NHỮNG NGÀY THƠ ẤU

     ỗi người đều đi qua quãng thời gian của tuổi thơ. Có người được đi trên tấm thãm nhung mà cuộc đời dành cho họ. Còn tôi, đi qua trên những cánh đồng khô cháy, thậm chí toàn là những gai của loài hoa dại.
 
Trung tuần mùa hạ về đêm, ánh trăng càng sáng tỏa. Đêm ấy là đêm rằm tháng tư - mùa Phật Đản, không gian tĩnh lặng, bà con trong làng đang chìm vào giấc ngủ; sau một ngày gặt hái vất vả.
Bổng tiếng súng hàng loạt vang động cả làng tôi, tiếng súng càng lúc càng gần cạnh nhà tôi, đã đánh thức Mẹ tôi, có lẽ do từng quen với tiếng súng đạn đó - vì mẹ tôi lớn lên trong giai đoạn chiến tranh của đất nước. Mẹ tôi đánh thức các anh em chúng tôi dậy, tay bồng, tay kéo anh em tôi ra tận bờ tre cạnh vườn và bảo anh em chúng tôi nằm sát xuống cái bờ ao đầy lá tre khô đó.
 Mảnh vườn nhà tôi hồi đó, chung quanh được bao bọc bởi một bờ tre kín và phần đất bờ tre bao giờ cũng cao hơn phần đất của mảnh vườn, chung quanh khu vườn là một đường rãnh ao, không những khu vườn nhà tôi được làm như thế, mà các khu vườn nhà hàng xóm cũng giống nhau. Mãi cho đến khi lớn lên tôi mới hiểu được cách lập vườn đó ở quê tôi.
 Cái đường ao; khi ấy vào mùa khô hạn, nên các anh em chúng tôi chẳng bị ướt áo quần. Chúng tôi ngủ thiếp đi dưới cái rãnh ao đó, có lẽ vì sợ hãi của tiếng súng vang rền, lại thêm ánh trăng xuyên qua các cành tre lung linh, chập chờn, ẩn hiện như bóng ma, hay vì cái hồn nhiên của tuổi thơ chúng tôi.
Cho đến tận sáng mai và tiếng súng không còn nổ nữa……
 Sau này lớn lên tôi mới hiểu tiếng súng vang rền trong đêm trăng đó. Đó là những tiếng súng cuối cùng của bọn giặc, trong những tháng ngày cuối cùng khi chia cắt đất nước (1954). Họ chia cắt đất nước, nhưng để lại sự đau thương mất mát, sự chia rẽ khốn cùng.. đôi khi cùng huyết thống. Trong đó có phần cho mẹ con chúng tôi và nhiều gia đình khác nữa….
Hai người đàn ông cao lớn, nằm trên hai chiếc giường, được phủ hai chiếc chiếu cói, máu của họ đã chảy xuống trên nền sân cát trắng của nhà tôi. Khi ấy, tôi cũng chẳng nghĩ hay thắc mắc gì về họ cả, vì lúc đó tuổi tôi chưa tròn con số bốn, và các em tôi lại càng không biết gì, có lẽ anh cả tôi còn có thể biết, vì anh tôi cũng đã được sáu tuổi rồi.
Tôi thấy Mẹ tôi khóc gào và ôm trùm lên một trong hai người đàn ông, được phủ dưới lớp chiếu đó. Tiếng khóc gào thảm thiết, khiến các anh em chúng tôi chẳng biết chuyện gì cũng khóc theo. Tiếng khóc xé lòng của Mẹ, hòa lẫn với tiếng khóc của anh em chúng tôi, cả xóm làng không ai gọi ai, cùng chạy đến trước sân nhà tôi.
 Đêm hôm đó, cả xóm phường tôi không nhà nào ngủ được, họ tụ tập tại sân nhà cho đến tận các bờ tre, họ rầm rì nói chuyện và tôi chẳng hiểu họ đang nói chuyện gì. Cho đến tận ngày mai, bà con trong làng vẫn còn lui tới, họ thắp những nén nhang trước hai cái hòm gỗ sơn màu đỏ như máu.
Mặt trời gần xế bóng, cái nóng mùa hạ vẫn còn oi bức, những người đàn ông khỏe mạnh trong thôn làng, đang có mặt tại nhà tôi, họ khiêng hai cái hòm gỗ có hai người đàn ông, mà ngày hôm qua đã nằm trước sân nhà. Họ đứng xếp hàng, rồi đi quanh hai chiếc quan tài, dùng đôi tay rắn chắc khiêng hai chiếc quan tài lên vai, đi theo sự hướng dẫn của một cụ mặc chiếc áo dài đen, đầu chít vành khăn màu đỏ. Đôi tay cụ cầm hai thanh gỗ ngắn, gõ vào nhau kêu lắc cắc, nhịp nhàng, hòa lẫn với tiếng phèn-la của một người dẫn đầu, âm thanh não nuột, họ cùng đi về một khu của độn cát trắng; làng tôi có một độn cát trắng dài, nơi dùng làm chôn cất những người đã chết. Mẹ tôi và các anh em tôi cũng đi theo hai chiếc quan tài đó. Phía sau lưng chúng tôi, cũng có một đoàn người mà tôi biết là những người bà con than thuộc với gia đình và láng giềng gần gủi ở trong làng chúng tôi, họ lặng lẽ đi theo và nói chuyện với nhau cũng thầm thì như thế.
 Không biết, ai đã mặc cho tôi một chiếc áo dài, như các cụ đã mặc trong đoàn người đi đó, nhưng áo tôi lại là màu trắng, còn các cụ màu đen, đầu các cụ lại đội cái vành vải đen, họ mặc áo quần khác tôi. Tôi nhìn thấy Mẹ tôi, anh tôi, em tôi và cả các Chú tôi cũng thế, cũng mặc áo dài màu trắng như thế, song tôi thì đội cái mũ cũng bằng cái vải màu trắng đó, còn anh tôi, Mẹ và các Chú tôi lại mang tấm vải trắng được cuộn tròn lên đầu. Mẹ tôi bồng em tôi vừa đi vừa khóc gào thảm thiết, anh tôi đi trước người Chú của tôi, còn tôi đi bên cạnh đó, và cứ đi theo mãi sau đoàn người gánh hai cái hòm gỗ kia……
Dải độn cát trắng dài đầy nhiều cỏ khô, thỉnh thoảng một vài chổ có cỏ tươi, lũ trẻ chăn trâu tha hồ cho trâu ăn cỏ và thả diều, trên dải độn ấy. Tôi không biết những con diều bọn chúng làm như thế nào mà tài đến thế, ba bốn con thi nhau bay lượn trên nền trời xanh và mấy đứa chăn trâu vừa chạy vừa giật giật sợi dây dài, vui cười thỏa thích. Tôi thích quá, chạy theo chúng nó, nhưng Chú tôi lại nắm tay tôi giữ lại, bắt tôi đi theo đoàn người gánh hai cái quan tài kia. Thế là tôi không còn được tung tăng, chạy theo những con diều đang bay lượn trên không, như mấy đứa chăn trâu được nữa.
Mãi về sau, tôi không bao giờ có được những lúc chạy theo những con diều như thế, mặc dù chẳng có Chú tôi bên cạnh, để giử tôi lại hay ngăn cản tôi.
 Tiếng khóc, tiếng gào thét xé lòng của Mẹ tôi, lại vang lên làm rung động cả đoàn người đi cùng, khi họ để cái quan tài xuống lòng đất sâu, ở hai gò đất gần nhau  và tôi thấy nhiều người cùng khóc, tôi và anh tôi cũng khóc.
