I – Tình hình tác chiến

TÌNH HÌNH TÁC CHIẾN TRONG 81 NGÀY ĐÊM TỪ NGÀY 28 THÁNG 6 ĐẾN NGÀY 16 THÁNG 9 NĂM 1972.
Do các Cựu chiến binh, bạn chiến đấu bảo vệ Thị xã - Thành cổ Quảng Trị 1972 tổng hợp từ tài liệu của các trung đoàn tham gia chiến đấu ở Thị xã Quảng Trị hè 1972
I – Tình hình tác chiến
Sau giải phóng Quảng Trị (đầu tháng 5 năm 1972), từ ngày 2 đến ngày 19 tháng 6 năm 1972 ta vừa chuẩn bị, vừa tổ chức đánh nhỏ tạo thế và bắt đầu mở đợt ba tiến công giải phóng Thừa Thiên (từ ngày 20 tháng 6 năm 1972), mà trọng điểm là khu vực Đồng Lâm, trên trục đường số 1.
Sau vài ngày đầu ta tiến công không mấy thành công, thương vong nhiều, thì ngày 26 tháng 6 năm 1972, Mỹ - ngụy mở chiến dịch phản công tái chiếm Quảng Trị.
 Đối phương sử dụng:
- 2 sư đoàn cơ động thiện chiến: Sư đoàn dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến.
- Đơn vị hỏa lực quân đoàn 1: 2 tiểu đoàn pháo 175 ly - Quân khu 1 - Vùng Hải quân 1.
- Cùng toàn bộ lực lượng tại chỗ như: Sư đoàn bộ binh số 1, các liên đoàn biệt động, các thiết đoàn cơ giới, lực lượng dự bị Quân đoàn 1 ở Huế, dưới sự yểm hộ hỏa lực tối đa của không quân Mỹ (kể cả B.52), từ các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam, vùng lân cận Châu Á - Thái Bình Dương và của hải quân thuộc Hạm đội 7 Mỹ.
Từ ngày 26 đến ngày 27-6-1972
Địch sử dụng hỏa lực trực tiếp đánh phá quân ta rất ác liệt, tàn bạo ở các khu vực bố trí từ sông Mỹ Chánh trở ra; đặc biệt tập trung đánh phá nơi trú quân, căn cứ trận địa hỏa lực ta như pháo binh, phòng không, tên lửa, cơ sở vật chất, kỹ thuật, kho tàng, bến bãi gây cho ta nhiều tổn thất.
Ngày 28-6-1972
- Đối phương bắt đầu thực hành phản công từ hai hướng, kết hợp đổ bộ đường không, đường biển, có nghi binh trên hướng Cửa Tùng, Cửa Việt.
- Hướng phản công chủ yếu trên đường 1 và phía Tây đường 1, đối phương sử dụng Sư đoàn dù (3 lữ đoàn), tăng cường 2 thiết đoàn cơ giới, 1 tiểu đoàn pháo 155 ly.
- Hướng Đông từ Hải Lăng ra ven biển, theo trục đường 68: đối phương  dùng Sư đoàn thủy quân lục chiến (3 lữ đoàn), tăng cường 2 thiết đoàn cơ giới (thiếu), 1 tiểu đoàn pháo 155 ly.
 Khi đối phương bắt đầu phản công vào ngày 28 tháng 6, quân ta từ phía Bắc sông Mỹ Chánh đến Thị xã Quảng Trị trên trục đường số 1, chỉ có 4 tiểu đoàn phòng giữ gồm:
- 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 48.
- Tiểu đoàn 2 độc lập.
- Tiểu đoàn địa phương 8 Quảng Trị.
Lực lượng chủ yếu của chiến dịch đang ở phía Nam sông Mỹ Chánh.
Đội hình của ta ở thế bất lợi trước cuộc phản công của đối phương.
Ngày 28 tháng 6 năm 1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 hạ quyết tâm phản công, với cách đánh phòng thủ trận địa nơi trọng điểm kết hợp tích cực phản công, phản kích tiêu diệt từng bộ phận đối phương nhằm ngăn chặn từng đợt tiến công của đối phương trên trục đường 1, phía Tây đường 1, đường 68 ven biển.
