Hai ống quần của tôi, lúc này nếu đem gột tạm thì mấy gáo nước dội vào nó tất thành một thứ nước có phù sa; đôi giày tôi dận có đến mấy lớp bùn bao bọc quánh lại, trông không thấy giày đâu nữa, thật là hai cái chân một bác thợ cày. Cái áo tơi của tôi hầu như đã ngấm lâu vào nước và cái mũi thì thật là hai cái ống máng lúc giời mưa to. Ấy tôi ăn mặc như thế, đang đi
tìm một người.
Nếu tôi đã có thêm được cái đèn và cái thùng thì tôi đã thành ông Diogène
1"cả xương lẫn thịt".
- Mời ông ngồi chờ cho một lát, ba con cũng sắp về rồi, chỉ độ 15 phút nữa thôi...
Đó là lời cậu con trai ông ấm B..., một đứa trẻ kể vào hạng thường ra thì chưa biết gì nhưng sinh vào cửa con một người như ông này, đã thành ra rất tinh khôn, ăn nói lễ phép, xem ra ý có thể được giáo dục cho một cách chu đáo lắm. Tôi kéo ghế ngồi, vẫn nóng ruột lắm, nhưng cũng dễ chịu: sống lưng được dịp đỡ mỏi, hai ống chân đỡ nhức.
Ngoài giời, như một đứa trẻ tinh nghịch, sau mỗi lúc ngót được dăm phút lại tuôn nước xuống ào ào. Đã sang hè rồi, không ngờ còn có trận mưa ít có ấy: suốt từ sáng đến trưa! Suốt từ sáng đến trưa, tôi đã đội giời mưa đi lùng gần khắp Hà Thành, thoạt đầu đến gõ cửa nhà ông ấm này, vì chủ nhân vắng nhà, tôi lại chạy lại đằng kí Vũ, kí Vũ bảo xuống tận ô tìm nhà lão Sinh, lão Sinh lại mách tôi nhà của tham Ngọc ở tận gần ô Yên Phụ để cho sau cùng tham Ngọc lại tống cổ tôi bò về đằng ông ấm B... Mang trong lòng cái bực tức, trong hai chân ngót mười cây số đã đến lúc không sao được nữa, tôi vẫn chưa xong cái phận sự:
tìm một người.
Một vị quốc sĩ nào mà quốc dân giao cho tôi cái phận sự đi cầu chăng? Hay đó là con ông Hoàng, bà Chúa nào lạc mà tôi, một kẻ gia nhân, tôi có bổn phận đi tìm? Hay là... hay là... ông cụ nhà tôi sống lại đấy?
Thưa không ạ! Người tôi phải đi tìm chỉ là một người thường như chúng ta cả, hoặc khác chúng ta là hiện lúc ấy không biết là
bịp hay là
mòng đang đóng cái vai "Càn Long du Giang Nam", ông anh tham quý hoá của tôi ông Vân đấy.
Sau khi ra dây thép mua ngân phiếu gửi sang cho ông con chục bạc rồi, ông bố với bà mẹ ở nhà đêm ngày chờ tin. Một tờ lịch bóc, hai tờ lịch bóc, ba... mười, mười hai, mười sáu tờ lịch bóc, không thấy tăm hơi gì, ông cụ phán, bà cụ phán đến phải hoảng cả lên như có đứa con lên năm vừa lạc đâu mất vậy.
Nhà giàu, con một, sau khi cho cả ông thân sinh ra mình vào xiếc rồi, anh Vân đã về Hà Nội, rồi gây cho cha mẹ cái cảnh "bụi hồng khuất nẻo dứt đường cá chim" kia. Do đó, việc tôi phải về tìm... Tìm một người đã bước xuống âm cung để dỗ dành cho quay về Dương thế vậy.
- Thầy không có nhà à? Hở em?
Tôi quay lại xem ai cất giọng thì thào to nhỏ ra vẻ bí mật ấy. Thì ông Mỹ Bối!... Ông ta nhìn tôi, khẽ gật đầu một cái rồi mỉm cười. Tôi phải cố nhịn cười vì trước mắt mình thật là một vai com mích
2 đặc biệt, đại đặc biệt.
- Ông ngồi chờ ông ấm thế chắc ông ta cũng sắp về thì phải.
- Vâng... Rước ông cứ lên.