Cho đến những ngày tháng sau, thỉnh thoảng Mẹ tôi cũng òa khóc lên như thế, dần dần tiếng khóc không còn to và gào thét nữa, tôi chỉ nghe những tiếng thở dài, nức nở, nghẹn ngào vào những đêm khuya thanh vắng, hay những đêm đầy ánh trăng.
 Rồi từ đó. Bao tháng năm dài của quãng đời mênh mông đen tối còn lại phía trước là bấy nhiêu dòng nước mắt của Mẹ tôi, cho đến năm Mẹ tôi tám mươi tám tuổi, vậy là sáu mươi hai năm, nước mắt Mẹ tôi đã cạn khô và đôi mắt ấy, giờ đây như màn đêm tăm tối-Mẹ tôi mù hẳn rồi.
 Vào một ngày, khi không thấy Ba tôi đi làm về, sau ngày đồng áng như mọi khi và tiếng hỏi thơ ngây của tôi: Mẹ ơi! sao Ba đi làm chưa về? Hai dòng lệ tuôn dài trên má, Mẹ nắm tay tôi dẫn đi và chỉ cho tôi tấm ảnh của Ba tôi trên một cái bàn thờ để ở căn giửa nhà, Mẹ bảo: Ba con đã không cùng ở cùng với mẹ con mình nữa!... con ơi! Khi tôi lớn lên và cho đến nay, tôi chỉ biết Ba tôi qua tấm hình trên bàn thờ đó.
Thế là vào cái đêm trăng sáng đó, cái ánh trăng của tuổi thơ, tôi không còn Ba nữa, Hình ảnh hai người đàn ông phủ trùm hai chiếc chiếu cói nằm trên hai chiếc giường, máu chảy xuống đỏ trên nền cát trắng sân nhà tôi, đó là Ba tôi và Bác của tôi. Bọn giặc về, đã cướp mất của chúng tôi, cướp mất ánh trăng tuổi thơ của anh em chúng tôi, vào trong đêm đầy tiếng súng đó.
Tôi mất Ba vào một ngày hè. Cho nên tôi không thích mùa hè tí nào cả. Các bạn học của tôi, chúng lại trông mùa hè mau đến, để chúng đi ra sông bắt cá, chạy ngoài cánh đồng đã gặt thả diều, hay cùng lũ chăn trâu vùi những cũ khoai sắn trong đống lửa rạ khô…..
Còn tôi, chính cái nắng mùa hè ấy đã khiến gia đình chúng tôi khô cằn, túng quẩn.
Đêm hè đầy ánh trăng. Tại sao bóng tối lại phủ lên gia đình chúng tôi, phủ lên cuộc đời Mẹ và anh em chúng tôi nỗi đau đớn? Tôi có thể quên nhiều chuyện trong thời thơ ấu của tôi. Nhưng chuyện đêm rằm tháng tư năm ấy, có lẽ tôi không bao giờ quên.
 Giờ đây, chiến tranh trên quê hương đã qua trên bốn mươi năm, không! trên sáu mươi năm trong tôi kể từ cái đêm rằm đó. Nhưng tiếng vang của súng đạn nó vẫn dội mãi trong lòng tôi như không bao giờ yên lắng.
Mãi cho đến khi tôi mười, mười một tuổi, tôi cũng không hiểu tại sao bọn giặc lại cướp đi Ba và Bác của tôi, cướp đi ánh trăng tuổi thơ của tôi? Sau này có một vài chú, bác trong thôn xóm kể lại câu chuyện cái đêm kinh hoàng đó mà tôi được nghe, chứ Mẹ tôi thì chưa bao giờ kể cho anh em chúng tôi nghe cho đến tận bây giờ. Tôi không hiểu tại sao Mẹ tôi không kể. Có lẽ Mẹ tôi sợ một viễn cảnh tương lai chăng?
 “Hồi ấy, mấy đứa trẻ chăn trâu, mãi ham chơi đã để trâu ăn mấy luống ruộng đang trổ đòng của ông L..(Ba tôi) ra công cày cấy. Giận quá, Ông đã trói con trâu ăn lúa đó vào một gốc cây và đợi trâu của ai đến nhìn để bắt vạ. Khi người chủ của con trâu đến nhìn, đã quở phạt người chăn trâu và đuổi về không cho đi chăn trâu nữa. Người chăn trâu ra về rồi đi theo giặc. Gần ngày chia cắt đất nước, kẻ theo giặc lại về trả thù mối hận xưa, thế là nó đã cướp mất ông L…, ông L…(Bác của tôi) và ông Dinh-người chủ của nó trong cái đêm trăng kinh hoàng đó.”
Từ đó gánh nặng của gia đình và cuộc đời, đã đè lên đôi vai gầy yếu của Mẹ tôi, anh em của chúng tôi cũng không nằm ngoài vòng lao lý đó. Năm đó Mẹ tôi đang còn độ tuổi xuân xanh-cái tuổi hai mươi sáu và anh em chúng tôi ba đứa vẫn còn thơ dại của tuổi lên năm, lên ba.
Cho đến nay, hình tượng của Ba tôi chỉ được ghi lại trong tâm trí tôi bằng một tấm hình, của cả gia đình tôi. Có lẽ, đã được Ba tôi thuê một người thợ chụp ảnh ghi lại vào khoảng năm 1952 hay 1953 gì đó. Sau nhiều lần tôi hỏi Mẹ tôi: Sao Ba đi đâu không thấy về? Mẹ tôi đã cho tôi xem tấm hình ấy, có lẽ trong ý nghĩ và việc làm ấy của Mẹ tôi, có thể làm cho tôi vơi đi phần nào về nỗi nhớ của tôi về người Ba, mà thường ngày hay ôm ấp tôi thì phải.
Tấm hình đã khắc đậm trong tôi, về hình tượng của Ba tôi. Trong tấm hình, tôi đứng ngang chừng đầu gối, anh cả tôi thì cao hơn tôi một cái đầu, mà cũng chỉ bằng ngang vế của Ba tôi, còn người em gái út của tôi, được Mẹ tôi bồng và đứng cạnh Ba, nhưng Mẹ cũng chỉ bằng vai Ba tôi thôi. Trong ảnh Ba mặc một bộ com-lê (compler) màu trắng, Mẹ và anh em tôi thì mặc bộ bà ba đen, chỉ có em tôi được mặc cái áo đầm màu sáng. Hình dáng của Ba tôi cao, to như một cây đại thụ, đang che bóng mát cho cả gia đình. Khuôn mặt sáng ngời với đôi mắt nhìn về phía trước, như tin tưởng vào một tương lai rạng rỡ. Một cây đại thụ đang vươn mình trong khí tiết của mùa xuân (ba tôi hai mươi tám tuổi). Thế mà cây đại thụ đó đã bị ngã xuống sau cái đêm rằm kinh hoàng đó.
Trong những khoảng xa xăm nào đó của tuổi thơ, hay những tháng ngày lăn lộn với cuộc sống của thời trai trẻ, tôi ước gì còn cây đại thụ ấy, để được ngồi dưới bóng mát của gốc cây, để được những cành lá vươn rộng, ôm ấp, che chở tôi trong những mùa nắng cháy, hay tháng ngày giá rét của cuộc đời, và nhiều điều tôi muốn để được che chở, ôm ấp, khuyên bảo nữa…..nhưng không bao giờ tôi có được nữa; Ba đã ra đi…...
