt vừa lái tới trước cửa. Xe đầy người và họ đổ xô xuống. Vài cô gái mặc áo mưa cao su đen bóng, cười nói với người gác cửa. Anh ta còn trẻ, hàm răng trắng lóa trên gương mặt nâu hồng. Không thể, tôi nghĩ, không thể. Cuộc đời vui tươi quá, thế mà Pat phải ra đi! Xe buýt kêu leng keng rồi lái đi. Bánh xe bắn tung tóe nước lên lối đi. Tôi tiếp tục bước, để báo cho Koster và để mua vé tàu. Tôi về nhà lúc trưa. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ, đã đánh điện tín đến dưỡng đường. "Pat," tôi nói, vẫn đứng ở cửa, "em có thể chuẩn bị hành lý trước khi trời tối không?" "Em phải đi?" "Vâng," tôi nói. "Vâng, Pat." "Một mình?" "Không. Chúng ta cùng đi. Anh đưa em đi." Màu hồng trở lại trên mặt nàng. "Vậy khi nào em phải chuẩn bị xong?" nàng hỏi. "Tối nay xe lửa khởi hành lúc mười giờ." "Và anh lại sắp sửa đi nữa? " "Không. Anh ở đây đến khi ta lên đường." Nàng thở một hơi dài. "Vậy đơn giản lắm, Robby," nàng nói. "Chúng ta nên bắt đầu từ lúc này, anh nhé?" "Chúng ta vẫn còn thừa thì giờ." "Chẳng thà em đi ngay. Cho xong." "Đúng." Tôi nhanh chóng xếp vào va li những vật dụng cần dùng và tôi xong việc trong nửa giờ. Rồi tôi ghé qua phòng Frau Zalewski và báo cho bà ấy biết chúng tôi sẽ lên đường tối nay. Tôi trả tiền thuê phòng đến tận mùng một tháng Mười Một, nhỡ như không có ai khác thuê. Bà muốn kéo dài câu chuyện, nhưng tôi lẹ làng đi về phòng mình. Pat quỳ trước cái rương đựng quần áo của nàng. Áo đầm treo quanh, trên giường là áo lót và nàng đang xếp giày vào rương. Tôi nhớ lại lúc mới dọn vào phòng này, nàng cũng quỳ in hệt như thế, và cũng lấy vật dụng từ trong rương ra, và tôi có cảm giác như thể chuyện ấy đã xảy ra ở một thời gian vô tận trong quá khứ, nhưng lại cũng như vừa mới xảy ra hôm qua.... Nàng nhìn lên. "Em mang theo cái áo dạ hội bạc?" tôi hỏi. Nàng gật đầu. "Chúng ta làm gì với những thứ còn lại, Robby? Với bàn ghế?" "Anh đã nói chuyện với Frau Zalewski. Anh sẽ dọn càng nhiều càng tốt vào phòng anh. Còn lại bao nhiêu, chúng ta sẽ nhờ một hảng dọn nhà tồn trữ. Khi nào em trở lại, mình sẽ lấy về." "Khi em trở lại," nàng nói. "Vâng," tôi đáp, "vào mùa xuân, khi em trở lại, da rám nắng." Tôi giúp nàng đóng gói, và đến chiều, khi trời sụp tối, chúng tôi hoàn tất. Lạ lùng thay --- đồ đạc trong phòng vẫn còn nguyên chỗ cũ, chỉ có tủ áo và các ngăn kéo trống trơn, thế nhưng căn phòng đột nhiên trở thành trần trụi và buồn thảm. Pat ngồi trên giường. Nàng có vẻ mệt. "Anh vặn đèn lên nhé?" tôi hỏi. Nàng lắc đầu. "Cứ để như thế một lát." Tôi ngồi cạnh nàng. "Em muốn hút một điếu không?" tôi hỏi. "Không, Robby. Chỉ ngồi một lát như thế này thôi." Tôi đứng lên và đến bên cửa sổ. Bên ngoài, những ngọn đèn đường lập lòe trong mưa. Dưới đường, Rosa