Chương 1

     ão Đối chất thêm một nhánh củi khô nữa vào bếp. Ngọn lửa cháy hồng lên. Tiếng nổ lép bép làm bắn tung tóe những chấm sáng đỏ rực. Nồi thịt bắt đầu reo. Lão mở vung ra lấy đũa khuấy đều. Những miếng thịt kỳ nhông trắng nõn hiện ra thấp thoáng dưới ánh lửa. Mùi nước mắm chín bốc lên ngạt ngào. Lão hít thật mạnh cho cái hương vị mặn mặn ấy thấm vào thớ phổi rồi lão đậy vung lại và đưa đôi đũa lên mồm mút chùn chụt. Xong xuôi lão ngồi thu mình im lặng trong xó tối. Bầu trời bên ngoài đen như mực. Qua khung cửa bếp, thỉnh thoảng lại có một tia chớp lòe lên soi sáng trong nháy mắt dãy núi mù mịt ở đằng xa.
Trên mái lá, trận mưa hồi chiều còn làm sũng nước trong những ống nứa ẩm mục. Từng giọt nước nhỏ xuống mặt thềm tạo thành những tiếng tí tách đều đặn. Ngoài bãi cỏ, tiếng ếch gọi mưa ì-ộp suốt từ buổi chiều không dứt. Trên từng cao mù mịt, thỉnh thoảng lại có tiếng động cơ máy bay ở độ rất cao nặng nề đi qua. Rồi chỉ một lát sau, từng loạt bom trút xuống tạo thành những âm thanh ầm ì từ rất xa vẳng lại. Mặt trận Phú Sơn đã mở từ hai tuần nay. Ngoài quốc lộ số 1 chẳng ngày nào là không có những đoàn xe di chuyển qua cầu chợ Lùng. Đứng ở ấp Vĩnh Hựu nhìn ra, chỉ cách lộ có hơn ba trăm thước, lão Đối quan sát thấy chẳng xe nào là không đầy nhóc lính Biệt kích, Nhảy dù, Thủy quân lục chiến. Kỳ này lão còn thấy chở đi cả trọng pháo 81 ly. Những khẩu súng nặng nề lăn theo những chiếc xe mười hai bánh chuyển động rầm rầm và nghiến cót két trên mặt cầu. Mùa mưa bắt đầu rồi. Đánh lớn ở mọi chỗ rồi. Nước mưa đổ xuống từ trên nguồn làm mực nước ở chân cầu chợ Lùng dềnh lên cao, chan hòa lên những bờ cỏ, những hầm hố, công sự. Lớp dây thép gai bao bọc chằng chịt thành một vị trí phòng thủ quanh chân cầu cũng bị nước phủ kín. Lão Đối nghĩ bụng chắc cấp này lính cơ hữu trong đồn Phi Mã rút cả lên mặt đường mà nằm gác cầu.
Đồn Phi Mã ở cách cây cầu chợ Lùng hơn hai cây số, nằm bên lề quốc lộ số 1. Đứng ở ấp Vĩnh Hựu nhìn qua, khu đồn trông như một trại nghỉ mát với những hàng phi lao cao vút. Tháp canh sừng sững vươn lên qua khỏi những dãy nhà mái ngói mầu rêu xám. Kế cận nơi đó là nhà máy phát điện. Về đêm tiếng máy chạy ầm ì vẳng lại, kéo dài từ chập tối đến đúng mười hai giờ khuya. Trong khoảng thời gian ấy, đồn Phi Mã tỏa ra một vùng ánh sáng mầu vàng úa hắt lên những chòm cây phủ sương đêm mờ mịt. Thỉnh thoảng cái ánh sáng yếu đuối ấy lại bị át đi bằng những quả hỏa châu bắn lên, soi sáng rực cả bầu trời. Một đôi lúc, vài binh sĩ nằm trong những pháo đài quanh đồn lại nổ những tràng đại liên, trung liên vào những mục tiêu vu vơ ở lên kia bờ suối, chỗ cỏ lau và sậy mọc rậm rì. Tiếng nổ xé tan bầu không khí tĩnh mịch rồi vọng đi thật xa, tạo thành những tiếng cùng cục nghe như những âm thanh tấm tức nghẹn ngào muốn vùng vẫy mà bị chẹn ngẵng lại. Tuy vậy, từ ngày thành lập đồn Phi Mã, ở đó chưa xảy ra trận đánh lớn nào. Lực lượng VC quanh quẩn trong mấy ấp gần đó chẳng lên quá một trung đội. Điều này lão Đối biết rõ nhất bởi vì thằng Đực, con trai độc nhất của lão, đã bỏ gia đình mà xung vào đội du kích xã. Hồi nó mới ra khu lão đã chửi nó:
- Mầy theo ai thì mặc cha mầy. Mà điều đi theo bên đây thì còn có đôi giầy, cái áo mà bận. Chớ mầy qua bên đó, chết trần chết truồng ai thương?
Đực nghe bố nói chỉ im lặng một cách lầm lì. Không phải nó không muốn cãi lại. Nhưng nó cãi không được. Những mớ lý thuyết hồi nó học ở ngoài khu, lúc nghe thì thấy vô lỗ tai dễ dàng mà khi nhắc lại thì thật là khó. Chẳng phải ai cũng có tài ăn nói như Huấn, như Niên, như Hồng, những máy phát thanh chỉ cần thở ra là đã có mùi vị lý thuyết chính trị cao xa rồi.

*

Cây củi mục cháy gần tới gốc thì nồi thịt kỳ nhông cũng bắt đầu sôi. Ánh lửa héo úa thu nhỏ lại dần dần, nhưng trong lòng bếp, những thỏi than hồng vẫn còn đỏ rực. Lão Đối uể oải bước ra đầu hè. Trời tối đen như mực. Ngọn đèn leo lét ở bên nhà mụ Vênh cũng đã tắt đi rồi. Tiếng đàn bà trẻ con lao xao ở quanh đó từ chập tối, bây giờ cũng yên hẳn. Ấp Vĩnh Hựu về đêm không khác một vùng đất chết. Không có tiếng võng đưa, không có tiếng trẻ khóc, cũng không có cả tiếng ru ời-ợi như ngày nào. Vào giờ này, đèn đóm trong mọi nhà đều tắt hết. Các cổng ngõ đều đóng kín với mấy lần then cài. Mọi người đều như muốn thu nhỏ lại trong cái thời khắc nặng nề, đen tối về đêm. Bởi vì chẳng đêm nào lại không có tiếng súng nổ chát chúa trong đêm khuya tĩnh mịch. Không ở đồn Phi Mã thì ở cầu chợ Lùng. Những ngọn hỏa châu bay vọt lên mãi từng không, chiếu từng chùm ánh sáng tỏa ra khắp các bờ cây, bụi cỏ, le lói xuyên qua những tấm cửa liếp xộc xệch, in một màu vàng chết chóc lên những tấm đình màn cũ kỹ.Trong đêm tối, những viên đạn lửa đan xéo vào nhau đỏ rừng rực như những ánh ma trơi chuyển vận qua bầu trời tối đen như mực. Nhưng giây phút náo nhiệt đó chỉ kéo dài năm mười phút rồi bỗng lại chìm lắng hẳn đi. Bóng tối lại trùm xuống cảnh vật một mầu đen lạnh lẽo, đầy đe dọa chết chóc. Những cụ già trong ấp lại một phen chép miệng thở dài:
- Lại mấy thằng du xích xã loi nhoi. Chỉ xui cho đứa nào hứng phải đạn lạc.
Ở đây đạn lạc vào nhà gần như cơm bữa. Những viên đạo ghim vào gốc cây, xé rách hàng rào và chém lỗ chỗ vào những mảng tường vôi như những vết thương lở loét. Tuy vậây, dân trong ấp cũng chỉ mới thiệt có bốn mạng: một ông già, một cô gái, một thằng bé chăn trâu và một con trâu đực. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, cũng đủ làm cho già nửa dân số trong vùng bỏ nhà hoang, rút lên tỉnh. Số còn lại chỉ là những người quanh năm sống bám vào mảnh đất, làm ruộng, làm vườn, bắt ếch, cá hay kỳ nhông. Ban ngày họ đổ ra sinh hoạt uể oải trên phố chợ. Về đêm, tất cả rút vào những căn nhà gạch chắc chắn. Những người đàn bà sống như những cái bóng cô đơn. Năm thì mười họa, chồng con họ mới lén lút trở về. Bởi vì cả lính quốc gia cũng như du kích cộng sản, cả hai bên đều sợ hãi những ngõ ngách, những lùm cây trong ấp Vĩnh Hựu. Một kẻ đi tới. Một kẻ đặt súng vào một chỗ khuất nẻo. Một tiếng súng nổ. Và chung cuộc chỉ còn tiếng khóc than, kể lể của đám đàn bà, con trẻ. Còn những cụ già thì ngồi lặng đi, khuôn mặt dúm dó bỗng trở nên đanh lại, cằn cỗi như những gốc cổ thụ xù xì, bền bỉ.
