Dịch giả: Việt Dung
Chương 8

     ng thợ Min bắt đầu làm một loạt bình khảm khác. Nhưng trước khi việc nắn xương gốm trên bàn xoay hoàn tất, thuyền của sứ thần đã cập bến. Sứ thần Kim phái một người truyền tin đến hỏi các thợ gốm trong làng xem họ có sản phẩm mới để giới thiệu hay không, ông thợ Min phẩy tay xua người đưa tin đi không nói một lời.
Buổi sáng hôm sau, tin tức truyền đi khắp làng như một làn gió biển bất ngờ: sứ thần đã viếng thăm nhà của bác thợ Kang. Và bác ta được chọn làm người cung cấp đồ sứ cho hoàng cung.
Sau đó, cũng vào buổi sáng hôm ấy, Mộc Nhĩ quét dọn tàn tích của những chiếc bình bị đập trong sân nhà ông chủ. Đúng như nó nghĩ - nước men của tất cả những mảnh vỡ đều mang những vết lợn cợn màu nâu. Mộc Nhĩ đờ người vì thất vọng; nó tự hỏi không biết ông thợ Min còn cảm thấy tồi tệ đến mức nào.
Ông chủ vẫn chưa ra khỏi nhà ban những chỉ thị trong ngày cho Mộc Nhĩ, vì vậy nó tha thẩn đi về phía những luống rau. Nó ngồi xổm, bắt đầu nhổ cọng đầu tiên trong hàng ngàn cọng cỏ dại đang làm hại luống dưa leo quý giá của bà Min.
Ai đó gọi to phía trước nhà. Mộc Nhĩ nhận ra đó là giọng của ông quan Yee.
“Ông thợ Min! Sứ thần đến đây này. Ngài muốn nói chuyện với ông”.
Mộc Nhĩ đánh rơi mớ cỏ dại nó đang cầm, ba chân bốn cẳng chạy đến cửa sổ bên hông nhà. Nó chỉ nhìn thấy được rất ít nhưng lại nghe được tất cả. Ông Min mời quan Yee, sứ thần Kim và những người trong đoàn tùy tùng vào nhà. Họ im lặng ngồi xuống quanh chiếc bàn thấp. Mộc Nhĩ nghe thấy tiếng đồ gốm va chạm nhau lách cách khi bà Min rót nước mời họ dùng trà.
Sau đó sứ thần Kim cất tiếng. “Đồ sứ khảm của đồng nghiệp của ông là sản phẩm mới lạ, táo bạo và là mối quan tâm lớn của triều đình”.
Im lặng một lúc; Mộc Nhĩ hình dung cảnh ông thợ Min đang kính cẩn gật đầu tán thưởng.
“Ta sẽ đi thẳng vào việc. Những phẩm chất khác của sản phẩm của ông thợ Kang thì... Ta biết nói sao đây?... Ờ, thì không hợp với tiêu chí của ta cho lắm. Vì thế ông ấy chỉ được giao sứ mạng làm gốm trong một thời gian ngắn. Ông ấy sẽ cung cấp đồ gốm cho triều đình trong một năm, để thử xem sản phẩm của ông ta có làm hài lòng Đức vua anh minh của chúng ta hay không?”
Sứ thần Kim đắn đo, rồi nói tiếp: “Ta rất muốn trao cho ngươi niềm vinh dự cung cấp hàng cho hoàng cung. Nhưng sẽ là tắc trách nếu như ta phớt lờ, bỏ qua kỹ thuật mới này. Nó phải được dâng lên triều đình”.
“Bây giờ ta sẽ trở về kinh. Nhưng nếu ngươi làm ra được sản phẩm khảm dát thì hãy mang lên kinh cho ta xem. Ta sẽ đặc biệt lưu tâm đến sản phẩm của ngươi”.
Mộc Nhĩ hầu như không nén nổi niềm phấn khích đang trào dâng. Mảnh vỡ! Nó như muốn hét toáng lên. Hãy chỉ cho ngài ấy xem những mảnh vỡ từ đống phế phẩm! Là một chuyên gia - ngài sẽ hiểu về việc nung.
Nhưng đúng lúc ấy, ông thợ Min cất tiếng: “Thảo dân thật vinh hạnh được đại quan khen ngợi, và ước gì mình xứng đáng với lời khen ấy. Nhưng bây giờ thảo dân đã già, không thể tới kinh đô được. Xin cảm tạ đại quan đã hạ cố và cầu xin ngài thông hiểu cho sự ngu hèn của thảo dân”.
