a tháng hè tôi không phải ăn bám chú thím. Chú kiếm cho tôi một việc làm. Ở cách nhà chú năm căn có ông Hai bán củi gỗ và vật liệu xây cất. Hằng ngày tôi sang ngồi trong vườn nhà ông chẻ củi thuê. Công việc này có hai người sáng cùng làm. Khi có ai mua củi họ đạp xe ba bánh chở đến tận nhà. Tới nơi họ mới chẻ củi nhỏ ra cho khách. Tôi không làm thế được. Ngồi một chỗ, bên đống củi nhiều như vô tận, tôi làm việc buổi sáng, buổi chiều. Công việc chỉ cực nhọc lúc đầu. Làm được ba hôm tôi tưởng phải bỏ vĩ cánh tay đau nhức, nhấc cái rìu lên thấy khó khăn, nặng nề. Thỉnh thoảng ông Hai nhắc tôi: “Cẩn thận kẻo chặt vào tay đó”. Số tiền kiếm được quá nhỏ. Tôi đưa hết cả cho thím.
Khánh đã lớn. Nó tỏ ra quý mến tôi hơn. Những lần bị dằm củi đâm vào tay tôi thường nhờ nó nhổ ra giúp. Thỉnh thoảng nó chịu khó đưa tôi đi chơi quanh tỉnh. Nó còn giới thiệu vài người bạn cho tôi. Họ hỏi về Sài Gòn. Tôi không biết gì nhiều để kể. Tuy vậy, câu chuyện cũng vui vẻ, đậm đà. Một lần, trong lúc đi với nhau, Khánh bảo tôi:
- Căn nhà anh ở với hai bác trước kia kìa. Bây giờ chủ mới sửa lại làm cửa tiệm buôn gạo. Họ xây thêm một tầng lầu nữa.
Tôi đứng ngẩn ngơ, xao xuyến, cảm động. Nhưng phút giây đó qua rất nhanh. Không trông thấy cảnh cũ cũng là một điều hay.
Chiều tối, tôi ngồi bế đứa em nhỏ và hát nghêu ngao cho nó nghe tất cả những bài tôi thuộc. Không khí gia đình bớt ngột ngạt, căn gác bớt nóng nảy, tù túng.
Một buổi sáng, tôi nhận được thư của Hoan. Thư viết trên loại giấy xé trong cuốn “Thế Giới Tự Do”:
“Biên Hòa ngày...Thương thân mến,Mình đã tìm được chỗ ăn ở rồi Thương ạ. Hôm ở trường ra không biết làm gì để sống, lo quá. Mình không về quê. Đường đi bị nghẽn nhiều chỗ. Vả lại, về quê càng khó sống. Mình xách va-li đến ở nhờ nhà một người anh họ, định xin vào làm bàn chải ở Hội Bạn Người Mù để kiếm hai bữa qua ngày. Tình cờ mình gặp anh Phi. Anh mách là có ông chủ trại cưa đang muốn nuôi một người mù làm con nuôi. Dịp may hiếm có, mình nhờ anh Phi đưa đến ra mắt ông. Cả hai ông bà đều vui vẻ nhận mình làm con liền. Có một điều khiến lúc đó mình ngạc nhiên, hơi thắc mắc là cha mẹ nuôi mình đã có năm con: ba trai, hai gái. Bây giờ thì mình đã hiểu lý do ông bà muốn nuôi thêm mình.Cha nuôi mình có một trại cưa ở Biên Hòa. Nhà mình ở ngay trong trại. Hai ông bà thường về Sài Gòn luôn. Nhà rộng, mát. Bà bếp giữ nhiệm vụ làm cơm, đi chợ, đưa mấy đứa em mình đi học, giặt giũ v.v... Còn mình được giao nhiệm vụ người anh cả. Anh cả phải bồng bế, săn sóc em út. Anh cả mỗi ngày phải nhớ lau nhà cho sạch sẽ. Khi xe cha mẹ về tới cổng bấm còi thì anh cả phải tỏ ra có hiếu bằng cách ra mở cửa đón.Theo lời bà bếp thì trước đây cha mẹ nuôi của mình đã mượn hai người làm. Nhưng họ không trung thành. Một người trước khi ra đi còn cạy tủ kiếm một mớ bạc. Cha mẹ mình bây giờ chỉ còn tin ở con nuôi thôi.Cuộc sống vật chất của mình tạm đầy đủ. Thỉnh thoảng cha nuôi cho mình tiền tiêu vặt và mua cà rem, bong bóng cho em nhỏ. Không có gì đáng buồn. Trong sự khôn ngoan của ông bà hình như có lẫn lộn cả lòng tốt. Chỉ phiền là nếu cứ rủa xe, lau nhà, bế em, mở cổng mãi thì trí óc mình sẽ đứng ì ra, không chịu tiến bộ.Tiền dành dụm được mình nhờ bà bếp mua nhạc. Bà ấy già rồi lại không biết đọc nên mua lầm luôn. Thằng bé lớn nhất trong bọn em mình có học nhạc. Thỉnh thoảng cao hứng nó lại đọc cho mình chép ra chữ nổi. Cái hứng của nó nhiều khi có thể gợi được bằng tiền thuê. Nhờ vậy, ngày nào mình cũng tập đàn.Còn Thương thế nào? Mùa hè này sống với gia đình có dễ chịu hơn năm ngoái không? Nếu rảnh, viết thư cho mình. Nhớ nhà trường, nhớ các bạn quá Thương ạ...”Cuối thư có ghi địa chỉ một xưởng cưa ở Biên Hòa. “Dù sao Hoan cũng không bơ vơ”. Ý nghĩ đó giúp tôi yêu đời hơn.
