Dịch giả: Ngô Quý Quang
CHƯƠNG XVI
CÁ MÙA THU

1
Một sáng tháng mười, Singo định thắt cravát nhưng tay ông cứ ríu lại.
- Thắt thế nào ấy nhỉ? Thắt thế nào ấy nhỉ? - ông thất vọng lẩm bẩm và buông thõng tay xuống. - Chuyện gì xảy ra với mình thế không biết?
Sau đó ông làm lại nhưng chẳng ăn thua. Ông căng cái cravát ra và nhìn nó ngạc nhiên.
Kikuco cầm cái áo vét từ phía sau bước lên và hỏi:
- Cái gì thế ba?
- Ta không thắt được cái cravát nữa. Quên mất cách làm rồi. Thật nực cười phải không?
Nói đoạn Singo lại làm lại chậm rãi, song kết quả của những cố gắng ấy chỉ là một cái búi kỳ quặc. "Thật kỳ lạ" là từ thích hợp hơn cả để nói trong trường hợp này, nhưng trong đôi mắt Singo hiện lên một nỗi sợ hãi chết lặng và Kikuco cũng có vẻ lo ngại.
- Kìa ba? - Cô kêu lên.
- Ta biết làm thế nào bây giờ? - Singo đứng sững, đầu óc mất hết khả năng phân tích.
Kikuco không chịu được nữa, cô khoác cái áo vét lên cánh tay rồi tiến đến trước mặt Singo và cầm lấy cái cravát.
- Ba hãy nói cho con xem cần phải làm thế nào! - Cô hỏi khẽ và bắt đầu loay hoay thắt.
- Chính điều đó ba quên mất mà lại. - Singo đáp.
- Nhưng ngày nào ba cũng làm cơ mà?
- Thì đúng rồi, nhưng...
Singo không thể giải thích nổi vì sao sáng nay ông lại quên mất điều mà trong bốn mươi năm làm viên chức ông vẫn thực hiện hàng ngày. Thậm chí ông không hề phải nghĩ mà tay ông tự động thao tác theo thói quen. Ông có cảm giác là mình sắp sửa bất tỉnh nhân sự và ngã gục xuống bàn.
Kikuco vẫn loay hoay với cái cravát trên cổ Singo. Ông đứng yên trong tay cô như một đứa trẻ bất lực đang cần sự an ủi.
- Không được! - Kikuco buông tay xuống nói và đỏ mặt lên.
- Con không bao giờ thắt cravát cho Suychi ư?
- Không ạ.
- Con chỉ biết tháo ra cho nó mỗi khi nó say rượu trở về thôi chứ gì?
Đôi vai của Kikuco trơ ra. Cô lùi lại một bước và nhìn chằm chằm vào cái cravát.
- Có thể mẹ con biết đấy. - Cô thở dài và gọi: - Mẹ ơi, mẹ, ba con nói là không thắt được cravát đây này. Mẹ có thể lại đây một lát không ạ?
- Trời đất ơi, sao vậy?
Bà Yasuco bước vào với vẻ mặt của người vừa được nghe thấy điều ngớ ngẩn nhất trên đời.
- Có chuyện gì xảy ra với tôi ấy, và tôi quên sạch cả. Chuyện lạ quá! - Singo phân trần.
- Lạ thật đấy! - Yasuco bổ sung.
Bà bước đến thay thế Kikuco vừa mới lùi ra. Rốt cuộc rồi bà cũng thắt được một cái nút tạm gọi cravát được.
Singo cảm thấy sắp ngất xỉu. Máu ông dồn lên gáy, bởi ông phải đứng ngửa đầu lâu quá. Dưới đôi mí mắt nặng nề của ông loáng hiện lên một lớp bụi tuyết vàng. Đó là đám mây tuyết bốc ra từ cơn băng lở mà ông đã thấy khi còn nhỏ ở vùng núi quê mình.
"Phải chăng là xuất huyết não?", ông hoảng sợ thoáng nghĩ.
- Nào, thế đã được chưa? - Bà Yasuco hoan hỉ hỏi.
Singo đưa tay lên nắn cái nút cravát và tay ông chạm vào tay vợ ông bỗng chợt nhớ đến thời vừa tốt nghiệp trung học, khi lần đầu tiên thay bộ đồng phục học sinh bằng bộ âu phục, người chị gái xinh đẹp của Yasuco đã thắt cravát cho ông.