Ông khệ nệ lên rồi kéo ghế, ngồi đánh sình một cái. Nghĩ bụng: mời ông ta bằng câu "rước ông" cũng phải.
- Thế nào, Hà Thành độ này có gì lạ không, ông?
- Chẳng có gì lạ... Vẫn săn
mòng, két như thường.
- Ông phát tài?
- Phát tài phải gió!
- Sao ông bảo vẫn săn
mòng, két như thường?
- Đã đành thế rồi
mòng, két vẫn có đấy nhưng ít con có lườn lắm, mà
tạ mỗi ngày một đông tấy lên, chia năm xẻ bảy đi, còn ăn thua gì nữa!
- Số tạ đông lắm à? Hiện ông biết thì độ bao nhiêu?
Ông Mỹ Bối lắc đầu:
- Không đếm được!... Bằng
cát tó duy dê 3...
- Gớm, đông đến thế kia? Thế thì nguy cho bọn
mòng lắm nhỉ?
- Nào nó có nguy chi cho
mòng! Nó lại nguy cho b... mới cực chứ!... Ông nghĩ kĩ sẽ hiểu: bọn "sộp" xưa nay là
mòng nhưng nay đã thành b... cả thì nguy cho b... hay cho
mòng?
Tôi tìm câu kết cho lời nói chí lí ấy:
- Nói cho cùng, chỉ tại kinh tế thôi.
Ông Mỹ Bối thở dài:
- Tại nhiều ông ạ. Tại nạn kinh tế khủng hoảng tại ông ấm, tại ông, tại tôi! Chính chúng ta đã quá tay, đã quên mất công cuộc
gây mòng. Không nuôi mà cứ nhổ tất phải diệt. Rồi Thần Đỏ Đen sẽ phải
bông xua xứ này mà đi. Bảo đó sẽ là một việc đáng đốt pháo mừng cũng được hoặc phải ngẩn ngơ tiếc, tuỳ ý... nhưng tôi hãy hỏi ông đã nhé: Nếu hết nạn cờ bạc, chiến công bội tinh hạng nhất đáng về phần ai?
- Đáng về cả ba thì mới phải.
- Không được, ông nói thế, ông nhầm. Người ta dù xo rụi về kinh tế thế nào mặc lòng vẫn có thằng đánh bạc. Sở Liêm phóng
4 vẫn hết sức tầm nã nhưng thế nào cũng không thể bắt giam hết được những quân cờ bạc. Ông có biết những quân gá chứa bây giờ có những thủ đoạn gì không? Việc đóng cửa cài then cho kĩ lưỡng đã đành họ phải cẩn thận rồi, nhưng bây giờ họ thường làm vài mâm cỗ nữa. Bàn thờ có đèn hương cẩn thận, bọn "con công đệ tử cứ" việc tha hồ ngồi chầu Tổ, nhỡ ra có cớm thì... bài họ vứt vào hoả lò trong khi một thằng nhỏ ra mở cửa, con sen ở trong đã bưng cỗ xuống chiếu bạc rồi. Sở Liêm phóng vào?... Thì người ta ăn uống về việc hiếu, hỉ! Nếu đầu chạy đuôi lọt thì, canh bạc tan rồi, người ta cũng... chén! Cái lối vừa gá bạc vừa bán cao lâu ấy lại càng lợi thêm cho chủ gá vì nó có tính cách rình người. Sở Liêm phóng chẳng thể độc lực trừ nổi nạn cờ bạc, dù có nhiều người chỉ vì đánh chắn cũng bị toà phạt mười sáu quan tiền Tây
5. Nhưng ông cũng là b... tôi cũng là b... ai cũng là đồ đệ hoặc chim mồi của ông ấm B... thì... hỡi ơi thương thay!... Làm sao cho cứ có
mòng mãi được!
- Ông nói cũng có lí lắm.
- Thật đấy, chính tôi đã biết những anh xưa kia vẫn bán giời không văn tự cả, nay cũng tu chí, cũng hoá ra bụt cả rồi. Đã cờ bạc thì phải ngồi với người lạ thì mới húc được chứ trong anh em thân nhau, còn thịt nhau lấy cái gì? Mà ngồi với người lạ thì tất là bị bịp!... Có anh sợ bịp quá, sợ quá đi mất, đến nỗi đánh với anh em rất thân, đen rồi thua mà ngờ cả cho anh em có ngón! Thôi, chẳng qua là ông ấm đến lúc xấu số vì ông pô-pu-le
6 quá rồi... Danh vọng tôn sư đến lúc về chiều, chúng mình cũng liệu mà... hưu đi thôi!