*
Hết hè, tôi trở lại trường trước ngày nhập học hai hôm. Thịnh-hoàng-tử dọn đồ đạc đến ở giường của Hoan. Hắn khoe với tôi một nhạc khí mới: chiếc kèn clarinette. Thịnh nói:
- Thứ này thổi lên nghe buồn kinh khủng.
- Thổi nghe chơi.
- Tôi mới học sơ sơ, thổi lên làm điếc tai thiên hạ. Để tập kỹ lại đã.
Thứ bảy, chủ nhật nào Thịnh cũng ra ngoài về nhà tập kèn. Hắn ít nói hơn, có vẻ xao xuyến vì nhạc. Mỗi lần chiếc máy thu thanh ở nhà chơi vang lên những âm thanh giống tiếng kèn là Thịnh lần mò lại gần nghe. Thịnh cho tôi biết hắn quyết học thổi clarinette cho bằng được. Hắn nói:
- Khi cầm cái kèn trong tay mình cảm thấy tự tin. Đôi lúc âm thanh làm mình quên ánh sáng.
Hình như Thịnh không còn sợ hãi tương lai nữa. Hắn mong đợi những ngày sắp tới vì trong những ngày đó tiếng kèn của hắn dễ nghe hơn. Khi cảm thấy mình có ích, chúng tôi dễ trở nên yêu đời.
Trong nỗi khổ, người ta không than thở, cô gắng chịu đựng một cách can đảm vẫn chưa đủ. Tôi bắt đầu muốn tìm cho mình một thứ gì giống cái kèn của Thịnh.
Anh San vẫn ở cạnh giường tôi. Một buổi chiều thứ bảy anh gặp chuyện không may. Cũng vào dịp này, tôi hiểu rõ anh hơn.
Anh có một người bạn gái. Thứ bảy nào nàng cũng vào trường mù. Nàng giúp anh đọc thư, viết thư. Nàng kể chuyện, đọc sách cho anh nghe. Anh cho chúng tôi biết cô gái tên là Quỳnh, một nữ sinh trường cồng, còn nhỏ tuổi, thích làm công tác xã hội. Quỳnh giúp anh San rất nhiều việc. Giọng nói của Quỳnh hơi giống giọng nói của chị Kim. Nhưng Quỳnh thích kể chuyện vui và hay cười hơn. Những lần ở lại trường lâu, Quỳnh tập họp lũ nhỏ và dạy chúng hát. Vì thế, lũ nhỏ cũng coi nàng là bạn. Bé Hùng tỏ ra quyến luyến Quỳnh nhất. Mỗi lần nàng đến và chỉ nói chuyện với anh San, không hỏi nó, nó buồn suốt buổi và oán hận cả hai người. Một buổi chiều, khi Quỳnh ra về Hùng bỗng đứng khóc sụt sùi như đứa em nhỏ phải xa bàn tay săn sóc của người chị. Hùng cũng là đứa trẻ ở viện mồ côi từ lúc chưa biết gì nên chỉ tìm tình thương nơi những người bạn.