Lão Đối vừa nằm chợp đi dược một lát thì nghe có tiếng chuột rúc ở đầu hè. Lão choàng dậy, ra ghé tai vào vách gỗ. Thằng Đực rúc lên một lần nữa. Lần này lão Đối quơ cái then cửa và nhấc lên. Đực lẻn vào nhà nhanh như một con cáo. Hai cha con đụng người vào nhau. Lão Đối hỏi:
- Bữa nay về đông không?
Đực đáp:
- Có nửa “tiểu” thôi.
- Mầy ăn gì chưa?
- Tôi đói lắm. Nhà còn gì không?
- Có thịt kỳ nhông. Nhưng hết cơm rồi. Để tao nấu cháo nhé.
Đực không đáp, lần lại giường nằm ngả lưng xuống. Trong lúc ấy, lão Đối lui cui đi lấy gạo. Bỗng Đực vùng dậy nói:
- Thôi đi tía. Nhóm bếp giờ này không tiện. Để tôi đi kiếm tô cơm nguội.
Nói rồi nó xách súng lẻn ra ngoài. Lão Đối ra đứng cửa nhìn theo. Bóng dáng cao lớn của nó biến nhanh vào bóng tối. Lão lầm lũi trở lại giường ngồi bó gối châm một điếu thuốc. Đồng hồ trên tay lão chỉ hơn một giờ. Độ mười lăm phút sau thằng Đực trở lại. Lần này nó đem theo thằng Há. Tiếng Há nói:
- Sao không cho ngọn đèn lên?
Lão Đối sực tỉnh:
- Ý quên! Để tao đi thắp.
Que diêm được xòe lên và ngọn đèn hoa kỳ được thắp sáng. Lão vặn cho cái bấc thấp xuống rồi đặt lên đầu giường. Ánh sáng hắt hiu soi bóng hai gã đàn ông mới vào. Thằng Đực vẫn phanh trần trùng trục với cái quần xà lỏn cố hữu. Há thì bận quần đùi với chiếc áo cánh mầu đen. Tay Há mang một độn giẻ cuốn vòng từ bàn tay lên gần tới khuỷu. Lão Đối hỏi:
- Mầy làm sao vậy Há?
Há ngắm nghía cánh tay rồi mỉm cười:
- Tôi sơ ý bị thuốc súng nó phụt. Thử cái này đây.
Vừa nói nó vừa đặt một cái lon có hình dáng kỳ quái lên mặt bàn. Cái lon to bằng rưỡi ống sữa bò và buộc chằng chịt dây kẽm. Há tiếp:
- Chẳng kém bộc pha đâu. Rồi đêm nay bác biết.
Lão Đối mở to mắt lên nhìn nó:
- Mày liệng ngoài dốc cầu hả?
Há không đáp chỉ mỉm cười. Cặp mắt nó sáng lên một tia long lanh, dữ tợn. Lão Đối bỗng nhớ đến tia mắt ngổ ngáo của thằng Há ngày xưa, hồi tất cả bọn chúng nó còn nhỏ tuổi và thường chạy nhảy huỳnh huỵch ngoài sân đất trong những đêm trăng sáng. Bây giờ, đứa theo bên này, đứa theo bên kia, có đứa đã ngã xuống và lão đã cằn cỗi thêm như đã sống tăng thêm gấp đôi tuổi. Lão cố nén một tiếng thở dài dâng lên tấm tức ở cổ.
Thằng Đực lần xuống bếp từ lúc nào, bây giờ đã bưng lên nồi thịt kỳ nhông còn nóng hổi. Lúc nó mở cái nắp ra, mùi thịt tỏa lên thơm ngào ngạt. Nó tháo ở đầu súng xuống một gói lá chuối tươi. Gói cơm nguội. Nó nói:
- Cơm bên nhà Lầu đó. Thằng Lầu hẹn chiều ở đồn Phi Mã ra ăn cơm mà nó không về nên ế. Thôi! Cơm nào chả là cơm. Chẳng “Cuốc ra Cuốc vào” thì “Cộng sản Cộng sung” ăn cũng vậy.
Lão Đối lắc đầu chép miệng:
- Mầy hung hăng vô ẩu nhà nó, có phen đụng, nó bắn mất xác.
- Ý cha! Tía nói dễ nghe hôn! Tui đang thèm gặp thằng Lầu đây. Nó có khẩu Carbine M2 bắn tự động ngon quá cỡ!
Lão Đối thở dài, cố nén một cảm giác nặng nề đang đè trĩu cõi lòng. Lão nhớ đến ngày xưa xa lắc và tuổi ấu thơ của bọn trai tráng. Hồi đó sinh hoạt trong ấp trù phú và êm ả. Ngoài sân vận động lúc nào cũng có bóng dáng trẻ con chạy nhảy ồn ào. Các trận cầu giao hữu thiếu niên ở ba ấp gần đấy, kỳ nào bọn thằng Đực cũng đem chiến thắng về cho Vĩnh Hựu. Đực ngồi trên vai thằng Há, Lầu phất cờ chạy dẫn đầu. Theo sau là cả một đám đông đảo trẻ con hò hét nhảy múa. Lần nào sự trở về trong vinh quang như thế, lão Đối cũng thết chúng nó một nồi cháo kỳ nhông thật lớn dưới vầng trăng sáng in rõ từng cọng cỏ ngoài sân đất. Bọn trẻ vừa húp cháo sì sụp vừa thi nhau kể lại những chiến công của từng đứa.
Những ngày êm ả như thế qua đi thật mau chóng. Tới tuổi trưởng thành, thằng Lầu thích bay nhảy nên đăng vào lính. Nó đã dự nhiều trận đánh lớn ở dưới đồng bằng và được mấy cái anh dũng bội tinh. Nhờ thế, nó cậy cục xin đổi được về đồn Phi Mã để có dịp gặp người yêu cũ. Nàng vẫn chờ hắn để đi đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Hai vợ chồng lấy nhau gần hai năm, bây giờ mới sắp có một mụn con.
Còn thằng Đực ở nhà được móc nối theo người ra khu rồi trở về gia nhập du kích xã. Được tin ấy, Lầu đã nói với lão Đối:
- Thằng Đực đã theo C.S thì cháu không còn tình nghĩa gì với nó. Cháu quí bác, mà điều bó buộc cháu phải nói với bác như vậy. Gặp nó, cháu không tha đâu. Cháu xin lỗi bác trước rồi đó.
Lão Đối đem lời ấy về học lại với con trai thì thằng Đực chỉ phá lên cười:
- Chèn đét ơi! Bộ tía tưởng nó cứ nói rồi là nó ăn thịt được tui ngay đó sao? Tía biểu cho nó hay, thằng Đực sẽ ăn gan của nó trước.
Còn thằng Há thì đi theo du kích xã trong một trường hợp khá hi hữu. Hồi trước, nó với anh nó,thằng Hoanh, cùng vô dân vệ xã. Bà mẹ mừng vì không phải chứng kiến cái cảnh anh em ruột mà bắn giết nhau ngay trên phần đất của tổ tiên đề lại. Nhưng một hôm thằng Há ngồi nhậu lai rai với bốn năm đồng đội. Rượu vào, lời ra, lúc bàn tiệc vào phút sôi nổi nhất thì gã trung đội trưởng của Há bắt đầu giở chứng. Gã nói:
- Đ M. Tao thề trên có trời, dưới có đất là tao sắp vô biệt kích Mỹ rồi. Tao đi thiệt đó. Chỉ hiềm có một điều là vợ ở nhà, thế nào nó cũng đi theo tụi nhảy dù, uổng lắm. Thiệt tình vậy đó. Vợ tao, tao biết quá mà.
Ngừng một lát như để nỗi chua xót của mình thấm sâu vào men rượu, gã lại tiếp:
- Còn mầy nghe Há. Mầy trẻ tuổi lại hào hoa, lại yêu nước. Mầy không yêu nước thì mầy vô đây làm chi. Phải không Há?
- Chính vậy đó!
- Chớ sao! Tao đã nói thì bao giờ có điều nào sai được đâu. Vì nếu đã sai thì tao không có nói. Phải không Há?
- Phải đó!
- Bây giờ tao đề nghị đem gả vợ tao cho mầy, trước khi tao vô biệt kích Mỹ, mầy chịu hôn?
Há phá lên cười:
- Thôi đi cha! Cha say dữ rồi, bắt đầu nói càn rồi đó.
- Say cái con c.. Đứa nào biểu ông say ông bắn cả làng nhà nó.
- Ờ! Nếu không say thì nói qua chuyện khác đi.
- Qua sao được! Tao sắp đi rồi mà.Tao sắp vô biệt kích Mỹ thiệt tình mà. Bởi vậy tao phảùi thu xếp công chuyện nhà tao cho nó xong đã chớ. Để vợ tao theo mấy thằng dù uổng lắm. Vậy mày ưng nó hay không, Há?
Há cáu kỉnh:
- Tôi không ưng!
Gã đàn ông chồm lên:
- Đ.M. Sao mầy không ưng? Mầy khi vợ tao hả Há? Nói cho mầy hay, nó tốt người, tốt nết, đâu có đui què mẻ sứt gì mà mầy nói không ưng. Tao hỏi mầy một câu nữa, mầy có ưng không?
- Không!