chầm chậm đi qua. Đôi ủng dài của chị bóng lộn. Chị cắp một gói dưới nách và hướng về quán The International. Rõ ràng chị mang theo giỏ kim len, để đan lát cho con. Fritzi và Marian theo sau, đều vận áo mưa trắng, mới, ôm sát, và tới lượt Mimi, lết thếch lê gót theo, mệt mỏi. Tôi quay lại. Bây giờ phòng đã tối đen khiến tôi không thể nhìn thấy Pat nữa. Tôi chỉ còn nghe hơi thở của nàng. Chầm chậm và ảm đạm, đàng sau những ngọn cây bên nghĩa trang, các bảng đèn quảng cáo dâng cao. Những chữ đỏ của quảng cáo thuốc lá nằm trên mái nhà như một thứ trang trí vui tươi, những vòng tròn xanh lơ và xanh lục ngọc của các loại rượu vang bắt đầu phun tỏa, và đường viền tươi sáng của bảng hiệu giặt ủi cũng được thắp lên. Chúng toát ra một thứ ánh sáng êm dịu, mơ màng, xuyên qua cửa sổ, hắt lên vách tường và khăn phủ giường. Chúng di chuyển tới lui, và căn phòng bỗng dưng biến thành một cái chuông thợ lặn lạc loài dưới đáy đại dương, chung quanh đó những đợt sóng mưa xô đẩy vào, và từ một nơi xa xôi, một chút óng ánh của thế gian vui nhộn xuyên thấu qua. Tám giờ tối. Bên ngoài có tiếng kèn xe kêu tin tin. "Gottfried lái tắc xi đến," tôi nói. "Anh ấy đón chúng ta đi ăn." Tôi đứng dậy, đến cửa sổ và nói vọng xuống là chúng tôi sắp sửa ra. Rồi tôi bật cây đèn pin nhỏ và đi vào phòng tôi. Thật vô cùng kỳ lạ. Tôi vớ chai rum và nốc cạn một ly. Rồi tôi ngồi phịch vào ghế bành và ngó trừng trừng xuống thảm. Một lúc sau tôi đứng dậy và đến bồn rửa mặt để chải tóc. Tôi quên tôi đang làm gì, vì tôi chợt thấy gương mặt tôi hiện ra trong gương. Lạnh lùng và tò mò, tôi nhìn nó. Tôi nhíu môi và mỉm cười với nó. Nó mỉm cười đáp lại, căng thẳng và nhợt nhạt. "Mày," tôi nói, không phát ra tiếng. Rồi tôi trở lại với Pat. "Chúng ta đi chứ, ông cụ non?" tôi hỏi. "Vâng," nàng nói; "nhưng em muốn qua phòng anh một lần nữa." "Sao thế?" tôi trả lời. "Cái phòng nhếch nhác --" "Anh đứng đây," nàng nói. "Em sẽ trở lại tức thì." Tôi chờ một chút, rồi đi theo. Nàng đứng giữa phòng và hơi giật mình khi bắt gặp tôi. Tôi chưa bao giờ trông thấy nàng như thế. Chìm lắng, mất hút. Chỉ một giây thôi; rồi nàng lại mỉm cười. "Nào," nàng nói. "Chúng mình đi." Ở bếp, Frau Zalewski đang đợi. Mái tóc bạc dợn sóng và bà cài chiếc kim hoa với tấm ảnh kỷ niệm của ông Zalewski quá cố trên chiếc áo lụa đen. "Coi chừng đấy," tôi nói khẻ vào tai Pat, "bà ấy sẽ ôm hôn em." Chưa chi Pat đã biến mất trong bộ ngực đồ sộ. Gương mặt to lớn trên đầu Pat nhăn nhúm. Chỉ vài giây Pat sẽ ngập lụt. Khi Frau Zalewski khóc, mắt của bà lệ chảy tong tong như bình thông nhau dưới áp suất. "Xin tha lỗi," tôi nói, "chúng cháu phải đi gấp. Sắp đến giờ." "Đến giờ?" Frau Zalewski quan sát tôi với cái nhìn hủy diệt. "Còn hai giờ nữa tàu mới