Lệnh bố trí lực lượng phòng thủ phản công
- Sư đoàn bộ binh 308 (thiếu) gồm Trung đoàn 36, Trung đoàn 102, được tăng cường Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 và Tiểu đoàn 2 Độc lập tấn công đối phương trên trục đường 1 phía Bắc sông Mỹ Chánh, trước mắt chốt giữ khu vực cầu Bến Đá, cầu Nhùng, Thượng Nguyên.
- Sư đoàn bộ binh 320B (thiếu) gồm Trung đoàn 27, Trung đoàn 64, Tiểu đoàn địa phương 14, Tiểu đoàn địa phương 47 tiến đánh đối phương  ở hướng Đông từ Thanh Hương - Đông Dương trên trục đường 68 ra đến ven biển, bảo vệ khu vực Hải Lăng.
- Sư đoàn bộ binh 304 gồm Trung đoàn 24, Trung đoàn 9 và Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308, Tiểu đoàn đặc công 35 tiếp tục đánh địch ở phía Nam sông Mỹ Chánh.
- Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B cùng Tiểu đoàn địa phương 8 bảo vệ Thị xã Quảng Trị  và khu vực La Vang.
- Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 dự bị chiến dịch, đứng chân ở Quảng Lương - Vĩnh Lại sẵn sàng tấn công đối phương đổ bộ vào Cửa Việt.
Tuy nhiên, do đội hình ở xa, thời gian gấp, các đơn vị không cơ động kịp về khu vực quy định phòng giữ, nên từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7, đối phương tiến quân tương đối thuận lợi.
Ngày 2-7-1972
Sư đoàn thủy quân lục chiến địch chiếm được quận lỵ Hải Lăng. Ta co về tuyến sông Vĩnh Định.
 Sư đoàn dù đánh chiếm cầu Nhùng, cầu Bến Đá, cầu Dài. Ta co về giữ một số cao điểm ở La Vang và quanh Thị xã Quảng Trị.
II. Diễn biến các đợt chiến đấu bảo vệ thị xã -
Thành cổ Quảng Trị
(Từ ngày 3 tháng 7 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972
Chia thành 5 đợt)
Đợt 1: Đánh bại đợt tiến công thứ nhất của sư đoàn dù ở vùng ven Thị xã: từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 7 năm 1972
Ngày 28 tháng 6, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 48 phối hợp với lực lượng Tỉnh đội Quảng Trị tổ chức phòng thủ Thị xã Quảng Trị và khu vực La Vang, không để đối phương lọt vào Thị xã. Quyết tâm của Trung đoàn 48 là kiên cường phòng thủ, giữ vững thị xã Quảng Trị và La Vang, với khẩu hiệu "Quang Sơn còn, Thị xã còn". (Quang Sơn là bí danh của Trung đoàn 48).
Lúc này ở Thị xã có Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn địa phương 8 Quảng Trị, được bố trí như sau:
- Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 bố trí vòng ngoài từ hướng Đông - Đông Bắc Thị xã trên chính diện khoảng 4 kilômét:
1 đại đội và Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 ở Tri Bưu - Quy Thiện.
1 đại đội ở Trầm Lý.
1 đại đội ở An Thái - Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48 tập trung bố trí ở khu vực La Vang, cao điểm 25 (căn cứ cũ của trung đoàn ngụy, có đầy đủ công sự); lực lượng phía trước do Đại đội 11 thuộc Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 đảm nhiệm. Bố trí: một chốt ở ngã tư đường sắt - phía Đông La Vang - Hữu độ 500 mét và một chốt ở khu lô cốt có sẵn trên đường 1, phía Bắc cầu Nhùng độ 1 kilômét.
- Tiểu đoàn địa phương 8 Quảng Trị bố trí trên hướng chủ yếu đối phương tấn công chốt giữ ngã ba Long Hưng - Bệnh viện Quảng Trị, đầu Cầu Sắt - Thạch Hãn.
- Sở chỉ huy Trung đoàn 48 ở Bích Khê, phía bắc Thị xã độ 2 kilômét. Cử một trung đoàn phó trực tiếp đi cùng Tiểu đoàn 3 chiến đấu bảo vệ La Vang.
Ngày 3-7-1972
Đối phương bắt đầu vượt sông Nhùng, sau khi đổ bộ đường không vào ngày 30 tháng 6 năm 1972, chiếm bàn đạp phía Nam sông Nhùng, tiến về hướng Thị xã trên hai trục đường 1 và đường sắt.
° Lực lượng chốt ở phía Đông La Vang Hữu là Đại đội 11 của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 đánh trả quyết liệt, chặn 4 đợt xung phong của đối phương, diệt trên 40 binh lính, buộc đối phương phải dừng lại.
