Chương 7

Trong những ngày buồn tình đó, chiều nào tôi cũng ghé chơi nhà nhỏ Thơm để tìm sự khuây khỏa.
Nhỏ Thơm thấy tôi lên chơi thì mừng lắm. Và nó biểu lộ sự mừng rỡ đó bằng cách lấy cù móc khều xoài xuống đãi tôi. Nhưng lúc này tôi không buồn ăn uống nữa. Thấy nó chạy lăng xăng bên gốc xoài, tôi buột miệng:
- Thơm cất cái cù móc đi!
Nhỏ Thơm ngạc nhiên:
- Thơm hái xoài cho anh mà!
Tôi nhún vai:
- Bữa nay tôi hết thích ăn xoài rồi!
Nhỏ Thơm lại trố mắt:
- Sao vậy?
Rồi thấy vẻ mặt tôi không được vui, nó hỏi dò:
- Bộ bữa nay anh có chuyện buồn hả?
- Ừ.
- Chuyện gì vậy?
Tôi chối:
- Tôi cũng chẳng biết. Tự nhiên tôi thấy buồn buồn vậy thôi.
Nhỏ Thơm chớp mắt:
- Hay là anh nhớ nhà?
Tôi gật gù:
- Ừ, chắc là nhớ nhà.
Tưởng tôi nhớ nhà thật, nhỏ Thơm lộ vẻ thẫn thờ. Nó buồn giùm tôi.
Trầm ngâm một hồi, nó chép miệng:
- Vậy anh kể chuyện cho Thơm nghe đi! Kể cho đỡ nhớ!
- Kể chuyện gì bây giờ?
- Thiếu gì chuyện! Kể về thành phố anh ở ấy!
Tôi tặc lưỡi:
- Chuyện thành phố còn gì đâu mà kể! Tôi đã kể cho Thơm nghe hết cả rồi!
- Kể rồi thì kể lại! Kể về rạp chiếu bóng ấy!
- Rạp chiếu bóng sao?
Nhỏ Thơm nuốt nước bọt:
- Ở thành phố có hai trăm rạp chiếu bóng phải không?
- Ừ.
- Và trẻ con vào xem khỏi cần mua vé?
- Ừ.
- Chỉ cần trình giấy khai sinh thôi?
- Ừ.
- Hay quá hén!
Khen xong một câu, nhỏ Thơm ngước mắt nhìn lên ngọn cây, nói tiếp:
- Còn nhà nữa!
- Nhà gì?
- Nhà cao tầng ấy! Ở chỗ anh có nhà hai mươi tầng mà?
- Ừ, có.
- Đứng trên cao nhìn xuống thấy người ta bé tẹo chứ gì?
- Ừ, bé tẹo.
- Thích quá hén?
- Ừ.
- Rồi còn...
Lần này không để cho nhỏ Thơm nói dứt câu, tôi cắt ngang:
- Thơm nè!
- Gì?
Tôi liếm mép:
- Mỗi lần Thơm đánh nhau với thằng Nhạn ấy mà...
Nghe tôi nhắc đến chuyện đó, nhỏ Thơm nhăn mặt:
- Đó là chuyện năm ngoái. Chuyện đó cũ rồi.
Tôi gãi đầu:
- Thì cũ. Nhưng mà tôi muốn hỏi, hồi đó, sau những lần như vậy, Thơm có dám đến chơi nhà dì Sáu không?
- Sao lại không dám! Thơm vẫn đến chơi tỉnh bơ ấy chứ!
- Đến chơi tỉnh bơ?
- Ừ.
Tôi cắn môi:
- Thằng Nhạn nó không gây sự với Thơm sao?
Thơm cười:
- Mắc chi gây sự! Đánh nhau là một chuyện, còn đến nhà chơi là chuyện khác, đâu có liên quan gì với nhau!
Tôi chớp mắt:
- Không có liên quan gì hết hả?
- Ừ, không có liên quan gì hết! Mà sao anh lại hỏi vậy?
Tôi bối rối:
- Tôi hỏi cho biết vậy thôi! Tại vì...