chạy. Trong khi ấy, bác đoán là cháu sẽ chuốc cho cô bé say mèm." Pat phải phì cười. "Không đâu, Frau Zalewski. Chúng cháu chỉ muốn từ giã các bạn khác mà thôi." Mẹ bề trên Zalewski lắc đầu, nghi ngờ. "Cháu nhìn thấy ở chàng trai này một cái chậu vàng ròng, Fraulein Hollmann. Nhưng giỏi lắm cậu ấy chỉ là một chai rượu màu vàng mà thôi." "Một hình ảnh đẹp," tôi nói. "Cháu ơi --" Frau Zalewski một lần nữa lại để cho cảm xúc trào dâng. "Sớm trở về đây nhé. Phòng của cháu luôn luôn dành riêng cho cháu. Và nếu Kaiser có ở đó đi nữa, khi cháu về, ông ấy cũng phải dọn ra." "Cảm ơn bác, Frau Zalewski," Pat nói. "Cháu cảm ơn bác về tất cả mọi thứ. Chuyện bói bài nữa. Cháu sẽ nhớ tất cả." "Được rồi. Giữ gìn sức khỏe và chóng bình phục nhé." "Vâng ạ," Pat nói. "Cháu sẽ cố. Au revoir, Frau Zalewski. Au revoir, Frida." Chúng tôi đi. Cửa hành lang đóng sập lại, sau lưng chúng tôi. Cầu thang tối mờ; một vài bóng đèn đã hỏng. Pat im lặng khi bước xuống thang, êm ái và nhẹ nhàng. Tôi có cảm giác như một đợt nghĩ phép vừa kết thúc và khi trời rạng đông chúng tôi đi ra trạm xe lửa, trở về tiền tuyến. Lenz mở cửa xe tắc xi. "Coi chừng," anh nói. Xe đầy hoa hồng. Hai bó khổng lồ hồng trắng và hồng nhung nằm ở băng sau. Tôi lập tức nhận ra nguồn gốc của chúng -- vườn hoa giáo đường. "Đợt hoa cuối," Gottfried nói, hài lòng với bản thân. "Cũng gặp môt ít phiền toái. Phải cãi cọ hơi lâu với một vị linh mục." "Có phải ngài là người có đôi mắt trong vắt, xanh lơ và trẻ thơ?" tôi hỏi. "À há, cậu cũng vậy!" Gottfried đáp. "Vậy cậu chính là người mà ngài nói đến. Ngài đã thất vọng não nề khi biết mục đích của sự chiêm bái những Chặng Đàng Thánh Giá. Ngài cứ ngỡ lòng sùng đạo của nam tín đồ đang trên đà phát triển." "Thế ngài cho phép cậu ra về với những bông hoa?" tôi hỏi. "Ngài bị tớ thuyết phục. Cuối cùng, chính ngài đã giúp tớ hái chúng." Gottfried chun mủi. Pat cười to. "Thật vậy sao?" Gottfried nhe răng cười. "Dĩ nhiên. Thật tuyệt khi ta thấy dưới ánh hoàng hôn, đấng thiêng liêng nhảy loi choi, với lên những cành cao nhất. Ngài đã phát khởi một tinh thần thể thao. Ngài bảo ngài là một cầu thủ banh cà na có hạng ở đại học. Đúng quá, tớ nghĩ thế." "Cậu đã xui giục một linh mục ăn trộm," tôi nói. "Cậu sẽ bị đọa ở luyện ngục vài trăm năm. Mà này Otto đâu rồi?" "Đang ở quán Alfons. Chúng ta ăn tối ở đó, phải không?" "Vâng, dĩ nhiên rồi," Pat nói. "Đúng, chúng ta đi thôi." Alfons chờ chúng tôi, trong bộ y phục trịnh trọng, quần kẻ sọc, áo đuôi dài và cà vạt xám bạc. "Sắp dự tiệc cưới hay sao?" Lenz hỏi. "Không, nhưng tớ biết ăn mặc chỉnh tề," Alfons nói, và hôn tay Pat. Đường may của cái áo đuôi dài chật nít của anh kêu răng rắc, những bắp thịt vạm vỡ căng phồng bên dưới. "Nhanh lên, anh có