Chương hai (tt)

     ng hiệu trưởng nói mấy câu cảm ơn khách. Giọng ông tự nhiên nhưng luôn luôn trầm xuống vì xúc động. Ông hân hoan như người cha thấy lũ con xấu số của mình được săn sóc, nuông chiều, số kẹo bánh các chị bên lưu xá đem sang thật nhiều. Ông giám thị có sáng kiến là chia tất cả kẹo bánh thành từng gói nhỏ rồi tổ chức một cuộc rút số. Mỗi người trúng sẽ được một gói để mời bạn hữu xung quanh. Trò chơi này tạo nên không khí hồi hộp, chờ đợi vui vui. Xen vào giữa cuộc rút số là mục trình diễn ca nhạc. Sáng kiến của ông được chúng tôi vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Việc mời các “tài tử” bên lưu xá lên sân khấu mới đầu có vẻ khó khăn vì chị nào cũng rụt rè, ngượng nghịu. Vài chị bị đề nghị lại vội vàng làm bộ húng hắng ho. Bất ngờ, chị Liên hăng hái lên trình bày hai bài ca liền. Một bài thật ngộ nghĩnh, lời ca tình cảm được đổi thành những câu hài hước. Chúng tôi cười mãi.
Sự ngượng nghịu rụt rè tan hết. Chủ, khách lần lượt lên sân khấu. Nhiều giọng ca lạ, hay tuyệt vời. Chúng tôi lạc từ thế giới nhộn nhịp của những bản nhạc tươi trẻ đang thịnh hành qua thế giới buồn bâng khuâng của những bản nhạc xưa. Âm thanh, biết bao nhiêu âm thanh reo vui, vây phủ chúng tôi, nâng bổng chúng tôi bay ra ngoài vực sâu tối tăm. Ý nghĩ: “Mình sẽ có bạn bè! Bao nhiêu người bạn đang ngồi quanh mình!” làm tôi vui sướng đến độ không muốn nói năng gì.
Khoảng giữa cuộc vui, tôi trúng số. Ông giám thị hỏi to:
- Ai có số hai mươi?
Tôi giơ tay, chị Huyền nói:
- A! Thương gặp thần tài rồi.
Chị đứng dậy dẫn tôi lên sân khấu. Tôi nghe tiếng guốc của chị gõ khoan thai trên nền gạch sát bên tôi. Cổ tay tôi nằm gọn gàng yên ổn trong bàn tay mềm của chị. Bỗng dưng tôi cảm thấy nao nao muốn khóc. Tôi nhớ đến những lần được đi giữa hai bàn tay dẫn dắt của cha mẹ xưa kia. Đi giữa hai người tôi chả sợ gì cả. Đã lâu lắm rồi, bây giờ tôi mới được sống lại cảm giác thân yêu ấy.
Tôi cầm gói bánh kẹo và hân hoan đi bên tiếng guốc khoan thai của chị Huyền, trở về chỗ ngồi. Tôi bắt tất cả mấy người xung quanh nhai nhóp nhép một phần sự may mắn của tôi. Tôi đặt vào tay chị Huyền một nắm kẹo. Nhưng chính chị lại bóc giấy bao ngoài đặt từng cái kẹo ngọt vào tay tôi. Một lần chợt khám phá ra móng tay tôi quá dài, chị Huyền bắt tôi xòe bàn tay ra cho chị sửa sang. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé lắm, nhỏ bé đến nỗi có thể nằm trọn trong sự che chở của chị, như một hài nhi nằm gọn trong nôi.
Bây giờ tôi chỉ nghe ca nhạc bằng một tai. Một tai tôi dành để nghe chị Huyền cắt móng tay lách tách cho tôi và nghe chị nói chuyện. Chị nói về nhiều chuyện ở bên ngoài. Có lúc tôi không hiểu gì, nhưng luôn luôn có những đoạn thật vui khiến tôi bật cười lớn. Tôi hỏi chị:
- Chị có vui không?
- Vui lắm chứ!
- Mọi Tết Trung Thu chị làm gì?
- Chị ở nhà. Đâu còn nhỏ để mà đi rước đèn.
- Chị thấy mọi người có vui không?
- Vui lắm. Ai cũng tươi cười hết.
- Chắc các chị bên lưu xá ăn mặc sang lắm nhỉ?
- Đâu có. Các chị cũng mặc áo dài như lúc đi học thôi.
- Sơ giám đốc ngồi đâu chị?
- Sơ ngồi gần cửa sang phòng khách, cạnh ông hiệu trưởng.
- Sơ có cười không?
- Có.