Và tôi lại nhớ về Ba tôi vô cùng tận; tại sao mình không còn Ba để được che chở cho anh em tôi như những đứa cùng trạc tuổi nhỉ? Song bóng mát của cây cổ thụ ấy, vẫn mãi mãi trong tâm khảm tôi cho đến bây giờ, dù chỉ còn là hình ảnh, cho dù tấm ảnh ấy cũng đã bị thiêu rụi đi, cùng với căn nhà của gia đình tôi vào năm Mậu Thân (1968).
Tôi không biết gì nhiều về Ba tôi, song những gì Mẹ hay nhắc về Ba, đã cho tôi một biểu tượng về Ba tôi: trong sáng, đầy nghị lực, trách nhiệm với tấm lòng cao cả và giàu tình thương.
Hay những năm tháng về sau, cứ đến rằm tháng tư âm lịch, tôi lại về quê để giỗ Ba và Bác tôi, cho dù vợ chồng tôi không có nhiều tiền, để ngày giỗ của Ba và Bác tôi được tử tế, song chúng tôi cũng muốn về quê, để anh em và bầu bạn của Ba và Bác tôi có dịp viếng thăm, họ kể cho tôi nghe về một thời của Ba và Bác tôi, cùng với họ.
 Khi lớn lên. Tôi không có Ba, để được học những trang sách của cuộc đời mà Ba tôi đi qua, học cách làm người, học cách thương yêu người, cách tha thứ cho người, hay những khổ đau lẫn hạnh phúc….
Tôi phải mò mẫm đi tìm trong từng trang sách trên ghế học đường, hay những bài học kinh điển của các thầy giảng dạy. Nào là các vị anh hùng lỗi lạc, những bậc vĩ nhân, những nhà tư tưởng tài ba hay những nhà thơ, nhà văn, các nhà tôn giáo…..Những tấm gương sáng mà cả thế giới cùng soi. Nhưng có nhiều điều các thầy không dạy cho tôi biết rằng: Ở chung quanh tấm gương ấy, thường được bao bọc một cái khung đầy màu sắc, hay ở phía sau của tấm gương bao giờ cũng có một tấm đỡ; có thể bằng những mảnh gỗ ghép lại, hay bằng những mãnh bìa giấy; được góp nhặt, không mấy sạch sẽ cho lắm. Thậm chí sự trong sáng của tấm gương, cũng hình thành bằng những mảnh chai vỡ, do những con người chịu khổ vì nắng mưa đi gom góp lại, hay những hạt cát cháy khô đã vượt qua bao nhiêu bão tố làm cho sạch sẽ….. Tất cả, tất cả…. các thầy không cho tôi học, các thầy không giảng, hay các thầy không muốn giảng, để cho tôi mang trong mình mối hoài nghi, mối băn khoăn khi va chạm với đời.
Ông Nội tôi mất sớm, Ba là con trai thứ ba của Ông Nội, song đã gánh vác gia đình cùng Bà Nội nuôi các Chú ăn học nên người; Vì bác Cả của tôi cũng bị mất dưới tay bọn giặc. Những việc làm của Ba tôi cho các Chú, Mẹ không bao giờ kể lại, song tôi cũng nhận biết qua tấm lòng của các Chú, là muốn xây cho Ba tôi một nấm mồ tử tế và khang trang, hầu báo đáp công lao của Ba tôi khi các Chú còn bé. Tôi chỉ biết về Ba tôi chừng ấy đó.  Tôi muốn dành riêng một chương sách để nói về cuộc đời của Ba tôi. Nhưng thật bất hạnh cho tôi, tôi biết rất ít về Ba, vã lại Mẹ tôi thường ít nói về Ba tôi cho các anh em chúng tôi nghe. Cho nên tôi chỉ viết được cho Mẹ tôi trong tập hồi ức nầy mà thôi.
Người ta thường hay hát: Mẹ già một nắng hai sương, nhưng Mẹ tôi chưa già mà phải gánh hai sương một nắng, cho quãng đời còn lại. Hai sương một nắng cho cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đôi quang gánh đè nặng lên đôi vai gầy yếu của Mẹ tôi từ ấy. Thân cò lặn lội ven sông, kiếm gạo thay chồng tiếng khóc nỉ non.
Mẹ tôi đã khóc âm thầm suốt cả quãng đời còn lại, vào những đêm trăng rằm như thế, Mẹ không khóc lớn, vì Mẹ sợ các con của Mẹ phải khóc theo, song anh em chúng tôi cũng biết là Mẹ đang khóc và không ai bảo ai đã cùng nhau ùa vào lòng Mẹ. Thế rồi Mẹ không khóc nữa và cũng đúng vào lúc gà vừa gáy sáng, với đôi quang gánh trên vai, Mẹ ra đi khi chúng tôi đã ngũ thiếp….
Tôi còn nhớ rất rõ vào một đêm mùa đông, Mẹ tôi đã vắng nhà nhiều ngày. Vì dạo ấy, Mẹ và vài Dì bạn nhận đi cấy lúa thuê, cho những người làm ruộng ở xa, nên phải ở lại nhà họ mà không về nhà mình. Ngoài trời mưa gió lạnh lẽo, chúng tôi xa Mẹ ba bốn hôm rồi, cũng đã nhớ Mẹ nhiều, bỗng dưng không ai bảo ai, anh em chúng tôi cùng òa lên khóc. Chú tôi đã nghe chúng tôi khóc và đến nhà ôm chúng tôi vào lòng, Chú mới biết anh em tôi đã vắng Mẹ lâu ngày và dỗ dành chúng tôi đừng khóc nữa, “sáng mai Chú sẽ tìm mẹ về cho các cháu”. Đúng ngày mai, Chú tôi ra đi và chiều về có Mẹ tôi về cùng. Chúng tôi vui sướng vô cùng và ôm chùm vào lòng Mẹ, sợ Mẹ lại phải đi làm xa nữa. Và lòng chúng tôi biết ơn Chú.
Tôi không được đi học lớp vỡ lòng như bao đứa trẻ cùng tuổi, vì Mẹ tôi không có tiền. Nhưng Chú tôi đã dạy cho tôi tập viết và tập đánh vần, tôi chăm chỉ tập nắn nót từng chữ một; do Chú tôi đã dùng bút chì viết nhẹ trước, phải thuộc lòng các chữ, tập đánh vần, nếu không xong, thì cũng nhận của Chú một vài cái khẻ, của cái thanh tre nho nhỏ vào bàn tay. Gần một năm như thế, Chú tôi cũng không buông tha cho tôi các buổi học, sau mỗi khi Chú đi làm ruộng về, và tôi cũng không để Chú khẻ vào tay hay đánh vào mông roi nào cả. Chú tôi sung sướng và mãn lòng, khi tôi đọc được một đoạn của bài tập đọc ở một cuốn sách, tôi không rõ là cuốn sách lớp mấy mà Chú đã đưa, hay tôi làm được bài toán hai cộng ba bằng năm…
Mẹ tôi nghèo. Chú tôi đã gom hết các tờ giấy trắng ở các cuốn vở cũ của Chú học năm xưa còn lại, đóng thành tập bằng sợi chỉ và bìa của bao xi-măng (cement), cho tôi tập viết. Lâu ngày cuốn vở đó cũng hết. Chú tôi chỉ cho tôi một cuốn vở, viết không bao giờ hết, cuốn vở gấp năm sáu lần cái bảng đen của trường học, và không cần phải dùng phấn để viết, chỉ ngại là trời mưa là không dùng được, nhưng sau cơn mưa là rất tuyệt vời - Đó là cái sân cát trắng của nhà  tôi-Cái sân những năm trước đây, nơi có máu của Ba và Bác tôi vào cái đêm trăng ấy, tôi tha hồ tập viết, tập vẽ lên đó, viết hết bảng rồi lại xóa đi, rồi viết lại; viết bằng dòng mực đã chảy vào cái đêm trăng ấy. Cho đến tận bây giờ và có lẽ cho mãi về sau dòng mực ấy vẫn không bao giờ khô cạn trong tôi, ngay cả khi tôi viết hồi ức này; cứ thế mà về sau tôi viết chữ đẹp lắm. Khi đi học, tôi viết lên bảng của trường thì thẳng băng, như viết lên tấm bảng đã được kẻ vạch. Có lẽ trong nếp viết thẳng tắp đó, có cả sự nắm tay, nắn nót từng nét chữ của Ba và Bác tôi.
