àng năm cứ vào những ngày cuối cùng của niên học, các em học sinh khắp nơi mỗi người một Tâm trạng, em thì cố gắng viết vội cho xong cuốn nhật ký, chuyền tay nhau cho bạn hữu ghi lại những tình cảm thân thương trước khi luyến lưu chia tay tạm biệt, có em thì háo hức chuẩn bị cho tháng ngày nghỉ hè êm ả ở một vùng quê nào đó, và không ít Thí sinh tiếp tục Vật lộn với sách bài cho kỳ thi chuyển cấp học, lúc này cũng là lúc những cây Phượng Vĩ lại cùng nhau khoe sắc thắm bên cạnh lũ ve sầu cùng cất tiếng rên rĩ khúc nhạc nĩ non,còn những ai đã xa rời bảng đen, phấn trắng cũng không khỏi bùi ngùi của một thời Nhất Quỷ nhì Ma thứ ba....đích thị là lũ Học trò của mọi thời.
*
Ngôi trưòng Tiểu học nơi chúng tôi mài đủng quần trong thời niên thiếu đây rồi, cũng những cây Phưọng vĩ giờ đây nếu mà tính theo tuổi đời thì đáng để chúng tôi gọi bằng " Cụ " cũng nên, vì các " Cụ " đã hiện diện rất lâu trong sân trường bên cạnh những " Cô " dây Trầu Bà được trồng trong cái bóng đèn tròn sau khi không còn tỏa sáng, thì nay được tiếp tục làm đẹp cho đời nó được treo lủng lẳng trang trí nơi hành lang của lớp, và nghe đâu lúc tuổi thiếu thời thế hệ Cha anhchúng tôi đã ít nhất một lần khắc lên thân của các "Cụ" Phượng Hồng kia những dấu ấn chứng minh cho thế hệ đàn em biết đây là nơi ươm mầm tri thức buổi đầu đời cho họ và cũng để khắc lại nỗi nhớ khi vĩnh biệt mùa hè khiến Da thịt các " cụ " chi chít vết thương theo tuổi đời chồng chất.
Thấy chúng tôi đứng Tần ngần đứng trước cổng mái trường năm xưa, một cậu bảo vệ trẻ măng từ bên trong vội vã đi ra và cất tiếng hỏi:
- Dạ! Mấy bác cần việc gì ạ, cháu có thể giúp được gì cho mấy bác?. Hiện giờ Trường cháu đang nghỉ hè....
Như sợ chúng tôi đến Trường để Cầu cạnh việc chạy trường cho con cháu như nhiều người từng làm nên cậu bảo vệ chưa biết Ất Giáp gì đã vội rào trước, đón sau bằng câu nói:
-Trường cháu đang nghỉ hè.
Hơi Phật ý bởi cái sự hấp tấp của cậu bảo vệ nhưng không lấy đó làm giận nên ông Xuân,tên đầy đủ Mai Hữu Xuân (đây là tên cúng cơm của thằng bạn rất thân với Tôi, chúng tôi học chung từ lớp Năm cho đến Trung Học, nó lại trùng tên với một vị Tướng Cảnh Sát của nền đệ nhị Cộng Hòa ) Xuân ôn tồn:
- Cậu em ơi! Mấy bác biết trường đã nghỉ hè nên mấy bác mới đến đây, mấy bác là cựu học sinh của trường mình, lâu rồi mấy bác mới có dịp trở lại thăm trường xưa.
Dường như thấy sự bộp chộp không đúng chỗ của mình, cậu bảo vệ đổi giọng:
- Dạ xin lỗi các Bác,do phần lớn phụ huynh hay đến để chạy chọt cho học sinh, nên cháu có nhận xét không đúng, mong các bác bỏ qua, các bác cần gì ạ!
Bà Nhàn, một đồng môn trong nhóm chúng tôi đỡ lời:
- Cậu có thể cho mấy bác vào thăm lại nơi mình học lúc còn bé được không nào? Mấy bác bảo đảm không làm hư hỏng gì của trường lớp đâu, có gì thì chúng tôi sẽ...
Không để bà Nhàn trình bày hết ý, cậu bảo vệ nhanh nhẩu nói:
- Dạ việc này cháu giải quyết được, gì mà hư với hỏng, đền với bù mấy bác ơi, trước đây có nhiều học sinh cũ ghé lại thăm trường, chủ trương nhà trường hân hoan đón mừng mấy cô bác như thế này... Mời các bác...