Chị Huyền đã cắt xong móng tay một bàn tay tôi, tôi đưa bàn tay kia ra:
- Chị thấy thằng Hoan không?
- Hoan nào?
- Thằng Hoan mập, tai to, có cài cái bút ở túi ngực, có cái sẹo tròn lớn ở thái dương bên phải.
- À, có phải cậu mặc áo sơ mi màu... không, cậu hớt tóc cao, đeo cái kính đen lớn?
- Nó đấy.
- Hoan ngồi trước mặt chị em mình này.
- Nó đang làm gì thế chị?
- Hoan đang nói chuyện với người bạn bên cạnh.
Để biết rõ quang cảnh gian phòng, tôi hỏi chị Huyền hết câu này đến câu khác. Tôi muốn cho tiếng chị cứ vang mãi mãi bên tai tôi.
Hôm đó, cuộc vui kéo dài đến thật khuya. Ông giám thị kết thúc chương trình bằng cách mời mọi người sang phòng ăn. Ở đây chúng tôi còn một bữa tiệc bánh dẻo, bánh nướng nữa.
Tôi không rời chị Huyền nửa bước. Ra khỏi phòng ăn chúng tôi vừa nhai bánh vừa đi quanh khoảng sân cỏ. Chị Huyền khe khẽ hát cho tôi nghe một bài gợi nhớ quê hương. Tiếng hát trong trẻo bay trong mùi cỏ thơm, trong những làn gió mát của trời đêm. Tiếng hát đưa trí óc tôi phiêu lưu trong muôn ngàn xúc động êm ái.
- Chị hát hay quá. Em sẽ nhớ mãi tiếng hát của chị.
Chị Huyền nói:
- Khi nào nhớ, em cứ đập ống bơ rỉ cho kêu loong coong là tưởng như đang được nghe chị hát ngay.
Luôn luôn, chị bắt tôi cười.
Tôi hỏi:
- Hôm nay có trăng không, chị Huyền?
- Không em ạ. Trời nhiều mây mù như sắp mưa.
- Thế thì Tết Trung Thu của chúng mình đều tối chị nhỉ?
Chị Huyền không nói, chỉ đặt một bàn tay lên vai tôi như an ủi. Khi từ giã tôi, chị đặt cả hai bàn tay lên hai vai tôi. Mười ngón tay ấn nhẹ xuống như muốn nói: “Từ nay em sẽ cảm thấy bớt bơ vơ trong cuộc đời”.
Tôi cười:
- Chiều thứ bảy rảnh, chị lại vào trường với em nhé.
Chị Huyền hơi lưỡng lự:
- Hồi này chị bận lắm. Nhưng chị sẽ gắng vào thăm em.
Tôi đứng cho đến lúc không còn nghe tiếng guốc của chị mới lần mò trở lại cầu thang lên phòng ngủ.
Đêm hôm ấy tôi đã thức thật khuya cho ngày dài thêm, một ngày hoàn toàn sung sướng. Bánh kẹo đầy bụng và sự vui mừng đầy ý nghĩ.
Nhưng niềm vui chị Huyền cho tôi chỉ có ngần ấy.
Ngày thứ bảy tới, tôi hồi hộp suốt buổi sáng và chờ đợi suốt buổi chiều.
Một vài chị bên lưu xá có sang nhưng chị Huyền không đến.
Tôi không nhớ là đã hồi hộp, lo lắng, chờ đợi qua bao nhiêu chiều thứ bảy. Cho đến một lần, tôi đành phải hỏi thăm một chị ở bên lưu xá đến thăm Sinh:
- Sao chị Huyền không sang trường mù nữa hả chị?
- Huyền nào? Huyền “hoa hậu lưu xá” ấy à?
- Dạ... em cũng không biết. Chị Huyền nói giọng Bắc.
- Đúng rồi. Huyền “hoa hậu” đó. Thứ bảy, chủ nhật nào mấy người bạn trai của nó cũng đến mời nó đi coi xinê, làm sao có thì giờ qua đây...
Tôi đứng lặng một lúc rồi lần xuống ngồi trên chiếc ghế ở góc nhà chơi. May quá hóa không may! Quen một chị đẹp nhất nên mình phải giành giựt, tranh đấu với cuộc đời ngoài kia. Ngoài kia gọi, mời chị Huyền bằng những chàng trai chắc cũng đẹp và bằng muôn ngàn thứ hấp dẫn, vui tươi khác. Tôi mời gọi chị Huyền bằng một thế giới buồn thảm lạnh lùng. Tôi chỉ có sự xấu số và những lời than thở.