- Tại vì sao?
- Tại vì... tôi cũng nghĩ hai chuyện đó đâu có liên quan gì với nhau.
Nhỏ Thơm ngẩn người:
- Là sao? Anh nói gì Thơm không hiểu!
Vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ Thơm khiến tôi bật cười. Tôi vung tay:
- Tôi nói tôi còn không hiểu, làm sao Thơm hiểu được!
Chắc nhỏ Thơm tưởng tôi điên. Nó nhìn tôi đăm đăm:
- Dạo này anh lạ ghê! Hồi Thơm mới gặp anh, anh đâu có nói chuyện buồn cười như vậy!
Nhỏ Thơm nói đúng. Hồi tôi mới gặp nó, lòng tôi đâu có rối rắm như bây giờ. Kể từ ngày giáp mặt Út Thêm, đầu óc tôi bỗng đâm ra vẩn vơ quá đỗi. Nếu tôi thổ lộ tâm sự với nhỏ Thơm, hẳn nó sẽ hiểu tại sao tôi thay đổi làm vậy. Nhưng tôi không dám. Tôi sợ nó buồn. Tôi mến nhỏ Thơm, vì vậy tôi muốn nó lúc nào cũng vui. Chỉ cần nó quả quyết với tôi "đánh nhau và đến nhà chơi là hai chuyện khác nhau", thế là được rồi. Như vậy thì nó vui và tôi cũng vui. Trong chúng mình, chẳng có ai phải buồn cả, Thơm hén.

*

Tôi vượt qua cầu tre và hồi hộp đặt chân lên con đường nhỏ rợp bóng sầu đông dẫn về xóm Miễu.
Những trái sầu đông khô rụng đầy mặt đất. Nếu như bình thường, tôi sẽ vừa đi vừa đá những quả sầu đông lăn lông lốc để xem chúng biến mất sau vệ cỏ. Đó là trò chơi ưa thích của tôi. Nhưng bữa nay tôi chẳng hứng thú nghịch ngợm chút nào. Lòng tôi đang ngổn ngang những cảm xúc trái ngược nhau. Tôi đến thăm Út Thêm theo lời hứa ngày nào, mà sao bên cạnh nỗi hân hoan trái tim tôi cứ phập phòng thấp thỏm.
Con đường nhỏ dẫn tôi đến một trảng cỏ xanh ngút mắt. Trảng ngập cỏ may. Mới đi một quãng ngắn, hai ống quần tôi đã ghim đầy những cánh hoa tim tím li ti. Tôi chẳng buồn gỡ, cứ lầm lũi băng qua lối mòn, hướng về phía tàng phượng đang cháy lập lòe trước mắt. Trên đường đi, chốc chốc lại bắt gặp những bụi mắc cỡ đầy gai nằm cạnh những đóa mười giờ say ngủ. Những lúc ấy tôi không làm sao kềm được ý định khua chân vào một cây mắc cỡ để xem những chiếc lá ngại ngùng khép cánh và tự hỏi lát nữa đây tôi có sẽ e dè như thế hay không.
Căn nhà nhỏ của Út Thêm dần dần hiện ra trước mắt tôi. Hàng rào dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng bao quanh vườn không che nổi cây phượng già trước sân và bụi chuối sau hè. Tôi còn nhìn thấy cả lu nước mưa phía sau lẫn chiếc gáo múc nước làm bằng vỏ dừa úp trên cây cọc nhọn cạnh hàng đu đủ trĩu trái.
Đang bâng khuâng ngắm nghía, tôi bỗng giật nẩy người khi thấy một hòn đất từ sau hàng dâm bụt bay vù về phía tôi. Tôi vừa hấp tấp né qua một bên thì một hòn đất khác đã lao mạnh vào bụng tôi khiến tôi phải cúi gập người ôm bụng xuýt xoa.
Mặc dù trước khi đi, tôi đã lường trước mọi nguy cơ nhưng cú tấn công bất ngờ vừa rồi khiến tôi choáng váng. Tôi chưa kịp nghĩ ra cách đối phó thì một hòn đất nữa bắn ra. Lần này hòn đất lao ngay vào giữa mặt tôi. Tôi hốt hoảng ngồi thụp người xuống và la lên:
- Ai đó?