Đây là trận thắng đầu tiên của lực lượng bảo vệ Thị xã. Đại đội 11 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất sau thắng lợi này.
Chiều tối ngày 3 tháng 7 năm 1972 do thương vong nhiều, mất sức chiến đấu, Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 rút chốt.
Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 ở An Thái cũng rút về phía sau.
° Trên hướng đường 1, đối phương dùng phi pháo đánh phá ác liệt vào vị trí của Tiểu đoàn địa phương 8 và tiến quân nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Tiểu đoàn địa phương 8 đã chiến đấu kiên cường, giữ vững trận địa, tiêu diệt nhiều sinh lực đối phương trong ngày và các ngày tiếp theo. Đây là hướng tấn công chủ yếu của đối phương.
Ngày 4-7-1972
Trên đường 1, đường sắt, không còn lực lượng ta chốt giữ, đối phương  tiến vào đánh An Thái, Đại Nải, chiếm bốn khẩu cao xạ 37 ly, uy hiếp nghiêm trọng hướng Đông Nam Thị xã.
Ở hướng La Vang, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 48 chốt đánh kiên cường, giữ vững khu vực, buộc đối phương phải dừng lại.
Ngày 5-7-1972
Đối phương oanh tạc bắn phá dữ dội khu vực Thị xã Quảng Trị - La Vang, đồng thời cho một tiểu đoàn đánh chiếm Trầm Lý, uy hiếp Thị xã từ hướng Đông - Đông Bắc.
Ngày 6-7-1972
- Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 (từ phía Tây Thừa Thiên mới rút về Ái Tử) được lệnh vượt sông sang chiến đấu ở Thị xã và phân chia lực lượng:
+ Đại đội 5: Chốt giữ ngã ba Long Hưng cùng Tiểu đoàn địa phương 8.
+ Đại đội 7: Tăng cường cho Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 chốt giữ La Vang.
+ Đại đội 6: Bố trí tây Bắc ở hướng Thành cổ làm lực lượng cơ động.
+ Điều các đại đội hỏa lực Trung đoàn 48 (cối - ĐKZ - pháo 12,7 ly) vào Thị xã.
+ Tổ chức Sở chỉ huy nhẹ Trung đoàn 48 do Trung đoàn phó phụ trách vào Thị xã, đóng ở hầm dinh tỉnh trưởng cũ, sát bờ sông Thạch Hãn.
Như vậy đến ngày 6 tháng 7 năm 1972, toàn bộ lực lượng Trung đoàn 48 đã vào Thị xã. Cũng trong thời gian này, Trung đoàn 48 được tăng cường 1 đại đội xe tăng thuộc Lữ đoàn tăng 202 (thực tế chỉ đến được 3 xe tăng).
Ngày 7-7-1972
Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 sử dụng Đại đội 9 tăng cường 1 trung đội của Đại đội 10, với một trung đội địa phương và 3 xe tăng, được Trung đoàn pháo 45 chi viện trực tiếp, thực hành phản kích đối phương ở phía Đông La Vang Hữu. Đối phương thấy xe tăng ta bất ngờ xuất hiện, nên đội hình rối loạn. Ta diệt hàng trăm binh lính, bắn cháy hai xe tăng, đẩy đối phương ra khỏi khu vực La Vang Hữu. Ta bị hỏng hai xe tăng, một chiếc do bắn nhầm và một chiếc bị phá do bom.
Ngày 8-7-1972
- Đối phương tiếp tục tiến công La Vang, đối phương bị Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48 chặn đánh, bẻ gãy nhiều đợt tiến công, diệt hàng trăm bính lính đối phương, giữ vững trận địa.
- Ở hướng  Đông Nam Thị xã, biệt kích đối phương luồn vào khu vực thôn Thạch Hãn, bị Tiểu đoàn địa phương 8 chặn đánh, diệt 39 bính lính, buộc đối phương phải tháo chạy.
- Ở hướng Đông Bắc Thị xã, đối phương từ Trầm Lý đánh sang Qui Thiện, bị các chốt của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 chặn đánh, buộc đối phương phải rút chạy về Trầm Lý. Ta diệt trên 100 bính lính.
Ngày 9-7-1972
Đối phương tiếp tục bắn phá dữ dội vào Thị xã và các trận địa của ta.
