Lời Nói Đầu

     ăm 1999, chúng tôi, tức là người viết sách này, xem trận chung kết Champions League một mình tại nhà. Sợ đánh thức mọi người đang ngủ, chúng tôi phải mở TV ở chế độ câm, vừa coi vừa…tự bình luận trong đầu. Thời gian cứ trôi, càng coi lại càng nóng ruột, vì Bayern Munich cứ mãi dẫn 1-0. Đến phút cuối cùng, đã toan tắt phụt TV đi ngủ, thì Sheringham đưa bóng vào lưới, gỡ hòa cho Manchester United. Còn nhớ lúc ấy, chúng tôi lao từ trên giường xuống đất, quỳ xuống nền nhà, hai tay giơ cao, ăn mừng hệt như cầu thủ trên sân, chỉ khác một điều là phải mím môi, không dám la to! Ăn mừng chưa xong, niềm vui đã nhân lên gấp đôi, vì Solskjaer ghi liền bàn thắng thứ hai, ấn định chiến thắng chung cuộc.
Bóng đá nói chung đem lại cho chúng ta những niềm vui và cảm xúc khó tả, nhưng dường như xem Manchester United thì xúc cảm nhiều hơn xem những CLB khác. United thích chơi trò ú tim, đầu tiên hãy ném người hâm mộ xuống địa phủ, sau đó mới kéo lên, để khi lên tới thiên đàng thì niềm vui của ta thăng hoa hơn thường lệ. Trong những trận cầu quan trọng, Quỷ Đỏ không chịu thắng dễ, mà khoái lội ngược dòng, tạo nên những khoảnh khắc kịch tính không thể nào quên. Trận chung kết 1999 được nhắc đến nhiều nhất, song nào chỉ có trận ấy mà thôi. Ngay trong mùa 1998-1999, tại vòng bốn Cúp FA, United cũng bị Liverpool gác 1-0 đến tận phút 88, trước khi “đổi ngôi trời đất” với hai bàn của Yorke và Solskjaer. Còn nhiều, rất nhiều lần khác mà lòng kiên nhẫn của CĐV bị thử thách đến cực độ rồi mới vỡ òa thành hạnh phúc: Tứ kết Cúp C1 mùa 1956-1957 với Bilbao, tứ kết Cúp C2 mùa 1983-1984 với Barcelona, rồi chung kết C1 mùa 2007-2008 với Chelsea, như độc giả sẽ thấy khi đi vào phần nội dung sách này.
Nhờ những trận cầu đầy xúc cảm, United trở thành CLB được mến mộ nhất trên khắp toàn cầu, mặc dù so về thành tích hãy còn kém xa những đội như Real Madrid[1]. Công ty nghiên cứu thị trường Kantar từng tiến hành khảo sát 54000 người trên 39 quốc gia khác nhau[2]. Kết quả công bố năm 2012 cho thấy đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh có 659 triệu người hâm mộ, nghĩa là trên thế giới cứ độ 10 người, lại có một người là fan Quỷ. Trong 659 triệu người trên, có 71 triệu ở châu Mỹ, 90 ở châu Âu, 173 ở Trung Đông và Châu Phi, và 325 ở Châu Á Thái Bình Dương. Trong 325 triệu tại Á châu, phần Việt Nam được cho là 26 triệu!
Dẫu con số 26 triệu có lẽ hơi phóng đại, việc United được yêu thích hơn các CLB khác tại Việt Nam là thực tế hiển nhiên. Hoạt động của các “MU fan clubs” ở nước ta vô cùng sôi nổi, và mỗi ngày, số lượng bài viết về Man đỏ luôn áp đảo trên trang thể thao các báo và tạp chí. Tuy nhiên, lại có một thực tế nữa rằng: những bài viết, phân tích ngắn thì “hằng hà sa số”, mà khảo cứu dài hơi, chuyên sâu thì không thấy đâu, không tính vài quyển dịch của nước ngoài. Chúng tôi từng than về chuyện thiếu tác phẩm tiếng Việt về Sir Alex Ferguson, về Manchester United cũng thiếu y như vậy.
Những lần đi nhà sách ở Việt Nam, chúng tôi xem thấy nơi kệ sách thể thao chỉ toàn sách dạy đánh cờ và đánh võ, sách bóng đá nói chung chỉ lèo tèo vài cuốn, nói chi đến sách giới thiệu United. Thật quá kỳ lạ, bởi người Việt vốn tự hào mình hâm mộ túc cầu vào loại bậc nhất thế giới kia mà! Phải chăng dân ta chỉ đơn thuần thích xem bóng đá, chứ không thích đọc và tìm hiểu thêm cho nhức đầu? Hay là cầu có đấy, mà không ai đưa ra nguồn cung để đáp ứng?
Theo thiển ý, nếu tạm chấp nhận con số 26 triệu trên kia là thật, thì ít ra trong số đó, cũng có một triệu quan tâm tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của CLB mình yêu mến, hiểu nhiều để yêu nhiều hơn. Như vậy, việc viết sách về United là cần thiết. Vậy mà không thấy ai viết, chỉ có một hai cuốn sách dịch.
Chúng tôi không phản đối việc dịch. Dịch càng nhiều càng tốt chứ không hại gì. Nhưng sách đề tài United, người nước ngoài viết nhiều vô số, chẳng lẽ họ làm được, người Việt Nam lại không hay sao?
Ắt hẳn không phải thế. Chúng tôi tin rất nhiều chuyên gia hay nhà báo của ta có thể làm được, chỉ vì nhiều lý do mà họ chưa làm. Và vì họ chưa làm nên một tay “amateur” như chúng tôi đành phải làm. Mong rằng rồi đây, các bậc cao minh hơn sẽ nhập cuộc, để phát động phong trào viết sách thể thao ở Việt Nam, và mong rằng rồi đây, nước nhà sẽ có những tác gia thể thao chuyên nghiệp.