Cánh cổng to đùng được người bảo vệ mở ra, nhóm người chúng tôi mừng rỡ qua thái độ hiếm có của cậu bảo vệ, vì có một số người thực thi công vụ ở quê nhà, họ hay thể hiện cái uy quyền thay vì phải có thái độ phục vụ đúng nghĩa của người công bộc đối với đồng bào.
Cảm ơn anh bạn trẻ tốt bụng này, khi vào trong sân trường bao nhiêu hình ảnh của ngày xưa nó lần lượt ngồn ngột hiện về...
Một sáng nọ, khi tiếng trống trường vừa điểm, học sinh ùa vào lớp, thấy dáng cô Hương vừa đi vào, tức thì tiếng của thằng Cao Trí Hùng lớp trưởng hô to:
- Tất cả... Đứng lên. Thưa cô mới đến ạ!
Cả lớp đứng lên cuối đầu chào khi cô Hương vào lớp, đến chiếc bàn trên bục giảng, đưa mắt quan sát một vòng lớp học cô khoát tay và khẽ nói ;
- Các em ngồi xuống! Hôm nay sau khi cô điểm danh xong, thì cô sẽ gọi các em lên trả bài, mà cô nhắc lại lần nữa, bài học hôm nay lớp Nhất một của mình khi trả bài thì không cần các em đọc vẹt như mọi lần, cô sẽ đặt câu hỏi các em trả lời theo ý, không cần đọc thuộc lòng, các em rõ chưa nào?
- Dạ chúng em nghe rõ!
- Nè Nhàn! Tui quên tập ở nhà rồi, đưa mượn chép bài liền, lỡ chút nữa cô kêu tui lên bảng mà không có bài chắc cô cho tui thụt dầu hai chục cái luôn đó.
- Em Xuân đứng lên cô bảo, cô đang dặn dò sao không chú ý mà lo nói chuyện, đâu ai nói với Xuân tự gíác đứng lên luôn cho cô xem.
Với vẻ mặt bí xị thủ phạm vừa bị cô bắt quả tang hắn rụt rè đứng lên, còn nạn nhân bị vạ lây cái lỗi ngoài ý muốn cũng đứng lên nhưng không quên ném cái nhìn nẩy lửa về thằng Xuân khiến thằng Xuân đang mang tâm trạng sợ sệt trong lòng bấy giờ thấy nạn nhân của nó ném cái nhìn sắc lẻm về phía mình càng làm cho thằng Xuân thêm thiểu não.
- Hai em ra quỳ ngoài cửa lớp cho cô.
Tội nghiệp cho hai đứa lủi thủi bước ra khỏi lớp mỗi đứa quỳ một bên cửa ra vào, tranh thủ lúc cô Hương chép bài lên bảng tôi lén nhìn ra ngoài nơi Hai đứa đang thọ án, thấy gương mặt buồn thiu của tụi nó làm trong lòng tôi cũng buồn lây với hai đứa bạn của mình, dạo đó bị phạt quỳ gối ngoài cửa lớp chưa phải là tất cả, chúng tôi sợ nhất là cái hình phạt ( Đúp lê ) của ông Đốc, ông Đốc của trường chúng tôi theo học thời bấy giờ ông rất to con, oai vệ vô cùng, đặc biệt giọng nói ông thì rổn rảng, cái lũ "im non" chúng tôi dạo ấy khi thọ án như thằng Xuân và con Nhàn sợ nhất là gặp lúc ông Đốc đi vi hành quanh hành lang các lớp, trên đường đi của ông khi gặp phải các tên tội đồ nào ngoài cửa lớp, thì trong mắt ông đó là thành phần quậy, cần phải bổ sung hình phạt bằng cách nhéo tai hoặc đá đít vài cái ( tôi xin mở ngoặc chổ này không phải ông cố tình hành hạ những đứa trẻ thơ ngây, mà tính cách ông răn đe hơi mạnh bạo với lũ con trai, còn với đám con gái thì lúc nào cũng được ưu ái hình thức phạt bổ sung là chép phạt vài chục câu khẩu hiệu hoặc lời nói của danh nhân nào đó nhằm nhắc nhở cho các nàng có cơ hội thu thập thêm kiến thức qua hình thức phạt này, mặc dù phần lớn những người bị phạt, đến khi biết tin ông qua đời thì chính những tội nhân này là những người rơi nước mắt nhiều nhất ngày tiễn ông ra yên nghỉ nơi nghĩa trang ).
