gọc có quyết định táo bạo: anh sẽ đến gặp Nữ Chúa để bàn việc hợp tác chống lại lão già tù trưởng. Hùng và Hồng Liên cản lại, anh bảo: - Anh Hùng - tên nghe hay lắm nhưng lại... nhát như thỏ. Hồng Liên cũng thế. Phải can đảm lên chứ. Ít ra ta cũng có được nơi ăn chốn ngủ, khỏi bị rắn tấn công như đêm qua... Hùng chen ngang lời: - Nếu thành công? - Phải thành công chứ. Anh biết sơ ít tiếng nói của họ rồi. Giản dị lắm. Anh chắc chỉ gồm vài trăm chữ là cùng. Thường những bộ lạc thiểu số có tiếng nói giản dị vì không có nhiều vấn đề trừu tượng, phức tạp như trong xã hội chúng ta. Liên vẫn e ngại cô Nữ Chúa ăn thịt người cầm quả tim và buồng gan loang máu: - Lỡ không thành công? - Thì đành chịu. Hậu quả ta không đoán trước được. Tính nết và tình cảm của họ thay đổi bất thường mau như cái chớp mắt. Nhưng nếu ở lại đây, ta cũng sẽ chết. Hai em có nhận xét gì không?. Con rắn ghê gớm bị chết hôm qua là của lão tù trưởng nuôi đó. - Đúng lão sai khiến rắn cắn chết chúng ta. - Tình hình gấp lắm rồi. Hai em hãy nghe lời anh. Ba người xăm xăm đi theo con đường mòn rất thô sơ về hướng Nữ Chúa đã đi hôm trước. Những người mọi sống bán khai xuất hiện trong những hốc đá nhỏ, xanh sẫm màu rêu. Ngọc đàng hoàng tiến lại. Một bọn bảy, tám người bao quanh anh và hai đứa bé. Những chiếc vồ đá nặng và gai góc giơ cao nhưng chưa kịp hạ xuống thì Ngọc hét lên rất to: - U. Chữ U rõ như tiếng nói phát ra từ miệng Nữ Chúa. Cả bọ ngừng tay hạ vồ. Ngọc nói tiếp một câu dài, thấy họ ngơ ngác. Anh vừa ra dấu, vừa nói lại với những chữ khác rất chậm. Một tên vụt chạy đi mất. Cả bọn còn lại dậm một chân xuống đất liên tiếp. Ngọc muốn xác nhận mình muốn gặp Nữ Chúa nhưng không dám nói hay ra dấu nữa sợ bị hiểu lầm thì khổ. Hùng và Hồng Liên không hiểu chữ nào, đành đứng yên không nhúc nhích, trông cậy vào anh Ngọc. Giây lát tên ban nãy trở lại, nói xí xố với những tên kia và cả bọn bỏ ngay vũ khí ùa vào bắt lấy tay chân khiêng ba bạn trẻ của chúng ta đi. Vùng vẫy không thoát nỗi vì chúng rất khỏe. Hồng Liên khóc lớn: - Má ơi, Ba ơi! Con bị làm thịt... - Im đi Liên. - Hùng gắt gỏng. - Tại anh đó. Ban nãy anh Ngọc bảo để mình anh vào trước, nếu êm xuôi sẽ gọi chúng mình. Anh không nghe. Bây giờ thì... chết cả. Ngọc cố nói vọng qua hai em: - Không biết làm sao lạ thế này. Anh nghe rõ ràng Nữ Chúa bằng lòng tiếp và cho phép mình vào gặp cô ta mà. - Em... không tin tưởng vào tài thông dịch của anh nữa. Liên mếu máo. Và chính Ngọc cũng không tin tưởng vào sự hiểu biết của mình nữa. Tại sao anh nghe một đàng mà bọn mọi lại hành động một nẻo? Hóa ra thế này là chính mình dại dột dẫn xác đến cho chúng một bữa ăn ngon miệng. Ngọc, Hùng và Liên bị khiên đi đi cả mười lăm phút. Một chiếc hang đá rộng rãi với Nữ Chúa đang chờ ở cửa đón họ. Nét mặt cô ta lạnh lùng khó hiểu như bao giờ. * * * * * Nữ Chúa ngồi trên một phiến đá vuông. Tất cả người mọi khác đều đứng. Ba bạn trẻ cũng đứng. Liên thấy Hùng và anh Ngọc lạ quá, bật cười quên cả sợ. Vì hai anh ấy đóng khố cũng như con bé mặc váy ngắn, y phục của bộ lạc này. Lũ người hùng hổ kia lôi cổ cả ba và một góc phía sau hốc đá, lột hết quần áo mặc trên người và thảy cho hai chiếc khố, một cái váy. Liên đang lúng túng thì được “mặc giùm” ngay. Mười phút sau, tất cả được đưa vào đây. Anh Ngọc đứng thẳng người. Và hét như cách đây nửa giờ đồng hồ một tiếng quen thuộc: - U. Nữ Chúa lắc đầu. Thế là nghĩa lý gì? Cô ta nói, líu lo như chim. Nét mặt Ngọc tươi lên và thông ngôn cho hai em nghe: - Nữ Chúa bảo bất cứ ai muốn gặp mặt cô ta đều phải mặc y phục theo bộ lạc. Cô hân hoan chào mừng ba chúng ta. Liên phê bình: - Anh Ngọc nói dài như thế chắc có thêm thắt vào rồi. Có là thánh mới hiểu hết Nữ Chúa nói gì. Ngọc hơi đỏ mặt: - Thì mười phần hiểu ba bốn là hay rồi. Liên khó tính quá. Để anh nói chuyện chứ. Ngọc giơ tay mặt ngang ngực đưa ra một góc chín mươi độ. Liên hạ thấp giọng nói với Hùng: - Anh Ngọc biến thành chúa mọi da đỏ từ hồi nào vậy anh Hùng? Nếu có thêm mũ lông chim trên đầu nữa thì... anh sẽ được mời sang Mỹ đóng phim cao bồi ngay. - Anh đang dùng... ngôn ngữ quốc tế đấy. Chợt Hùng nghĩ ra điều gì, vò đầu bứt tai: - Anh ngu quá Liên ơi! - Anh nói gì? - Ban nãy mình phải một mẻ hết hồn. Đáng lẽ ra ta phải để ý bọn họ đã bỏ hết khí giới xuống đất rồi... mới khiêng mình đi thay quần áo. Chúng không có ý hại mình. - Ờ nhỉ... Nhưng dù có nghĩ kịp điều ấy em vẫn sợ như thường. Đống lửa khét mùi thịt người... ghê quá. Hai đứa tán nhảm trong lúc anh Ngọc đóng vai thuyết khách đang trổ hết miệng lưỡi Tô Tần chiếm đoạt bằng được sự hợp tác của cô Nữ Chúa. Ngọc đã nghĩ và nói thẳng thắn rằng chính lão tù trưởng giả hiệu kia là nguồn gốc sự thù hận của hai bộ lạc anh em, cùng sống chung trên một mảnh đất cách dòng sông, cùng nói chung một ngôn ngữ và đời sống anh hùng. Nữ Chúa chẳng biết có hiểu ý anh Ngọc không nhưng nét mặt cô ta vui vẻ, tươi sáng lên. Có những lúc cả hai người cùng nói và... không ai hiểu ai cả. Nhưng họ... lại tiếp tục câu chuyện trong sự thoải mái, cởi mở dễ chịu. Nữ Chúa không la hét hay đập vồ đá xuống sàn mà Ngọc vốn chất nóng nảy cũng không đỏ mặt khoa chân múa tay như thường lệ. Bỗng có một người mọi chạy vào tâu với Nữ Chúa điều chi đó. Mặt cô ta sầm lại. Cô ta bước ra khỏi hang dẫn đầu một đoàn thuộc hạ hướng về bờ sông rất nhanh. Ba bạn trẻ đành theo sau, chờ đợi một lời giải thích đến phát nổi đóa mà Nữ Chúa vẫn câm như hến. Ngọc hỏi hai ba lần, cô ta phát lờ. - Hoặc Nữ Chúa khinh người hay cô ta đớ lưỡi? Con người bốc đồng Hùng rủa thầm. Thỉnh thoảng Nữ Chúa quay lại liếc nhìn ba bạn với ánh mắt như điện. Ngọc rùng mình, bất giác không hẹn mà ba bạn cùng nghĩ đến đống lửa to... đống lửa và những con người mồi béo... Bờ sông thoai thoải cát hiện ra. Lão già tù trưởng đã sừng sững oai vệ bên bờ kia, đầu băng vải nâu bằng