Trên tăng cường cho Thị xã: Tiểu đoàn địa phương 3 vào chốt giữ trong Thành cổ Quảng Trị; Đại đội công binh của Trung đoàn công binh 229; 2 tiểu đội A72 tên lửa phòng không vác vai; một số đài quan sát quân báo nắm bắt tình hình đối phương trên hướng Đông Nam và Đông Bắc Thị xã.
Ngày 10-7-1972
Sáng sớm, đối phương tập trung quân cùng xe tăng trên đường 1 ở khu vực An Thái - Đại Nải, chuẩn bị tiến công vào Thị xã. Ta lập tức sử dụng hỏa lực pháo cối bắn dồn dập vào nơi đối phương tập trung. Riêng pháo 130 ly ta đã bắn 400 viên. Kết quả diệt hàng trăm địch quân, phá tan cuộc chuẩn bị tiến công của đối phương.
Ở ngã ba Long Hưng, nắm thời cơ pháo ta bắn, đối phương đang rối loạn, Đại đội 5 của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 xuất kích diệt 37 địch quân, đuổi đối phương phải rút khỏi khu vực, tạo thế chốt giữ vững chắc, được Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 khen ngợi ngay chiều tối ngày 10 tháng 7.
Ngày 11-7-1972
- 7 giờ đối phương tiến đánh khu vực ngã ba Long Hưng, bị ta nổ súng ngăn chặn, đồng thời máy bay đối phương oanh tạc nhầm vào đội hìn
h khiến đối phương bị thương vong nhiều, buộc phải dừng tiến công.
- 8 giờ 30 phút sau khi củng cố lực lượng, đối phương tiếp tục tiến công từ ba mũi vào trận địa chốt của Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn địa phương 8. Ta đánh trả quyết liệt và xuất kích nhỏ vào sườn đội hình đối phương, bảo vệ được chốt sau ba đợt tiến công của đối phương. Đến chiều tối, đối phương dừng tiến công và con số thương vong tới hàng trăm bính lính.
Sau trận đánh Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Cùng ngày trên hướng Đông Bắc, đối phương tiến công vào Tri Bưu, bị Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 chặn đánh quyết liệt, buộc đối phương phải dừng lại, không phát triển được. Chiều ngày 11 tháng 7, đối phương sử dụng 90 lần/chiếc trực thăng đổ quân xuống An Tiêm - Nại Cửu, bị Trung đoàn 27 của Sư đoàn 320B đánh trả, bắn cháy hàng chục chiếc trực thăng, nhưng đối phương vẫn chiếm được khu vực này (nó sẽ để uy hiếp, cắt đường chi viện của ta cho Thị xã từ hướng bắc).
Ngày 12-7-1972
Đối phương tiếp tục tiến công ác liệt vào các trận địa ở Thị xã, La Vang, ngã ba Long Hưng, Tri Bưu.
Ta kiên cường đánh trả, giữ vững trận địa trong ngày. Riêng trên hướng Tri Bưu, đối phương chiếm được một phần, trực tiếp uy hiếp Đông Bắc Thành cổ.
Tư lệnh vùng 1 chiến thuật của đối phương ra lệnh cho quân dù "Bằng mọi cách, đêm 12 tháng 7 phải cắm được cờ trên Thành cổ, trước ngày khai mạc Hội nghị Pa-ri". Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 lệnh cho Trung đoàn 48 quyết giữ vững Thành cổ, tổ chức phản kích, đẩy đối phương ra khỏi Tri Bưu. Quân ủy Trung ương điện số 915, ra lệnh: "Giữ Thành cổ bằng mọi giá".
 Nửa đêm 12 rạng ngày 13 tháng 7, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 thông báo: có tin đối phương cử một bộ phận đi theo cống ngầm vào Thành cổ để cắm cờ.
Trung đoàn 48 ra cho toàn bộ lực lượng, tăng cường trinh sát, kiểm tra từng góc trận địa, không cho đối phương lọt vào Thành cổ.
Đêm 12 tháng 7, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 lệnh cho Sư đoàn 325 đưa Trung đoàn 95 vào cùng Trung đoàn 48 chiến đấu bảo vệ Thị xã.
