Chương 9

XE ĐÒ TỚI CẦU BẾN LỨC, NỐI đuôi nhau dừng lại.
Danh chui đầu ra cửa hông bên phải. Giòng song phẳng phiu, không gợn song. Vài chiếc ghe buồm no gió, lướt nhanh như có gắn máy. Những người bán hang mang bánh mì, nước mí, dứa, nem lại mời mọc khách. Tiếng nói tíu ta tíu tít làm Danh rất khó chịu.
Nó rút đầu vào tựa trên thành ghế, lim dim đôi mắt nghĩ ngợi. Bênh cạnh Danh, người cha đang kể chuyện cho con gái nghe. Con bé hỏi vớ va vớ vẩn mà cha nó cứ chọi khó trả lời. Danh lấy làm lạ. Nó mở mắt, nghiêng đầu về bên trái, ngắm nghía hai cha con người đồng hành.
Người cha nước da ngăm ngăm đen. Ông trạc bốn mươi tuổi. Vầng trán cao mái tóc hoa râm. Khuôn mặt in hằn nhiều vết đau khổ nhưng đôi mắt ông vẫn long lanh và nụ cười của ông còn tươi lắm. Đứa con gái nhỏ hơn Danh chừng hai ba tuổi. Con bé bầu bỉnh ngộ đáo để. Nó có cái răng khểnh, cười hai má lúm đồng tiền. Mắt nó to tròn, đen lay láy.
Người cha vuốt tóc con gái:
Chú nhìn coi, giòng sông kia có ngộ không?
Danh nhếch mép cười. Con gái tóc dài chấm ngang vai mà sao cha nó kêu bằng chú. Dang bắt đầu “cảm” cha con người đồng hành của nó.
Đứa con gái lắc đầu:
Chả có gì lạ cả, bố à… Chỉ có mấy cái ghe thôi.
Người cha làm bộ nhăn mặt:
Chú chắc chứ? Thử nhìn lại xem nào…
Con bé nắm lấy cánh tay cha nó:
Bố xạo hoài hà…
Người cha béo má con:
Bố đâu có xạo, chú dốt thì có…
Con bé vênh mặt làm nũng:
Bố bảo con dốt đầy nhá! Tối nay con chả thèm làm toán nữa, chả thèm đi mua cà phê cho bố nữa đâu. Con nghỉ bố ra luôn à! Bố làm tàng quá, bố à…
Danh mím môi. Nó tưởng người cha sẽ tát con gái một cái thật mạnh. Con bé hỗn ghê, dám bảo bố nó làm tàng. Danh đã lầm tưởng.
Chú nghỉ bố ra, bố lấy vợ lẽ à…
Người cha nhe răng cười hể:
Sợ chưa?
Con bé bĩu môi:
Bố lấy vợ lẽ thì con đi ăn mày cho bố biết tay.
Người cha lè lưỡi:
Eo ôi! Ăn mày khổ lắm, chú nhỏ ơi! Tối chú ngủ ở hè phố, lính mã tà xúc chú vào trại Tế Bần. Bộ, mỗi ngày chú xin được mấy đồng hả, chú?
Con bé ngả đầu vào lòng cha nó:
Bố đừng lấy vợ lẽ bố nhá! Con không nghỉ bố ra nữa. Con thương bố mà. Con cầm lon đi mua cà phê với thuốc “Ách chuồn” cho bố, bố nhá!
Danh nghĩ tới ba nó. Nó chớp mắt lia lịa. Người cha nâng đầu con gái lên:
Chú nhỏ nhõng nhẽo quá đi thôi. Nào giờ bố kể chuyện này chú nhớ thuộc nghe!
Con bé gật đầu vâng lời. Người cha chỉ ngón tay:
Giòng sông trước mặt chú là giòng sông lịch sử đấy.
Sao lại gọi là giòng sông lịch sử hả, bố?
Vì nó đã đi vào lịch sử.
Nó có chân đâu mà đi?
À, người ta mang nó đi.
Ai mang hả, bố?
Ông Nguyễn Trung Trực.
Ông Nguyễn Trung Trực là ai hả, bố?