*
Trở lại cái không khí buổi học hôm ấy, điểm danh xong, cô Hương ( cô giáo mà sau này đứa nào trong chúng tôi vẫn hết lòng trân quý ) bắt đầu khảo bài, lúc này thì không khí tự dưng im phăng phắc đến mức tiếng vổ cánh của lũ ruồi bay thoảng ngang mà y như rằng đứa nào trong lớp cũng cảm nhận được, nói như thế để mọi người hình dung được cái không khí trong lớp nặng nề biết dường nào.
Loạt soạt âm thanh phát ra từ các trang giấy của sổ gọi tên lên trả bài của cô Hương vang lên, những đứa nào thuộc bài thì trong lúc này gương mặt chúng nó tự tin thấy rõ, còn ai biếng nhác thì khỏi phải nói ra ai cũng hiểu, gương mặt thất thần và lấm la lấm lét như chó ăn vụng bột, thú thật hôm ấy tôi thuộc về thành phần lấm la lấm lét.
Nhìn cây viết Bic màu đỏ cô Hương thường dùng để chấm điểm và sửa bài, thấy cô rà gần giữa cuốn sổ, mà đoạn đó thì học trò mang vần K vần H, tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực khi cô Hương gọi:
- Hùng!
Nghe cô gọi tên Hùng tôi tự hỏi thầm không lẽ số mình mạt rệp cỡ vậy sao?, nhưng tôi cũng còn chút hy vọng mong manh, vì cái lối cô kêu tên trả bài theo cách không " đụng hàng " với bất cứ thầy cô nào khác, cô Hương thường gọi tên trước, rồi cô ngẩng lên nhìn xuống phía dưới, qua mục kính Cô xem những ai mang tên theo vần vừa được xướng lên sẽ dễ dàng phát hiện những đứa không thuộc bài, vì tính cách của những đứa đó như tôi vừa diễn giải.
Cô Hương gọi tiếp:
- Lê Chí Hùng, em cho biết câu nói của một danh tướng thời xưa:
" Ta thà làm quỷ nước Nam, chớ không thèm làm vương đất Bắc " người đó là ai?
Nghe không phải cô gọi tên mình, cả đám tên Hùng chúng tôi tủm tỉm cười xem như thoát nạn mù chữ, vì chúng tôi hay để ý khi cô Hương đã gọi tên Hùng rồi, thì hầu như không bao giờ gọi tiếp tên của các đứa còn lại mang tên Hùng, chỉ tội cho thằng Lê Chí Hùng (trong lớp gọi nó là Hùng Lê ) đang trân mình đứng chịu trận do chưa tìm được câu trả lời.
Một đứa bạn ngồi gần thằng Hùng ( Lê) thấy nó chết đứng như Từ Hải bèn nhắc tuồng cho nó:
- suỵt...suỵt... Trần.. Bình.. Trọng.. Trả lời đi
Do cái đứa nhắc bài hơi nhát gan câu Trần Bình Trọng chưa đủ âm lượng đến tai thằng Hùng Lê, hơn nữa lúc ấy cái âm thanh phát ra từ miệng đứa nhắc bài đã bị át đi bởi tiếng động cơ máy bay của Hãng hàng không Air Việt Nam đang gầm rú lấy đà cất cánh khỏi phi đạo (do ngôi trường này nằm gần phi trường Tân Sơn Nhất), thằng Hùng Lê nghe tiếng được tiếng mất, nó quyết định năm ăn, năm thua trả lời không cần suy nghĩ:
- Dạ thưa cô câu nói trên là của... của.. Trọng...
Cô Hương gặng hỏi nó:
- Cái gì Trọng?
- Dạ Kim Trọng đó cô...
Nghe câu trả lời không giống ai của thằng Hùng Lê cả lớp cười ầm lên như vỡ chợ.
- Bốp.. Bốp.. Bốp
Tiếng cây thước kẻ trên tay cô Hương gõ lên bàn, cô đang vãn hồi trật tự:
- Các em im lặng... Im lặng. Lê Chí Hùng, lên đây cô bảo.
Chỉ tay lên cái bàn dài phía trên cùng của lớp, cô Hương tiếp:
- Em nằm lên đây, xuôi hai tay về phía sau, cô phạt em ba roi vì không thuộc bài.
