Chương hai

     on tàu lướt êm ái trên đường sắt gây buồn ngủ. Nhịp rung động đều đặn của nó hình như thấm cả vào lưng tôi. Bây giờ, không còn biết nó chạy qua vùng nào. Phải chờ một người bạn đồng hành sáng mắt nào đó lên tiếng. Đối với tôi khung cảnh rõ rệt bên ngoài chỉ là gió và ánh nắng. Chắc mặt trời đã lên cao.
Bao nhiêu ngày tháng đã qua rồi kể từ ngày ấy. Cái ngày đã cắt cuộc đời tôi ra làm hai. Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả những ngày sắp tới để sống lại một ngày, chỉ một ngày thôi, trong quãng đời còn ánh sáng. Ngày tháng đã làm nhạt nhòa khung cảnh bên ngoài con tàu. Trí nhớ chỉ còn rời rạc hình ảnh vài cây cau, cây dừa, những mái nhà tranh, một vùng đồi núi. Những hình ảnh đó xáo trộn, chồng chất lên nhau và cứ nghèo nàn dần.
Nhưng hình ảnh trước phút gia đình tôi gặp tai nạn tôi nhớ rõ như nhớ hình dạng năm ngón tay trên bàn tay mình. Bây giờ, thỉnh thoảng trong giấc mơ, tôi còn gặp lại toa tàu ấy cùng cha mẹ. Trong hơn một năm nằm trên giường bệnh, hình ảnh tôi nhớ đến ngay cả trong lúc mê sảng vẫn không ngoài những giây phút ấy.
Định mệnh đã đẩy tôi từ ánh sáng qua bóng tối vào một buổi sáng.
Cha tôi xin đổi vào Sài Gòn làm việc và được chấp thuận. Cả nhà sửa soạn lên đường. Mẹ hy vọng vào Sài Gòn sẽ mở một hiệu tạp hóa nhỏ ở vùng ngoại ô. Chắc hai người đã bàn tính với nhau thật nhiều, nhưng tôi chỉ biết có thế. Cha đã mua một căn nhà ở ngoại ô. Căn nhà đó mẹ và tôi không bao giờ đặt chân tới.
Không một triệu chứng, điềm gở nào báo trước gia đình tôi sẽ gặp nạn. Chú thím tôi ra tận ga tiễn chân. Chỉ có mẹ và thím rơm rớm nước mắt. Chú nhét vào tay tôi mấy tờ giấy bạc. Tôi còn nhớ chú bảo:
- Vào Sài Gòn phải học thật giỏi để viết thư về cho chú mừng.
Vậy mà đó là lần cuối cùng cả gia đình tôi trông thấy chú thím, trông thấy những mái nhà thấp lè tè của cái tỉnh nhỏ, nơi tôi ra đời.
Đoàn tàu chạy được khá lâu mới gặp nạn. Tôi còn nhớ đã dựa vào mẹ ngủ một giấc dài. Tỉnh dậy, tôi kêu đói, mẹ đưa cho khúc bánh mì. Tôi ăn hết bánh, rồi quỳ hai chân lên ghế, nhìn phong cảnh qua cửa sổ. Cha tôi bảo:
- Đừng có thò đầu, thò tay ra ngoài.
Đó là lời khuyên cuối cùng của người.
Nhưng tai nạn không vào theo lối cửa sổ mà nằm chờ sẵn trên đường sắt. Tôi không nghe tiếng nổ. Có lẽ trước lúc ngất đi tôi cảm thấy rùng mình như gặp gió lạnh. Thật là êm ái, nhẹ nhàng. Giây phút khủng khiếp không phải lúc đó, mà là lúc tỉnh dậy sau tai họa.
Thời gian nằm nhà thương là cơn ác mộng đáng sợ hơn cái chết. Hình như sự rối loạn thần kinh và những ống thuốc ngủ đã giúp tôi sống sót. Trong cơn đau đớn tột cùng tôi đã mất sự suy nghĩ sáng suốt, cũng là một điều hay.
Khi biết rõ mình đã tỉnh dậy, nhưng chỉ tỉnh dậy có một nửa, tôi vùng vẫy kêu la. Người ta phải buộc tay chân tôi vào giường để những vết thương trên người khỏi chảy máu trở lại.
Câu nói đủ nghĩa và dài đầu tiên tôi nói với người y tá:
- Cô ơi! Sao cháu chẳng trông thấy gì cả? Sao cháu cứ bị bịt mắt mãi thế?
Người y tá nói dối để an ủi tôi:
- Mai mốt cháu khỏi hẳn cô sẽ mở băng mắt cho cháu.
Cũng bằng phương pháp nói dối như thế người ta nói về cha mẹ tôi để cho tôi đủ sức chịu đựng.
Mọi người ban phát cho tôi các chi tiết bi đát một cách thật chậm chạp. Sự khéo léo tế nhị đó chỉ làm thời gian đau đớn kéo dài. Trong những tuần đầu tôi chỉ kêu gào mà không khóc được. Mỗi lần khóc là mũi bị nghẹt, hai mắt nhức nhối như xương sọ sắp nứt ra. Tôi gặp khó khăn, rắc rối ngay cả lúc muốn bày tỏ sự đau đớn, khổ sở của mình.
Về sau, căn cứ vào những chi tiết do người này người kia kể, tôi biết là đám tang cha mẹ đã được cử hành trong lúc tôi nửa sống, nửa chết. Bàn tay định mệnh đã quá nhân đạo hay quá tàn ác khi cho tôi sống sót? Điều đó có lẽ tôi chỉ biết khi sống hết cuộc đời mình.
Bóng tối vĩnh viễn vây quanh đã đột ngột đẩy tôi vào một thế giới lạ, sống một cuộc đời khác.
Khi được chú thím đưa về nhà nuôi, tôi nằm ngồi quanh quẩn ở giường và chưa nghĩ đến việc cố gắng sử dụng các giác quan còn lại. Thời gian được săn sóc cẩn thận kéo dài hơn một năm. Họ hàng và bạn bè của cha mẹ tôi đến thăm luôn. Tôi tìm lại sự tin tưởng, yên tĩnh của tâm hồn trong những lời vỗ về an ủi.
Nhưng tình thương hình như cũng là một thứ chóng mòn. Sự xấu số của một đứa trẻ lôi kéo sự chú ý của mọi người được hơn một năm trời đã là nhiều rồi.
Mọi người quên nỗi khổ của tôi, tôi chỉ mất những lời thăm hỏi, an ủi. Nhưng chú thím quên nỗi khổ của tôi, tôi mất dần sự che chở, săn sóc.
Thím nói xẵng với tôi lần đầu tiên khi tôi làm vỡ cái ấm nước.