Người cha móc túi lôi ra bao thuốc “Ách chuồn” mười điếu ông ta rút ra một điếu châm lửa hút. Con bé dục:
Ông Nguyễn Trung Trực là ai, bố nói mau đi bố!
Người cha nhả một vòng khói tròn. Gió lùa vào xe làm tan vòng khói trong chớp mắt. Ông ta nháy mắt true con gái.
Chuyện này hay lắm bố để dành.
Bố kể đi bố!
Nhưng tối nay con phải bóp lưng cho bố thật lâu nhé?
Con bóp vả chân nữa, bóp bằng dầu chổi Huê Kỳ cơ.
Người cha đăm đăm nhìn con. Thương mến ứa ra khỏi đôi mắt ông ta. Danh đã từng trông thấy sự thương mến đó ứa ra từ đôi mắt ba nó những lần nó câu cá giựt được chiếc giầy, những lần ba nó cao hứng nằm trên mặt ghế bố, vỗ bụng hát bội, và hỏi nó “có hay không con”. Nhưng lần này Danh mới thấy sự thương mến có hình ảnh. Nó chớp mắt lia lịa.
Đứa con gái đập khẽ vào tay cha nó:
Con nhổ tóc sâu cho bố nữa, nhổ râu cho bố nữa. Con lấy hai đồng bạc cắc nhỏ chứ không thèm nhổ bằng nhíp đâu bố ạ!
Danh chợt tiêng tiếc, nó mắng thầm nó ngu dốt. Hồi ba nó sống, nó đã không biết nhổ tóc sâu và râu cho ba nó. Tự nhiên, Danh có cảm tình với ba nó. Nó quên rằng con bé đã bảo cha nó làm tàng.
Con bé dục cha:
Đi, bố kể đi bố, ông Nguyễn Trung Trực là ai?
Người cha dụi điếu thuốc là chưa hút quá nửa xuống sàn xe:
Ông Nguyễn Trung Trực là người thợ chài.
Con bé tròn xoe mắt:
Người thợ chài hở, bố?
Ừ.
Người thợ chài có phép gì mà mang được giòng sông đi?
Người cha mỉm cười:
Thế mới giỏi chứ.
Bộ ổng là tiên hở, bố? Ổng có phép hở, bố?
Không có phép tắc gì hết trọi.
Vậy sao ông mang được giòng sông đi?
À, à, ông ấy là anh hùng, ông ấy đã đốt tàu của giặc Pháp, ông ấy giết lính Pháp như giết kiến.
Con bé reo to:
Chà, ông này bảnh dữ há!
Người cha kể hết chuyện anh hùng Nguyễn Trung Trực cho gái nghe. Con bé, dường như, không thích mấy. Nhưng thằng Danh thì thích thú vô cùng, Nó đã thuộc chuyện ông Nguyễn Trung Trực. Giá con nhà Lựa đừng ngu hơn con “kẹ”, nó đã được kể chuyện ông Nguyễn Trung Trực cho Lựa nghe. Và, chắc chắn, con nhà Lựa phải khen “sướng rên mé đìu hiu” vì chuyện này hay bằng mười chuyện ông Thừa Cung, ông Châu Trí, ông Tử Lộ.
Danh vén cánh tay áo lên. Hôm nay hình xâm hai thằng nhãi con xách hai cái hòm đánh giầy đã nổi rõ. Danh dí ngón tay vào hình Lựa, hỏi như thật:
Hay không mày?
Không có tiếng Lựa trả lời. Chỉ có chuỗi cười ròn của đứa con gái làm Danh sực tỉnh. Mặt nó nóng bừng. Nó giả vờ quay về bên cửa hông, ngắm hai bố con người hát dạo. Một lát, Danh quay lại. Nó bắt gặp hai cha con người đồng hành nhín nó. Danh len lén cúi thấp đầu.
Người cha vỗ vai Danh:
Chà, xe kẹt lâu dữ, em cũng về Mỹ Tho hả, cưng?
Danh ấp úng:
Dạ, cháu về Mỹ Tho ạ!
Ông ta ngắm Danh thân mật:
Chuyện ông Nguyễn Trung Trực hay hả, em?
Dạ hay lắm.
Vừa rồi em hỏi ai đó?
Dạ bạn cháu.
Nó đâu?
