hông còn sức để trượt, họ đành người nọ bám người kia lết đi trong tuyết. Có những lúc mệt quá, họ tưởng mình ngã gục, không sao đi được nữa. Tuy kiệt sức, nhưng Pivôvarốp không, rời Ivanôpxki, tay phải đỡ Ivanôpxki, tay trái kéo khẩu tiểu liên và khẩu súng trường, vai đeo balô. Ivanôpxki không đủ kiên nhẫn chịu đựng đau đớn, nhưng anh vẫn cắn răng lại, dựa vào Pivôvarốp lết đi... sao cho xa hơn nữa, xa hẳn cái xóm nhỏ đầy bất hạnh ấy.Càng về đêm, tuyết rơi càng nhiều, xung quanh một màu trắng đục, những đám bông tuyết bay quẩn lên làm cho bầu trời và mặt đất mù mịt như liền lại với nhau. Không thể nào ngẩng mặt lên được. Nhưng gió đã yếu hơn lúc chiều và dường như cứ thốc vào lưng họ. Họ lết đi từng bước, thỉnh thoảng phải dừng lại để thở, vết thương vẫn không cầm máu, Ivanôpxki buồn rầu im lặng, sức anh cứ yếu dần, anh hy vọng sẽ tìm được nơi ẩn nấp nào đó và có chết thì chết tại đó chứ đừng chết giữa chốn đồng không mông quạnh này. Anh không muốn chết chút nào, còn sống anh sẵn sàng chiến đấu với cái chết trong đêm nay, trong cả ngày mai, và mãi mãi phải sống để trở về với đồng đội.Chắc Pivôvarốp cũng nghĩ như thế, nhưng anh không nói gì với Ivanôpxki và vẫn rán sức - cái sức lực ít ỏi, kéo Ivanôpxki đi. Giá vào hoàn cảnh khác, chắc hẳn Ivanôpxki sẽ phải ngạc nhiên vì sao một chàng trai gầy gò, trong giá buốt mà vẫn làm được công việc nặng nhọc, nan giải như thế này. Nhưng giờ đây chính Ivanôpxki lại yếu hơn Pivôvarốp và hoàn toàn phụ thuộc, thậm chí phó thác cả cho Pivôvarốp. Ivanôpxki biết rằng nếu họ gục ngã và không sao đứng dậy được thì như thế sẽ chẳng còn gì nữa, con đường sống ở phía trước, ở phía sau cái chết đang chờ họ.Đến một quãng mương đầy tuyết, họ ngập ngừng dừng lại, một lần rồi hai, ba lần… Ra hiệu cho Ivanôpxki nằm im, Pivôvarốp căng mắt nhìn vào một vật gì đó ở phía trước. Ivanôpxki cũng không nhận ngay ra đấy là vật gì. Sau đó, quan sát kỹ xung quanh và nhìn mãi trong đêm dày đặc, họ bắt đầu phân biệt được những vệt tối mờ và phạm vi kích thước của chúng, nhưng khoảng cách từ chỗ họ đến đấy thì không sao xác định được. Có thể là bụi cây và bên cạnh, ở đằng xa là một tòa nhà nào đó và cũng có thể là cây cao, một cây sam mộc chẳng hạn. Những vật ấy làm cả hai người phải chú ý. Sau một phút nghỉ ngơi, Pivôvarốp khẽ động vào sườn Ivanôpxki, nói nhỏ:- Tôi bò lên quan sát xem sao...Ivanôpxki không trả lời, lúc này đối với anh, nói cũng khó nhọc lắm rồi, anh thở khò khè, chốc chốc lại khạc, nhổ xuống tuyết rồi lấy tay áo lau miệng, một vệt máu đen bầm thấm vào áo ẩm đầy tuyết.- Đấy, chắc là...Nằm trên tuyết, Ivanôpxki buồn rầu nghĩ: nếu cứ ộc máu ra thế này thì chả mấy chốc mà chết. Đầu anh ngoẹo sang một bên, trước mắt anh những ánh lửa đang nhảy múa. Nhưng anh vẫn tỉnh táo. Cái tỉnh táo ấy buộc anh phải đấu tranh cho chính mình, cho người chiến sĩ kia - người đang cứu sống anh lúc này. Anh ta vất vả lắm mới đứng dậy được, nhưng anh không thể quở trách anh ta, bởi vì, tại xóm nhỏ nọ cũng như trên cánh đồng, anh ta là một tấm gương đáng kính phục. Giờ đây, trước người chỉ huy, anh ta hoạt bát, tự tin, nhanh nhẹn hẳn lên. Với niềm tin tưởng, Ivanôpxki nghĩ rằng mình đã chọn được đúng người cộng sự.Ivanôpxki kiên nhẫn chờ đợi, một phút rồi