úc ấy bọn người hiếu kỳ vây quanh đã đông, có đến vài chục người. Họ xúm lại tò mò, mà cũng có ý sẵn sàng giúp đỡ nữa. Một người bàn: - Hành lý cồng kềnh thế này đòi chất lên xe buýt sao được. Kêu cái tắc-xi mà đi chứ! Một bà mặc chiếc áo hoa sặc sỡ nói giọng phẫn nộ: - Xí, ba lão xe buýt và tắc-xi chỉ kiếm chuyện khó dễ hoài. Xe chở lấy tiền chớ bộ đi không sao! Nhiều tiếng phân trần: - Không phải thế đâu. Họ không chở được vì những hành lý kềnh càng này. Bà mặc áo hoa nhìn đống hành lý dị dạng hỏi mấy thanh niên: - Mấy em mang những thứ này đi đâu đây? Từ nãy ba thanh niên đứng vây quanh cô gái như để che chở cho nàng. Thiếu nữ vẫn cứ khóc nức nở làm ho bối rối thêm. Nghe người đàn bà hỏi cô gái mới ngẩng đầu lên nói: - Chúng tôi ở ngoài Trung vô đây được mấy hôm nay. Lần đầu tiên chúng tôi tới Sàigòn mà toàn gặp chuyện không may! - Chuyện gì không may vậy em? Cụ Lâm, Bình và Thảo từ nãy đã len được vào đứng nghe những mẩu đối đáp giữa người đàn bà và cô gái. Cô nói: - Dạ, thưa chúng tôi là ban nhạc Hương Giang, gồm có bốn anh em. Tôi là Thuý Liễu, còn các anh em tôi đây là Mạnh Cường, Chí Dũng và Việt Hùng. Tôi giữ phần ca hát, còn anh em tôi chơi đờn. Thiếu nữ buồn rầu tiếp: - Chúng tôi đã trình diễn khắp nơi ở miền Trung, hết Huế, đến Nha Trang rồi Đà Nẵng … Mới đây nghe tin ở Sàigòn có tổ chức buổi tuyển lựa ca sĩ để hát tại Đài Phát thanh Quốc gia nên chúng tôi đáp xe hỏa vô đây. - Rồi mấy em không được tuyển chọn? Thiếu nữ lắc đầu: - Dạ, chúng tôi đã kịp dự thi đâu! Chuyến xe hoả chở chúng tôi bị nghẽn ở Tháp Chàm hết một ngày nên khi tới nơi thì cuộc thi tuyển đã xong rồi. Thiếu nữ thở dài: - Chuyện không may của chúng tôi là thế đó. Thanh niên tên Mạnh Cường nghiêng mình nói nhỏ với cô gái: - Chưa hết đâu Thúy Liễu ạ, vì anh em mình còn phải liệu sao cho kịp chuyến tàu trở về nhà nữa. Bằng không thì … Thúy Liễu lúc lắc mái tóc dài, chán nản: - Thì cứ việc ngủ ngoài vỉa hè đêm nay vậy. Đám khán giả có tiếng xì xào thương hại. Thúy Liễu ứa nước mắt tiếp: - Chúng tôi chỉ còn đủ tiền tầu ra Huế. Mà ở Sàigòn chúng tôi lại không quen ai để xin tá túc cả. Người đàn bà mặc áo hoa hỏi: - Mấy giờ thì có chuyến tàu đi Huế? - Mười giờ rưỡi. Một người đàn ông giơ tay xem giờ nói: - Nếu vậy chỉ còn có nửa tiếng nữa thôi. Thúy Liễu than: - Thế mới khổ. Chúng tôi chờ đây từ sớm mà không xe nào chịu chở chúng tôi cả. Việt Hùng, người em trai ít tuổi nhất từ đầu vẫn im lặng, bấy giờ mới nói: - Thôi, chúng mình đi bộ ra ga vậy. Đám khán giả xôn xao: - Đi bộ sao kịp! - Với lại còn những hành lý lỉnh kỉnh kia khuân vác gì nổi? Bình xúc cảm vô cùng. Anh nắm chặt tay cụ Lâm nói khẽ: - Nội à, tội nghiệp những người này quá. Họ sẽ lâm vào cảnh lỡ độ nếu chẳng may họ hụt chuyến tàu. Mình phải giúp họ mới được. Cụ Lâm tán thành: - Phải đó cháu. Để nội nói với họ. Ho khan vài tiếng để hắng giọng, cụ Lâm tiến lại trước mặt Thúy Liễu nói: - Chắc cô em và mấy cậu đây đang lâm vào thế kẹt … Cả đám người hiếu kỳ đều lắng nghe xem ông già này muốn gì. Cụ Lâm tiếp: - Nên tôi thành thật muốn giúp các em. Tôi có phương tiện để chuyên chở, tuy không lấy gì làm … Đột nhiên cụ Lâm thấy lúng túng khi muốn nói đến cái xe xưa cũ của mình. Bình phải