Chương III

     áng hôm sau, Phát hý hửng cỡi ngựa của anh mình đi từ sớm tinh sương. Con đường xuyên qua khu đất có hầm đá, cạnh cái nhà vắng vẻ mà bác San cư ngụ mười mấy năm nay tại làng Vệ. 
Chao! Cảnh vật sao mà tiêu điều, non đến thảm! Lão San thật ngu độn nên mới chọn chỗ này mà dựng nhà. Phát nghĩ thầm. Hầm đá bỏ hoang, nước mưa lẫn bùn sình ngập dễ đến nửa hầm. Cây cối xung quanh thì khẳng khiu, héo úa, cành chia chỉa lên trời trong xa như những cánh tay giơ lên kêu cứu vậy! «Có các tiền vàng, ta cũng không thèm ở chỗ đèo heo hút gió thế này!»
Chợt, Phát nghĩ thêm: mà thằng cha thợ dệt cặm cụi suốt ngày làm việc nhiều, ăn tiêu ít đó dùng tiền vào việc gì kìa? Chậc! Lão siêng năng đấy chứ! Mới tinh mơ đã kèo kẹt trên khung cửi. Ngu thậm là ngu! Không biết tận hưởng cuộc đời, chết để của cho ai? Đưa mình tiêu cho lại hóa hay! 
Ngồi trên lưng con ngựa quí của anh, hắn vừa thả lỏng dây cương, vừa băn khoăn thấp thỏm về số tiền của bác San. Chả mấy chốc Phát đến hội săn. 
Quả nhiên, từ xa, Kỳ và Bích thấy dạng con Công Chúa vội vàng ra đón. Họ nhận ra Phát, ngạc nhiên: 
- Chào Phát! Hôm nay mặt trời mọc hướng tây, lạ nhỉ? 
Phát ỡm ờ: 
- Thế nào là mặt trời mọc hướng tây? 
Hai người trẻ tuổi cùng cười khúc khích: 
- Thì cái việc anh chịu rời sòng bạc, quán rượu để đi săn với tụi này. Nhất là anh Tấn vui lòng cho anh mượn ngựa. 
- Cho mượn? Các anh nói nghe tức dội cả tai. Ông anh Cả của tôi mà hạ cố cho tôi mượn ngựa! 
  - Thì anh cỡi nó kia thôi? 
- Ạ!  - Giọng tự thị, Phát nói – Ông ấy trả nợ cho tôi đấy chứ, hai anh lầm rồi. 
- Ra thế! Anh được ngựa này thì nhất rồi. 
Kỳ gật đầu nói. Phát tấn công:
- Hôm kia có người trả tôi mười ngàn đấy, anh Kỳ ạ, nhưng tôi không muốn bán. Con Công Chúa này ít nhất cũng mười lăm ngàn, mười bốn là giá chót... 
Kỳ biết rõ Phát muốn dạm bán ngựa nhưng còn vờ vịt, anh ta nghĩ thầm trong bụng: «Thôi! Tớ biết tỏng ra rồi! Đằng ấy đừng hòng qua mặt tớ, còn lâu tớ mới bị lừa». Và anh nói lớn lên: 
- Thế à? Mười bốn ngàn là phải rồi, anh còn cầm lại làm chi? Cả làng Vệ này, chắc không ai trả đến cái giá mười hai ngàn... 
- Ai bảo anh là tôi cầm giá? Thằng Phát này có phải lái ngựa đâu? 
Ông nói gà, bà bảo vịt, nhùng nhằng, nhũng nhẵng hàng giờ, sau cùng hắn thuận bán cho Kỳ với giá mười hai ngàn. Kỳ khấp khởi mừng, vì anh ta biết rằng Công Chúa là ngựa quí, đáng giá hơn. Chắc Phát cần tiền? Trông cái mặt hốc hác thế kia thì biết, không chừng vừa thua bạc cũng nên. Nhưng Kỳ vốn cẩn thận, anh do dự về quyền sở hữu con vật. Anh không tin Tấn thiếu nợ em. Cách tốt nhất là để hỏi dò Tấn xem. Xa lạ chi cho cam, thà hỏi qua Tấn một câu, kẻo sau này mang tiếng là ham rẻ... mất lòng bạn bè. Có thể, vì túng tiền Phát lấy trộm ngựa của anh đem bán cũng nên. Sao không? Cờ bạc mà... phương ngôn có câu: cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết... ha! Cửa nhà con bán được thay, tiếc chi con ngựa, dù nó là ngựa quí và là ngựa của anh mình? 
Kỳ làm kế hoãn binh:
- Tôi không sẵn tiền đây. Vả giờ để anh cỡi đi săn với chúng tôi cho vui. Mấy khi anh em gặp nhau. Chiều về, anh rẻ qua nhà tôi giao ngựa nhận tiền. Như thế tiện hơn. 