Nó chết rồi…
Ông khẽ nhíu đôi mày:
Chết rồi sao em còn hỏi nó?
Cháu hỏi hình nó.
Hình nó đâu?
Danh vén cánh tay áo lên:
Hình nó đây.
Hai cha con người bộ hành dán mắt vào cái hình xâm trên cánh tay Danh. Đứa con gái lè lưỡi:
Khiếp, kinh quá.
Danh vội kéo ống tay áo xuống. Nó bẽn lẽn và hơi giận. Người cha bèn cởi khuy áo ngực, khoe Danh:
Tôi cũng có hình trái tim rướm máu đây này…
Con bé lắc đầu nguây nguẩy:
Khiếp, ghê ghê là…
Người cha lắc đầu ngầm ý bảo Danh:
Con bé nhãi ranh, đâu biết cái gì.
Rồi ông ta hỏi:
Thằng nhỏ ngậm thuốc lá là em, hả?
Dạ.
Em hút thuốc gì đó?
Dạ, thuốc “Ách chuồn”.
Ông ta cười ha hả, coi hành khách trên xa không có ai, móc bao thuốc mời Danh:
Hút một điếu chơi.
Danh đưa tay véo mạnh tai mình:
Thưa ông, cháu không dám ạ!
Con bé nhìn Danh nó cười ranh mãnh. Khiến mặt Danh càng nóng bừng. Người cha vỗ vai Danh:
Hút đi, đừng sợ hư hỏng, hút thuốc phiện mới hỏng đời. Chú em biết không, tôi hút thuốc lá từ năm lên tuổi. Mà tôi đâu có hư, tôi vẫn lấy được vợ, có con có mà. Nào, hút đi…
Ông ta đẩy cái hộp giấy mời Danh:
Đây cũng “Ách chuồn” đàng hoàng.
Nhưng Danh lắc đầu:
Cháu thôi hút rồi.
Ông ta gật gù:
Lại hối hận điều gì phải không?
Dạ không.
Thằng bạn của chú em đâu?
Nó chết rồi.
Tội nghiệp. Nó chết bệnh à?
Không, bị xe cán chết, Quý đen…
Danh ngừng lại. Nó nuốt nước bọt chặn tâm sự của nó. Ông ta lờ đi, hỏi chuyện khác:
Chú em xuống Mỹ Tho làm gì?
Cháu kiếm thằng bạn.
Chú em có bạn ở Mỹ Tho lận?
Dạ chúng cháu gặp nhau ở … ở Sàigòn.
Ở Sàigòn chú em làm gì?
Danh ngó con bé. Nó trả lời người cha:
Cháu chẳng làm gì cả.
Thế thằng bạn của chú em ở Mỹ Tho làm gì?
Cháu chưa biết.
Danh hỏi lại:
Thưa ông, ông xuống Mỹ Tho làm gì ạ?
Làm đủ thứ nghề, gặp cái gì làm cái đó.
Xe kẹt ngót nửa tiếng đồng hồ. Bây giờ, tấm biển đỏ trên cầu đã xoay mặt trắng. Tài xế mở máy. Anh lơ dục đi dục lại hành khách:
Xe qua cầu, cô bác dập thuốc dùm nghe, ăn gì vất đại xuống sàn xe, đừng xả rác trên cầu.
Lần đầu tiên đi ra ngoài Sàigòn, Danh thấy sự gì cũng lạ mắt, lạ tai. Sớm nay lần mò đến bến xe lục tỉnh, nó thơ thẩn cả tiếng mói hỏi được chỗ đậu xe Saigon – Mỹ Tho. Nó mua vé, lên xe ngồi mà cứ ngỡ xe sẽ chở tuột nó đến một phương trời nào đó. Mãi lúc người lơ xe hô hoán hành khách, Danh mới chắc xe nó đang ngồi sẽ mang nó xuống Mỹ Tho.
Người đồng hành lớn tuổi ngồi cạnh nó đọc được vẻ ngơ ngác trên khuôn mặt nó. Ông ta dập điếu thuốc, bảo nó:
Chú em mới đi xe đò lần đầu, hả?
Dạ.
