Dịch giả: Việt Dung
Chương 4

     áng hôm sau, trước lúc chuông chùa đổ, Mộc Nhĩ đã có mặt ở cửa nhà ông thợ Min. Đúng như nó trông chờ, bà vợ ông Min ra mở cửa cho nó.
Nó đưa cho bà cái bát làm từ quả bầu khô và lễ phép cúi đầu.
“Hôm nay cháu mang bát của cháu tới, để bớt phiền cho sư mẫu ạ”, Mộc Nhĩ thưa. Nó định bụng chỉ ăn một nửa phần cơm của mình rồi đem giấu cái bát ở chỗ nào đó, làm việc xong sẽ mang nửa còn lại về nhà cho bác Sếu.
Bà Min gật đầu, nhận cái bát từ tay nó. Thằng bé nhận thấy ánh mắt bối rối của bà. Hôm qua, Mộc Nhĩ trả lại cho bà cái bát và đôi đũa sau khi đã rửa và lau chùi sạch sẽ; rõ ràng nó đâu cần phải mang bát của nó đến làm gì.
Mặc cảm tội lỗi khiến Mộc Nhĩ phải quay đi. Nhưng nó tin rằng mình không làm gì xúc phạm đến bà. Mình thật lòng không lừa gạt ai cả, nó nghĩ bụng. Mà mình cũng đâu xin thêm thức ăn... Với bà ấy, chuyện này cũng chẳng có chút khác biệt nào...
Lại đẩy xe đi lấy đất sét cho ông chủ. Đến xế chiều, nó bắt đầu quen với công việc. Nó học được mẹo đào đất bằng mai - nhấn vừa đủ cho một lát xắn gọn gàng, không quá sâu đến mức chôn luôn lưỡi mai trong lớp đất dẻo. Công việc chạy nhanh hơn, những bắp thịt ở lưng và ở cánh tay đã cứng cáp hơn sau những ngày đốn củi nên không còn bị đau nữa.
Mộc Nhĩ đẩy xe đất sét cuối cùng về nhà ông Min. Như thường lệ, cuối ngày không thấy ông thợ gốm đâu. Mộc Nhĩ dựng xe dưới mái hiên và đi lấy nửa phần cơm trưa còn lại của nó.
Mộc Nhĩ nín thở. Cái bát không còn ở chỗ nó cất giấu dưới gốc cây bào đồng nữa. Nó sục sạo xung quanh gốc cây. Nó đã bọc cái bát trong một miếng vải và lấy một hòn đá chèn lên cơ mà. Miếng vải đây rồi, vắt qua một lùm cây lúp xúp và bị rách - còn kia, cách vài bước chân và ở bên trong bụi cây, là cái bát.
Cái bát rỗng không. Không chỉ rỗng, mà còn sạch bóng. Con thú hoang nào đó...
Thất vọng, uất ức, Mộc Nhĩ rú lên, nghe như tiếng tru của loài sói. Rồi nó nhặt cái bát lên, lấy hết sức ném mạnh vào bụi cây.
“Ái!” Tiếng kêu hoảng hốt vọng ra từ đâu đó sau lùm cây khiến Mộc Nhĩ khiếp đảm, khuỵu chân suýt ngã. Bà Min ló ra từ sau bụi cây, một tay cầm cái bát, tay kia cầm cái rổ đầy quả mọng mà bà vừa hái ở trên núi.
Bà mỉm cười dịu dàng đưa cái bát cho Mộc Nhĩ. “Cái bát này hẳn muốn thế chỗ cái nón của ta”, bà nói. “Một cái bát biết bay! Chả trách cháu thích nó hơn cái bát của ta”. Mộc Nhĩ bối rối và ngượng ngùng quá nên chỉ chực gật đầu đáp lại. Tuy vậy, nó đã kịp hiểu ra mọi chuyện, chuyển cái gật đầu thành một cái cúi chào lễ phép rồi nhanh chân lủi mất.
Lại một lần nữa nó không thể chia sẻ phần ăn của mình cho bác Sếu. Và tệ hơn cả là nó đã ném bát suýt trúng đầu sư mẫu.