Phát bằng lòng tuy bụng hắn không vui. Mẹ kiếp – Phát rủa thầm – thằng mắc toi, mắc dịch, mua thì mua ngay, vẻ bày nhiều chuyện, nhưng thôi, ông cũng chiều con, con ạ! Ông mà có tiền thì ông cóc chịu. 
Thế là Phát nhập bọn, đi săn. Nhưng Phát cố ý lùi ra sau, vì Phát biết Công Chúa là con ngựa cừ khôi, vượt lên trước mấy hồi. Đợi cho cả đoàn người ngựa gần khuất dạng, bây giờ hắn mới ra roi. Chướng ngại vật đầu tiên mà người ngựa phải vượt qua là một cái hàng rào khá cao. Phát thúc mạnh hông con tuấn mã – mắt nhìn mục tiêu trước mặt – đoàn người ngựa mà anh ta tin là sẽ vượt qua chốc lát – Vì thế, hắn sơ ý tình lầm khoảng cách, con Công Chúa ngã chồng lên một cái cộc nhọn hoắt, nó hí lên một tiếng thê thảm, nằm huych xuống, hất ngã em trai của chủ mình...
Tai nạn xảy ra bất ngờ, chóng vánh, đoàn săn phía trước không hay biết. Phát đứng lên, mặt tái xanh, run bây bẩy, không tiếc thương chi con vật nhưng chỉ những nơm nớp sợ nó bị thương nặng hay què quặt thì mất số tiền mười hai ngàn. Khi nhìn con vật thở yếu ớt, cái cọc xuyên ngang mình nó như thể cái nĩa xuyên ngang miếng thịt bít tết, máu nhỏ ròng ròng, Phát giận sôi lên, hắn đá thốc vào mông con vật đáng thương một cái, chưởi rủa liên hồi. 
Sau cùng, con vật ngừng thở, nằm lù lù một đống, Phát thôi chưởi bới mà lo phủi áo phủi quần. Phủi xong, hắn tất tả bước mau về phía rừng thưa, không quay đầu lại: 
- Rõ thật xui... 
Phát lầu bầu.

*

* *

Xui thật: đường thì xa lại đúng vào lúc cần tiền, thế mà con Công Chúa lăn ra chết thảm! Cuốc bộ một thôi đường Phát mệt lử cò bợ, muốn quay về. Số là lúc đầu hắn định qua làng bên gần hơn, thuê ngựa cỡi về rồi tính sau. Song giờ hắn đổi ý; thôi chịu khó đi bộ về, ngang nhà bác San ghé lại mượn số tiền nộp cho ông già chứ không thì khổ thân.  (Ông già dạo này keo kiệt phát ghét!) Lão San nhiều tiền chắc không từ chối đối với một cậu con nhà phú hộ đâu. 
Gần bốn giờ chiều, sương mù bắt đầu rơi. Phát vội vã đi nhanh, quên cả mệt vì ý nghĩ vay tiền bác thợ dệt ngu si không biết xài tiền... như hắn!
Vừa đi, Phát vừa vung roi quất mạnh vào các bụi cây bên ven đường. Chẳng có mục đích gì cả, quất là quất cho đỡ buồn tay thế thôi. Đó là cái roi rất đẹp mà anh hắn mua, thuê khắc tên mình vào để xứng đáng với con Công Chúa. Mà anh cầm theo chiều lệ chứ chả mấy khi quất đánh ngựa yêu. Sương mù xuống càng lúc càng dày, Phát vừa vững lòng vừa lo ngại. Vững là vì như thế không ai nhận ra hắn, lo là lo có thể lạc đường.
Thoáng chốc, Phát đã đến đầu làng, Phát càng phải đề phòng: sương sa nhiều thêm, không những khó thấy đường mà còn e sa chân xuống hố. Bây giờ là lúc cần dùng roi đây. Phát dùng nó để dò đường phía trước, trên mặt đất. 
Gần đến Hầm đá, đường quang hơn, Phát khấp khởi mừng, hăng hái bước mau. Vài phút sau, ánh đèn từ nhà bác thợ dệt chiếu qua khe cửa.
