Dịch giả: Ngô Quý Quang
CHƯƠNG III
VỪNG HỒNG Ở CHÂN MÂY

1
Trái với các dự báo thời tiết, vào đêm trước của ngày tai họa vẫn xảy ra một cơn bão.
- Hôm nay tôi hy vọng là anh sẽ về sớm. - Singo nhắc nhở Suychi vào cuối ngày làm việc.
Ayco Tanizaki, thư ký của Singo giúp ông sửa soạn rồi ra về cùng cha con Singo. Trong chiếc áo mưa trong suốt, bộ ngực nhỏ của Ayco trông lại càng nhỏ.
Về gần đến cổng nhà, qua tiếng mưa gió ào ào Singo Suychi nghe thấy bài hát "Những ngày hội Paris". Kikuco đang mở một bài hát của Liz Goti.
- Cô nàng nhà ta không có vẻ sợ lắm thì phải! - Suychi nói.
Giông tố vẫn gào thét, còn máy hát thì mở hết cỡ nên Kikuco không nghe!'tiếng cha con Singo vào nhà.
- Chà, mưa mới khiếp chứ? Giày tôi ướt hết cả. - Suychi càu nhàu trong khi cởi giày ở phòng đệm.
- A, ba và anh đã về! - Kikuco reo lên. Mặt cô thật rạng rỡ.
Bài hát đã hết. Kikuco mở lại đĩa và mang những quần áo ướt ra ngoài.
- Em có biết là cả phố đều nghe thấy không? - Suychi cảnh cáo. - Hình như em chả bận tâm gì đến việc đang có bão thì phải.
- Chính vì thế mà em mở nhạc. Em sợ chết khiếp đi được. Em lo cho anh với ba quá, đến nỗi chẳng ngồi yên được.
Suychi thích các bài hát Pháp nên anh đã mua cho vợ cả một đĩa hát. Suychi biết tiếng Pháp, còn Kikuco thì không, nhưng cô rất thông minh nên chỉ sau mấy bài học phát âm cô đã hát theo các bài trong đĩa khá thành công. Kikuco có một tập đĩa các bài hát ru con của toàn thế giới do các bạn cô tặng vào ngày cưới. Cô rất thích nghe các bài hát ấy và thường hay khe khẽ hát theo khi xung quanh không có ai. Mỗi khi thấy cảnh ấy, trái tim Singo như muốn chảy tan ra vì trìu mến. Theo ông, những bài hát ru là một lời ngợi ca cao nhất đối với phái nữ.
- Hay là để tôi chuẩn bị sẵn một bài dành cho lúc chết nhỉ? - Một lần ông đã nói với Kikuco như thế. - Tôi sẽ ra đi không cần đến lời cầu nguyện, nếu như có tiếng hát ru.
Lúc ấy Singo nói đùa, nhưng mắt ông đầy lệ.
2
Bữa ăn chiều trôi qua trong ánh nến vì mất điện. Gió lùa qua khe cửa làm những ngọn nến mỏng manh bị tắt mấy lần. Qua tiếng gió gào, nghe vọng đến cả tiếng gầm của biển như muốn làm tăng thêm nỗi khủng khiếp.
Mỗi lần ngôi nhà rung chuyển vì gió bão, bà Yasuco lại lần tìm bao diêm và lắc lắc như để trấn an Singo và cả chính bản thân mình. Sau đó, bà nắm lấy tay ông.
- Ôi, không biết mọi cái có còn nguyên không nhỉ?
- Đương nhiên là còn nguyên rồi. Mà nếu có bay mất cái gì thì ta cũng đuổi theo kịp.
- Ở chỗ Fusaco chẳng hiểu mọi chuyện ra sao?
- Chỗ Fusaco à? Chắc cũng chẳng có gì đáng sợ. Cái gì có thể xảy ra với trận gió này được chứ? Hẳn là vợ chồng nó đã đi nằm như mọi cặp vợ chồng bình thường khác thôi.
Im lặng một lúc rồi Yasuco lại nói:
- Dù sao thì ở đó cũng có hai đứa trẻ. Không như chúng ta ở đây đâu, - Mà bà cụ bên ấy lại không đi được cơ chứ...