- Cũng không đến nỗi nào. - Singo soi mình vào gương và nói. - Trời ơi, bỗng nhiên tôi mất cả khái niệm thắt cravát thế nào! Thật chẳng lấy gì làm dễ chịu cả.
Hẳn là khi mới lấy nhau, Yasuco vẫn thường thắt cravát cho ông. Có điều ông chẳng nhớ được chuyện đó. Mà cũng có thể bà đã từng thắt cravát cho người anh rể đẹp trai của mình nữa, khi bà sống ở nhà anh rể để thay thế cho người chị đã chết.
Kikuco tiễn chân Singo ra tận cửa.
- Ba ráng về sớm nhé! - Cô nói.
Khi tàu đi ngang Ophuma, Singo ngắm nhìn núi Phú Sĩ trên cái nền bầu trời thu trong vắt và bất giác sờ lên cravát của mình. Chắc vì Yasuco đứng quay mặt vào ông nên bà đã làm hai đầu múi thắt không được đều nhau.
"Chà, cái bà vợ này", Singo làu bàu rồi tháo cravát ra và thắt lại đâu vào đấy, ông thấy thật khó tin nổi là chỉ trước đây có một ít phút, ông đã không thể nhớ ra cách làm việc đó thế nào.
2
Gần đây Suychi luôn luôn đi làm về cùng với Singo.
Ban ngày ở Tokyo cứ nửa giờ có một chuyến tàu đi Kamakura, còn chiều tối - mười lăm phút một. Thường các chuyến tàu tối vắng người hơn lúc ban ngày.
Một người đàn bà trẻ bước lên tàu ở ga Tokyo và đặt cái túi xách màu đỏ của mình xuống ghế đối diện với cha con Singo rồi quay sang nói với Suychi:
- Ông làm ơn giữ chỗ giùm tôi được không ạ?
- Cả hai chỗ đó ư? - Suychi hỏi lại.
Người đàn bà lẩm bẩm cái gì đó rồi ra khỏi toa và xuống sân ga. Trên bộ mặt trang điểm kỹ của chị ta không hề thoáng vẻ bối rối. Chiếc áo bành tô kiểu vai hẹp của chị ta buông thoải mái xuống thân hình kiều diễm cao dong dỏng.
Singo hơi ngạc nhiên, ông không hiểu vì sao Suychi lại hiểu được người đàn bà kia muốn nhờ anh ta giữ hai chỗ. Điều gì đã mách bảo anh chàng là chị ta đang chờ một người nào đó?
Ông cũng không thể giải thích được vì sao khi người đàn bà đứng ngay trước mặt ông, chị ta không nhờ ông mà lại hướng về phía Suychi. Phải chăng vì Suychi là người dễ với tới hơn đối với phụ nữ?
Singo chăm chú nhìn con trai. Suychi đang mải cắm đầu vào tờ báo.
Người đàn bà quay trở lại toa, nhưng trước khi lên, hẳn chị ta còn ngoái nhìn khắp lượt sân ga. Hẳn là người mà chị ta đợi không đến.
Lần này chị ta ngồi đối diện Suychi và liên tục liếc nhìn về phía cửa. Chắc hẳn vì để nhìn cho rõ mà chị ta chọn chỗ đó. Singo không thể xác định được tuổi của chị ta, nhất là vì trên mặt chị ta lộ rõ vẻ mệt mỏi.
Trước cửa khoang của Singo nổi lên tiếng ồn ào làm ông và người đàn bà quay phắt lại. Năm, sáu thanh niên tay cầm những cành lá phong đỏ rực, nói cười ầm ĩ đi qua.
Hẳn là họ đi tham quan ở vùng núi phía Bắc trở về, Singo suy luận khi nhìn thấy những chiếc lá phong đỏ thắm. Ông bỗng nhớ đến cây phong kiểng lùn của người chị gái Yasuco để lại mà sau này cứ đỏ rực như thể cháy lửa trong chậu hoa cúng trên bàn thờ nhà ông.
Khi dứt khỏi dòng suy tưởng, Singo nhận thấy trước mặt Suychi một người đàn ông luống tuổi đang ngồi cạnh người phụ nữ trẻ nọ.
Thì ra là chị ta đợi cha mình. Ý nghĩ ấy làm Singo yên tâm phần nào.
Người đàn ông mới đến giống hệt con gái ông ta. Cũng cái mũi tẹt ấy và cũng đường ngôi tóc ấy. Riêng ông bố thì có đeo một cặp kính gọng đen.