Sau buổi học đó thằng Hùng Lê nó tự sự với chúng tôi là do nó nghe không rõ tiếng nhắc bài, từ duy nhất lọt vào tai nó là chữ Trọng, sở dĩ nó trả lời cô Hương bằng cái tên Kim Trọng là do nó nghe anh nó đang theo học lớp đệ tứ thường đọc thơ có tên Kim Trọng, Thúy Kiều gì đó, trong lúc bí quá nó nghĩ Trọng nào cũng là Trọng, nó bèn lấy râu ông này, cắm càm bà kia trả lời cho cô theo cách " qua tang lề " cho rồi chuyện...
*
- Ông Xuân nè! Lớp Nhất (1) của mình ngày xưa đây rồi!, ông nhìn cho thật kỹ đi cho đỡ nhớ, mai mốt lên máy bay về bển đừng có nhớ nhung nữa nghe, ngày nào bên đó cũng nghe ông càm ràm về chuyện xưa tích cũ hoài làm tui phát mệt.
Bà Nhàn kéo ông Xuân đến ngay trước cái lớp cuối cùng thời tiểu học của mình, nhìn lên tấm bảng màu đỏ sơn chữ số màu vàng. Lớp Năm (1) thì ra, qua bao nhiêu thay đổi, biết bao đời Hiệu trưởng cái lớp Nhất một ngày xưa đến nay vẫn là lớp Nhất một, có điều họ gọi tên lớp theo cách mới cửa họ lớp " Năm 1 " hoàn toàn ngược lại cách gọi tên lớp của ngày xưa, có lúc tôi tự hỏi:
" Thay đổi cách gọi như thế để làm gì? Hay họ cố tình làm cho khác đi theo cách giáo dục của ngày xưa? xem như đổi mới giáo dục ".
Công bằng nhận xét, suy cho cùng hãy xem lại phương pháp giáo dục của hai thời kỳ, riêng về chữ quốc ngữ cách viết 24 chữ cái của ngày xưa, chữ viết chân phương nhưng thật bay bướm, nét của từng chữ khi viết được kéo lên sổ xuống nét đậm nét lợt nhất là có " Râu ria " đầy đủ trông thật đẹp mắt, sau khi cướp chính quyền người ta cho cải cách chữ viết, thật tai hại một số em không thể sửa lại nét chữ của mình sau những năm dài học theo cải cách, xã hội sản sinh một số người viết chữ thiếu đầu thiếu đuôi, may thay sau một thời gian ngành giáo dục nhận ra khiếm khuyết này, nên họ cho cải cách lại lần nữa bằng cách viết 24 chữ cái giống y như ngày xưa.
Bước vào lớp cũ, cái đặc biệt đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những dãy bàn ghế trong lớp nơi chúng tôi ngồi vẫn không có gì thay đổi, có điều bề mặt gỗ lên nước láng bóng tự nhiên, mặt bàn cũng vài vết mực cũ và mới loang lổ, nhìn kỹ trên những mặt bàn vẫn còn chi chít vết khắc tên của bao thế hệ học trò. Tôi nghĩ các bộ bàn ghế này có đủ sức thi gan cùng Tuế Nguyệt là do ngày xưa người ta dùng loại gỗ đúng tuổi khai thác, nếu như sử dụng loại gỗ còn non thì có lẽ giờ này người ta đã hóa thân chúng trong bếp lửa không chừng.
Trên tường vôi của năm cũ, màu vàng đất cố hữu của ngày xưa không còn nữa, thay vào đó lớp sơn nước màu xanh bóng loáng làm chúng tôi vô cùng hụt hẫng vì nó không còn nguyên bản như thuở nào.
Đang mải mê thả hồn về những ngày xưa thân ái, chợt bên ngoài cửa lớp có người nói vọng vào:
- Dạ xin chào quý vị "cựu học sinh ", xin mời các vị vui lòng vào văn phòng dùng nước và nghỉ chân.
Nhìn qua khung cửa sổ rộng lớn ngăn cách với hành lang bên ngoài là ô lưới mắt cáo bằng gỗ, một người đàn ông ăn mặc giản dị, mái tóc hoa râm, trên khuôn mặt một cặp kính cận dầy cộm, thấy chúng tôi nhìn, ông ta nở một nụ cười hiền từ và bước hẳn vào lớp.
Người đàn ông cất tiếng nói, phá tan cái không khi bỡ ngỡ của chúng tôi:
- Xin tự giới thiệu với các vị, tôi là Minh, Đỗ Văn Minh Hiệu trưởng trường mình, tôi nghe em Tuấn bảo vệ báo có anh chị em mình về thăm, dù đang bận việc tôi tranh thủ về đây để hầu chuyện cùng quý vị.