rượu ngon không?" Lenz quẹt tay ngang mắt như vừa trông thấy ma. Alfons ưởn ngực và đường bệ ngoắc Hans, người bồi bàn đang bê một khay đầy ắp ly. "Cậu muốn nói sao thì nói, Gottfried, kummel vẫn là thứ rượu khai vị hạng nhất." "Vodka chính hiệu mới ngon nhất." Lenz cãi. "Cô nương," Alfons quay sang Pat, "chúng tôi đã tranh cãi về chuyện ấy từ năm 1916. Khởi sự tại Verdun, và những chàng trai trẻ vẫn không chịu hiểu. Tuy thế: xin hân hoan chào đón và chúc sức khỏe các bạn." Chúng tôi uống. "Kummel ngon tuyệt," Pat nói. "Như sữa trên núi lạnh." "Rất vui vì cô đã nghĩ thế. Rất hiếm có chuyên gia về Kummel." Alfons cầm chai rượu trên quầy. "Một ly nữa nhé?" "Vâng," Pat nói, "một ly nữa." Alfons rót vào ly của Pat. "Đúng là thứ xịn, thứ xịn." Anh nháy mắt, hiền hòa. Pat uống cạn ly và nhìn tôi. Tôi cầm ly rượu trên tay nàng, đưa qua Alfons. "Cho tớ một ly nữa." "Tất cả mọi người uống thêm một ly," Alfons nói. "Rồi ta sẽ thưởng thức món thịt thỏ hầm nồi đất với bắp cải đỏ và nước sốt táo." "Pros't, Pat," tôi nói. "Pros't, bạn vàng của anh." Để kết thúc Alfons đặt vào máy hát một dĩa nhạc Don Cossacks. Đó là một bài hát êm đềm, dàn đồng ca khe khẻ như tiếng organ từ xa vọng lại, trong khi một giọng trong vắt, đơn độc trôi bềnh bồng trên đó. Với tôi, như thể là một cánh cửa mở rất nhẹ, không gây tiếng động và một người đàn ông già, mệt mỏi bước ra, ngồi xuống trong im lặng ở một bàn ăn trong quán, lắng nghe bài hát thời xuân xanh. "Này các cậu," Alfons nói khi tiếng đồng ca càng lúc càng nhỏ dần đến khi chấm dứt như một tiếng thở dài, "các cậu có biết tớ luôn luôn nghĩ gì mỗi khi nghe bài này không? Ypres, 1917, Gottfried; tháng Ba, cậu còn nhớ không, cái đêm mà Bertelsmann --" "Vâng," Lenz nói, "tớ nhớ. Đêm ấy khi cây anh đào --" Alfons gật đầu. Koster đứng dậy. "Tớ nghĩ là đã đến giờ." Anh nhìn đồng hồ tay. "Vâng, tụi này phải lên đường." "Một ly cognac nữa thôi," Alfons nói. "Napoleon thứ thiệt. Tôi đặc biệt mang ra đãi các cậu." Chúng tôi uống cognac và sẳn sàng lên đường. "Au revoir, Alfons," Pat nói. "Em rất vui đã được đến đây." Nàng đưa tay ra cho anh. Alfons đỏ mặt. Anh giữ chặt tay nàng trong những ngón tay chuối mắn. "Nếu cô cần điều gì --xin cứ nói ra." Anh ngượng ngùng nhìn nàng. "Cô thích hợp với nơi đây. Cô biết đấy, tôi chẳng bao giờ tin một người phụ nữ lại có thể thích hợp với nơi này, thế mà." "Cám ơn," Pat nói, "cảm ơn anh, Alfons. Anh không thể nói với em một câu nào dịu dàng hơn thế. Em chào anh, chúc anh những gì tốt đẹp nhất." "Mong sớm gặp lại cô." Alfons hỉ mũi sồn sột. Koster và Lenz đưa chúng tôi đến ga. Chúng tôi ghé qua nhà, và tôi dẫn con chó theo. Jupp đã mang hành lý đi trước. Chúng tôi đến nơi vừa kịp lúc. Con tàu bắt đầu lăn bánh