Hai con người đó không nhìn nhau mà cũng chẳng hề trò chuyện, dường như họ không biết nhau vậy. Người cha đã ngủ thiếp đi trước khi tàu đến ga Siganava.
Singo những muốn hai người ngồi trước mặt mình nói lên dù chỉ một lời, nhưng mặt khác sự im lặng thờ ơ của họ đối với nhau làm ông thấy ghen tỵ. Không nghi ngờ gì là hòa thuận và bình yên ngự trị dưới mái nhà của họ.
Singo đã suy nghĩ như vậy, nên khi thấy người đàn ông xuống ga Yocohama một mình, ông giật nảy mình lên như phải bỏng. Hai người ở hàng ghế trước mặt không phải là cha con gì hết, mà chỉ là những người hoàn toàn xa lạ.
Singo cảm thấy như mình vừa bị lừa.
3
Ông huých đàn ông ấy, sau đó ông buồn cho chính bản thân mình và thì thầm khẽ với Suychi:
- Họ không phải là hai cha con đâu.
Trái với sự quan tâm của ông, Suychi chẳng quan tâm gì đến chuyện đó. Anh ta gật đầu thờ và làu bàu: "Thú vị thật đấy", song hẳn là đối với anh ta chẳng có gì thú vị.
- Họ giống nhau quá! - Singo nói.
- Vâng, hình như thế.
Tiếng tàu xập xình hẳn là làm người đàn ông kia không nghe được câu chuyện của họ. Đột nhiên Singo cảm thấy buồn. Ông vẫn không thể nào hiểu nổi vì sao người phụ nữ trẻ kia lại không phải là con của người đàn ông này. Càng nghĩ về chuyện đó ông lại càng thấy khó hiểu.
Trên đời này có những người giống nhau đến độ ai cũng phải cho rằng họ là cha con, mẹ con. Nhưng số đó hẳn là rất ít. Chắc rằng trên cả thế giới này chỉ có người đàn ông kia là giống người phụ nữ ấy, và chỉ người phụ nữ ấy giống người đàn ông kia. Ông ta là người duy nhất và chị ta cũng duy nhất. Trên khắp thế gian này chỉ có hai người đó - một thí dụ duy nhất. Người này tồn tại độc lập với người kia, mà không hề biết đến mối liên quan giữa họ với nhau.
Hoàn toàn ngẫu nhiên họ đã cùng ở trong một chuyến tàu. Họ gặp nhau lần đầu và hẳn cũng là lần cuối. Trong vài ba chục phút của cả một cuộc đời. Họ chia tay mà chẳng nói một lời, họ ngồi bên nhau mà không hề nhận ra sự giống nhau ở người kia. Họ đã chia tay nhau như đóng vai những nhân vật trong một phép lạ mà chính bản thân họ không hề biết.
Chỉ có Singo - một kẻ ngoài cuộc - lấy làm kinh ngạc về chuyện kỳ lạ đó và ông tự hỏi, liệu với tư cách là người làm chứng tình cờ, ông có phải là một vai bất đắc dĩ trong câu chuyện ấy không?
Người đàn bà trẻ đã ngồi gần người đàn ông kia đến như vậy và cũng chỉ bởi vì người mà chị ta đợi đã không tới.
"Phải chăng trong cuộc đời mọi cái vẫn xảy ra như vậy?", Singo lẩm bẩm hầu như không thành tiếng.
Đến ga Totsuca người đàn ông choàng dậy, chụp vội cái mũ và xuống tàu.
- Trên đời này cũng có lắm chuyện lạ, - Singo nói một cách thoải mái vì không phải giấu giếm - Họ là những con người hoàn toàn xa lạ đấy!
- Kể thì cũng có nét gì đó giống, nhưng về phong thái thì họ khác hẳn nhau. - Suychi đáp lại ông.
- Về phong thái ấy ư?
- Cô kia chăm sóc đến hình thức bên ngoài rất kỹ, còn ông nội này thì nhàu nhĩ đến phát khiếp.
- Thì thiếu gì trường hợp con gái ăn mặc như bà hoàng, trong khi ông bố thì như thằng ăn mày ấy!
- Quả có vậy, song con muốn nói là quần áo của hai người này nói lên hoàn cảnh xã hội khác nhau của họ.
- Ừ, phải, - Singo đồng ý. - Khi cô ta xuống tàu rồi, ông kia trông có vẻ nhàu nhĩ hẳn.
- Từ đầu ông ta đã nhàu nhĩ.