sợi gai. Lão nói rất lớn, vọng qua bên sông: - U. Nữ Chúa đáp lại: - U. Hình như họ chào nhau một cách... vương giả vì cả hai cùng cầm đầu một bộ lạc. Ngọc, Hùng và Liên muốn lẩn vào một gốc cây to tránh mặt lão già nhưng không kịp. Bãi cát trơ trọi, rừng cây cách nơi đang đứng khá xa. Ngọc thu hết can đảm đứng thẳng người, chếch sau lưng Nữ Chúa. Một liều ba bảy cũng liều. Lão già chỉ ngay vào Ngọc, Hùng và Hồng Liên mà nói một câu ngắn, rất hùng hồn. Nói lớn phải nói chậm, nhờ thế Ngọc nghe rõ từng chữ. Anh toát mồ hôi bảo hai em: - Lão già muốn bắt chúng ta. Lão bảo ta đã giết nhiều người ở bộ lạc lão và trốn sang bên này. - Xạo... lão tù trưởng khốn nạn. Không dằn được, Liên hét to át cả tiếng Nữ Chúa vang đến bờ bên kia. Lão già hơi nhăn mặt, hai mắt đỏ như miếng tiết lợn trong lò sát sinh. Ngọc ra dấu cho Nữ Chúa im lặng và nói bằng tiếng Việt: - Chúng tôi đã biết bạn là người đồng bằng như chúng tôi. Sự giận dữ của bạn là một bằng chứng hiển nhiên. Bạn nghe hiểu và nói được tiếng Việt. Tại sao bạn lại tìm cách hại chúng tôi? Nữ Chúa và những người man dã ngơ ngác. Lão già không thèm đáp lời Ngọc quay mặt ngoảnh đi, tiếp tục nói tiếng thổ ngữ với Nữ Chúa. - Lão muốn tặng quà cho Nữ Chúa, Liên ạ. - Thế thì ta nguy rồi, anh Ngọc. Dù sao bọn họ nói với nhau dễ dàng hơn. Và... lão giàu có hơn mình đắm thuyền tay trắng. - Em chu đáo lắm nhưng... nơi đây là rừng xanh chớ đâu phải Sài Gòn. Kim cương mua được gì? Đổi được gì? Cho họ kim cương họ còn không thích bằng củ khoai đỏ đưa đến khi đói bụng. Hùng hiểu ngay: - Phú ông xin đổi mâm xôi, Bờm cười. Anh nói đúng, nhưng em vẫn nghĩ đâu phải lão chỉ có kim cương. Lão phải lựa món gì Nữ Chúa thích để tặng chứ. Một cặp vịt bơi ngang sông sang bờ bên này... nhưng trông giống giống mà không phải vịt. Hai con vật to hơn, lông màu nâu và xám, lướt như bay trên sóng nước. Nữ Chúa có vẻ thích thú, hồn nhiên như đứa trẻ quỳ xuống bắt chúng lên ngắm nghía. Liên ngạc nhiên kêu lên: - Anh Ngọc nhìn kìa: cổ chúng có đeo vòng sắt. Để làm gì hở anh? Ngọc không chớp mắt: - Vòng sắt có thể tháo ra được... không có thư gởi Nữ Chúa gì cả và có lẽ... hai bộ lạc này chỉ có tiếng nói chứ chưa có chữ viết. Hay lão biếu Nữ Chúa hai con ngan để cô ta ăn thịt? Hùng cãi: - Đâu có phải con ngan mà anh kêu con ngan? - Tạm gọi thế đi... anh định... Nữ Chúa thả ngan ra. Ba bạn vội theo dõi hai con vật, Ngọc quên cả nói. Chúng lội xuống sông, thò mỏ xuống nước rồi nhấc lên rất nhanh. Hai con cá lớn bằng bàn tay trẻ con đã được cắp ngang mỏ vàng. Chúng bơi lên thả hai con cá tươi còn dẫy đành đạch xuống cát. Rồi lùi ra xa, đứng một chỗ kêu tíu tít. Nữ Chúa vui vẻ thảy hai con cá cho đám dân phía sau vồ lấy, tranh nhau ăn sống. Ngọc vỗ trán lẩm bẩm: - Trong Larousse hình như có vẽ loài vật này. Mỏ tày, chân có màng nối liền các ngón, được các ngư phủ nghèo ở Nhật Bản và Trung Hoa dùng nhiều... Tên là chim gì