Từ ngày tựu trường năm nay, không hiểu vì lý do gì, Quỳnh ít vào thăm trường. Mỗi lần, nàng chỉ ở lại chừng nửa giờ là nhiều. Bé Hùng không được săn sóc như trước. Nó buồn rồi giận. Có lần trong lúc anh San và Quỳnh nói chuyện, nó cầm một cái lon sữa bò đập ầm ầm lên nền xi-măng. Mọi người hét lên nó mới thôi. Biết bé Hùng giận, Quỳnh đến với nó. Nhưng nó không chịu nói gì. Thằng bé tưởng rằng càng giận dỗi thì càng được chiều chuộng nhiều hơn. Khi biết mình lầm chắc Hùng đau khổ lắm.
Giường Hùng ở đầu khu “nước lụt” không xa giường tôi. Thỉnh thoảng, khi anh Phong cho kẹo, tôi chia cho nó. Tôi thích nó vì nó là đứa bé khôn ngoan, sạch sẽ nhất ở đây. Nó còn khéo léo và nhanh nhẹn. Đã có lần bé Hùng bàn với tôi là: hai đứa nên trốn khỏi trường dắt nhau đi bán xổ số. Tôi nói:
- Mày với tao ra khỏi trường, đi bậy, bị xe cán dẹp đầu liền.
- Mình nhờ mấy chị bên lưu xá chỉ đường cho.
Từ ngày đập lon sữa bò để phản đối Quỳnh, bé Hùng trở nên ít cười đùa. Một buổi tối tôi đem kẹo sang giường cho nó đúng lúc nó đang khóc. Nó xòe bàn tay ra cho tôi sờ rồi hỏi:
- Móng tay em dài chưa?
- Dài lắm rồi. Thằng này ở dơ quá.
- Em định nhờ chị Quỳnh cắt dùm, mà giờ chị ấy nghỉ em ra rồi. Em để móng dài rồi cấu tay chị ấy trả thù.
Nhưng bé Hùng không “trả thù” bằng cách cấu tay. Tôi không hiểu một đứa bé như nó, khi oán giận, thì nghiền ngẫm những ý nghĩ gì trong đầu. Có lẽ mọi người quanh Hùng cũng không đoán được. Khi Hùng thực hiện dự định của nó, mọi người mới bàng hoàng, sửng sốt.
Chiều thứ bảy ấy, Quỳnh vào thăm trường hơi muộn. Anh Phong và những người khác đã ra về. Tôi ngồi nán lại ở phòng khách để tập bài hát anh Phong vừa dạy. Chuông báo giờ cơm reo vang. Có tiếng guốc của Quỳnh lạo xạo trên sân cỏ. Tiếng Quỳnh:
- Anh San đâu bé Hùng?
Tiếng bé Hùng vùng vằng, giận dỗi:
- Em không biết, chắc anh ấy đi ăn cơm rồi.
Quỳnh chưa kịp nói gì, bỗng Hùng nói to:
- Bộ chị là vợ anh ấy hay sao mà vừa tới trường chị hỏi anh ấy liền...
- Hùng!
Tiếng hét kinh ngạc của Quỳnh khá lớn. Nhưng Hùng gào to hơn, giọng nói lạc hẳn đi:
- Anh San ơi! Có vợ anh tới đó.
- Hùng! Sao em ăn nói thế?!
- Chị buông tôi ra... buông tôi ra. Tôi không là em ai hết.
Hành động bất ngờ của Hùng làm tôi choáng váng. Tôi rời phòng khách, tiến về phía nó và nắm được tay nó ngay.
- Trời ơi sao mày ăn nói bậy bạ vậy Hùng?
Hùng thích cùi chỏ vào bụng tôi:
- Anh đừng có xía vô.
Tôi có cảm tưởng Hùng lớn hơn ngày thường rất nhiều. Giọng Quỳnh đã dịu dàng, bình tĩnh lại:
- Hôm nay bé Hùng hư quá!
Hùng lại chồm lên, gào:
- Anh San ơi! Có vợ anh tới!...
Nó định can tay tôi. Tôi phải bồng hẳn nó lên đem về phía văn phòng. Tới nơi, tôi đặt nó xuống trước cửa. Bé Hùng có vẻ sợ, im tiếng. Một thầy giám thị hỏi vọng ra:
- Chi đó?
Tôi đẩy Hùng vào, kể lại hành động và lời nói của nó. Khi tôi quay ra Quỳnh cũng vừa tới. Nàng nói:
- Đừng để nó bị phạt. Tội nghiệp.
Tôi cương quyết:
- Cần phải cho nó biết nó làm thế là bậy. Nếu không nó sẽ hư. Bây giờ cô Quỳnh chờ tôi đi gọi anh San.