Tôi có tất cả bảy người bác và chú. Mỗi chú, bác đều có mỗi cái tên, nhưng trong nhà hay gọi tên các chú là: bác Cả, bác Hai, bác Ba( ba tôi) chú Tư, chú Năm, chú Sáu, chú Bảy, chú Tám(là chú Út của tôi). Các Bác và Ba tôi đã ra đi về cõi vĩnh hằng với Ông Nội tôi, trong cái thời kỳ đất nước nằm trong bức tranh tối sáng, của cuộc nội chiến tương tàn. Chỉ còn lại bốn Chú, và mỗi Chú lại dành tình thương cho anh em chúng tôi mỗi vẻ khác nhau. Như Chú Năm, cứ mỗi lần Chú về thăm nhà, là thằng petit garçon (tên chú gọi cho tôi) của Chú cũng được bế lên ngồi trên đôi chân của Chú khi Chú uống trà vào buổi sáng. Chú Sáu lại nghiêm khắc hơn với anh cả tôi trong những bài học, Chú Bảy lại luôn dành những miếng ăn ngon cho anh em chúng tôi, còn Chú Út thì như tôi đã kể. Dù tình thương mỗi Chú dành cho chúng tôi khác nhau, nhưng họ cùng chung một điểm là: thay mặt một người cha.
 Về sau, khi lớn lên tôi càng thấm thía với câu ca dao: Mất cha còn Chú….., nó vô cùng ý nghĩa trong suốt quãng đời tôi. Mặc dù tôi là đứa trẻ mồ côi cha, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế. Có lẽ Mẹ và các Chú tôi đã làm tròn trách nhiệm thay Ba tôi. Lúc ấy Chú tôi chỉ hơn tôi mười tuổi, đó là Chú Út của tôi, sao Chú lại có trách nhiệm nặng nề đến thế, mười bốn, mười lăm tuổi mà đã có trách nhiệm làm cha rồi; tuổi thơ của Chú đã đi đâu? Có lẽ cũng đã mất sau khi Ba và Bác tôi mất, vì Chú cũng đã mất Ông Nội khi Chú lên tám và Ba tôi cùng Bác đã thay Ông Nội tôi lo cho Chú, như Chú đã lo cho tôi bây giờ. Giờ đây ngồi nhìn lại quãng đời mình, lòng tôi lại biết ơn vô tận về Mẹ và người Chú của tôi.
Năm tôi lên sáu, Chú Út tôi không còn dạy tôi học nữa, Chú phải đi lính rồi. Mẹ tôi, mặc dù không thể rời đôi quang gánh trên vai, Mẹ cũng dẫn cho tôi đến trường học.
 Tôi còn nhớ rất rõ là Mẹ đã sắm cho tôi một bộ áo quần mới, bằng loại vải thô nhuộm đen, loại vải nhuộm mà tôi còn nhớ, cứ mỗi lần đi học về trời mưa nếu không có cái áo tơi- ngày xưa ở quê tôi khi nào trời mưa lạnh, là người ta thường mang cái áo tơi ấy, nó được chằm bằng lá của cây lá làm nón của người miền Trung - là màu đen của bộ áo quần ấy, nhuộm cả thân mình tôi, với hai ba cuốn vở mà Chú tôi nâng niu, cất giữ rất lâu, làm quà cho tôi khi tôi vào lớp năm(lớp một bây giờ), những cuốn vở mà cho đến tận ngày nay, tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một những hình vẽ: nào là người bác sĩ, kỹ sư, nhà bác học, các thầy cô giáo. Cùng các chữ ở trang bìa, mà Chú đã bắt tôi tập đánh vần không biết bao nhiêu lần, mỗi khi Chú dạy tôi học: Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời, Tôi tự hỏi sao Chú phải bắt tôi học thuộc và nắn nót từng chữ của câu ấy, tập viết chữ thẳng đứng rồi viết chữ nghiêng, viết hoa rồi lại viết không hoa; sau này lớn lên tôi mới hiểu tấm lòng của Chú là bảo tôi rằng: Dù cuộc đời có xô đẫy ta vào những lúc nghiêng ngửa hay thăng hoa, thì cũng phải lấy sự giúp đời làm hướng đi cho sự học. thế mà cho đến tận bây giờ tôi chưa làm gì giúp cho đời được!
 –Những tập vở: Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời ấy, chúng được để vào trong cái cặp bằng giấy của bao đựng xi-măng (cement) mà anh tôi đã cặm cụi một buổi để làm cho tôi đi học. Tay tôi ôm ghì lấy cái cặp ấy vào người, hình như tôi sợ đánh rơi các cuốn vở và bút trong đó, chạy theo đôi chân của Mẹ, thoăn thoắt đến trường.
Hôm ấy Mẹ dẫn tôi đi. Sáng sớm trời mùa thu se lạnh, trên con đường làng dài mà khi ấy tôi cảm thấy rất xa. Cũng con đường ấy giờ đây sao lại ngắn. Về sau tôi nhận được một điều là: Khi còn nhỏ con đường trước mắt ta dài và xa, đến khi ta lớn con đường ấy lại gần và cũng ngắn, đi theo năm tháng của cuộc đời ta vậy.
Mẹ tôi đi rất nhanh và tôi phải chạy mới theo kịp Mẹ, về sau tôi mới hiểu là Mẹ phải đi nhanh để còn kịp buổi chợ của Mẹ. Tôi khép nép và nắm tay Mẹ đứng trước cửa, của một lớp học bằng phên tre, mái lợp tranh, trong khi các bạn khác cùng lứa tuổi tôi, chúng tung tăng vui đùa trên sân cỏ của trường, các bạn ấy áo quần tươm tất và đẹp hơn tôi, cái cặp của chúng cũng đẹp hơn tôi, chắc nhiều tiền lắm, tôi nghĩ thế. Sao hồi đó tôi lại không đòi Mẹ nhĩ? Bắt Mẹ phải mua cho tôi một cái cặp đẹp như các đứa khác nhỉ?
 Khi Mẹ tôi nói chuyện với một người đàn ông xong, Mẹ quay lại nói với tôi: con ở lại học với thầy, rồi vội vã quay về, làm tôi nao nao và muốn chạy theo cùng Mẹ. Suốt buổi học hôm đó thầy giáo căn dặn những gì tôi không chú ý lắng nghe và không nhớ, vì tôi cứ thắc mắc tại sao Mẹ lại giao tôi cho người đàn ông đó, mà không phải là Ba tôi? Mẹ tôi không thương tôi nữa hay sao? Những câu hỏi ngây thơ đó theo tôi hết buổi học đầu tiên ấy.
Và chỉ sáu tiếng nói: con ở lại học với thầy. Nó đã đi theo cùng tôi từng năm tháng của cuộc đời nầy.