Thằng Dư nhô đầu lên khỏi hàng rào:
- Anh đi đâu đây?
- Tôi đi... chơi.
Dư quắc mắt:
- Đừng xạo! Anh đi do thám cho tụi thằng Nhạn phải không?
Tôi chép miệng:
- Tôi đâu có liên quan gì đến tụi thằng Nhạn.
Dư gầm lên:
- Lần trước anh bắn tôi bể đầu mà bảo không liên quan hả?
Không để tôi phân trần, vừa nói xong, Dư vung tay liền. Không kịp đề phòng, tôi lãnh ngay hòn đất vào ngực, loạng choạng thối lui năm, sáu bước. Mặc dù tức đến ói máu, tôi vẫn không dám đánh trả. Đây là lãnh địa của tụi xóm Miễu, tôi động thủ là tụi nó kéo tới làm thịt tôi liền. Hơn nữa, tôi liều lĩnh dẫn xác đến đây đâu phải để đánh nhau. Nhỏ Thơm đã quả quyết với tôi "đánh nhau và đến nhà chơi là hai chuyện không dính dáng gì với nhau". Nó là bà La Sát. Nó nói, tôi tin liền. Nào ngờ thằng Dư tấn công tôi phủ đầu khiến tôi phải liên tục nhảy nhót để tránh những hòn đất của nó.
Trong khi tôi đinh ninh sẽ nát xương trước trận phục thù của thằng Dư thì Út Thêm thình lình xuất hiện. Có lẽ những tiếng hò hét của thằng Dư đã làm Út Thêm chú ý. Vừa ló đầu ra khỏi cửa, thấy thằng Dư đang tấn công tôi tới tấp, Út Thêm hoảng hốt kêu to:
- Dư, em làm gì vậy? Có thôi ngay đi không?
Dư buông tay xuống. Nhưng mặt nó vẫn hầm hầm:
- Ai bảo hôm trước ảnh đánh em. Ảnh về hùa với tụi xóm ngoài.
Út Thêm nạt:
- Em lúc nào cũng ham đánh nhau! Chị méc mẹ bây giờ!
Dư nhìn tôi gườm gườm:
- Hôm nay ảnh còn đi do thám...
Tôi dở khóc dở cười:
- Đâu có! Hôm nay tôi đến đây là để... để...
Thấy tôi ngượng ngập, Út Thêm mỉm cười đỡ lời:
- Anh Chương đến thăm chị đó. Ảnh là bạn chị mà.
Dư hung hăng, nhưng biết nghe lời chị. Nghe Út Thêm nói vậy, nó bỏ đi liền, mặc dù nét mặt vẫn giữ vẻ lầm lì, bực bội.
Út Thêm quay sang tôi, giọng phân trần:
- Thằng Dư đánh nhau tối ngày! Út la hoài mà nó không chịu bỏ!
Út Thêm thừa biết tôi từng đánh nhau với thằng Dư. Nó cũng biết tôi là thủ phạm đã bắn bể đầu em nó. Nhưng nó tảng lờ. Nó coi tôi là người lớn. Điều đó khiến tôi vừa cảm kích lại vừa sượng sùng. Tôi chẳng biết nói gì, đành nhe răng cười gượng gạo.
Út Thêm gỡ bí cho tôi:
- Anh vô nhà chơi đi! Anh vô nhà, Út gọt đu đủ cho anh ăn!
Út Thêm giống hệt nhỏ Thơm. Nó làm như tôi lúc nào cũng đói bụng.
Bỏ tôi ngồi một mình trên phản, Út Thêm chạy ra sau hè. Lát sau, nó bưng một đĩa đu đủ vàng lườm đặt trước mặt tôi. Út Thêm không đãi tôi theo kiểu của thằng Nhạn. Nó gọt vỏ và cắt ra từng lát đàng hoàng.
- Anh ăn đi! - Thấy tôi ngồi im, Út Thêm giục.