Sau thời gian dài quanh quẩn bên giường, tôi bắt đầu khao khát được ra khỏi căn buồng chật hẹp. Tôi thèm được rờ rẫm mọi thứ trong nhà. Mỗi khi lần ra cửa chính đứng, tôi cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Tiếng động ngoài phố làm bớt cảm thấy thế giới của mình nhỏ hẹp. Tôi vẫn hy vọng sẽ thấy được mờ mờ khi trời nắng to. Một lần, tôi men theo vách tường lần mò xuống bếp. Lúc đó, chú tôi đi làm và tôi tưởng thím tôi đi chợ. Thằng Khánh, em họ tôi, bỏ đi chơi. Nó có nhiệm vụ dắt tôi đi lại trong nhà. Nhưng có lẽ đã chán ông anh nằm lì một chỗ, không thể chơi chung với nó một trò chơi gì, nó luôn luôn đi với lũ trẻ hàng xóm. Xuống tới bếp, tôi đụng phải cái bàn và quơ đổ ấm nước. Ấm nước rơi xuống đất vỡ tan. Đúng lúc đó, tiếng thím tôi vang lên ở cửa bếp khiến tôi giật mình thêm một lần.
- Mắt mũi đã thế còn hay đi! Sao không bảo thằng Khánh nó dắt?
Tôi không biết thím nghe tiếng cái ấm rơi chạy vào, hay đã đứng đấy từ lâu để quan sát tôi. Tôi bào chữa:
- Thằng Khánh đi chơi.
- Thì đợi nó về một chút không được sao? Cần gì mà vội thế.
Tôi không biết trả lời thế nào cho thím khỏi giận, chỉ đáp nhỏ:
- Cháu khát.
Thím không nói gì. Tôi nghe bước chân thím lại gần rồi có tiếng những mảnh ấm vỡ được vơ lại, tiếng chổi quét. Tôi lần theo bờ tường lặng lẽ bỏ lên nhà, vào buồng ngồi, vừa hối hận vừa buồn. Buổi trưa trong bữa cơm, thím nói với chú:
- Mai phải mua cái ấm khác. Thương nó làm vỡ cái ấm kia rồi!
Câu nói cố làm ra vẻ thản nhiên, nhưng tôi thấy ngay giọng thím phảng phất một ý tố cáo, trách cứ. Không hiểu sự bất hạnh đã khiến tôi hay có những ý tưởng đen tối, hoặc giúp tôi tinh tế hơn trong việc suy đoán ý nghĩ của người khác? Nhưng lúc đó tôi tin rằng thím đã bắt đầu khó chịu vì thằng cháu rồi. Chú tôi nói, giọng khoan dung hơn:
- Cháu chưa quen đi lại, phải cẩn thận mới được.
Khi thím sinh em bé, tình thương và chỗ ở dành cho tôi thu hẹp hơn nữa... Căn buồng được che màn gió, dành cho thím. Tôi ở trên căn gác xép. Suốt một tháng trời tôi lên thang, xuống thang bằng cách bò. Buổi trưa, gác quá nóng, tôi không dám lén xuống nhà vì sợ va chạm đồ vật làm chú tôi mất giấc ngủ trưa. Đợi cho cái nóng dịu xuống, tôi bắt đầu ngủ. Giấc ngủ kéo dài, nặng nề, khi thức dậy vào buổi chiều, tôi bỗng rơi vào tâm trạng hoang mang buồn khổ lạ lùng. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao hồi ấy, sau giấc ngủ, lại cảm thấy sợ hãi, buồn bã đến thế.
Thằng Khánh bị mẹ sai vặt nhiều quá, bắt đầu quên chuyện giúp đỡ tôi. Nhiều khi, biết nó đứng gần, tôi lên tiếng nhờ nó một việc, nó không thèm nói gì, im lặng lẻn đi chỗ khác.
Thính giác tôi phát triển mạnh, tinh tế hơn. Thằng Khánh ở gần, dù bước nhẹ đến thế nào tôi cũng nghe được. Chính Khánh đã cho tôi những cảm giác khổ sở đầu tiên khi bị hắt hủi. Thời gian này tôi khóc lóc nhiều nhất. Sau mỗi giấc ngủ trưa tôi lại khóc như một người mê sảng, khóc không vì một lý do nào rõ rệt.
Mới đầu thím tôi còn hỏi xẵng:
- Làm sao mày khóc?
Tôi không tìm được lý do để bào chữa cho những cơn khóc vô lý của mình.
Về sau, thím chua chát:
- Trời ơi! Ma ám mày hay sao? Mày khóc như nhà có người chết! Tao với chú mày có bỏ đói mày bữa nào đâu?
Tôi nghĩ mình bậy và cho rằng giấc ngủ trưa là nguyên nhân chính. Tôi cố thức. Nhưng chính sự thức tỉnh này lại khiến tôi phạm thêm một lỗi lầm nữa.
Một buổi trưa, tin rằng cả nhà đã ngủ hết, tôi lần xuống thang mò mẫm thò tay vào gầm tủ. Gầm tủ là chỗ thằng Khánh tích trữ đồ chơi. Tôi thích được ngồi cả giờ để sờ mó các món đó. Đồ chơi quý giá nhất của nó là chiếc xe hơi bằng sắt, chỉ xiết mạnh hai bánh sau xe xuống nền nhà là kêu xè lên một tiếng, rồi chạy theo vòng tròn.
Vừa quơ tay vào gầm tủ tôi vớ ngay được chiếc xe.
Tôi cố gắng trở lên gác mà không gây tiếng động. Có món đồ chơi này trong tay, tôi quên cả nóng nực. Tôi đẩy cho nó chạy trên sàn gác. Tôi quỳ xuống lắng tai nghe tiếng xe chạy và sung sướng, bồi hồi.
Một lát sau, thình lình có tiếng chân thằng Khánh chạy rầm rập lên thang. Thoắt một cái nó đã đến cạnh tôi. Nó giật lấy cái xe và hét:
- Đồ ăn cắp.
Vì nó giật nhanh, tôi lại không thấy đường để buông tay ra kịp thời, cái cạnh sắc của chiếc xe cứa vào ngón tay trỏ của tôi đau nhói. Cơn giận kéo đến bất ngờ. Tôi túm ngay nó, đấm cho một cái. Thằng Khánh lăn đùng ra sàn gác kêu la như cháy nhà. Hai chân nó vừa giẫy đành đạch vừa đạp túi bụi vào mặt tôi.
Cả chú thím cùng chạy lên. Thằng Khánh khóc nức nở. Thím tôi hét:
- Trời ơi! Thằng này nó khùng rồi, nó đánh thằng bé đỏ ửng cả ngực kìa.
Cơn giận tan biến ngay, tôi bắt đầu run. Chú túm lấy cả hai đứa, cho mỗi đứa một bạt tai. Theo chú, cả hai đều có lỗi. Nhưng thím quy hẳn lỗi về tôi. Thím quát đuổi Khánh xuống nhà. Trong lúc khóc, tôi quên nghe tiếng động xung quanh. Tôi giơ ngón tay chảy máu lên để thanh minh và chờ đợi. Đến lúc nghe tiếng chú nói ở dưới nhà tôi mới biết là chỉ còn một mình mình trên gác. Tôi nín khóc, đút ngón tay vào miệng và ngậm chặt cho máu thôi chảy.
Khi chú đi làm rồi thím mới tỏ rõ lập trường của mình. Thím tin là tôi điên khùng và trở thành nguy hiểm rồi. Thím khuyên thằng Khánh đừng có đến gần tôi mà có khi bị bóp cổ chết không ai biết. Tôi nằm ngậm ngón tay, hối hận và kinh hãi.