Mộc Nhĩ nghe tiếng quần áo sột soạt khi sứ thần đứng dậy và đi ra cửa. Ngài nói thêm vài lời nữa.
“Ta mong ngươi sẽ tìm ra được cách nào đó. Ta sẽ rất buồn nếu đây là lần cuối cùng được thấy tuyệt tác của ngươi”. Nói rồi ngài cùng đoàn tùy tùng ra về.
Mộc Nhĩ quay lưng, ngồi bệt xuống, tựa hẳn vào tường, hai tay ôm lấy đầu. “Ôi, ông già ngu ngốc!” nó nghĩ. “Ông ấy không muốn sứ thần trông thấy nước men không hoàn hảo... Vì quá kiêu hãnh mà ông ấy không nhận được sứ mạng cung cấp hàng cho triều đình. Ông già thật ngớ ngẩn...”
Vừa lúc đó, bà Min vòng ra hiên nhà, trên tay bê một chậu quần áo. Mộc Nhĩ vội vàng nhổm dậy để giúp bà. Bà gật đầu cám ơn, vẫn trầm lặng như bao lần, như thể những sự kiện náo động mấy ngày qua chưa hề xảy ra. Họ đứng ở hai bên hàng dây phơi. Mộc Nhĩ chuyền quần áo cho bà phơi lên dây. Vẻ trầm tĩnh của bà cùng nhịp điệu công việc đã xoa dịu những căng thẳng vừa qua của Mộc Nhĩ.
Tuy nhiên, một lần nữa, Mộc Nhĩ ước sao nó có thể nghĩ ra cách bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tấm lòng nhân hậu của bà. Bà ấy muốn gì nhỉ? Nó tự hỏi. Dường như bà chẳng có mong ước gì cho bản thân mình cả... Hay có lẽ mong ước của bà là mong ước của chồng bà.
Đột nhiên, câu trả lời bật ra như thể nó đến từ trên bầu trời cao xanh trên đầu.
Hãy cho ông thợ Min một ân huệ - một ân huệ lớn - đó là cách để cảm ơn bà. Thành công của chồng là điều bà Min tha thiết nhất. Trước khi kịp nghĩ cho chín, nó đã nghe thấy tiếng mình nói.
“Cháu có một thỉnh cầu với bà vì bà là vợ người thợ gốm đáng kính”, nó nói.
“Cứ nói đi cháu”, bà đáp.
“Cháu... Cháu đã nghe được lời đề nghị hào phóng của vị sứ thần”, nó thú nhận, liếc nhìn bà thật nhanh. Hai mắt bà nheo lại vui vẻ, và nó hiểu bà không trách cứ chuyện nó đã nghe trộm.
“Nếu ông chủ làm ra một chiếc bình mà ông thấy đáng được triều đình chú ý, thì sẽ là vinh dự lớn nhất cho cháu nếu được phép thay mặt ông mang nó đến kinh thành Songdo”.
Gương mặt người đàn bà bị tấm vải lanh mà bà đang phơi che khuất một phần. Bà đăm chiêu nhìn vào hàng dây phơi một lúc rồi mới trả lời. “Ta sẽ nói với ông chủ, nhưng với một điều kiện”, bà nói. “À không, hai điều kiện. Thứ nhất là cháu phải quay trở về Chulpo nhanh chóng và bình an”.
Mộc Nhĩ cúi mình, bối rối. Tại sao việc nó đi như thế nào lại quan trọng đối với bà đến thế?
“Và điều kiện thứ hai...”, bà dừng lại một chút “Điều kiện thứ hai là từ nay trở đi, cháu hãy gọi ta là Ajima”.
Mắt Mộc Nhĩ bỗng rưng rưng. Nó cúi xuống nhặt một bộ quần áo lên. Ajima có nghĩa tương tự như “cô, dì”, một lối xưng hô tình cảm chỉ dành để gọi những người phụ nữ lớn tuổi trong dòng họ. Mộc Nhĩ chẳng còn ai là bà con ruột rà với nó, ấy thế mà giờ đây bà Min lại muốn nó gọi bà là Ajima. Nó bối rối, không biết nó có thốt lên được cái từ đó hay không?
“Sao, Mộc Nhĩ?” vẻ bông đùa lại trở về trong giọng nói của bà. “Cháu có đồng ý với những điều kiện của ta không?”