Những năm khôn lớn, tôi mới hiểu, người đàn ông mà Mẹ gởi tôi; đó là người cha của cuộc đời tôi, người cha thay mặt Ba tôi trong bước đi vào đời đầu tiên của tuổi ấu thơ, người Thầy dạy học, Thầy cho tôi những cái nhìn mới mẻ từ đó cho đến tận ngày nay, và giờ đây những trang ký ức nầy có công lao của người Thầy đầu tiên ấy. Giờ đây Thầy đã về cõi vĩnh hằng rồi-Đó là Thầy Mai Văn Chuyết.
Và Mẹ  cũng không bao giờ bỏ rơi tôi như tôi đã từng nghĩ khi khi còn bé.
Nhớ lại buổi đầu đi học đó, tôi lại nhớ bài chính tả đầu tiên khi tôi lên lớp nhì, đó là bài: Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh-người Huế với tôi, hình như ông ta viết cho tôi và chỉ cho tôi thì phải: Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…….
Con đường làng dài và hẹp ấy, đấy ắp bao kỷ niệm một thời thơ ấu của tôi. Cho đến bây giờ, mỗi lần về quê, đi trên con đường làng ấy, lòng tôi lại miên man nỗi nhớ của ngày đầu đi học, đầy những trò chơi dọc đường, sau mỗi chiều tan học; nào là chia hai phe để giành cờ, hay đá bóng với trái bóng chúng tôi bọc bằng giấy của bao xi-măng, mà ở trong toàn là lá chuối khô, được buộc dây tròn trịa, các bạn gái thì chạy theo các con bướm hay hái hoa dại ven đường, hoặc tụm ba ngồi đánh thẻ. Chúng tôi, mồ hôi cũng ướt hết các tấm lưng trần, chúng tôi không thấy mệt chút nào, còn cảm thấy sung sướng, khi được các bạn cùng trường về chung con đường ấy, vỗ tay cổ vũ, và nhiều trò chơi nữa…
Ở lớp học tôi có gần bốn mươi đứa, tôi là đứa nhỏ nhất nên được thầy cho ngồi bàn trước, còn một số đứa khác mặc dù học cùng lớp nhưng chúng lại cao và to lớn hơn tôi, không phải chúng có thân hình to hơn mà vì chúng còn lớn tuổi hơn tôi; có đứa hơn tôi ba đến bốn tuổi. Tuổi đi học của chúng tôi ngày xưa, không cần độ tuổi như bây giờ, là phải cần đi học cho biết chữ, biết đọc, biết viết để lỡ có đi xa, có cái chữ để viết thư về nhà thăm cha mẹ hay gởi cho vợ, mặc dù chữ nghĩa nghèo nàn, nguệch ngoạc, sai chính tả như tôi. Cho đến tận bây giờ, vẫn còn sai.
 Sự thật đi học thời chúng tôi là học để biết lý lẽ của cuộc đời, học làm người mà; Cho nó đi học để biết chữ, biết  nghĩa. Các Cụ vẫn thường nói thế mà!
 Bằng cấp hồi đó là khẳng định sự trưởng thành của một học sinh thực thụ, về đạo đức, về văn hóa-Văn hóa theo nghĩa rộng- về xã hội, về trách nhiệm của nột công dân, v.v…Chứ không như bây giờ ……..!
Tôi được may mắn hơn một vài đứa khác, vì tôi có Mẹ tôi vừa làm Ba, vừa làm Mẹ và cả làm cô giáo dạy tôi học nữa. Khi gà vừa gáy sáng, tôi không biết lúc đó là mấy giờ như bây giờ, vì hồi đó ít có nhà nào có được cái đồng hồ báo thức; tôi chỉ biết là: gà vừa gáy sáng và ngoài trời thì vẫn còn tối om, ngọn đèn dầu hỏa Mẹ đã thắp sáng tự lúc nào, Mẹ đánh thức anh em chúng tôi dậy và ngồi chung quanh một chiếc giường với ngọn đèn dầu đó, Mẹ bảo chúng tôi lo học bài đi, “Mẹ đi hái rau về hỏi bài, đứa nào mà không thuộc, sẽ bị Mẹ đánh ba roi nhé!” Mẹ tôi mang quang gióng ra đi, sau khi đã chuẩn bị cho ba anh em chúng tôi cơm mang đến trường, hồi đó học trò học một ngày hai buổi và từ thứ hai đến thứ bảy mỗi tuần, nên buổi trưa chúng tôi phải ở lại tại trường. Có những ngày mùa đông giá rét, mỗi buổi sáng phải dậy sớm học bài. Anh em chúng tôi phải trùm cái bao bố lên mà ngồi học. Lạnh quá, tôi không muốn học chút nào; nhưng phải học thôi, nếu không thuộc lòng bài ấy, thế nào Thầy cũng cho một vài roi vào mông, và không ai bảo ai, cả ba anh em chúng tôi, đều mạnh ai nấy đọc, đọc to bài học của mình. Có lẽ, cả xóm tôi lúc ấy đều nghe anh em tôi học. Chắc Mẹ tôi đi hái rau từ xa, ở tận làng Ngoại chúng tôi, cũng nghe anh em tôi học như thế. Chắc Mẹ vui lắm, và quên cái lạnh của sớm mùa đông.
 Tại sao hồi đó tôi không nghĩ là Mẹ tôi cũng bị giá rét hơn chúng tôi nhĩ! Mẹ chịu cả giá rét ngoài trời và cả trong lòng nữa chứ!
Mẹ tôi là cô giáo giỏi. Trong cuộc đời mình, tôi chưa thấy cô giáo nào giỏi bằng Mẹ tôi cả. Anh em chúng tôi mỗi người học mỗi lớp khác nhau, thế mà Mẹ tôi đều hỏi bài được hết. Tôi còn nhớ, khi tôi học lớp ba, anh tôi học lớp nhất và em gái tôi học lớp năm. Mẹ tôi dò bài chúng tôi, anh cả tôi bị hỏi trước, tôi còn nhớ rất rõ là anh tôi đọc: muốn tìm diện tích hình chữ nhật thì người ta lấy chiều dài nhân với chiều rộng, còn tìm diện tích hình vuông thì người ta lấy cạnh nhân cạnh. Mẹ tôi khen anh tôi giỏi, còn tôi: Mẹ bảo đọc cho Mẹ nghe, tôi đọc bản cửu chương: hai lần một là hai, hai lần hai là bốn, Mẹ nói đọc chính tả Mẹ nghe, tôi đọc: Hằng năm cứ vào cuối thu…. Đến lượt em gái tôi thì đọc a-anh-hát-anh là anh, tê-ô-tô-ô-i-ôi là tôi-anh tôi… Mẹ tôi giỏi như thế đó, các bà mẹ của mấy đứa kia không giỏi như như Mẹ tôi đâu!
Mãi như thế cho đến khi tôi mười một tuổi, không phải, chỉ mười tuổi rưỡi thôi tôi mới biết là: Mẹ tôi không biết đọc và không viết được một chữ nào. Chuyện là: Dạo ấy, khi tôi nhận bằng tiểu học, do nhà trường phát tại trường và nhà trường yêu cầu cha mẹ của học trò, phải ký vào giấy nhận, tôi thấy, Mẹ tôi không ký như các cha mẹ của các bạn khác, mà Mẹ đưa ngón thay đè lên hộp son đỏ và lăn lên giấy. Trên đường về, tôi hỏi Mẹ: sao mẹ không ký mà chấm dấu tay, hở Mẹ? Mẹ tôi nói đùa là: Ka-y-ky-sắc- ký thì ai ký lại không được con! Mẹ tôi im lặng trong quảng đường từ đó cho về đến nhà.