Từ ngày đó, thằng Khánh tuyệt giao với tôi. Mất thằng bạn nhỏ duy nhất, tôi trở nên ít nói vì không còn biết nói với ai. Chính vì thế mà sau này, khi đã vào trường học, phải mất một thời gian dài mới nói năng rõ ràng, trôi chảy được. Tôi cứ nằm lì trên gác xép, cố đè nén nỗi khát khao được ra ngoài để sờ mó mọi vật và tìm nghe tiếng động lạ.
Thỉnh thoảng, tôi bất ngờ bị gọi xuống vào những dịp có người bạn của chú hoặc bạn cũ của cha tôi đến thăm. Có người đặt tay lên đầu tôi và nói mãi hai tiếng “Tội nghiệp!”. Có người lại ấn nhẹ ngón tay lên mí mắt tôi để thăm dò sự hư hỏng trống rỗng bên trong. Mới đầu, tôi thích những cuộc thăm viếng đó vì có dịp nắm và rờ rẫm những bàn tay người lạ. Những ngón tay đeo nhẫn và cổ tay đeo đồng hồ được tôi khoái nhất. Xúc giác trong lúc đòi hỏi sự phát triển bắt tôi không được quyền bỏ qua những thứ đó. Một điều hấp dẫn nữa là khách hay nhắc nhở đến những ngày cha mẹ tôi còn sống. Dựa vào lời khách, tôi nhớ lại được nhiều hình ảnh đã quên hẳn.
Nhưng sau, chú tôi cho cái việc tôi mân mê từng ngón tay, cái nhẫn, chiếc đồng hồ của khách là một điều vô lễ. Chú bắt tôi đứng khoanh tay khi có khách và cấm khóc khi nghe khách nhắc đến cha mẹ mình. Thành ra những lần khoanh tay đứng trình diện quá lâu tôi lại thèm được nằm yên ổn trên cái gác xép. Những dịp được lên tiếng của tôi cứ hiếm hoi dần và chú thím thì cho rằng tôi càng ngày càng có vẻ đần độn.
Trong lúc nói chuyện với khách chú để lộ quyết định về tương lai tôi. Chú muốn đưa tôi đến nhà một ông thầy bói trong tỉnh để học nghề. “Cái nghề đó nếu được thánh độ thì cũng dư giả” câu nói đó chú thường dùng để đánh tan sự bi quan của khách, an ủi tôi.
Công việc học tập sẽ khởi sự khi tôi có vẻ bớt đần độn. Và tôi được quanh quẩn một mình trên gác xép để chờ ngày khôn ngoan hơn.
Nhưng tôi không có số làm nghề tiên đoán tương lai cho thiên hạ.
Chú tôi được một người bạn đồng nghiệp mách cho địa chỉ một ngôi trường nuôi dạy người mù ở Sài Gòn. Lối thoát tốt đẹp mở ra cho tôi và cả cho chú thím.
Một buổi sáng, tôi vừa khóc vừa nắm tay chú đi ra bến xe đò để tìm cái lối thoát tốt đẹp đó.
Căn gác xép không phải là một thiên đường, vậy mà lần đầu tiên phải rời bỏ nó tôi khổ sở quá. Bước chập chờn trên một con đường lạ, tôi bắt đầu kinh hãi vì sự thiếu một giác quan của mình.
Chú nhờ một bà bán tạp hóa ở cùng phố đưa tôi vào Sài Gòn nhân dịp đi mua hàng. Ở bến xe đò, chú hấp tấp dặn dò tôi vài câu rồi đi làm ngay cho kịp giờ. Mất cánh tay chú, tôi vội bám chặt cánh tay bà bán tạp hóa:
- Bà đừng bỏ cháu lạc nhé!
Bà ta cười thành tiếng rồi dịu dàng nói:
- Không lạc được đâu.
- Chú cháu đi rồi phải không?
- Rồi.
- Vào Sài Gòn người ta không nuôi cháu, bà lại cho cháu về nhé.
Suốt quãng đường dài mỗi lần xe ngừng, bà lại mua cho tôi những món quà vặt. Đã lâu lắm tôi không được chiều chuộng như thế. Lúc đó, trí óc non nớt của tôi chưa biết nhớ nhiều về quá khứ và nghĩ xa về tương lai. Những giây phút được săn sóc trở thành những phút giây hạnh phúc.
Không có trái mìn nào nằm dọc đường để đón đợi, đưa tôi đi theo cha mẹ. Chuyến, đi bình yên hoàn toàn.
Một bà ngồi ở băng trước tò mò hỏi về tôi. Bà bán tạp hóa giải thích rõ ràng. Bà kia suýt xoa thương hại. Sau đó, bà kể về trường hợp một đứa con hoang mà bà biết. Nó bị bỏ rơi ngay lúc vừa chào đời. Bà có ý so sánh sự bi đát của hai thân phận. Tôi nghĩ là đứa trẻ đó dù sao cũng có chỗ đỡ khổ hơn tôi. Nó không có những kỷ niệm về một gia đình ấm cúng với tình thương của cha mẹ để mà nhớ tiếc.

*

Không hiểu do sự lầm lẫn nào mà nơi tôi được đưa đến đầu tiên lại là trường nữ sinh mù. Cũng may, hồi ấy nhà trường còn chịu nhận nam sinh nhỏ. Trường do một bà hiệu trưởng và ba bà sơ trông nom. Số học sinh chưa đầy hai chục. Đã có hai nam sinh ở đó và một trong hai người sau này trở thành bạn thân của tôi.
Số chữ nghĩa tôi học được hồi còn sáng mắt đã tan biến theo tai nạn. Tôi đến trường ngờ nghệch như đứa trẻ mới đến lớp học lần đầu. Sự lo sợ và nỗi nhớ nhà hành hạ tôi hơn một tuần lễ. Sau đó là những ngày cố gắng làm quen với hoàn cảnh mới. Trường có hai phòng học thật rộng dành cho nữ sinh. Lĩnh, Vân và tôi ngồi học bên một cái bàn kê dưới chân cầu thang. Giờ học thật yên tĩnh và nghiêm trang. Nữ sinh ngủ trên lầu, mỗi người có một cái giường, một tủ nhỏ đựng quần áo và các món lặt vặt riêng. Ba chúng tôi ngủ trên ghế bố ở phòng chứa đồ đạc.
Vân còn nhỏ và ít nói. Lĩnh thì lanh lợi và nghịch ngợm nhất trường. Hắn mắc bệnh đậu mùa rồi bị mù. Thỉnh thoảng cha mẹ hoặc anh chị hắn vào thăm. Chỉ những lúc đó Lĩnh mới có vẻ xúc động, yếu đuối đôi chút. Lĩnh cao hơn tôi, thân hình gầy còm. Tôi thích mân mê cái mấu xương nhô ra ở cổ tay hắn. Hắn mù từ hồi ba tuổi nên các giác quan khác của hắn tinh tế hơn tôi nhiều.
