Chương cuối

     hà ông trưởng ban nhạc “Thông Reo” ở cuối một ngõ hẻm. Chúng tôi loay hoay hỏi thăm chừng nửa giờ mới đến đúng địa chỉ. Chắc ông ta mở lớp dạy nhạc. Phòng khách vang lên tiếng hát của khá nhiều người. Khi ngừng hát, họ cười đùa. Nghe giọng nói, tôi đoán họ cũng còn trẻ như chúng tôi.
Anh Bằng, anh Thảo, Thịnh-hoàng-tử và tôi ngồi sát nhau trên một chiếc ghế dài, chờ đợi.
Khi ông trưởng ban bước đến gần chúng tôi, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống trong phòng bỗng im bặt. Ông hỏi ngay:
- Mấy cậu ở trường nam sinh mù phải không? Tôi có nghe cô Hồng Châu nói về các cậu, khen các cậu đàn hay. Nếu các cậu có thể giúp cho ban nhạc của tôi được thì tốt lắm. Nhưng... tôi thấy cô ấy chỉ giới thiệu hai cậu thôi mà. Một cậu dương cầm, một cậu tây ban cầm?
Giọng ông sang sảng, tiếng nói hơi lớn của một người quen chỉ huy. Nhưng tôi đoán ông là người vui tính, dễ dãi. Anh Bằng đáp thay cả bọn:
- Thưa ông vâng. Tôi và anh Thảo có thể sử dụng hai thứ nhạc khí đó. Còn em Thịnh thì thổi clarinette và em Thương đây muốn xin ông cho ca trong ban.
- Vậy hả? Được rồi. Bây giờ chúng ta cũng phải xét qua tài năng của nhau một chút cho dễ bề thông cảm nhé. Ở đây không có đàn dương cầm. Vậy cậu Thảo phải chờ hôm nào cùng với tôi đến đài phát thanh biểu diễn. Cậu sắp tốt nghiệp ở trường Quốc Gia Âm Nhạc phải không?... Ờ, thế thì tài nghệ đáng tin cậy rồi. À, để tôi lấy nước cho các cậu uống đã nhé.
- Dạ thôi, xin cám ơn ông.
- Thôi sao được. Cậu nhỏ kia phải uống nước cho mát cổ mới hát hay chứ.
Ông đi vào nhà trong. Chúng tôi cùng cảm thấy yên ổn, dễ chịu vì được săn sóc một cách thân mật.
Khi ông mang nước trở lại, anh Bằng đã kiểm soát xong dây đàn. Không đợi ông yêu cầu, anh bắt đầu gẩy một bản anh thích nhất. Nghe hết bài, ông nói:
- Tốt. Bây giờ cậu này cho tôi nghe kèn.
Khác hẳn với thái độ bình tĩnh, tự tin của anh Bằng, Thịnh tỏ ra hồi hộp, luống cuống. Tôi nắm vai hắn, bóp nhẹ một cái để khuyến khích. Áo Thịnh ướt mồ hôi.
Tiếng kèn mới đầu nhỏ bé, rụt rè, rồi bỗng vụt lớn lên thình lình. Trong tiếng kèn tưởng như có lẫn hơi thở của Thịnh, nghe thật chướng tai. Có lẽ cũng tự nhận được khuyết điểm, Thịnh lại vội hạ tiếng kèn xuống. Lầm lỗi này kéo theo lầm lỗi khác. Tiếng kèn bắt đầu loạc choạc, sai lạc. Những đoạn Thịnh cố tình kéo dài thì lại uể oải, vô duyên. Tôi muốn bảo Thịnh ngừng hẳn để lấy lại bình tĩnh, nhưng không dám. Cuối cùng hắn thổi sai cả nhịp.
Ông trưởng ban cười:
- Tài nghệ cậu này còn hơi yếu đấy nhé. Phải tập lại ít lâu mới được.
Tôi bào chữa cho Thịnh:
- Thưa ông, ở trường Thịnh thổi hay hơn nhiều. Chắc ở đây Thịnh hồi hộp quá.
Như không chú ý đến lời tôi, ông trưởng ban nói với Thịnh:
- Cậu phải tập điều khiển hơi thở nhiều hơn nữa. Làm sao cho các âm thanh phát ra vừa đúng cao độ.
Thịnh đáp nhỏ:
- Dạ.