mấy phút đã trôi qua Anh buồn bã lắng nghe cái tiếng rất lạ, rất đáng sợ trong bộ ngực bị đạn của mình.Chiếc ba lô của Pivôvarốp để bên cạnh. Ivanôpxki nghĩ rằng phải mở ba lô ra, vứt bớt những thứ không cần thiết nữa. Lúc này những thứ cần thiết đối với họ là súng, đạn, lựu đạn. Chai cháy có lẽ cũng chẳng cần đến nữa. Nhưng anh yếu quá rồi, thậm chí không còn đủ sức cởi ba lô, anh mệt mỏi gục đầu xuống tuyết. Khi cái bóng trăng trắng của Pivôvarốp từ trong đêm lặng lẽ xuất hiện, và Pivôvarôp sung sướng nói với anh, anh cũng không nhận ra được ngay:- Đồng chí trung úy, nhà, một ngôi nhà nhỏ, đồng chí hiểu chứ, không có người.Một ngôi nhà nhỏ, tốt quá. Ivanôpxki nghĩ và im lặng. Anh lấy hết sức để đứng dậy. Khoác ba lô lên vai. Pivôvarốp đỡ Ivanôpxki đứng dậy và họ lại lê bước đi về phía ngôi nhà nhỏ mờ mờ gần đấy.Đấy là ngôi nhà làm bằng gỗ vân sam đượm mùi khói. Pivôvarốp lấy chân đẩy cửa, cái cửa hẹp mở toang. Cúi đầu và lấy tay bám vào tường, Ivanôpxki mệt mỏi bước vào gian buồng tối tăm ám khói. Chẳng nhìn thấy gì, anh dùng tay sờ soạng khắp nơi: nền bếp lò nhẵn nhụi, chiếc chổi xể trên tường kêu loạt soạt. Pivôvarốp lại mở thêm một cửa nữa, trong buồng thay quần áo sặc mùi khói, mùi tro, mùi cành bạch dương cháy dở. Anh bước ra rồi lần mò trong bóng tối, khẽ gọi Ivanôpxki.- Lại đây đồng chí trung úy. Đây có một chiếc ghế dài. Tôi sẽ sửa soạn ngay...Ivanôpxki bám chặt lấy thành cửa, bước qua lần đến chiếc ghế. Anh thở nặng nhọc và nằm dài ra, hai chân đi ủng chạm vào tường.- Khép cửa lại.- Vâng, khép bây giờ. Ở đây có ít rơm. Để tôi lấy gối đầu cho anh...Ivanôpxki im lặng nhỏm đầu lên để Pivôvarôp đặt mấy nắm rơm vào, rồi nhắm nghiền hai mắt lại. Sau mấy phút anh không biết là mình đã ngủ say hay ngất đi, chỉ thấy mắt cay sè, đầu óc quay cuồng. Anh định trở mình nằm nghiêng, nhưng không đủ sức lật tấm thân nặng nề, rồi quên đi, và anh có cảm giác thực sự là mình đã ngất.Tỉnh lại hồi lâu, cảm thấy rất buồn bực và khát nước, nhưng anh không sao mở miệng ra được để đòi uống. Anh lấy hết sức mở mắt ra khi cảm thấy có tiếng động gì đó bên cạnh, bóng Pivôvarốp trăng trắng từ buồng tắm nhô ra, chiếc mũ trùm đầu trật ra sau gáy, tay cầm khẩu tiểu liên. Trong nhà tối mờ mờ, nhưng từ một cửa sổ nhỏ trên tường. ánh sáng của ngày đã chiếu vào, Ivanôpxki biết: trời sắp sáng. Nhưng có một cái gì đó đang thu hút Pivôvarốp. Khom lưng, Pivôvarốp khập khiễng đi đến bên cửa sổ rồi cẩn thận nhìn ra ngoài.Ivanôpxki toan trở mình nằm nghiêng, anh thở khò khè, thỉnh thoảng lại ho. Rời cửa sổ, Pivôvarôp quay về phía Ivanôpxki.- Đồng chí thấy thế nào, đồng chí trung úy?...- Không sao, không sao...Ivanôpxki chờ Pivôvarốp hỏi thêm một điều gì đó. Nhưng Pivôvarốp không hỏi thêm và lại quay về phía cửa sổ, khom mình trên đó rồi thì thầm:- Bọn Đức đang ở trong làng, phía đằng kia.- Làng nào?- Làng này. Ở ngôi nhà cuối cùng, đằng sau cây liễu. Bọn Đức đang kéo đi.- Xa không?- Khoảng chừng hai trăm bước.Chà! Hai trăm bước. Thế thì bọn Đức không thấy họ. Như vậy là họ đã gặp may khi mò vào ngôi nhà nhỏ này..Thực ra, lúc này hãy còn là đêm, nhưng ngày cũng đang bắt đầu rồi và ai có thể biết rằng họ sẽ ở đây được bao lâu.- Không sao. Đừng thò đầu ra ngoài.