- Được lắm! Nếu anh đã muốn có sự chia rẽ trong anh em, nếu anh có thể đi ăn mảnh được thì cứ việc… nhưng những khi đến đằng Cả Ủn lấy tiền đừng có mượn tên tôi ra mà xoay…!
- Không, cụ nóng quá, để tôi trần tình đầu đuôi cụ hiểu…
Ông ấm B… mặt đỏ bừng như quả gấc chín ngồi giữa giường, xếp chân bằng tròn như một tượng Phật, bình tĩnh nói ray rứt bác "Tham Ngọc" đương ngượng nghịu trên một chiếc ghế, mặt tái hẳn đi như con gà bị cắt tiết.
Còn tôi, giữ địa vị bàng quan để xét đoán một cách trung lập cuộc đấu khẩu ấy, không có việc gì, ngồi cắm mặt xuống bàn, buồn tình, bẻ nát mấy đóm… chơi!
"Tham Ngọc" đấu dịu, xin trần tình. Ông ấm làm ra vẻ không buồn nghe nữa. Vẫn ngồi xếp bằng tròn như tượng Phật giữa một người rất thâm. Chẳng lẽ có tôi mà ông lại vùng đứng lên để hoa tay, múa chân, sừng sộ với kẻ địch buộc chia rẽ ông, hoặc bóp cổ nó hay cho nó… một nhát dao vào bụng! Làm thế nào có thể lộ mình là kẻ tiểu nhân, ông không làm. Dù tức đến chết, ông vẫn phải ngồi yên.
Độc giả chắc còn nhớ rõ tới cái buổi hội diễn của người giữ cái két lớn nhất của làng b… với mặt ấy, Cả Ủn đã nói rằng: "Tham Ngọc" có đến lấy bốn chục và đã trả đủ rồi. Ông ấm dặn rằng: "Lần sau có chữ của tôi thì hãy nên bỏ thiếc vì rằng hắn lấy tiền không do tôi sai đi là chỉ để đi ăn mảnh". Lẽ tự nhiên: ông ấm không thể nào bảo đảm những số tiền do Cả Ủn trao cho "Tham Ngọc" đi ăn mảnh. Lại một lẽ tự nhiên nữa: đã là đồng đạo mà một đệ tử mình lại nỡ tính cuộc chia rẽ anh em bằng cách đi ăn mảnh, ông ấm phải bất bình!
Ai phải? Ai trái? Cái cuộc chia rẽ trong làng b… mà tôi ngẫu nhiên được mục kích đây thực là một vấn đề… xã hội rất quan trọng vậy.
Tình đồng đạo của "Tham Ngọc" với ấm B… không bởi lẽ "Tham Ngọc" đi ăn mảnh mà bị thương tổn được, vì nếu ông ấm tự coi là thầy "Tham Ngọc" thì bổn phận của một ông thầy đối với học trò là phải tìm cách cho học trò được tự lập nếu học trò mình đến lúc đủ tư cách dọn hàng riêng. Vậy "Tham Ngọc" đã đủ tư cách "dọn hàng riêng" chưa?
Những cuộc săn mòng bên Bắc Ninh đã đủ đáp lời cho câu hỏi đó. Không cho học trò tự lập, ông ấm đã lỗi đạo làm thầy.
Những lí luận cãi cho "Tham Ngọc" này, khốn thay, lại bị một lí mạnh hơn, cứng hơn, là nghề b… không phải là nghề đạo lí, mà làng bịp xử lí với nhau cũng chẳng có tình nghĩa gì. Dám hoặc có khi họ cũng thuỷ chung với nhau, trong mọi cuộc săn mòng, nhưng đó chỉ là cái nhân nghĩa quân đạo tặc mà thôi! Cho nên trái lại, chính "Tham Ngọc" là lỗi đạo. Đã thế thì: nếu đi ăn mảnh, anh không có quyền lấy tên thầy đến xoay tiền người ta.