Gã đàn ông vớ ngay lấy chai rượu đập thằng Há một cái vào đầu tét máu. Há sùng quá gầm lên, đạp đổ cái bàn khập khiễng và vớ ngay khẩu súng bên cạnh mình, giơ lên bắn chỉ thiên lia lịa. Rủi cho nó, khẩu súng bị lạc nòng ghim ngay hai phát vào một anh dân vệ ngồi ở cuối bàn khiến kẻ xấu số ngã lăn ra, chết ngay trên vũng máu. Thằng Há hoảng hốt sách súng chạy tuốt luôn vô trong đồng. Nó gia nhập du kích xã với một bản án tập nã:
“Bắn chết đồng đội để đào ngũ, có mang theo võ khí!”.
Mãi chín tháng sau ở nhà mới lại có tin tức của nó. Đó là vào dịp thằng Hoanh, anh ruột của nó cưới vợ. Há gửi một lá thư nhờ người cầm tay mang về. Trong thư nó chỉ viết vỏn vẹn:
“Nghe tin anh lấy con Thư. Nó là người tình lý tưởng của tôi. Tôi thề không đội trời chung với anh đó”.
Hoanh nhận được thư, tức tốc chạy sang nhà Thư hỏi. Thư cười đỏng đảnh:
- Thằng Há con nít mà yêu đương cái gì. Bộ nó cứ tuyên bố như vậy là tôi phải thủ tiết tới già chờ nó hay sao?
Hoanh sung sướng thủ tiêu cái thư vào bếp lửa và mấy hôm sau, đám cưới cử hành trong êm ả. Hoanh để vợ ở lại ấp Vĩnh Hựu trông mẹ già. Còn gã ban ngày thỉnh thoảng đáo về thăm nom, ban đêm lại rút lên phố chợ vì lý do an ninh.
Cách đó ít lâu, một đêm tối trời, thằng Há xách súng trở về. Nó tìm vô mùng chị dâu chun vào. Đến lúc Thư nhận ra nó thì đã trễ. Hôm sau Hoanh biết chuyện, gã lồng lên đòi xách súng vô đồng tìm thằng em bất nhân vô luân thường đạo lý. Nhưng cánh đồng với những khóm cây duối dại mọc rải rác khắp triền thung lũng, trông tuy êm ả nhưng lại đầy đe dọa, chết chóc. Hoanh không dám mạo hiểm xông vào. Gã chỉ đứng ở đầu mương xả vu vơ một tràng đạn một cách điên cuồng rồi trở về bắt vợ dọn đồ lên chợ ở. Riêng bà mẹ của gã thì nhất định không đi. Bà quyết tâm bám vào mảnh vườn quạnh hiu như cuộc đời hiu quạnh của bà...

*

Ăn cơm xong, lúc hai đứa sửa soạn đồ lề đi ra, lão Đối nói:
- Tụi bay đừng đi mé cây gòn. Hồi chiều tao thấy họ soát ở đó.
Đực chép miệng:
- Úi! Tía đừng có lo. Soát đâu thì soát, trời mưa ngập nước này rồi tụi nó cũng rút cả lên mặt cầu.
Lão Đối giận dữ:
- Mầy đừng có ỷ y. Mấy ỷ y mầy chết cha mầy.
Đực không đáp lầm lũi đi ra. Thằng Há theo sau. Lão Đối bước từng bước nặng nề đi sau cùng. Lão đứng ở cánh cửa nhìn ra ngoài đêm. Trong bóng tối lão thấy lố nhố năm sáu thằng. Hôm nay chúng nó đi đông. Chắc đụng lớn. Lão bỗng thấy hồi hộp như chính mình là kẻ đang tham dự vào cuộc đi của lũ trẻ. Từ hồi nổ súng, lão đã là kẻ tiễn đưa biết bao nhiêu lần. Mà lần nào lão cũng thấy tất cả bọn chúng đều như hình hài cốt nhục của chính lão, và chúng đang đem ra thách đố với định mệnh. Cái chết chờ chúng nó ở khắp mọi chỗ, khắp mọi nơi, mọi lúc. Cả những thằng ở bên này lẫn những thằng ở bên kia. Cũng có lần bọn chúng trở về nguyên vẹn. Nhưng cũng có lần năm ba đứa khiêng một hai cái xác trở về trong lầm lì, câm lặng, không nghe ồn ào bằng chuyện chúng nó bắt được một con kỳ nhông trong lỗ cát, hay như một con cá lớn mắc vào lưỡi câu hồi còn thanh bình của mấy năm trước. Như thế lâu dần, người trong ấp càng thưa, dân càng ít, trai tráng mòn mỏi chết lần, điều đó càng khiến lão ghê sợ phải chứng kiến tuổi trẻ rồ dại thản nhiên lên đường đùa giỡn với súng đạn.
Bọn trẻ rì rầm một lát rồi thấy im hẳn. Tiếng chân xéo lên mặt bùn lép nhép cũng xa dần. Tim lão Đối bỗng thót lại. Lão thấy cô đơn lạ lùng. Lão muốn có sự hiện diện của bất cứ ai vào giây phút đó. Nhưng bốn bề mù mịt một mầu đen nặng nề. Không tiếng võng đưa, không tiếng trẻ khóc, sự im lặng như nén lấy tim gan của lão Đối làm lão đau thắt lại. Lão uể oải quay vào cài then cửa và bó gối ngồi trên mặt phản. Điếu thuốc cháy đỏ lừ không ngớt trên vành môi xám. Mỗi lần lão rít vào khuôn mặt khắc khổ của lão lại sáng lên trong ánh lửa đỏ hồng. Lão im lặng tính từng bước đi của lũ trẻ. Chắc chúng nó đang đi qua cổng rào rồi rẽ xuống mương cá. Ở đó, chúng nó phải băng qua khu lò rèn để tới cột cây số. Đó là địa đầu của vòng đai nằm trong tầm quan sát của toán lính cơ hữu phục kích ở trên cầu. Tới đây, bọn chúng nó chắc chắn phải bò đi như những con rắn để vượt qua một khoảng đất trống trải. Hai đứa chắc sẽ nằm phục ở vệ đường quan sát. Một đứa sẽ leo qua mé tường ở chẩn y viện. Một đứa sẽ vượt qua vườn mít nhà mụ Đào. Còn hai đứa nữa sẽ phải tình nguyện bò lên dốc cầu liệng bộc phá.
Thằng Đực giữ nhiệm vụ nào trong số đó, lão không thể biết được. Nhưng lão hồi hộp, lo lắng chung cho tất cả. Bên này lẫn bên kia. Thằng Đực, thằng Há, thằng Hoanh, thằng Lầu, đứa nào lão cũng coi như máu mủ ruột thịt. Lão sống ở đây đã nhiều năm. Từ ngày mẹ của lão chửa hoang giở dạ đẻ lão ở ngay bụi duối trong Đầm Tròn gần đó. Từ đó tới nay đã gần bẩy mươi năm tròn. Bẩy mươi năm không rời khu chợ Lùng lấy vài chục cây số, lão trở nên một hình ảnh gắn liền với những mái nhà tranh, những bụi duối dại, những bờ lau rậm rạp, hay con suối uốn quanh chảy qua cánh đồng gồ ghề nom như một cái thung lũng nhỏ.
Cũng vì thế lão yêu mến mảnh đất quê hương của lão đến độ thuộc lầu cả từng biến chuyển dù nhỏ nhặt nhất của cảnh vật chung quanh. Lão luôn luôn cầu mong đừng có gì thay đổi trong cái thế giới nhỏ hẹp của lão. Lão cũng luôn luôn cầu mong trong hoàn cảnh bom đạn tứ bề, mọi người trong thôn ấp đừng có ai ngã xuống. Đừng ai cả, vì quê hương mòn mỏi quá rồi. Đối với lão, một khi có tin dữ bay về, lão lại có cảm giác như mình là cây cổ thụ chịu đựng thêm một vết chém mới của tiều phu. Mắt lão sâu quầng, khuôn mặt dúm dó, làn da thớ thịt nguội lạnh, run rẩy. Và lão ngồi trầm lặng cả đêm để nuốt sự chua xót đang vun trồng, xới bón cho tuổi già của lão.
Một lát sau, những cây súng ngoài cầu bắt đầu khai hỏa dữ dội. Tiếng súng lạ của bọn thằng Há cũng bắn tiếp theo. Bầu không khí náo loạn cả lên như tiếng pháo nổ giòn giã trong đêm giao thừa. Những ngọn hỏa châu phụt lên bầu trời chiếu sáng cả những bộ bàn ghế cũ kỹ trước mặt lão Đối. Làn ánh sáng vàng úa rung rinh, chập chờn như ánh nến leo lét trong bóng tối, chỉ một lát teo tóp lại rồi tắt ngủm trong khoảng không mù mịt.