Tôi tựa đầu vào tường. Nghe tiếng chuông reo, nghe tiếng ông giám thị gọi tất cả đi ăn cơm, tôi vẫn không muốn rời chiếc ghế lạnh. Sau bữa cơm chiều, những người có bạn lại tụ tập ở phòng khách vì khách vẫn chưa về.
Chợt nghe tiếng chân lệt xệt đến gần, tôi ngạc nhiên vì tưởng chỉ có một mình ở đây:
- Ai đó?
- Em. Hữu đây.
- Hữu hả? Lại đây ngồi với tao.
Hữu là một đứa nhỏ mười tuổi, cũng cô đơn, không có “bạn sáng” như tôi. Chắc Hữu xấu xí lắm vì tất cả những đứa bé trạc tuổi nó đều có người đến thăm chiều thứ bảy. Nó học rất dốt và lâu lâu lại nổi cơn khùng nói những câu quái gở. “Em vừa thấy một con voi ở kẹt cửa”. Sau lần ông giám thị bắt gặp nó bứt cỏ ở sân ăn thì mọi người tin chắc rằng trí óc nó không được bình thường. Nếu bệnh thần kinh tăng, nó sẽ bị đưa trở về viện mồ côi.
Hữu đến ngồi cạnh tôi, tôi nắm bàn tay nó, bàn tay dính toàn đất cát:
- Thằng khùng! Mày lại ăn cỏ hả?
- Không có. Em bắt dế.
- Được không?
- Nghe nó kêu mà kiếm không ra.
Hữu có vẻ sung sướng khi được nói với tôi. Chuyện nó tuy nhạt nhẽo nhưng có thứ tự, chứng tỏ lúc này nó rất tỉnh táo.
Một lát sau Hữu mệt. Nó dựa đầu vào cánh tay tôi. Tôi co một chân lên ghế. Hữu vòng hai tay ôm đầu gối tôi, im lặng như ngủ. Khi tôi đặt một bàn tay lên đầu nó, tự dưng nó nói nhẹ, giọng cảm động:
- Tụi mình bồ nghe!
Không trả lời, tôi vuốt nhẹ mái tóc lởm chởm của nó. Tiếng đàn hát trên phòng khách đã im bặt từ lâu. Tôi nghĩ đến những chiều thứ bảy tới, những chiều nhạt nhẽo, tối tăm như cuộc đời mình.

*

Tôi quen anh Phong nhân dịp vào chùa với anh Bằng. Bằng là học sinh lớn nhất trường. Anh đã học hết bậc Tiểu Học từ lâu nhưng vẫn được giữ lại để giúp đỡ ban giám đốc và làm một nhạc công trong ban nhạc nhà trường. Anh có thể sử dụng măng cầm, đại hồ cầm và luôn luôn cố gắng để một ngày kia sẽ thi tốt nghiệp ở trường Quốc Gia Âm Nhạc. Anh Bằng có nhiều bạn nhất, vì anh có tài và nói chuyện khéo. Chiều thứ bảy, chúng tôi cùng với khách thường đứng vây quanh anh để nghe anh và Thảo hòa đàn.
Bằng bình tĩnh ít nói. Chúng tôi có những sợi thần kinh không vững vàng nên vui, buồn đột ngột, hay giận dỗi. Bằng khác hẳn. Khi anh ta đã quyết định cái gì, thì anh ta theo đuổi cho đến cùng. Trong hàng ngũ những người đứng trong bóng tối, tôi tin rằng anh là một trong những kẻ sáng suốt nhất.
Chiều thứ bảy, anh Bằng ôm đàn, đi đến một ngôi chùa. Anh ở lại dạy hát và sinh hoạt với các em nhỏ trong gia đình Phật Tử. Tối chủ nhật anh về trường.
Tôi không có gia đình bạn bè đến đón ra ngoài nên suốt ngày chủ nhật chỉ biết đi quanh quẩn hoặc ngủ. Chủ nhật trở thành ngày nhạt nhẽo nhất trong tuần.
Một buổi tối ngày thứ sáu, lúc chúng tôi sắp lên giường ngủ, anh Bằng bỗng hỏi:
- Chiều mai cậu nào muốn theo tôi vào chùa?
Câu hỏi của anh làm tất cả những đứa chưa hề được ra ngoài như tôi cùng nhao nhao lên.
- Em, em!
- Anh Bằng cho em theo với.
Anh Bằng đáp:
- Không được, tôi chỉ có thể lãnh cho một cậu ra khỏi trường với tôi thôi. Và xin báo trước ngày mai tôi đem theo hai cây đàn. Ai muốn theo tôi phải nhận vác giùm một.