Nhưng ta hãy yên, nghe "Tham Ngọc" trần tình:
- Cái lần tôi vay đằng Cả Ủn bốn chục, tôi xin nhận lỗi là đã mạn phép cụ, nhưng không phải vay tiền để đi ăn mảnh như cụ tưởng mà để tiêu vào một việc quan hệ tới… gia đình, để tiêu riêng. Tuy mạn phép cụ, tôi cũng trả hết người ta chứ không hề để liên luỵ cho cụ…
- Ông bảo ông đã tiêu vào việc gia đình?
- Phải.
- Thôi đi, tôi không phải là thằng ngốc. Nếu chính mắt tôi không trông thấy việc ông tiêu thì đã có nhiều người khác trông hộ tôi. Nếu chính tai tôi không nghe thấy thì cũng có vô số người nghe hộ… Nói dối tôi không được, ông nghe ra chưa?
- Nếu thế thì thôi, tôi không biết nói thế nào nữa…
- Ông nói thế nào? Ông nói thế nào? Số bốn chục ấy, nếu không để làm vốn đi ăn mảnh thì cũng để trả tiền môn bài cho cái sòng ở chợ Chu, ông nghe ra chưa? Tưởng người ta không biết đấy!
Ông ấm không biết hay có biết? Tôi cũng chẳng hiểu, chỉ biết rằng nghe đến câu này, "Tham Ngọc" dường tắc cổ, hoặc bị một cái bàn tay vô hình, ác nghiệp bịt lấy miệng không cho nói nữa, không cho chối cãi nữa mà thôi. Im đây là thú tội.
"Tham Ngọc" cứ việc ngồi lặng im, ngây người ra, "thú tội" trong năm phút, mười phút, mười lăm phút.
Cái không khí im lặng này chẳng hiểu có khó chịu cho ông ấm hay "Tham Ngọc" không, nhưng chính ra, đã rất khó chịu cho tôi. Giữa cái cuộc tai biến của hai người đối với mình đều là… tri kỉ cả, một bên thì căm tức bên kia đã phản mình, một bên cũng căm tức vì đã bị nhiếc lác, mình tuy là người ngoài cuộc nhưng lại ngồi ở chỗ đó, dẫu không căm tức nốt nữa thì cũng phải buồn. Nhất là mình không biết tìm cách gì có công hiệu hòng hoà giải được hai bên. Sầu thật!
Sau cùng, ông ấm nói một cách dịu dàng lắm:
- Thôi, ông… "Tham Ngọc", chúng ta gặp mặt nhau thế là đủ!…
"Tham Ngọc" đứng dậy, hiểu ý câu nói lắm, bắt tay riêng tôi rồi xuống gác, bao nhiêu ý nghĩ căm giận hoặc khinh bỉ, không có cách nào khác, phải phát lộ ra cả gót giày, nện thình thình thật mạnh vào từng bậc thang…
"Tham Ngọc" đi rồi, tôi cũng đứng lên muốn về cho ông ấm ngồi một mình được thật tĩnh tâm mà "triết lí" đến cái tình bè bạn. Thấy tôi đứng lên, ông ngơ ngác nhìn ra vẻ buồn nản, rồi bảo:
- Ông hãy ở chơi…
Ở chơi đây không có nghĩa là ở chơi thật đâu, tôi đã biết trước sự ấy. Ở chơi đây là ngồi lại để nghe ông ấm kể lể… để nge ông cãi cho mình là phải và buộc tội kẻ đã xúc phạm đến mình. Một dịp tôi biết thêm ít nhiề ái chân tướng của mọi nhân vật trong làng b… Càng hay! Tôi lại ngồi xuống ghế.
Tiểu sử của "Tham Ngọc" do ông ấm thuật lại cho tôi nghe một cách tỉ mỉ, tôi chép vắn tắt lại dưới đây.