- Nhưng cảm giác về sự thay đổi hình dạng đột ngột ấy làm ta kinh ngạc. Nó cũng làm ta buồn nữa...ông ta trẻ hơn ba phải không?
- Một ông già sẽ có vẻ ngon lành hơn khi ngồi bên một cô gái đẹp - Suychi nói đùa.
Singo không làm sao có thể xua nổi ý nghĩ về đôi nam nữ kỳ lạ ấy ra khỏi đầu óc.
- Hay là họ đúng là cha con thật nhỉ? - Ông tiếp tục trình bày những suy luận của mình. - Bây giờ tôi mới nghĩ ra là biết đâu cô gái lại không phải là đứa con bất hợp pháp của ông ta chẳng hạn? Hai người chưa hề biết mặt nhau và không hề ngờ họ lại là cha con!
Suychi nhìn đi chỗ khác và Singo chột dạ vì những lời nói của mình. Ông hiểu là mình vừa phạm sai lầm, nhưng chẳng còn cách nào khác hơn là phải nói tiếp:
- Cả đối với anh cũng có thể xảy ra chuyện như vậy sau hai mươi năm nữa đấy.
- Vì thế mà ba khơi câu chuyện ấy lên đấy à? Ba cần biết rằng con không phải là một kẻ tin vào định mệnh hay sướt mướt đâu? Đạn đã từng réo bên tai con, nhưng không viên nào đụng con cả. Cũng chả có gì là lạ nếu con đã để lại một đứa con nào đó ở Trung Hoa hay ở Đông Nam Á! Đâu có gì là ghê gớm lắm nếu người ta gặp lại đứa con của mình mà không nhận ra nó, sau khi mà bên tai anh ta đạn đã từng réo sèo sèo? Vả lại cũng chưa có gì đảm bảo là Kinu sẽ sinh con, và một khi cô ta quả quyết rằng cái thai ấy không phải của con, thì con thích đồng ý với cô ta hơn.
- Thời chiến khác mà thời bình khác!
- Chắc gì một cuộc chiến tranh mới hiện không đang đe dọa chúng ta? Mà có thể cái bóng ma của cuộc chiến tranh cũ vẫn còn đeo đuổi những kẻ như con? Có lẽ nó đã cuộn mình như rắn trong một xó khuất nào đấy của linh hồn con chăng? - Suychi tuôn ra một cách thô bạo. - Cô bé ngồi kia nom hơi lạ một chút nên lọt vào mắt ba và thế là ba bắt đầu tưởng tượng ra đủ thứ mà có quỷ mới biết được là những gì! Chỉ cần một người đàn bà hơi khác những người khác một chút là đàn ông đã để ý đến rồi.
- Hừ! Nghĩa là chỉ cần có một ả nào trông hơi lạ một chút là anh làm ngay cho nó một đứa con chứ gì? Và sau đó thì anh bỏ mặc cho cô ta nuôi dạy nó?
- Con không cầu xin ai điều đó cả. Chính đàn bà đã yêu cầu con.
Singo sững người im lặng.
- Còn cái cô mới xuống ga Yocohama kia đang tự do đấy! - Suychi nói tiếp. - Chắc chắn là cô ta chưa có chồng và sẽ theo ba ngay nếu ba nháy mắt một cái... Cô ta làm ra vẻ quan trọng thế thôi, chứ đời cô ta hẳn cũng chẳng cao quý gì đâu, mà sự bất an thường xuyên cũng đã làm cô ta mòn mỏi đi rồi đấy.
Những suy diễn của anh ta làm Singo kinh ngạc.
- Sao mà lại có thể thế được? - Ông thét lên. - Anh đã sa ngã xuống quá thấp như thế tự bao giờ vậy?
- Kikuco cũng tự do, - Suychi tiếp tục một cách đầy khiêu khích. Cô ấy không phải là người lính mà cũng chẳng phải là tù nhân.
- Anh nói vậy là nghĩa làm sao... Rằng vợ anh cũng tự do ấy hả? Anh đã nói với nó như thế rồi chắc?
- Không, con ủy quyền cho ba nói đấy.
- Anh bắt tôi phải đuổi nó đi? - Singo khó khăn lắm mới làm chủ được giọng mình.
- Hoàn toàn không phải vậy! - Suychi cũng cố gắng để nói đúng mực. - Chỉ đơn giản là con bỗng thoáng nghĩ rằng người đàn bà kia đang tự do và... Nhưng ba không nghĩ là sở dĩ ba thấy họ giống như hai cha con là bởi vì cô kia cũng ngang tuổi với Kikuco sao?