Tất cả lại nhao nhao sốt sắng hẹn. Có đứa còn đòi vác luôn cả hai cây đàn. Tôi biết cứ đứng một chỗ xin “xung phong” thì ít có kết quả. Tôi đến sát anh Bằng:
- Anh cho em theo với. Em chưa được ra ngoài lần nào. Em lại không có “bạn sáng”.
Quả nhiên anh Bằng nói:
- Ờ. Cậu Thương có vẻ ngoan ngoãn hơn cả, đáng được đi.
Suốt đêm hôm đó, tôi ngủ rất ít. Sáng thứ bảy tôi kèm sát anh Bằng, chỉ sợ anh nghe lời năn nỉ của đứa khác rồi đổi ý.
Buổi chiều, khoảng hơn ba giờ, tôi ôm đàn đi theo anh. Nắm tay anh, tôi tin tưởng như nắm tay một người sáng. Đi ngoài phố mà anh đi đứng dễ dàng, quen thuộc như ở trong sân nhà trường.
Tôi hỏi luôn miệng. Mỗi khi nghe một tiếng động lạ tôi lại lên tiếng: “Cái gì đó anh?” Anh Bằng hơi bực mình. Khi lên xe buýt rồi, anh nhất định không thèm trả lời nữa.
Gần đến trạm phải xuống, anh mới bảo tôi:
- Sắp xuống rồi đó.
Rồi anh hỏi to:
- Gần tới đường rẽ vào xóm Chùa phải không bác tài?
- Tới rồi, xuống xe đi lui một khúc, quẹo tay trái...
- Cám ơn bác. Tôi hỏi cho chắc vậy thôi. Tôi nhớ đường lắm.
Đường phố ồn ào, tiếng động nhiều quá khiến tôi mất hết ý niệm về khoảng cách giữa tôi và nơi phát ra tiếng động. Đôi lúc có cảm tưởng là chỉ bước thêm một bước sẽ va chạm ngay một cái gì. Tôi tiến lên một cách rụt rè hơn. Anh Bằng bước đều theo chiếc gậy dò đường. Tôi muốn than “Anh đi nhanh quá” mà không dám, sợ lần sau anh không cho đi theo.
Khi chúng tôi rẽ vào một con đường yên tĩnh hơn thì bỗng có tiếng reo: “A, anh Bằng!”, “Chúng em định ra bến xe buýt đón đây”. Giọng nói của hai cô gái. Anh Bằng hỏi:
- Sao lâu nay chị Kim không vào chùa?
- Dạ. Tại em bận học thi lục cá nguyệt.
- Thuộc bài “Đồi thông” chưa?
- Rồi anh.
- Thế còn Hương?
- Em cũng thuộc rồi... Anh đưa đàn em cầm cho.
Khi thấy cái đàn bị kéo ra khỏi tay mình tôi mới biết câu nói của cô gái tên Hương dành cho tôi. Tôi nói nhỏ:
- Cám ơn cô Hương.
Anh Bằng bảo tôi:
- Hương cũng vào thăm trường mình luôn đó.
Giọng Hương trở nên nhí nhảnh, đùa cợt:
- Em biết anh Thương mà. Có phải anh hay dắt cậu bé Hữu đi trong sân cỏ không?... À, Hữu đâu rồi anh?
Tôi cảm thấy ngượng nghịu:
- Hữu bị gửi trả về viện mồ côi rồi.
Hương nắm tay tôi dắt đi. Bây giờ, tôi bớt sợ những đoạn gập ghềnh trên đường. Tiến thêm một bước là gặp thêm một điều lạ. Tôi nao nức nghĩ đến thế giới vui nhộn mà tôi sắp được tham dự. Qua một chỗ có nhiều tiếng ồn ào tôi hỏi:
- Ở đây có chợ sao?
- Không phải, đây là một khoảng đất rộng ở đầu ngõ dẫn vào chùa. Người ta tụ họp bán thức ăn và các món quà lặt vặt.
Giọng nói của Hương rành mạch. Tôi muốn được giải đáp hết các thắc mắc, muốn Hương cho biết chúng tôi đang đi trong một khung cảnh như thế nào. Nhờ những lời tả cảnh của nàng, tôi tưởng như bóng tối đen đặc quanh mình đã bớt vẻ bí mật. Những hình ảnh, tôi dựa vào âm thanh để tạo nên, bớt thiếu thốn. Chúng tôi đi vào một cái ngõ lát gạch. Ngõ hẹp nên thỉnh thoảng tôi bị Hương kéo tay đẩy nép về một bên, nàng giải thích “Mình tránh một bà gánh nước”, “Ông này đi xe đạp có vẻ nghênh ngang quá”.