Ngày 13-7-1972
TRÊN HƯỚNG TRI BƯU - ĐÔNG BẮC THÀNH CỔ:
Vào mờ sáng, đối phương bắt đầu triển khai đội hình tiến công từ nhà thờ Tri Bưu. Ta dùng pháo bắn cấp tập vào khu vực. Đối phương bị thương vong một số, buộc phải chững lại và dùng hỏa lực không quân, pháo hạm, pháo đất bắn phá dữ dội vào Đông Bắc Thành cổ, dùng bom dù có sức khoan sâu và công phá lớn để phá tường thành, hầm ngầm, công sự của ta. Sau đó đối phương bắt đầu tiến công, nhưng đều bị Tiểu đoàn 1 và một bộ phận Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 chặn đánh quyết liệt, giữ vững trận địa.
Trong ngày, tiểu đoàn dù đối phương bị thương vong vài trăm binh sỹ. Riêng đại đội phòng không 12,7 ly của Trung đoàn 48 bắn rơi một trực thăng, có một đại tá sư phó sư dù và một trung tá chỉ huy pháo sư đoàn dù cùng bảy sĩ quan tham mưu dù.
TRÊN HƯỚNG NAM - ĐÔNG NAM:
Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn địa phương 8 cùng Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 đã ngăn chặn các đợt tiến công của đối phương, giữ vững trận địa chốt ở La Vang, ngã ba Long Hưng, phía Nam Thị xã.
Sau mười ngày liên tục tiến công Thị xã, sư đoàn dù của đối phương vẫn không thực hiện được ý định cắm cờ ngụy trên Thành cổ vào ngày 10 tháng 7, và cả sau đó ngày 13 tháng 7, chịu tổn thất lớn. Đối phương bị thương vong 1.071 binh lính, cháy 3 xe tăng, rơi 2 máy bay (1 phản lực, 1 trực thăng) và bị phá hủy nhiều vũ khí phương tiện kỹ thuật khác.
Ta đã kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa, trong điều kiện chuyển vào phòng thủ khu vực quá rộng, lực lượng dàn mỏng, thiếu liên kết hiệp đồng chặt chẽ, công sự chưa vững chắc, quân số, vũ khí phương tiện kỹ thuật thiếu thốn, chưa đồng bộ.
Đợt 2: Đánh bại đợt tiến công thứ hai của đối phương vào Thị xã từ ngày 14 đến ngày 27 tháng 7 năm 1972.
Rút kinh nghiệm việc đánh nhanh thắng nhanh, tiến công ồ ạt không thành công, bị nhiều tổn thất, quân dù đối phương chuyển sang cách đánh thận trọng hơn. Đối phương tăng cường dùng phi pháo hủy diệt mục tiêu trước, sau đó mới cho bộ binh và xe tăng đánh chiếm từng bước.
Đối phương nâng tổng số đạn pháo đánh phá Thị xã từ 8.000 viên/ngày lên 15.000 viên/ngày, cao điểm có ngày lên tới 30.000 viên/ngày, sử dụng 40 đến 60 lần/chiếc máy bay phản lực một ngày, dùng bom khoan đánh phá hầm hào tường thành, tăng số phi vụ máy bay B.52 ném bom dọc bờ tả ngạn sông Thạch Hãn và hậu phương ta để ngăn chặn ta tăng cường quân số, vận chuyển tiếp tế. Trước âm mưu thủ đoạn mới của địch, ta chủ trương tăng cường lực lượng vào Thị xã, quyết giữ vững Thành cổ.
Đêm 13-7-1972
Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 của ta được đưa vào Thị xã, bố trí ở phía tây Bắc Thị xã, làm nhiệm vụ cơ động.
Ngày 14-7-1972
4 giờ sáng, đối phương cho một tốp biệt kích lẻn vào cắm cờ ở góc đông Bắc thành, bị các chiến sĩ Đại đội 14 hỏa lực của Trung đoàn 48 và các chốt của Tiểu đoàn địa phương  3 phát hiện và tiêu diệt. Sau hành động cắm cờ thất bại, đối phương tiến hành những đợt hỏa lực đánh phá ác liệt liên tục hai ngày 14 và 15 tháng 7 vào các trận địa của ta trong Thị xã.
Ngày 14 tháng 7 thành lập ban chỉ huy bảo vệ thị xã gồm:
 Chỉ huy trưởng là đồng chí Tham mưu phó Mặt trận B5. Chính ủy, Bí thư Ban cán sự là đồng chí Cục phó Cục Chính trị B5; Phó chỉ huy trưởng là đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Tỉnh đội phó Quảng Trị, Chủ tịch ủy ban quân quản Quảng Trị.