- Cái gì-ì? - Cú giáng trả thật bất ngờ khiến Singo nghẹn lời. - Anh ăn nói cái gì vậy? Nếu họ không phải là hai cha con thì sự giống nhau của họ thật là cả một chuyện lạ.
- Tuy vậy chắc gì điều đó đã là nguyên nhân khiến ba bị xao động đến như thế!
- Đối với ta điều đó có thể là nguyên nhân. - Singo đớp lại bốp chát. Lời châm chọc rõ ràng của Suychi về chuyện Kikuco lúc nào cũng ở trong đầu ông làm ông bị tổn thương dữ dội.
Đám thanh niên có những chiếc lá phong đỏ xuống tàu ở Ophuma. Singo nhìn theo họ và nói:
- Sao nhà ta không đi lên vùng núi Sinsu để ngắm phong nhỉ? Đi cả nhà luôn.
- Con thì không thấy rung động vì những chuyện như vậy.
- Ta muốn được nhìn lại vùng núi quê hương quá chừng... Mà mẹ anh mơ thấy ngôi nhà cũ ở đó bị đổ đấy.
- Nó ọp ẹp cũ kỹ quá rồi còn gì.
- Ừ thì cũng phải có chỗ nào để thỉnh thoảng tôi với mẹ anh đến thăm lại chứ... Còn vợ chồng anh hẳn cũng thích đi du lịch đâu đó ra ngoài thành phố?
- Bố mẹ cứ đi đi, còn con sẽ ở lại coi nhà, Kikuco chưa đến Sinsu lần nào, có thể cô ấy sẽ thích đấy.
- Tóm lại gần đây nó thế nào?
- Con thấy cô ấy có vẻ hơi buồn chán, kể từ khi con cắt đứt với Kinu.
Singo nhếch mép cười cay đắng.
4
Lại là chủ nhật và Suychi lại đi câu cá.
Singo sắp lại mấy chiếc gối cũ phơi ở hàng hiên và nằm duỗi dài trên đó dưới ánh mặt trời mùa thu. Con Teru cũng nằm phơi nắng trên một bậc thềm dẫn ra vườn.
Bà Yasuco ngồi với một đống báo từ mười ngày nay ở trong bếp.
Thỉnh thoảng đọc được cái gì thú vị bà lại réo gọi Singo. Rốt cuộc Singo không chịu nổi và ông quát:
- Bà hãy bỏ cái thói quen đợi chủ nhật mới đọc báo của cả tuần đi, nghe chưa?
Trong phòng khách, Kikuco đang gắp xếp mấy cành hoa cảnh vào một chiếc bình. Ngắm mấy cành hoa, Singo bất giác nhìn lên Kikuco.
Đường nét của chiếc cằm và cái cổ thanh tú của cô trông thật tinh khiết và đẹp đẽ. Vẻ tươi đẹp như vậy không phải thế hệ nào cũng sinh ra được. Singo buồn rầu nghĩ.
- Để tôi đọc thêm cho ông một cái này nữa rồi chấm dứt hẳn. - Bà Yasuco gọi tới từ phía bếp. - ông nghe nhé!
- Trời, còn cái gì nữa đây?
- Ở Mỹ, có một vùng gọi là Ruphalo. Trong một tai nạn xảy ra ở đó một người bị đứt tai. Anh ta được đưa ngay đến bác sĩ. Còn bác sĩ, ông thử tưởng tượng xem, đã chạy bổ đến chỗ xảy ra tai nạn và tìm được cái tai đứt còn rỉ máu. Sau đó ông ta ấn cái tai đó vào chỗ của nó và ông nghĩ sao nào? Cái tai đã liền lại!
- Tôi còn nghe là ngón tay đứt cũng lành được cơ, nếu lắp ngay nó vào chỗ đứt.
- Vậy ư? - Yasuco nói và lại chúi đầu vào tờ báo của mình.
Nhưng một giây sau bà lại bật lên như thể vừa sực nhớ được điều gì. Mà việc này liên quan đến cả chuyện vợ chồng đấy! Nếu sau khi ly dị mà người ta quay lại với nhau ngay thì may ra chung sống tiếp được, còn nếu để lâu thì...
- Bà nói đến việc gì thế - Singo hỏi lại.
Câu hỏi của ông thực sự là thừa.