Lão Đối nhỏm dậy, lần ra ngoài đường cái. Mắt lão đảo về phía cầu chợ Lùng. Có tiếng đạn vi vút ở bên tai. Những lằn đạn lửa đỏ rực của khẩu đại liên bay trong đêm tối như những hình cầu vòng. Rồi một tiếng nổ dữ dội phát ra làm rung chuyển cả màn đêm. Chắc là quả bộc pha của thằng Há. Vòm trời nhoáng lên một tia chớp xanh rờn rồi tắt ngúùm. Nhiều tiếng hò reo, lao xao từ xa vang lại nghe như những tiếng gọi của sự tàn sát. Mãi mười lăm phút sau, tiếng súng mới ngớt dần rồi im hẳn. Lão Đối ngồi yên một lát nghe ngóng rồi mới níu bờ cỏ bò lên. Chân lão ngập đầy bùn. Ống quần ướt sũng nước. Bước chân của lão chuệnh choạng trong bóng tối. Lão bước lên hè đường. Quanh lão, tiếng muỗi vo ve ở bên tai. Những con muỗi táp lại, chờn vờn bay loạn xạ trên làn da mặt sần sùi của lão. Lão giơ tay lên đập nhẹ. Bỗng ở bên kia bờ rào có tiếng cất lên:
- Ông Đối đó hả?
Lão Đối nhận ta tiếng nói của cụ Chín, má thằng Hoanh. Lão đáp:
- Tui đây. Bà ra đó hồi nào mà tui không hay?
Bà cụ không đáp mà hỏi lại:
- Tui thấy tụi nó tính phá cầu phải hôn?
- Thằng Há nhà bà đó. Ui! Một lon sữa bò mà ăn nhằm gì. Hồi mới xây cầu đó tui biết quá mà. Toàn xi măng đúc cả đó.
Bà cụ kêu lên:
- Ủa! Thằng Há về từ hồi nào mà tui không hay kìa. Hồi chiều mắc mưa thấy muốn nóng lạnh, tui nằm chợp đi từ chập tối.
Rồi bà chép miệng:
- Ôi! Thằng Há mà có tình nghĩa gì. Từ hồi nó ẩu tả với vợ thằng Hoanh, nó cố ý tránh mặt có dám gặp tui nữa đâu.
Bà sụt sịt lên tiếng khóc. Lão Đối đứng im một lát rồi lịch kịch mở cửa đi vào. Người đàn bà nói với theo:
- Ông nghĩ tụi nó có ghé về đây không?
- Chắc đi luôn! Mấy đứa ăn no cả rồi. Tui mới nấu nồi kỳ nhông, tụi nó ăn với cơm nguội đấy.
- Thôi đi luôn cũng phải. Ghé vô, lính ngoài đó xộc vào thì mất xác mà vạ lây cả mình.
Lão Đối chép miệng:
- Nếu có thì cũng phải mai sáng. Trời đất tối đen như thế này, chẳng ai dại gì mà vô.
Lão vừa nói dứt lời thì bỗng có tiếng chân dẫm lên mặt bùn ở đầu hè. Bóng thằng Đực xuất hiện một cách vội vã. Lão Đối giật mình quay lại. Gã đàn ông bước tới, ghé vào tai cha thì thào:
- Bên mình ngã một “con” rồi. Thằng Bình đó. Tụi nó đã đem qua ngả cây gòn. Chừng nào có người lên tỉnh, tía nhắn cho ông già bà già nó hay. Còn thằng Sách bị đạn ở chân, để nó nghỉ ngơi ít bữa. Thỉnh thoảng tía tạt qua cho nó tô cháo. Nó nằm trong hầm nhà Cụ Năm Điếc đó.
Nói xong, Đực biến nhanh vào bóng tối. Tiếng chân của gã bước vội vã lên mặt bùn gây thành những âm thanh lép nhép. Lão Đối không kịp phản ứng được điều gì cả. Người lão chết lặng đi. Lão cảm thấy mạch máu chuyển dồn dập ở đầu ngón tay và chạy lên ngực khiến lão thấy buốt nhói ở tim. Trong óc lão hiện ra hình ảnh ốm nhách của thằng Bình với nước da xanh bủng như chì, hai gò má hốc hác, cặp mắt lờ đờ hõm sâu như lỗ đáo. Bình năm nay mười tám tuổi. Hồi đi theo bọn thằng Há, nó mới mười lăm. Mười lăm tuổi mà trông thằng Bình chỉ bé như đứa trẻ mười ba, thân hình nó loắt choắt, ống tay ống chân khẳng khiu như ống sậy. Cái trán thấp và hẹp, đôi mắt ngờ nghệch, miệng nó ít khi nở được một nụ cười tươi tắn. Mọi người thường bảo nó gượng gạo, ngu đần, số vất vả.
Hồi thôn ấp còn bình yên, trong đám trẻ cùng lứa tuổi như Bình, nó được coi là thằng khờ nhất. Nó không biết trèo cây, không biết bơi lội, không thích đá banh, không thích tham dự bất cứ trò chơi nào của lũ trẻ. Nó nhát, điều đó cũng dễ hiểu vì trò chơi nào cũng đòi hỏi phải có sức khỏe, mà thằng Bình thì ốm yếu, èo uột. Cứ nhìn vào những hàng gân xanh nổi rõ trên hai cẳng chân của nó thì đủ thấy. Thứ nữa là ba nó rất dữ đòn. Ông ta dậy dỗ con cái không phải vì mong cho nó được tốt đẹp mà chính là chỉ để giải tỏa những cơn tức giận của mình. Hai vợ chồng ông sống không mấy hòa thuận. Chuyện cãi cọ xảy ra như cơm bữa. Hễ mỗi lần cơn tức nổi lên là ông ta phá phách, đập bàn, đập ghế, đập nồi niêu bát đĩa, đập luôn cả thằng Bình khi đó cứ đứng giương cặp mặt ngu đần lên nhìn bố làm ông tưởng nó muốn trêu tức ông thêm.
Thật ra, những lúc đó nó chỉ nghĩ đến mâm cơm đã được bầy ra với tất cả những đồ ăn nghi ngút khói và cầu mong tất cả sẽ không bị đổ bể. Nhưng chỉ một cái đá giận dữ của cha nó là bát đĩa vỡ loảng xoảng, rau muống úp chụp vào tương chao, tô canh chan nước lên tô cơm vừa mới sới. Nghĩa là dù đói meo ruột chắc chắn phải đến chiều may ra Bình mới được no bụng.
Lớn lên, thằng Bình càng trở nên ngơ ngác và ít nói. Nó chỉ có mỗi một sở thích là được sờ mó, ngắm nghía vào cây súng của mấy anh dân vệ xã. Nhìn bóng dáng của họ, đầu đội mũ lưỡi trai, bụng nịt băng đạn, hai ống quần buộc túm với hai bàn chân xỏ vào đôi giầy vải đi rừng, lưng đeo khẩu súng đen sì có báng gỗ bóng loáng, thằng Bình coi đó là một con người lý tưởng. Khẩu súng đối với nó là một dụng cụ có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện, nhất là với những kẻ yếu đuối như nó. Cứ đặt súng lên vai, kéo cái cần lên đạn rồi bóp cò. Đâu có khó khăn gì! Nó chưa được bắn thử bao giờ, nhưng quan sát những hành động đó thì thật là kỹ càng. Buổi chiều nào nó cũng lảng vảng ở sân cỏ để xem người ta tập bắn. Bắn giả vờ thôi, vì đạn dược ở đây quý giá hơn tiền bạc. Nó học lỏm được đủ mọi thế: bắn đứng, bằn quì, bắn ngồi, cả bắn nằm nữa. Và mỗi khi một anh dân vệ vừa bóp cò, miệng vừa kêu “Pàm” một phát thì ở bờ cỏ đằng này thằng Bình lại toét miệng ra cười một cách khoái chí. Nó tưởng tượng trong đầu là nó cũng đang làm y hệt như thế. Nhưng là nó đang bắn bằng đạn thật kìa. Tiếng súng sẽ nổ giòn, âm thanh sẽ rung chuyển cả một vùng im vắng và viên đạn nhất định phải ghim trúng hồng tâm của bất kỳ cái đích nào mà nó muốn nhắm tới. Đối với nó, chẳng có gì là khó cả. Hồng tâm ở đó, đầu ruồi ở đó, lỗ nhắm ở đó, cứ kẻ cho thẳng, nhắm cho chắc rồi bóp cò cho ngon, thế là địch quân ngã rồi. Nó sung sướng như thể chính nó đã gây ra được những chiến công mà anh dân vệ nào cũng mơ ước. Chẳng hạn như giật giải khôi nguyên trong một cuộc thi bắn, đâu có khó gì. Dần dà rồi thằng Bình làm quen được với một gã dân vệ xã. Nó cung cấp cho gã đủ mọi thứ tiện nghi mà nó lấy được ở nhà: nước tương, chanh, ớt, trái cây, hột vịt, măng tre và gỗ, nứa. Ngược lại, mỗi lần tới phiên gác của gã, Bình lỏn tới mân mê cây súng bằng một cử chỉ hết sức nâng niu và kính trọng. Trước, nó còn sờ mó, vuốt ve, sau nó cầm lên ngắm nghía và vác lên vai đi đi lại lại. Gã dân vệ nhìn nó mỉm cười:
- Đừng có ham. Mầy chỉ ôm nó chừng mười lăm phút là nó nặng như cái cối đá đeo.
Bình vênh mặt lên hãnh diện:
- Tui giữ được. Giữ hoài. Có nặng gì đâu!
- Ờ! Có nặng gì đâu. Tao thách mầy vác nổi mười lăm phút đó. Vác được tao đãi một chai la de.