- Cửa tôi đã khép rồi - Tay chống xẻng, Pivôvarốp vừa nói, vừa hất đầu về phía cửa ra vào.- Được. Hết nước rồi chứ?- Còn - Pivôvarốp vui vẻ trả lời. - Nước ở trong vại. Tôi đã uống rồi. Chỉ tội lạnh như băng.- Cho tôi uống với, nhanh lên.Pivôvarốp vụng về cho Ivanôpxki uống bằng một hộp sắt tây, nước sóng ra ngoài, những chiếc lá bạch dương ướt sũng bám vào môi. Nước nặng mùi như nước vũng. Có lẽ, lúc uống, máu, dãi từ chỗ sưng tấy nào đó trong ngực Ivanôpxki theo đường mũi chảy vào hộp sắt.Uống xong, Ivanôpxki như minh mẫn hẳn lên, anh quay đầu nhìn xung quanh. Ngôi nhà hẹp như một cái hũm, thấp lè tè, từ tường đến trần ám khói đen kịt. Trong góc, cạnh cửa ra vào, trên mặt bếp lò có mấy hòn đá đen thui lăn lóc. Gần bếp lò có một thùng gỗ đựng nước. Mấy miếng giẻ rách vắt trên chiếc sào bẩn cạnh đấy. Rõ ràng, bọn Đức có thể đến đây bất cứ lúc nào và chúng sẽ tóm được hai người. Tại sao trước đây anh lại không nghĩ rằng ngôi nhà này rất gần xóm nhỏ, và trong ấy có thể có bọn Đức?- Cái gì ở đằng kia? - Ivanôpxki hỏi Pivôvarốp với giọng khàn khàn. Lúc này Pivôvarốp đứng ở chỗ thay quần áo gần kề cửa.- Hai thằng ra cổng... Chúng hút thuốc. Ồ! Chúng lại đi đâu đấy?- Bọn Đức?- Vâng.- Không sao. Hãy theo dõi xem chúng đi đâu. Chẳng dễ dàng gì mà bắt được ta.Dĩ nhiên, Ivanôpxki hiểu rõ những lời an ủi vô căn cứ của mình, nhưng anh còn có thể làm gì hơn thế nữa? Anh biết, nếu bọn Đức phát hiện ra các anh thì các anh sẽ đánh trả quyết liệt cho đến lúc hết đạn mới thôi, còn sau đó... Nhưng có thể bọn chúng chưa phát hiện ra? Cũng có thể bọn chúng kéo nhau ra khỏi xóm rồi đi đâu đấy? Lạ thật, nhưng lúc này hình như có cái gì đó rất mới hiện lên trong cảm giác của anh, cái đó hầu như rất xa lạ với bản tính anh, cái đó cũng chẳng phải là sự bình tĩnh vốn có của anh khi gần bọn Đức... Hình như anh không còn vội vàng, hăm hở, sốt ruột trong ngày cuối cùng này nữa. Tất cả những cái đó đã biến đâu mất. Có lẽ chúng vơi dần với sức lực của anh! Giò đây, anh gắng suy nghĩ, cân nhắc cho thật chính xác để hành động đúng đắn. Vì rằng, trong những giò phút cuối cùng thường dễ mắc sai sót. Và điều đầu tiên anh hiểu rất rõ là: phải chờ đợi, kiên trì chờ đợi.Giữa ban ngày, ban mặt trên cánh đồng mênh mông tuyết phủ, ở cuối xóm nhỏ này, không thể làm điều gì khác ngoài việc giữ gìn, hồi phục sức lực để khi màn đêm buông xuống sẽ tìm cách tự giải thoát. Nhưng chờ đợi cũng cần phải có sức lực, phải làm sao để tư tưởng không chao đảo và giữ vững được ý chí. Điều này chẳng dễ dàng gì, thậm chí cũng khó khăn với ngay cả Pivôvarôp. Trong cái “bẫy” của bọn Đức, thật khó mà giữ được bình tĩnh - Ivanôpxki vừa nghĩ, vừa theo dõi xem Pivôvarốp di động trong ngôi nhà chật hẹp này ra sao. Lúc thì Pivôvarốp đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, lúc lại vào phòng thay quần áo cạnh buồng tắm có nhiều kẽ hở để quan sát... Mỗi lần nhìn theo anh chiến sĩ - trông anh ta có vẻ sợ sệt, Ivanôpxki lại nghĩ: Chắc chúng đến! Nhưng có lẽ để người chỉ huy và cho cả mình yên tâm, chốc chốic Pivôvarốp lại lẩm bẩm:- Có một người đi lại phía đường mòn... hình như đi ra giếng. Ờ, ờ. Đúng. Có lẽ là một phụ nữ, tay xách xô...Một phút nữa trôi qua. Pivôvarốp lại thì thào:- Ờ, ờ. Lại đi tiếp. Không. Đứng lại rồi! Ôi! Lại đi...- Đi đâu?