ngay sau khi chúng tôi bước lên. Trong tiếng động cơ rầm rập, Lenz rút từ túi áo ra một cái chai gói kỹ, và giơ lên cho tôi. "Đây, Bob, cầm lấy. Cậu có thể nhâm nhi vài giọt trong cuộc lữ hành." "Cám ơn," tôi nói, "cậu cứ giữ mà uống tối nay. Tớ có phần rồi." "Lấy đi,"Lenz trả lời; "chẳng bao giờ thừa với cậu." Anh chạy theo đoàn tàu và thẩy chai rượu lên cho tôi. "Au revoir, Pat!" anh gọi. "Khi chúng tôi phá sản, tất cả sẽ lên trên đó, gia nhập cô. Otto sẽ trượt tuyết, tôi dạy khiêu vũ, Bob đánh piano. Và rồi, với cô, chúng tôi sẽ lập một nhóm hát rong, biểu diễn từ khách sạn này sang khách sạn khác." Con tàu tăng tốc độ và Gottfried bị bỏ lại đàng sau. Pat bám vào cửa sổ và vẫy tay mãi cho đến lúc nhà ga biến mất sau một khúc quanh. Rồi nàng quay lại. Gương mặt rất xanh xao và đôi mắt sáng ướt. Tôi ôm nàng trong tay. "Nào," tôi nói, "chúng ta uống một chút gì nhé. Em thật là tuyệt diệu." "Nhưng em không cảm thấy tuyệt diệu," nàng trả lời, cố gắng mỉm cười. "Anh cũng thế," tôi nói. "Bởi vậy chúng ta cần uống một chút rượu." Tôi mở nút chai cognac và rót cho nàng một cốc nhỏ. "Ngon chứ?" tôi hỏi. "Em đừng khóc," tôi nói. "Anh rất hãnh diện, suốt ngày nay em đã không khóc." "Em có khóc đâu," nàng đáp, lắc đầu, và nước mắt ràn rụa trên gương mặt hao gầy. "Hãy uống thêm," tôi nói, ôm chặt nàng hơn nữa. "Những phút giây đầu tiên luôn luôn khó khăn, nhưng rồi tất cả sẽ bình thường trở lại." Nàng gật đầu. "Vâng, Robby. Nhưng anh chẳng nên bận tâm vì nó. Rồi cũng sẽ qua đi; đừng nhìn em, đó là cách tốt nhất. Để mặc em ngồi đây vài phút, rồi em sẽ vượt qua." "Nhưng tại sao không? Em đã rất can đảm suốt ngày hôm nay, bây giờ em có thể tha hồ khóc như ý muốn." "Em có can đảm gì đâu. Tại anh không nhận ra, mà thôi." "Có lẽ thế," tôi nói; "nhưng điều này thì đúng." Nàng cố gắng cười. "Điều gì thì đúng, hở Robby?" "Bởi vì em không đầu hàng. " Tôi vuốt tóc nàng. "Chừng nào một người chưa đầu hàng số phận, người ấy vẫn còn cao đẹp hơn nó. Đó là một nguyên tắc cũ trong quân đội." "Nhưng với em, không phải là can trường, anh yêu," nàng thì thầm. "Với em, chỉ đơn giản là sợ hãi -- nỗi sợ hãi đáng thương về sự sợ hãi to tát sau cùng." "Chỉ cần giữ can đảm thôi, Pat ạ." Nàng dựa vào tôi. "Ach, Robby, anh đâu biết sợ hãi là gì." "Anh biết chứ," tôi trả lời. Cửa mở. Người soát vé yêu cầu trình vé. Tôi đưa chúng ra. "Có phải vé nằm dành cho cô ấy?" ông ta hỏi. Tôi gật đầu. "Vậy cô phải đến toa dành riêng cho vé nằm," ông ta bảo Pat. "Vé ấy không dùng được ở các toa khác." "Tốt lắm." "Và phải đưa con chó đến toa hành lý," ông ta nói. "Cũi chó ở toa hành lý." "Được rồi," tôi nói. "Vậy, toa nằm ở đâu?" "Đàng sau, toa thứ ba. Còn toa hành lý luôn luôn ở tận phía trước." "Vậy chúng ta