Ông Mỹ Bối nói câu này rồi rung rinh hai vai, trông khôi hài một cách lạ Tôi gợi ý:
- Ông nghĩ thế nào chứ tôi thì tôi đã bắt đầu chán nghề b... Không
nước gì, suông lắm.
Ông ta:
- Vẫn hay rằng suông nhưng tôi thấy nó có lắm cái hay hay thì tôi chưa thể... li dị nó được. Ở đời này, bao nhiêu sự ám muội tôi cũng muốn dúng tay vào hết, chỉ cốt để được từng trải mà thôi. Ông tưởng tôi sống được về nghề này à? Tôi chỉ lợi được về sự: biết cuộc đời đối với tôi mới thật là cuốn sách có giá trị.
- Nghề gì mà ám muội ông cũng muốn dúng tay vào?
- Chính thế. Mà dúng được vào thì khoái lắm. Những việc ấy tuy có hại cho người nhưng không có hại cho tôi. Anh em phố Hàng Bạc đã cột tôi là "người mà khối óc là một tủ sách chứa những ý nghĩ tinh ma" thật cũng không oan gì. Cái lối xử thế của tôi bây giờ? Tôi mang trong đời cái "nhân nghĩa" của một anh thầy cò và những lời "cam đoan" của một thầy lang chữa thuốc lậu!
Những ý nghĩ này, phát lộ ra bằng một giọng ngạo mạn chứa chan những vẻ căm hờn, khiến tôi phải tưởng tượng đến những cảnh ba đào dồn dập về cuộc đời của con người nói nó ra. Tôi đánh bạo một câu:
- Muốn chừng ông cũng đã... cũng đã... từng trải lắm.
Ông Mỹ Bối nhìn xuống chiếu:
- Đã nhiều phen lắm!...
Xuống chó nhiều quá mà lên voi chỉ được một hồi. Hiền lành tử tế vào thời buổi này không sống được, ông ạ. Thời buổi này là thời buổi... bá đạo, ông có nhận ra không?
Tôi đứng lên, bắt tay ông Mỹ Bối một cách chặt chẽ, nồng nàn. Ông đã mục tôi vào hàng tri kỉ nên mới... tâm sự đến bậc ấy, dù chúng tôi hãy còn trong thời kì sơ giao. Từ đấy, ông Mỹ Bối chỉ đăm đăm nhìn xuống chiếu, không nói thêm gì. Tôi để ông ta mặc thích ngồi trầm ngâm, giữa chúng tôi là một không khí im lặng.
Tôi nghĩ đến cái lòng căm hờn của người ta có hai bậc. Tôi nghĩ đến những kẻ "đắc vị" rửa hờn: Tần Thuỷ Hoàng lúc đốt sách, Robespierre trước ngày Thermidor, Mussolini, Hitler
7...
Rồi tôi nghĩ đến ông Mỹ Bối, hạng người "không đắc vị" nhưng khối óc cứ đi đôi với thời gian, cố nghĩ đủ mọi phương tiện để trả thù...
Nhưng cái số đúng là bao nhiêu ở xã hội mình, những người cùng tâm thuật với ông Mỹ Bối?
- Kìa, ông sang bao giờ thế?
Hai chúng tôi đứng cả dậy, ông ấm đã về. Tôi đáp:
- Tôi sang tối hôm qua.
- Sang chơi hay có việc gì?
- Sang tìm anh Vân... anh ấy đi lâu quá! Tôi tìm khắp cả mà không thấy không biết ông ấy có còn ở Hà Thành này không hay đã đem thiếc sang Tân Thế Giới rồi!
Ông ấm cười:
- Ông nói đúng đấy! Tân Thế Giới thực! Mà Tân Thế giới ở phố Đường Thành kia!
Ông ấm cởi áo ra, bỏ kính, lên ngồi giường, rồi tiếp:
- Ông Vân hiện giờ đang đóng một vai trò
mòng giúp tôi.
Chúng tôi ngẩn người ra, không hiểu. Làng b... xưa nay chỉ thấy nói đến vai thiện xạ, vai hướng đạo (chim mồi) chứ có thấy nói đến việc đóng vai
mòng bao giờ đâu! Mà ông ấm, chơi ác, cứ bắt chúng tôi đấu trí mãi, cứ ngồi yên ngắm chúng tôi chớ nhất định không nói năng gì. Sau cùng, thấy chúng tôi chịu cả, ông mới xé "cẩm nang":
- Các ông chịu là phải lắm. Xưa nay không ai lại đóng vai
mòng.