Đêm đầu, hắn thức thật khuya, bắt tôi thức theo để nói chuyện. Đêm thứ hai, tôi vừa chợp ngủ, Lĩnh đã lay tôi dậy. Tôi hỏi:
- Gì đó?
- Đi chơi một vòng quanh nhà không?
- Khuya rồi mà.
- Khuya đi càng thích.
- Các sơ cấm ra khỏi giường.
- Mày nhát như thằng Vân. Các bà ấy ngủ rồi làm sao biết được.
Tôi nhất định nằm ì. Lĩnh lắc chân tôi:
- Đi mày.
- Tao chưa thuộc đường, đi là đụng liền.
- Tao dắt.
Tôi vẫn cương quyết từ chối. Lĩnh trở về cái ghế bố của hắn, chắc hắn bực mình lắm.
Tuy vậy, hắn không giận tôi. Lúc rảnh, Lĩnh dẫn tôi đi quanh trường, ngõ ngách nào hắn cũng biết. Hắn nhớ từng viên gạch vỡ ở sân. Dãy chậu cây trồng sát tường bao quanh trường có bao nhiêu bông hoa hắn cũng biết rõ. Nhờ vậy, chỉ sau nửa tháng, tôi đã có thể đi lại trong trường một cách tự nhiên. Khả năng nhận biết sự vật của tôi cũng phát triển nhanh hơn. Trường rộng hơn nhà chú thím. Bước chân của tôi không bị gò bó. Trường có nhiều người, tôi tập nhận ra có người đang tiến về phía mình để tránh kịp thời. Thỉnh thoảng tôi mới vấp phải một học sinh quá nhỏ thấp, hoặc một học sinh đang ngồi.
Buổi chiều, sau giờ cơm, Lĩnh thường dẫn tôi ra khoảng sân có trải cát. Chúng tôi đứng tựa vào tường lắng nghe tiếng động ngoài đường. Lĩnh rất khoái nghe tiếng còi của ông cảnh sát. Hắn nói: “Ông ta đứng gác ở góc đường chỉ cách tụi mình chừng mười bước chân”. Mỗi lần có tiếng còi ré lên, Lĩnh cuống quýt vừa cười vừa lắc vai tôi:
- Đó, ông ấy thổi còi đó. Chắc có người nào đi ẩu rồi.
Lĩnh khoe với tôi là hắn đã từng được sờ súng của ông cảnh sát. Súng để trong bao da. ông cảnh sát ăn mặc “oai” lắm. Tôi thắc mắc:
- Mày thấy đường đâu mà biết ông ấy ăn mặc oai?
- Lính nào cũng ăn mặc oai hết.
Hắn còn tả cho tôi biết đây là một ngã tư. Góc đường bên kia có trại lính. Khi tôi tỏ ý nghi ngờ về sự hiểu biết của hắn, hắn cáu:
- Tao đi lại ở đường đó cả năm trời mà không biết sao. Hồi trước, trường đâu có cho mình ngủ lại, đến học rồi về. Có bữa không ai đưa tao đi học, tao đi một mình. Chính ông cảnh sát dắt tao qua đường và cho tao rờ súng. Có bữa tao xin thổi còi mà ông ấy không cho.
Bây giờ được ở luôn trong trường, Lĩnh đâm ra nhớ ông cảnh sát.
Chúng tôi đi quanh quẩn ở chân tường cho đến lúc hết giờ nghỉ. Các nữ sinh ngồi tụ tập trước hiên hát hoặc nói chuyện với nhau. Chúng tôi không được tham dự vào sinh hoạt của họ. Nữ sinh ngoan, trọng kỷ luật và rất lễ phép. Bà sơ dạy chúng tôi thường khuyên Lĩnh nên theo gương họ, bớt ngỗ nghịch đi.
Nhưng có lẽ chẳng bao giờ Lĩnh ngoan được như các nữ sinh.
Một lần, vào nửa đêm, Lĩnh gọi tôi dậy, nhét vào tay tôi một vật cứng hình bầu dục. Hắn thì thào:
- Tao tháo được cái tay nắm ở cửa ra rồi, mà giờ không biết ráp lại làm sao.
Tôi nhổm dậy vì nghe giọng hắn có vẻ lo lắng, sợ hãi. Chúng tôi đến cửa, loay hoay rờ rẫm một hồi. Tôi không làm sao giúp hắn ráp lại cái tay nắm cửa vì một lý do dễ hiểu: hắn đã tháo ra bằng cách bẻ gẫy cái chốt sắt.
Cuối cùng, sợ gây tiếng động đánh thức mọi người, chúng tôi gài lỏng lẻo cái tay nắm lên cửa rồi rút êm về giường. Sáng hôm sau, bà sơ lớn tuổi nhất vừa chạm vào cửa, nó đã rơi xuống đất. Thủ phạm bị gọi đích danh lập tức. Lĩnh đã có nhiều thành tích phá hoại đồ vật trong trường: ba lần làm tắc vòi nước, hai lần làm hóc khóa cửa và đã nhiều lần tháo ráp tay nắm cửa.
Một đêm khác, tôi thức giấc và nghe những tiếng lách cách đều đặn nổi lên ở chân cầu thang. Mới đầu, tôi tưởng trời sáng rồi. Nhưng nhận ngay ra là mình lầm. Tiếng xe cộ ở ngoài đường rất thưa thớt. Ngoài tiếng lách cách đó, trường không còn một tiếng động nào khác. Vả lại, đêm phủ trên người tôi một cảm giác mát dịu đặc biệt. Chân thang ở rất gần cửa phòng chứa đồ đạc. Nghĩ đến những chuyện ma quái tôi sợ lạnh người. Tôi muốn gọi Lĩnh hoặc Vân mà không dám. Lát sau, có tiếng dép đi từ trên lầu xuống thang. Tiếng lách cách im bặt. Có tiếng chân chạy và tiếng sơ già quát khẽ:
- Đứng đó.
Tới lúc ấy tôi mới hết sợ. Biết kẻ gây tiếng động không phải là ma quái, tôi nghĩ ngay đến Lĩnh.
Buổi học hôm sau, hắn than với tôi là mỏi tay vì phải chép phạt nhiều lần câu: “Tôi không được phá hư máy chữ”.
Ngoài giờ học, các nữ sinh học đan thêu, máy vá... Khăn đan, áo len, bao tay làm được để cả trong một cái tủ kính lớn. Lĩnh không dám đụng đến các món đó. Thỉnh thoảng hắn chỉ rủ tôi đến đứng rờ mặt kính phẳng, mát và cái chìa khóa tủ. Tủ luôn luôn đầy. Nhà trường lo việc bán áo len đồ thêu giùm nữ sinh. Tiền thu được nhà trường giữ và trao lại họ khi họ rời khỏi trường. Nhờ thế các nữ sinh chăm chỉ có thể ra trường với một món tiền hộ mệnh nho nhỏ.
Ba đứa con trai chúng tôi, ngoài giờ học, không làm được một việc gì ra tiền. Vì thế, khi được gửi sang trường nam sinh, tôi và Vân vẫn chỉ có cái túi rỗng. Lĩnh thì được về ở với gia đình.