Phát dừng lại để moi óc tìm sao cho ra lời lẽ êm dịu xuôi tai hầu có thể moi tiền bác San. Hắn vốn quen hách dịch, ba gai, chế giễu và cục súc, không dễ gì có thể thốt được những lời mềm mỏng, lễ phép. Dù sao, mình phải cố gắng, mình sẽ hứa hẹn trả lời nhiều cho lão ngu, chắc chắn lão sẽ ham tiền mà đưa ngay. Phát tự nhủ thầm, và rồi chưa chi hắn đã thấy tiếc số tiền lời phải trả. Hắn lại nghĩ tiếp: «Chào! Hơi đâu, tiền đâu mà trả lãi trả lời? Có họa là điên. Lão không dám đòi đâu, mà cho dù lão dám đòi cũng không bao giờ dám đến nhà mình. Quán rượu thì lão không tới rồi, khỏi lo. Sòng bạc còn lâu lão mới tới. Chỉ lo lão gặp ngoài đường. Ừ! Ngoài đường... mà cũng chẳng việc gì phải lo: nếu vắng vẻ, ta lại thả mồi cho lão vài câu là êm xuôi tức khắc. Nếu lão dại dột đòi tiền ta giữa mọi người, ta sẽ giở mặt, mắng cho mấy câu, mọi người sẽ cười vào mặt lão ta. Ta, công tử Hoàng Đình Phát, con trai út của đại điền chủ Hoàng Đình Cẩm mà hạ mình đi mượn tiền lão thợ dệt nửa điên nửa khùng ư? Có chó mà tin! Ta sẽ quát lên: «Ê! Lão điên, xích ra cho ta đi. Coi chừng ngựa nó dẵm nát óc bây giờ đó!» Vừa nói, ta vừa dơ ngọn roi lên dọa lão, mắt ta quắc lên thế này»... Hắn hạ roi xuống, kéo cao cổ áo lên, vì lạnh. Rồi Phát làm điệu bộ như đang ngồi trên lưng ngựa thật – ý hắn là một con ngựa quí hơn Công Chúa – vung roi lên như thể sắp đánh kẻ đã dại dột cho hắn mượn tiền. Thế là Phát thích quá, cười to lên, quên cả giữ ý, vì mình đã đến thềm nhà bác San.
Phát dọn một nét mặt bứt rứt, bực bõ song hiền lành để tấn công bác thợ dệt cho có kết quả, hắn vuốt lại áo quần cho phẳng phiu rồi đàng hoàng gõ cửa. Phát gõ thật mạnh, vừa gõ vừa nhủ thầm: chắc lão đến khiếp chứ không chơi!
Gõ mãi, không nghe động tịnh gì. Kỳ quá nhỉ? Hay lão ngủ rồi? Ngủ gì như gà thế? Mà đã ngủ sao còn chong đèn? Thế thì quá thậm ngu, ai lại sơ ý vậy bao giờ? Sau cùng, không do dự, Phát thò tay vào cái lỗ nhỏ, cốt ý là để nắm lấy cánh cửa lay cho dễ, bất ngờ làm sao, cửa không gài bên trong nên bật ngay ra. 
Phát kinh ngạc về điều này, ngẩn người một giây rồi hắn bình tĩnh lại, xô mạnh cửa, bước vô nhà. Lửa sáng rực, nổ lóc bóc trong lò, lửa soi sáng khắp mọi góc, giường, bàn ghế, khung cửi, vài cái soong chảo, cái ấm nấu nước! Đó, tất cả gia sản của lão thợ dệt bày ra trước mắt cậu con nhà giàu. Đang đi ngoài sương lạnh tối om on, thấy lửa ấm, công tử sà ngay đến, vì với Phát, lúc này lửa quí hơn mọi của báu trên thế gian. Khi đủ ấm rồi, Phát mới bình tĩnh để quan sát xung quanh lần nữa và lần này thì Phát nhận ra sự lạ: chủ nhân đi vắng mà không đóng cửa! Hay lão đi kiếm củi? Ờ! Có thể là lão đi kiếm củi, chắc không xa đâu, chờ một tí, không nên sốt ruột. 
Nhưng rồi đợi mãi chả thấy bóng bác San về! Chao ơi! Hay là lão sa chân rơi xuống chỗ hầm đá chết tốt rồi, cũng nên? Một tia sáng lóe lên trong mắt Phát: hắn mong cái giả thuyết hắn vừa đặt ra xảy đến, và như thế thì ai là người hưởng số tiền lão ky cóp lâu nay! Ai? Ai hả? Ai có quyền thừa hưởng? Nếu Phát nhớ không lầm thì trong suốt mười lăm năm cư ngụ tại đây – từ lúc Phát còn bé xíu vẫn thập thò trước cửa nhà lão đùa nghịch – Phát chưa hề thấy mà cũng chẳng nghe ai kể lại rằng có một người đến thăm viếng bác ta.
Bây giờ đầu óc Phát làm việc dữ dội – Ít khi hắn ta làm việc dữ dội thế, trừ khi ngồi vào sòng bạc – với mục đích làm cho ra số tiền bác San cất giấu đâu đây. Tiền giấu chỗ nào? Chôn dưới đất, nhét trên trần nhà, hay ngoài bụi rậm?  (Phải tìm cho ra, tìm cho kỳ được, việc này quan trọng lắm đây!) Hay là lão nhét kỹ trong gối, trong nệm rơm?