Gần tới cổng chùa chúng tôi đã nghe tiếng các em nhỏ ca hát. Có lẽ đoán được sự thắc mắc của tôi, Hương tả rất cặn kẽ về ngôi chùa.
Sau này, khi đã đến chùa nhiều lần, tôi có thể tự mình đi từ chánh điện xuống nhà ngang, biết chỗ nào có gốc cây dừa, chỗ nào có để các chậu cảnh. Lúc ấy tôi chỉ biết là chùa rất đẹp lập bên bờ sông. Gió sông thổi lên mát rượi. Những chi tiết khác Hương nói, tôi không chú ý vì còn mải nghe những tiếng reo chào đón mình.
Có rất nhiều em nhỏ vây quanh nắm áo, nắm tay tôi và Bằng. Anh Bằng quen với chuyện đó nên thản nhiên. Tôi thì cảm động quá. Tôi hỏi tên từng em và cố ghi nhớ giọng nói của chúng.
Vài em đòi dạy hát ngay. Chị Kim nói:
- Khoan đã. Phải cho nhạc sĩ nghỉ mệt một lát.
Anh Bằng dẫn tôi đi chào tất cả các vị sư trong chùa.
Một lát sau, anh Thảo đến. Anh Bằng và anh Thảo bắt đầu hòa đàn. Các em nhỏ vừa vỗ tay vừa hát theo. Tôi ngồi trên bậc gạch xây bên trụ cờ sát bờ sông. Khi không nghe hát tôi chú ý đến những tiếng hò reo của lũ trẻ đang tắm ở dưới nước. Bầu không khí quanh tôi lúc nào cũng được ướp mùi hoa ngâu thơm phảng phất. Tôi thở những hơi dài khoan khoái.
Tôi có cảm tưởng thế giới vừa mở ra rất rộng quanh mình.
Các em nhỏ hợp ca toàn những bài ngắn, lời ca ngộ nghĩnh vui tươi. Sau đó anh huynh trưởng tổ chức các trò chơi. Tôi không hiểu gì về các trò chơi ấy. Nhưng, nghe tiếng cười của các em liên tiếp nổi lên, tôi cười theo. Những âm thanh quanh tôi đều khiến tôi cảm thấy yêu đời. Tôi được gần gũi với con người, với sự sống. Tôi đang đứng trong một xã hội nhỏ bé có nếp sinh hoạt vui nhộn.
Trong chánh điện, tiếng tụng kinh gõ mõ bắt đầu nổi lên đều đều. Tôi lắng nghe. Các âm thanh không hề chen lấn nhau. Tiếng trẻ cười đùa, tiếng tụng kinh hình như đang đi trên hai con đường khác nhau trước khi đến tai tôi. Tôi còn có thể nghe cả tiếng gió lùa xào xạc trong những tàu lá trên một cây dừa ở bờ sông.
Có tiếng chân bước lại gần.
- Sao Thương ngồi có vẻ buồn thế?
Giọng nói trong trẻo nhưng nghiêm trang khác hẳn giọng Hương. Tôi nhận ra chị Kim:
- Đâu có, em đang vui.
- Thương có khát nước không?
- Dạ không. Cảm ơn chị. Ở đây vui quá. Chị có vào đây luôn không?
- Hồi này tôi hơi bận. Phải học. Là Phật tử mà lười thì Phật cũng cho rớt như thường.
Tôi chưa kịp hỏi thêm thì từ phía cổng chùa vang lên tiếng cười, tiếng chào hỏi. Chị Kim giải thích:
- Anh Phùng, anh Trần và chị Đoan đến.
Chị Kim cho biết thêm: Anh Phùng, chị Đoan là sinh viên trường Luật, anh Trần là họa sĩ, cả ba đều là bạn của anh Bằng và gia đình Phật tử. Chiều thứ bảy họ thường vào chùa sinh hoạt với mọi người.
Tôi vừa được giới thiệu với ba người xong thì có tiếng Hương gọi to:
- Mời quý vị vào dùng cơm đã.
Anh Phùng nói:
- Hương giở giùm cái gói trong tay chị Đoan xem có món gì ăn được không.
Chị Đoan:
- Các anh ấy mua nhiều món lắm.
Chị Kim vừa nắm tay tôi dắt đi vừa cười:
- A, mấy người này chê cơm chay của chùa nhé.
Hương đến gần chúng tôi:
- Trời ơi, các anh mua bánh dầy, bánh ếch lại cả kẹo mè xửng nữa.