- Quỉ mới biết được! Hình như chúng nấp sau nhà chứa củi.- Không sao, đừng lo. Chúng không đi lại đây đâu.Ivanôpxki không bảo Pivôvarốp đưa tiểu liên cho mình, anh nghĩ: nếu bọn Đức đến thì Pivôvarốp sẽ sử dụng tốt hơn anh, còn anh thì đã có lựu đạn. Lúc này anh phải có lựu đạn. Anh tháo lựu đạn ở thắt lưng ra, để ở cạnh ghế đang nằm. Khẩu súng trương dựa vào tường ở phía đầu ghế. Đâu vào đấy thôi, anh nghĩ, phải kiên nhẫn chờ đợi.- Vào rồi - Vừa rời khỏi cửa sổ, Pivôvarốp vừa nói. Đúng thế. Chúng ta....Ivanôpxki biết là Pivôvarốp sẽ không nói hết câu nên anh hỏi ngay:- Muốn sống chứ?- Sống? - Pivôvarốp thở dài và ngạc nhiên hỏi lại. - Không đến nỗi tồi lắm. Nhưng...Chính là ở chữ “NHƯNG”. Chữ “NHƯNG” đã ác độc chắn ngang cuộc đời tươi trẻ của họ, và không thể bỏ qua nó. Vào một buổi sáng chủ nhật đáng ghi nhớ, chữ “NHƯNG” ấy đã lạnh lùng chia thế giới ra làm hai. Ở một nửa này cuộc sống đơn giản, tầm thường nhưng lại sung sướng biết bao đối với con người. Còn ở nửa kia là cái chết khủng khiếp, non yểu hàng ngày. Với chữ “NHƯNG” ấy tất cả đã bắt đầu và sau đó thì không diễn ra nữa, nhưng trong những cảnh ngộ éo le tiếp theo thì tất cả lại gặp phải chữ “NHƯNG” bất hạnh và không thể nào thay đổi được này. Muốn tránh nó, muốn vượt qua đoạn “đường chết”, muốn sống tiếp... Dĩ nhiên, phải chiến thắng thì mới thoát chết, nhưng quý hồ phải sống thì mói có thể chiến đấu và chiến thắng được, cuộc chiến tranh xô đẩy con người vào vòng luẩn quẩn chém giết và không phải chỉ chém giết một ngươi mà nhiều người. Chém giết càng nhiều càng tốt. Điều đó trở thành lẽ sinh tồn của mọi người. Muốn sống phải tiêu diệt quân thù - rõ ràng trong chiến tranh không có con đường nào khác.Còn nếu cũng như lúc này, anh không bị quân thù sát hại thì sẽ ra sao? Âu cũng là anh vừa mới giết mình, còn nếu là một chiến sĩ thì anh là chiến sĩ tồi. Mặc dầu anh vẫn cổ vũ anh, cổ vũ Pivôvarốp, vẫn cố gắng hết sức mình. Nhưng anh không thể nào không nhận thấy rằng: với một viên đạn trong ngực, anh không còn là một chiến binh nữa.Không còn là một chiến binh nữa thì có nên lặng lẽ chết đi trong ngôi nhà này không?Không! Không thể được! Còn sống giây phút nào, anh không cho phép mình hành động như thế.Anh sợ cả ý nghĩ vừa rồi của mình và bừng tỉnh sau môt phút hoang mang. Phải có một quyết định gì đó và nên quyết định ngay không được chậm trễ, nếu không sẽ chẳng còn kịp nữa.Chìm đắm trong những ý nghĩ nóng bỏng ấy, anh dằn vặt, lựa chọn hồi lâu mọi khả năng tự cứu mình, nhưng không sao lựa chọn được. Thế là sự hững hờ, lạnh nhạt ập đến, trí lực giãn ra, anh đành cam chịu, sẵn sàng chờ đợi đêm về.Cái xóm nhỏ đáng nguyền rủa kia - anh cay đắng, bực dọc nhắc đi, nhắc lại - chính nó đã làm anh khốn khổ. Lẽ ra không nên có cuộc chạm trán không cân sức với vị trí bí hiểm ấy, nơi đã bật ra tiếng thét của tên lính Đức, rồi xảy ra bắn nhau và anh bị một viên đạn vào ngực...Nhưng dù sao cũng có một cái gì ở đó. Rõ ràng sự im ắng và vẻ bí mật ấy có được và lại được canh phòng nghiêm ngặt, chính là do một bộ chỉ huy quyền lực cấp cao nào ở đây. Lại có cả ăng ten nữa... Có lẽ đấy là một cơ quan lớn,cũng có thể, thậm chí là bộ chỉ huy quân đoàn, trong hậu phương xa xôi thê này thì không thể có ban chỉ huy một đơn vị