ANG-NGRÀO bước dài nhưng đi chậm. Giọng nói hơi lè nhè mà quả quyết. Dễ không đâu người ta hay nhầm cái bề ngoài bằng ở đây. Người ở đây trông bộ rụt rè khiêm tốn mà thực ra bản tính cực kỳ ương ngạnh và tự cao. Trong động, không mấy kẻ biếng lười: muốn sống trong cuộc đời sơn lâm, người dân không thể một phút nào không chiến đấu với cả tạo vật. Sáng hôm ấy, Cang-Ngrào dậy thật sớm lên nương gặt lúa. Bình minh. Trên cỏ cây tha thướt dấu sương mù. Những chỏm núi xa vươn lên chân mây phơn phớt hồng, chờ đợi Thái dương. Trong lòng thung, lúa chín gục đầu dưới những hạt sương lấp lánh. Suối róc rách chảy, tung bọt trắng lên những hòn đá phủ rêu xanh. Chim chóc trên cành đua nhau hót. Trong không khí mát dịu thơm tho, vạn vật đều tưng bừng với ánh sáng, với sự không khoáng, sự thở hút, sự vẫy vùng giữa cái khung cảnh mỹ miều… Tuy vậy, một người giản dị như Cang-Ngrào, không thể đắm đuối trong sự mơ mộng vẩn vơ. Bối cảnh đẹp ấy, Cang-Ngrào chỉ thấy hớn hở tự cao. Tự cao về nỗi gì? Nào chàng ta có biết. Nhưng mỗi cá nhân há chẳng là cái cùng điểm của cả một giống nòi? Trong tâm hồn người tuổi trẻ ấy có cả cái đức tính kiên quyết, cũng như trong bắp thịt chẳng có cả cái sức khỏe của tổ tiên di truyền. Mà cảnh phì nhiêu nọ thì lại chính là cái công phu bao đời tích lũy cho đến ngày nay. Trăm năm về trước, đất này vốn là một cõi hoang vu, một nơi sào huyệt của cầm thú. Một ngày kia, dân động kéo nhau đến đấy, bói được quẻ tốt, bèn dừng bước phiêu lưu, quả quyết phá thiên hoang làm đất sinh cơ lập nghiệp. Họ xúm nhau chặt cây phát cỏ, đánh gốc bốc trà. Chỗ nào khô khan thì bắc nước vào; chỗ lụt lội quá, sẻ rãnh cho tiêu bớt nước đi. Công cuộc khai hoang cực kỳ nhiêu khê vất vả. Chẳng kể chi những bệnh tật, những hùm beo rắn rết, chính ngay cỏ cây cũng chưa dễ đã một lần thắng đoạt xong. Hôm nay phát được khoảng đất này, đốt rõ kỹ, dọn rõ sạch, mấy ngày sau nom lại, cỏ xanh đã mọng bằng đầu! Thế mà lâu dần sự chinh phục cũng phải thành công, thì đủ rõ trong cảnh mầu mỡ tốt đẹp kia, mỗi hòn đất, mỗi luống cày đã thấm biết bao giọt mồ hôi nước mắt. Cang-Ngrào nhìn những ruộng nương bát ngát lấy làm thỏa lòng. Cuộc chinh phục thiên nhiên, người xưa đã bắt đầu, thì ngày này chàng đang tiếp tục. Chàng rất tin cậy ở sức mình. Đã đành rằng hiện giờ không cần đến những trận công khai nữa, nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng để ứng phó với những cái mưu hại ngấm ngầm. Cỏ cây, có lẽ tự biết là con cưng của thợ Tạo, dù sao cũng chẳng cam lòng khuất phục hẳn người. Nó vẫn rình những lúc người trễ nhác, ngầm lẻn vào giữa hoa mầu, lấn hiếp giống ngô lúa, phủ kín hẳn vườn tược, len lỏi cả vào trong nhà… Cang-Ngrào – cũng chẳng như hết thảy mọi người đồng chủng – vẫn lấy sự cần cù nhẫn nại ấy làm phận sự, lấy sự tự do làm lẽ sống. Những dân tiếp cận ít khi thấy khoe khoang rằng đã chiếm được lòng yêu của một cậu trai hay một cô gái động Đèo Hoa. Mà chính vì lẽ ấy, cuộc nhân duyên với Peng-Lang khiến cho Cang-Ngrào bội phần sung sướng. Trai gái một động lấy nhau cỗi rễ hai bên càng thêm khăng khít trong cái nguồn sâu của dòng giống. Cang-Ngrào vẫn nhớ rằng cuộc nhân duyên của anh ta và Peng-Lang đã bắt đầu chính cũng ở trên nương lúa hiện giờ anh đang gặt. Câu chuyện gặp gỡ ấy cách đây đã bốn năm tròn. Nguyên một hôm, cảnh nương này vừa phát xong, Cang-Ngrào đang cặm cụi đánh nốt mấy gốc lau già, anh bỗng nghe tiếng động, ngẩng đầu trông thì, trên đỉnh gò, Peng-Lang đứng lặng nhìn anh, in cái bóng dáng thướt tha lên nền mây trong biếc. Năm ấy, Peng – Lang mới mười sáu tuổi, đẹp lắm. Áo xiêm theo chiều gió phất phơ. Đôi nụ hoa rung động dưới chiếc yếm thêu lộng lẫy. Lần ấy là lần thứ nhất, Peng-Lang búi tóc quàng khăn,vuông khăn vải gai trắng nõn viền mấy đường hoa lối triên dịu dàng: Peng-Lang đã đến tuổi cặp kề. Cô nhoẻn miệng cười: - Cang-Ngrào! Anh làm gì đấy? Cang-Ngrào trả lời ấp úng. Peng-Lang lại gần. Chiếc khăn bịt tóc bỗng bị gió thổi bay xuống đất. Cang-Ngrào cúi nhặt đưa trả Peng-Lang, dưới lần vải mỏng, mười ngón tay gặp nhau, hai linh hồn cùng rung động… Cang-Ngrào nhìn Peng-Lang, sắc mặc hồng hồng diễm lệ, cả tâm tình lưu lộ trong tia mắt long lanh… Cang-Ngrào muốn nhân dịp ấy ngỏ lời cầu thân, nhưng chỉ ấp úng được một câu: - “Peng-Lang à!” Peng-Lang nhìn Cang-Ngrào và rút cái trâm ngà đưa cho, đoạn thủng thỉnh xuống đồi… Bốn năm trời! Thời gian chỉ thay đổi cái dung nhan ấy. Peng-Lang vẫn thướt tha yểu điệu, xxieem áo vẫn phất phơ theo chiều gió thổi. Đôi nụ hoa vẫn thổn thức dưới làn yếm mỏng và chiếc khăn thêu vẫn làm rạng rỡ gương mặt trắng hồng…