Mộc Nhĩ làm việc cho ông Min tới nay tuy mới được hai tháng, nhưng cứ như đã một năm hay thậm chí lâu hơn nữa. Có những lúc khó khăn lắm nó mới nhớ nổi cuộc sống của mình trước kia ra sao. Ngày tháng cứ thế trôi qua đều đều, càng ngày nó càng cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Thức dậy từ rất sớm, làm việc cho ông Min, chén một nửa phần cơm trưa, lại làm việc, sau đó trở về cây cầu vào lúc sẩm tối.
Để tránh lũ thú hoang ăn mất nửa phần cơm dành dụm trong lúc nó đang làm việc, Mộc Nhĩ đem giấu bát cơm gần ngôi nhà hơn. Ở một góc xa trong sân nhà thầy, nó đào một cái hố chỉ đủ để đặt cái bát vào, rồi tìm một phiến đá phẳng khá lớn ở gần đó làm nắp đậy. Bát cơm không hề suy suyển kể từ khi nó giấu ở đấy. Từ đó trở đi, ngày nào nó cũng có thể mang nửa phần cơm về cho bác Sếu.
Đó là điều làm Mộc Nhĩ mãn nguyện nhất. Những bữa ăn bà Min dành cho nó tuy đạm bạc, nhưng bao giờ cũng làm vui lòng người bạn già của nó. Tối nào bác Sếu cũng thích thú mở cái gói bọc quả bầu khô như thể trong đó chứa ngọc ngà châu báu.
“Tối nay có đậu hũ”, bác Sếu sẽ reo, đôi mắt sáng lên. “Cả kim chi dưa leo nữa chứ. Thực khéo chọn món. Đậu hũ mềm như sữa đông, dưa leo thì giòn tan trong miệng. Của nhà người khác đậu hũ nhạt thếch, dưa leo thì đắng ngắt. Bà này đúng là một nghệ nhân”.
Vài ngày sau khi nó bắt đầu sử dụng chỗ giấu thức ăn mới, Mộc Nhĩ khám phá ra một điều kỳ lạ. Như thường lệ, nó chén hết một nửa phần cơm trưa. Nhưng cuối ngày, lúc lấy cái bát ra khỏi hố sau một ngày làm việc, tháo mảnh vải bọc ra xem lại thức ăn bên trong, nó thấy cái bát lại đầy vun lên.
Mộc Nhĩ tròn mắt ngạc nhiên. Nó nhìn về phía căn nhà, nhưng không thấy cả ông Min lẫn bà vợ. Thế là từ đó, tối tối nó lại về nhà với một bát thức ăn đầy, đủ bữa tối cho cả nó và bác Sếu.
Mộc Nhĩ bắt đầu được học cách lọc đất sét. Một công việc khá buồn tẻ, nhưng nó rất thích thú.
Ở một chỗ cách khá xa nhà ông thợ Min, gần con suối nước trong vắt, người ta đào một dãy hố nông rồi trải vài lớp vải thô lót dưới lòng hố. Đất sét được cho vào một hố, trộn với nước thành một thứ bùn sền sệt. Mộc Nhĩ dùng mái chèo gỗ quậy cho thật nhuyễn.
Sau đó, thứ nước bùn đặc quánh này được múc sang hố bên cạnh qua một cái sàng để loại bỏ những hòn sỏi nhỏ và rác rưởi. Cuối cùng, hỗn hợp được để lắng trong vài ngày, nước nổi lên trên mặt sẽ được tháo ra theo đường ống hoặc tát cạn.
Lúc đó, ông Min sẽ thò tay vốc lên những nắm đất sét tinh mịn và vân vê nó giữa những ngón tay. Mỗi khi làm thế mắt ông thường nhắm lại, chắc là để cảm nhận đất được tốt hơn, Mộc Nhĩ đoán vậy.
Nó không hỏi ông Min về chuyện này, bởi nó biết ông không ưa nói nhiều trong lúc làm việc. Muốn gì, ông chỉ quát vài tiếng cụt lủn. Cậu học trò phải đánh vật với những mệnh lệnh khó như câu đố. Bằng cách xem ông Min và những người thợ gốm khác làm, rồi mày mò một mình. Mộc Nhĩ không hiểu tại sao ông Min không giải thích công việc cặn kẽ hơn. Những sai sót của nó thường tiêu tốn thời giờ quý báu hoặc phung phí đất sét. Những lúc như vậy, ông Min quát tháo om sòm hoặc chì chiết dai dẳng. Mộc Nhĩ chỉ biết cúi đầu nhìn chăm chăm vào ngón chân của mình. Nó thấy tủi hổ, và có khi còn oán giận.