Mộc Nhĩ gật đầu. Nó nói từ đằng sau mớ quần áo bay phần phật trên dây phơi. “Cháu đồng ý”, nó nói, rồi ấp úng, giọng trượt đi nghe như tiếng thì thầm. “Cháu đồng ý... thưa Ajima”.
Vài ngày sau đó, Mộc Nhĩ ngồi co ro dưới chân cầu, nhìn bâng quơ trong khi bác Sếu cạo ra một miếng dăm gỗ nữa từ đôi đũa mà bác đang chuốt. Không ngước nhìn lên, bác thủng thẳng nói: “Thật tệ là đầu óc của con không nối với một sợi dây nếu không thì lúc này ta đã giật cho nó một cú ra trò rồi - để xem có cái gì trong đó”.
Mộc Nhĩ nhai một bên má. Lẽ ra nó phải biết rằng họa có điên mới toan giấu bác Sếu một bí mật, dù chỉ trong một vài ngày.
“Con sắp sửa đi xa một chuyến”, Mộc Nhĩ thốt lên. Nó định nói thật rành mạch, nhưng thay vì thế, giọng nó lại ông ổng và khàn hẳn đi.
“Đi xa hả?” bác Sếu vẫn tiếp tục vót đũa. “Sẽ là điều tốt đối với một người đàn ông nếu được nhìn ra thế giới bên ngoài. Thế, con sẽ đi đâu?”
Hai ngày trước, khi giao cho Mộc Nhĩ lau rửa mấy món đồ nghề, ông Min bảo: “Mấy cái bình sẽ xong vào giữa mùa hè. Nếu mày đi vào lúc đó có lẽ sẽ kịp về đến nhà trước khi tuyết xuống”. Theo đó, Mộc Nhĩ hiểu rằng ông Min sẽ sai nó lên kinh đô Songdo.
Kể từ giây phút ấy, nó đâm ra hối tiếc là mình đã quá hấp tấp khi đưa ra lời đề nghị. Kể từ khi nó tới đây lúc mới lẫm chẫm biết đi, nó chưa bao giờ rời Chulpo lấy một lần. Làm sao nó dám nghĩ là mình có thể thực hiện được một cuộc hành trình dài như vậy? Sẽ phải mất nhiều ngày vượt qua những ngọn núi xa lạ, nơi mà đến cả chỗ đặt chân cũng không có, chứ đừng nói là một con đường. Rất có thể nó sẽ bị lạc. Và ai mà biết có những hiểm họa nào đang chực chờ nó? Sơn tặc, thú hoang, đá lở... Mà nó đang nghĩ gì vậy? Nhưng giờ thì nó sẽ phải làm gì đây - nói với ông Min là mình đã đổi ý chăng?
Không. Đi lên kinh đô là chuyện vô cùng khó, nhưng không đi thì mọi chuyện còn tồi tệ hơn.
“Ông thợ Min có một số sản phẩm phải được chuyển đi... để trình lên triều đình”.
Bác Sếu đặt con dao xuống, ngả người ra sau, và khoanh tay lại. “Để trình lên triều đình? Con nói gì mà như đánh đố thế? Sao con không nói thẳng ra là con sẽ đi lên kinh đô?”
Mộc Nhĩ nuốt khan một cái. Nó đứng dậy đi vài bước ra mép nước, nhặt lên một hòn đá dẹp ném thia lia trên mặt nước. Hòn đá lấp lánh nhảy chồm chỗm trên mặt nước bốn lần. Làm sao mà một hòn đá có thể nhảy giống như chim vậy?
Bác Sếu cũng đứng dậy, ném đi một hòn đá. Sáu lần. Mộc Nhĩ nhún vai. Một nụ cười bất giác nở trên môi nó. Trong suốt bấy nhiêu năm sống dưới chân cầu này, nó chưa một lần đánh bại được bác Sếu trong trò chơi này. Cùng nhau, họ đứng nhìn cho đến khi những gợn sóng lăn tăn quanh điểm chạm nước của hòn đá lan xa rồi tan biến.
“Con sẽ đi... đi lên kinh đô”, cuối cùng Mộc Nhĩ nói, như thể để kiểm tra lời nói của mình. Nó khẩn khoản nhìn người bạn già. “Hình như kinh đô xa lắm”.
“Không đâu, chú nhỏ”, bác Sếu bảo. “Nơi đó chỉ xa bằng ngôi làng bên cạnh thôi. Với đôi chân mạnh khỏe của con chỉ là một ngày đi bộ”.