nhỏ được. Cho chúng một vố có lẽ đúng lúc quá. Nhưng làm thế nào để cho chúng một vố!? Lúc này máy bay không bay được, khi nào thời tiết tốt thì máy bay sẽ tìm thấy và chắc sẽ triệt phá.Như vậy, lúc đầu anh không gặp may, nhưng cuối cùng lại gặp may. Nếu không bị thương thì chắc chắn anh đã cho chúng một vố rồi - anh nghĩ. Có thể anh tổ chức phục kích bắt một cái “lưỡi”. Nhưng lúc này thì làm sao mà bắt được? Có thể chính anh lại bị chúng bắt và anh lại làm “lưỡi” cho chúng. Tuy thế, anh vẫn sống, còn có lựu đạn đủ cho cả hai người, cho cả ngôi nhà này và không để cho chúng bắt. Rõ ràng lúc này lựu đạn là niềm hy vọng của anh.Nhưng thời gian vẫn cứ trôi, cũng chẳng ai làm cho họ phải lo sợ trong ngôi nhà trú ẩn chật hẹp, tối tăm ám khói và ở tận cuối làng này. Pivôvarốp đứng yên ở khoảng giữa hai bức tường, thỉnh thoảng lại nói cho Ivanôpxki biết những gì đã xảy ra ở bên ngoài mà anh quan sát được qua kẽ cửa. Thê rồi bỗng dưng anh im lặng, dường như không có gì đặc biệt xảy ra. Thấy thế, Ivanôpxki khẽ hỏi:- Cậu còn mẹ chứ?Có lẽ đối với họ lúc này đấy là một câu hỏi lạ lùng, nên Pivôvarốp không hiểu được.- Anh hỏi gì kia?- Còn mẹ chứ?- Còn, tất nhiên là còn.- Thế bố?- Không còn.- Chết rồi à?- Vâng. - Pivôvarốp ấp úng trả lời. - Tôi sông với mẹ. Nếu bà biết được chúng mình sống ở đây như thế này chắc bà kinh khủng lắm!- Mẹ tốt chứ?- Vâng. - Anh chiến sĩ trả lời nhát gừng. - Mẹ tôi chỉ có mình tôi. Bà dành cho tôi tất cả!- Thế quê cậu ở đâu?- Quê tôi ấy à? Ở ngoại ô Pơxcôp, thị trấn Pakhốp. Anh đã nghe thấy tên thị trấn ấy bao giờ chưa? Hai mẹ con tôi ở đấy. Mẹ tôi là giáo viên.- Chắc mẹ cậu yêu cậu lắm nhỉ?- Vâng. Còn hơn thế nữa! Lúc nào bà cũng tất tả, cũng lo lắng. Thấy tôi đùa nghịch với lũ trẻ, bà không yên tâm; không ăn sáng: bà khổ sở, còn nếu tôi ốm thì ôi thôi, khỏi phải nói nữa, bác sĩ nào cũng bị gõ cửa, sau đó thì uống thuốc hàng tuần. Lúc bấy giờ thì nực cười thật đấy..., còn bây giờ thì...- Bây giờ thì không có gì gọi là nực cười, Trung úy thở dài.- Mẹ còn quý hơn vàng. Mẹ tôi chỉ có mình tôi và tôi cũng chỉ có mình mẹ tôi thôi. Ở đấy, hai mẹ con tôi không còn ai thân thuộc nữa. Mẹ tôi từ Lêningrat tới. Trước cách mạng bà sống ở Pêtécbua. Bà kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện về thành phố kỳ diệu ấy!... Còn tôi thì chưa đến đấy lần nào. Mấy lần đã chuẩn bị xong xuôi để đi nhưng rồi lại thôi. Bây giờ thì đành phải chờ sau chiến tranh vậy thôi.- Sau chiến tranh, tất nhiên rồi.- Tôi ấy à? Anh biết đấy, chắc không bao giờ. Tôi cũng chẳng mong nữa, vì chắc gì đã sống, nhưng biết làm sao! Chỉ thương cho mẹ!Thương cho mẹ! Ivanôpxki im lặng đồng ý, nhưng có lẽ cũng phải thương cho bố nữa chứ. Thậm chí, ông bố ấy có đến nỗi như bố anh - người cựu chiến binh Ivanôpxki - thì cũng cứ phải thương. Bố anh - một người không lấy gì làm hiền lành và thông minh cho lắm, một người thích bắt chuyện với những người nông dân khi chè chén trong ngày lễ, đôi khi cũng cảm thấy bất hạnh không thành đạt trong cuộc đời. Quả thật, mọi người đều có vợ, những người vợ lo liệu việc ăn uống, cuộc sống hàng ngày trong gia đình. Việc lo liệu có thể ở mức độ khác nhau, nhưng rất thủy chung với chồng mình. Còn bố con anh - nhiều lần Ivanôpxki nhớ lại - bao giờ cũng sống trong gian buồng nhỏ ở góc khu nhà riêng, bữa ăn thường chỉ có một miếng mỡ lợn, một bát canh bắp cải, hai bố con hai chiếc thìa nhôm. Ivanôpxki ít khi nhố đến mẹ mình và hầu như chưa khi nào hỏi bố về mẹ. Cậu bé biết: hễ nói chuyện về mẹ thì bao giờ bố cậu cũng không cầm được nước mắt. Hình ảnh của mẹ gắn liền với bi kịch gia đình. Bố và cậu cũng không sao biết được mẹ cậu vẫn còn sống hay là đã chết. Vả lại, sau đó, cậu được nhiều người cho biết: chính bố cậu cũng không biết gì hơn cậu về mẹ cậu.Về bố cậu, những người thân của cậu cũng tùy thuộc vào mối quan hệ với cậu mà có cách nói khác nhau, nhưng tất cả đều tỏ ý với cậu rằng: cậu có người bố yêu con hết mực và lúc nào cũng mong muốn con mình là người tốt, sung sướng về tương lai binh nghiệp của con mình. Và ông đã sống rất yên tâm. Ivanôpxki nhận được bức thư cuối cùng của bố ở trường trung học trước khi nghỉ hè vào đầu tháng sáu. Lúc ấy bố cậu đang ở Bêlôxtốc, phục vụ tại một đồn biên phòng, còn Ivanôpxki thì nhận được giấy gọi về trường quân sự Grôtnơ và được nhận vào học ở khoa chỉ huy. Cả hai bố con đều nghĩ: chẳng bao lâu nữa bố con sẽ gặp nhau. Thậm chí Ivanôpxki cũng không viết thư trả lời bố, rồi sau đó anh chẳng còn biết bố ở đâu nữa. Ông còn hay đã mất, không một ai có thể nói cho anh biết và cũng chẳng biết hỏi ai bây giò. Rõ ràng hy vọng được sống với bố đã vĩnh viễn kết thúc, và ngay cái hy vọng được gặp bố cũng là điều hết sức mỏng manh.Với Ianinca cũng tương tự như thế! Nhưng cuộc chia tay đau lòng với người con gái ấy còn khó khăn hơn nhiều. Đúng là sau đó, trong chiến đấu, trong cảnh rút lui hỗn loạn, đẫm máu ở mặt trận, anh muốn quên Ianinca đi để rồi bỗng dưng khi dừng lại ngủ đêm ở đâu đó và trong phút im lặng trước trận đánh, anh lại nhớ đến cô với nỗi nhớ đau đáu trong tim. Anh không hề hé răng với ai về mối tình đầu, và có lẽ cũng là mối tình duy nhất ngắn ngủi này. Vì anh cảm thấy nói với người khác chuyện ấy thật là khó. Thử hỏi trong chiến tranh, đã có ai chưa từng sống, chưa từng buồn đau trước những cuộc chia tay với người yêu, với mẹ, với vợ, hoặc con cái mình... Những cuộc chia ly day dứt, làm nhức nhối con tim mà không một ai có thể làm gì để giảm bớt nỗi đau ấy.Hình như anh lại thiếp đi, khi tỉnh dậy thì ngôi nhà đã chìm trong bóng hoàng hôn. Anh chẳng buồn xem đồng hồ nữa. Lúc này thời gian đối với anh đã mất ý nghĩa ban đầu của nó, thể trạng anh hình như mỗi lúc càng xấu đi. Anh thở yếu ớt. Cái lạnh ban sáng bây giờ thay bằng cái nóng hâm hấp. Tỉnh dậy anh đưa mắt dò xét khắp ngôi nhà và thấy Pivôvarốp đưa mắt dò xét khắp ngôi nhà và thấy Pivôvarổp ngồi trên chiếc thùng gỗ úp sấp bên cạnh cửa sổ, đang nhấm nháp miếng bít cốt. Kính cửa sổ mò đi vì hơi thở. Pivôvarốp lấy tay áo lau lau rồi lại nhìn ra ngoài.- Cái gì ở ngoài ấy? - Chớp chớp mắt, Ivanôpxki hỏi.- Vẫn thế. Chúng chưa rút hết. Quân súc sinh.Chưa rút hết, có nghĩa là họ không thể vào làng được. Nhưng đi đâu bây giờ, ngoài làng ra họ còn có thể đi đâu được nữa? Ở ngoài đồng còn tồi tệ hơn trong ngôi nhà này, giá lạnh sẽ làm họ chết cóng mất. Ở đây vị tất đã tốt hơn.Khỉ thật, phải cần đến bộ trượt tuyết, thế mà họ đã vứt chúng đi trong xóm nhỏ ấy lúc gần sáng. Mặc dầu dưới luồng đạn, bộ trượt tuyết là không lợi cho họ, nhưng lúc này không có chúng thì họ không thể đi đâu khỏi ngôi nhà này được.Tất nhiên, đối với anh thì thế nào cũng được, riêng anh, có chúng lúc này cũng chẳng thuận lợi hơn chút nào. Nhưng Pivôvarốp thì khác, chúng rất cần cho anh ta. Không có chúng, Pivôvarốp không trở về căn cứ được, bọn Đức sẽ tóm được anh ta ngay ở kilômét đầu tiên trên đường về.