- Út Thêm cũng ăn chứ?
- Út ăn hoài! Ngày nào cũng ăn, Út ngán lắm rồi!
Tôi nhón một miếng đu đủ, hỏi:
- Ba mẹ Út Thêm đâu?
- Ba Út mất hồi năm kia.
- Còn mẹ.
- Mẹ Út hả? Chắc mẹ Út chơi đâu nhà hàng xóm.
- Còn những người khác? Út Thêm đông anh em lắm mà!
Út Thêm cười:
- Các anh chị của Út lập gia đình và ra riêng hết rồi. Chỉ còn Út và thằng Dư ở với mẹ thôi.
Tới đây, hết đề tài, tôi bắt đầu cảm thấy lúng túng. Để đỡ ngượng ngập, tôi đảo mắt nhìn quanh. Không thấy thằng Dư đâu, tôi buột miệng hỏi:
- Dư đâu rồi?
- Nó nấu cơm dưới bếp.
Tôi ngạc nhiên:
- Con trai mà nấu cơm?
- Trai gái gì nấu cơm chẳng được! Bộ anh chưa bao giờ nấu cơm sao?
- Chưa! - Tôi thú thật - Ở nhà tôi, chỉ có mẹ tôi và mấy đứa em gái là lo chuyện nấu nướng thôi.
- Ở nhà Út thì khác! Khi nào Út bận thì thằng Dư làm bếp.
Tôi khịt mũi:
- Mẹ tôi bảo con trai mà chui vô bếp sẽ học không ra chữ. Út Thêm đừng cho thằng Dư nấu cơm nữa. Nấu cơm hoài, nó sẽ đứng bét lớp.
Út Thêm thở dài:
- Nó đâu có đi học mà lo!
- Út Thêm nói sao? - Tôi há hốc mồm - Cả thằng Dư cũng không đi học?
- Ừ, - Út Thêm nhìn xuống đất, khẽ đáp - Út còn học được hai năm rồi mới nghỉ, còn thằng Dư chẳng được đến lớp ngày nào.
Khi nói câu đó, Út Thêm có vẻ buồn. Buồn cho nó và buồn cho em nó. Số phận của những đứa trẻ ở thôn quê thường là như vậy. Không chỉ thư viện, rạp chiếu bóng và các quán kem, mà ngay cả trường lớp đối với một số đứa vẫn là một mơ ước xa vời. Tôi định lên tiếng an ủi Út Thêm nhưng nghĩ ngợi một hồi chẳng tìm ra câu nào thích hợp, đành tặc lưỡi làm thinh.
Ngoài sân, những cành phượng vẫn đỏ chói chang. Người ta gọi hoa phượng là hoa học trò. Nhưng với Út Thêm và Dư, lời ví von đó không đúng chút nào. Với chúng, mùa hè thật xa lạ. Đó chỉ là mùa nắng cháy trên những cánh đồng khô nẻ chân chim.

*

Ngày hôm sau tôi mượn xe đạp của anh Thoảng chạy lên chợ Bình Trung mua hai cuốn tập và một cây viết chì. Tôi không dám nhờ dì Sáu mua giùm, cũng không dám nhờ Nhạn và Dế, sợ bị tra hỏi lôi thôi.
Buổi chiều, tôi lẻn xuống xóm Miễu. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi dạy Út Thêm và thằng Dư học. Hôm qua, trước lúc ra về, tôi đã nói ý định đó với Út Thêm. Thoạt đầu Út Thêm tỏ vẻ ngần ngại. Nó bảo tôi và nó mới quen nhau, nó không dám làm phiền tôi. Tôi bảo chẳng có gì phiền hết, tại tôi thích thế. Nó lại bảo từ nhà dì Sáu đến xóm Miễu đường sá xa xôi, ngày nào tôi cũng đi, mỏi cẳng hết. Tôi liền quả quyết rằng tôi rất thích đi bộ. Để cho nó tin, tôi còn phịa là hồi ở thành phố, mỗi ngày tôi đi bộ cả chục cây số.