Nhưng kể từ hôm Mộc Nhĩ làm vỡ cái hộp, ông Min không bao giờ đánh nó nữa. Thời gian đầu, mỗi khi bị la rầy, Mộc Nhĩ luôn chắc mẩm sẽ bị ăn đòn. Trước đây, nó cũng thường bị đòn khi đang bới rác. Tuy vậy, kể cả những lúc ông Min nổi cơn thịnh nộ, dù nóng máu đến đâu, ông cũng không hề đánh nó.
Công việc khuấy, sàng, lắng và tát nước ra ngoài lặp lại nhiều lần cho đến khi ông Min hài lòng với chỗ đất sét lắng mới thôi. Điều đó còn phụ thuộc vào sản phẩm sắp tới sẽ là cái gì. Nếu đất sét dành để làm một cái ấm cứng cáp dùng hằng ngày thì lắng một lần là đủ. Nhưng với một cái lư hương trang trí tinh xảo do một nhà buôn giàu có đặt làm để cúng chùa thì đất sét phải lắng hai hay thậm chí ba lần. Đất sét đã qua sự kiểm nghiệm kỹ lưỡng của ông Min được vo thành những cục tròn lớn, sẵn sàng lên bàn xoay.
Phần đất sét tinh túy còn lại sau nhiều lần gạn lắng được dành để chế men ngọc bích. Với việc này, năm bảy lần lắng lọc vẫn chưa đủ. Mộc Nhĩ nhiều phen muốn bật khóc và tuyệt vọng đấm nắm tay vào tảng đất sét khi ông thầy bất ngờ ngoắt tay ra hiệu nó phải lọc thêm lần nữa.
Đất sét dùng chế men được trộn với nước và tro củi theo một tỷ lệ chuẩn xác. Cách pha trộn này hẳn là kết quả của một sự tình cờ đầy may mắn từ thời nảo thời nào. Có thể trong một lần nung nào đó tro bếp vô tình rớt lên mặt một chiếc bình tráng men thô ở trong lò và để lại những vệt men màu ngọc bích trong suốt. Ngày nay thợ gốm sử dụng tro than củi, mỗi người có công thức bí mật riêng, để tạo ra màu men đặc biệt.
Người thợ gốm nào cũng tự hào về màu men của mình! Chưa có ai đưa ra một tên gọi thỏa đáng cho những sắc độ ấy, vẫn biết là màu xanh lá cây đấy, nhưng bên dưới dường như vẩn lên những đám mây mang màu của da trời, của khói, của sắc hoa violet [1], lúc nào cũng chuyển động xôn xao khó nhận biết, tựa như mặt biển luôn biến đổi trong một ngày đầy mây. Những gam màu khác biệt ấy kết hợp với nhau tuyệt khéo ở những chỗ lớp men được tráng dày hơn một chút dọc những đường rạn hoặc những khoảng lồi lên của bề mặt lớp hoa văn chạm trên sản phẩm. Thật vậy, một học giả nổi tiếng người Trung Quốc từng có lần đưa ra danh sách mười hai tiểu kỳ quan thế giới - mười một trong số đó là của Trung Quốc và kỳ quan thứ mười hai là màu men ngọc bích của gốm sứ Triều Tiên! Ở làng Chulpo, đến trẻ con cũng biết điều này.
Mộc Nhĩ đã có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa kết quả của lần lọc đất đầu tiên với kết quả của lần lọc thứ ba chẳng hạn. Sau ba lần sàng lọc, đất sét láng mịn hơn trông thấy, sờ vào có cảm giác êm mượt và nhẹ như lông tơ, trong khi dường như vẫn còn cái gì lợn cợn sau lần lóng nước đầu tiên.