Anh Trần giải thích:
- Bọn này không có căn tu, lại vướng phải thói quen ăn trường mặn, ăn cơm chay thôi thì mệt mỏi rồi sinh chán đời, xin phép quý vị cho chúng tôi góp vài món phàm tục.
Chúng tôi bước vào căn nhà có kê ghế, bàn dài. Lúc này tôi mới biết chị Kim là một cô gái lanh lợi, có tài điều khiển mọi người. Chị xếp chỗ ngồi cho chúng tôi, phân chia công việc cho mấy cô bạn. Giọng dịu dàng mà vẫn như hơi nghiêm khắc. Thỉnh thoảng chị lại nói đùa một câu, mọi người cười vui vẻ.
- Đáng lẽ vào chùa thì chỉ có ăn cơm chay. Nhưng hai anh Trần và Phùng sợ ăn chay tịnh sẽ đam mê kinh kệ rồi có phen đòi ở lì trong chùa không chịu về. Vì vậy, các anh ấy có hảo ý là tiếp tế thêm các món mặn. Bánh dầy giò chả là món của miền Bắc. Bánh ếch, kẹo mè xửng là hai món đặc biệt của Nam, Trung. Vậy qua bữa cơm chúng ta sẽ được du lịch từ Bắc vào Nam... Ấy khoan đã, tôi xin tố cáo trước dư luận là có người muốn khởi hành quá sớm đó.
Tiếng anh Phùng:
- Tôi đói bụng rồi. Xin quý vị cho phép tôi được ngồi xổm lên dư luận.
Tiếng anh Trần:
- Tôi cũng xin phép ngồi xổm theo, không có... chậm mất.
Chị Kim cười:
- Chúng ta không chờ anh Phong sao?
Anh Phùng nhấn mạnh vào từng tiếng trong câu nói của anh để tỏ ý chế giễu:
- Sao chị lại có ý bắt chúng tôi chờ anh Phong?
Vài tiếng cười nổi lên. Tôi nghĩ là chị Kim lúng túng, nhưng chị đáp ngay:
- Tôi tưởng các anh nên chờ để tỏ tinh thần đồng đội.
Chị Kim đến chỗ anh Bằng ngồi, gần tôi:
- Mời nhạc sĩ Bằng cầm đũa. Chắc bữa trưa của nhạc sĩ đã biến thành các nốt nhạc hết rồi.
Tiếng anh Bằng nhỏ nhẹ:
- Cám ơn Kim.
Chị Kim đến sau lưng tôi. Tay trái tôi được nâng lên để đón bát cơm. Chị ghé tai tôi:
- Tôi đã gắp thức ăn vào bát rồi đó.
- Cám ơn chị. Em có thể tự gắp được.
- Ăn thật no nhé.
Có tiếng một anh nào đó trong gia đình Phật tử tôi chưa biết tên:
- Thôi, chị Kim, chị Đoan cũng ngồi vào chỗ đi chứ.
Anh Trần nói:
- Chúng mình ăn mặn trên đất nhà chùa sợ mang tội.
Hương phụ họa:
- Thế nào cuối năm Táo Công nhà chùa cũng báo cáo lên Trời.
Anh Phùng:
- Kể ra sự tích Táo Công cũng lạ. Bà Táo có thể tượng trưng cho lòng tham của các bà. Có một mình mà đòi cho được hai ông chồng.
Chị Đoan:
- Anh Phùng nói xấu phái nữ nhé. Chị Kim để yên sao?
Giọng chị Kim nhỏ lại như một người nghiêm trang kể chuyện:
- Anh Phùng phê bình bà Táo là tại anh ấy không rành sự tích. Theo chỗ tôi được biết thì tục truyền rằng: ngày xưa bà Táo rất đẹp. Hai Táo cùng thương yêu bà. Hai ông thi tài thì kết quả cứ huề mãi. Ba người gặp vấn đề nan giải. Hồi ấy lại chưa có báo chí để họ gửi thư thỉnh ý mục gỡ rối tơ lòng. Họ kéo nhau lên thiên đình nhờ Trời phân xử. Trời vốn có bụng thương người, không muốn để mếch lòng ai nên đặc cách cho phép bà Táo được đa phu. Trời lại cho ba vợ chồng ông Táo ở bếp để khỏi lo vấn đề kinh tế...
Bỗng có tiếng reo:
- A, anh Phong!
Chị Kim ngừng nói. Anh Phùng vừa cười vừa nói to:
- Anh Phong đến vừa kịp, chị Kim đang xuyên tạc cổ tích để bôi nhọ đàn ông đó.