Qua cầu mà xả rác trên cầu thì xe phải dừng lại hàng tiếng. Lơ xe sẽ bị quét cầu. Họ phạt đó, chú em ạ! Còn hút thuốc trên xe có bẩn cầu đâu! Nhưng qua cầu cũng cứ bị cấm. Luật qua cầu là vậy. Hì hì luật với lệ. Đời sống càng nhiều luật càng mất tự do. Chú em có nghĩ thế không?
Cháu không biết ạ!
Đứa con gái “kê” cha nó.
 
Bố đi hỏi “người ta” những câu vớ vẩn, ai mà biết.
Người cha sực tỉnh:
Ở nhỉ!
Ông ta xoa hàm râu lún phún:
Còn qua một cái cầu lớn nữa ở Tân An là hết lo kẹt xe. Bao giờ chú em về Sài Gòn.
Cháu gặp thằng bạn cháu đã.
Nhỡ không gặp thì sao?
Cháu phải gặp nó.
Có chuyện chi dữ ấp chú em?
Dạ cháu gặp chuyện đau lòng lắm.
Người đồng hành lớn tuổi thôi hỏi Danh, xe đang qua cầu. Bánh xe lăn trên những thanh gỗ bắt đinh bù loong nghe ình ình như muốn sập cầu. Danh ngó xuống dòng nước. Nó vừa hiểu một chuyện thích thú. Giòng sông nó đang ngắm là giòng sông lịch sử. Người mang giòng sông này vào lịch sử là ông thuyền chài Nguyễn Trung Trực.
Xe qua cầu được một lát, chạy hết tốc độ. Cánh đồng hai bên đường đang mùa lúa chín vàng loe. Cảnh vật chạy ngược thật nhanh. Danh say sưa nhìn. Rẽ qua Tân Hiệp, qua ngã ba Trung Lương. Người đồng hành lớn tuổi bảo nó:
Sắp vào Mỹ Tho rồi đó, chú em ạ! Chú em xuống bến hay xuống đầu tỉnh?
Cháu xuống bến.
Tôi xuống đầu tỉnh, tôi sẽ xuống trước chú em. Chúc chú em vui vẻ với bạn chú em nhé.
Cháu cám ơn ông nhé!
Này chú em!
Dạ.
Tôi mến chú em lắm đó!
Danh nín lặng. Nó hơi đau lòng. Danh liếc con bé. Mặt con bé ngơ ngác. Chứ không nhõng nhẽo, vòi vĩnh và hỗn hào như lúc mới gặp. Danh muốn nói một câu gì với cha con người đồng hành của nó. Nhưng nó không biết nói làm sao. Mỗi lần nó định ngỏ lời thì nó lại tưởng tượng chuỗi cười ròn tan và đôi mắt ranh mãnh của con bé. Và thằng Danh nguội lửa. Nó ngồi, mắt thu lấy mái tóc con bé chảy ngang bờ vai, lười biếng chớp.
Người bộ hành lớn tuổi của nó, mím môi, hất đầu:
 Chú hiểu không?
Dạ.
Tôi có thằng con trai, nếu nó ở với tôi nó cũng bằng chú em. Tiếc quá nó lại “lên núi”. A! Tên chú kêu chi nhỉ?
Dạ cháu tên Danh.
Danh, tên hay lắm. Con nhỏ của tôi tên Thảo. Thảo là kẻ lạc loài chú ạ!
Con bé trách bố:
Sao bố bảo con lạc loài?
Người cha vờ vỗ trán:
Ờ, bố quên, con bố đâu chịu lạc loài…
Bố bạ ai cũng khoe tên con.
Xe đã tới tỉnh. Người tài xế nhả ga. Xe chạy từ từ và dừng lại bên đường. Danh nép người cho hai cha con Thảo xuống. Người bố chìa tay bắt tay Danh:
Chúc chú em tìm được bạn nhé!
Cám ơn ông!
Danh đờ đẫn. Tim nó đập mạnh. Xe chuyển bánh bỏ hai cha con Thảo đằng sau cát bụi. Danh ngoái lại. Nó chỉ trông thấy hai bàn tay ai đang vẫy. Mắt nó còn đọng lại hình ảnh con bé ngộ nghĩnh hay làm nũng bố. Con bé tên là Thảo. Danh lẩm nhẩm: “Tên là Thảo. Tên nó là Thảo”.