Nhưng từ lần lọc thứ tư trở đi thì hầu như không có khác biệt nào cả - ít nhất là đối với Mộc Nhĩ. Nó cũng nhắm mắt lại, nín thở và miết đất sét giữa những ngón tay, cố tìm xem có gì khác giữa lần lọc thứ năm và thứ sáu. Ông thợ Min cảm nhận được cái gì vậy? Tại sao nó lại không thấy gì hết?
Sư phụ Min không biểu lộ một dấu hiệu hài lòng nào với công việc của học trò. Ông chỉ lẳng lặng cầm một tảng đất sét lên, phăm phăm đi về nhà, để thằng bé ở lại tiếp tục công việc gạn nước. Mộc Nhĩ đành bấm bụng nghĩ rằng thầy mình mới là người làm được một cái gì đó với tảng đất sét ấy và chiếc bàn xoay.
Ngày trước, vểnh tai hóng chuyện trong làng luôn là một tuyệt chiêu của Mộc Nhĩ. Chẳng hạn, tin tức về một đám cưới có nghĩa là gia đình nhà gái sẽ làm cỗ bàn suốt mấy hôm trước lễ vu quy; đống rác nhà họ sẽ là kho báu của nó trong suốt thời gian ấy. Một thằng cu chào đời, một vị trưởng lão tạ thế... - những sự kiện như thế sẽ ảnh hưởng đến đống rác trước nhà.
Dĩ nhiên, chẳng ai rỗi hơi đi kể những sự kiện đại loại như thế cho một thằng bé cầu bất cầu bơ như nó. Sau bao năm, Mộc Nhĩ đã học được cách tìm kiếm manh mối qua những lời xầm xì quanh những biến cố trong nếp sống thường nhật của dân làng. Những bao gạo kìn kìn chở đến nhà nào là dấu hiệu báo trước một bữa yến tiệc sắp xảy ra; hoặc một ông bố say khướt đi liêu xiêu về nhà một đêm nọ đồng nghĩa với việc vợ ông ta vừa mới sinh quý tử.
Nhảy từ đống rác này sang đống rác khác, dừng lại ở hầu hết các ngôi nhà trong làng, lắng nghe những mẩu chuyện không đầu không đuôi trên đường đi - bằng cách đó Mộc Nhĩ nhận thức rõ được thân phận hèn kém của mình. Mọi người hoàn toàn phớt lờ nó. Thỉnh thoảng, dù trông thấy nó, họ vẫn cứ nói chuyện như thể chẳng hề có nó trên đời. Còn nó thì mang những câu chuyện và mẩu tin này về kể cho bác Sếu và bàn xem liệu những tin tức ấy có thể dẫn đến một bữa ăn tươi hơn cho hai bác cháu hay không.
Bác Sếu thường nói đùa: “Mộc Nhĩ à! Thấy chưa, cái tên của con thật hợp. Con giống như lỗ tai của cái cây nhỏ khẳng khiu, chẳng ai để ý đến nhưng lại nghe không thiếu chuyện gì!”
Trong thời gian học nghề gốm, đôi tai lại giúp nó thật đắc lực.
“Hai tháng mới xong một bình hoa!”
“Lão Min đúng là thợ rùa!”
“Một cái bình của lão Min có giá bằng hai con bò mộng, một con ngựa, cộng với đứa con trai đầu lòng của ngươi đó!”
Đó là những lời bình phẩm thông thường của cánh thợ gốm và cả một số dân làng. Chỉ là những lời bông đùa hời hợt, nhưng thấp thoáng ý chế giễu. Lâu dần, Mộc Nhĩ hiểu ra rằng thầy mình nổi tiếng làm việc chậm, rất chậm và bán giá rất cao. Phải thật lâu ông mới cho ra đời một món đồ. So với những người thợ gốm khác trong làng, sản phẩm của ông ít hơn nhiều, nhưng giá bán bao giờ cũng cao hơn. Những gì qua bàn tay ông đều nổi bật vẻ đẹp riêng, không phải ai cũng có đủ tiền mua.