Nhưng bây giờ tôi mới nghĩ ra được ngón đòn
trá hàng thì việc kia phải có. Tôi có một Thị Mẹt ở phố Đường Thành, vốn là người "quen thuộc" tôi. Thị có một nhân tình làm thầu khoán đánh bạc thạo, dễ thường về xì cũng biết được lối đánh
giác, nhờ Thị tìm hộ con
mòng. Hôm qua, Thị lại tâu thế với tôi. Nghĩ bụng, mới nho nhoe ra đời đã đòi ăn thịt người thì cho chết; tôi mới rỉ tai cho thị biết cái ngón
trá hàng. Tôi bày thế trận này: Vân vờ là
mòng mà Thị tìm cho anh kia. Ngồi vào đánh, anh kia chắc yên trí là người yêu sẽ
cản trở cho mình, nhưng té ra Thị lại
cản trở cho Vân để vào
Vân Nam, giấu biến đi cỗ bài giác của nó.
Sa hố, nó tất thua to. Đến lần vào
Vân Nam, thứ hai của Vân thì nó... phải chết. Các ông nên biết, người
cản đã là một Thị Mẹt lúc bò nhoài ra với lấy bao diêm lại đè ngực lên đùi ông thầu khoán cho đùi ông thầu khoán "làm quen" với hai "quả dừa" thì... ối thôi!...
Ông Mỹ Bối sướng quá, cười sằng sặc, vội hỏi:
- Thế cụ đã "xếp cảnh" đâu đấy chưa?
-
Kịch đang diễn rồi. Bây giờ thì dễ thường đã hạ màn ấy!
Tôi tháo giày, ông ấm vứt mấy cái gối ra giữa giường; ba chúng tôi nằm dài ra một lượt.
Ông Mỹ Bối tán:
- Giời mưa thế này mà nằm tán dóc thế này thì còn gì khoái hơn!
Ông ấm lại kể với ông Mỹ Bối:
- À này, thằng Năm Kèn, em lão chủ báo
Tam Dân ấy mà... có đến van lạy tôi để lại cho hắn cỗ
trạc xếch lưỡng diện.
- Thế à? Nhưng nó định bắt ai kia chứ?
- Thì Hàng Bạc có mấy tay sộp nhất là nó muốn thịt cả đấy. Nguyên sau khi thấy mấy anh chàng kia phải nhờ đến mình trong cái "Việt Hoa chiến kỉ" để thịt vợ chồng thằng Cắm, Năm Kèn tưởng mấy tay kia bây giờ bử lắm...
- Nhưng họ đã gỡ đủ số tiền thua thằng Cắm đâu?
- Thì đã đành, đòn
Vân Nam của mình địch thế nào lại với đòn... đòn...
ăn non của thằng Cắm được! Đã đành phải nhờ đến
b... là mình, mấy "quan hàn" chỉ tổ mang tiếng mà chung quy, thua vẫn hoàn thua. Nhưng nào thằng Năm Kèn nó có nghĩ thế! Nó tưởng bọn kia phát tài lắm, cũng có thể sắp đi đấu xảo ngoại quốc rồi. Cho nên nó mới muốn tậu khí giới của mình, ý ông nghĩ sao?
- Nhưng nó trả bao nhiêu chứ?
- Nó trả tới hai chục rồi, nhưng tôi còn muốn bóp nữa.
- Thôi, cứ để quách cho nó đi. Hai chục bạc vào lúc kinh tế này, cũng là một số tiền đấy.
- Nhưng cỗ
trạc xếch lưỡng diện đối với nó lúc này cũng là... ken cờ sôi
8.
- Có đồ nó ngu! Bắt thế nào được họ? Có hoạ nó về cất mả lại. Thấy người ta ăn cũng gắp... bỏ bị... cụ cứ để quách cho nó đi!
- Để cho nó là làm ơn cho nó và cũng là giết nó. Chắc rồi nó cũng đến sa hố mất.