Ban chỉ huy lấy cơ quan tham mưu Trung đoàn 48 làm cơ quan chỉ huy. Bố trí Sở chỉ huy tại An Mỗ, phía bắc Thị xã cách độ 3 kilômét. Sở chỉ huy nhẹ do Trung đoàn phó Trung đoàn 48 phụ trách vẫn bố trí trong Thị xã, ở hầm dinh Tỉnh trưởng.
ĐỘI HÌNH CHIẾN ĐẤU BỐ TRÍ NHƯ SAU:
Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48: Tri Bưu - góc đông bắc Thành.
Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 (thiếu): thôn Cổ Thành.
Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64: thôn Cổ Thành - Hạnh Hoa.
Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95: Cơ động, bố trí ở bắc Thị xã và đông nam
Thị xã.
Tiểu đoàn địa phương 3: Trong Thành cổ.
Tiểu đoàn địa phương 8: Thạch Hãn - Bệnh viện - Cầu Sắt Quảng Trị.
1 đại đội của Tiểu đoàn địa phương 8 và Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48: Ngã ba Long Hưng.
Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48: La Vang - Cao điểm 25.
Ngày 16-7-1972
Ta đưa Tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn 64 Sư đoàn 320B vào chốt giữ phía Bắc Thị xã ở thôn Cổ Thành và khu vực Tri Bưu; đưa Đại đội 1 vận tải, Đại đội 6 công binh thuộc Sư đoàn 320B mở tuyến vận chuyển sông và tăng vận tải vật chất kỹ thuật từ 500 đến 600 kilôgam lên 4 đến 6 tấn/ngày.
Quân dù địch bắt đầu tiến công Thị xã trên các hướng:
HƯỚNG ĐÔNG BẮC:
Hai tiểu đoàn đối phương có xe tăng tiến công Tri Bưu - Hạnh Hoa. Ta dùng pháo bắn cấp tập vào đội hình đối phương, sau đó Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 (thiếu) cùng 2 đại đội của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 xuất kích đánh cạnh sườn quân dù. Đối phương rối loạn, tháo chạy. Ta truy kích, chiếm nhà thờ Tri Bưu, đẩy địch ra xa 500 mét. Trong trận này một đại đội của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 thực hiện đánh gần, đợi địch vào sát mới nổ súng diệt 25 binh lính, có binh lính đối phương gục cách quân ta có 5 mét.
HƯỚNG ĐÔNG NAM:
 Một tiểu đoàn lính dù từ quận Mai Lĩnh được xe tăng chi viện tiến công khu vực đông nam Thị xã.
Tiểu đoàn địa phương 8 và Tiểu đoàn địa phương 3 được pháo chi viện đã xuất kích nhỏ đánh bại hai đợt tiến công của đối phương.
15 giờ, địch đột nhập khu Mỹ Đông, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 được lệnh xuất kích, dùng Đại đội 3 tập kích ban ngày diệt ngót trăm tên. Đối phương bỏ chạy, rút về Mai Lĩnh vào chiều tối.
Đại đội 3 Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 95 lập công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
HƯỚNG LA VANG:
Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 dùng Đại đội 2 và Đại đội 3 tập kích sở chỉ huy dù đối phương ở trại Gia Long, diệt 60 binh lính. Ta làm chủ trận địa. Trận này mở đầu cho Trung đoàn 88 từ hướng động Ông Do tiến công xuống La Vang, ra bờ sông Thạch Hãn, bảo vệ phía Nam Thị xã.
Ngày 17-7-1972
Sau đánh chiếm nhà thờ Tri Bưu (16 tháng 7), ta sử dụng: Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 tiếp tục đánh bồi, đẩy đối phương ra khỏi Tri Bưu; Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64 và một đại đội của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 bảo vệ sườn trái cho Tiểu đoàn 1.
QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU
Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 đã nhanh chóng diệt địch, chiếm được khu nhà tôn và góc đông bắc Tri Bưu nhưng đã bị hai đại đội quân dù phản kích chiếm lại và đẩy Tiểu đoàn 1 ra khỏi nhà thờ Tri Bưu. Kết quả ta diệt 230 bính lính đối phương, bắn rơi 1 trực thăng. Nhưng Tiểu đoàn 1 cũng bị thiệt hại nặng. Ngay trong đêm 17 tháng 7, ta cho Tiểu đoàn 1 ra ngoài củng cố.