- Pivôvarốp! Theo cậu, từ đây đến xóm độ bao xa?- Xóm nào?- Xóm nhỏ đêm qua ấy.- Có lẽ chừng hai kilômét.Sao cậu ta thấy gần thế nhỉ? - anh nghĩ. Còn anh, anh có cảm giác là đã đi khỏi xóm nhỏ ấy đến năm kilômét chứ không thể ít hơn. Vả lại, đối với anh, đơn vị đo khoảng cách và thời gian lúc này đã mất hết ý nghĩa và độ chính xác của chúng rồi. Mỗi mét của chặng đường, mỗi phút của cuộc sống đã bị nỗi giày vò dằn vặt và đau đớn của anh làm cho sai lệch đi. Có lẽ Pivôvarôp đoán được ý nghĩ của anh.- Nên thế nào đồng chí trung úy? - Pivôvarốp hỏi.- Phải đi tìm thanh trượt, khi nào đêm xuống. Có thể bọn Đức không tóm được đâu.Pivôvarốp im lặng một phút, anh nhẩm tính điều gì đó, sau đấy anh trả lời trong hơi thở đài:- Khi trời tối tôi sẽ đi.- Đúng. Nên thế. Cậu có biết…- Nhưng. Chỉ có điều... Anh ở đây ra sao...- Đành vậy. Tôi sẽ chờ.Trời còn chưa tổỉ hẳn nhưng Pivôvarốp đã đứng dậy và vội vã chuẩn bị lên đường. Trước hết, anh tháo ủng ra và quấn lại xà cạp; sau đó lấy hai miếng bít cốt trong ba lô đút vào túi áo; xong xuôi, anh đặt ba lô bên cạnh Ivanôpxki.- Còn cái này... Mang theo tiểu liên chứ, được không? - Ivanôpxki nói.- Vâng, tôi sẽ mang.- Có tiểu liên, cậu biết đấy... Tin tưởng hơn chứ! - Ivanôpxki nhìn Pivôvarốp từ đầu đến chân. Còn Pivôvarốp thì phấn khởi ra mặt. Ở mặt trận, có người chiến sĩ nào không ao ước có được một khẩu tiểu liên. Loại tiểu liên này mới xuất hiện, bộ binh hầu như chỉ được trang bị súng trường.Ivanôpxki cũng mói nhận khẩu tiểu liên ấy trước khi lên đường, đồng chí thiếu tướng đẫy đà đã ra lệnh cho sĩ quan tùy tùng của mình trao cho anh. Tất nhiên, lúc này, trong hoàn cảnh của anh, nếu vũ khí không phải là quyết định hết thẩy thì cũng quyết định rất nhiều.- Còn khẩu súng trường tôi sẽ để lại đây cho anh. Anh sẽ dùng nó trong trường hợp cần thiết.Ivanôpxki không nói gì, Pivôvarôp tháo hai bao đạn ở thắt lưng mình ra rồi đặt xuống nền nhà, bên cạnh ghế.- Súng rất tốt, bắn chính xác lắm. Chuẩn úy đã chỉnh lại rồi.Ivanôpxki lơ đễnh nghe Pivôvarốp nói. Anh nghĩ rằng khẩu súng trường, mấy băng đạn, quả lựu đạn chống tăng và hai chai cháy có thể thế là đủ rồi. May ra, Pivôvarốp sẽ tìm thấy thanh trượt mang về, rồi cả hai sẽ tìm cách giải quyết. Còn nếu không, anh cũng sẽ trụ lại đến cùng.Pivôvarốp quấn lại chiếc xà cạp khác, thít chặt bao da và phấn khởi khoác khẩu tiểu liên lên vai. Anh như người sẵn sàng đi làm nhiệm vụ ở ngay đâu đây, nhưng ai biết được, chắc gì con đường ấy đã không nguy hiểm.