Sự thất bại của Thịnh khiến tim tôi đập mạnh. Có lúc tôi tưởng không còn đủ khả năng há miệng nói một câu cho xuôi. Ông trưởng ban nhạc giục tôi hát. Giọng ông còn vui vẻ nhưng hình như đã thiếu một phần tin tưởng. Ông đặt ly nước vào tay tôi. Tôi uống cạn.
Tiếng đàn anh Bằng dạo khúc mở đầu bài “Giấc mơ sầu” đã nổi lên. Tôi cầm ly nước trong hai tay, thu người nhỏ lại, tựa vào Thịnh, bắt đầu cất tiếng. Âm thanh đầu tiên phát ra thô, vội vã như chỉ cốt đuổi cho kịp tiếng đàn. Thêm nữa, ngụm nước vừa uống còn gây một cảm giác vướng víu trong miệng. Tôi muốn nuốt nước bọt, nhưng chậm rồi. Mải lo lắng về những sơ sót đó, tôi hát câu đầu, câu thứ hai một cách máy móc. Tôi hát như chỉ cốt xướng lên những âm thanh không có ý nghĩa.
Đến câu thứ ba, tôi bình tĩnh lại. Lời ca đột nhiên đem đến sự rung động cho người hát. Tôi chìm dần trong tiếng hát. Tôi tìm lại được cả những nỗi buồn, niềm vui. Tôi cố gắng dùng tất cả sự khổ cực mà tôi đã gặp để tạo nên thế giới của một giấc mơ sầu. “Ôi! Niềm vui biến thành làn mây nhẹ... tan dần đi tan dần đi nơi cuối chân trời!” Tôi tưởng như chính mình là kẻ đang mất niềm vui, đứng cô đơn giữa bóng tối mênh mông, không biết phải tiến về hướng nào. Tôi đặt trong tiếng ca những xao xuyến, những đau đớn, rã rời của một người bắt đầu tuyệt vọng.
Khi tôi ngừng hát, tiếng vỗ tay chợt nổi lên mạnh mẽ, đông đảo hơn tiếng vỗ tay dành cho tôi trong căn gác của anh Giản, ông trưởng ban nói:
- Học trò tôi đang hoan nghênh cậu đó.
Ông vui vẻ bắt tôi hát hai bài nữa do ông chọn.
Sau cùng, ông nói:.
- Thế là xong. Sáng thứ hai tới, ba cậu đến đây. Tôi có xe, tôi sẽ đưa các cậu đến Đài Phát Thanh, chúng ta cùng làm việc. Các cậu có mặt ở đây lúc tám giờ nhé. Hôm đó các cậu sẽ gặp tất cả các anh chị em trong ban Thông Reo.
Anh Thảo đáp một cách hân hoan:
- Thưa ông, chúng tôi sẽ đến thật sớm.
- Bây giờ, các cậu đem tập nhạc này về tập dượt trước đi. À... mà làm sao các cậu đọc được?
- Chúng tôi sẽ nhờ người đọc giùm, chép ra chữ nổi. Vả lại, một số lớn nhạc phẩm chúng tôi đều có tập đàn, hát rồi.
Anh Bằng nói:
- Chỉ có một điều hơi phiền, xin ông thông cảm. Chúng tôi không nhìn thấy được nhịp tay của ông, mong ông cho nhịp bằng tiếng động.
- Chuyện đó dễ mà. Các cậu cứ việc dựa theo nhịp trống.
Ông trưởng ban tiễn chúng tôi ra tận cổng và nói mấy câu khuyến khích Thịnh.
Sự thất bại của Thịnh khiến cả bốn người cùng im lặng. Mặc dầu có lẽ anh Bằng, anh Thảo cũng như tôi đều muốn cười vui để mừng sự thành công. Thế là chúng tôi đã kiếm được việc làm!
Lúc đứng ở trạm xe buýt, Thịnh bỗng nói:
- Mình muốn đập cái kèn đi quá.
Anh Bằng vội trấn tĩnh hắn:
- Đừng nói nhảm. Cố gắng tập thêm ít lâu nữa là được. Vội gì.
Chúng tôi vừa bước lên xe buýt thì trời đổ mưa lớn. Đoạn đường từ nơi xe đậu đến cổng trường khá dài. Chúng tôi lại không dám đi nhanh. Cả bốn đều bị ướt, lạnh.
Sinh đón chúng tôi ở chân cầu thang, hỏi to:
- Thế nào? Công thành danh toại cả chứ?
Tôi đáp:
- Thành công được ba phần tư.
- Anh nào là cái một phần tư xấu số đó. Thịnh hả?
Thịnh không trả lời, chạy rầm rập lên thang trước. Tôi vừa bước vào phòng ngủ vừa cởi khuy chiếc áo ướt. Mưa xối ào ào trên mái tôn. Nhưng tiếng khóc của Thiệp nhỏ ở giường Vân nghe rất rõ. Vân càu nhàu:
- Mày ngu quá!... Mày ngu quá!
Anh Bằng hỏi:
- Thằng Thiệp làm sao đó?
Vân đáp:
- Mẹ nuôi nó mất tích rồi. Bao nhiêu tiền dành dụm được nó gửi mẹ nó hết. Thế là bây giờ tong cả vốn liếng. Ngu thật!
- Trời! Có thể bà ấy ốm đau hay có việc phải đi đâu xa. Đến nhà bà ấy chưa?
- Đâu có biết nhà mà đến.
- Sao thằng Thiệp vẫn kể...
- Ông ấy tưởng tượng ra. Ông ấy kể cho le vậy thôi. Tụi này đã đi hỏi tin tức bà ta suốt cả buổi chiều ở quanh rạp hát. Lúc ấy mới biết bà ta còn quỵt tiền của nhiều người. Nhưng riêng thằng Thiệp là đau nhất.
- Mất nhiều không?
- Cũng khá bộn. Tiền dành dụm mấy tháng nó đem gửi hết, có tiêu xài đồng nào đâu. Thỉnh thoảng được bà ấy cho chén một bữa.
Anh Thảo buông gọn một câu:
- Thằng Thiệp thế mà có duyên với viện mồ côi.
Biết an ủi Thiệp nhỏ cũng vô ích, chúng tôi mặc cho nó khóc. Tôi hỏi Vân:
- Anh San đâu?
- Anh ấy vừa đi rồi. Một chị bên lưu xá đem cái thư của cô Quỳnh lại. Hình như thư có ghi địa chỉ của cỏ ấy. Anh San vội vã lên đường ngay.
- Mưa to thế này mà cũng đi.
- Anh ấy mặc áo mưa. Có trời mới giữ anh ấy lại được. Nghe nói có thư của Quỳnh ông ấy nhảy phốc từ trên giường xuống reo như điên.
Tôi cởi chiếc áo ướt. Bỗng từ cuối phòng ngủ tiếng kèn của Thịnh vang lên.
Âm thanh cuồn cuộn, nối nhau liên tiếp như Thịnh không hề ngừng lại để thở. Bên ngoài, mưa đập đều vào cánh cửa sổ, gió thổi ào ào vây quanh bốn phía. Nhưng tất cả những tiếng động đó chợt giống như hợp âm trầm làm nền trong một hợp tấu khúc kỳ lạ. Chúng chen lấn, xô đẩy, rầm rập tiến tới rồi chợt dịu dàng, lùi ra xa, êm ái như đoạn cuối của một tiếng vọng.
Trên tiếng mưa và len lỏi trong tiếng gió, tiếng kèn của Thịnh gợi cho tôi những rung động mới mẻ, một nỗi sầu có pha niềm kiêu hãnh. Tiếng kèn đã tự ý mọc lên trên mảnh đất đầy đau thương và khổ ải như một loài cây dại. Và trên mỗi nhánh của loài cây âm thanh đó bừng nở một bông hoa, loại hoa cánh mềm như nhung, thơm như tất cả những mùi thơm trong quá khứ.
Bao ngày tháng đã qua đi và nỗi buồn như trăm ngàn cây gai tạo thành một khu rừng trong tâm hồn tôi. Tôi phải lần mò tìm lấy một lối đi tin tưởng, lạc quan. Tiếng kèn của Thịnh chợt làm động sợi dây móc nối cây rừng. Và, cùng một lúc, muôn ngàn mũi gai buồn rung lên...
Anh Bằng thì thào:
- Hay quá!
Anh Thảo:
- Nỗi buồn và tiếng khóc đã thổi kèn giùm Thịnh. Trong đời, chỉ một lần thổi hay như thế cũng đủ khổ rồi.
Tôi cầm cái áo ướt trong tay, ngồi xuống giường. Tôi nhớ đến San. Giờ này chắc anh đang lần bước trong mưa để tìm Quỳnh.
Tháng 3-1966
Lê Tất Điều

HẾT

Xem Tiếp: ----