- Đấy ông thấy chưa? Nếu có chuyện gì thì Aikhara phải cõng bà cụ mà chạy...Thật nghĩ mà rầu lòng.
Singo hơi buồn cười vì nghe từ từ "rầu lòng" từ miệng của người vợ sáu mươi ba tuổi và ông bỗng cảm thấy day dứt vì cảnh ngộ của con gái.
- Bà thì cũng không dịu dàng lắm với Fusaco dạo nó đến chơi vừa qua. Tôi cảm thấy nó ra đi có vẻ tuyệt vọng.
- Ông không thấy là tại ông đã truyền tình cảm của mình sang cho tôi sao? Tại vì ông chỉ nghĩ đến Kikuco đó thôi.
- Làm gì có chuyện. Bà nói vớ vẩn rồi.
- Không vớ vẩn đâu. Thời gian gần đây ông không yêu thương Fusaco. Trong đầu ông chỉ biết có Suychi. Và ông sẽ không thay đổi. Hiện thời ông biết nó có nhân tình, nhưng ông không nói nó câu nào và ông trở nên dịu dàng hơn với Kikuco. Chuyện đó theo tôi là tàn nhẫn, ông có hiểu không? Con bé không dám lộ sự ghen tuông, sợ làm ông buồn khổ. Tất cả những chuyện đó đã làm tôi rầu rĩ. Sao cái cơn bão chết tiệt này không cuốn quách chúng ta đi cho rảnh...
Singo phát hoảng và ông chỉ lẩm bẩm một câu "bão" để đáp lại những lời nói giận dữ của vợ mình.
- Thì bão chứ còn sao nữa. - Bà Yasuco nói tiếp. - Mà cái con Fusaco cũng chẳng vừa đâu. Nó đang đợi để tôi với ông cho nó ly dị đây.
- Đến nước cơ à? Vợ chồng nó đã đi đến chỗ hết chịu nổi nhau rồi hay sao?
- Đến rồi hay chưa đến thì cũng thế cả. Sợ nhất là tôi phải nhìn thấy cái vẻ mặt chua chát của ông khi nó trút lên vai ông hai đứa nhỏ để ông chăm sóc.
- Bà thì cũng chẳng vui vẻ gì khi mẹ con nó ở đây.
- Đó là tại con Kikuco mà ông quá nâng niu. Nhưng dù không có Kikuco thì tôi cũng đủ khó chịu rồi. Thú thật là nhiều lúc con bé chỉ cần nói một lời hay làm một cái gì đấy là tôi thấy thư thái nhẹ nhõm hẳn. Còn với Fusaco thì gánh nặng lại càng nặng hơn. Nó không còn được như trước đây nữa. Tôi hiểu rõ là tôi đang nói chuyện về con đẻ của mình, nhưng tôi không tài nào nói khác được. Thật đáng sợ quá! Lại còn thêm ảnh hưởng của ông nữa chứ!
- Bà còn khó ưa hơn cả Fusaco.
- Tôi nói giỡn thôi, ông đừng giận, dù sao tôi cũng là mẹ nó và ông, ông cũng là cha con Fusaco, đúng không?
- Tôi không phản đối việc cho nó về ở đây, nếu bà muốn. - Singo quả quyết tuyên bố. Sau đó, dường như chợt nhớ ra điều gì, ông hỏi thêm: - Còn tấm khăn mà Fusaco dùng để gói đồ lần vừa rồi, tôi nhớ đã thấy ở đâu rồi thì phải?
- Thì mình đã dùng để gói tấm gương cho nó hồi trước đó.
- Ra thế đấy! - Tôi giật mình khi thấy nó tha cái tay nải ấy. Có phải là nó không có vali đâu.
- Ừ nhưng mà vali thì nặng. Một nách hai đứa con... Vả lại nó cũng chả thiết gì đến hình thức.
- Thì ít ra nó cũng phải biết ngượng với Kikuco chứ? Còn tấm khăn... tôi đã dùng để gói đồ đi theo mình khi chúng ta lấy nhau đấy.
- Vậy ư?