Tôi chưa nói hết câu, bỗng từ văn phòng vọng ra hai tiếng cười. Và một câu nói bật lên giữa tiếng cười ấy. Giọng nói nửa chế giễu, nửa nghiêm khắc:
- Nó nói vậy đã chắc gì sai. Không có lửa sao có khói.
Một lần nữa tôi điếng người. Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được cảm giác vừa khổ sở vừa tức giận lúc đó. Trường có vài nhân viên không ưa những người khách đến thăm viếng. Khi có dịp, các vị này thích làm cho khách nổi giận.
Quỳnh và tôi đứng im lặng khá lâu. Giọng ông giám thị già, nghiêm khắc nhất trường, vang lên ở cửa văn phòng:
- Thưa cô, giờ này các em học sinh phải đi ăn cơm...
- Tôi có chuyện cần.
- Bất cứ tâm sự gì cũng phải để đến tuần sau. Bây giờ tôi phải đóng cửa trường.
Quỳnh lại im lặng. Tôi đoán là sự tức giận đã làm cho nàng không lên tiếng được. Quả nhiên, khi nàng nói, giọng nghẹn lại như sắp khóc:
- Thương nói giùm với anh San là vì danh dự từ giờ tôi không vào trường này nữa. Công việc anh ấy nhờ tôi chưa làm xong...
Tôi cố vớt vát:
- Cô Quỳnh giận thế anh San sẽ buồn lắm.
Giọng Quỳnh bình tĩnh, dõng dạc hơn:
- Tôi rất tiếc không đủ can đảm để chịu đựng những câu châm biếm vồ ý thức. Thương hiểu chứ. Nhớ đừng để cho anh San lầm tưởng là lỗi ở bé Hùng.
Tiếng guốc của Quỳnh xa dần một cách vội vã. Khi tôi đi tìm anh San, tôi có cảm tưởng sắp giơ tay xô anh xuống vực thẳm. Tôi biết rằng trong cách cư xử, nét mặt có thể thay thế cho lời nói. Bóng tối đã che mất nhiều chi tiết của chuyện vừa xảy ra. Tôi căn cứ vào giọng nói lạnh lùng của ông giám thị già để suy đoán nỗi uất ức của Quỳnh.
Buổi tối, câu chuyện đó trở thành đề tài chính của cuộc “họp báo” giữa các học sinh lớn.
Thường thường, tối thứ bảy chúng tôi không đi ngủ đúng giờ. Có quá nhiều chuyện để bàn luận. Người nhận xét về các bạn sáng, kẻ nói về giấc mộng tương lai. Những anh lớn ít nói nhất cũng thức khuya, ngồi trong màn viết thư. Vân và Sinh còn bày trò đánh cờ bằng bàn toán. Những chuyện vui, buồn xảy ra hồi chiều đều được thuật lại kỹ lưỡng. Nhà trường có cử hai học sinh lớn giữ trật tự. Nhưng họ không khó tính lắm.
Anh San đi đi lại lại quanh quẩn, không ngồi yên được một chỗ. Thỉnh thoảng, anh hỏi tôi:
- Cậu không biết ai nói câu “không có lửa sao có khói” thiệt hả?
- Nếu tôi biết, tôi giấu làm gì.
- Quỳnh giận lắm phải khồng?
- Cô ấy không thèm vào đây nữa đâu.
- Sao Quỳnh không tìm mình để nói cho rõ chuyện?
- Đã bảo cô ấy bị ông giám thị già mời ra mà.
- Cậu kể từ đầu cho mình nghe lại đi.
Tôi phải thuật lại nhiều lần. Anh San chăm chú nghe như gắng tìm một vài chi tiết chứng tỏ là tình thế còn cứu vãn được. Thịnh nói:
- Phải cho thằng Hùng mấy cái tát.
Anh San đáp:
- Cái đó thế nào cũng phải có rồi. Nhưng còn Quỳnh. Có thể cô ấy sẽ không bao giờ vào đây nữa. Mình biết tính Quỳnh lắm.
Anh Bằng góp ý:
- Anh San bi quan quá. Tôi cho ràng cô ấy sẽ hết giận. Nhất là trong vụ này anh không có lỗi gì.
- Các cô ấy tự ái. Chiều nay Quỳnh đã cảm thấy bị hạ nhục. Muốn trở lại trường cô ấy cũng ngại.
Anh San hỏi to:
- Vinh ơi! Thằng Hùng về giường nó chưa?
Giọng Vinh có vẻ sợ hãi:
- Nó chưa về.
- Quơ dưới gầm giường coi.