Mộc Nhĩ cau mày, không hiểu. Nhưng trước khi nó kịp nói thì bác Sếu đã tiếp lời. “Trí óc con biết rằng mình sắp đi lên kinh đô. Nhưng con tuyệt đối không được nói cho thân thể con biết điều đó. Hãy chỉ nghĩ đến một ngọn đồi, một thung lũng và một ngày đi đường mà thôi. Theo cách ấy, tinh thần con sẽ không bị mệt mỏi trước khi con khởi hành. Một ngày, một ngôi làng. Con sẽ đi như thế đấy, bạn của ta”.
Mộc Nhĩ nhìn bác Sếu đang thò cây nạng khuấy nhẹ mặt nước. Sau đó, bác nhấc chiếc nạng đang nhỏ nước ròng ròng lên và chỉ về phía Mộc Nhĩ.
“Hãy kiếm một ít rơm mang về đây cho ta. Con sẽ cần thêm một vài đôi dép cho chuyến đi này. Ai sẽ làm chúng, ngoài ta?”
Ông thợ Min dành hết thời gian vào loạt bình mới, một hoặc hai chiếc trong số đó sẽ được chọn để mang lên kinh đô. Tuy nhiên Mộc Nhĩ lại cảm thấy công việc trôi đi chậm rì. Nó làm việc tất bật trong suốt quãng thời gian trước những chuyến viếng thăm của sứ thần nên đã sớm hoàn tất mọi phần việc của mình.
Củi đã được chất đầy trong nhà kho ở khu lò nung; những thoi đất sét và những bát nước áo đã sẵn sàng cho ông thợ cả sử dụng. Vì thế, lúc này nó cảm thấy chân tay thừa thãi, có quá nhiều thời gian để nghĩ ngợi.
Và nó suy nghĩ rất lung, thu hết can đảm để cuối cùng dám đến trước mặt ông thợ Min với một lời thỉnh cầu.
“Chuyện gì nữa đây?” ông Min hỏi, bởi vì suốt buổi chiều muộn hôm ấy ông thấy nó cứ loanh quanh bên hông nhà, đợi cho ông ngước mắt lên khỏi bàn xoay.
“Thưa ông chủ”, Mộc Nhĩ cúi mình. “Đến nay tính đã hơn một năm cháu có vinh dự được làm việc cho ông”.
“Một năm... ừ. Rồi sao?”
Mộc Nhĩ chặn tay lên bụng giữ cho thân hình khỏi run lên bần bật. “Cháu băn khoăn... không biết ông chủ có hài lòng... nếu ông chủ nghĩ rằng công việc của cháu là xứng đáng...”
Ông thợ Min gắt: “Nói gì thì nói nhanh lên không thì để cho ta yên!”
“Liệu có một ngày nào đó, ông chủ có thể dạy cho cháu cách làm một chiếc bình không ạ?” Mộc Nhĩ nói một hơi.
Ông Min ngồi lặng đi một lúc, đủ lâu khiến cho Mộc Nhĩ thắc mắc không biết lời thỉnh cầu của mình có rõ nghĩa không. Cuối cùng ông đứng dậy và Mộc Nhĩ ngẩng đầu lên.
“Này, đứa trẻ mồ côi kia”, ông nói từng tiếng tách bạch. “Nhớ rằng nếu có bao giờ mày học làm bình gốm, thì quyết sẽ không phải là học từ tao”.
Mộc Nhĩ không kìm nén được nữa. “Tại sao?” nó kêu lên “Tại sao ông chủ lại không dạy cho cháu?”
Ông thợ Min nhấc chiếc bình đang nắn nửa chừng trước mặt mình lên, ném phịch xuống bàn xoay làm Mộc Nhĩ phải ngần ngại.
“Tại sao à?” ông thợ Min nhắc lại. “Để tao giải thích cho mà biết”. Giọng của người thợ gốm trầm xuống, và hơi rung vì cố kiềm chế: “Nghề gốm là nghề cha truyền con nối và chỉ truyền cho con trai. Tao từng có một đứa con trai, thằng Hyung-gu. Nhưng nó đã chết rồi. Nó mới là đứa mà tao có thể truyền nghề cho. Còn mày...”
Mộc Nhĩ nhìn vào đôi mắt ông thợ gốm đang lồng lên vì đau đớn và giận dữ. Ông Min nghẹn ngào thốt ra những lời cuối cùng: “Mày... mày đâu phải là con trai tao”.