hãy nhổ trại, Pat," tôi nói. "Một lát anh sẽ lén đưa Billy vào toa của em. Toa hành lý chẳng có gì cho nó." Tôi không mua vé nằm cho tôi. Tôi không ngại phải ngồi ở một góc tàu suốt đêm. Ngoài ra, tiền vé cũng rẻ hơn. Jupp đã đưa hành lý lên toa của Pat. Đó là một gian phòng nhỏ, tường lát gỗ hồng đào. Giường của Pat ở tầng dưới. Tôi hỏi người tiếp viên, có ai đặt chỗ ở giường trên hay không. "Có," ông ta nói, "từ Frankfurt." "Mấy giờ chúng ta sẽ đến Frankfurt?" tôi hỏi. "Hai giờ rưởi." Tôi biếu ông ta tiền nước, và ông ta quay về góc của mình. "Trong nửa giờ, anh sẽ trở lại với con chó." "Nhưng anh không thể làm được; người tiếp viên còn ngồi trong toa." "Anh không thể? Em đừng khóa cửa phòng." Tôi đi ngược lại, qua người tiếp viên đang ngó chừng tôi. Ở trạm kế, tôi xuống tàu với con chó và đi trên sân ga, qua khỏi toa có buồng nằm, đến toa kế tiếp. Rồi tôi chờ đến khi người tiếp viên bước ra nói chuyện với viên cảnh sát. Rồi tôi lên tàu, đi ngược hành lang về toa nằm, và vào phòng của Pat mà không ai nhìn thấy. Nàng đã khoác một chiếc áo choàng trắng mềm mại và trông thật đáng yêu. Đôi mắt nàng long lanh. "Em đã bớt buồn rồi, Robby," nàng nói. "Tốt. Nhưng em không nằm xuống hay sao? Chỗ này chật chội quá. Anh sẽ ngồi cạnh em." "Vâng, nhưng --" Nàng ngần ngừ và chỉ tay lên giường trên. "Nếu ngài Chủ Tịch Liên Đoàn Những Cô Gái Sa Ngã bỗng dưng xuất hiện ở cửa thì sao?" "Còn lâu lắm mới đến Frankfurt," tôi nói. "Anh sẽ canh chừng. Anh sẽ không ngủ quên." Khi sắp đến Frankfurt, tôi trở về toa của mình. Tôi ngồi thu lu trong góc, cạnh cửa sổ và cố dỗ giấc ngủ. Nhưng tại Frankfurt, một ông với hàng ria hải mã lên tàu, lập tức mở một cái gói nhỏ, và khởi sự ăn. Ông ta ăn uống thô lỗ đến đổi tôi không thể ngủ. Bửa ăn kéo dài một tiếng. Rồi con hải mã lau hàng ria mép, vươn vai, và bắt đầu một tấu khúc mà tôi chưa bao giờ nghe một thứ gì tương tự. Đó không phải là một tiếng ngáy đơn giản; đó là tiếng thở dài như tiếng hú, chấm phết với những tiếng rên và tiếng thở phì phò. Không có một hệ thống nhất quán, nó thay đổi không ngừng. May mắn thay, khoảng năm giờ, ông ta xuống tàu. Khi tôi tỉnh dậy, ngoài trời toàn một màu trắng xóa. Tuyết lất phất rắc từng mảnh và toa tàu đắm trong một ánh sáng chạng vạng siêu nhiên. Chúng tôi đã vượt qua các rặng núi. Gần chín giờ sáng. Tôi vươn vai và rồi đi rửa mặt, cạo râu. Khi tôi trở lại, Pat đã đứng trong toa. Trông nàng tươi tắn. "Em ngủ ngon không?" tôi hỏi. Nàng gật đầu. "Và em gặp thứ phù thủy già nào ở giường tầng trên?" "Trẻ và xinh. Cô ấy tên là Helga Guttmann, và cô ấy cũng đi đến dưỡng đường giống em." "Thật à?" "Vâng, Robby. Nhưng em thấy rõ, anh không ngủ được. Anh cần ăn sáng đàng hoàng." "Cà phê," tôi nói. "Cà phê