tiếp lời: - Con Long mã của nội em chạy lanh lắm! Thúy Liễu nhìn gương mặt chất phác của cụ Lâm rồi lại nhìn sang đôi mắt mở rộng đen nhánh của Bình. Nàng cảm thấy yên tâm, nên hỏi: - Long mã là con gì hả em? - Là con ngựa cô ạ! - Nhưng … con ngựa của em thì chở sao hết được cả ban nhạc của chị? Vài tiếng cười nổi lên trong đám người đứng xem. Cụ Lâm sốt sắng giải thích: - Dĩ nhiên là được cô Thúy Liễu ạ, vì con ngựa của chúng tôi có kéo theo chiếc xe đàng sau có thể chở hết từng này hành lý và mấy em nữa. Xe và ngựa đỗ sẵn ở kia! Nghe nói, vòng người rãn ra để hở một lối nhìn cho bốn anh em ban nhạc Hương Giang thấy chiếc xe thổ mộ và con Long mã ngoan ngoãn đứng đợi bên vỉa hè. Vừa nhìn thấy chiếc xe, Thúy Liễu đứng ngay dậy thành thực nói: - May quá! Xin cám ơn lòng tốt của cụ. Cụ thật là cứu tinh của chúng tôi đấy. Mấy anh em trai của Thúy Liễu cũng mừng rỡ nói: - Cám ơn, cám ơn cụ rất nhiều. Cụ Lâm đỏ mặt lên vì hãnh diện. Cụ rút chiếc đồng hồ trái quýt trong túi áo bành tô ra coi: - Chỉ còn 30 phút nữa là tàu chạy. Mấy cô cậu đem hành lý ra xe thôi. Thúy Liễu nhắc vali lên. Quanh nàng mọi người reo cười như mừng hộ cho anh em nàng. Họ tranh nhau mang hành lý ra xe. Bình vui vẻ leo lên xe sửa soạn dây cương. Thảo cũng đã ngồi bên cạnh Bình. Cụ Lâm còn đứng chờ cho Thúy Liễu lên nốt. Nàng vừa vén tà áo đặt chân lên chiếc bàn đạp phía sau xe thì trong đám đông có tiếng nói: - Cô Thúy Liễu, cho chúng tôi nghe giọng ca của cô đi! Lời đề nghị ấy được nhiều người hưởng ứng. - Phải đấy, cô Thúy Liễu ca cho chúng tôi nghe một bài! Thúy Liễu sửng sốt quay lại. Nàng mỉm cười và như còn lưỡng lự. Nàng hỏi cụ Lâm: - Liệu có kịp không cụ? - Độ năm phút thôi, thì còn kịp. Năm phút không đủ trình diễn một bài ca, nhưng Thúy Liễu thiệt tình không muốn để những người vừa tỏ thiện cảm với anh em nàng buồn lòng. Nàng ra dấu cho các anh em trai đệm nhạc, rồi nàng cất tiếng hát: Về miền Trung, Miền Thùy dương bóng dừa ngàn thông, thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài … Ôi, quê hương xứ dân gầy, ôi, bông lúa … ………… Giọng ca của Thúy Liễu thật phong phú, trầm và ấm. Đám đông tụ lại càng nhiều im lặng đứng nghe như miên man trong lời ca dịu ngọt của xứ Thùy dương cát trắng. Vừa dứt tiếng ngân của điệp khúc thứ nhất, cụ Lâm như sực tỉnh vội nắm tay Thúy Liễu: - Thôi đủ rồi, mời cô lên xe đi cho kịp. Nhiều tiếng tiếc rẻ hô: - Bít, bít, nữa đi, Thúy Liễu! Nhưng cũng nhiều giọng biết điều hơn át đi: - Thôi, phải để cho cô ấy đi cho kịp chuyến tầu chứ! Thúy Liễu phác một cử chỉ cáo lỗi, trèo lên xe. Giữa lúc ấy, một ông đứng tuổi y phục sang trọng đeo kính trắng, rẽ đám đông đến gần lịch sự nói: - Thưa cô, xin cô vui lòng cho tôi nghe lại một đoạn cô vừa hát được chăng? Lập tức tiếng phản đối nổi lên tứ phía: - Không được, không được! - Phải để cho cô ấy đi, kẻo lỡ chuyến tàụ Và có đến mấy chục bàn tay lôi ngược ông ta trở lại giữa trận cười vui nhộn. Cụ Lâm dục Thúy Liễu: - Thôi mau lên cô. Thúy Liễu trèo lên ngồi giữa các anh em nàng. Bình cũng kéo ông nội lên ngồi rồi giật cương cho ngựa chạy. Đám khán giả hò reo: - Hoan hô ban nhạc Hương Giang! - Chào Thúy Liễu! - Chúc Thúy Liễu gặp nhiều may mắn! Thúy Liễu giơ tay vẫy: - Xin kính chào cô bác. Bình hỏi cụ Lâm: - Ra thẳng ga chứ nội. - Chớ còn đi đâu nữa! Cụ Lâm rút đồng hồ ra coi lại, tiếp: - Chết cha, đã mười giờ hơn rồi. Chỉ còn có hai mươi phút nữa thôi. Sợ không kịp quá. Bình quả quyết: - Thế nào cũng kịp mà nội. Nội quên con Long mã đã từng chạy đua rồi sao. Quả nhiên con Long mã như hiểu rỏ thời gian gấp rút chạy rất nhanh. Anh em Thúy Liễu nghe ông cháu cụ Lâm nói với nhau không khỏi nôn nao trong lòng. Thúy Liễu bặt thiệp nói: - Xin cụ chớ lo buồn. Nếu chẳng may không kịp thì cũng đành vậy thôi. Như thế này là cụ đã quá tốt với chúng tôi rồi. Cụ Lâm khẳng khái nói: - Mấy em cũng quí hóa lắm. Tôi cam đoan với mấy em là chúng ta thế nào cũng tới kịp trước giờ tầu chạy. Miễn trời đừng nổi cơn dông bất tử lúc này. Rồi cụ bảo Bình: - Cháu cứ cho xe chạy thẳng, qua ngã tư Phan Đình Phùng lên Ngã sáu thì quẹo tuốt đến ga. Quay lại phía anh em Thúy Liễu cụ nói: - Cũng may ngày hôm nay là ngày chủ nhật đường vắng người, xe mình có thể chạy nhanh không sợ vướng trở gì. Khi chiếc xe thổ mộ của cụ Lâm vừa đỗ lại trước ga xe lửa thì cơn mưa tháng bảy đột ngột đổ xuống tầm tã. Bình nhảy xuống cùng cụ Lâm và Thảo giúp anh em Thúy Liễu đem hành lý vào ga. Bình chợt choá mắt vì hai ánh điện chớp mà thoạt đầu anh tưởng rằng luồng chớp của cơn mưa. Sau đó anh mới để ý giữa đám hành khách đông đảo trong ga có hai người đeo máy ảnh ấy định chụp ai thì người em trai của Thúy Liễu đã lấy được vé tầu chạy tới. Giây phút chia tay đã tới. Cụ Lâm nói: - Còn vừa đúng 8 phút nữa thì tàu chạy. Việt Hùng đưa vé cho Thúy Liễu cùng với số tiền lẻ còn lại. Thúy Liễu cầm số tiền đưa cả cho cụ Lâm nói: - Tất cả chúng tôi chỉ còn có bấy nhiêu, xin cụ vui lòng nhận cho, chúng tôi chẳng bao giờ quên sự giúp đỡ của cụ. Cụ Lâm đẩy tay Thúy Liễu về, từ tốn đáp: - Tôi chỉ giúp không cho mấy em thôi. Thấy mấy em đi kịp tàu về xứ là tôi vui rồi. Vừa lúc ấy người đàn ông sang trọng đeo kính trắng lại tiến đến: - Thưa cô, hồi nãy tôi đã được hân hạnh gặp cô ở Chợ Đũi, hẳn cô còn nhớ. Tôi muốn … Cụ Lâm nhận ra người đàn ông đã yêu cầu Thúy Liễu hát lại bài ca nàng vừa hát ở chợ Đũi, nên quắc mắt can thiệp: - Cô ấy không có thì giờ. Ông đừng lẵng nhẵng quấy rầy. Nghe cụ Lâm lớn tiếng nạt nộ ông kia đành lủi đi chỗ khác. Thúy Liễu từ giã: - Xin chào cụ. Mà quên tôi chưa được biết quí danh và địa chỉ của cụ. Hy vọng một ngày kia trở lại Sàigòn chúng tôi sẽ có dịp lại thăm. Cụ Lâm cho nàng biết tên và địa chỉ. Thúy Liễu quay sang Bình. - Còn em nữa, tên em là gì? - Em tên Bình, cháu ruột của nội em đây. Thúy Liễu ôm lấy vai Bình: - Em giỏi lắm. Em cầm cương xe thật là số dzách. Nếu không có em chắc chị hụt chuyến tàu này rồi. Chị phải thưởng cho em mới được. Để tới Huế rồi chị sẽ gửi quà cho em nhé. Em thích quà gì nào? Bình ấp úng: - Dạ em không biết. - Ngoài chị có mè xửng này, thanh trà này, hai thứ đó chị sẽ gửi cho em. Có cả nem chua nữa. Thứ này thì để nội em nhắm rượu. Cụ đã dùng nem chua xứ Huế khi nào chưa cụ Lâm? Cụ Lâm mỉm cười: - À dà, bày vẽ làm gì cô … Mấy anh em trai Thúy Liễu đã chuyển được hành lý vào sân ga, vẫy gọi. Thúy Liễu lúc ấy mới vỗ vai Bình, tát nhẹ má Thảo, chắp tay xá cụ Lâm, rồi mới bỏ chạy lên tầu.