Đưa mắt nhìn nhau ba chúng tôi ngầm hiểu đang được diện kiến người "chủ trường" hiện tại, bất chợt ông Xuân quay sang nói thật khẽ chỉ hai người chúng tôi nghe:
- Ông Hùng này! Ông có thấy cái tay Hiệu Trưởng giống thằng Minh cùng lớp mình ngày xưa quá nhỉ?
Nghe Ông Xuân nhận xét như thế tôi nhìn thật kỹ, cố moi móc mọi ngỏ ngách trong quá khứ, so sánh thằng Minh một học sinh lúc nào cũng đứng nhất lớp, tên nó bao giờ cũng đứng trên cùng trong Bảng Danh Dự được treo trân trọng trên tường của lớp, và hình ảnh trước mắt chúng tôi, ông Minh một Hiệu Trưởng hiện tại, có thể thời gian xa cách quá lâu nên cũng khó nhận biết, tôi lập tức hỏi thăm:
- Xin lỗi thầy Minh, Thầy về trường đây lâu chưa ạ!
Thầy Minh chưa Kịp trả lời, bà Nhàn " Tấn công " tiếp:
- Có khi nào ngày xưa Thầy học tại trường này không? Trông thầy quen lắm đấy.
Với cái cười tủm tỉm, thầy Minh dỡ cặp kính cận ra khỏi khuôn mặt, lấy khăn lau tròng kính và nói:
- Hay ta lên văn phòng đi, uống trà rồi tôi sẽ cho quý vị biết những điều thú vị lắm.
Bước vào Văn Phòng nơi thầy Minh làm việc, vẫn cách bày trí như xưa, kia rồi trên tường một khung ảnh mang hình ông Đốc của chúng tôi ngày xưa, phía bên dưới bức ảnh có dòng chữ Thầy ĐOÀN TRÍ ĐẠT. (1936 - 1995).
Thấy chúng tôi chăm chú quan sát hình ảnh của ông Đốc, thầy Minh lên tiếng:
- Có lẽ quý vị thắc mắc tại sao ảnh của Thầy Đạt vẫn còn trong căn phòng này phải không?.
Mời chúng tôi thưởng thức món trà xanh thơm phức, Thầy minh dẩn dắt chúng tôi về lại quá khứ.
*
Một sáng nọ, khi trống trường vang lên báo hiệu buổi học bắt đầu, đã quá ba mươi phút sau hồi trống kia chúng tôi vẫn chưa thấy cô Hương đến lớp, lúc này không khí ồn ào bắt đầu nổi lên. Cả lớp chúng tôi đoán già đoán non, đứa cho là cô bệnh, đứa lại nói nhà cô có việc... không thống nhất nên chúng tôi bàn cãi thật sôi nổi, có đứa còn chắc rằng hôm ấy sẽ được nghỉ do thiếu giáo viên lên lớp..v..v...
Thình lình Thầy Phước xuất hiện, thầy là giáo viên của lớp Nhất hai nằm cạnh lớp chúng tôi, thầy nói to:
- Cả lớp im lặng cho tôi.
Tiếng lớp trưởng vang lên:
- Tất cả đứng dậy! Chúng em chào thầy.
Cả lớp im phăng phắc, thầy Phước bước lên bục giảng và gay gắt nói:
- Cô Hương hôm nay có việc không lên lớp, Thầy sẽ đứng lớp thay, các em lấy tập học theo thời khóa biểu.. Các em còn ồn tôi sẽ phạt cả lớp.
Buổi học hôm đó với chúng tôi nó dài lê thê, một phần không quen với cách giảng của Thầy, một phần chúng tôi cảm thấy dị ứng với cái răn đe của lần ra mắt đầu tiên của Thầy.
Khi biết tin cô Hương phải nghỉ bệnh cả tuần, ông Đốc quyết định để thầy Phước tiếp tục phụ trách tạm thời lớp Nhất một, với chúng tôi đây là tin xấu trong lòng đứa nào cũng không vui nhưng phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.
Buổi học thứ hai với thầy cũng trải qua cái không khí buồn chán như hôm đầu. Đã vậy thằng Minh cái thằng giỏi nhất lớp bị thầy phạt quỳ gối tại chỗ do nói chuyện khi thầy đang khảo bài những đứa khác, thái độ thằng Minh lúc này nó bất mãn ra mặt...