- Chẳng phải là với Fusaco thì cũng vậy hay sao? - Yasuco nói tiếp.
- Chỉ có điều là Aikhara đã biến mất tăm và chúng ta thậm chí không biết nó còn sống hay không nữa! - Singo đáp lại.
- Ta có thể biết điều đó nếu ta muốn. Song phỏng nó có ích lợi gì?
- Ôi, bà sao vẫn còn day dứt mãi? Nào, tôi xin bà hãy rũ sạch những nỗi luyến tiếc ấy đi. Ta đã gửi lời tuyên bố ly dị đi quá lâu rồi để... Hãy cam chịu, thế thôi.
- Từ nhỏ tôi đã quen chịu đựng rồi. Chỉ tại con bé với lũ trẻ ngay trước mặt tôi nên tôi cứ băn khoăn...
Singo không đáp.
- Fusaco đâu có xinh đẹp gì! - Yasuco nói thêm. - Nếu có ai chịu rước nó đi, hai đứa trẻ sẽ đeo lên cổ Kikuco.
- Nếu thế thì vợ chồng Kikuco sẽ ra ở riêng, còn bà sẽ một mình coi cháu đấy, bà lão ạ!
- Chưa ai dám bảo tôi là lười biếng, song ông có tính đến chuyện tôi bao nhiêu tuổi rồi không?
- Bà hãy làm những gì sức bà cho phép, điều còn lại thì để cho Thượng đế! Fusaco đâu rồi?
- Nó đưa con đi chơi ở chỗ tượng Phật rồi. Trẻ con cũng lạ thật đấy. Satoco thiếu chút nữa đã bị xe kẹp, vậy mà nó vẫn thích đi đến đó.
- Liệu có phải vì yêu pho tượng không?
- Có lẽ thế đấy. Mà này, ông có nghĩ là Fusaco sẽ về quê ở không? Để cho nó thừa kế ngôi nhà ở đấy, hả?
- Ở quê người ta đâu có cần người thừa kế. - Singo cắt ngang.
Yasuco im lặng và tiếp tục đọc báo.
Lát sau có tiếng Kikuco nói từ phía phòng khách:
- Chuyện cái tai của mẹ lại gợi con nhớ đến một chuyện khác. Có một lần ba bảo con là ba ước được đem đầu mình đi sửa...
- Phải, - Singo tiếp lời cô. - lúc ấy ta đang ngắm hoa hướng dương, đúng không? Giờ đây ta lại càng thấy có nhu cầu làm chuyện đó nhiều hơn, một khi ta đã bắt đầu quên cách thắt cravát. Sắp tới ta sẽ đọc báo ngược mất thôi?
- Con vẫn thường vắt óc tưởng tượng việc con người ta sẽ cảm thấy thế nào nếu đưa đầu đến bệnh viện.
Singo liếc nhìn Kikuco rồi đáp:
- Thì cũng như là người ta cảm thấy khi đi ngủ vậy thôi, ta đồ là thế. Có thể điều trị cho cái đầu bằng liệu pháp mơ. Chắc vì ta đã già nên rất hay nằm mơ. Ta nhớ có một câu thơ thế này: "Khi ta đau đớn, ta thấy những giấc mơ mà thực ra đó là sự tiếp nối của hiện thực". Có điều những giấc mơ của ta chẳng dính dáng gì đến hiện thực.
Kikuco nhìn vào lọ hoa.
Singo cũng nhìn vào đó và ông bỗng hỏi đột ngột như kiểu tiện thể:
- Kikuco này, sao vợ chồng con không ra ở riêng?
Kikuco giật mình đứng lên và đến bên Singo:
- Con sợ... - cô thì thầm để bà Yasuco khỏi nghe thấy. - Con sợ anh ấy.
- Con có ý định bỏ nó không?
- Nếu con quyết định như vậy, con sẽ có thể chăm sóc ba được nhiều hơn. Một cách đúng như con muốn. - Kikuco trang trọng đáp.
- Đó là nỗi bất hạnh của con.
- Làm điều mà trái tim mình mong muốn không phải là bất hạnh.
Singo sững sờ. Những lời của con dâu ông vang lên như một niềm say mê đang dâng trào mà trong đó cũng ẩn giấu cả một mối nguy hiểm nhất định.
- Thật cảm động là con quan tâm đến ta chân thành như thế, nhưng con không thấy là con lẫn lộn ta với Suychi sao? Điều đó có thể chỉ tổ làm nguội lạnh tình cảm của nó đối với con.