*

Vì đã viết cuốn “Sir Alex Ferguson – Chân Dung Một Huyền Thoại”, khi bắt đầu sách này, để tránh sự trùng lặp, chúng tôi từng có ý sẽ kết thúc vào thời điểm 1986, khi Ron Atkinson mất chức. Song suy đi nghĩ lại, thấy đã làm thì làm cho trọn, nên quyết định dựa vào tài liệu cũ để viết thêm cho tới 2013. Như vậy, chương 23 đến 40 của sách này chính là phiên bản được chỉnh lý và cập nhật của các chương 18-39 trong sách về Sir Alex.
Ngoài ra khi soạn sách, chúng tôi dựa vào các nguồn chính sau đây:
-The Matt Busby Chronicles: Manchester United 1946-1969 của J. Brown (2012): Biên niên sử Manchester United dưới trào Matt Busby.
-Managing My Life – My Autobiography (2000) và Alex Ferguson: My Autobiography (2013): Hai cuốn tự truyện của Sir Alex Ferguson. Cuốn đầu nghiêm túc, hàm lượng thông tin cao; cuốn sau viết theo lối hoạt kê, mang nhiều tính giải trí.
-Manchester United in Europe: Tragedy, History, Destiny của K. Ferris (2004): Lịch sử United trên đấu trường châu Âu, trọng tâm là thảm họa Munich cùng hai chiến dịch chinh phục Cúp C1 các năm 1968 và 1999
-Manchester United 1958-1968: Rising from the Wreckage của I. McCartney (2013): Câu chuyện hồi sinh của United sau thảm họa Munich.
-The United Tour of Manchester của I. McCartney và T. Clare (2013): Giới thiệu các di tích lịch sử liên quan đến United ở Manchester, với điểm nhấn về lịch sử CLB thời kỳ sơ khai.
-1907-1911 Manchester United: The First Halcyon Years của M. Metcalf (2014): Lịch Sử United trong những năm hoàng kim dưới thời HLV Ernest Mangnall.
-Sir Alex Ferguson: The Official Manchester United Story of 25 Years at the Top của D. Meek và T. Tyrrell (2011): Sách sử “chính thống” do Manchester United phát hành, thuật lại những diễn biến trong 25 năm cầm quân của Sir Alex Ferguson.
-Manchester United the Biography: The Complete Story of the World’s Greatest Football Club của J. White (2010): Thông sử toàn diện về United giai đoạn 1878-2010, về tổng quan rất có giá trị, song đi vào chi tiết có nhiều nhẫm lần, khi dùng cần cẩn trọng.
Số liệu thống kê trong sách được lấy chủ yếu từ www.stretfordend.co.uk. Xin xem thêm thư mục đầy đủ nơi cuối sách.
Sách này là công việc của chỉ một người. Sau khi soạn xong, chúng tôi cũng không có thời giờ duyệt lại kỹ càng, nên sai sót là điều khó tránh. Mong độc giả thể tất, cùng mong khi phát hiện lỗi nào, xin cho chúng tôi được biết để có dịp chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn.
Adelaide, tháng 11, 2014
Nguyễn Minh
(https://www.facebook.com/huuminh.ng)
Chú thích:

[1] Dĩ nhiên, cũng nhờ công tác quảng bá giải Ngoại Hạng Anh quá tốt.

[2] Nhiều người chỉ trích Kantar chỉ khảo sát mấy chục ngàn người mà dám đưa kết luận tới con số hàng trăm triệu. Chỉ trích như vậy là không hiểu gì, và phủ nhận hoàn toàn ngành thống kê. Hầu như bất kỳ khảo sát thống kê nào cũng chỉ nghiên cứu một mẫu nhỏ, sau đó suy rộng ra tổng thể.