Hôm sau trong giờ học, thầy Phước đang chăm chú chấm bài, học sinh thì cặm cụi làm bài tập làm văn, ai nấy tập trung cao độ để tìm ý cho thật hay mong sao bài văn mình Thầy sẽ cho đọc trước lớp. Chỉ riêng thằng Minh nó vừa viết nhưng thỉnh thoảng nó ngước nhìn về phía thầy Phước.
Do ngồi ngay bàn dãy đầu gần bàn giáo viên, tôi loáng thoáng nghe tiếng Thầy Phước rên rỉ và gãi xột xoạt:
- Ai da, sao ngứa quá vậy nè, chắc bị dị ứng rồi...
Càng lúc thầy Phước càng gãi nhiều hơn trên khắp cả người, gương mặt thầy đỏ bừng như những người say rượu, bất chợt thầy bỏ ra ngoài...
- Hí...hí...ha...ha..
Tiếng thằng Minh cười một cách đắc chí, nó nói nhỏ vào tai thằng Thọ ngồi kế bên:
- Mầy biết thầy Phước bị cái gì không?
Thằng Thọ nghe câu hỏi này, nó lờ mờ nghi thằng Minh có mờ ám chi đây trong câu chuyện này, vì nó vừa hỏi vừa nở một nụ cười đầy bí hiểm.
Tránh cho thằng Minh đọc được ý nghĩ của mình, thằng Thọ làm bộ ngây thơ cụ, nó nói:
-Tao nghi thầy bị dị ứng gì đây, mầy nhớ giờ cô giảng cho tụi mình bài khoa học thường thức nhiều người ăn mấy cái đồ biển như cua ghẹ cá Ngừ chẳng hạn, người nào không hạp nó gây ngứa ngáy khó chịu lắm.
Nghe thằng Thọ nói năng như trả bài, thằng Minh yên chí lớn bởi cái mưu đồ của nó chưa bại lộ, thay vì nó giấu biệt cái tà tâm nơi đáy lòng thì họa có trời mới biết được chuyện gì xảy ra với thầy Phước.
Người đời thường hay nói: " Thần khẩu hại xác phàm ", ý nói những người khi nói ra điều gì mà không cân nhắc cái lợi và hại, thì nhiều khi tai họa sẽ đến khi lời nói thốt ra từ cửa miệng, bởi thế để khắc chế câu trên người ta lại khuyên" Trước khi nói điều gì ta phải uốn lưỡi bảy lần ".
Ngày hôm ấy không hiểu Minh suy nghĩ điều gì, sau câu hỏi nó dành cho thằng Thọ nó đã tự giải mã nguyên nhân Thầy Phước gảy đàn dữ dội như thế, nó tâm sự với thằng Thọ với cái giọng ta đây đại ý là nó làm cái chuyện mà trong ngôi trường này chưa ai gan dạ bằng nó.
Thì ra Thầy Phước đã bị trúng phép của thằng Minh rồi, hôm qua bị thầy phạt do cái tội nói chuyện, khi tan học trên đường trở về nhà, gặp mấy bạn lóc nhóc trong xóm thấy gương mặt Minh buồn buồn, sau một hồi gặng hỏi của mấy đưá bạn, Minh nhà ta kể hết sự tình trong lớp, nghe xong câu chuyện nhiều đứa đã bày cho Minh cách trả thù, bọn nhóc dẫn nó đi hái trái mắt mèo và chỉ cho Minh cách sử dụng, cuối cùng thì như mọi người đã biết Thầy Phước khổ sở hôm đó như thế nào rồi...
Cô Hương quay lại với lớp Nhất một sau những ngày ở nhà có việc, những tưởng vụ án trái mắt mèo của hôm nào sẽ lui vào quên lãng, nhưng tục ngữ có câu: " Cây kim trong bọc lâu ngày... cũng lòi ra ", mà nó lòi ra một cách tình cờ nhờ áp dụng cách khai thác tin tức như nhà thám tử đại tài Sơ lốc Hôm của xứ sở sương mù, cô Hương đã lật tẩy vụ án một cách ngoạn mục khiến thằng Minh tâm phục khẩu phục.
Trở lại lớp được một tuần, cả lớp đang cắm cúi viết bài, bỗng tiếng con Hoàng cô bé ngồi dãy bàn phía trước bàn thằng Thọ la lên oai oái.
- Trò Thọ này nhe, làm đổ mực vào áo tui rồi nè, méc cô cho coi.