- Không có.
- Mày mà nói dối tao đập bỏ mạng.
- Anh lại kiếm coi. Mà nếu lát nữa anh đánh nó, tôi la.
- Tao không thèm đánh nó. Tao sẽ bóp cổ nó chết. Cho chúng mày tha hồ la.
Vinh là bạn thân của Hùng. Nhưng có lẽ chính nó cũng không biết lúc này Hùng ở đâu. Thằng bé trốn biệt; bỏ cả bữa cơm chiều. Tôi và San đã đi khắp trường tìm nó. Tôi phải kèm sát San để đề phòng trường hợp anh ta giận dữ đánh thằng Hùng quá tay. Mới đầu, San lồng lộn như điên cuồng. Tôi có cảm tưởng là nếu Hùng lọt vào tay anh ta lúc đó thì nó đến phải đi nằm nhà thương. Sau, cơn giận của San dịu xuống. Anh ta chỉ muốn gặp bé Hùng để bắt nó kể lại câu chuyện. Chúng tôi lục soát cả nhà bếp, buồng tắm, cầu tiêu vẫn không tìm ra nó. Câu chuyện đã lan khắp trường. Nó phải trốn ở một chỗ kín đáo lắm mới không bị ai bắt gặp. Sinh nghĩ là nó nấp ở phòng nhạc. Nhưng phòng này khóa cửa.
Anh San rảo bước đến khu “nước lụt”, có lẽ anh ta muốn kiểm soát từng giường. Khi trở lại, San nằm vật ra, hậm hực:
- Sao ông giám thị già lại cư xử với Quỳnh như thế nhỉ?
Thịnh nói:
- Ông ấy đâu có ưa những người bạn sáng của tụi mình. Đâu phải chỉ có cô Quỳnh mới bị mời ra. Ai ở lại trường quá giờ cũng không được. Kỷ luật sắt mà.
- Ông ấy không thương tụi mình sao?
- Thương gì. Ở với tụi mình lâu ông ấy coi mình như những người sáng. Đáng lẽ dùng đôi mắt để nhìn giùm chúng mình thì ông ấy lại chỉ thấy lỗi của chúng mình rõ hơn.
- Nhưng những người tới thăm trường có làm ông ấy phật ý gì đâu.
- Có lẽ ông ấy muốn nơi đây biến thành một thế giới riêng.
Câu chuyện càng lúc càng khơi thêm phẫn nộ, uất ức. Giọng nói của Thịnh bắt đầu gay gắt. Anh Bằng vội xen vào:
- Mình không nên nói xấu các ông ấy. Dù sao mình cũng vẫn phải sống nhờ vào nhà trường.
Anh San đập tay lên giường:
- Bằng muốn đứng về phe độc tài hả? Tôi nói thiệt, chuyện này không bao giờ tôi quên đâu. Nếu chúng mình được người ta săn sóc thực tình, tôi oán hận làm gì?
Giữa lúc đó chúng tôi nghe tiếng chân ông giám thị Toán. Tất cả im lặng. Ông đến ngay chỗ chúng tôi đang tụ họp, nói nhanh và nhỏ:
- Bằng và Thương lên phòng trực, tôi nhờ chút việc.
Ông nắm tay tôi dắt đi. Bằng hỏi:
- Có việc chi đó thầy?
Ông Toán không trả lời. Ông cố gắng kéo chúng tôi đi cho nhanh. Khi đến đầu cầu thang, chỗ cửa phòng trực, chúng tôi dừng lại. Giọng ông Toán hổn hển như người đang mệt, cần thở mạnh:
- Có phải Hùng nó sợ bị đánh nên đi trốn không?
Tôi đáp khẽ:
- Vâng, chiều nay...
Ông ngắt lời tôi:
- Trong hai em, em nào thân nhất với Hùng? Nghĩa là em nào nói mà trò Hùng chịu nghe?
Tôi và anh Bằng cùng ngẩn ngơ, lưỡng lự, chưa biết trả lời sao. Ông Toán càng tỏ ra cuống quýt, hốt hoảng. Ông giải thích nhanh:
- Bé Hùng trèo ra ngoài cửa sổ không biết từ hồi nào. Bên ngoài cửa sổ lầu có một đoạn mái ngói rộng chưa đầy nửa thước. Mái dốc, ngói cũ. Hùng ngồi nép ở đoạn tường dưới chân cửa sổ. Nó không thấy đường nên trốn ở chỗ vô cùng nguy hiểm đó. Nếu nó cử động mạnh là có thể trượt chân, ngói tụt, té từ trên lầu xuống lập tức.