nhỉ? Cổ đeo vòng... A! Cormoran. - Chim Cormoran? Hùng hỏi. - Phải. Đó là một giống chim ăn cá. Những ngư phủ không có tiền mua dụng cụ chày lưới mắc tiền bắt chúng về huấn luyện. Chiếc vòng sắt đeo ở cổ là để chúng không thể nuốt trôi con cá xuống bầu diều được. Và chúng phải làm việc. Sau mười con, hai chục con cá được đưa lên bờ, ngư phủ mới tháo vòng cho chúng xuống nước ăn no một lần. Liên phải cúi mặt trước tia nhìn của Nữ Chúa trở nên long lanh, chói sáng như ngọn đèn 1000 Watt. Ngọc vội la lên bằng tiếng thổ ngữ, tay móc con dao bấm sắc xanh quý giá, vũ khí tự vệ cuối cùng của anh và hai em đưa cho Nữ Chúa. Một món quà tặng khác. Nữ Chúa không có dao, và từ lâu cô ta thèm một con dao lưỡi quắm như của lão tù trưởng. Ngọc may mắn đánh trúng nhược điểm tâm lý đó của cô. Con dao là món quà quý giá không thua gì cặp chim Cormoran. Lão già lại nói, tỏ vẻ ép buộc nhưng Nữ Chúa không chịu, quay về. Ngọc dịch lại: - Lão muốn Nữ Chúa trao chúng ta cho hắn ngay nhưng Nữ Chúa bảo để cô ta còn suy nghĩ lại. Liên bàn rất... đúng lý: - Nếu lão tặng cô ta thêm một món quà thứ hai là... chúng ta lâm nguy. - Biết làm sao bây giờ? Đêm hôm đó, mưa to gió lớn. Chưa khuya lắm nên ba anh em còn thức nói chuyện quanh một cây đuốc thô sơ cháy bằng nhựa cây rừng. Lửa nóng và hơi khói ngột ngạt, nhưng có tác dụng chống lại khí lạnh núi rừng ban đêm nên có đốt đuốc vẫn dễ chịu hơn nằm trong bóng tối. Một tiếng kêu quang quác xé không gian. Rồi tiếng ầm ì như sấm động. Phút chốc, ba bạn có cảm giác như đang bị bao vây bởi những con người không lồ, vô hình và dữ tợn. Ngọc phóng chạy ra khỏi hang đá, tìm một người mọi nói chuyện. Anh ta đáp: - Thần Quỷ Vương đang lên khỏi lòng đất. - Thần là Thần, mà Quỷ Vương là Quỷ Vương. Anh không phải sợ hãi và né tránh không dám kêu tên gì cả. Tôi sẽ giúp anh. Thế Quỷ Vương xuất hiện từ bao giờ? - Lâu lắm rồi. - Bao nhiêu... Ngọc muốn hỏi bao nhiêu năm, nhưng hình như danh từ năm không có trong ngôn ngữ của bộ lạc. Nhanh trí khôn, anh chuyển ngay câu hỏi: - Lúc đó anh sinh ra chưa? - Mới đẻ ra thôi, còn nhỏ xíu. Anh ta còn trẻ, độ hai mươi tuổi. Và thời gian Quỷ Vương xuất hiện như thế cũng khoảng hai mươi năm. Hai mươi năm... Con số đặc biệt đánh dấu sự có mặt của lão tù trưởng trong vùng đất hoang dã này. - Cứ chừng bốn tuần trăng, Thần Quỷ Vương xuất hiện một lần vào đêm nào mưa gió. Thần... hiện ra trên vách đá đó... Tôi phải vào hang ngay. Anh ta quày quả đi như chạy. Ngọc đứng lại, kiên nhẫn chờ Quỷ Vương. Những bóng đen hình người, đầu có sừng cong như sừng trâu, dáng kỳ lạ, tay vuốt nhọn dài thi nhau nhảy múa, làm điệu bộ giận dữ, dương oai. - Chắc là do ánh trăng chiếu qua cây cối mà thành ghê rợn giữa đêm khuya. Tiếng hú và chân người rầm rập trong hang núi bên kia sông vẫn tiếp tục. Những người vô hình. Ngọc hơi hoảng, tự trấn an: - Gió thổi rung rinh cành lá làm nên những hình động đậy... Như trả lời