Tôi đã đọc được chữ nổi. Thời gian ở trường nữ không tạo nhiều kỷ niệm. Bầu không khí nơi đây quá trầm lặng, êm đềm.
Sang trường nam sinh, tôi va chạm ngay với một thế giới ồn ào, phức tạp và vui nhộn. Ngay phút đầu tiên, bản năng phấn đấu của tôi đã được dịp vùng dậy.
Khi tôi và Vân đứng chờ ở phòng trực, có đến năm sáu anh lớn vây quanh hỏi han chúng tôi. Một người hỏi:
- Hai bồ ở đâu đến?
Sợ Vân trả lời thực thà, tôi bóp tay hắn và khai tên tỉnh lỵ, nơi tôi sinh ra. Vân cũng khai quê hương của hắn. Như thế chúng tôi tránh được những câu hỏi về “vụ trường nữ”. Anh Thảo nói:
- Vào ở đây thế nào cũng cảm thấy buồn ít hôm vì nhớ nhà. Nhưng đừng sợ, rồi quen hết. Tụi này có nhiều trò vui lắm, yên trí đi.
Lúc đó Sinh đã nói:
- Hai anh chàng này “tỉnh” thiệt.
Sau này tôi mới hiểu câu nói khen ngợi đó. Các học sinh nhỏ lúc mới được đưa đến trường thường tỏ ra lo sợ hoặc buồn rầu, tuyệt vọng. Mấy học sinh lớn phải xúm lại an ủi gợi chuyện, dẫn bạn mới đi quanh trường.
Sinh dọa:
- Hai bồ này chắc còn nhỏ, cho nằm ở khu “nước lụt” là phải rồi.
Chưa hiểu khu “nước lụt” là thế nào, nhưng nghe giọng Sinh, tôi đoán chỗ đó không phải là chỗ tốt. Tôi nói:
- Chúng tôi lớn rồi.
- Lớn cỡ nào?
Sinh vừa hỏi vừa tiến đến sát tôi. Tôi kiễng chân, đặt tay lên vai hắn. Nhờ thế tôi cao hơn hắn nhiều. Vả lại, việc quyết định chỗ nằm cho chúng tôi là ở ông giám thị. Tôi và Vân được chiếm hai giường ở khoảng giữa phòng, rất xa khu “nước lụt”. Đó là khu dành cho các cậu bé dưới mười tuổi. Ban đêm, trong lúc mê ngủ, các cậu thường nhầm giường mình là cái cầu tiêu. Công việc giặt giũ giường nệm, quần áo cho các cậu được thực hiện luôn nhưng khu đó vẫn không hết mùi “nước lụt”.
Thế giới mới của tôi luôn luôn ồn ào. Quanh tôi thường vang lên những câu đùa cợt nhiều khi cay đắng. Anh chàng Lĩnh có tài tháo ráp đồ đạc, phá phách, nghịch ngợm nếu vào đây chắc cũng khó lập được những thành tích xuất sắc hơn một số học sinh cũ.
Tôi phải tập nói nhanh, hiểu nhanh để theo kịp các bạn. Các bạn tôi đều có những nỗi khổ riêng và những kinh nghiệm chua xót. Họ truyền cho tôi sự lo lắng về tương lai. Trong khi vui vẻ chỉ trích nhau, chúng tôi cứ vô tình tìm ra những điểm bấp bênh nơi cuộc đời của bè bạn, cuộc đời mình. Các anh lớn thường không còn bực bội, băn khoăn vì bóng tối nữa. Ngày tháng qua đi đã làm cho họ quen dần. Vấn đề của họ là tìm cách phấn đấu làm sao để khỏi nghèo nàn, đói rách.
Giường tôi ở giữa giường Hoan và giường anh San. Hoan thân với tôi ngay. Những ngày đầu tôi không dám rời cánh tay Hoan mỗi khi ra khỏi phòng học hay phòng ngủ. Hoan hiền lành ít nói về mình và có những ý tưởng thật bi quan. Đôi khi tôi hỏi về gia đình anh, anh trả lời những câu ngắn, mơ hồ. Có lúc Hoan bảo là cha mẹ còn cả, có lúc anh lại nhận mình là đứa trẻ mồ côi.
Ngoài cái thú đi quanh sân nói chuyện với tôi, Hoan chỉ còn thích ngồi một mình trên ghế đá ở nhà chơi gẩy đàn. Hoan có thể ngồi như thế ba, bốn giờ liền. Trong những ngày ở cạnh nhau, tôi dò dẫm tìm những câu gợi chuyện có thể khiến Hoan vui vẻ kể lể. Nhưng tôi thất bại. Hoan chỉ thích nói những câu buồn rồi im lặng thật lâu. Có lần anh bảo tôi:
- Nỗi khổ của chúng mình có lời an ủi nào làm vơi được. Khi biết niềm hy vọng chỉ là ảo vọng, mình sống thật khó khăn.
- Hoan hy vọng gì?
- Tìm lại ánh sáng.
Có lẽ hy vọng quá to tát đó đã làm anh đau khổ. Tôi nghĩ mình còn sung sướng hơn Hoan. Mỗi ngày qua đi giúp tôi trút bớt nỗi khổ vào quá khứ. Không quên những ngày kinh hoàng, nhưng chẳng còn bối rối, đau đớn khi nhớ lại. Mỗi khi có dịp để vui cười, tôi không bỏ phí.
Anh San cũng ít nói như Hoan, nhưng yêu đời hơn. San ăn, ngủ, làm việc, nói chuyện rất điều độ. Thỉnh thoảng anh ném sang giường tôi vài cái kẹo, cái bánh và nói gọn: “Ăn đi”. San khuyên tôi: “Không biết đàn biết hát như cậu thật dở. ít nhất cũng phải hát được vài bài để khi đói có thể nghêu ngao kiếm tiền”. Một buổi tối, tôi sang giường anh ngồi chơi. San đặt tay tôi lên mép anh ta rồi hỏi:
- Cậu coi râu anh dài chưa?
- Trời! Anh này già ghê!
- Già gì. Cạo phăng đi lại trẻ ngay.
- Sao không cạo?
- Để ít bữa làm kỷ niệm!
Nhớ ngày mình lên đường, anh cao hứng kể:
- Hồi còn ở với gia đình, một hôm anh sờ lên cằm và chợt nghĩ: “Nguy quá! Mình có râu mép cứng rồi, vậy mà cứ ở nhà ăn bám gia đình mãi”. Thế là anh quyết định lên đường. Gia đình anh đâu có chịu. Anh phải trốn đi đấy chứ. Tinh thần anh cao, đâu có như các cậu, được đưa vào trường còn khóc sướt mướt.
Từ quê anh lên đây phải qua “bắc” hai lần. Tới Sài Gòn, xuống xe, anh còn đúng năm chục. Lão xích lô thả anh xuống đầu một cái ngõ hẻm. Lão kiếm nhà cho anh một hồi không thấy thì lên xe dông luôn. Anh hoảng quá đi quanh quẩn một hồi hỏi thăm vẫn không kiếm ra nhà ông bác. Túi còn ba chục, bụng đói như cào mà không dám ăn cái gì. May có một ông trong xóm cho ngủ nhờ qua đêm, lại cho ăn nữa.