với vài giọt anh đào." Chúng tôi đến toa ăn. Bỗng dưng tôi thấy vui trở lại. Mọi thứ dường như không quá tệ như đêm qua. Helga Guttmann đã có mặt ở đó. Cô ấy thuộc loại con gái miền nam, mảnh mai và sinh động. "Thật phi thường," tôi nói, "khi các cô gặp nhau như thế, cùng đi tới một dưỡng đường." "Chẳng có gì phi thường," cô ta nói. Tôi nhìn cô ta. Cô cười to. "Tất cả những con chim thiên di tụ họp với nhau trong thời gian này. Đàng kia kìa --" cô ấy chỉ vào góc toa -- "cả bàn ấy cũng đi đến đó." "Làm sao cô biết?" tôi hỏi. "Tôi quen với tất cả mọi người lần trước. Ở nơi ấy, ai nấy đều quen biết nhau." Người hầu bàn mang cà phê đến. "Và đem thêm một chai cherry brandy to," tôi nói. Tôi cần phải uống một thứ gì đó. Thình lình mọi việc trở nên rất đơn giản. Những người ngồi ở đó đang đến dưỡng đường lần thứ hai, và dường như họ coi chuyện ấy không khác gì hơn một cuộc đi dạo. Thật ngu muội nếu ta sợ hãi. Pat sẽ trở về, hệt như những người ấy đã trở về. Tôi chẳng cần suy nghĩ cặn kẻ rằng cả bọn phải lên đó lại -- tôi chỉ cần biết, ta có trở về và có một năm dài trước mặt. Trong một năm, rất nhiều chuyện có thể xảy ra. Quá khứ đã dạy chúng tôi ứng phó với giai đoạn ngắn mà thôi. Chúng tôi đến nơi vào buổi chiều. Thời tiết trong sáng, vầng dương vàng rực trên những cánh đồng tuyết, và da trời xanh hơn bao giờ hết từ vài tuần nay. Tại sân ga, một đám đông chờ đón. Họ reo hò và vẫy tay và những người mới tới cũng vẫy tay lại từ trên tàu. Helga Guttmann được một người đàn bà tóc vàng tươi cười và hai người đàn ông mặc quần chơi golf màu tươi mang đi. Cô phấn khích và bồng bột như một người về nhà sau khi vắng mặt một thời gian dài. "Au revoir, gặp lại sau, trên ấy nhé," cô nói với chúng tôi, và ngồi vào chiếc xe trợt tuyết với các bạn. Đám đông tản mác thật nhanh và vài phút sau, chỉ còn chúng tôi trên sân ga. Một người phu khuân vác đến gần. "Khách sạn nào?" ông ta hỏi. "Dưỡng đường Waldfrieden," tôi đáp. Ông ta gật đầu và ra hiệu cho một người tài xế. Họ kéo hành lý của chúng tôi lên một chiếc xe trợt tuyết xanh tươi, thắng với một cặp ngựa trắng. Hai con ngựa có túm lông xám trên đầu, và hơi thở bay ra vờn quanh mủi chúng như một vầng mây xà cừ. Chúng tôi lên xe. "Ông bà muốn lên ấy bằng xe cáp treo, hay bằng xe trợt tuyết?" người lái xe hỏi. "Xe trợt tuyết đi xa lắm không?" "Nửa giờ." "Vậy đi xe trượt tuyết." Người lái xe tróc lưỡi và chúng tôi lên đường. Con đường dẫn ra khỏi làng và uốn khúc theo hình chữ chi cao dần. Dưỡng đường nằm trên một đỉnh cao. Đó là một kiến trúc dài, màu trắng, với nhiều dãy cửa sổ. Trước mỗi cửa sổ là một ban công. Trên nóc, một lá cờ vờn bay trong gió. Tôi cứ ngỡ nó phải trang bị như một bịnh viện, nhưng ít ra ở tầng trệt, nó giống