gián tiếp là anh nhận xét lầm, cùng lúc những hình ảnh và âm thanh gia tăng cường độ. Nghe giống tiếng người rên rỉ lúc bị thương. Tiếng rên ầm vang cả rừng núi. Đồng thời gió bặt hẳn đi. Cây cối bất động như những hình địa khai trên đá trầm tích. Một mùi hương lạ từ đâu bay lại. Ngọc choáng váng. Trước khi gục hẳn, đầu anh lóe lên tia sáng sau cùng: anh đã ngửi thấy mùi hương này ở hốc đá đầu tiên, lúc còn sống tự do với anh em Hùng và Liên. Cố gắng, Ngọc nín thở, bịt lấy lỗ mũi chạy vào hang đá của Nữ Chúa. Có người mọi gác, anh hét to: “U”, rồi mặc hắn ngơ ngác đứng nghiêm, anh phóng mình vào trong. Nữ Chúa đang ngủ, Ngọc dựng cô ta dậy ngay và nói rất vắn tắt, rất mau: - Lát nữa đây, lão tù trưởng sẽ kéo quân đến tấn công. Lão dùng hương mê để mọi người gục hết cho dễ hành động. Nữ Chúa ngạc nhiên, mở tròn mắt vẻ không tin. Ngọc phải chỉ tay vào ngực mình: - Chính tôi đã bị lão xông hương mê giam cầm trong nhà đá. Nữ Chúa ra lệnh cho mọi người chạy ra khỏi hang đá mau lên, cấp bách lắm rồi. Vì sợ Quỷ Vương xuất hiện, họ ở trong hang hết, rất dễ bị mê trong khoảng không gian chật hẹp. Dĩ nhiên là Ngọc không nói được một mạch trơn tru như ý của anh. Lúc nào bí... anh nói đại tiếng thổ ngữ của người mọi lái thuyền nan vì bộ lạc ấy ở gần nhà anh, anh thông thạo từ phong tục, tiếng nói, ngày Lễ, ngày Tết của họ. Ngọc nghĩ rằng dù sao Nữ Chúa cũng dễ hiểu thổ ngữ kia hơn là tiếng Việt. Nữ Chúa hét lanh lảnh những tiếng rất cao. Cô ta đã hiểu ý Ngọc và truyền lệnh cho thần dân. Họ run sợ, trù trừ trong hang đá không ai chạy ra. Ngọc vội hiến kế: - Nữ Chúa nói là Quỷ Vương sắp vào trong hang bắt từng người một ăn thịt. Phải chạy mau khỏi hang đá và mang theo vồ đá nữa. Đám đông người nhốn nháo chạy thoát ra. Nữ Chúa cầm đầu. Họ đều choáng váng, có người yếu sức đã lảo đảo. Hùng vội bảo anh Ngọc: - Anh nói với Nữ Chúa bảo họ bịt mũi, nín thở như em và Liên đây nè. Thì ra hai đứa đã thức dậy và theo sát Ngọc từ khi nào. Mãi giúp đỡ Nữ Chúa chỉ huy dân mọi thoát khỏi mưu kế tù trưởng, Ngọc quên... mất hai em. Liên nói: - Hay ta đi ngược lên đầu gió cho khỏi bị hương mê lan đến? - Ý kiến hay... nhưng anh chắc bọn người bộ lạc kia chờ sẵn ở đó rồi, Liên ạ. Chúng đợi đủ thời giờ cho bên này ngã quỵ hết sẽ xông vào làm cỏ. Vậy bây giờ phải đi ngang hướng gió và đi thật xa. Tuy không có lợi mấy nhưng đụng độ nên tránh nếu có thể được. Cả hai bộ lạc bán khai này đều vô tội. Người đáng chết là lão già. Đến địa điểm thuận lợi, Ngọc nói với cô Nữ Chúa cho tất cả phục sẵn. Những thanh niên khỏe mạnh giữ chắc vũ khí. Còn đàn bà, trẻ con, người già nua bệnh hoạn thì lánh ra sau lưng họ. Nữ Chúa rút dao bấm cầm tay. Ngọc không hiếu chiến, nhưng quân tử phải phòng thân trước lũ người điên cuồng của bộ lạc thù nghịch. Tất cả chờ đợi giáp mặt đối thủ. Bầu không khí thoảng hương mê không đủ sức làm họ gục nữa. Nhưng nó vô cùng nặng nề, căng thẳng.