Hôm sau, ông ấy dẫn anh đến giới thiệu với một vị linh mục. Anh kể hoàn cảnh. Linh mục hỏi: “Nếu không tìm thấy ông bác thì trở lại quê chứ?” Anh đáp: “Con không muốn trở về, con muốn được ở lại đây kiếm việc làm sinh sống”. Thế là buổi chiều anh được gửi lên một cái trại gì đó ở gần Biên Hòa. Cậu biết trại gì không? Anh vừa vào cổng đã có người nói: “Tội nghiệp! Đã mù còn bị lao nữa!” Anh cãi: “Tôi đâu có bị ho lao”. Lúc đó người ta mới giải thích cho mình biết đây là trại tiểu công nghệ của các người già, người bệnh. Anh hoảng quá, không dám ăn cơm ở trại, xin người tài xế cho về gấp. Vị linh mục có vẻ giận lắm, nhưng vẫn cho tá túc.
Khi được ông lo cho vào trường mù anh mừng quá. Anh lớn tuổi nên cái vụ xin vào trường hơi trục trặc. Bây giờ, khỏi ăn bám gia đình, lại có ít chữ nghĩa trong bụng. Chuyến ra đi của anh đâu có dở...
Anh San có vẻ hài lòng, tự tin. Trong trường hiếm có người vui với hiện tại của mình như thế. Câu chuyện của anh có một chi tiết làm tôi xúc động. Anh đã sờ râu để biết mình lớn. Tôi cũng đang lớn và tôi không biết rõ thân thể tôi phát triển nhanh chậm như thế nào. Hồi trước, sự mau lớn của tôi làm cho cha mẹ vui mừng, nhất là mẹ tôi. Tôi nhớ đến một buổi sáng ngày mồng một Tết, mẹ vừa mở hàng cho tôi vừa chúc tôi chóng lớn. Một ngày tôi khỏe mạnh là một niềm hân hoan của người. Bây giờ chẳng còn ai vui mừng vì tôi đang lớn.
Vân cũng làm quen với mọi người rất nhanh. Tự nhiên hắn sinh ra ham mê các phương pháp đoán vận mệnh. Gặp ai Vân cũng muốn rờ chỉ tay để luận về tương lai của người ta.
Sự đông đảo của trường làm cho bóng tối quanh tôi bớt vẻ trầm lặng, lạnh lùng. Những câu chuyện của bạn bè cũng giúp quên thời gian buồn. Chỉ có đôi khi, chợt thức giấc nửa đêm, lắng nghe tiếng xe cộ vọng lại từ những con đường xa, tôi hoang mang, chới với. Trong đêm khuya tôi cố suy nghĩ, tìm hiểu về những tiếng động phức tạp, bí mật. Và tôi khát khao, mơ tưởng nếp sống nhộn nhịp bên ngoài.

*

Những chiều thứ bảy, đột nhiên, chúng tôi như cùng sống lại.
Từ chốn tăm tối, cô đơn chúng tôi hân hoan trở về với cuộc đời. Chúng tôi được sống qua một buổi chiều với rất nhiều bạn. Họ đến với những món quà quý giá, những món quà hồi sinh cho cái thế giới chết chìm trong im lặng và buồn rầu: nụ cười, lời ca, tiếng đàn, và những giây phút chuyện trò cởi mở. Chúng tôi được nắm nhiều bàn tay để được tin rằng gia tài tình cảm của mình không quá nghèo nàn.
Tất cả những giấc ngủ trưa trong ngày thứ bảy của chúng tôi đều ngắn để góp thời gian vào buổi chiều vui. Riêng tôi, tôi hưởng thụ sự hồi sinh từ sau buổi học sáng. Suốt buổi trưa dành để nghĩ về buổi chiều và để chờ đợi sửa soạn.
Khoảng mới hơn một giờ trưa đã có nhiều đứa lục đục kéo nhau xuống nhà. Vài tên ngồi yên lặng trong các lớp học. Vài tên khoác tay nhau; đi đi lại lại trên hành lang hoặc quanh quẩn ở sân sau. Cánh cửa chính của nhà trường được người lao công mở hé.
Niềm vui của cuộc đời sẽ từ phía đó tràn vào. Mỗi tiếng xe, tiếng chân đi đều được chúng tôi đón đợi với sự hồi hộp, sung sướng. Người nào đó? Đứa nào sẽ được nhảy lên reo mừng vì được gọi tên. Đứa nào sẽ được vừa cười vừa nắm chặt cánh tay người mới tới? Rồi hỏi han, rồi nói chuyện, rồi hát cho nhau nghe, nếu người bạn ấy lại là “của chung” của vài tên thì sự vui mừng còn hồi hộp thở trong những tiếng gọi nhau hấp tấp: “Anh An đến Vinh ơi! Sinh ơi! Nô ơi! Chị Hằng”. Kẻ được gọi diễn tả sự sung sướng hân hoan tuyệt vời bằng nụ cười, bằng đôi chân bước đến vội vàng, cuống quýt đến liều lĩnh. Chỉ nghe tiếng gọi nhau đó tôi đã muốn mỉm cười vu vơ, góp vui.
Tiếng chân khách chạm trên sỏi ở sân trước nghe thật rỗ ràng. Âm thanh khô khan, cứng nhắc mà sao kích thích lạ lùng. Nếu không sợ “lỡ tàu” vì đón lầm, tất cả chúng tôi sẽ ào ra vây người khách để được chào hỏi sớm hơn.
Các lớp học vang lên tiếng đàn, tiếng hát. Sân trước sân sau tràn ngập tiếng chân bước, tiếng nói, cười. Sáng chủ nhật cũng lác đác có vài người tới. Nhưng chỉ có chiều thứ bảy là đáng giá. Tôi muốn được ngủ cả tuần và chỉ thức dậy vào một ngày thôi.
Ngày mới vào trường tôi không có bạn, không được chờ ai cả.
Thấy lũ bạn sửa soạn, bàn tán ầm ĩ tôi ngạc nhiên lắm. Gian phòng ngủ dài ấm lại vì những tiếng cười nói hân hoan. Tất cả quên những câu than, quên lời cay đắng, quên niềm tuyệt vọng! Vinh dành một bộ quần áo sạch sẽ, đẹp đẽ nhất cho ngày thứ bảy và những dịp “đại lễ”. Không được nhìn mặt trong gương thì đỡ thấy tội nghiệp mình hơn, nhưng việc sửa soạn thật là khó khăn. Hoan tập lại đàn để lát nữa tặng cho người bạn quý món quà âm thanh.
Khi cả bọn kéo xuống chờ đợi ở các lớp học, tôi cũng xuống theo. Lúc ấy tôi mới biết rằng kiếm được một người bạn hằng tuần đến thăm mình không phải việc dễ. Hoan, Nô, Vinh đột nhiên như quên hẳn tôi. Chả đứa nào chịu giới thiệu tôi với ai hết. Họ giữ độc quyền việc tâm sự với khách. Tôi đi lang thang qua đủ các phòng, cố góp một vài lời vu vơ vào một câu chuyện. Nhưng những bài ca, những mẩu chuyện vui vui luôn luôn che lấp lời tôi nói.