- Thiệt hôn?
- Ai thèm nói dối con nít. Nè! Bây giờ sáu giờ năm nè! Tới sáu giờ hai mươi mà mầy không rời cây súng khỏi vai, tao chạy qua bà Tư mang la de về đây cho mầy uống ngay.
- Dễ ợt mà!
- Mà điều phải vác cho ngay, đứng cho thẳng. Mầy mà nhút nhít cây súng là thua đó đa! Ứ! Mà mầy thua thì phải mất gì cho tao chớ?
- Mất chi?
- Hột gà hột vịt gì cũng được. Thôi chục hột gà đi.
- Hổng biết nhà còn tới số đó hông. Bữa nay má tui mới mang lên chợ một rổ bự rồi đó.
- Hổng còn thì tao chờ. Gà đẻ hoài mà, đâu có hết.
- Được rồi. Tui đứng nè!
- Ừ, mầy đứng đi. Đứng theo thế nhà binh đó. Cái chân phải vầy, cái tay phải vầy. Nhút nhít là hư ạ!
Vừa nói, gã đàn ông vừa làm điệu bộ nghiêm chỉnh như trong đời binh nghiệp của gã chưa bao giờ gã nghiêm chỉnh đến như thế. Thằng Bình cứ trông gã mà răm rắp làm theo. Khẩu garant nằm chình ình trên bả vai xương xẩu và còm cõi của nó. Hai cẳng chân khẳng khiu ép sát vào nhau, những mạch máu xanh rờn nổi lên ngoằn ngoèo như lốt chân của loài rắn. Đứng nghiêm chỉnh xong, Bình hỏi:
- Đúng chưa?
Gã dân vệ bẻ hành bẻ tỏi, sửa nắn một lần nữa rồi nói:
- Rồi đó! Cứ đứng yên như vậy nghe em. Mầy lắc một cái là mầy mất chục hột gà đó nghe.
Bình khẽ mỉm cười. Khẩu súng có nặng gì đâu. Bất quá chịu đựng mười lăm phút cho gã đàn ông phục tài. Mười ngón chân của nó bấu xuống đất. Bàn tay giữ chặt lấy báng gỗ. Cổ nó ngay đơ. Hai mắt nhìn thẳng. Nó cố gắng thở thật nhẹ để khỏi nhúc nhích hai chân. Trong lúc đó, gã đàn ông tháo cái đồng hồ trên tay ra, lắc lắc, nghe nghe, chứng tỏ đồng hồ của gã còn chạy tốt, rồi trịnh trọng đặt lên bàn. Thời gian nặng nề trôi qua. Năm phút, rồi mười phút. Gã bắt đầu e ngại vẻ mặt lầm lì của thằng oắt con. Nó không có vẻ gì là sắp sửa sụm xuống cả. Cẳng chân nó vẫn thẳng tắp. Hai gót chân dính cứng vào nhau. Mười ngón chân mỗi lúc một bậm chặt xuống nền đất. Chỉ có hai vai của nó thì trông thật tội nghiệp. Một bên bị đè trĩu hẳn xuống dưới sức nặng của khẩu súng. Còn bên kia nhô hẳn lên.
Nhưng nó lì. Thật là lì. Nó tranh đấu bền bỉ với sự mệt nhọc và khó chịu. Điều đó khiến nỗi e ngại của gã dân vệ mỗi lúc một tăng dần. Gã cầu cứu đến cả mấy con ruồi quái ác cứ bò lởn vởn trên hai đùi của thằng bé. Gã tự nhủ chỉ cần vài con thôi, vài con hoành hành như chúng đã hoành hành trong giấc ngủ của gã là đủ để cho nó hết cái vẻ đứng chôn chân như trời trồng một cách đáng ghét kia. Nhưng lũ ruồi không lay chuyển được nó. Mười hai phút qua rồi. Vẻ mặt của thằng Bình chỉ hơi đổi khác một chút. Hai tai nó đỏ lên. Cái cằm bạnh ra. Hơi thở của nó bắt đầu dồn dập. Có thể nó sắp thua đấy. Nhưng ba phút còn lại ít ỏi quá. Gã dân vệ không tiếc chai la ve nhưng gã tiếc chục trứng gà. Gác buổi tối mà làm một xoong cháo đập trứng gà vô thì chẳng còn lúc nào sáng suốt cho bằng. Gã phải tranh thủ thời gian để khỏi hụt bữa cháo thơm lừng đó. Điều này thì dễ. Gã làm bộ đi lại trước mặt thằng Bình để kiểm soát rồi gã nói:
- Giỏi thiệt đó đa! Không khéo tao mất la de với mày, Bình ạ. Để tao coi mấy giờ rồi.
Vừa nói, gã vừa chạy lại phía bàn cầm chiếc đồng hồ lên, tay gã vặn ngoéo cây kim dài cho chậm lại năm phút. Miệng gã la lên:
- Chà! Hết mười phút rồi. Mầy ráng lên. Năm phút nữa có la de nhậu là cái chắc.
Đoạn gã dí chiếc đồng hồ vô mặt thằng Bình. Gã nghe thấy hơi thở của nó dồn dập ở mũi. Hai cẳng chân của nó mỗi lúc một run hơn. Cánh tay khẳng khiu của nó nhấp nhổm muốn ngả cây súng xuống đất. Gã mỉm cười một cách đắc thắng và nói thêm:
- Cấm cụt kịt đó nghe em! Thế đứng nhà binh mà. Đâu phải chuyện giỡn!
Nhưng thằng Bình không cố được nữa rồi. Lưng nó còng lại. Bàn chân cố bấm xuống mặt đất mà như muốn rời ra, hất cái đầu của nó chúi xuống. Rồi trong một cử chỉ mất thăng băng, nó làm khẩu súng chao hẳn đi, thiếu một chút xíu nữa là nó ngã va đầu vào vách gỗ. Mặt gã đàn ông sáng rỡ hẳn lên. Gã la to:
- Rồi! Rồi!Thua rồi nghe! Rõ ràng nghe! Thiếu điều mày chọc mũi súng làm thủng vách con nhà người ta.
Mặt thằng Bình đỏ lên. Nó buông khẩu súng xuống đất và dậm chân tức tối. Gã dân vệ hí hửng nhặt cây súng để lên bàn rồi rót cho nó một ly nước mưa. Gã nói:
- Thôi, chả có la de thì tao xin cung hiến mầy ly nước mưa này. Giải an ủi mà. Kể ra thì mầy cũng chì lắm đó chớ!
Thằng Bình không nhận ly nước mà vùng lên chạy. Gã đàn ông hấp tấp chạy theo. Gã nom thấy nó vừa mất hút sau bụi duối ở đầu lối rẽ.
Gã la lớn:
- Mầy chơi bửa, ông cắt cu! Đ.M, mơi nhớ đem hột gà lại cho tao nghe, mầy!
Hôm sau thằng Bình không lại. Mãi ba bốn ngày sau nó mới lò dò tới. Nó mang đủ số trứng thua cuộc. Gã dân vệ xuýt xoa khen nó là người có “lương tâm”. Đêm hôm đó mấy người thay nhau trông nồi cháo. Ăn cháo đã đời rồi, gã dân vệ quay ra ngủ. Gã trao cho thằng Bình nhiệm vụ coi chừng súng của gã. Còn thằng Bình thì khoái chí tử đi rồi. Nó vác cây súng ra ụ đất ngồi y như một chiến sĩ thực thụ. Nó sung sướng với cảm giác thấy mình làm người lớn. Mà thứ người lớn quan trọng, bạn bầu với súng, với đạn, với sự nguy hiểm chết chóc và đêm tối mịt mùng chứ không phải thứ người lớn chỉ biết đòi hỏi, đánh chửi vợ con như tía của nó.
Ít lâu sau, tình hình biến chuyển hơn. Lác đác đã thấy du kích xã lởn vởn xuất hiện quanh vùng. Thằng Bình bị thằng Há móc nối, gây cho nó những tư tưởng thù hận gia đình, thù hận mọi người. Há xui thằng Bình ăn cắp khẩu súng của dân vệ xã để ra khu lập công. Nó cho thằng Bình coi những kỷ vật của nó hồi ở trong khu. Đặc biệt nhất là tập an-bum, khi kéo ra thì là một dãy ảnh dài dán trên một băng giấy gió, lúc gấp lại trông xinh xắn như một quyển sổ tay.Tập ảnh này thằng Há được tặng thưởng trong một kỳ thi đua học tập và nỗ lực phục vụ công tác sản xuất. Nội dung của những bức ảnh, đối với thằng Bình có rất nhiều vẻ hấp dẫn. Ngoài mấy bức ảnh của các lãnh tụ ra, còn có những bức chụp cảnh bộ đội kéo pháo qua đèo, cảnh chuyển quân băng rừng rậm, cảnh sinh hoạt tập thể bên ánh lửa bập bùng trong hang đá. Thằng Há nói:
- Mầy theo tao đi. Ra đó ngày nào cũng vui như tết. Mọi người, ai ai cũng coi mày như ruột thịt. Cộng sảng mà, chớ đâu có bê bối như tụi trong đây. Rồi mày chớp được súng thì súng là của mày. Còn được ăn thêm cái giải thưởng lập công nữa là khác. Mày có nhớ thằng Thu hôn? Chèn ơi! Thằng đó nít hơn mày, cù lần hơn mày, thế mà bây giờ được làm anh hùng chiến dịch đó. Mày đâu có thua gì nó, phải hôn?