*
Hà Nội, 1910. Ngày mồng 2 Tết Nguyên Đán.
Tại một phố kia, một nhà ông phán.
Ngày mồng 2 Tết, vợ con về quê vắng cả, khách khứa cũng ít đến, ông phán đâm buồn, ngứa ngáy, phải nghĩ đến cách chơi xuân. Tết là những ngày mà người đời biết yêu nhau, hoặc thật, hoặc vờ, nhưng dù sao cũng sống với nhau bớt đểu cáng. Suốt năm, dù ghét nhau đến có thể giết nhau được, ngày Tết đến, người ta cũng lại nhà nhau mừng tuổi rối rít hay thì thụp quỳ lạy trước bàn thờ ông vải mà những ngày trước ấy, dễ thường người ta đã từng có lần réo đến tên tuổi để "đào ngoáy xoáy xoả" lẫn nhau. Ngày Tết, ngày của đạo Trung thứ
1.
Vậy thì, vào cái ngày mà mọi người dù thù hằn nhau cũng tha thứ cho nhau, dù không yêu nhau thành ra cao hứng chốc lát mà yêu nhau, không ai phân cao thấp sang hèn chia rẽ nhau, một thằng nhỏ của nhà ông phán kể trên được chủ gọi lên tiêu khiển xuân nhật với thầy.
Tên nó là Xuân, mặt mũi nó kk0 ai nỡ bảo là mặt mũi một thằng nhỏ. Mặc cái quần giặt là, cái áo giặt là, thắt cái thắt lưng lụa mộc, lại phủ ngoài một cái áo ma ga
2 – tóc mới, đội khăn lượt chỉnh tề, ngồi cùng giường rút bất với chủ, nó có thể khiến những khách lạ bước vào phải nhầm mà "Năm mới! Mừng tuổi hai… ông!"
Cái cảnh khan xu, đương giữa Tết mà hai thầy trò ngồi một xó rút bất với nhau kể cũng buồn mà cũng có thú vị. Chỉ bực một nỗi cho ông phán là cứ thua hoài. Buổi sáng thua, buổi chiều thua, đến buổi tối lại cũng thua, chủ phải để ý xem đầy tớ có những ngón gì. Thì ra thằng Xuân đánh lớp! Nó cứ xếp những quân: cửu sừng, ông cụ, tam văn, thất vạn cách những quân… tam đại rồi trang cả chỗ bài theo lối "che mắt thế gian".
Dễ thường có khối óc triết lí khác người, ông thầy ít có này, sau cùng, cho cả đầy tớ những quần áo cũ, cấp cho nó một cái vốn lớn là hai chục bạc rồi mở rộng cả hai cánh cửa, giải phóng cho nó đi "chu du thiên hạ". Có bộ mã kể cũng sang trọng, thoạt đầu thằng Xuân độ ấy mới 15 tuổi khi đội lốt học trò, khi đội lốt cậu Ngẩu nhà quê, đã lăn lộn trong những đám vã, đám trếch
3 trước khi được đụng chạm với phái thợ, phái thầy.
Trước người ta gọi nó là thằng, sau người ta lên chức nó là bác. Sau nữa đến thầy, sau cùng đến ông. Vốn là kẻ tinh khôn, anh chàng Xuân coi đời là một lớp học. Sự lịch thiệp tìm ở cái giao tiếp, sự kiến thức góp nhặt được trong báo chí, anh chàng Xuân càng sống càng biết đóng đủ mọi vai kịch trên sân khấu cuộc đời.
Ta chẳng nên lấy gì làm lạ khi thấy con người ấy đội lốt một ông tham Ngọc nào đó, đến những chỗ sang trọng, trí thức, có thể đả động được cả đến cái bộ mặt trái của Hội Quốc Liên!
*
- Ấy kìa bác!