- Nhưng quả thực nhiều lúc con không hiểu nổi anh ấy. - Kikuco nói khẽ. Khuôn mặt tái nhợt của cô dường như đang kêu cứu. - Con thấy sợ hãi đến nỗi... thậm chí con không biết mình sợ cái gì nữa!
- Ta biết. Nó đã thành người khác từ khi ở mặt trận trở về. Quả là nhiều lúc nó cư xử theo cái cách khiến ta không hiểu đầu óc nó ra làm sao cả. Nhưng nếu con gắn vào nó giống như cái tai đứt đang còn rỉ máu kia, thì có thể cuộc sống của các con sẽ...
Kikuco không động đậy nhìn Singo.
- Nó có bảo con là con được tự do không? - ông hỏi.
- Không ạ? - Cô ngạc nhiên nhìn ông. - Tự do ấy ư.
- Ta đã bắt nó giải thích điều đó. Có thể nó muốn con cần ít bị ràng buộc hơn... con có hiểu không... nó muốn ta gợi ý cho con rằng con hoàn toàn tự do để ra đi nếu con muốn.
- Rằng con được tự do đối với ba ấy ạ?
- Đúng. Nó bảo "Kikuco được tự do và ba nói lại với cô ấy như thế!.
Vào lúc đó từ trên cao vọng đến một tiếng ồn. Singo đã tưởng là lần này ông nghe thấy tiếng kêu của trời.
Ông ngẩng đầu lên và thấy năm, sáu con bồ câu bay là là trên mảnh vườn.
Cả Kikuco cũng nghe thấy âm thanh ấy. Cô bước đến cuối hàng hiên, ngước nhìn lũ chim và nghẹn ngào thốt ra:
- Không lẽ ta được tự do thật sao?
Con Teru nhảy bật dậy khỏi bậc thềm đá và cắm đầu đuổi theo tiếng đập cánh phành phạch của lũ bồ câu.
5
Chiều đến, cả nhà tụ họp bên bàn ăn, với đủ mặt cả bảy người.
Tất nhiên là Fusaco và các con của chị đã trở thành thành viên chính thức trong gia đình.
- Ở hiệu bán cá chỉ còn có ba con cá hồi. - Kikuco phân trần. - Ta sẽ cho Satoco một con nhé!
Cô đặt con cá vào đĩa của Satoco, con thứ hai cho Singo và con thứ ba cho Suychi.
- Cá hồi không phải để cho trẻ con! - Fusaco tuyên bố và cầm lấy cái đĩa của Satoco. - Con đưa cho bà đi!
- Không. - Satoco kêu lên và kéo cái đĩa lại.
- Con cá to quá nhỉ! - Bà Yasuco ngạc nhiên nhận xét. - Đợt cá cuối cùng của năm nay đấy, phải không? Tôi ăn chẳng hết cả con đâu nên sẽ ăn chung với ông nó thôi, còn Kikuco chung với Suychi.
Bảy người được chia thành ba nhóm. Có lẽ đã đến lúc họ phải được tách ra ở riêng chăng?
Fusaco lườm con vì nó ăn uống để dây mỡ ra khắp cả người. Chị lấy cái trứng cá và đút vào miệng cho đứa nhỏ.
- Chà, trứng cá hồi. - Yasuco lẩm bẩm và xắn một miếng trứng trong con cá của Singo.
- Hồi trước chị của mẹ các con đây cứ bắt ta viết khokhu 1 hoài, - Singo nói. - Bà ấy có đủ các ý thơ gắn liền với cá hồi: "Cá hồi mùa thu", "Cá hồi thả mình trôi theo dòng nước để đẻ trứng", "Cá hồi đã đẻ xong trứng của mình".
Ông liếc nhìn vợ rồi nói tiếp:
- Sau khi đẻ trứng xong, con cá hồi kiệt sức thả mình trôi theo dòng nước ra biển.
- Giống như con vậy, - Fusaco nói nhanh, - mặc dù con chẳng được xinh đẹp như cá hồi.
Singo vờ không nghe thấy và tiếp tục:
- Đây ví dụ một khổ thơ thế này:
Cá hồi Trao phó cuộc đời
Cho làn nước mùa thu.
Hoặc:
Cá hồi buông mình
Trôi theo dòng nước
Chẳng biết đâu cái chết đang rình.
Dường như là viết về tôi vậy!
- Không, về con đó! - Fusaco nói. - Thế còn cá hồi khi trôi ra biển như vậy có chết hay không?