Đêm ấy, trời mùa hạ nóng nực, gia đình chúng tôi ngồi ăn cơm ở ngoài sân và cũng dưới ánh trăng rằm. Mẹ ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe về thời không cắp sách của Mẹ. Ông Bà ngoại tôi nghèo, tiền đâu cho Mẹ tôi đi học, và công việc nhà nông đã ngốn hết lứa tuổi ôm sách đến trường của Mẹ tôi và cả thời thanh niên, cho đến ngày cùng Ba tôi kết tóc xe duyên. Mẹ nghẹn ngào nói: Ba các con có đi học có chữ nhiều…. Và ánh trăng rằm đã làm đôi dòng lệ lăn dài trên má Mẹ. Chúng tôi biết Mẹ đang nhớ Ba tôi và cả anh em chúng tôi cũng thế.
Tôi không hiểu tại sao Mẹ lại có nhiều nghị lực và tài quán xuyến để làm tất cả các vai trò, các công việc to tát cùng một lúc: Mẹ là vú em, là đầu bếp, là thầy giáo, là bác sĩ, là y tá, là cố vấn, là tiểu thương, là lao công dọn dẹp…
Ngày nhận tấm bằng tiểu học, các đứa học lớp tôi đứa nào cũng có cái quần tây dài màu xanh bờ-lơ-noa(bleu-noir) và cái áo sơ-mi pô-pờ-lin(chemie popeline) màu trắng, chúng oách và đẹp vô cùng, tôi cũng có cái quần ka-ki xanh, nhưng màu đã bạc và chiếc áo sơ-mi trắng ngà cũ của anh tôi, tay áo dài nên tôi phải cuốn lên hai ba bận, còn cái quần ka-ki kia; Mẹ tôi nhờ chú thợ may rất tài tình, sửa lại từ cái quần cũ của Chú ruột tôi cho, đã rách phía mông còn lại hai ống, quần đẹp và mới toanh  so với tôi. Bộ áo quần đó tôi đã lót dưới chiếu nằm cho phẳng vải, mấy đêm liền đó, để sáng mai mặc đến trường cho oách với chúng bạn.
Tôi thi vào lớp Con-cua (concours) của trường huyện (hồi ấy bậc trung học gồm hai cấp; cấp I từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ và cấp II từ lớp đệ tam đến lớp đệ nhất), cách nhà tôi gần mười lăm cây số, xa thế mà đi bộ đến trường thi, lại còn phải qua một chuyến đò chèo ngang nữa chứ, nên Mẹ đã thức anh tôi và tôi dậy sớm là phải, cùng với bộ áo quần khi tôi nhận bằng tiểu học, còn anh tôi chỉ có cái quần cụt và cái áo thô đen, đi chân đất; vì đôi guốc mộc của anh tôi đã dành cho tôi đi thi rồi,  trên vai mang mo cơm; bữa cơm trưa, mà Mẹ tôi đã gói cho anh em tôi từ lúc gà chưa gáy. Hồi đó đi học hay đi đâu xa thường hay mang cơm theo, vườn nhà  tôi có nhiều cây cau, người ta thường dùng mo cau để gói cơm trong đó, cơm được bó rất chặt, dùng dao cắt từng lát, rồi chấm với muối mè, thì thật là tuyệt vời, như ăn miếng chả lụa ấy. Thi xong buổi sáng, hai anh em chúng tôi ngồi dưới gốc cây của sân trường mở gói cơm ra ăn, anh tôi ăn những củ sắn(mì) trong mo cơm đó, còn cơm nhường lại cho em ăn, thức ăn chỉ là ruốc kho, sao ngon đến lạ lùng, có lẽ do quảng đường đến trường quá dài và đến giờ trưa rồi, nên quá đói, hơn nữa Mẹ tôi lấy đâu ra tiền để mua thịt cá cho tôi như mẹ của các đứa khác. Hai ngày thi như thế; cứ sáng anh tôi dẫn tôi đi và chiều lại dẫn về. Do tôi còn nhỏ dại, nên Mẹ tôi giao trách nhiệm đó cho anh tôi để Mẹ còn đi kiếm gạo nữa, chứ không như các đứa khác có ba hay mẹ nó dẫn đi thi. Và lúc ấy tôi cũng không biết buồn vì điều đó.
Thầy giáo nói với Mẹ tôi là: Cháu dư sức để thi vào lớp Con-cua (concours), và tiếc là chị không đũ sức để cho cháu lên thành phố để thi và đi học. Đúng rồi Mẹ tôi lấy đâu ra tiền mà cho tôi lên thành phố đi học, anh cả tôi do Mẹ không đũ tiền lo sắm sách vở và áo quần mới nên đã nghỉ học rồi, còn lại tôi và đứa em gái đi học thôi.
Anh cả tôi nghỉ học khi có bằng tiểu học, anh phải ở nhà giúp Mẹ tôi, dù tuổi Mẹ còn son trẻ, song nỗi buồn cô quạnh của người góa bụa không chồng, sự gian truân của thân cò nuôi con dại, đã làm Mẹ tôi già và tiều tụy, như phụ nữ ở độ tuổi bốn, năm mươi. Không phải chỉ là miếng ăn thôi, mà còn sách vở và áo quần không vá manh nào nữa chứ. Bộ áo quần mà tôi có chỉ để được mặc đi học và đi giổ ông bà Ngoại mà thôi, còn ở nhà mặc đồ rách vá cũng được -Mẹ bảo thế.
Giờ đây, Tôi và em tôi có thức ăn ngon, bằng những con tôm, con cá do anh tôi suốt ngày đi mò bắt ở ngoài đồng xa, hay lặn bắt ngoài cái phá ở tận làng Ngoại…. Chúng tôi không còn thẹn thùng với chúng bạn, khi thức ăn mà trước đây là muối ớt và ruốt kho, trong mỗi bửa trưa tại trường nữa.
 Niềm tự hào ngây thơ, là không còn ăn ruốt kho và muối  nữa của hai anh em tôi, đã được rút từ từng thớ thịt của Mẹ tôi và sự hy sinh cao cả, một tương lai dài đầy ước mơ và hoài bão, ở phía trước của cuộc đời anh tôi. Mà khi ấy chúng tôi không hề hay biết.
Sáng hôm đó, thầy giáo đạp xe đạp đến nhà tôi báo tin là tôi đã thi đỗ con-cua(concours), khuôn mặt thầy rạng rỡ, tươi cười xoa đầu tôi và khen: Con khá lắm! Thầy mừng như con thầy thi đỗ đó con ạ! Anh tôi vui vẻ rối rít cám ơn thầy và tôi cũng thế, chắc Mẹ đi bán về thì mừng lắm, tôi nghĩ như thế. Chiều tối Mẹ mới về, các anh em chúng tôi khoe cái thành quả đầu đời đó, ánh mắt Mẹ sáng lên so với các ngày thường, rồi cũng chùng xuống lại.
Đôi mắt ấy về sau tôi mới hiểu, như đôi mắt của tôi khi các con tôi thi đỗ vào đại học. Sự lo lắng cho con tôi vào trường đại học ít khó khăn hơn sự lo lắng của Mẹ tôi khi tôi thi đỗ Con-cua(concours) hồi đó.