Anh kể lại lời chị Kim. Nghe xong, anh Phong lên tiếng ngay. Giọng nói anh trầm, hơi khàn, nhưng rất rõ ràng:
- Cô Kim kể chuyện xưa sai mất rồi. Chuyện gia đình Táo Công thật ra như thế này: “Trời sai hai cặp vợ chồng Táo vào ở mỗi nhà để làm báo cáo tổng kết tình hình cuối năm. Hai ông, hai bà, không có gì rắc rối. Chỉ có một điều phiền là hai bà Táo đều mắc bệnh nói nhiều. Cuối năm, các bà giành lấy bút của đức ông chồng để viết báo cáo. Các bà kể đủ thứ chuyện dây cà, dây muống, nên sớ Táo Quân quá dài, nặng sơ sơ cũng năm, sáu chục ký. Hai ông Táo phải khuân hai cuộn sớ quá nặng nề về Trời nên đi đứng không vững. Đến trước thiên đình, họ mệt quá ngã lăn đùng ra. Trời hiểu chuyện vội ra chỉ thị rút bớt ngay một bà Táo về. Còn lại một bà, dù bà ấy có cao hứng viết cuộn sớ nặng bảy chục ký, hai ông Táo vẫn hiệp lực lại khuân được”.
Mọi người cười. Tôi chờ đợi chị Kim trả lời. Nhưng từ lúc có anh Phong, chị giữ im lặng. Chỉ nói những câu thật ngắn, thật nhỏ khi cần thiết.
Lúc mọi người ngồi uống nước, anh Trần đề nghị:
- Bây giờ, mỗi người phải hát một bài, theo thứ tự bắt đầu từ chị Đoan.
Tất cả vỗ tay tán thành. Tôi chột dạ, hoảng hốt. Tính nhút nhát, tự ti mặc cảm sống lại. Tôi không biết hát. Tới phiên mình, tôi phải xoay sở làm sao? Tôi chỉ sợ không biết từ chối khéo làm mất lòng mọi người, anh Bằng giận thì nguy. Tôi xin phép ra ngoài một lát cho mát. Vài người, chẳng hiểu có cùng tâm trạng với tôi không, đi ra cửa theo.
Tôi men theo bờ tường lần ra phía sau nhà ăn, hy vọng nép được vào một chỗ khuất. Lúc này trời tối rồi, sau nhà ăn chắc không có ánh đèn.
Gió sông thổi lên mạnh. Tôi vướng phải một đống củi cao. Một thanh củi tròn lăn xuống lộc cộc. Sợ tiếng động khiến mọi người khám phá ra chỗ trốn của mình, tôi càng cuống. Đã có tiếng hát vọng qua vách ván. Vừa tránh xa đống củi được mấy bước, tôi ngã nhào xuống nước.
Lúc ấy, tưởng ngã xuống sông, tôi hét lên một tiếng lớn đến nỗi bây giờ nhớ lại còn cảm thấy mắc cỡ. Chỗ tôi rơi xuống là một con lạch nhỏ ngắn, đầy nước ăn thông ra sông. Tôi bám được vào bờ đất và kinh hãi tưởng sau lưng mình là mặt sông rộng mênh mông. Mọi người rầm rập chạy đến.
Bàn tay kéo tôi lên là bàn tay rắn chắc của anh Phong. Tôi bị ướt đến ngang ngực, đứng run lẩy bẩy không phải vì rét mà vì sợ. Anh Bằng bóp cánh tay tôi hỏi dồn:
- Có sao không? Có sao không?
Giọng bình tĩnh của anh Phong cắt đứt câu hỏi của mọi người:
- Chỉ bị ướt thôi. Thay quần áo là xong. Để tôi đưa cậu về nhà... Biết ngồi sau xe gắn máy chứ?
- Dạ được.
Anh dắt tôi đi về phía cổng chùa. Tôi ngồi xe chưa quen, phải ôm chặt lưng anh cho khỏi ngã. Dọc đường, tôi thú thực:
- Em sợ phải hát nên tìm cách trốn, không ngờ rơi xuống nước...
Anh Phong bật cười:
- Sao lại sợ hát?
- Em không biết hát.
- Không thuộc một bài nào sao?
- Dạ chỉ có vài bài ngắn, hát lên mọi người cười chết.
- Không hát thì thôi, ai làm gì mà sợ.
- Em ngán anh Bằng giận, không cho em đi theo nữa.
Đến cổng nhà anh Phong, tôi bắt đầu lúng túng vì bộ quần áo ướt của mình. Mùi nước hơi tanh khó chịu. Nhưng anh nắm cánh tay ướt của tôi dẫn đi, không để cho tôi kịp tỏ ra ngượng nghịu.