- Nó là của chị gái tôi để lại. Khi đi lấy chồng, chị ấy đã dùng nó để gói một cây cảnh của cha chúng tôi tặng. Sau khi chị ấy mất, người ta đem nó trả lại cho tôi...
Những kỷ niệm cũ lại choán ngộp tâm tưởng Singo. Trong một góc khuất nào đó của tâm trí, bỗng lóe lên ý nghĩ rằng, phải chăng đến tận bây giờ, ba mươi năm sau khi lấy Yasuco, nỗi khát vọng từ thời trai trẻ đối với người chị gái của bà vẫn còn cắn xé trái tim ông như một vết thương cũ.
Vừa ngủ thiếp đi sau hơn một giờ trằn trọc, Singo bỗng choàng tỉnh vì một tiếng động mạnh.
- Cái gì thế nhỉ? - ông kêu lên.
Từ phía hành lang tối om vang lên tiếng Kikuco:
- Ba tỉnh rồi đấy ạ? Chắc là một tấm tôn lợp đền thờ bay xuống mái nhà.
3
Bão đã làm tốc hết cả mái tôn của ngôi đền cạnh nhà. Nhiều tấm rơi vào vườn nhà Singo và sáng hôm sau người thủ tự đã đến nhặt lại.
Xe lửa tuyến Yocosuca vẫn chạy và Singo lên tàu để đi làm.
- Mọi sự ra sao? Cô có ngủ được không? - ông hỏi cô thư ký khi cô bưng trà lại cho ông.
- Tôi không chợp mắt nổi ạ. - Ayco đáp và bắt đầu kể cho Singo nghe lúc đi trên tàu cô đã thấy những chuyện khủng khiếp như thế nào.
- Dạo này Suychi có mời cô đi chơi nữa không?
- Không ạ.
- Chắc là cô có biết người tình của nó?
Ayco bối rối.
- Một vũ nữ ư? - Singo gặng hỏi.
Im lặng.
- Có lớn tuổi không? - ông tiếp tục.
- Lớn tuổi không ư? Thì lớn hơn so với vợ anh ất.
- Và chắc là đẹp?
- Vâng, cũng đẹp. - Ayco ngập ngừng nhưng rồi nói tiếp: - Chỉ có điều là cô ta có cái giọng khàn kinh khủng. Nghe như là hai giọng nói lẫn vào nhau. Thế mà Suychi lại cho là gợi dục.
Cô ta định nói thêm nhưng Singo không muốn nghe nữa. Ông cảm thấy xấu hổ, nếu như câu chuyện tiếp thêm vài câu nữa là bộ mặt thật của cả Ayco lẫn người đàn bà kia sẽ phơi bày ra trước mắt ông. Cô thư ký thấy ông giận dữ bèn im lặng.
Chiều hôm đó Suychi ra về cùng với ông bố. Ăn tối xong cả nhà đi xem bộ phim quay vở diễn Noh, đầu đề là "Kanjincho". Ba diễn viên chính đóng trong vở này: Cosinp, Utzacmon và Kikuguro đều đã chết cả.
Thành phố sáng lấp lánh tắm mình trong ánh trăng.
Singo ngước nhìn lên bầu trời. Mặt trăng dường như nằm trong một ngọn lửa. Những đám mây hình thù quái dị gợi nghĩ đến những lưỡi lửa mà người ta vẫn dùng để thể hiện thần lửa Fudo. Mặt trăng hơi khuyết dịch chuyển về phía đông, nơi vừng hồng trên những đám mây, khuôn mặt rạng rỡ của chị Hằng bị mây phủ một tấm voan trong suốt. Bầu trời đêm sau cơn bão thăm thẳm như một vực sâu không đáy.
Tất cả hàng quán đã đóng cửa và thành phố chìm trong im lặng sầu tư của ban đêm.
- Đêm qua tôi không ngủ được, vì thế tôi sẽ đi nằm ngay. - Singo nói khi về đến nhà. Ông cảm nhận thấy cái giá lạnh của cô đơn và thấy khao khát một chút ấm áp của tình người.
Dường như cuối cùng thì cái khoảnh khắc quyết định của đời ông cũng đã đến: một quyết định nào đấy đang tiến lại đầy vẻ uy quyền và tấn công vào ý thức của ông.