Bình băn khoăn:
- Tui trốn đi rồi, mai mốt trở về ông già ổng đập chết.
Há phá lên cười:
- Đ M. Coi thằng nói chướng anh ách. Tao biểu cho mày hay, mày đi đây là đi vì dân, vì nước, không phải mày đi chơi bời, ăn trộm, ăn cướp mà lo. Tới lúc mày về rồi đó nghen, mày le gấp ngàn lần ông già tía nhà mày đó. Ổng dám lôi thôi kí gì. Lôi thôi thì đem bắn bỏ, ăn nhằm gì đâu. Ổng phong kiến quá cỡ, tao biết mà!
Bình ngập ngừng:
- Mà điều còn má tui, tui thương bả.
Há cướp lời:
- Mày càng thương má bao nhiêu mày càng phải đi bấy nhiêu chớ! Mày thấy hôn, má mày hiện giờ đâu có sướng? Vài bữa một lần, tía mày đập cho thấy bà, thiếu điều ói máu ra mà chết, ăn nhằm kí gì. Nay mày vô vùng giải phóng, mai mốt mày về giải phóng cho má mày luôn, như thế còn ngon bằng mấy ở nhà phải nghe đánh, nghe chửi hoài mà có giải quyết được gì đâu. Tin tao đi. Tao kinh nghiệm cuộc đời rồi mà. Tới chừng mày trở về, tía mày không lót chiếu hoa đón mày, tao cứ đi bằng đầu. Thiệt đó, tao nói thiệt đó.
- Tôi bé thế này, người ta nhận chớ?
- Ý! Bé mới quý. Càng bé càng quý. Người ta chỉ cần mỗi cái có tinh thần cao thôi. Có tinh thần cao mần việc gì cũng tốt hết. Tới chừng mày ra, lại mang thêm được cây súng nữa đó nhen, ăn cái giải thi đua lập công là cái chắc. Người ta sẽ kiệu mày lên, hoan hô mày hết mình. Mày lại có cả giấy ban khen nữa. Le quá cỡ mà!
Bình hớn hở:
- Vậy để tôi lấy trộm súng của anh Thành. Ảnh cho tôi cầm súng của ảnh hoài.
Há vỗ tay:
- Vậy là số dách rồi! Tao thua mày luôn đó!
Ba hôm sau, quả nhiên thằng Bình chớp được khẩu garant và theo thằng Há trốn biệt ra khu. Báo hại bà già của nó khóc hết nước mắt.
Ít lâu sau thằng Bình trở về. Nó không được người ta trải chiếu hoa tiếp đón như viễn tượng tốt đẹp mà thằng Há đã vẽ từ hồi dụ nó ra khu. Con đường dẫn vô ấp Vĩnh Hựu xơ xác và tiêu điều hơn là ngày nó ra đi. Nhiều thân cây bị trốc rễ. Những bức tường xám lỗ chỗ vết đạn làm trơ ra từng mảnh vôi trắng xóa. Dấu vết của nhiều cuộc đụng độ còn đó và trong đám thanh niên, bên này hay bên kia, đã có nhiều kẻ ra đi không bao giờ trởù lại. Trông thằng Bình bây giờ có vẻ già dặn hơn trước, mặt nó đanh lại, cặp mắt đục và sâu hơn trước, thân hình vêu vao còm cõi vì thiếu ngủ. Nhiều hôm ở trong khu, Bình nhớ nhà, không cầm lòng được, tu lên khóc. Báo hại thằng Há, có lúc quá bực mình đã phải văng tục một câu:
- Đ.M. Cách mạng cách mung như mày thì chết cha cả nước rồi còn gì.
Thằng Bình tủi thân khóc to hơn nữa. Há phải đổi giọng dỗ dành:
- Mày cù lần lắm biết không. Đi theo cách mạng mà còn đầy tính chất nít nhỏ lên hai, lên ba như vậy các đồng chí ấy cười cho thối mũi. Rồi mai này lên khu, theo lớp huấn luyện, họ vạch mặt chỉ tên mày ra: “Có phải đồng chí phụ trách tiểu ban ngủ nhè ở Vĩnh Hựu về đó không?”. Đ.M. Khi đó mày ăn nói làm sao? Chèn ơi! Tao thì tao chun cha nó xuống hố cho rồi, nhục hết sức!
Ngừng một chút, Há tiếp:
- Mày chưa lên trển, mày chưa thấy đó chớ, có những thằng còn nít hơn mày mà tụi nó phục vụ cách mạng như điên. Có lần tao trông thấy một thằng nhóc bị máy bay Mỹ rượt, nó vừa chạy vừa dùng súng cá nhân chống trả. Mỗi lần máy bay xà xuống lia một loạt đạn là nó lại nằm ngửa ra, bắn lại một phát. Cư ùthế suốt buổi, nó lia hết một băng tiểu liên. Hơn hai chục lần máy bay Mỹ chúi đầu xuống, hơn hai chục lần nó bắn lại, như bò điên.
Bình ngắt lời:
- Rồi có trúng được cái máy bay nào không?
Há la to:
- Chèn ơi! Trúng chớ sao không! Một mình nó hạ mười mấy máy bay Mỹ, được bao nhiêu là giấy ban khen ấy chớ!
Bình gặng:
- Mà điều chính mắt anh trông thấy chớ?
- Tao mà nói dối mày tao cứ đi bằng đầu! Mắt tao thấy! Tao thấy đàng hoàng mờ. Người ta in cái vụ đó vô sách đàng hoàng mờ. Bữa nào mày có dịp qua liên lạc bên kho B4, mày biểu mấy đồng chí bên đó kể chuyện Măng Tầm Vông trong bộ Cửu Long Cuộn Sóng của Trần Hiếu Minh cho mà nghe. Tao đâu có thèm bịa chuyện.
Ngừng một lát để cho sự tin tưởng ngấm sâu vào trí óc non nớt của thằng bé, Há lại tiếp tục nói:
- Dưới ánh sáng soi đường của cách mạng cái gì cũng có thể xảy ra được tuốt, cái gì cũng làm được tuốt, chớ ai lại tu lên khóc vì nhớ vú mẹ như mày! Rầu thúi ruột tao ra đó, Bình.
Thằng Bình cãi:
- Mà điều xa thì phải nhớ chớ. Vậy má anh, anh có nhớ không?
Há chỉ vào bụng mình:
- Tao nhớ mà điều tao để trong này! Tao đã thề rồi mờ! Hễ sự nghiệp cách mạng mà không thành, tao hổng có thèm về nhà nữa!
Bình trợn mắt:
- Rồi mình đi biệt như vậy, nhỡ bả chết thì sao?
- Chết thì chôn! Người ta ai mà không có một lần chết. Mà điều chết như vậy có ý nghĩa hơn. Tuy già, bả không đi, nhưng như vậy cũng là một cách đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân đấy chớ. Còn hơn giữ dịt con cháu ở nhà để Mỹ về Mỹ ăn tươi nuốt sống à?
Thằng Bình trợn mắt:
- Trời đất ơi! Tụi nó ăn thịt người thiệt đó sao?
Há hoa chân múa tay:
- Ăn chớ sao không! Bộ không ăn thịt người thì làm sao mắt nó xanh, tóc nó vàng được. Mày thấy hôn, mắt mày, tóc mày đen quá cỡ mà! Bởi vì mày với tao là người chỉ ăn rau, ăn thịt bò, thịt heo, chớ có bao giờ ăn thịt người đâu.
Bình vùng lên:
- Thôi thế anh cho tui về, tui canh chừng má tui. Có khẩu súng này, gặp Mỹ là tui bắn bỏ!
Thấy luận điệu tuyên truyền của mình xoay sang một tình thế bất ngờ, thằng Há vội vàng nói:
- Mầy ngu như con chó vậy đó. Thịt má mày dai nhách, ai thèm ăn. Ăn là ăn mấy cổ kìa. Mấy cổ trắng ngần, thịt thơm thiệt là thơm.
- Thiệt hôn?
- Tao mà nói dối mầy tao cứ đi bằng đầu. Mày tin tao đi! Tao kinh nghiệm cuộc đời lắm rồi mờ.
- Nếu vậy tôi nhất quyết giết Mỹ lập công, vừa để trả thù cho mấy chị đó nữa.
Há vỗ tay:
- Hoan hô tinh thần cao! Phải cao như vậy mới được chớ. Bây giờ thì tao thua mày rồi đó, tao nói thiệt đó, nghe Bình!
Nhưng chỉ mấy tuần sau, thằng Há lại thay đổi lập trường. Nguyên do là vì ăn kham khổ quá, thằng Há thấy thèm một bữa thịt gà với măng tre. Nó xúi thằng Bình:
- Mày về thăm bả đi, coi bả có ốm đau gì hôn. Đi biệt cả năm, nghĩ cũng kỳ!
Bình sướng run lên:
- Thiệt hôn? Anh cho tui về thiệt hôn?