Chẳng ai kể, nhưng Mộc Nhĩ vẫn biết được rất nhiều chuyện. Chẳng hạn, thời trai trẻ, sư phụ nó là một trong những thợ gốm thành công nhất ở Chulpo, chỉ vì quá cầu toàn nên đã bỏ lỡ nhiều thương vụ cung cấp hàng với tiền công hậu hĩnh. Người mua dần dần chán nản vì phải mỏi mắt chờ đợi hàng nhiều tháng trời sau khi thời hạn thỏa thuận đã hết. Những lần sau, họ tìm đến người thợ khác để đặt hàng. Thật ra, vẫn còn có người sẵn sàng chờ đợi các kiệt tác của ông Min, nhưng số này mỗi năm mỗi ít dần đi.
Ngoài những điều kể trên, ông Min còn nhắm tới mục đích cao hơn nữa: cung cấp vật phẩm cho hoàng gia; đồ dùng hàng ngày cho nhà vua; những tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong các cung điện, đền chùa. Và quan trọng hơn hết là những phẩm vật được triều cống ra nước ngoài để bày tỏ thiện chí hòa bình và lòng ngưỡng mộ đối với quốc gia lớn nhất thế giới - nước Trung Hoa... Những vật như vậy mới được cho là sự đền bù xứng đáng nhất và là sự tưởng thưởng hào phóng nhất. Được làm hàng cho hoàng gia là giấc mơ của tất cả mọi thợ gốm, nhưng Mộc Nhĩ cảm nhận được rằng đối với thầy nó, điều này còn hơn cả giấc mơ cao vời nhất. Đó là nỗi khao khát trọn đời của người thợ tài hoa.
Như vậy, Mộc Nhĩ biết về ông chủ mình qua những người khác, qua quan sát và hít thở cái không khí làm việc của ông, nhưng chưa bao giờ qua một lời nào từ chính miệng ông, ngoài những mệnh lệnh cộc lốc.
Mận trong làng trổ hoa khắp lượt. Những cánh hoa trắng nhỏ bồng bềnh rơi như bông tuyết, để lại những quả mận xanh non bé tí tẹo thẹn thò nấp trong đám lá. Trong khi Mộc Nhĩ học cách xắn và lọc đất sét, những quả non bé bỏng mỗi ngày một phổng phao hơn, có thêm sắc tía cho đến khi nặng dần, chín mọng và rơi lộp bộp xuống đất. Bác Sếu nhặt quả chín cho vào cái vạt áo chẽn của bác đã được cột lại để làm giỏ đựng.
Đến cuối hè, hai bác cháu luôn có đủ cái ăn. Bát cơm trưa vơi đi một nửa bao giờ cũng biến thành một bát cơm tối đầy ắp. Có lần Mộc Nhĩ đã bị cám dỗ muốn chén sạch cả bát cơm, vì biết rõ rằng thế nào cái bát rỗng cũng sẽ lại đầy. Nhưng ý nghĩ đó đã khiến nó hoảng sợ. Con người ta dễ trở nên tham lam như thế đấy! Và nó hiểu mà không cần phải hỏi, rằng bác Sếu sẽ không bằng lòng nếu nó làm thế, vì bác thường nói, lợi dụng lòng tốt của người khác là không tốt.
Mộc Nhĩ cân nhắc rất lâu và rất kỹ lưỡng để tìm cách trả ơn bà Min. Nó cảm thấy hổ thẹn vì một chuyện đơn giản như thế mà cũng không làm được. Thỉnh thoảng được thầy cho về sớm, nó đi quanh nhà, cố tìm ra những việc lặt vặt để làm - nhổ cỏ dại trong vườn rau hay quét sân. Chiều nào trước khi ra về nó cũng đi múc nước suối đổ đầy thùng chứa. Chán thật, chỉ có thể làm được có bấy nhiêu đó để tỏ lòng biết ơn. Nỗi buồn ấy giống tiếng muỗi vo ve, nhỏ thôi nhưng liên tục, ám ảnh mãi.
Tuy nhiên, nỗi buồn ấy cũng không đủ sức làm nó phải lo lắng trong suốt những ngày tháng tươi đẹp đáng nhớ này - những ngày nắng vàng rực rỡ, những đêm ấm áp bình yên, có việc để làm, có cái để ăn. Và như bác Sếu vẫn thường nói, không gì tốt đẹp hơn việc tráng miệng sau bữa ăn bằng một quả mận chín ngọt.
Chú thích:
[1] Hoa violet: Một loại hoa bông nhỏ màu tím mọc ở vùng khí hậu lạnh - ND.