Tôi đi học trung học, trường trung học của tôi là ngôi trường huyện, ngôi trường mà mấy tháng trước anh tôi dẫn tôi đi thi. Quãng đường đi học xa xôi và cách sông trở đò, Mẹ đã gởi tôi vào nhà một người quen biết với Ông Nội tôi hồi trước, biết gia đình họ giàu có, nhưng Mẹ tôi không còn nơi nào lựa chọn để gởi gắm cho tôi. Thế là Mẹ cố sức gom góp, đóng cho tôi tiền ăn, mà theo tôi nghĩ đó là phần ăn của con nhà khấm khá.Và tôi cũng được theo học hết năm đệ thất ở đó.
Năm 1963. Đất nước biến động, đêm giặc lại lén về, tiếng súng cắc-cù đó của ngày xưa cũng theo về cùng giặc. Mẹ tôi đã nhiều đêm không chợp mắt, trong lòng lo lắng không yên, lo cho các con ngày càng lớn, nhất là anh cả của tôi đã nghỉ học, tuổi của anh tôi cũng đã mười bốn mười lăm, sợ viễn cảnh của ánh trăng ngày xưa, lại gieo họa cho gia đình tôi trở lại.  Mẹ đã đưa anh cả tôi về Đà Nẵng, gởi bà con kiếm sống. Còn tôi; Mẹ gởi cho gia đình một chú thợ may ở thành phố Huế để học nghề.
Mẹ đùm cho tôi một túi gạo, dùng dây chuối buộc mấy trái thơm và vài nải chuối, Mẹ đã cắt ở buồng chuối sau vườn, những thứ ấy Mẹ đã đễ dành từ lâu, lại thêm hai tấm vải “Tàu đen” (hồi ấy người ta hay gọi tên ấy cho loại vải thô nhuộm đen), khi có ý định đưa tôi lên Dinh. Mẹ đưa tôi ra tận bến đò, đứng đợi cho đến khi đò chèo rời bến, tôi thấy đôi dòng lệ của Mẹ cũng tuôn dài theo những lớp sóng sau chiếc đò chèo năm ấy.
Lại chuyện hai tấm vải “Tàu đen”. Mẹ tôi không được học nhiều chữ như những người phụ nữ khác cùng tuổi Mẹ. Song Mẹ tôi hiểu rất chân thật về các câu tục ngữ, ca dao; nào là: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” hay “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” Nhưng gia đình tôi lại không có ruộng bề bề, thì lấy gì mà thân vinh. Thế là Mẹ đã hướng cho tôi học lấy cái nghề - nghề thợ may- và hai tấm vải thô màu đen là dùng để cho tôi tập học nghề. Tôi nhớ Mẹ không dặn cho tôi điều gì hơn là câu: Con cố gắng học lấy cái nghề may cho giỏi, và may được cho Mạ hai cái quần bằng hai tấm vải Mạ đưa đó nghe con!
Cũng chính nhờ hai tấm vải thô đó, đã bao lần giúp tôi vượt qua được những gian khó trong cuộc sống, và vẫn theo bên cạnh tôi cho đến tận bây giờ.
Đến đây tôi lại nhớ về anh tôi, người đã hy sinh những ước mơ và hoài bão, của đời mình cho các em nhỏ dại. Anh chưa bao giờ xin Mẹ một điều gì, thậm chí cả áo quần anh mặc. Anh đã tự lập thân rất sớm, Mẹ không phải lo gì cho Anh, anh còn giúp Mẹ lo cho các em nữa chứ. Con cá, con tôm, chảo tép kho, đôi khi có cả cua nữa chứ, tất cả do chính bàn tay anh cả tôi, đi mò bắt ngoài đồng hạy lặn ở ngoài sông, đem về tự tay kho nấu cho các em ăn.
Cái ý thức trách nhiệm của một người anh cả, trong anh tôi, có tự lúc nào tôi không rõ, tôi chỉ biết anh luôn thương yêu và lo lắng, chăm sóc cho tôi và em gái tôi, khi chúng tôi còn nhỏ và cho đến khi chúng tôi đã là thanh niên.
Tôi nhớ vào năm tôi lên lớp tư (bốn), đêm đó có đoàn văn nghệ về làng biểu diễn, anh tôi sau khi nấu cơm và thức ăn xong, đã tranh thủ đi xem văn nghệ, trong khi chúng tôi đi học chưa về. Anh đã viết lên tấm gỗ hàng chữ: “các em ăn cơm với canh, còn cá kho để mai bới đi học”. Chao ôi! Anh tôi chỉ mới mười hai, mười ba tuổi mà đã lo cho các em về ngày mai. Hay chỉ có một cái áo trắng  mà anh thích nhất, lại cho em khi em đỗ bằng tiểu học, và nhiều cái nữa…….anh cũng dành cho các em. Dòng chữ bằng viên than củi trong bếp, nét chữ đẹp, bay bướm  như những nhà họa sĩ hoa tay, gởi tâm hồn nình vào bức tranh. Còn anh tôi, gởi tình thương của anh vào hàng chữ ấy. Hàng chữ vẫn in đậm trên tấm gỗ và trong tâm tôi,  cho dù năm 1968, khi ngôi nhà đã bị giặc đốt đi.
Năm năm sau, kể từ khi lên thành phố, tôi không còn được sự chăm sóc của anh tôi trong từng miếng ăn, hay bảo vệ tôi trong những lúc bị các đứa khác hiếp đáp nữa. Anh tôi đã đi vào quân ngũ.
Một buổi sáng sớm, có người bà con báo cho tôi biết là: anh cả tôi đã có mặt tại thành phố Huế, và đang tìm tôi. Tôi đã gặp anh tôi vào trưa ngày ấy. Anh tôi hiên ngang và hùng mạnh trong bộ áo quần màu lính ấy. Thế là anh đã làm nghĩa vụ của người trai trong thời chiến rồi. Anh vẫn vui vẽ hồn nhiên, như khi chúng tôi sống bên nhau thời ấy, vẫn những câu nói dặn dò, khuyên bảo của một người anh từng trải dành cho em, cũng những sự ân cần lo lắng cho em trong cuộc sống thường nhật. Rồi anh lại lên đường cùng với đoàn quân ấy, và không quên đưa cho tôi một ít tiền với lời căn dặn: Em cố gắng học hành cho giỏi nhé!
 Anh ơi, hồi đó em không biết được là anh đã thương yêu và hy sinh cho các em của anh biết dường nào. Giờ đây khi em nhận biết thì anh đã ra đi rồi. Làm sao để nói với anh là: chúng em vô vàn biết ơn anh, anh nhỉ! Và tôi chỉ làm được cho anh tôi sau này là giúp chị tôi chăm sóc các cháu, cùng hương khói cho anh dưới nấm mồ.
Năm tôi lên thành phố, cũng là vào năm ấy, đứa em gái út của tôi, thôi không còn cắp sách sau khi có bằng tiểu học. Thấy Mẹ tôi đi sớm về khuya khổ nhọc, em tôi đã xin Mẹ nghỉ học, theo Mẹ bán buôn, giúp đỡ gia đình.
 Thật đau lòng cho đứa em côi cút của tôi!
Đôi quang gánh nho nhỏ, vừa cỡ thân hình nhỏ nhắn của em gái tôi; Mẹ đã đặt mua của một bác thợ làm cho. Cùng theo Mẹ qua từng buổi chợ, từng năm tháng, từng nắng hạ, đông về. Đi vào cuộc đời trong độ tuổi mười hai, mười ba. Tuổi thơ của em tôi không có, tuổi thanh niên cũng không có, chỉ có một tuổi đời đầy gian nan, đầy thử thách; thử thách với ngày đông, tháng hạ; thử thách với những cám dỗ chung quanh. Không một ý nghĩ gì khác hơn là: theo Mẹ kiếm sống. Những bài học cuộc đời. Sự chịu đựng, nỗi gian truân của Mẹ tôi, đã từ từ truyền qua cuộc đời em tôi tự lúc nào không biết.