Vừa dứt câu con Hoàng đứng lên và làm liền một mạch khiến thằng Thọ chết điếng cả người, chưa biết xử trí ra sao thì con Hoàng đứng lên méc cô:
- Thưa Cô! Tự nhiên trò Thọ hất bình mực vào áo em, cô phạt trò Thọ đi.
Với gương mặt giận dữ cô Hương gọi:
- Thọ đâu? Lên đây cô bảo.
Với gương mặt sợ sệt, Thọ đứng lên và lầm lũi làm theo lệnh cô, nhưng trong lòng nó ấm ức vô cùng, thật ra con Hoàng nói oan cho nó, nhưng vì đây là trường hợp tình ngay lý gian khó mà giải bày, trước mặt mỗi học sinh thời ấy trên bàn thường được khoét một cái lỗ tròn vừa vặn với bình mực khi đặt vào đó,mục đích giữ thăng bằng cho khỏi bị đổ vỡ, không biết lụp chụp như thế nào nó làm cả bình mực văng vào áo cô bé kia, giờ thì nó nghĩ rằng hậu quả khó lường.
- Sao không lo viết bài mà nghịch ngợm quá vậy? Bây giờ cô đuổi học em nhé, à mà cô nghe mọi người bàn tán hôm trước thầy Phưóc bị " ngứa ngáy " cũng do em làm phải không? ( nó đâu có biết bị cô Hương dùng chiêu rung cây nhát khỉ ), tuy mang tâm trạng của Quan âm thị kính nhưng trước cách nói chận đầu của cô Hương khiến thằng Thọ phải thú thật và chỉ ra thủ phạm mặc dù trước đó thằng Minh hăm he nếu tiết lộ bí mật nó sẽ nghỉ chơi và không chia bớt phần quà bánh lúc ra chơi dưới sân trường.
- Dạ vụ Thầy Phước không phải em làm thưa cô, còn áo bạn Hoàng vấy mực thì em không cố ý.
Cô Hương truy tiếp:
- Vậy chứ vụ thầy Phước ai làm nếu như không phải em, nói thật đi cô sẽ không phạt em.
Như vớ được chiếc phao cứu sinh trong cơn giông bão giữa biển khơi, Thọ lấm lét nhìn về Phía Minh, đôi mắt nó như thầm nói: hãy tha thứ cho tao, riêng Minh nghe cô hỏi tới khiến nó thật sự hoảng sợ, nó co rúm người lại như một cách trấn an cho mình.
- Dạ thưa cô.. Vụ thầy Phước là do... bạn....
Nói được bao nhiêu đó Minh bật khóc, đưa tay dụi mắt nhưng nó cũng không quên quan sát thằng bạn thân nhất đời nó, lấy lại bình tĩnh với tâm trạng phóng lao, phải theo lao, nó nói tiếp.
- Thưa cô! Do bị thầy Phước phạt oan trong một giờ học nên bạn.... M..i..n.,h đã lấy trái mắt mèo làm cho thầy bị ngứa, bạn Minh rất hối hận việc làm này nhưng bạn chưa dám xin lỗi thầy.
- À ra thế đấy, em về chỗ cô tính sau, Minh đâu? Lên cô bảo.
Như chú mèo bị mắc mưa Minh cúm ra cúm rúm nhè nhẹ đi lên bục giảng, gương mặt nhợt nhạt xanh như tàu lá chuối.
- Các em xem đây, Minh đã có hành động không đúng, thầy có phạt oan đi chăng nữa các em không thể hành xử thế này.
Cô Hương nói tiếp:
- Các em hảy chép bài tiếp, Minh theo cô lên văn phòng.
Lên đến văn phòng ông Đốc, Minh tự nghĩ với cái tội tày đình này thì coi như nó sẽ bị đuổi học là cái chắc, may cho Minh sau khi biết rõ ngọn ngành câu chuyện, do sự hối lỗi thật sự, do hạnh kiểm tốt, và nhất nó là học sinh xuất sắc của lớp, của trường nên Minh nhà ta được tha bổng sau những lời răn đe thật nhiều.
Như được tái sinh lần thứ hai, từ đó về sau Minh thật sự làm cho toàn trường nở mặt nở mày, kỳ thi vào lớp đệ thất năm đó Minh là thủ khoa của cả Trường.
- Nãy giờ ông kể lại kỷ niệm lớp mình hồi xưa, nó làm cho tôi sống lại cái tuổi thơ chúng mình quá!.