- Phải, tôi vẫn chờ bác từ nãy đến giờ. Ngồi làm gì mà lâu thế? Hẳn ấm B… đã làm bản cáo trạng buộc tội tôi cho bác nghe chán chê mê mỏi ra rồi…
Tôi gạt cái ý nghĩ nghi hoặc của "Tham Ngọc".
- Không, có quái gì đâu!…
Giời mưa phùn, chúng tôi cũng cứ dấn bước đi luôn mấy phố. Anh Xuân gọi xe, mời tôi cùng lên rồi bảo phu kéo:
- Đến Hàng Buồm…
Tôi nghĩ đến tôi mà buồn cười. Tự nhiên vào làng b…, chẳng có đất nào cả mà hưởng đã vô số! Rồi lại được nghe ông này kể lể tâm sự vì bực mình với ông kia.
Chúng tôi vào một cửa hiệu. Cầm đến đũa bát, câu hỏi thứ nhất của tôi với "Tham Ngọc" là muốn biết anh ta đã thịt ông chú họ của tôi mấy chục chuyến rồi:
- Bác biết Mr. Đ.
4 làm ở phủ toàn quyền chứ?
- A! Có! Thằng cha thích húc trạc xếch!
- Thịt lão ấy mấy chuyến rồi?
- Không nhớ nữa, nhiều lắm!
- Người ấy là một ông chú họ tôi!
- Chú họ bác?
- Phải.
Anh Xuân cười:
- Mặc! Chú Giời cũng không tha.
- Ông ta chơi lõi lắm mà cũng vẫn vào xiếc nhỉ?
- Có lõi bằng trăm lão, tôi cũng nhét đất thó lỗ mũi lấy tiền.
- Này, nếu không bắt lão làm mòng nữa, mình có thể "đổi ngôi, thay bực" cho lão, rồi lão lại là người giữ két của làng b…
- Thế à? Thế thì rất hay! Chiều mai, tôi với bác sẽ lại ông ta nói chuyện nhé?
Anh Xuân ngồi cầm đũa mà nhìn, có vẻ ngẫm nghĩ. Rồi anh ta nói, tầm mắt vẫn buông đi đâu…
- Ông ấm không hiểu tôi. Rồi một ngày kia ông sẽ hiểu. Việc gì ở đời, nếu đã là chân lí tất rồi có người biết đến. Tôi phó mặc cho thời giờ. Hiện nay tôi đang góp vốn làm cái sòng chợ Chu. Mỗi tháng phải góp ngót nghìn bạc cho con trai chú Lương Tam Kỳ, một người xưa kia vẫn được chính phủ ngơ cho mà xưng hùng ở vùng Bắc Cạn. Nay Lương chết, thanh thế giảm, con giai chỉ còn được hưởng quyền thế một sòng bạc ở Chợ Chu…
Khả ố thay cái nạn kinh tế! Chúng tôi kiếm không bằng một thằng khách bán phá xa. Bác thử tưởng tượng xem… Một tên khách ở Chợ Chu, quay một chục con vịt, một con đáng độ một hào. Nó bày lên một cái bàn quay, có 18 số. Mỗi số ta phải đặt hai xu. Trúng vào đâu, ta sẽ được một con vịt. Mất một con vịt một hào, hắn lấy về ba hào sáu, lãi những hai hào sáu xu. Dân làm mỏ Chợ Chu, thích ăn thịt vịt, đã bỏ lửng sòng…!
--------
1
Theo Khổng Tử, trung là hết lòng, thật tình với người khác, thứ là cứ lòng mình suy ra mà hiểu lòng người. |
2
Thứ vải này dày dệt bằng lông các con alpaga (alpaca) và lama (llama) ở Nam Mỹ, vừa đẹp vừa bền. |
3
Valletaille, tiếng Pháp nghĩa là dân bồi bếp đi ở với Tây, trếch là tiếng lóng gọi đám người ấy. |
4
Viết tắt tiếng Pháp: Ông Đ. |