- Cái thằng anh nó cũng đã có lần bị vào xiếc đấy. Trăm sáu mươi ba đồng bạc một canh tài bàn. Ông chủ báo mê gái, ông chủ báo híp mắt lại, ông chủ báo vào
cạm. Mà bịp là thằng nhãi con, thằng Vũ chứ đâu cần phải thánh thần như ai!
Ông Mỹ Bối kết luận:
- Trò đời thế thì lắm cái tuyệt thật!
Giời xem chừng đã tạnh mưa. Phố xá đã có chỗ thấy rọi sáng những tia lửa rơi qua cái "sàng" mây dưới mặt giời...
*
- Tôi đứng đây chờ chứ vào làm gì? Nhỡ ra "thằng nhân tình" còn đấy, mà nhỡ ra xưa kia đã có lần mình cho nó vào
cạm, nay nó nhận ra mặt mình thì khốn. Hai ông đi vào, lượn qua nhà không thấy người nào lạ mặt thì ra hiệu cho tôi...
Nghe lời dặn, tôi với ông Mỹ Bối tránh những vũng nước, tìm lối vào một cái ngõ trong Đường Thành. Khi nhận thấy số nhà rồi, tôi liếc mắt nhìn vào trong.
Một người đàn bà đang ngồi chống nẹ ở giường nói nói, cười cười với một người nữa, vận Âu phục, ngồi quay mặt vào phía trong. Giữa bàn là một tập giấy bạc.
Thấy chúng tôi, người đàn bà ngẩng lên nhìn khiến người đàn ông cũng quay đầu ra nốt. Tôi quay lại vẫy ông ấm. Người đàn ông là anh Vân! Rồi ba chúng tôi kéo ùa vào nhà. Ông ấm trách:
- Mãi không báo tin cho người ta biết! Làm người ta cứ sợ không khéo
sa hố mất rồi.
Anh Vân nhe răng ra cười:
- Người cản là... bà đầm này thì
sa hố thế nào được?
Mỹ nhân đỏ mặt, nhìn trộm tôi vì lúc nãy vừa bị đôi mắt thóc mách tôi bắt được quả tang cái vẻ lả lơi trước mặt anh Vân một cách thái quá.
Tôi bấm anh Vân ra ngoài:
- Thế nào? Ông cụ, bà cụ bắt tôi đi tìm ông đây. Thế ông có định về cho hay không thì bảo?
Anh Vân thản nhiên:
- Dăm hôm nữa, chúng ta sẽ cùng về.
Tôi lộn cả ruột:
- Không thể thế được đâu!
- Làm gì mà không được? Hay là chú cứ về trước đi vậy.
Tôi tìm một câu thật đau đớn:
- Tôi lấy làm tiếc cho cái công trình ăn học của anh. Tôi tiếc thay, thương thay cho cả cái bằng Cao đẳng Thương mại...
Anh Vân cau mặt, có can đảm nói xưng xưng:
- Chú nói dốt lắm! Thế nghề b... không phải là Thương mại thì là gì?
--------------------------------
1
Triết gia cổ Hy Lạp (413 - 323 TCN) khinh thường mọi của cải ở đời mọi người, mọi vật, đúng giữa trưa đi giữa thành phố Athmai tay xách cái đèn sáng, ai hỏi thì nói: "Ta tìm một con người ". |
2
Phiên âm tiếng Pháp comique nghĩa là khôi hài. |
3
Phiên âm tiếng Pháp quatorze juillet nghĩa là ngày 14 tháng 7 tức là ngày quốc khánh Pháp. ý nói đông như ngày quốc khánh Pháp dân ta đi xem hội. |
4
Sở Liêm phóng là Sở mật thám. |
5
Tức là 16 đồng phơrăng của Pháp, giá bằng một đồng sáu hào bạc Đông Dương, thời ấy có thể ăn phở được hơn năm chục bát. |
6
Tiếng Pháp populaire nghĩa là nổi tiếng. |
7
Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, lên ngôi Hoàng đế năm 230, đốt hết sách, chôn sống nhà Nho. Robespierre (1758 - 1794) thực hiện nền chuyên chinh trong cách mạng Pháp đưa bao nhiêu ngươi lên mây chém, rồi bị lật đổ và chém đầu ngày 9 tháng Thermidor năm 1 794. Mussolmi (1883 - 1945) và Hitler (1889 - 1945), độc tài nước ý và nước Đức đã liên minh với nhau gây ra Đại chiến. |
8
Tiếng Pháp quelque chose nghĩa là ít nhiều gì. |