Bà Nhàn nói với Thầy Minh, bà vẫn chưa hết thắc mắc:
- Ông Minh nè! Mà sao ông về đây làm hiệu trưởng hay quá vậy? Rồi ông Đốc mình mất ra sao? Tụi tui lâu lắm mới trở lại Việt Nam, à mà sao ông có được hình thầy Đạt?
- Không giấu gì mấy bạn, qua câu chuyện mình vừa kể cho các bạn, cái hôm thầy Đạt miễn tôị cho mình, thú thật trong lòng mình có cái nhìn khác về Thầy, thầy nghiêm khắc lắm, nhưng nhiều vị tha, các bạn cứ nghĩ xem giá như hôm ấy mình bị đuổi học thì...
Thầy Minh bỏ dở câu nói, chúng tôi chợt thấy đôi mắt thầy ươn ướt, lấy khăn tay lau vội dòng nước mắt, nghẹn ngào thầy Minh tiếp:
- Ngày Mình đậu đệ thất thì ít lâu cha mẹ Mình lần lượt qua đời, nếu không có Thầy Đạt chu cấp tiền bạc thì Mình đâu có cơ hội học hành và có được như hôm nay. Bởi thế Thầy Đạt với mình như người cha thứ hai mình phải kính trọng tôn thờ.
Hớp một ngụm trà nóng, thầy Minh kể tiếp:
- Sau ngày 30 tháng 4, mình cũng long đong số phận, là giaó viên nhưng cũng học tập tại chổ cả tháng, mình được phân công về dạy tại trường đây, khi thầy Đạt về hưu mình là người thay thầy quản lý mái trường của chúng mình đến hôm nay.
Nóng ruột vì sao thầy Đạt mất, bà Nhàn nhắc:
- Ông Đốc nghỉ hưu rồi cuộc sống ra sao? Thầy kể tôi nghe.
- Xem ra bà quý ông Đốc của chúng mình lắm đây. ( thầy Minh nói ).
- Tội nghiệp Thầy Đạt, cống hiến cho giáo dục nhiều công sức, ngày thầy về hưu thầy vẫn ở lại căn phòng nhỏ trong khuôn viên trường, thầy mất đi sau cơn bạo bệnh, đám tang thầy thật to, bao thế hệ học trò hay tin đều đến tiễn thầy về nơi an nghỉ cuối cùng, vòng hoa phúng điếu rất nhiều, điều này nói lên tấm lòng của người đến viếng, nhưng theo tôi đó là lãng phi quá lớn...
- Theo di chúc Thầy Đoàn Trí Đạt, toàn bộ số tiền thu được qua phúng điếu, nguyện vọng thầy muốn nó là quỹ học bổng cho những mảnh đời cơ nhỡ nhưng ham học...
Trước di ảnh của Ông Đốc, mấy anh em chúng tôi nguyện với thầy, sẽ cố gắng đem cái tri thức lãnh hội được của ngày xưa truyền lại cho thế hệ sau này khi có điều kiện, ngước nhìn khuôn mặt phúc hậu của ông chúng tôi thấy ông cười cái lũ quỷ nhỏ ngày xưa,ôi sao mà thương quá cái tuổi hồn nhiên nhưng.. Tụi bây quậy thật dữ.
*
Tiễn chúng tôi ra cổng trường sau khi dẫn chúng tôi thăm lại khắp nơi trong trường, nhìn trong sân rải rác đó đây những cánh phượng hồng rơi rụng, tôi có cái cảm nghĩ:
" Những cánh hoa rơi rụng kia dường như muốn nhường nhựa sống cho những nụ hoa vừa hé trên cành, cũng như Thầy Đoàn Trí Đạt của chúng tôi, ông vĩnh viễn ra đi và nhường lại cái sự nghiệp giáo dục lại cho thế hệ kế tiếp ".
Tạm biệt mái trường xưa ông Xuân, bà Nhàn quay về nơi đất khách, ở nơi xa đó, thời gian nó gậm nhấm kỷ niệm thời niên thiếu của ông bà từng ngày từng giờ, riêng tôi vẫn còn cái hạnh phúc đơn sơ là mình có cơ hội ngắm nhìn nơi mái trường xưa bất cứ lúc nào tôi muốn, cái hạnh phúc mà ông Xuân và bà Nhàn thật lâu mới có cái diễm phúc này./.
( Viết xong một ngày đầu mùa Hạ 2011 tại Sài Gòn )