- Đi đâu xa vậy? - Út Thêm ngờ vực hỏi.
- Thì đi loanh quanh.
- Đi loanh quanh mà cả chục cây số?
- Ừ. Tại đi chỗ này chút, chỗ kia chút. Đi cả chục chỗ như vậy.
- Đi một mình hả?
- Không. Đi với bạn bè.
Tới đây, Út Thêm không thắc mắc nữa. Nó băn khoăn chuyện khác:
- Anh chỉ còn ở chơi hơn một tháng nữa, làm sao dạy Út học được?
- Sao lại không được? Tôi chỉ cần dạy cho Út Thêm và thằng Dư biết đọc thôi. Một khi biết chữ rồi, Út Thêm có thể đọc được bao nhiêu là thứ.
Viễn ảnh tôi vẽ ra hấp dẫn đến mức Út Thêm không nại ra bất cứ lý do gì để từ chối nữa. Và ngay lập tức nó đi báo tin cho thằng Dư. Tôi tưởng vì thù tôi, Dư sẽ phản đối. Hóa ra nó ham học cùng ngang với ham đánh nhau. Được đi học, đó là nỗi thèm khác bấy lâu của Dư. Sau này tôi dần dần hiểu ra sở dĩ tụi xóm Miễu thường đánh nhau với tụi xóm ngoài bởi vì chúng ghen tị với những đứa được học hành đàng hoàng như Nhạn, Dế và Thể. Nguyên nhân này sâu xa hơn việc giành nhau khúc suối nhỏ chia đôi hai xóm.
Khi tôi đến, Út Thêm và Dư đã ngồi sẵn vào bàn. Hôm nay, hai chị em ăn mặc tươm tất hơn ngày thường. Dư mặc chiếc áo ca rô đã không còn mới nhưng được ủi phẳng phiu. Ánh mắt nó nhìn tôi đã thôi hằn học. Thay vào đó là vẻ nhút nhát của một học trò đang ngồi khép nép trước mặt sư phụ. Út Thêm mặt bộ đồ vàng hoa mướp, mái tóc dài thắt thành hai cái bím lúc lắc trên vai, trông dễ thương hết sức.
Mẹ Út Thêm ngồi nhai trầu trên phản. Thấy tôi vào, bà khẽ mỉm cười:
- Chào cháu.
Tôi lễ phép:
- Chào bác ạ.
- Bác cảm ơn cháu nhiều lắm. Cháu dạy cho con Út và thằng Dư biết đọc biết viết cho bằng thiên hạ, ơn đó bác không bao giờ quên.
Chưa bao giờ được cảm ơn nồng nhiệt như thế, tôi đâm ra lúng túng:
- Dạ, dạ...
May cho tôi, mẹ Út htêm nói xong vài câu liền bỏ ra sau nhà. Có lẽ bà muốn cho thầy trò tôi được tự nhiên. Nhờ vậy, tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và trịnh trọng ngồi vào bàn trước ánh mắt hồi hộp của hai cô cậu học trò.
Út Thêm theo dõi vẻ mặt nghiêm trang của tôi một hồi rồi rụt rè hỏi:
- Bây giờ sao?
Tôi hắng giọng:
- Bắt đầu học chứ sao! Trước tiên, phải học hăm bốn con chữ cái trước. Sau đó học ráp vần.
Vừa nói, tôi vừa đẩy hai cuốn tập đến trước mặt Dư và Út Thêm:
- Đây! Mỗi người một cuốn tập!
- Tập đâu vậy? - Út Thêm tròn mắt.
- Mua chứ đâu!
Út Thêm kêu lên:
- Sao anh không dặn Út mua?
- Ai mua chẳng được!
Tôi cười đáp và không hiểu Út Thêm có hiểu ẩn ý đằng sau câu nói của tôi không.
Buổi học đầu tiên được bắt đầu bằng một câu đố bí hiểm như vậy, và sau đó được kết thúc bằng một mâm xôi đậu phộng do mẹ Út Thêm bưng đặt sẵn trên bàn khiến tôi không còn bụng dạ nào nhìn vào tập nữa.