- Tao nói dối mầy tao cứ đi bằng đầu! Mà điều đi cho chóng, về cho nhanh. Tao lo giùm công tác của mày một hôm thôi. Mày về trễ, cấp trên khiển trách, mày ráng chịu.
Bình nhảy cỡn lên:
- Tui về thiệt lẹ! Một buổi thôi cũng được nữa là một hôm. Chừng nào tui đi? Sớm mai, được hôn?
- Được chớ sao không. Nhớ nghen! Chọn lấy đôi gà thiệt bự mang vô đây anh em mình nấu cháo ăn chơi nghe mày!
- Dễ ợt mà.
- Ờ thì dễ. Mà điều nhỡ má mày không cho thì sao?
Bình cười hì hì:
- Chả cho thì tôi lấy.
Há vỗ lên vai thằng bé bồm bộp ra chiều thông cảm:
- Đúng vậy đó. Đúng vậy đó. Chả lấy thì để làm chi? Nay mai tụi Mỹ về làng, nó chớp mất còn uổng bằng mấy!
Thế là hôm sau thằng Bình trở về ấp. Đặt chân lên chốn cũ, nó thấy cửa đóng then cài, vách gỗ ẩm mốc, mạng nhện chăng lưới rậm rịt. Ba má nó đã dọn nhà lên tỉnh ở từ hồi tháng trước. Nhìn ra chung quanh, cỏ mọc đầy lối đi, vườn tược xơ xác, gà qué ngoài chuồng cũng trống trơn chẳng còn dấu vết sinh hoạt gì trên khoảng đất hoang vắng đó.
Thất vọng, thằng Bình ngồi khóc một mình trên hàng hiên. Nước mắt của nó ướt đầm đìa hai bên má. Nó nhớ đến những kỷ niệm đã trôi qua. Những kỷ niệm chẳng lấy gì làm êm đềm, nhưng cũng khiến nó rạo rực và tiếc xót. Ở góc này, đã có lần tía nó xoắn tóc má nó vào bàn tay rồi lấy chân dận lên lưng má như người ta dầy xéo một con vật. Ở góc kia, đã có lần má nó ngồi khóc nỉ non ròng rã suốt một đêm trường. Trong lúc đó, tía nó chửi mắng mãi, mỏi mồm, nằm ngáy như sấm trên phản gỗ kê chắn ngang lối cửa ra vào. Ở trong nhà, Bình cậy vách nhìn ra, vừa nhìn mái tóc xõa xợi trên đôi vai gầy của mẹ, nó vừa thút thít khóc. Những kỷ niệm chua xót, não nề đó bỗng nhiên trở lại trong tâm trí của Bình như một cơn bão lốc. Nó chợt thấy tất cả những hành động vô lý của mình khi bỏ nhà ra khu ròng rã trong tám tháng trời, không một lần bén mảng trở lại thăm chốn cũ. Tía nó bây giờ ra sao? Má nó bây giờ thế nào? Ôi, chưa bao giờ thằng Bình thấy tiếng gọi của gia đình thiết tha và hối thúc cấp bách như lúc đó. Càng nghĩ nó càng rầu rĩ. Càng rầu rĩ nó càng khóc. Khóc chán nó mệt mỏi nằm lăn ra thềm đất ngủ vùi.
Đến lúc nó tỉnh dậy thì có một bàn tay xương xẩu đang rờ rẫm trên mặt của nó. Trời bên ngoài đang chập choạng tối. Dưới làn ánh sáng mờ mịt của thời gian tranh tối tranh sáng, nó thấy thân hình gầy guộc của lão Đối in rõ trong khoảng không gian mờ đục trước mắt. Nó hốt hoảng choàng dậy và nhớ đến thanh mã tấu ghếch ở chân cột. Thanh đao còn đấy, lưỡi sắc của nó sáng lên một cách lạnh lẽo. Đó là vật hộ thân của Bình được thằng Há dúi vào tay sau khi tước đi của nó khẩu súng. Há nói:
- Mày để súng lại kẻo một mình mày ở đó nhỡ có gì thì mất uổng. Phòng thân bằng thanh mã tấu này là đủ chán rồi. Mã tấu thứ thiệt đó, nghe em. Một mình nó cũng ăn sơ sơ ngót một chục cái đầu rồi đó!
Trong một giây hốt hoảng, thằng Bình nhoài ngay lại phía chân cột và bàn tay cầm lấy thanh đao. Nhưng lão Đối đã cất tiếng:
- Thằng Bình phải hôn?
Bình rụt rè:
- Tôi đây!
- Chèn ơi! Mầy coi trời bằng vung! Dân vệ mà vô tới thì rồi đời mầy rồi còn gì.
Bình cãi:
- Tụi họ ở “ngoải”, có vô đâu mà lo.
- Hừ, cấp này không giống như hồi xưa đâu con! Họ đi tới, đi lui, rỏn trong đây hoài hà.
Thấy thằng Bình im lặng, lão tiếp:
- Mầy nhớ thằng Thành hôn?
Bình gật đầu:
- Nhớ!
- Hồi trước mầy lấy súng của nó phải hôn?
Bình im lặng không đáp, lão tiếp:
- Nó phải bán ba sào đất lấy tiền đền cây súng, lại chạy chọt mãi mới khỏi đi tù. Nó hứa gặp mày là nó cắt gân, đừng coi thường, con ạ!
Thằng Bình nghe nói lạnh buốt xương sống. Nó e ngại nhìn ra chung quanh. Nó tưởng như hình dáng to lớn phục phịch của gã đàn ông đang hiện ra trong bóng tối, giương cặp mắt đỏ ngầu lên nhìn nó. Bàn tay của nó nắm chắc lấy cây đao. Tuy thế, hình như những tóc gáy của nó cũng đang bắt đầu dựng ngược lên. Bầu không khí bỗng trở nên đầy đe dọa. Một lát, lão Đối nói:
- Đi qua bên đây. Chắc mầy chưa ăn gì phải hôn?
Bình lầm lũi đứng dậy. Nó theo lão Đối băng qua con đường đất nhỏ và tiến về phía căn nhà của lão ẩn sau một lùm cây. Vào giờ ấy, sự sinh hoạt trong ấp Vĩnh Hựu như chìm lắng hẳn đi. Sau khi khêu ngọn đèn đất lên cho vừa đủ sáng, lão Đối lụi hụi đi lấy cơm cho thằng Bình ăn. Nó nhai nhóp nhép trong bóng tối. Tuy đói cồn cào nhưng miệng nó vẫn đắng lại. Những cọng dưa trong mồm gây cho nó cái cảm giác như mình đang nhá một mớ cỏ. Trong lúc đó, lão Đối vừa ngồi ngắm nó ăn, vừa im lặng hút thuốc phì phèo. Lâu lắm lão mới nói:
- Bây giờ mầy ở đâu?
- Tuốt mé trỏng!
- Có cả thằng Há ở đó chớ?
- Dạ, ở cùng chỗ mà bác.
- Nó mạnh không?
- Ảnh khỏe như voi.
- Nó làm gì ở trỏng?
- Huấn luyện viên quân sự
- Le dữ! Còn mầy?
- Liên lạc lăng nhăng!
- Đi như vậy mà không tìm cách lén về thăm má mầy vài lần. Tội nghiệp bả, chẳng hôm nào bả không khóc vì mầy.
- Bây giờ bả đâu bác?
- Lên tỉnh rồi. Cả tía mầy bây giờ cũng làm ăn lớn lắm ở trển.
- Làm gì?
- Chung thầu với ai cái gì đâu, làm sao tao biết.
- Mơi cháu tìm lên trển, được không bác?
Lão Đối giật mình:
- Mầy tính bỏ hàng ngũ rồi lên đó hả?
- Bỏ!
- Bộ chán rồi sao?
- Không biết nữa. Mà điều cháu muốn gặp má cháu.
- Coi chừng đó. Mầy lên tỉnh không có giấy tờ, người ta bắt được, điều tra ra cái vụ ăn cắp súng thì lôi thôi to.
- Cháu con nít thế này, ai mà bắt.
- Thì phải lo xa như vậy chớ.
- Mà điều bác biểu có nên không?
- Nên chớ sao không. Tao còn mừng! Để tính coi có cách nào đi thoát chặng cột cây số không. Thằng Thành bây giờ lập thêm vọng canh ở đó.
- Cháu chun vô bồ, bác gánh đi được không?
- Mầy nói dễ nghe, Tự nhiên tao khiêng bồ đi đâu, làm chi? Nó nghi tất nó khám chớ.
- Hay cháu đi vòng quanh mé đồng, bọc lối Đầm Tròn bên quốc lộ. Sáng sớm mai bác đón cháu ở quán bà Quới, được không?
- Bộ mầy tính tao phải dẫn mầy lên tỉnh sao?
- Cháu năn nỉ bác đó. Cháu đi một mình người ta nghi. Có bác bảo đảm, ai xét giấy làm chi.
- Vậy cũng được.
- Sớm mai, nghe bác. Bác đi càng sớm càng hay.
- Còn mầy?
- Bây giờ cháu lên đó. Đêm thế này, dễ luồn lọt ngõ ngách, bác à.