Tôi sợ lạnh người. Ý nghĩ “bé Hùng đang đứng chênh vênh bên cái chết” làm tay chân tôi tê liệt. Anh Bằng hỏi:
- Thầy không kéo nó vào được sao?
- Tôi đã thử. Nhưng tai nó thính lắm. Khi nghe có tiếng động ở cửa sổ nó nép người xuống và cử động như có ý muốn đổi chỗ. Điều cốt yếu là đừng làm nó sợ. Chỉ một cử động mạnh đủ khiến nó té rồi. Rất có thể khi biết sắp bị bắt, nó vùng chạy bừa.
- Làm sao bây giờ thầy?
- Tôi đã nhờ mấy người khỏe mạnh ở nhà bếp căng một cái chăn ngay dưới chỗ trò Hùng nấp. Nếu chẳng may... Bây giờ, làm sao gọi cho nó đứng dậy, bám vào thành cửa sổ. Hai em, em nào thân với nó?
Anh Bằng nói:
- Em gọi nó chắc không được rồi. Nó sợ em như sợ San.
Tôi cũng phân vân:
- Chả hiểu nó còn nghe em không. Hồi chiều, chính em bắt nó vào văn phòng. Hay là... nhờ thằng Vinh.
- Cũng được. Nhớ đừng làm ồn ào quá.
Tôi lặng lẽ kiếm Vinh đưa lên phòng trực. Phải mất một lúc lâu nó mới hiểu nhiệm vụ của mình. Phòng trực hình như đã đầy nhân viên nhà trường. Những tiếng bàn tán xì xào khiến tôi hiểu rằng tình thế rất đáng ngại.
Chúng tôi trở vào phòng ngủ. Tiếng thầy Toán nói với Vinh:
- Cửa sổ ở ngay trước mặt em. Đi lại đó một cách chậm chạp, đừng sợ.
Phòng ngủ im phăng phắc. Nhiều học sinh chưa hiểu chuyện gì nhưng chắc đều cảm thấy có việc quan trọng đang diễn ra gần mình.
Tôi nắm chặt tay anh Bằng, tưởng như nghe rõ cả những tiếng động ngói rất nhẹ bên ngoài cửa sổ. Vinh bắt đầu vừa tiến đến cửa sổ vừa hát. Đó là cách báo cho bé Hùng biết ai sắp đến gần nó. Vinh quá xúc động... Nó hát sai lung tung. Bài ca lại ngộ nghĩnh:
“Đêm trời mưa vợ chồng ếch cãi nhau... Cứ chuộc ư ừ! Chẳng chuộc ư ừ!...” nó bắt chước tiếng ếch! Vinh vừa hát vừa thở hổn hển. Nó hát lớn dần, không tự nhiên chút nào. Nhưng nhờ vậy, tiếng chân của thầy Toán bị che lấp.
Tôi tưởng như nghe rõ cả tiếng những ngón tay của Vinh chạm nhẹ lên thành cửa sổ. Tiếng hát Vinh nhỏ dần, bình tĩnh hơn. Có lẽ nó đã mở rộng cửa. Một luồng gió lạnh lùa vào cùng tiếng cánh cửa gỗ chạm tường. Anh Bằng kéo tôi đến gần cửa sổ một cách thận trọng.
Chúng tôi chờ đợi. Vinh đã đổi bài ca khác, nó đập tay nhè nhẹ lên thành cửa sổ làm nhịp. Với chiều cao của nó, nó phải đứng lên một đầu giường nào đó mới có thể tì ngực lên khung cửa.
Tiếng nói mà chúng tôi chờ đợi nổi lên như tiếng thì thầm từ bên ngoài vọng vào. Phải lắng tai chú ý hết sức mới nghe được:
- Vinh ơi. Anh San ngủ chưa?
Vinh chưa hết lúng túng, hoảng hốt. Nó yên lặng một lúc mới nói vội vã:
- Ngủ rồi. Anh ấy ngủ rồi.
- Thật không?
- Thật mà. Mày vô đi. Đừng trốn ngoài đó nữa.
Có tiếng chân đạp róc rách trên ngói. Giọng bé Hùng vẫn như thì thầm:
- Tao đang đói bụng. Mày kéo giùm một tay cho tao vô được không?
Ngói róc rách mạnh hơn. Bé Hùng chợt hét lên một tiếng cùng với tiếng vài người reo:
- Được rồi!