Chắc chiu, dành dụm từng đồng tiền. Không phải để em tôi dùng làm hành trang cho mình, khi đến tuổi lập gia đình.
Em đã chắt chiu cho tôi đi học, mua cho tôi xe đạp, sắm cho tôi chiếc áo len để chống đỡ mùa đông. Tôi vô cùng sung sướng và hãnh diện với bạn bè, vì giờ đây mình không còn đi bộ năm cây số đến trường, không còn phải bị lạnh như cắt thịt của mùa đông xứ Huế. Nhưng than ơi! Tôi không nghĩ là em tôi đã cõng tôi trên lưng, cho tôi mỗi khi đi đến trường, và không biết em gái tôi đã ôm tôi vào lòng, để sưởi ấm cho tôi trong những ngày đông giá.
Năm em gái tôi tuổi mười tám, tôi vào Đà Nẵng - Nơi em và Mẹ tôi sinh sống, Tôi xin Mẹ ít tiền rồi hai anh em đi xem xi-nê (cinéma). Em gái tôi bảo: Xem xi-nê làm gì phải tốn tiền hả anh? Em tôi cứ nghĩ như ngày xưa anh em tôi còn bé, đi xem phim mỗi khi có đoàn của Nha Thông Tin về làng chiếu, mọi người tha hồ xem mà không tốn tiền chút nào cả. Ở trong rạp chiếu phim, khi xem hình ảnh của đoàn ngựa chạy, em tôi buột miệng la to: Anh coi ngựa chạy tề! Những người xem ngồi hai bên, họ nhìn vào anh em tôi một cái nhìn lạ lẫm. Tôi không xấu hổ vì việc ấy, tôi chỉ biết khóc và thương em tôi vô cùng. Tại sao em tôi phải mất đi những gì, mà những đứa cùng tuổi em tôi được biết, dù chỉ là những con ngựa chạy trên phim trong một rạp chiếu bóng! Thế đó. Em tôi vẫn hồn nhiên, trong trắng trong tuổi mười tám đôi mươi, cho đến ngày đi lấy chồng.
Thế đó, cuộc đời của một con người trong một đất nước loạn lạc, liệu có được tuổi thơ và tuổi thanh xuân không? Em gái tôi đã không có tuổi thơ khi chưa tròn ba tuổi, lại không có cái tuổi mười tám và cũng không có cái tuổi đôi mươi, như Xuân Diệu đã viết: “Em có mười sáu tuổi chỉ một lần, em không có đến hai lần cái tuổi hai mươi, em chẳng bao giờ có lại tuổi mười tám. Em chỉ có một tuổi vui, em sẽ có một trăm năm buồn;”
 Em tôi chỉ với tuổi thơ đang bồng bế trên tay và tuổi đi lấy chồng!
 Tôi không biết mình đúng hay đã sai, khi tham gia góp ý cho em tôi về chuyện chồng con. Em tôi xinh gái, cũng có bao chàng trai phải vương vấn tơ lòng, nào là sĩ quan, giáo chức, thợ thuyền…...Dạo ấy chiến tranh ngày càng khốc liệt, bao trai tráng đều phải lên đường, có kẻ ra đi không bao giờ trở lại, gia đình tôi cũng lắm cảnh sinh ly tử biệt rồi. Tôi chỉ khuyên em tôi nên chọn người ở lại, và cuộc đời em gái tôi từ đó đã sang trang.
Ngày em gái tôi đi lấy chồng. Tôi đã uống rất say, say mừng em thành gia thất và say buồn vì cuộc đời em không có tuổi thanh xuân!
Trên trái đất này, loài người hiện diện rất đông. Liệu có những ai cùng chịu đau khổ, cùng mang nhiều bất hạnh, mất mát của tuổi thơ như anh em chúng tôi không? Hay chỉ dành riêng cho anh em chúng tôi nhỉ? Em tôi còn nhiều điều không được hưởng, không được biết trong cuộc đời này nữa…….
Nếu Ba tôi còn sống. Anh em chúng tôi sẽ lớn lên trong hạnh phúc của hai người và cuộc đời của em gái tôi sẽ bước qua một bước ngoặt khác – bước ngoặt của con đường hương hoa và trái ngọt. Chứ đâu phải theo Mẹ lang thang kiếm sống qua từng bữa chợ. Không phải khi mùa gặt về theo Mẹ đi nhặt nhạnh từng nhánh lúa vung vãi dọc đường, những hạt thóc rụng rơi….
Cho đến nay, em tôi hoàn toàn không biết. Chứng bệnh thần kinh, đã đưa em tôi quên lãng những gì em cần được biết về quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
 Em gái ơi, khi anh viết dòng chữ nầy về em, đồng thời cũng là những cảm xúc nghẹn ngào, tuôn theo dòng lệ, chảy nhòa trên đôi mắt và lăn dài trên má anh đây! Em hãy biết là: Anh vẫn khóc, khóc cho em, khóc cho đến ngày anh không còn khóc được nữa nhé em. Người em gái út bé bỏng của anh!
Tôi không còn ở bên cạnh Mẹ tôi từ chuyến đò năm ấy(1963). Chuyến đò đã đưa tôi đi vào ngã rẽ của cuộc đời. Ngã rẽ cho một thiếu niên mười một tuổi, tự lập bản thân, ở một nơi mà tôi cho là xa lạ-Thành phố Huế. Thế là tôi không còn được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ cùng tuổi. Mãi đến bốn năm sau, tôi vào lớp đệ lục của một trường tư thục, bằng sự trợ giúp một phần của Mẹ của em gái tôi và cùng sự kiếm sống của tôi.
Từ ấy và mãi mãi sau này vào những đêm trăng, thậm chí cả đêm trăng của rằm tháng tám, trong khi lũ trẻ tung tăng với các loại đèn cùng đoàn lân đi khắp phố phường, đối với tôi là một điều xa lạ. Ngay như con chó vàng của tôi. Con chó mà Bác tôi đã xin của một nhà hàng xóm, đem về cho tôi khi Mẹ tôi sinh tôi vừa đầy tròn tháng; Bác nói: cho thằng “Chó Con” (tên Bác tôi đặt cho tôi) đó!  Tôi chơi đùa với nó trong những năm tháng ấu thơ. Nó cũng trở nên thin thít không “trăng vờn, nguyệt giởn” ngay cả những đêm trăng, có lẽ nó cảm thấy ngứa cổ, gai mắt khi nhìn những cái bóng của tàu lá chuối, lay lay trên cái nền sân cát trắng của nhà tôi, nó cũng không sủa vang bởi tiếng động xào xạc, như ai đó đi qua phía sau hè nhà. Nó đã câm nín, kể từ ngày: những cái bóng đen như một thứ ma quái và tiếng rít của những loạt đạn bay ra từ những họng súng, đã về vào đêm trăng ấy.
Có lẽ tôi và chó vàng không còn cảm giác của tuổi thơ.
Vâng, tôi đã không còn tuổi thơ, nó đã ra đi kể từ cái đêm trăng kinh hoàng đó và cũng là đêm ba mươi của đời tôi. Đêm không một chút trăng, sao! Đêm trăng tháng 5 năm 1954!