- Ở đằng ấy có mấy thứ? Năm à? Độ một giờ sau là tôi về thôi, cũng chẳng xa lắm...Pivôvarôp trở về đúng hẹn và họ lại cùng nhau sống với những giờ phút căng thẳng. Lần chia tay thứ hai này, Ivanôpxki cảm thấy không nặng nề bằng lần trước mặc dù giờ đây anh phải ở lại một mình và cũng không dễ dàng quen với hoàn cảnh ấy. Nỗi đơn độc sẽ làm anh mau chóng kiệt sức. Cái lôgích kỳ lạ thực sự đã đến với anh: khi bị chia làm hai thì mỗi nửa riêng rẽ ấy sẽ không mạnh bằng khi còn là một; cũng vậy trong những trường hợp khác, khi hai được tập hợp thành một thì sức mạnh tăng lên không phải gấp đôi mà còn hơn thế nữa. Có lẽ, chỉ trong chiến tranh, lôgích ấy mới dễ được chấp nhận. Theo kinh nghiệm bản thân, Ivanôpxki thấy rõ điều ấy.Pivôvarôp đã chuẩn bị xong, nhưng không rõ sao còn dùng dằng, không dứt ngay đi được. Chắc hẳn còn điều gì phân vân trong lần chia tay này. Ivanôpxki đã đoán ra. Pivôvarôp vẫn có thể trở lại trinh sát xóm nhỏ bí ẩn kia, cố tìm hiểu xem có những gì trong cái cơ quan tham mưu ấy có thể thay cho căn cứ đáng tiếc bỗng dưng biến mất kia. Và như vậy, anh mới khỏi tay không trở về báo cáo với đồng chí chỉ huy đã giao nhiệm vụ cho mình. Nhưng anh biết trước rằng chỉ một sơ suất nhỏ của Pivôvarốp cũng có thể dẫn đến thảm hại và không bao giờ còn có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao để trở về với đồng đội nữa.- Tôi đi nhé, đồng chí trung úy - quay ra cửa, Pivôvarốp nói với vẻ dứt khoát, Ivanôpxki bình thản đáp lại:- Ừ, đi thôi. Cậu biết đấy... Mình chưa kịp... Cậu hãy quan sát kỹ. Nhưng, như cậu cũng thấy đấy..., cái gì trong xóm nhỏ ấy? Hình như là một cơ quan tham mưu thì phải...Ivanôpxki ngừng lại rồi im bặt. Pivôvarốp hồi hộp chờ đợi, nhưng không thấy Ivanôpxki nói gì thêm, anh bình thản trả lời:- Vâng. Tôi sẽ cố thử xem.Một cái gì đó bỗng dưng dâng lên trong ngực Ivanôpxki. “Tôi sẽ cố thử xem” - thế là thế nào. Ở đấy cần phải hết sức khôn khéo, bình tĩnh, ngoan cường, nhưng cái đó vượt ra ngoài sự mạo hiểm. Nhưng anh không thể giải thích cho Pivôvarôp hiểu cái gì đã ngăn anh lại không cho anh nói đến điều khủng khiếp, mặc dù trong chiến tranh đó là chuyện bình thường, và chính nó cũng giúp anh kìm được nỗi đau đớn của mình. Anh thở dài:- Phải hết sức thận trọng!...- Vâng. Anh đừng lo. Tôi sẽ hết sức bí mật.- Ừ. Và phải nhanh chóng...- Vâng. Đây là nước uống dành cho anh, - Pivôvarôp vục hộp sắt tây vào thùng gỗ đựng nước rồi đặt cạnh đầu giường. - Để khi nào anh muốn uống.Mệt mỏi vì câu chuyện khó nói, Ivanôpxki nhắm mắt lại lắng nghe tiếng chân của Pivôvarôp bước vào phòng thay quần áo bên cạnh nhà tắm, một lát sau anh chiến sĩ thận trọng mở rộng cánh cửa bước ra ngoài rồi sập khít cửa lại, Ivanôpxki còn nghe rõ tiếng bước chân của Pivôvarốp xa dần sau nhà tắm rồi tắt hẳn, và dường như một niềm hy vọng nào đó cũng đã ròi bỏ anh, đối với anh niềm hy vọng đó vĩnh viễn không bao giờ trở lại trong khi cái mới chưa bắt đầu. Anh kiên nhẫn chờ đợi, sự chờ đợi nặng nề, anh nghe ngóng từng tiếng gió xào xạc trên mái nhà, và mỗi một tiếng động xa tít tận trong làng vọng tới. Anh sống trong tâm trạng dè dặt, lo âu của những thanh âm mà đôi khi chúng át đi cơn ho của anh và cả tiếng thở khò khè trầm đục trong ngực.Nhưng do quá mệt nhọc, dần dần tai anh bắt đầu nghe không rõ nữa, xung quanh đều yên tĩnh, và những ý nghĩ kỳ quặc lan man không theo trình tự gì tràn ngập trong tâm trí anh. Hình như anh đã thiu thiu ngủ, và giữa những ảo ảnh chập chờn nửa mê, nửa tỉnh, một cái gì đó bập bềnh tựa như có thật cứ xen lẫn nhau: thời xa xưa của anh, nỗi lo lắng và cả sự giày vò êm dịu của anh đang cùng lúc hiện về.