Thầy Toán la:
- Muốn chết hay sao mà trèo ra ngoài đó.
Tiếng bé Hùng cuống quýt bên trong cửa sổ:
- Anh San muốn đánh con.
Từ dưới sân vọng lên tiếng thầy giám thị già:
- Thôi, anh em cuốn chăn lại được rồi.
Phòng ngủ ồn lên tiếng hỏi han, bàn luận. Thầy Toán nói:
- Khuya rồi. Về giường ngủ hết.
Thầy đưa bé Hùng về tận chỗ nằm của nó.
Khi đã hiểu chuyện, anh San không nói gì. Mãi đến lúc tôi nằm xuống giường sắp ngủ, anh mới gọi:
- Thương ơi! Sang đây ngồi nói chuyện một lát.
Tôi chiều ý anh. Được kể nỗi bực dọc của mình cũng là một cách giảm bớt cơn sầu muộn. Anh San nói:
- Cậu nghĩ kỹ coi. Quỳnh có trở lại đây không?
- Có thể vài tuần nữa cô ấy sẽ trở lại.
- Tôi thì tôi sợ Quỳnh bỏ đi luôn.
Và, không cần đợi tôi hỏi, anh San chậm rãi kể lại một mạch:
- Quỳnh là tất cả nguồn hy vọng của mình trong bấy lâu nay. Những dự định của mình đáng lẽ mình không nói lại cho các cậu nghe. Nhưng giờ, chuyện đã xảy ra thế, giấu cũng vô ích, mình nói lại với cậu cho hả. Đã từ lâu mình mơ đến một trang trại dành riêng cho người mù. Trại giống như một ngôi làng nhỏ. Học hết năm năm ở trường chúng mình sẽ không còn bơ vơ. Sau này, chúng mình sẽ quy tụ cả ở đấy. Ai biết nghề gì làm nghề đó. Chỉ cần ba bốn người sáng giúp đỡ mình trong công việc giao dịch, buôn bán những sản phẩm tiểu công nghệ.
Tôi hỏi:
- Hình như Hội Bạn Người Mù cũng làm việc ấy?
- Cậu đã đến thăm trụ sở của hội này chưa?
- Chưa.
- Thế thì biết gì mà nói. Hội này chỉ thu nhận được một số người mù quá ít. Tôi đã đến đó vài lần. Học viên cũng chỉ được học vài nghề quanh quẩn như mình. Có một nghề mới là nghề sửa đàn dương cầm. Người dạy nghề này là một giáo sư già tận tâm, rất có tài. Nhưng muốn theo nghề đó mình phải có chút vốn kiến thức về nhạc. Vả lại, khi thành nghề rồi mình đã chắc gì được no đủ. Cả đô thành Sài Gòn này có bao nhiêu cái đàn dương cầm? Chờ bao nhiêu năm mới có một cái hỏng cho mình chữa? Nghề thêu đan coi mòi làm ăn khá thì lại chỉ có đàn bà làm được. Đời sống các chị mù chuyên đan, dệt cũng không tốt đẹp gì. Ngày ngày các chị phải đi từ nhà đến Hội làm việc. Nhiều chị ở tận bên Thị Nghè, đi bộ vài cây số mới tới bến xe buýt. Rồi chờ, đợi lần mò lên xuống sao cho khỏi vấp ngã. Cậu đi xe buýt chưa?
- Rồi.
- Đó. Nhiều khi mình rờ mãi mới kiếm ra cái cửa xe. Đi lại lận đận lao đao như vậy cũng chỉ kiếm đủ ăn. Nhiều học viên phải đi bán xổ số kiếm thêm tiền, sung sướng gì. Tôi ước ao người mù có một chỗ ở nhất định, hợp thành thế giới nhỏ, giúp đỡ khuyến khích nhau. Được làm việc ngay tại nơi mình ở là tốt nhất.
- Lỡ có người không muốn ở chung như thế, thì sao?
- Người nào có tài kiếm được nhà ở riêng thì cứ việc tách ra. Nhưng cậu nghĩ coi, trường này có mấy người có tương lai tốt đẹp? Chỉ mấy anh có biệt tài về âm nhạc là hy vọng tìm được việc làm nhiều tiền. Còn lũ chúng mình! Như tôi với cậu chẳng hạn. Bị thẩy ra đường, mình chỉ có cách sống bám vào gia đình hoặc đi ăn xin!