Thỉnh thoảng có một đoàn người đến thăm trường an ủi và tặng quà bánh. Họ từ những cơ quan từ thiện nào đó. Trước hết, họ tụ tập ở phòng ông hiệu trưởng. Sau đó, chúng tôi được chia quà. Tôi chưa kịp ghi nhớ giọng nói của ai thì họ đã cáo lui. Cũng có đôi khi, chúng tôi nắm chặt một vài bàn tay. Tất cả những bàn tay ấy đều nắm lại chắc chắn và sau đó mở ra rất nhanh. Để bù cho cái tình thân không dài quá gang tay đó, họ để lại thật nhiều kẹo bánh. Kẹo bánh thật ngon. Nhưng khi ăn lại sượng sùng vì thật tình mình ước ao những thứ khác. Vừa nhai vừa nhớ rõ cái cuộc đời luôn luôn cần ân huệ của mình. Miếng ngon chưa trôi qua cổ, nỗi buồn đã ngập cả tâm hồn.
Có một lần tôi tưởng đã kiếm được một người bạn, anh ở trong đoàn hướng đạo sinh tới thăm trường. Bàn tay anh dày, cánh tay rắn chắc. Anh có tiếng cười to phóng túng, bao dung. Tôi ghi nhớ được giọng nói khàn khàn của anh và cả cách anh đi. Tiếng bước chân anh bao giờ cũng dồn dập và mạnh mẽ hơn người khác. Lúc anh đang đi thật dễ nhận ra. Tôi nói với anh:
- Chiều thứ bảy sau anh lại đến nhé!
Anh đặt một bàn tay lên vai tôi bóp nhẹ thân mật:
- Tôi sẽ cố gắng đến thăm Thương.
Câu nói đó khiến tôi sung sướng lai rai được cả tuần. Sau bốn tuần lễ mất công sửa soạn, chờ đợi, hồi hộp, tôi mới hoàn toàn thất vọng. Thêm một lần nữa, niềm vui biến vào trong bóng tối mịt mù. Nhưng tôi còn giữ được cảm giác về bàn tay dầy, chắc và giọng nói khàn khàn. Những thứ nho nhỏ đó góp nhặt lại đôi khi cũng giúp mình cảm thấy bớt cô đơn.
Đã quen với sự tuyệt vọng, sự hất hủi, lạnh nhạt, tôi cũng dần dần làm quen được với những chiều thứ bảy không có bạn. Tôi ngại việc dự cuộc họp mặt ở các lớp học. Mình bị coi như một cái bàn cái ghế! Nghe thiên hạ cười, tự nhiên mình muốn khóc. Tôi xuống nhà chơi ngồi một mình. Nơi đây có những chiếc ghế đá đặt sát tường. Thỉnh thoảng có một vài đứa nhỏ cũng không có bạn vì còn bé quá, đi vơ vẩn đến gần tôi. Tôi gọi nó lại. Chúng tôi ngồi dựa vào nhau, dựa vào tường ôm gối yên lặng. Lúc mệt có thể ngủ lơ mơ, không ngủ được thì nghe những tiếng động quanh mình.
Tiếng đàn hát từ xa vọng lại, tiếng chân bước quanh sân. Tôi lắng nghe cả những câu nói thật nhỏ để đoán xem người nói là ai. Có khi tôi cố tìm tòi những tiếng động ở thật xa để đo lường chiều rộng cái thế giới tăm tối của mình. Nhờ vậy, thỉnh thoảng tôi đón được vài tiếng cười trong trẻo vang lên bất ngờ. Tiếng cười bật ra từ ngôi nhà bên cạnh trường như được treo lơ lửng giữa lưng trời.
Có khi tiếng cười ngắn ngủi, hết ngay như không muốn chạm mạnh vào sự lặng lẽ. Có khi chuỗi cười kéo dài ròn rã, hồn nhiên. Sau này anh Phong cho biết chủ nhân những tiếng cười yêu đời đó là các nữ sinh ở lưu xá bên cạnh trường. Họ đứng trên hành lang lầu hai, đôi khi tò mò nhìn chúng tôi. Anh Phong không cần tả tôi cũng cảm thấy được tất cả sự vui tươi nhí nhảnh của họ. Vào những ngày thuận chiều gió, tiếng họ lao xao bay phớt qua tôi. Tôi không thể nghe được từng câu nói, nhưng các âm thanh pha trộn đó tràn đầy sức sống, bừng bừng niềm tin ở tương lai. Có lẽ những cô gái đó cũng bị nhốt như chúng tôi. Nhưng chắc chắn khi họ bước ra khỏi cổng lưu xá, cuộc đời sẽ dang rộng đôi tay trìu mến đón tiếp họ. Tiếng cười, tiếng nói của họ bao giờ cũng tự tin, đắc thắng như một ca khúc khải hoàn.
Bỗng vào một đêm Trung Thu, cả cái thế giới nữ sinh nhí nhảnh yêu đời đó bước xuống thế giới lạnh lẽo của trường mù.
Trung Thu được gợi lên nhờ những miếng bánh dẻo, bánh nướng. Đèn, trăng chỉ là những tiếng mơ hồ trừu tượng. Mọi năm, chúng tôi thấy Trung Thu bất ngờ đến với những cái bánh thêm vào buổi ăn chiều. Tôi vẫn đi ngủ sớm như thường lệ. Trăng, sao ở ngoài cuộc đời của chúng tôi. Trong khi đó, bên lưu xá các cô họp mặt ca hát. Chúng tôi thường ngồi lặng lẽ trên ghế đá trong nhà chơi, vui lây bằng cách mỉm cười theo những tiếng cười to, hồn nhiên nhất. Khi sự ồn ào náo động đi ngủ theo họ, tôi chậm rãi lên thang lầu, lần mò trong bóng tối, nghe thấm sự chớm lạnh của đêm trường.
Có lẽ ông giám thị trẻ gặp khó khăn trong việc bắt chúng tôi đi ngủ sớm trong đêm Trung Thu nên ông muốn cho chúng tôi thức trong những phút vui sống. Ông bàn với các anh lớn trong trường để tổ chức một đêm văn nghệ thật xôm. Ông bảo:
- Trường lưu xá kỷ luật nghiêm khắc. Bà giám đốc chắc khó chịu lắm. Nhưng vì các em, ta sẽ mạo hiểm một phen xem sao.
Ông đi nửa giờ mới về. Cả bọn đứng ở phòng khách hồi hộp chờ. Nhiều đứa reo lên khi ông nói:
- Được rồi, năm nay hai trường sẽ ăn Trung Thu. “Sơ” giám đốc cho phép.
Cùng lúc ấy, chúng tôi nghe tiếng dép bước lẹp xẹp trên sân sỏi và vài tiếng cười khúc khích trong trẻo, ngượng nghịu. Ông giám thị giải thích:
- Mấy chị bên trường mang quà bánh sang góp đó. Nhiều kẹo lắm. Bữa nay trường giàu rồi.