Mãi say sưa tìm tiền của bác thợ dệt, Phát quên đi một điều quan trọng: đó là hắn mặc nhiên coi như bác đã chết thật rồi. 
Phát đứng lên, đóng cửa kỹ càng, bắt đầu lục lọi. Trước hết, Phát lục ở giường ngủ chủ nhân, hắn xé tung cả lớp vải bọc gối, cả lớp vải bọc nệm, rơm thòi ra trông gớm ghiếc. Nếu không vì tiền, có bao giờ Phát lại nhúng tay vào một việc thế này? Chả thấy tiền đâu. Hắn nằm sấp xuống, nhìn kỹ từng viên gạch dưới gầm giường, không có gì khả nghi. Phát đứng lên, lại gần bếp, cho thêm củi vào rồi lại tiếp tục việc lục kiếm. Phát giở từng cái soong, lấy đầu gốc cái roi gõ còng cọc lên mặt gạch, ở các góc nhà.
Sau cùng, hắn thất vọng toan xoay hướng, tìm phía trên thì chợt mắt hắn trông thấy những hạt cát vương vãi dưới khung cửi, những hạt cát lóng lánh như có lẫn vàng dưới ánh sáng rực rỡ của ngọn lửa vừa được hắn châm thêm. Phát bật kêu lên một tiếng, dùng đầu roi, thăm thú kỹ vùng đất ngay khung cửi. Ngay dưới khung cửi, tiếng roi chạm vào mặt gạch kêu lạ hơn mấy chỗ khác, tiếng kêu đó chứng tỏ bên dưới trống lốc.
Phát ngừng tay lại, cúi nhìn kỹ: khắp quanh đó, mấy khe gạch đều có cát song rất ít, chỉ riêng chỗ Phát vừa thăm dò, cát phủ rất dày, nhìn kỹ hơn Phát còn nhận thấy trên mặt gạch chỗ ấy cũng có cát và có cả dấu tay chà chà lên gạch như cốt để đưa cát xuống mấy khe gạch hở. 
Phát mừng run, vội vàng quì xuống thò tay cạy thử viên gạch khả nghi, và không chút khó nhọc, chỉ một giây, Phát đã nâng lên, vứt ra một bên hai viên gạch đậy hờ. Phát thò tay khoắng vào khoảng trống tối om, tay hắn chạm phải một cái túi da, ô không! Những hai cái! Và thử nhấc lên không nổi, Phát biết ngay là thứ mình tìm quả có!
Phát phải dùng cả hai tay mới nhấc được hai túi ấy, và cẩn thận khoắng kỹ lần nữa xem dưới lỗ có còn gì không, đoạn mới đặt hai viên gạch lên chỗ cũ, hai tay xoa xoa vào nhau, lẩm bẩm: «Chúa quả thương mình! Có Chúa! Cảm ơn Chúa! Cảm ơn! Con tưởng Chúa ghét bỏ con kia đấy!».  
Chỉ trong năm phút, tên trộm đã hoàn thành tội ác và chỉ mất năm phút nữa để sắp xếp gối nệm ở giường cho y nguyên như cũ rồi hắn chuồn êm ra khỏi nhà bác thợ dệt ngay. Ra khỏi nhà, hắn đóng cửa lại liền, để tránh ánh sáng bên trong soi thấy hắn, còn cái ánh sáng bên trên cửa sổ thì hắn không ngại gì.
Chỉ vài bước là bóng tối đủ che cho hắn, Phát rất yên lòng. 
Mưa càng lúc càng nặng hạt, gió hun hút thổi. Hai túi bạc – hay vàng – quá nặng, gây trở ngại cho hắn, chưa kể cái roi ngựa của anh, nhưng hắn không dám vứt roi đi, cái mới rầy! Phát biết roi ngựa có khắc tên anh mình và vết khắc rất sâu, ai bắt được thì tông tích kẻ trộm sẽ phơi ra ánh sáng rất dễ dàng. Bây giờ Phát đã sáng suốt để mà hiểu rằng cái giả thuyết bác San chết không đứng vững, song đến lúc này, bác chết hay sống hắn cũng không quan tâm, vì hắn đã đạt được ước muốn rồi.
Cảm ơn đêm tối, đêm tối che chở cho ta! Hắn thì thầm.
Trong lúc đó, bác San cũng chỉ còn cách nhà non trăm thước. Tay cầm đèn, vai khoác cái bao tải làm áo khoác, bác thông thả trở về, tuy mưa nặng hạt và bác đã mỏi chân.