Tôi suy nghĩ mãi về những điều đó. Cậu tưởng xin được vào trường là đủ yên bụng rồi sao. Tôi không hiểu các cậu nghĩ thế nào. Riêng tôi, tôi cho rằng: sự thiếu may mắn của chúng mình chỉ là khí giới kêu gọi tình thương của mọi người chứ không phải là sức mạnh. Bây giờ chúng ta đang sống bấp bênh trên sự giúp đỡ của tình thương. Phải lợi dụng thời gian này để tạo sức mạnh, chiếm lấy một chỗ đứng đàng hoàng trong đời. Có nơi cư ngụ, có việc làm rồi, mình tha hồ chứng tỏ mình có khả năng, mình là những con người hữu ích. Mình sẽ không phải đứng bên lề xã hội để xin xỏ tình thương.
Tôi đã nói ước vọng ấy cho Quỳnh nghe. Quỳnh hết sức sốt sắng muốn giúp mình thực hiện một phần nào. Cô ấy có nhiều bạn. Họ họp nhau nhiều lần bàn luận, tìm những người hảo tâm có thể giúp người mù một mảnh đất rộng, ở vùng ngoại ô cũng được. Hình như Quỳnh đã kiếm được một nhà sư bằng lòng cho chúng mình mảnh đất ở sau chùa. Mảnh đất đó hơi hẹp. Quỳnh muốn mua thêm ít đất ruộng nữa. Người chủ ruộng tỏ ra không khó tính lắm. Quỳnh đang bắt liên lạc với vài cơ quan từ thiện để xoay tiền mua ruộng. Đến đây, việc giấy tờ hơi trục trặc. Quỳnh không thể nhân danh một đoàn thể nào để làm việc đó. Tôi tin rằng Quỳnh đã mệt mỏi và chán nản lắm rồi. Cô ấy bỏ bao nhiêu thì giờ để giúp mình. Bây giờ, lại gặp chuyện bực bội thế này, chắc sẽ bỏ rơi tất cả cho khỏe.
Sự buồn rầu làm cho giọng anh San càng lúc càng trầm xuống, uể oải tuyệt vọng. Tôi không biết an ủi anh bằng cách nào. Tôi cảm thấy anh ta già dặn hơn với những ý nghĩ hoàn toàn lạ lùng đối với tôi. Trong lúc nghe anh, tôi quên hẳn câu chuyện hồi chiều. Trở lại giường nằm, tôi thao thức mãi. Thỉnh thoảng anh San cũng cựa mình thở dài.
Tôi nghĩ đến Thịnh-hoàng-tử và cái kèn, tôi nghĩ đến anh Bằng, anh Thảo chăm chỉ đi học nhạc. Vân hiền lành ôm mộng đi bói. Mọi người quanh tôi đang vùng vẫy, cố gắng để vượt lên. Anh San từ bao ngày nay đã âm thầm sửa soạn để có thể bước những bước vững chắc vào tương lai.
Chính sự không may của anh San lại đem đến cho tôi những ý nghĩ mới, đầy nhiệt thành, hăng hái. Than thở hình như là cách tự vuốt ve nỗi khổ. Đêm ngủ gặp ác mộng mình có thể thoát ra bằng cách tỉnh dậy. Nhưng nếu thực tại chính là ác mộng mình không thể trốn nó bằng cách ngủ. Vậy mà có lẽ tôi đã ngủ nhiều năm, ngủ mê mệt trong lời ru của một bài ca tuyệt vọng. Tôi thiết tha muốn tạo cho mình cái sức mạnh mà anh San đã nói. Một người không thể tìm nơi trú ngụ vĩnh viễn ở tình thương của đồng loại. Đứng trong lòng vực sâu tăm tối, tôi hiểu rằng trên kia còn nhiều chỗ đứng sáng sủa chờ tôi leo lên.
Tôi cảm thấy cái thú của khoảnh khắc có những ý nghĩ lạc quan. Tôi nhớ đến một câu nói của anh Phong: “Ngay trong giây phút hấp hối, nhiều người vẫn còn đủ sức gửi lại cho đồng loại một ý tưởng quý giá”. Niềm hy vọng xôn xao đi trong huyết quản. Niềm hy vọng lan tỏa thật xa như tấm chăn dịu dàng, mát mẻ của đêm khuya đã trùm lên tôi. Tôi tưởng đang nghe rõ ràng từng tiếng thở của anh em, bạn bè. Một tiếng nói mơ ú ớ vô nghĩa nổi lên ở đâu đó, với tôi lại dễ thương như hơi thở nóng của một người bạn thân. Tôi muốn được nắm tay tất cả mọi người trên địa cầu.