như một khách sạn. Ở tiền sảnh, có một lò sưởi to và nhiều bàn nhỏ, bày biện các vật dụng uống trà. Chúng tôi trình diện ở văn phòng. Người giúp việc khuân hành lý của chúng tôi vào và một bà lớn tuổi cho biết phòng của Pat là phòng số 79. Tôi hỏi nếu tôi có thể có một phòng cho tôi, trong vài ngày. Bà lắc đầu. "Ở dưỡng đường thì không. Nhưng có thể có ở khu vực phụ." " Khu vực phụ ở đâu?" "Bên cạnh đây." "Tốt," tôi nói; "vậy cho tôi một phòng và mang hành lý của tôi đến đó." Một thang máy, không tiếng động, đưa chúng tôi lên tầng hai. Tầng hai thực tình giống bịnh viện hơn -- một bịnh viện dễ chịu thoải mái, đúng vậy, nhưng dù sao vẫn là một bịnh viện. Hàng lang trắng, cửa trắng, mọi nơi mọi chỗ đều lấp lánh, sáng bóng với thủy tinh, kền và sự sạch sẽ tinh tươm. Một bà sơ có trách vụ, chào đón chúng tôi. "Fraulein Hollmann?" "Vâng," Pat nói. "Phòng Bẩy Mươi Chín phải không?" Bà sơ gật đầu, dẫn trước và mở một cánh cửa. "Phòng của cô đây." Đó là một căn phòng sáng sủa, kích thước trung bình, ánh nắng chiều đang chiếu vào qua một cửa sổ rộng. Trên bàn có một bình cắm hoa cúc tây xanh và đỏ, bên ngoài cửa sổ, trải dài những cánh đồng tuyết trắng trên đó ngôi làng nép mình như ẩn nấp dưới một tấm chăn trắng toát, vĩ đại. "Em thích nơi này không?" tôi hỏi Pat. Nàng nhìn tôi một lúc. "Vâng," rồi nàng nói. Phu khuân vác mang rương của Pat vào. "Chừng nào tôi phải khám bịnh?" Pat hỏi bà sơ. "Sáng mai. Cô nên đi ngủ sớm tối nay để nghĩ ngơi đầy đủ." Pat cởi áo khoác, đặt nó lên cái giường trắng, trên đó đã treo sẳn một biểu đồ mới dùng ghi thân nhiệt. "Tôi cần phải làm gì ngay bây giờ không?" Pat hỏi. Bà sơ lắc đầu. "Hôm nay thì không. Ít nhất cũng phải chờ đến chiều mai, khi đã khám xong mới có thể làm gì khác. Khám bệnh lúc mười giờ. Tôi sẽ đón cô." "Cảm ơn sơ." Pat nói. Bà y tá bỏ đi. Người khuân vác vẫn đứng đợi ở cửa. Tôi cho ông ta tiền nước và ông ta cũng bỏ đi. Thình lình căn phòng vắng lặng như tờ. Pat đứng cạnh cửa sổ, nhìn ra ngoài. Đầu nàng đen sẩm trên nền trời sáng. "Em mệt không?" tôi hỏi. Nàng quay lại. "Không." "Trông em mệt lắm," tôi nói. "Em mệt theo cách khác, Robby. Nhưng em có đủ thời gian cho việc ấy." "Em muốn thay y phục chưa?" tôi hỏi. "Hay chúng ta nên xuống nhà khoảng một tiếng đồng hồ trước đã? Anh nghĩ rằng tốt nhất chúng ta nên xuống dưới." "Vâng," nàng nói, "sẽ tốt hơn." Chúng tôi lại đi xuống trong chiếc thang máy êm như ru và ngồi vào một trong những cái bàn nhỏ ở tiền sảnh. Một chốc sau, Helga Guttmann cũng đến với các bạn. Họ ngồi chung với chúng tôi. Helga Guttmann phấn khích và vui tươi một cách khá cuồng nhiệt, nhưng tôi hài lòng vì cô ấy có mặt tại đó và vì Pat đã làm quen với vài người. Những ngày đầu bao giờ cũng khó khăn.