- Chết chứ, tuy rằng cũng có những con ẩn được vào những hốc sông sâu và sống qua mùa đông ở đó, người ta gọi chúng là "cá hồi lười".
- Vậy là có thể tôi thuộc loại "cá hồi lười" chăng?
- Còn con thì có lẽ không thể ở lâu được một chỗ. - Fusaco thốt ra.
Bà Yasuco nhìn con gái và bảo:
- Nhưng từ khi về đây với chúng ta, mày mập lên đấy, và sắc mặt cũng khác hẳn.
- Có điều con đâu có thích mập.
- Về ở với cha mẹ thì cũng như là ẩn mình qua mùa đông ở một hốc sông sâu vậy. - Suychi phụt ra.
- Tôi sẽ không ẩn lâu đâu. Chán lắm rồi! Tôi sẽ buông mình trôi ra biển. - Fusaco đáp lại và thét lên: - Satoco! Không thấy là chỉ còn xương thôi sao? Lật xới cái đĩa đủ rồi đấy!
- Ôi dào, nghe chuyện của ba tụi bây chỉ tổ làm hỏng cả món cá hồi thôi chứ có được gì đâu! - Bà Yasuco nói. Trên mặt bà hiện lên một vẻ rất lạ.
Fusaco cúi mặt xuống và lại tiếp tục nói. Môi chị ta run run:
- Ba ạ, ba giúp con mở một cửa tiệm có được không? Nhỏ thôi, nhỏ nhất trên thế gian này cũng được! Tiệm bán đồ mỹ phẩm hay văn phòng phẩm gì đó. Ở một chỗ hẻo lánh cũng xong. Hoặc nếu là quán bán nước giải khát, con cũng không phản đối.
- Chị nghĩ rằng mình có khả năng để kinh doanh buôn bán những thứ ấy à? - Suychi hỏi với một vẻ ngạc nhiên thành thực.
- Thế tại sao tôi lại không có khả năng? Khách người ta đến uống nước chứ đâu có uống mặt tôi? Cậu có vợ đẹp thế rồi còn thưa thốt gì lắm nữa?
- Tôi đâu có nói theo ý đó. - Suychi phân bua.
- Tất nhiên là chị Fusaco có thể xoay xở nổi với chuyện buôn bán như thế. Người đàn bà nào cũng đều có thể. - Kikuco đột ngột lên tiếng. - Và nếu chị mở được cửa hàng, em sẽ xin được phụ với chị.
- Vậy ư? Thế thì hay lắm đấy! - Suychi giả bộ thán phục.
Những người khác im lặng. Kikuco đỏ mặt lên đến tận mang tai.
- Thế cả nhà sẽ nói sao nếu tuần sau ta đi Sinsu chơi? Ta sẽ ngắm phong ở đó. - Singo đề xuất.
- Cây phong hả? Ôi, tôi rất thích đấy? - Yasuco thốt lên và mắt bà sáng long lanh.
- Cả Kikuco nữa chứ? Con nó chưa được biết quê hương của nhà ta mà. - Singo bổ sung.
- Ôi con rất vui lòng ạ! - Kikuco đáp.
Fusaco và Suychi ngồi im lặng, mặt mày ỉu xìu.
- Thế ai sẽ ở lại coi nhà? - Bà Yasuco hỏi.
- Để con ở lại. - Suychi đáp.
- Không, để tôi, - Fusaco phản đối. - Chỉ có điều là tôi muốn được biết câu trả lời của ba trước khi cả nhà ra đi.
- Từ nay đến hôm đó con sẽ được biết ta quyết định thế nào. - Singo hứa. Ông bỗng nhớ đến tình nhân của Suychi với đứa con trong bụng, hiện hẳn cũng đã có tiệm may riêng ở Numatzu.
Suychi đứng dậy đầu tiên.
Singo cũng đứng lên và xoa nắn cái gáy mỏi cứng của mình. Sau đó ông vào phòng khách, bật đèn và kêu lên:
- Kikuco, dây bầu cảnh của con thòng xuống tận đất rồi này. Chắc nó nặng quá đây!
Kikuco hẳn không nghe thấy tiếng ông, vì cô đang rửa chén đĩa.
NGÔ QUÝ GIANG dịch.
(In theo bản của Nhà xuất bản Thanh Niên 1989)
Chú thích:
1 Khokhu: Một thể loại thơ của Nhật.

HẾT


Xem Tiếp: ----