Thế là lần đầu tiên đến nhà anh Phong tôi được dẫn thẳng vào nhà tắm. Bà mẹ anh đích thân nhóm lửa đun một ấm nước nóng cho tôi, và tắm xong, tôi được mặc bộ quần áo của cậu em anh.
Nhà anh có lẽ chật chội. Bếp và phòng tắm sát cạnh nhau. Ở phòng tắm tôi nghe rất rõ tiếng chân anh Phong đi lại trong nhà. Từ căn nhà bên hàng xóm vọng lại tiếng búa đẫp sắt chan chát. Quen như ở trường, tôi mò mẫm tìm trên vách tường cái vòi nước, nhưng không thấy. Ở góc phòng tắm có một chum nước đầy.
Bà cụ mẹ anh Phong hỏi han về hoàn cảnh của tôi. Tôi được dịp nói rất kỹ về những ngày đã qua của mình.
Sợ anh Bằng lo và giận, kể lể xong, tôi xin được trở lại chùa thật nhanh.
Nhưng sự lo sợ của tôi không làm giảm cơn giận của anh Bằng. Anh bảo:
- Từ tuần sau thì xin ông ở nhà cho. Bảo lãnh cho ông đi chơi để rồi thỉnh thoảng ông nhảy đại một cái xuống nước thì chết tôi. Nghe “ùm” một cái rồi nghe tiếng ông hét, tôi sợ muốn đứng tim luôn.
Thứ bảy sau, anh Bằng nhất định không cho tôi theo nữa. Nhớ không khí vui nhộn ở chùa tôi càng buồn. Tôi nằm dài trên giường. Đúng lúc tuyệt vọng, tôi nghe tiếng Hoan gọi ở đầu cầu thang:
- Thương ơi! Thương có trên này không?
- Gì đó?
- Có ai hỏi bồ dưới nhà.
Tôi xuống hết thang gác thì một bàn tay rắn chắc bóp nhẹ trên cánh tay tôi. Tôi nhận ra ngay anh Phong. Cái bóp tay luôn luôn vừa có vẻ an ủi vừa có vẻ khuyến khích.
Hôm đó, tôi dẫn anh đi quanh trường như người chủ nhà muốn khoe khoang căn nhà mình. Tôi hỏi nhiều về anh. Anh cho biết trước anh có theo học Y Khoa nhưng trượt mãi. Bây giờ, anh ghi tên ở Văn Khoa, vừa đi học vừa đi kèm trẻ em để có tiền sống.
Rồi tuần nào anh Phong cũng đến thăm tôi.
Cái vụ ngã xuống lạch nước thế mà lại may. Thỉnh thoảng, anh bảo đảm cho tôi ra khỏi trường, rồi dẫn xuống chùa. Anh dạy tôi hát. Chúng tôi thường ngồi đối diện nhau trong phòng khách vừa gõ bàn làm nhịp vừa hát nho nhỏ. Gần anh, tôi tự tin hơn và được biết nhiều điều về đời sống bên ngoài trường mù. Những tiếng động, những phong cảnh chìm trong bóng tối bớt vẻ bí mật. Trong khi cố gắng tự tạo cho mình một thái độ bình tĩnh như anh, tôi bỏ dần được những con xúc động bất thường.
Đến trường, anh không lên tiếng gọi to bao giờ. Đôi khi anh bước rất nhẹ nhàng đến đặt tay lên vai tôi. Sự vui mừng như tăng lên vì anh “xuất hiện” đột ngột. Tôi thích tiếng cười của anh, tiếng cười chế giễu nhẹ nhàng mà vẫn khoan dung, che chở. Tôi tin là đã có một người bạn thực rồi.

*

Về nghỉ hè năm nay tôi sẽ không khoe với chú thím người bạn mới và những kiến thức đã thâu thập được. Hai người không chú ý nhiều đến những điều này. Một số bạn tôi đem về cho gia đình họ xem những chiếc bàn chải chính tay họ làm. Tôi không có tiền để mua bàn chải. Bàn chải của chúng tôi làm xong thì trở thành của nhà trường. Học sinh muốn có phải mua. Không có gì để khoe, tôi ra về với hai bàn tay trắng.
Tôi ao ước chú thím có việc gì dành cho tôi làm trong ba tháng hè; thằng Khánh đã lớn, đối với tôi bớt khắt khe. Nếu hồi này gia đình chú làm ăn khá giả thì tôi đỡ khổ. Mọi người sẽ không thấy rằng tôi chỉ đổi khác ở chỗ cao lớn và ăn tốn nhiều hơn.