Một giọng trong trẻo vang lên:
- Chào các anh. Năm nay cho chúng tôi ăn chung Trung Thu nhé!
Chúng tôi sững sờ kinh ngạc rồi chào lại, chỉ biết lễ phép chào, không thể nói gì hơn, vui mừng quá sức. Có một đôi chân bước lại gần chúng tôi. Đứa nào cũng hồi hộp, lo lắng. Hình như cô gái ngập ngừng đi chậm lại, Hoan liều lĩnh lên tiếng:
- Chào chị!
- Chào anh em, tôi là Liên ở bên lưu xá.
Sinh nói to:
- Trời ơi! Chúng mình là hàng xóm mà bây giờ chị mới sang chơi với tụi tui.
Cô gái có vẻ hơi lúng túng:
- Tại tôi không quen anh nào hết.
Sinh vội bô bô giới thiệu từng người với đầy đủ các biệt hiệu ngộ nghĩnh. Cô bật cười. Sự thân mật cùng tiếng cười ấy lan ra khắp phòng. Chúng tôi cười theo và thầm hiểu “Trong danh sách những người bạn thực thụ của nhà trường lại có thêm tên chị Liên”.
Chị Liên cáo từ, hẹn buổi tối trở lại. Chúng tôi lắng nghe tiếng chân chị lẫn vào tiếng chân của mấy cô nữ sinh khác lao xao, xa dần. Âm thanh rào rạo mà nghe rộn rã vui. Tôi thầm hy vọng và tin tưởng rằng tôi sắp có một người bạn để được chờ đợi vào những chiều thứ bảy, một người bạn của riêng tôi.
Ý nghĩ đó khiến tôi rất hăng hái tiếp tay với các bạn kê bàn ghế ở nhà chơi để mừng Trung Thu. Trường chỉ có một người lao công. Chúng tôi nhất định không để ông ta phải làm việc một mình. Trong khi chờ đợi những giờ vui, khuân vác nhọc nhằn cũng trở thành một cái thú. Đêm Trung Thu trong lòng tôi bắt đầu bằng những tiếng bàn ghế kéo đi, xích lại, bằng cả mùi bụi bặm toát ra từ những chiếc ghế dài tôi vác trên vai.
Bữa cơm chiều, chúng tôi ăn vội vàng... Vinh, Hoan và tôi chỉ thích quanh quẩn ở nhà chơi. Nhiều chiếc bàn kê sát nhau thành một dãy dài chiếm gần hết phòng. Ông giám thị bảo: “Phải chừa một đoạn làm sân khấu”. Chính ở khoảng trống đó, ông đặt micro và kê ghế cho ban nhạc ngồi.
Chúng tôi đặt một bàn tay trên mặt bàn rồi kéo lê ngón tay và đi xung quanh. Vinh nói:
- Lát nữa chắc vui lắm.
Hoan tiếp:
- Các chị ấy hát thì hay không chê được.
- Sao bồ biết?
- Tôi nghe mấy chị ấy hát luôn mà!
- Nghe ở đâu? Dóc!
- Hờ. Giọng nói các chị ấy như vậy mà các chị ấy hát không hay sao?
Tôi và Vinh im lặng, không phản đối. Một lời ca tụng khách, dù sao, vẫn làm cho mấy giờ vui sắp tới thêm long trọng đậm đà...
Khoảng tám giờ tối, ông giám thị tập họp tất cả chúng tôi và dặn dò:
- Hôm nay có cả Sơ giám đốc sang dự, vậy các em cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn và lễ phép để giữ danh tiếng cho nhà trường.
Ông hiệu trưởng vui vẻ bảo:
- Các em có bộ quần áo nào đẹp nhất thì mặc vô.
Ông nói với ông giám thị:
- Thầy nhớ coi sóc cách ăn mặc của các em. Chị em bên lưu xá chẳng phải là những người có chức tước lớn trong xã hội nhưng thuộc loại khách quý nhất của trường.
Không đợi ông giám thị giúp đỡ, chúng tôi tự lần mò soạn lại quần áo, tóc tai.
Khi những tiếng guốc nổi lên lạo xạo ở sân trước xen với tiếng cười nói, bỗng dưng, chúng tôi cùng yên lặng hồi hộp. Có lẽ các chị bên lưu xá cũng đâm ra ngạc nhiên, bỡ ngỡ trước vẻ chờ đợi quá trịnh trọng của chúng tôi, các chị yên lặng nốt. Phòng khách chỉ còn vang lên tiếng ông hiệu trưởng và ông giám thị chào Sơ giám đốc. Tiếng Sơ giám đốc hòa nhã trả lời.
Ông giám thị vồn vã mở cánh cửa tươi vui thân mật cho khách đến gần chúng tôi:
- Xin mời Sơ giám đốc ngồi. Xin mời các chị ngồi cùng hàng ghế với các em trong trường. Mong các chị tự nhiên cho. Mấy em trong trường tuy là chủ nhưng không thấy đường nên đành xin khách tự tìm chỗ ngồi vậy. Chúng ta hãy ngồi xen kẽ để các em cảm thấy yên tâm vì có bạn.
Thế là ở đầu bàn phía gần cửa bắt đầu vang lên tiếng kéo ghế, tiếng hỏi han thân mật líu ríu:
- Tên em là gì?
- Em bao nhiêu tuổi?
- Chị ngồi cạnh em nhé!
- Tên chị là gì?
Bầu không khí sống động với tiếng cười, tiếng nói, với mùi nước hoa thơm ngát gây cảm giác nao nao sung sướng cứ lan dần ra, ùa qua tôi, rồi như lấp kín cả gian phòng. Tưởng như nơi đây vừa biến thành một thế giới khác. Thế giới có ánh sáng lóe lên giữa tối tăm.
Một bàn tay mềm nắm lấy cánh tay tôi. Một giọng nói, còn mềm dịu hơn bàn tay, bay nhẹ nhàng bên tai tôi:
- Em ngồi xuống đây đi. Sao đứng ngẩn ra thế?
Tôi vội hướng về phía có tiếng nói, ngước lên và ấp úng:
- Chào chị!
Tôi quơ hai tay nắm được mép bàn, từ từ ngồi xuống.
- Tên em là gì?
- Dạ, em là Thương. Còn chị?
- Chị là Huyền.
- Đây là lần đầu chị vào trường chúng em phải không?
- Nhiều lần chị muốn sang nhưng...
- Chắc chị hát hay lắm.
- Đâu có.
- Chắc mà. Lát nữa chị hát nhé. Em muốn nghe chị hát.
Chị Huyền cười thành tiếng:
- Lỡ mọi người bịt tai bỏ đi hết thì sao?
Từ khoảng trống ở đầu phòng, nơi dùng làm sân khấu đã vang lên tiếng so dây đàn, tiếng khua trống nhè nhẹ. Thoáng nghe tôi đã biết người bạn nào đang sử dụng thứ nhạc khí gì và tất cả các nhạc công của trường đã tề tựu đông đủ. Tôi nói tên họ để giới thiệu cho chị Huyền biết. Chị có vẻ ngạc nhiên lắm.