Lão Đối không đáp dụi mẩu thuốc lá cuối cùng vào cột gỗ rồi ngồi trầm ngâm. Trời bên ngoài không trăng sao. Nền trời tối đen như mực Thỉnh thoảng ở trong khoảng mênh mông mù mịt đó lại vọng lên tiếng động cơ của những chiếc máy bay nặng nề đi ngang qua ở độ rất cao. Quanh quất trong những vũng mương gần đó, đôi lúc lại có tiếng ếch nhái quậy nước làm vang lên những tiếng lũm bũm. Âm thanh tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm khuấy động cả một khoảng không im lặng nặng nề, như một sợi dây đàn căng thẳng chỉ cần một sự đụng chạm rất khẽ cũng đủ rung lên những tiếng chát chúa.
Căn phòng của lão Đối như hẹp thêm lại, khoảng ánh sáng leo lét của ngọn đèn yếu đuối không với tới mấy cái chân cột. Chỉ còn những mảng vàng vọt đục lờ in trên vách gỗ làm nổi bật lên bóng dáng của hai ông cháu được phóng to gấp ba bốn lần. Ngồi im một lát thằng Bình đứng dậy. Nó nói:
- Thôi cháu đi. Hẹn ông sáng sớm ngày mai nhé, ông Đối.
Lão Đối khẽ gật đầu. Lúc thằng bé lách qua cánh cửa, lão mới nói với theo:
- Cẩn thận đó, nghe con.
Thằng Bình quay lại nhoẻn một nụ cười gượng gạo. Không còn vẻ hồn nhiên nào in trên nét mặt thơ ngây của nó nữa. Hai hàm răng trăng nhởn như quá lộ liễu trên khuôn mặt vêu vao. Cho đến giây phút đó, lão Đối mới thực sự cảm thấy nó xa lạ với mình. Ngần nấy tuổi đầu, sống bám vào mảnh đất quê hương dai như sức sống của những con đỉa đói trong Đầm Tròn, tất cả mọi sự kiện nào xảy ra ở đây, dù là một thân cây mục ruỗng, một bồn cỏ héo úa, một con gà chết dịch hay một nhân vật trái nắng trở trời, lão đều thông suốt như tất cả mọi phần huyết mạch chạy trong thân thể cằn cỗi của lão.
Vậy mà bây giờ nhìn thằng bé, lão thấy như giữa mình với nó có một sự cách biệt sâu xa. Lão tự hỏi cái gì đã làm cho lão cảm thấy điều đó? Phải chăng bây giờ nó không còn chia xẻ với lão nếp sống nhọc nhằn ở đây, bây giờ ý nghĩ của nó không hòa cùng ý nghĩ của lão về một trận banh tròn, một đám tế lễ ồn ào, náo nhiệt hay về thời tiết ảnh hưởng đến đời sống của toàn thể mọi người trong ấp Vĩnh Hựu. Ôi! Cái thuở xa xưa ấy như chìm lỉm trong tiềm thức dai dẳng của lão. Chúng nó có thể không nhớ, nhưng lão thì chẳng thể nào quên được. Đó chính là cái nguyên do mà lão không rời bỏ chốn này, cho dù súng đạn, chết chóc vẫn xảy ra hàng ngày như cơm bữa.
Lúc thằng Bình đi khỏi và tai lão đã lắng nghe thấy tiếng chân của nó tan biến hẳn vào bóng đêm tịch mịch, lão Đối mới bắt đầu cài cửa và lên nằm duỗi dài trên phảùn gỗ. Giấc ngủ đến với lão chập chờn. Hình ảnh của gia đình lão, gia đình thằng Hoanh, thằng Bình và tất cả mọi người mà lão quen thuộc hình như thấp thoáng ẩn hiện trong ý nghĩ của lão.
Cho đến lúc có từng tràng đạn nổ dài xé rách bầu không khí tĩnh mịch xen với tiếng reo hò từ xa vẳng lại, lão mới giật mình thức giấc. Lão nhỏm phắt người lên và nhảy bổ lại phía vách nghe ngóng. Tiếng súng vẫn vang lên ở gần đó một lát, trở thành rời rạc lẻ tẻ, rồi im hẳn. Tim lão Đối đập mạnh trong lồng ngực. Mạch máu của lão như đông cứng lại đến tê dại cả tay chân. Lão lẩm bẩùm cầu khấn cho thằng Đực không phải là nạn nhân.
Sáng hôm sau lão Đối y hẹn lần mò lên cột cây số từ sáng sớm. Nhưng lão không thấy thằng Bình. Trong bầu không khí ẩm ướt còn vương vất sương mờ buổi sớm, lão chỉ nghe thấy tiếng động thanh thoát của những con “tè hoét” vọng xuống từ những lùm cây cao và tiếng cành khô rơi rụng trong từng đám cỏ xanh mượt lóng lánh những giọt sương mai. Mãi đến khi trời sáng hẳn lão mới thấy Hoanh lững thững xách súng từ đồn về ấp nghỉ ngơi. Lão vội hỏi:
- Đêm qua có chuyện gì thế?
Hoanh đáp:
- Thằng Bình! Trời đất ơi, thằng nhóc mà to gan. Bác có thấy nó về trỏng hôn?
- Bình nào? Có ai ở đâu ra mà thấy.
- Thằng Bình ở kế bên nhà bác đó. Một hồi nó cướp súng rồi trốn ra bưng bác không nhớ sao.?
- Ừa! Mà nó làm sao?
- Đêm qua nó lại mò về. Thế mới gớm chớ. Chỉ thiếu có chút xíu nữa là cháu chộp được nó rồi.
Lão Đối mừng rơn trong bụng:
- Thiệt hả?
Hoanh kể:
- Hồi hôm cháu ngồi đi tiêu ở mé xế cây gòn tuốt đầu kia kìa. Trời tối đen như mực, cháu đâu có thấy cái gì. Tới chừng trở về đến chỗ ngoẹo vô con đường ra chẩn y viện đó, thì cháu đụng ngay phải nó. Cháu hết hồn tưởng ai. Cháu mới lên tiếng thì nó ấp úng không trả lời. Tới lúc rọi đèn bin vô ngay mặt thì té ra thằng Bình. Trời ơi! Cái mặt nó ai mà quên. Cháu bèn sấn tới thì nó vùng lên chạy. Uổng quá, nếu không chới với tại cây đèn thì cháu hạ nó cái một rồi.
- Rồi nó đâu?
- Chắc nó lết tuốt vô trong đồng rồi chớ còn đâu?
Tim của lão Đối thót lại:
- Sao lại lết? Bộ nó đau hả?
Hoanh đắc chí mỉm cười:
- Chẳng đau thì cũng thành tật, bác à. Cháu lớ quớ vậy chớ cũng còn đủ thì giờ lia cho nó một băng. Hiềm vì tối quá nên chắc nó chỉ bị thương thôi. Hồi sáng này cháu có trở lại chỗ đó để dò la manh mối thì thấy có nhiều vết máu trên cỏ, chẳng của nó thì ai?
Lão Đối lặng người đi không đáp. Im lặng một lát, lão từ biệt gã đàn ông rồi lững thững trở về. Chưa bao giờ lòng lão thấy bồn chồn và nóng nẩy như thế. Lão hình dung ra hình bóng nhỏ bé của thằng Bình chạy biến vào khoảng tối mù mịt. Theo dấu chân của nó là những giọt máu in trên lối cỏ. Nó bị thương ở đâu? Làm thế nào lão có thể biết được? Lão cầu cho nó có đủ sức trở về được chỗ trú đóng để không phải nằm hấp hối một mình giữa đồng không mông quạnh.
Câu chuyện đó rồi bẵng đi, đến gần hai tháng sau lão Đối mới lại được tin của nó. Quả nhiên Bình chưa chết mà chỉ phải nằm điều trị có hai tuần lễ. Nó bị bắn thương tích ở đùi và hai tay của nó vẫn còn cầm súng được nên thằng Há vẫn sử dụng nó theo đúng khả năng. Ít lâu sau Bình trở về ấp Vĩnh Hựu lần thứ hai. Nhưng lần này nó đi thành toán đông đảo. Mặt trận đã mở màn ở Phú Sơn, khai mạc cho chiến dịch mùa mưa sắp tới. Nhiệm vụ của thằng Há là phải tăng cường phá hoại để khuấy rối hậu phương địch, ngõ hầu yểm trợ cho những toán chủ lực Miền giữ vai trò chủ động chiến trường. Lao đầu vào công tác mới mẻ này, thằng Bình không thọ thêm được vài tuần lễ.
- Mình ngã một con rồi. Thằng Bình đó. Bữa nào có người lên tỉnh, tía nhắn cho ông già, bà già nó hay.
Lời nói của thằng Đực có giá trị như một bản khai tử gửi gấm vào trí nhớ bền bỉ của lão Đối. Từ ngày nổ súng, nghiễm nhiên lão biến thành một thứ sổ hộ tịch ghi chép số người ngã xuống, cả bên này lẫn bên kia. Thằng Xương, thằng Hiệu, thằng Viện, thằng Nam, thằng Tề, thằng Bình. Và rồi còn ai nữa trong những ngày khói lửa mỗi lúc một kinh hoàng sắp tới?